Điểm qua lịch sử phân ban
trung học phổ thông ở nước ta
Bài viết của Hoàng Đằng
Xã hội loài người càng tiến bộ thì công việc của mỗi người càng đi vào chuyên môn.
Để chuẩn bị cho công việc của từng người có chuyên môn tính, nền giáo dục của một quốc gia thường tổ chức chương trình phân ban cho học sinh vào những năm cuối bậc học phổ thông.
Việc phân ban nhằm phát huy sở trường, năng khiếu của từng học sinh, đồng thời mong ra đời mỗi công dân đáp ứng tốt yêu cầu phát triển đất nước trong lãnh vực mà mình đã được chuẩn bị chuyên sâu từ ngày còn trên ghế nhà trường.
Trong bài này, người viết muốn điểm qua lịch sử phân ban bậc trung học phổ thông ở nước ta.
Giáo dục nước ta có 2 chương trình vào 2 giai đoạn: (1) Giáo dục Nho học (lấy chữ Hán làm công cụ để dạy và học dưới các triều đại quân chủ) và (2) Giáo dục Tây học (lấy tiếng Pháp làm công cụ dạy và học dưới thời Pháp thuộc và lấy chữ Quốc Ngữ làm công cụ dạy và học trong thời độc lập).
Nền giáo dục Nho học không có phân ban, chỉ có nền giáo dục Tây học, do ảnh hưởng của Pháp, mới có phân ban.
PHÂN BAN BẬC TRUNG HỌC PHỔ THÔNG
THỜI PHÁP THUỘC
Thực dân Pháp đến đô hộ nước ta; họ lập ra nền giáo dục theo kiểu của họ để đào tạo người phục vụ cho công cuộc đô hộ.
Giáo dục phổ thông kéo dài 13 năm: Sơ Học 3 năm, Tiểu Học 3 năm, Cao Đẳng Tiểu Học 4 năm, Trung Học 3 năm.
Riêng ở bậc trung học phổ thông, có 2 loại trường:
(1) Về các trường trung học dạy chương trình Pháp để thi Tú Tài Pháp, có Chasseloup Laubat lập 1874 ở Sài Gòn, Albert Sarraut lập năm 1918 ở Hà Nội và Yersin lập năm 1935 ở Đà Lạt,
(2) Về bậc Trung Học Pháp – Việt để thi Tú Tài Pháp-Việt, có trường Bảo Hộ Hà Nội mở bậc học Tú Tài năm 1927, trường Pétrus Ký Sài Gòn mở bậc học Tú Tài năm 1928 và trường Quốc Học Huế mở bậc học Tú Tài năm 1936.
Bậc Trung Học Tú Tài Pháp – Việt có 3 năm: Học hai năm đầu, thi Tú Tài phần 1, sau khi đỗ Tú Tài phần 1, học lên năm thứ 3 để thi Tú Tài phần 2.
Ở năm thứ ba này, chương trình có phân 2 ban: (1) Ban Triết và (2) Ban Toán. Các môn Sử, Địa, Ngoại Ngữ… hai ban học giống nhau. Đại Số, Thiên Văn hai ban học chương trình giống nhau nhưng khác nhau số giờ học. Ban Triết có học Tâm Lý Học, Siêu Hình Học còn ban Toán thì không. Ban Triết không học Hình Học, Cơ Học, Số Học còn ban Toán thì có học.
Từ năm học 1937 – 1938, thay vì 2 ban, chia ra 3 ban: Ban Triết, ban Khoa Học Toán và ban Khoa Học Thực Nghiệm.
Ngôn ngữ và văn tự sử dụng trong việc dạy, học và thi cử chủ yếu là tiếng Pháp.
PHÂN BAN BẬC TRUNG HỌC PHỔ THÔNG
THỜI QUỐC GIA VIỆT NAM
VÀ VIỆT NAM CỘNG HÒA
Sau khi Nhật đảo chính Pháp ngày 09/3/1945, nước Việt Nam Đế Quốc của vua Bảo Đại lập chính phủ do cụ Trần Trọng Kim làm Thủ Tướng với cụ Hoàng Xuân Hãn làm Bộ Trưởng Giáo Dục & Mỹ Thuật.
Cụ Hoàng Xuân Hãn cho soạn thảo chương trình tiểu học, trung học bằng chữ Quốc Ngữ. Bậc học phổ thông gồm 12 năm: Tiểu Học 5 năm, Trung Học Đệ I Cấp 4 năm, Trung Học Đệ II cấp 3 năm.
Các môn học bắt buộc ở Trung Học Đệ II cấp gồm: Quốc văn (ở lớp 12 – Đệ Nhất – có thêm Triết học), Sinh Ngữ 1, Sinh Ngữ 2 (ở ban D là Cổ Ngữ - Hán hay La Tinh – và Sinh Ngữ), Sử, Địa, Công Dân, Toán, Lý, Hóa, Vạn Vật.
Bậc Trung Học Đệ Nhị Cấp chia ra 4 ban:
- Ban A – Khoa Học Thực Nghiệm: Chú trọng và mở rộng, chuyên sâu các môn: Vạn Vật, Lý, Hóa.
- Ban B – Khoa Học Toán: Chú trọng và mở rộng, chuyên sâu các môn: Toán, Lý, Hóa.
- Ban C - Văn Chương & Sinh Ngữ: Chú trọng và mở rộng, chuyên sâu các môn Quốc Văn - ở lớp 12 là Triết -, Sinh Ngữ.
- Ban D – Văn Chương Cổ Ngữ: Chú trọng và mở rộng, chuyên sâu các môn Quốc Văn - ở lớp 12 là Triết -, Cổ Ngữ, Sinh Ngữ.
Môn học nào được chú trọng tức là chương trình môn đó mở rộng hơn, chuyên sâu hơn, nhiều giờ dạy hơn, và trong các kỳ thi có hệ số nhiều hơn.
Hầu hết các trường trung học đệ II cấp đều có 3 ban: A, B, C. Riêng ban D chỉ có ở một số trường lớn trong thập niên 1940 đầu thập niên 1950. Dầu vậy, việc thi cử để lấy bằng Tú Tài ban D cho thí sinh tự do vẫn duy trì; về môn Cổ Ngữ, chọn giữa La-Tinh văn hoặc Hán văn.
Tính thứ tự theo số lượng, học sinh chọn học ban Khoa Học Toán – ban B - nhiều nhất, rồi đến ban Khoa Học Thực Nghiệm – ban A - và ít nhất là ban Văn Chương Sinh Ngữ - ban C.
PHÂN BAN BẬC TRUNG HỌC PHỔ THÔNG
DƯỚI CHẾ ĐỘ VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
VÀ CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Chế độ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa giành được chính quyền cả nước vào mùa thu 1945. Tuy nhiên, sau đó, thực dân Pháp trở lại tái chiếm nước ta và tình hình chính trị có nhiều biến động.
Từ năm 1948 đến năm 1975, trên lãnh thổ Việt Nam có đến 02 chính quyền quản lý 02 vùng riêng biệt. Rồi từ năm 1975 đến giờ, đất nước thống nhất.
Dưới chính thể Dân Chủ Cộng Hòa và Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa, nền giáo dục, đặc biệt giáo dục trung học phổ thông, có nhiều cải cách.
1- Từ 1945 đến 1946: Dạy và học theo chương trình Hoàng Xuân Hãn.
2- Từ 1946 đến 1949: Dạy và học theo chương trình Hoàng Xuân Hãn nhưng có canh tân. Chương trình canh tân này do Hội Đồng Cải Cách Giáo Dục thời Bộ Trưởng Giáo Dục Vũ Đình Hòe soạn thảo và Hội Đồng Chính Phủ Liên Hiệp ban hành năm 1946, chủ yếu sửa đổi nội dung các môn Văn, Sử, Địa, Công Dân.
Giáo dục phổ thông dài 12 năm: Tiểu Học 5 năm, Trung Học Phổ Thông 4 năm, Trung Học Chuyên Khoa 3 năm, nghĩa là có phân ban ở 3 năm cuối bậc học phổ thông, nhưng không biết có đủ 4 ban: Khoa Học Thực Nghiệm, Khoa Học Toán, Văn Chương Sinh Ngữ và Văn Chương Cổ Ngữ hay không.
3- Từ 1950 đến 2005:
* Giai đoạn 1950 – 1956: Giáo dục phổ thông rút còn 9 năm: Cấp 1: 4 năm, cấp 2: 3 năm, cấp 3: 2 năm không phân ban.
* Giai đoạn 1956 – 1978: Giáo dục phổ thông 10 năm: Cấp 1: 4 năm, cấp 2: 3 năm, cấp 3: 3 năm không phân ban. Đặc biệt ở Miền Nam, từ năm 1975 đến 1978 vẫn duy trì 12 năm và vẫn phân ban.
* Giai đoạn 1979 – 2005: Giáo dục phổ thông nâng lên 12 năm: Bậc phổ thông cơ sở 9 năm, bậc phổ thông trung học 3 năm không phân ban.
Dù vậy, từ năm 1989, bắt đầu có tổ chức thí điểm phân ban ở phổ thông trung học.
4- Từ 2006 đến nay (2015): Giáo dục phổ thông kéo dài 12 năm: Tiểu học 5 năm, trung học cơ sở 4 năm, trung học phổ thông 3 năm.
Ở bậc trung học phổ thông có 13 môn học: Toán, Vật Lý, Hóa Học, Sinh Học, Tin Học, Ngữ Văn, Lịch Sử, Địa Lý, Ngoại Ngữ, Giáo Dục Công Dân, Công Nghệ, Thể Dục, Giáo Dục Quốc Phòng – An Ninh.
Bậc trung học phổ thông phân ra 3 ban:
- Ban Khoa Học Tự Nhiên – ban A: Học chương trình nâng cao 4 môn: Toán, Vật Lý, Hóa Học, Sinh Học và học chương trình chuẩn các môn còn lại.
- Ban Khoa Học Xã Hội – Nhân Văn - ban C: Học chương trình nâng cao 4 môn: Ngữ Văn, Lịch Sử, Địa Lý, Ngoại Ngữ và học chương trình chuẩn các môn còn lại.
- Ban Cơ Bản – ban B: Học tất cả các môn theo chương trình chuẩn.
Việc phân ban này đặt nặng việc học chương trình chuẩn, việc nâng cao một số môn học ở ban A và ban C chỉ nhằm phát triển năng khiếu ở một số học sinh nổi trội. Việc phân ban chưa chú trọng vào việc đào tạo tính chuyên môn trong nghề nghiệp và công việc của người công dân tương lai.
Trong thi cử, tất cả các môn đều mang hệ số 1, những môn chú trọng không có hệ số cao.
Việc phân ban này đang gặp trắc trở. Theo Thống Kê của Sở Giáo Dục & Đào Tạo thành phố Hồ Chí Minh,
* Năm học 2006 – 2007: 75% học sinh chọn ban Cơ Bản – ban B; 22% chọn ban Khoa Học Tự Nhiên – ban A và 3% chọn ban Khoa Học Xã Hội – Nhân Văn – ban C.
* Năm học 2012 – 2013: Hầu hết học sinh chọn ban Cơ Bản – ban B.
Và hiện nay, ở đa số các trường trung học, chỉ còn lại một ban là ban Cơ Bản – ban B vì học sinh chọn ban này đã dễ học lại dễ thi vào Cao Đẳng & Đại Học.
Trong phiên họp ngày 15/8/2013 của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội, Ô. Đào Trọng Thi, Chủ Nhiệm Ủy Ban Văn Hóa, Giáo Dục, Thanh Niên, Thiếu Niên và Nhi Đồng đã nhìn nhận: “Việc phân ban ở cấp Trung Học Phổ Thông đã không thành công.”
Như thế, việc phân ban ở bậc Trung Học Phổ Thông hiện nay đang lúng túng, chưa hấp dẫn việc chọn ban của học sinh. Chỉ nói riêng muốn hấp dẫn học sinh thì thi tuyển Đại Học & Cao Đẳng phải được cải tổ đi kèm làm sao cho phù hợp.
Riêng người viết bài này thấy rằng trong phân ban bậc Trung Học Phổ Thông môn Triết Học cần có vị trí. Vẫn biết một ít khái niệm triết học có đề cập trong môn Giáo Dục Công Dân, nhưng thế chưa đủ và chưa thể gọi là học Triết Học.
Môn Triết Học tập cho học sinh suy luận; không học suy luận thì khó biết đúng, sai, thậm chí không biết đạo đức.
Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy nước nào xem trọng môn Triết Học trong nhà trường thì nước đó có nhiều nhà tư tưởng, nhiều nhà lập thuyết./.
07/9/2015 (25/7/Ất Mùi)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét