Thứ Ba, 10 tháng 6, 2014

Ba Tôi - Phượng Ngày Xưa


Ba Tôi                                               
             Phượng Ngày Xưa                                                        
            
  Hồi còn nhỏ mỗi lần nghe Ba ngâm nga hai câu thơ lục bát:
          “Con trai nối dõi tổ tông
          Con gái nuôi dạy tốn công, chẳng nhờ.”
tôi cảm thấy tủi thân làm sao.  Nhưng một sự việc xảy ra làm tôi thấm thía tình thương Ba dành cho tôi. Hôm ấy tôi bị bịnh, sốt thật cao.  Thời bấy giờ ở làng quê, phương tiện giao thông khó khăn nên Ba  phải cõng tôi chạy cả cây số để tìm xe đưa tôi đi bệnh viện. Lúc tỉnh dậy,  thấy Ba đang ngủ gục bên giường mà tay vẫn còn để trên trán mình, tôi vội vàng gượng ngồi dậy, ôm hôn Ba tới tấp rồi như không nén được cảm xúc, tôi bật khóc nức nở. Đó là lần đầu tiên tôi khóc vì cảm động do cử chỉ và hành động thương yêu con của Ba.  Khi tôi hết bịnh về nhà, Ba còn câu được một con cá lóc thiệt bự, nấu cháo cho tôi ăn… Từ đó, mỗi lần nghe Ba ngâm hai câu thơ ấy tôi không còn buồn tủi nữa và thầm hứa sẽ thương Ba suốt đời.
Ba sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, đông con.  Học chưa hết bậc tiểu học, ba đã phải đi chăn trâu mướn cho điền chủ để kiếm miếng ăn.  Lớn lên, dáng vóc Ba không cao to lắm nhưng rất điển trai: trán Ba đã rộng, mũi cao, mày rậm, tai dài, mắt to, môi mỏng mà Ba còn kể chuyện rất hấp dẫn, thu hút người nghe… Ngần ấy thứ đủ để cho  mấy cô thôn nữ mê tít Ba rồi .
 Quê Ba ở vùng Đồng Tháp Mười rất nghèo nàn. Vào mùa nước nổi, đồng ruộng bao la ngập nước trắng xóa như một tấm thảm bạc, mênh mông trải dài đến tận chân trời nên đời sống khó khăn Sau bao suy nghĩ đắn đo, cuối cùng  năm  mười tám tuổi, Ba bỏ quê lên Sài Gòn, sống lang bạc giang hồ, rày đây mai đó, làm đủ thứ việc để kiếm sống.   May mắn thay, Ba được một ông chủ tiệm may nhận vào học nghề nhưng sau hai năm ăn ở nhà chủ, Ba chưa thành “thợ may” mà  đã thành “chồng” của cháu ông chủ, rồi hai năm sau, Ba lên chức “cha” của hai cô công chúa thật xinh đẹp.
Cuộc sống “bốn không” (không tiền, không nhà, không nghề nghiệp, không tương lai) của Ba làm sao có thể kéo dài bên người vợ trẻ đẹp và hai con nhỏ?  Vì thế, Ba đành phải bỏ Saigon về lại quê nhà.  Duyên nợ ba sinh, Ba Má gặp nhau, phải lòng nhau, rồi Má phải gánh chịu sự đớn đau, cay đắng của tiếng đời dèm xiễm. Từ một cô con gái rượu của một thương gia giàu có người Trung Hoa, Má đã rủ bỏ tất cả để cùng Ba về Tây Ninh chung sống… Má tâm sự cùng tôi rằng Má là một “nạn nhân tình nguyện” của Ba nên má không hề hối hận vì trong đám trai làng lúc bấy giờ không ai có thể sánh với Ba.
Thế nhưng, giấc mơ tình yêu không chỉ toàn màu hồng.  Một người tay không chân rỗi như Ba mà lại cưu mang một tiểu thư đài các như Má thì tình yêu ngàn cân đó như treo trên sợi tóc. Má đã quá cực khổ để cùng Ba chạy lo miếng cơm manh áo nên Má ốm o gầy còm  đưa đến việc hư thai đầu vì kiệt sức.  Đứa thứ hai lại là gái, Ba thất vọng não nề…

 Rất may là hai năm sau, má sanh một hoàng tử thật bụ bẫm dễ thương, rồi hai năm sau nữa, “Công Chúa Nhỏ” tôi ra đời… Những năm kế tiếp, một hoàng tử, ba cô công chúa và một hoàng tử út nối bước sau lưng tôi làm ba tôi rất hãnh diện, nhưng tiếc thay đứa em trai kế tôi bị bạo bệnh chết lúc mới lên bảy tuổi.

Bảy anh chị em chúng tôi lớn lên trong no ấm và trong tình thương yêu vô tận của Ba Má. Nhưng chiến cuộc nước nhà  đổi thay, mới sáu mươi tuổi Má đã mất vì đau buồn con lâm cảnh tù đày, vì thời buổi khó khăn, thiếu thốn mọi thứ kể cả thuốc men.  Sự ra đi của Má đã gây một cú sốc nặng trong lòng anh chị em chúng tôi và nhất là Ba.  Ai cũngcảm tưởng như mình bị hụt hẩng chơi vơi trong cõi không gian u tịch.  Rồi tất cả cũng nguôi ngoai theo thời gian... Hàng ngày, Ba ra sau vườn chăm sóc cây trái hoặc đùa giỡn với đám cháu ngoại… Ba sống đến tám mươi bảy tuổi nhưng cũng chưa có cháu nội để ẵm bồng.  Cảm nhận tình cảnh của ba ngậm ngùi sửa lại hai câu thơ trên là:
          “ Con gái chăm sóc cha già
          Con trai cải tạo, cả nhà sầu đau”
                                     
Tháng Tư năm 1993
Phượng Ngày Xưa

Không có nhận xét nào: