Thứ Hai, 7 tháng 9, 2015

* Mối Tình Của Xuân Hương - Hồ Đắc Duy

HỒ ĐẮC DUY

Xuân Hương là ai? chỉ biết nàng là chủ nhân của ngôi Cổ Nguyệt Đường bên Hồ Tây, Thăng Long, nơi xướng họa văn thơ của các mặc khách tao nhân đất Hà Thành một thời
Lưu Hương Ký là một tác phẩm của Xuân Hương, có bài "Cảm cựu kiêm trình Cần Chánh học sĩ Nguyễn Hầu - Hầu, Nghi-xuân, Tiên-điền nhân”:
Dậm khách muôn nghìn nỗi nhớ nhung,
Cậy ai tới đấy gửi cho cùng.
Mối tình chốc đã ba năm vẹn,
Giấc mộng rồi ra nửa khắc không.
Xe ngựa trộm mừng duyên tấp nập,
Phấn son càng tủi phận long đong.
Biết còn mảy chút sương đeo mấy,
Lầu Nguyệt năm canh chiếc bóng chong.
(Nhớ bạn cũ viết gửi Cần Chánh học sĩ Nguyễn Hầu - Hầu, người ở Nghi-xuân, Tiên-điền)
Trần Thanh Mại nhận xét: "Lưu Hương Ký là tiếng kêu thất vọng của một tình yêu thành thực, thủy chung."
Trong văn học nước ta có 2 nhân vật mang tên Xuân Hương sống cùng thời với nhau:
1/ Hồ Xuân Hương với Tổng Cóc, ông Phủ Vĩnh Tường 
2/ Xuân Hương, tác giả Lưu Hương Ký với Tốn Phong, Nguyễn Hầu.
Có người cho 2 nhân vật này là một, có người cho là 2 người khác nhau, điều này cho đến nay vẫn còn nhiều nghi vấn...
Tác giả tập Lưu Hương Ký  tên là Xuân Hương, tập thơ gồm 24 bài thơ chữ Hán và 28 bài chữ Nôm. Xuân Hương có khá nhiều bạn thơ và người tình như Tốn Phong Thị, Mai Sơn Phủ, Thạch Đình, Cự Đình, Thanh Liên, Chí Hiên... Nguyễn Hầu, Trần Hầu…
Trong Thơ truyền tụng của Hồ Xuân Hương ta không thấy có bóng dáng Tốn Phong, Trần Hầu, Nguyễn Hầu, Mai Sơn Phủ v.v., và trong Lưu Hương Ký cũng không thấy nói đến Tổng Cóc, ông Phủ Vĩnh-Tường hay Chiêu Hổ. Văn phong và ý tưởng của Thơ truyền tụng và Lưu Hương Ký lại rất khác nhau khiến nhiều người nghĩ đây là 2 nhân vật khác nhau
Về tiểu sử Hồ Xuân Hương, theo các nhà nghiên cứu như Nguyễn Hữu Tiến, Dương Quảng Hàm thì bà là con ông Hồ Phi Diễn (1703-1786) ở làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Ông thi đậu Tú Tài năm 24 tuổi, dạy học ở Hải Hưng, Hà Bắc. Mẹ của Hồ Xuân Hương họ Hà, quê ở Bắc Ninh. Trong gia phả của họ Hồ ở làng Quỳnh Đôi có chép Hồ Xuân Hương ở đời thứ 12, là con của Hồ Phi Diễn, và sinh năm 1772, mất năm 1822, bà có 2 đời chồng: Tổng Cóc và Ông Phủ Vĩnh Tường
Bà có một bạn thơ rất đổi tri âm, tri kỉ là Chiêu Hổ, nhưng Chiêu Hổ là ai thì chưa ai biết.

Tiểu sử của Xuân Hương tác giả của Lưu Hưong Ký thì không ai biết. Ngay trong Thương Sơn thi tập của Tùng Thiện Vương khi vãn cảnh hồ Tây, Tùng Thiện Vương chỉ có viết như sau: “Chớ có dẫm lên mộ Xuân Hương nhé. Vì ở dưới suối vàng, nàng còn đang ôm mối hận rút nhầm" nhân dịp Tùng Thiện Vương hộ giá vua Thiệu Trị ra Bắc Hà tiếp sứ thần nhà Thanh năm 1842. 

Trong nền văn học Việt Nam, nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương là một hiện tượng đặc biệt, không chỉ trong nội dung và nghệ thuật sáng tác mà ngay cả các văn bản sáng tác của nữ sĩ họ Hồ vẫn còn là những vấn đề đặc biệt, cần tiếp tục nghiên cứu tìm hiểu.
Việc dựng một tiểu sử về Hồ Xuân Hương, làm rõ lại lịch của Xuân Hương tác giả của Lưu Hương Ký và chứng minh hai nhân vật đó là một hay là hai người khác nhau là đề tài làm cho nhiều người say mê
Bốn câu đầu của bài "Cảm cựu kiêm trình Cần Chánh học sĩ Nguyễn Hầu - Hầu, Nghi-xuân, Tiên-điền nhân” của Xuân Hương gởi cho Nguyễn Hầu, nói lên nỗi nhớ nhung da diết cho một mối tình thoáng chốc đã ba năm mà chừ đây chỉ một… “giấc mộng rồi ra nửa khắc không” mà người tình thì đang “xe ngựa trộm mừng duyên tấp nập” còn mình thì thui thủi phận long đong.
Hầu, Nghi-xuân, Tiên-điền nhân là ai vậy? Có người đoán đó là Nguyễn Du bởi Nguyễn Du quê ở Nghi-xuân, Tiên-điền, năm 1806 được phong chức Đông Các Học sĩ, đến năm 1815 được vua Gia Long đặc chuẩn thăng cho chức Hữu tham tri bộ Lễ sau khi đi sứ nhà Thanh về, tờ chiếu viết: Cần Chánh Điện học sĩ Nguyễn Du học thuật rất ưu tú, công vụ rất chuyên cần, nay qua các quan văn tấu cử, đặc cách chuẩn y cho được thăng chức Hữu Tham Tri Bộ Lễ, tước Du Đức Hầu và cho phép được tham dự các việc trong bộ… ngày 25 tháng 6 năm 1815 (Nguyễn Quảng Tuân) Nguyễn Du tác giả Truyện Kiều, một con người tài hoa nhất mực. Bài thơ nồng nàn tha thiết mà Xuân Hương gởi cho người tình là Nguyễn Hầu hiện đang ở kinh đô Phú Xuân.
Nguyễn Du (Nguyễn Hầu) đã viết 2 bài trong Nam Trung Tạp Ngâm bài Mộng Đắc Thái Liên (Mộng thấy hái sen)“Ngẫu Hứng Ngũ Thư”, tập thơ chữ Hán này đươc người đương thời khen ngợi.
NGẪU HỨNG
                     NGŨ THƯ
 
Tam nguyệt xuân thì trưởng đậu miêu
Hoàng hồ phi mãn, bạch hồ kiêu
Chủ nhân tại lữ bất quy khứ
Khả tích Hồng Sơn thuộc vãn tiều
 
Lô hoa sơ bạch, cúc sơ hoàng
Thiên lý hương tâm dạ công trường
Cưỡng khởi thôi song vọng minh nguyệt
Lục âm trùng diệp bất di quang
 
Nhất đái ba tiêu lục phúc giai
Bán gian viên hóa tạp trần ai
Khả liên đình thảo sam trừ tận
Tha nhật xuân phong hà xứ lai ?
 
Cố hương cang hạn cửu phương nông
Thập khẩu hài nhi thái sắc đồng
Thí tự thuần lô tối quan thiết
Hoài quy nguyên bất đãi thu phong
 
Hữu nhất nhân yên lương khả ai
Phá y tàn lạp sắc như hôi
Tị nhân dản mịch đạo bàng tẩu,
Tri thị Thăng Long thành lý lai
 
 
MỘNG ĐẮC THÁI LIÊN
           NGŨ THƯ
 
Khẩu phúc thu diệp quần
Thái liên trạo tiểu đỉnh
Hồ thủy hà xuân dung
Thủy trung hữu nhất ảnh
 
Thái, thái tây hồ liên
Hoa thực câu thướng thuyền
Hoa di tặng sở úy
Thực dĩ tặng sở liên
 
Kim thần khứ thái liên,
Nãi ước đông lân nữ
Bất tri lai bất lai
Cách hoa văn tiếu ngữ
 
Cộng tri liên liên hoa
Thùy giả liên liên cán
Kỳ trung hữu chân ti
Khiên liên bất khả đoạn
 
Liên diệp hà thanh thanh
Liên hoa kiều doanh doanh
Thái chi vật thương ngẫu
Minh niên bất phục sinh
Mọi người ai cũng cho rằng Nguyễn Hầu (Nguyễn Du) vô tình, dửng dưng, không đoái hoài đến mối tình cháy bỏng thiết tha da diết của nàng Xuân Hương mà theo Tốn Phong người tình của nàng, kẻ đến sau đã luôn luôn ca tụng sắc đẹp và  tài văn thơ của nàng.
Thông thường, những tay cao thủ thượng thừa trong nghề chơi thơ xướng họa với nhau, đa phần họ là những tay phù thủy chữ nghĩa, kết cấu và tìm chữ nghĩa một câu thơ không phải là khó như những thi nhân thường thường bậc trung mà cái cao cường thâm hậu của họ là lồng ghép được ẩn ý muốn truyền điều muốn nói, một thông điệp, muốn gởi gắm cho những người đồng điệu cái gì.
Cách thức xướng họa hay những bài thơ được phổ biến rộng rãi, nhưng thực ra đó là một bài thơ chỉ dành riêng cho một người, hay là một thông điệp và chỉ người đó mới hiểu được.
Chơi thơ kiểu này giống như làm câu đối, một công án hay một bài kệ, một lời tiên tri như của thiền sư Vạn Hạnh khi nói về Lý Công Uẩn thời thơ ấu và nếu không phải là đồng diệu thì rất khó giải mã, rất khó hiễu.
Nguyễn Du hay Nguyễn Hầu (có thể), Hồ Xuân Hương hay Xuân Hương tác giả của Lưu Hương Ký (có thể), Chiêu Hổ, vua Thiệu Tri… đều là những tay cự phách trong làng thơ, họ là những tay phù thủy chữ nghĩa.
Có phải Nguyễn Du vô tình hay không, xin đọc bài giải mã này để thấy tình yêu của Nguyễn Du đối với Xuân Hương tha thiết lãng mạn, nồng nàn nhớ nhung quay quắt đến chừng nào.
Nếu chỉ chọn 8 câu trong 20 câu của bài Mộng Đắc Thái Liên ta sẽ có một bài thất ngôn bát tuyệt bút mà Nguyễn Du đã viết cho nàng
乃約東鄰女(3/ 2 ) Nãi ước đông lân nữ Hẹn cùng cô hàng xóm
不知來不知(3/ 3 ) Bất tri lai bất tri Không biết lúc nào qua
水中有人影 (1/ 4 ) Thủy trung hữu nhân ảnh Bóng người in dưới nước
隔花聞笑語(3/ 4 ) Cách hoa văn tiếu ngữ Có tiếng cười sau khóm hoa
花以贈所畏(2/ 3 ) Hoa dĩ tặng sở úy Hoa tặng người mình thích
實以贈所憐
(2/ 4 ) Thực dĩ tặng sở liên Đài tặng người phương xa
牽連不可斷(4/ 4 ) Khiên liên bất khả đoạn Vấn vương không dứt được
明年不復生(5/ 4 ) Minh niên bất phục sinh Sang năm gặp không nha ?

Và nếu chỉ chọn 4 câu trong  “Ngẫu Hứng Ngủ Thư” thì ta có một bài thất ngôn tứ tuyệt
Tam nguyệt xuân thì trưởng đậu miêu
Thiên lý hương tâm dạ cộng trường
Tha nhật xuân phong hà xứ lai?
Cố hương can hạn cửu phương nông
 (Tháng ba xuân đậu nẩy đều, Quê hương muôn dặm dạ sầu theo, Gió xuân mai mốt về đâu biết, Quê hương nắng hạn đã lâu ngày).
và nếu bỏ đi mỗi câu 2 chữ ta sẽ có bài ngũ ngôn tứ tuyệt
Xuân thì trưởng đậu miêu
Hương tâm dạ cộng trường
Xuân phong hà xứ lai?
Hương can hạn cửu phương
Mai mốt biết về đâu Hương?  nắng hạn đã lâu ngày.
Rõ ràng dây là một bài thơ tỏ tình của Nguyễn Du đối với nàng
Chỉ có một mình Xuân Hương mới hiểu và giải mã được hai bài thơ này và làm sao mà nàng không nức nở khi đọc bài “Ngẫu Hứng Ngũ Thư” "Mộng đắc thái liên" của Nguyễn Du viết, vì thế gian thì chỉ riêng nàng và Nguyễn Du mới hiểu được cái ẩn ngữ nằm trong đó. Đây là một chuyện phòng the thầm kín, một chuyện riêng của 2 người, một tình yêu tha thiết, nồng nàn cháy bỏng ở tuổi ngũ thập tri thiên mệnh.
Đấy không phải một sự tình cờ mà một bài thơ có sắp đặt mà chỉ những người trong cuộc mới cảm nhận được mà thôi
Chơi chữ kiễu này quả thật là thông minh, sắc sảo tài hoa quả đúng là tay phù thủy chữ nghĩa
Gần 200 năm chưa ai giải mã được 2 bài thơ này cho nên nhiều người đương thời cho Nguyễn Du là người vô tình?!
Nguyễn Du không phải là kẻ vô tình dửng dưng, không đoái hoài đến mối tình cháy bỏng nồng nàng thiết tha của nàng Xuân Hương mà là người tình tuyệt vời, thông minh, tài hoa
Một câu tình tứ da diết muôn năm, một rạo rực xác thân đến như thế làm sao mà một người tình lãng mạn như nàng không khóc được, không nhớ được.
Tình yêu, nỗi nhớ nhung của Kiều đối vơi Kim Trọng trên lầu Ngưng Bích trong truyện như thế nào thì tình yêu và nỗi nhớ quay quắt của Nguyễn Du đối với Xuân Hương trong đời ắt mãnh liệt hơn nghìn lần.
Kiếp này thôi thế thì thôi
Kiếp sau xin được làm người chung thân
Và chỉ có Nguyễn Hầu nào đó mới cảm nhận được nỗi nhớ nhung vời vợi ngàn dặm quan san của Xuân Hương qua bài Mộng Đắc Thái Liên “Ngẫu Hứng Ngũ Thư” như Đậu Thao với bài thơ Chức Cẩm Hồi Văn của vợ mình là Tô Huệ.
Nguyễn Du chết trong cơn dịch tả kinh hoàng tại kinh đô Phú Xuân năm 1820 và 2 năm sau thì có thể Xuân Hương cũng đã qua đời, Nàng được chôn cất bên cạnh Hồ Tây - Thăng Long, còn chàng thì táng vội vàng ở trên quảng đồng vắng Bầu Đá - An Ninh  - Phú Xuân.
    Bầu Đá nữa hồn nằm gối đất
    Hồ Tây một dạ đứng không yên
Một mối tình thiên thu Xuân Hương – Nguyễn Hầu hay Hồ Xuân Hương – Nguyễn Du đã vào huyền thoại.





Không có nhận xét nào: