VỀ MỘT BẢN THÁNH CA BẤT HỦ MÙA GIÁNG SINH:
BÀI “NỬA ÐÊM MỪNG CHÚA RA ÐỜI”...
Nguyễn
Ðức Cung
Cho đến nay
thời điểm xuất hiện của nền tân nhạc Việt Nam vẫn còn chưa được giới nghiên cứu
lịch sử âm nhạc xác định một cách rõ rệt. Có người (như nhà văn Nguyễn Ngọc
Ngạn, nhóm Paris By Night) cho rằng nguồn gốc ấy bắt nguồn từ bản vọng cổ nổi
tiếng có tên Dạ Cổ Hoài Lang
của ông Sáu Lầu viết từ năm 1916, nhưng luận cứ này không vững.
Theo cố nhạc
sĩ Lê Thương chủ trương - năm chính thức xuất hiện của phong trào âm nhạc mới
là tháng 3-1938 khi nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên từ Sài Gòn ra hô hào tại đất Bắc
qua việc ông được Thống đốc Nam Kỳ thời đó là Rivoal trợ cấp để đi diễn thuyết
về âm nhạc cải cáchtại Bắc hà. Tuy nhiên vẫn có người như giáo sư nhạc sĩ
Tô Vũ thì “tân nhạc viết solfège đầu tiên xuất hiện ở Sài Gòn do một tu sĩ Công Giáo người Việt Nam viết những bài hát ca ngợi Ðức mẹ từ năm 1911”. [1]
Trong thập
niên đầu của thế kỷ 20 trước đây, phong trào thánh nhạc Việt Nam ra đời với sự
xuất hiện của nhiều bài ca Công Giáo vốn được coi là những tư liệu để chứng
minh rằng có thể đây là khởi nguyên của nền âm nhạc Việt Nam chăng?
Vào thời điểm đó, một bản thánh ca bất hủ được coi là một sáng tác kiệt xuất mà
nhiều giáo xứ trước đây ở Trung, Nam hay Bắc mỗi khi mùa Giáng Sinh về cũng đều
chọn làm bài hát chính trong thánh lễ hoặc trong các hoạt cảnh văn nghệ, đó là
bài “Nửa Ðêm Mừng Chúa Ra Ðời”, do
hai linh mục Phaolồ Ðoàn Quang Ðạt (1877-1956) và Gabriel Long là đồng tác giả.
Về cuộc đời của cha Gabriel Long chúng tôi chưa có tư liệu để trình bày về tiểu
sử của ngài chỉ biết cha Gabriel Long là một vị nhạc sư có lẽ dạy ở trong Tiểu
chủng viện Sài Gòn trong những năm đầu của thế kỷ 20 và Linh mục Phaolồ Ðoàn Quang Ðạt là học trò của ngài.
Nếu trong cả
một rừng nhạc xuân của Miền Nam trước năm 1975, bản Ly Rượu
Mừng của nhạc sĩ Phạm Ðình Chương được nhà văn Trần Doãn Nho gọi là
bản quốc ca [2] nghĩa là không thể thiếu nó trong tất cả các buổi văn nghệ mừng
Xuân, và nếu không hát bài đó thì mất đi nửa cuộc vui thì bài “Nửa Ðêm Mừng
Chúa Ra Ðời” của cha Gabriel Long và cha Phaolồ Ðạt là đỉnh cao của nền
thánh nhạc Việt Nam mùa Giáng sinh, cũng mang một ý nghĩa từa tựa như vậy mà
không thể bất cứ một bản nhạc do nhạc sĩ Công Giáo Việt Nam nào sáng tác sau
này chiếm cứ hay xô ngã được chỗ đứng trọng
yếu của nó trong lòng những người say mê nhạc Giáng Sinh.
Thuở nhỏ sống
tại giáo xứ Tam Tòa Ðồng Hới (Quảng Bình) những năm trước khi có hiệp định
Genève chia đôi đất nước năm 1954, mỗi dịp lễ Giáng Sinh vào thời tiết rất
lạnh, tôi thường theo gia đình đi dự lễ nửa đêm và vẫn được nghe bản thánh nhạc
tuyệt vời này...
· 1.- Chân dung vị linh
mục nhạc sĩ ở đầu nguồn suối nhạc thánh ca.
Nói rằng hai
linh mục Phaolồ Ðạt và Gabriel Long là những nhạc sĩ tiên khởi của nền âm nhạc
Việt Nam nói chung và thánh nhạc nói riêng là một lời nói không ngoa chút nào.
Chắc chắn sáng kiến sử dụng nhạc lý và ký âm pháp của nền âm nhạcTây phương vốn
được dạy trong các trường dòng, chủng viện và dòng tu Việt Nam đã ảnh hưởng
không ít đến các nhạc sĩ Việt Nam và dòng nhạc mệnh danh là nhạc tiền chiến.
Ðiều này cũng chứng minh rằng trong lãnh vực văn hóa đạo Công Giáo đã đóng góp
nhiều công sức của mình vào kho tàng tinh thần quý giá của Dân tộc trong hành
trình đức tin.
Theo nhà sử học Lê Ngọc Bích (1937-2009), “Linh mục Phaolô Ðoàn Quang Ðạt sinh năm 1877 tại làng Bình Sơn (Lái Thiêu) ngày nay thuộc xã An Sơn, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương. Tuy sinh quán tại Bình Sơn – Lái Thiêu nhưng quê quán tổ phụ gốc từ Thừa Thiên, di dân vào Nam cuối triều Gia Long hoặc đầu triều Minh Mệnh. Dòng họ Ðoàn của cha Phaolô Ðạt theo đạo Công Giáo từ lâu đời và có người làm quan trong triều đình Huế. Có lẽ vào đầu triều Minh Mạng, nhà vua gay gắt với đạo Công Giáo, cho nên nhiều người dòng họ Ðoàn đã theo dòng người Công Giáo chạy vào Nam trốn tránh cơn bắt đạo, tìm cuộc sống tự do để giữ đạo, cuộc sống tự do trong muôn vàn gian khổ có thể bỏ xác ở những vùng chướng khí, ác địa, những vùng gò nỗng cây cối um tùm đầy rắn dữ, cọp beo ma thiêng nước đôc...” [3] Ở Thừa Thiên, tạilàng An Truyền cũng gọi làng Chuồn có dòng họ Ðoàn với hai anh em nổi tiếng qua biến cố Giặc Chày Vôi ở Huế thời Tự Ðức với người anh tên Ðoàn Hữu Trưng và em là Ðoàn Hữu Trực cũng gọi Ðoàn Tư Trực. Họ Ðoàn này có gốc ở tỉnh Quảng Bình gọi Chuồn gốc và họ Ðoàn ở làng An Truyền gọi là Chuồn ngọn. Nếu tư liệu của Lê Ngọc Bích cho rằng dòng họ Ðoàn của linh mục Ðoàn Quang Ðạt có người làm quan ở Huế thì biết đâu trong số những vị đó lại có bà con liên hệ với hai anh em Ðoàn Hữu Trưng – Ðoàn Hữu Trực. Và vì biến cố Giặc Chày Vôi mà nhiều người bị án tru di tam tộc trong đó có dòng họ Ðoàn nên họ phải tìm cách trốn vào Miền Nam?
Cũng theo nhà
sử học Lê Ngọc Bích, “Người họ Ðoàn chạy vào Miền Nam có thể số đông, cho nên
lúc đầu định cư khai khẩn ở vùng Lái Thiêu, sau đó trong thời bắt đạo quá gay
gắt thì phân tán ra các vùng phía Ðông phía Tây của đất Nam Kỳ Lục tỉnh. Ðiều
này, ta có thể thấy rõ nét: Linh mục Ðoàn Công Quí (Thánh Tử Ðạo) sinh
tại Búng (Thuận An, Sông Bé ngày nay), còn người cháu gọi bằng chú là
linh mục Ðoàn Công Triệu thì sinh tại Bình Sơn. Còn linh mục Ðoàn Thanh Xuân thì
sinh quán tại Lương Hòa (Long An). Qua vài nét về dòng họ Ðoàn như trên, còn
cho ta thấy gia tộc của cha Phaolô Ðạt có được nhiều người làm linh mục, là một
gia tộc có một nền móng đạo hạnh Công Giáo sâu xa bền vững, có được một vị hiển
thánh linh mục Tử Ðạo: Thánh Ðoàn Công Quí.”[4] Giống tốt thì sinh cây tốt cho
nên tất cả tinh hoa đạohạnh của các bậc tiền bối đã quy tụ vào tài năng của vị
linh mục tác giả bài thánh ca bất hủ “Nửa
đêm mừng Chúa ra đời” mà chúng ta sẽ đề cập đến sau nhưng trước tiên cần
biết qua quá trình tu đức, công tác mục vụ và sáng tác thánh nhạc của cha
Phaolô Ðạt.
Thuở nhỏ, cậu
Phaolô Ðạt đã đáp lại ơn gọi khi được nhận vào Tiểu Chủng Viện Sài Gòn và đã tỏ
ra có tư chất thông minh nhất là có năng khiếu về âm nhạc trong những năm theo
học các lớp nhỏ. Lúc bấy giờ linh mục Phaolô Nguyễn Văn Qui là cha giáo tại
Tiểu Chủng Viện, một vị giáo sư thông minh và có năng khiếu âm nhạc, đã lưu ý đến
kỹ năng âm nhạc của cậu Ðạt nên tận tình hướng dẫn nhạc lý, kỹ thuật hòa âm,
cách sử dụng một số nhạc khí căn bản của Tây Phương như Harminium, Piano,
Violon v.v... cho cậu. Cha Qui cũng giúp cậu dịch các bài ca vịnh Trái Tim Chúa
Giêsu và ca vịnh Ðức Mẹ từ tiếng La Tinh sang Việt ngữ ngắn gọn và phổ nhạc
theo nhịp điệu riêng biệt, làm thành hai quyển: một quyển “Ca Vịnh Trái Tim” và một quyển “Ca Vịnh Ðức Mẹ”. Năm 1913, nhà in Tân
Ðịnh xuất bản cả hai quyển nói trên, có in cả nốt nhạc. Nhà in Tân Ðịnh vốn có
tên Imprimerie de la Mission là cơ quan xuất bản kỳ cựu nhất Việt Nam của Ðịa
phận Sài Gòn vốn đã in rất nhiều sách báo về tôn giáo và văn hóa, có cơ sở ấn
loát tại nhà thờ Tân Ðịnh đường Hai Bà Trưng, Sài Gòn.
Nghe những
bài hát ca vịnh của Thầy Phaolô Ðạt, linh mục Bề Trên
Chủng viện Ernest vốn là một người giỏi dương cầm cũng phải khen ngợi : “Một
lối nhạc vừa Ðạo đức vừa Dân tộc.” Cha Gabriel Long, một nhạc sư lúc bấy
giờ ở Sài Gòn cũng khen rằng: “Nhạc của Phaolô Ðạt thật ngọt ngào say mến, đi
sát với tinh thần của mỗi bài hát...” Có lẽ câu nói được thường xuyên nhắc tới
“ Hát bằng hai lần cầu nguyện” (của
Thánh Augustin) cũng là lời khích lệ mọi người tu sĩ, giáo dân trong cuộc sống tinh
thần hằng ngày.
Ngày
23-9-1911, Thầy Phaolô Ðoàn Quang Ðạt được Ðức Giám Mục Lucien Mossard (tên VN
là Mão) truyền chức linh mục tại nhà thờ Ðức Bà Chính Tòa Sài Gòn. Sau khi được
thụ phong chức thánh, linh mục Phaolô dạy học tại Tiểu chủng viện Sài Gòn trong
gần hai thập niên, đem kiến thức truyền thụ lại cho các thế hệ đàn em, nhất là
phát triển kỹ năng sáng tác thánh nhạc của mình. [5] Theo tư liệu của
Trần Nhật Vy, sau khi chịu chức, linh mục Ðạt làm Thư ký Tòa Tổng giám
mục Sài Gòn, rồi linh mục phụ tá nhà thờ Tân Ðịnh từ năm 1920-1933 và về phụ trách
nhà thờ Bà Rịa từ 1933-1949.
Năm 1933 làm
cha sở giáo xứ Ðất Ðỏ (Bà Rịa, 1933-1949), linh mục Phaolô đã có sáng kiến tổ
chức sinh hoạt giáo xứ rất ngoạn mục và có nhiều ý nghĩa sâu xa như tổ chức
hoạt cảnh giáng sinh với cuộc rước tượng Chúa Hài Ðồng vòng quanh nhà thờ, hát những bài ca Giáng Sinh La tinh rồi sau cùng ca
đoàn cử lên bài hợp xướng “Nửa đêm mừng
Chúa ra đời” do ngài sáng tác và tập dượt với phần thánh lễ kết thúc. Có tư
liệu cho rằng khi làm cha sở Bà Rịa, cha Phaolô Ðạt thường xuyên đích thân tổ
chức các buổi học giáo lý vào mỗi chiều Chúa Nhật, giải thích các lễ nghi, ý
nghĩa các phép bí tích và kinh đọc hằng ngày. Cha xây dựng thói quen đánh
chuông “Truyền tin” – gọi là “Nhật một” mỗi ngày sáng, trưa, tối. Ngài cũng lập
thói quen tốt giật chuông “báo tử” đọc kinh cầu cho linh hồn người vừa qua đời
trong họ đạo. [6] Thật ra lối đọc kinh Truyền Tin (Angelus) có từ lâu bên Âu
châu nếu ta theo dõi một bức danh họa của Rembrand vẽ hai cặp vợ chồng của một
nông dân đang làm việc ngoài đồng đang giữa trưa nghe tiếng chuông nhà thờ đã
đứng lên kính cẩn đọc kinh nhớ về Thiên Chúa, thì sáng kiến của cha Phaolô cũng
chỉ là tuân thủ theo một tập quán tôn giáo lâu đời ở Việt Nam rất đáng
phục hoạt mà thôi.
Ngày 22-11-1933, khi 56 tuổi,cha Ðoàn Quang Ðạt được thuyên
chuyển về giáo xứ Bà Rịa với cái đầu bạc trắng và bệnh hen suyễn khá nặng. Cha
phải theo chế độ ăn uống kiêng cử nhiệm nhặt để tránh cơn bệnh hành hạ cha suốt
ngày đêm. Tuy bệnh tình nhưng cha vẫn không bao giờ bỏ việc dâng Thánh lễ và
các công tác mục vụ khác.
Tháng 8 năm
1949, Ðức Cha Ðịa phận Sài Gòn Jean Cassaigne đưa cha về Chủng viện để dưỡng
bệnh. Sau đó linh mục Giuse Thiên, cha sở Chí Hòa xin bề trên cho cha Ðạt về
nhà hưu dưỡng các linh mục ở Chí Hòa.
Sáng ngày 21
tháng 2 năm 1956, Cha Ðạt dâng thánh lễ sáng, đến trưa cơn suyễn nổi lên quá
mạnh khiến ngài không chịu nổi, đã tắt thở lúc 13 giờ trưa, thọ 79 tuổi, sau 45
năm phục vụ Chúa và dâng hiến những công trình tim óc cho nền Thánh nhạc Công
giáo. [7]
2.-
Về bản thánh ca giáng sinh bất hủ “Nửa đêm mừng Chúa ra đời” ...
Linh mục
Phaolô Ðoàn Quang Ðạt có một nếp sống rất khắc khổ, đạo đức, bị hen suyễn
thường xuyên. Vốn là người đa tài thuộc nhiều lãnh vực như âm nhạc, hội họa,
kiến trúc, linh mục Ðạt được coi là tác giả thiết kế nhà thờ Biên Hòa hiện nay.
[6] Những sáng tác của cha Phaolô Ðạt để lại tuy ít nhưng đều là những bài hát
có chất lượng cao, kỹ thuật phong phú, điêu luyện có lẽ đã được sáng tác trong
thời gian làm giáo sư Tiểu chủng viện Sài gòn giai đoạn 1911-1933. Ðó là 3 bài thánh
ca:
- Nửa đêm mừng Chúa ra đời,
- Kinh nguyện Chúa Thánh Thần,
- Tôi kính lạy Chúa Giêsu.
Các bài thánh ca này hòa âm ba phần, tiết tấu dịu dàng, êm ái,
không cầu kỳ, đúng tinh thần thánh nhạc. Các bài ca ngợi Chúa Giêsu và ca ngợi
Ðức Mẹ được khắp nơi trong các nhà thờ giáo phận Sài Gòn hát lên trong thánh
lễ.
Theo ông
Nguyễn Văn Quí, “sở dĩ linh mục Ðoàn Quang Ðạt viết nhạc là vì những tácphẩm ca
hát trong nhà thờ trước đây đều là nhạc nước ngoài và bằng tiếng La tinh, số
đông giáo dân hát khôngm được. Chính vì vậy, ông Ðạt liền nghĩ ra cách dịch
lại những bài hát này cho giáo dân hát. Nhưng những bài hát nhạ
ngoại bằng tiếng Việt này vẫn khó hát. Cuối cùng, ông nghĩ viết hẳn những bài
hát bằng tiếng Việt ký âm theo nhạc lý phương Tây. Còn linh mục Nguyễn
Hữu Tấn – giám đốc Ðại chủng viện Sài Gòn – cho biết những bài hát của linh mục
Ðạt rất khác với nhạc Tây, mà giống với vọng cổ của miền Nam hơn. Còn linh mục
Ðỗ Xuân Quế, đặc trách về thánh nhạc của giáo phận Sài Gòn, cũng thừa nhận linh
mục Ðạt “rất giỏi nhạc” và bài hát “Nửa
đêm mừng Chúa ra đời” của ông đến nay vẫn còn dùng”.
Linh mục Quế
còn cho biết ông được nghe kể linh mục Ðạt đã nghiên cứu từng bước chân trâu bò
đi trên đường để viết phần nhạc trong bài “Nửa
đêm mừng Chúa ra đời” và bài ca này ông đã nghe từ những năm 1930 khi còn ở
miền Bắc... Thế nhưng cha Ðạt viết những bài hát ấy từ lúc nào? Theo tài liệu
hiện có thì ít nhất ông đã viết những bài hát bằng tiếng Việt từ trước năm
1913. Trong tập nhạc “Ca ngợi rất thánh trái tim Đức Chúa Giêsu” in tại nhà in
Imprimerie de la Mission (nhà in trong nhà thờ Tân Ðịnh) số 289 rue Paul
Blanchy (nay là đường Hai Bà Trưng) năm 1942 có ghi lời bạt của linh mục Phaolô
Qui vào ngày 1-5-1913. Linh mục Qui mất vào năm 1914. Một tài liệu khác là cuốn
kinh Mục lục Sài Gòn in năm 1899 có chép toàn bộ phần lời của bài ca “Nửa
đêm mừng Chúa ra đời”, nhưng không có phần nhạc...” [8] Như vậy bài thánh ca
bất hủ Nửa đêm mừng Chúa ra đời chính là bản tân nhạc đầu tiên của
Việt Nam, xuất hiện ít nhất cũng từ năm 1899, do một linh mục sáng tác để ca
tụng Thiên Chúa đã giáng sinh làm người và ở cùng chúng ta (Emmanuel).
Cũng theo Lê
Ngọc Bích, “Anh Lê Ðình Bảng, nhà thơ, nhà nghiên cứu thi ca, âm nhạc Công Giáo
Việt Nam có ý kiến rằng: “(...) Theo nhận định của những nhà nghiên cứu về nhạc
sử thì ngay từ năm 1910 ở Nam Bộ đã có những linh mục, thầy giảng, nữ tu và bổn
đạo người Việt hát hoặc điều khiển được những bài hát 2, 3 bè khá thành thạo. Có
người đã sử dụng nhuần nhuyễn các loại nhạc cụ như harmonium, piano,
violon (...) Chúng tôi dựa vào một chứng từ cụ thể của nhà in Tân Ðịnh (Imprimerie
de la Mission) năm 1942. Đó là 2 tập sách hát mang tên “Ca ngợi Rất thánh Trái
tim Ðức Chúa Giêsu” và “Ca ngợi Ðức Bà Maria”. Có thể xác định thời điểm xuất
hiện và tác giả của những bài thánh ca VN đầu tiên ấy qua phần giới thiệu do “linh mục bổn quốc”
Phaolô Qui (1855-1914) cha sở họ đạo Cầu Bông viết ngày 1-5-1913 cho cả 2 tập
sách này: “... Nguyên những bài ca trong sách này đã rút ra bởi những kinh
(Latinh) Hội thánh quen đọc (...). Những ca ngợi ấy là của cha Tôma Ðoan, cha ở
Huế và cha Phaolô Ðạt.” “Nổi tiếng nhất trong đó có bài “Nửa đêm mừng Chúa ra đời”
của cha Phaolô Ðoàn Quang Ðạt (1877-1956). Ðã có dư luận cho rằng bài này
là bản thánh ca mang dáng dấp hợp xướng đầu tiên trong lịch sử Thánh nhạc Thánh
ca Việt Nam? Chúng tôi chưa dám đoan quyết như thế, bởi chưa có đủ chứng cứ cụ
thể. Chỉ trộm nghĩ, có lẽ cảm hứng từ những ca khúc về Giáng sinh như “Il est
né le Divin Enfant”, “Les Anges dans nos campagnes”, “Puer natus est”, “Gloria
in excelcis Deo”và đặc biệt xuất phát từ tâm tình vồn vã, sốt sắng và nhạy cảm
của một người con Chúa ở quê hương miệt vườn xứi Búng, tác giả Ðoàn Quang Ðạt
(...)”. “Bên cạnh giá trị về giai điệu và cung bậc mang âm hưởng dân tộc,
còn phải kể tới giá trị về lời ca là toàn văn của bài kinh vãn cùng tên trong
Sách kinh Mục lục của địa phận Sài Gòn, một pho bách khoa toàn thư đậm đặc thứ
ngôn ngữ giàu hình tượng rất riêng của những người con Chúa ở phương Nam.” [9]
Trong đêm
Thánh ca Giáng sinh tổ chức tại Trung Tâm Mục Vụ Tổng Giáo phận Sài Gòn tối
12-12-2010, ca đoàn giáo xứ Thị Nghè đã trình bày bản thánh ca “Nửa đêm
mừng Chúa ra đời” cùng với dàn nhạc dân tộc của các nghệ sĩ Nhạc viện Thành
phố với sự điều khiển của linh mục Sỹ Tùng. Bản thánh ca này với giai điệu du
dương, cung bậc dịu dàng mang âm hưởng dân tộc và lời hát tuy cổ xưa nhưng được
sử dụng đúng chỗ, đúng cách đã mang đến cho tác phẩm giá trị vượt cả không gian
xen lẫn thời gian cũng đáng được thưởng thức và chiêm nghiệm lại nguyên tác như
sau:
Nửa đêm mừng Chúa ra đời. Bức khăn
sạch vấn để nơi hang lừa.
Nửa đêm mừng Chúa ra đời. Cỏ rơm trải
lót bơ thờ. Chút cỏ rơm bơ thờ.
Cỏ rơm trải lót bơ thờ. Mượn ấm
bò lừa quỳ thở dâng hơi, quỳ thở dâng hơi.
Kiểng tinh soi sáng thâu
đêm. (Soi thâu đêm) Kiểng tinh soi
sáng thâu đêm.(Soi thâu đêm).
Chói lói
giữa trời, nhỏ xuống Bê-Linh.
Thiên thần chín đấng chầu quanh, thiên
thần chính đấng chầu quanh.
Tấu nhạc rập ràng, đờn hát, đờn hát
xướng ca.
Vậy có ca rằng, rằng ca Thiên Chúa, rằng ca Thiên Chúa. Ớ
loài người ấy phúc lành bình an cho người vì cửa Thiên Ðàng rộng mở,
Tang tình tình tang Thiên Ðàng
rộng mở. Tang tình tình tang Thiên
Ðàng rộng mở. Chúa cả ra ơn, ơn cả
chữa đời. Rằng: Hỡi chúng dân (Kìa
trong hang đá nọ), tới xem điềm lạ.
Kìa trong hang đá, nọ trước lều tranh.
Rằng tính tình tang, Thánh Tiểu Hài sinh.
Thật ngôi linh tính tang tình là
tình Thiên Chúa. Nằm trong máng cỏ bó bức khăn đơn.
Rằng: Bớ chúng ngươi!
tới xem điềm lạ !(Bay xem thì biết),
Kìa trong hang đá, nọ trước lều
tranh rằng tinh tình tinh Thánh Tiểu Hài sinh.
Thật ngôi linh tính thất
tinh là tình Thiên Chúa. Thiên thần vô số.
Nhạc thổi rân. Thiên thần vô số.
Nhạc thổi tung hô.”
Với một số
danh từ cổ được sử dụng nơi đây như kiểng tinh (sao sáng, rất sáng), bơ thờ có
nghĩa đơn sơ, hèn mọn, tình tang âm hưởng của những làn điệu dân ca, ớ,
bớ là những tán thán từ đậm nét dân tộc cùng với những luồng nhạc khi
mạnh mẽ như sóng gió để biểu lộ sự vui
mừng, lúc chậm rãi kêu mời như tơ vàng óng ánh, bản thánh ca Nửa đêm mừng Chúa
ra đời với ba phần hòa âm nhịp nhàng, gắn
bó, quyện khúc, nâng đỡ, tung hứng trong những tiết điệu say sưa, hấp dẫn bộc
lộ cả cung lòng mến yêu diệu vợi như không thể nào nói lên hết được tâm tình
của một người tín hữu mà nhà thơ Hàn Mặc Tử từng thống thiết say mơ:
Cho tôi thắp hai hàng cây bạch lạp
Khói nghiêm trang sẽ dâng lên tràn
ngập
Cả Hàn giang, cả màu sắc thinh không
Lút trí khôn và ám ảnh hương lòng
Cho sốt sắng, cho đê mê nguyền ước...
Khi tôi viết
bài này thì cũng được biết bà Ngọc-Diệu vốn là một ca đoàn trưởng nhiều kinh
nghiệm từng đóng góp lời ca tiếng hát của mình suốt gần 60 năm từ những ngày
còn ở xứ đạo Tam Tòa, Ðồng Hới, Quảng Bình năm 1949-1950 cho
đến giáo xứ Tam Tòa, Ðà Nẵng năm 1954 và sau năm 1975 đến nay còn
tiếp tục giúp cho các ca đoàn của Giáo xứ Tân Hòa, Ða-Minh, Tổng
Giáo Phận Sài Gòn hiện cũng đang đóng góp phần kỹ thuật cho các ca viên hát lại
bản thánh ca bất hủ này tại giáo xứ Đa-Minh (Ba Chuông, Sài Gòn). Ðây là một
nét trổi bật trong nghệ thuật thánh về nguồn thông qua suối nhạc mà công sức
của hai linh mục Gabriel Long và Phao lô Ðạt cần được hậu thế ghi nhớ.
Ước
mong hằng năm vào dịp lễ Giáng sinh, bài thánh
ca “Nửa đêm mừng Chúa ra đời”
dù khó hát, khó tập vì đòi hỏi nhiều kỹ thuật và cố gắng của ca viên, sẽ
được các ca đoàn trong mọi giáo xứ trên khắp miền đất nước Việt Nam cùng các
cộng đoàn hải ngoại hát lên để nhớ về một bản thánh ca tuyệt tác của nền thánh
nhạcViệt Nam tiên phong đi vào vườn hoa nghệ thuật của Dân Tộc, mở đường cho nền
tân nhạc Việt Nam tiến lên, đồng thời cũng là để dâng lên Chúa Hài Nhi một tác
phẩm xứng đáng là đại diện của nền thánh nhạc Việt nam có khả năng chen vai
thích cánh với các bài ca bất hủ như Silent
Night của Âu châu và Bắc Mỹ, Il est
né le Divin Enfant của Pháp, bài Adeste
Fideles của văn chương La tinh, bản Hội
nhạc Thiên quốc của Thánh Alphonso, bài Feliz Navidad của các giáo
hội Trung và Nam Mỹ...
Nguyễn
Ðức Cung
CHÚ THÍCH:
1.- Trần Nhật
Vy, Tân nhạc Việt Nam từ năm 1911?, Tuổi Trẻ Xuân Canh Thìn, 2000, trang 30.
2.- Trần Doãn
Nho, Nhạc Xuân, Tạp chí Thế Kỷ 21, số Xuân năm 2005.
3.- Lê Ngọc
Bích, Nhân Vật Công Giáo Việt Nam, Thế kỷ XVIII-XIX- XX, tài liệu lưu hành nội
bộ, 2006, trang 501.
4.-Lê Ngọc
Bích, Sđd, trang 502.
5.- Lê Ngọc Bích,
Sđd, trang 502.
6.- Lê Ngọc
Bích, Sđd, trang 503
7.-Lê Ngọc
Bích, Sđd, trang 505.
8.-Trần Nhật Vy,
bài đã dẫn.
9.-Lê Ngọc
Bích, Sđd, trang 504.
Xin vào link dưới đây để nghe bản nhạc trên:
https://www.youtube.com/watch?v=ZCXiRpRhgxs
https://www.youtube.com/watch?v=Y1I7oy-Zm2k
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét