Thứ Hai, 20 tháng 3, 2017

Lễ Tưởng Niệm GS Tiến Sĩ Nguyễn Văn Dương tại Nam Cali



GS Tiến Sĩ Nguyễn Văn Dương (19/3/2017)

GS Nguyễn Văn Dương, Tiến Sĩ Văn Chương VN, nguyên là giáo sư tại Viện Hán Học, Đại học Văn Khoa và Sư Phạm tại Huế và Saigon, đã qua đời tại Việt Nam trong tháng 2/2017 (sau Tết Đinh Dậu) hưởng thọ 85 tuổi. Gia đình đã cử hành lễ nghi an tang tại Saigon và anh chị em cựu sinh viên, cựu học sinh của Thầy Dương, cũng đã tổ chức tưởng niệm Thầy tại Huế. Tại hải ngoại, vì hoàn cảnh mỗi người một nơi, rất khó họp mặt nhưng  một số anh chị em tại Nam Cali cũng đã họp nhau tại nhà của anh Nguyễn Lý-Tưởng để tưởng nhớ vị thầy khả kính là Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Văn Dương  vào lúc 11 giờ sáng Chúa nhật 19/3/2017...Anh chị em đã cố gắng thiết lập một bàn thờ đơn sơ gồm có hoa đèn và di ảnh của Thầy để cùng nhau tưởng nhớ đến Thầy. Có tất cả 7 cựu sinh viên Hán Học là Nguyễn Thị Cam, Trần Thanh Hương, Phan Cảnh Lãng, Võ Hồng Phi, Nguyễn Văn Sĩ, Lê Kim Truyên và Nguyễn Lý-Tưởng và bốn người con rể và con dâu của Viện Hán Học (chồng của các chị Nguyễn Thị Cam, Võ Hồng Phi,  Thanh Hương và vợ của anh Phan Cảnh Lãng)...tất cả 11 người.
Anh Nguyễn Lý Tưởng đại diện anh chị em nói vài lời tưởng nhớ công ơn Thầy...sau đó, chị Lê Kim Truyên cũng đã phát biểu một bài về Thầy rất cảm động...Anh chị em lần lượt đến trước di ảnh Thầy vái lạy rất cung kính.  Trong lúc ăn trưa, anh chị em cùng nhau hàn huyên kể lại những kỷ niệm với Thầy ngày xưa và nêu lên những đức tính cao quý của Thầy là một nhà giáo gương mẫu, đạo đức, một nhà nghiên cứu, dịch thuật, một nhà văn hóa đã để lại cho đời nhiều tác phẩm nghiên cứu rất giá trị. Anh Nguyễn Lý-Tưởng có thông báo và mời anh chị em tham dự cuộc họp mặt kỷ niệm 60 năm thành lập Đại Học Huế sẽ tổ chức tại nhà hàng Dynasty, San Jose vao ngày  Chúa nhật 09 tháng 7/2017 từ 10 giờ sáng đến 3 giờ chiều. Anh chị em đã quyết định sẽ có một phái đoàn khoảng 8-9 người tham dự. Anh Nguyễn Lý Tưởng cho biết anh đã đặt trước một bàn 10 người dành riêng cho phái đoàn Viện Hán Học.
(NLT)






Tưởng Niệm Thầy Nguyễn Văn Dương

      (Bài của Kim Truyên đọc trước linh vị của Thầy)

Kính lạy thầy,
Hôm nay 11 giờ sáng ngày 19 tháng 3 năm 2017, chúng em, cựu môn sinh của thầy ở hải ngoại họp mặt tại nhà anh Nguyễn Lý Tưởng, con chim đầu đàn của sinh viên Hán Học tại Hải Ngoại, để tưởng niệm một vị thầy đáng kính đã qua đời: Giáo Sư Tiến Sĩ Nguyễn Văn Dương.

Kính lạy thầy, thầy sống khôn thác thiêng, xin hồn thầy về đây nhận lấy lòng kính phục, thương tiếc vô vàn của cựu sinh viên Hán Học Hải Ngoại đang vây quanh di ảnh thầy trong giờ phút này.
Suốt năm năm học tại Viện Hán Học, chúng em nhận ra rằng: Thầy là vị thầy trẻ nhất trong các vị thầy ở Viện Hán Học, như anh Nguyễn Lý Tưởng đã viết bài tưởng niệm thầy khi thầy vừa mới mất: “Thầy là vị thầy am hiểu cổ văn, còn thông thạo tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Hoa, tiếng Nhật, một người thầy thật hiếm có. Thầy rất đam mê nghiên cứu các tác phẩm văn học Đông Tây rồi dịch thuật cho sinh viên tham khảo.” Ngay từ bé thầy đã tự lực tự cường, chăm chỉ học hành tiến thân trong mọi lãnh vực.
Năm năm theo học tại Viện Hán Học, thầy đã truyền đạt kiến thức sâu rộng cho chúng em để làm hành trang vào đời và áp dụng vào nghề dạy học sau này. Những bài viết tưởng niệm về thầy của anh Nguyễn Đức Cung, anh Nguyễn Lý Tưởng, anh Hoàng Đằng, anh Bá Yên đều ca tụng suốt cuộc đời thầy dâng hiến cho văn học, giáo dục, nghiên cứu, dịch thuật,... Chúng em vô cùng cảm phục và quý mến thầy.

Kính lạy thầy,
Thời gian qua đi, mọi việc trên đời này đều đi vào dĩ vãng, nay thầy đã vĩnh biệt cõi đời này. Tính từ hai năm cuối cùng tới hôm nay là năm mươi hai năm đã qua rồi, những kỷ niệm lần lượt gợi nhớ, hiện ra trong trí óc em! Kỷ niệm vừa đẹp, vừa vui buồn lẫn lộn thầy ơi! Có duyên mà chẳng có nợ. Mọi sự đã đi vào dĩ vãng xa vời… Em rất vui mừng khi được biết người bạn trăm năm của thầy là người bạn thân của em- một người bạn em yêu thương quý mến khi hai đứa còn độc thân- rất hiền lành, dễ mến, xứng đáng là người vợ hiền của thầy.
Đọc bài viết của anh Hoàng Đằng tưởng niệm về thầy, có đoạn kể thầy vượt biên nhưng không thành công, thầy phải vào tù. Họ tôn trọng thầy vì biết thầy là thành phần học thức uyên thâm, lại bỏ công rất nhiều vào lãnh vực nghiên cứu văn học nên họ cấp thầy một phòng rộng để thầy tiếp tục công việc nghiên cứu. Qua sự việc trên, bây giờ em mới hiểu ra rằng, thầy đến thăm em tại nhà riêng của em ở sau trường Đắc Lộ là nhờ em tìm đường vượt biên cho chính thầy, chứ không phải cho người khác.  Nhưng vì đường dây đã chấm dứt nên em không đáp ứng được yêu cầu của thầy. Từ đó, em không gặp thầy nữa. Qua Mỹ, em mới gặp thầy lại khi thầy qua thăm con gái. Ngọc Quế có viết thư hỏi thăm em, nhưng hồi đó em không hồi âm được vì lý do sức khỏe. Kỷ niệm ấy em vẫn còn nhớ đến bây giờ.

Kính lạy thầy,
Cuộc sống trần gian tám mươi lăm năm của thầy đã kết tinh bằng những đam mê, nghiên cứu sâu rộng, những tác phẩm để lại hậu thế, bằng những đức tính đơn sơ, bằng cuộc sống giản dị, thái độ dung dị đã làm cho các môn sinh quý trọng và mến phục thầy.
Giờ đây thân xác thầy trở về với bụi đất (tro bụi trở về bụi tro). May mắn thay, thầy đã đi hết chặng đường trần gian này, “Đời là bể khổ, nước mắt chúng sinh nhiều hơn nước đại dương” (lời Đức Phật).
Thầy đã ngủ một giấc ngủ thật sâu, thật yên trong lòng đất mẹ! Nhưng hồn thiêng của thầy đang bay bổng trong cõi thinh không. Ở đấy thầy có cuộc sống vĩnh hằng, không còn đau khổ, bệnh tật, không còn thấy những cảnh bể dâu ở đời. Thầy đã được giải thoát, thầy đã sớm vượt ra khỏi cõi vô thường, để trở về cõi chân như vĩnh cửu.
Thầy hãy nhìn xuống cõi trần gian này và phù hộ cho những con người còn sống, những người thân yêu nhất của thầy: người vợ hiền Phan Thị Ngọc Quế và các con yêu quý, anh chị em ruột thịt, bạn bè xa gần, trong đó có các môn sinh Hán Học trong nước và ngoài nước của thầy.
Chúng em đồng bái tạ,
Chúng em thương tiếc Thầy vô vàn!
Chúng em tạm biệt Thầy!

Maria Lê Kim Truyên viết lúc 1 giờ sáng ngày 18 tháng 3 năm 2017.











Không có nhận xét nào: