Thứ Hai, 21 tháng 12, 2015

Ghé Thăm Kontum, Quê Chồng - hồ - ngo.c & Mộn.g Hồ


Ghé Thăm KONTUM, Quê Chồng

 Hello,  chào Jennifer, buổi sáng.
Lại... treo đèn nhân dịp Giáng sinh nữa rồi! Cứ mỗi lần treo đèn Noel  lại nhớ đến ngày sinh của Jennifer gần gần đó, không biết gì hơn, như mỗi năm "meo" vài chữ chúc mừng sinh nhật Jen, thân chúc Jen  luôn vui hưởng một Giáng sinh yên lành, cùng một năm mới tràn đầy HỒNG ÂN THIÊN CHÚA.
Jennifer biết sao không, tháng trước đây con cái tình nguyện mỗi đứa thu gom một ít, cho kha khá đủ trao tặng hai tía má tụi nó dằn túi làm một chuyến Việt du từ Cali-Saigon-Kontum-Laos-Saigon-CầnThơ-Caolãnh và về lại USA gần trọn tháng.  Kỷ niệm ngày hai đứa ký hợp đồng chung sống lẫn nhau, vui buồn sung sướng khổ cực được 50 mùa xuân (và mùa hạ)! nên hai đứa quyết định kỳ này sẽ không đi du lịch mà là đi... bụi, theo kiểu tây ba lô, và theo sự "dày, mỏng" của ông... Washington đã nằm sẵn trong túi. 
Kể sơ Jen đọc chơi trong chuyến ghé Kontum, không sang trọng, không "vịt kìu (chảnh)" không học đòi làm sang, không khoe khoang làm dáng theo kiểu gentilhomme (trưởng giả) áo gấm về làng ghi danh tá túc vào những khách sạn nhiều sao như "Indochina" ngó mặt nhìn thẳng ra dòng sông Dakbla chảy ngược, và chân  núi Trường Sơn xanh xanh, xa xa...


 Tụi qua tấp vào khách sạn "Kon Klor" xa thành phố hơn 3 cây số. KT là một tỉnh nhỏ, thành phố đi lên đi xuống, đi tới đi lui đã hết đường như Jen từng biết, vậy mà một khách sạn nằm chèo queo xa hơn 2 dặm đủ nói lên cái buồn nghèo của cao nguyên tỉnh lẻ. Đêm đầu tiên trên căn nhà sàn của KS, trúng bữa trời mưa, nghe rõ tiếng bò rống kêu la rên lạnh vì bị cột dưới gốc mít không mái che ở khu vườn bên cạnh, và vẫn nghe rõ tiếng ếch nhái kêu uềnh oang từ một vũng nước đọng nào đó xa xa vọng lại chen lẫn với tiếng mưa rơi "lột độp” trên mái nhà. Mở chiếc tủ lạnh nhỏ téo tìm chai "rhum" không thể nào có, đành làm đỡ lon bia Đức.  Mưa ướt ngoài trời mà trong này... chơi bia thì nó... lạc điệu (như dòng sông không chảy xuôi!), ước gì có rượu cần và nhấp nha vài "can" còn có lý hơn! Mở hộp bia, chồng mới tợp một hớp, xong mời vợ và tâm tình: "Em đừng tưởng có tiền là mua gì cũng được đâu nhé, ở Mỹ mà có tiền đố em làm sao mua được cái cảnh tụi mình đang nằm trong KS với âm thanh hợp tấu lạ lùng như thế này."
Ngày kế tiếp gặp một nhóm cựu chiến binh GI dẫn vợ con cha mẹ đi thăm chiến trường xưa cũng vào trú ngụ ở khách sạn (KS nhỏ nên dễ gặp nhau). Hỏi, sao chọn KS này, họ trả lời, search trong net thấy KS có vẻ rustique, và family owned,  tương tợ  như ở resort nên họ chịu, và hợp với túi tiền. Thường thì người cùng đồng hương, cùng quê lại biết đấu nhau cùng bằng một ngôn ngữ nên dễ làm quen (dù biết gốc gác mình là dân Giao Chỉ, quê hương cha mẹ là Việt Nam), hỏi kỹ họ ở đâu, ai ngờ cùng một tiểu bang và cũng lại cùng một city, nhà cách nhau vài phút lái xe. Chuyện này mới ngộ, gần bên nhau không làm sao thăm hỏi, có gặp ngoài đường cũng chẳng biết ai, thế mà khi qua Việt Nam, cách nhau chỗ ở nửa vòng trái đất, dưới mái KS này, họ lại quen nhau. 
So với ai thì qua thua, chứ so với họ mà nói về Kontum là qua biết không ít thì nhiều, hơn họ là cái chắc. Trong lúc ăn sáng, họ hỏi qua: sao gọi là Kon Klor, qua nói có lẽ đây là một cái làng, và tôi nhớ không lầm ở gần đâu đây có cây cầu treo không to lớn và vĩ đại kiểu Golden gate, nhỏ hơn nhiều nhưng không kém phần thơ mộng, tôi đoán thế. Và qua mường tượng, rồi thao thao, hình như cũng ở gần đâu đây có một bãi cát trắng mịn dọc theo bờ sông nơi đó gái trai thường làm chỗ hẹn, chỗ cắm trại, và hình như nơi đó cũng được gọi là một... paradise nho nhỏ dưới thế gian này đấy. 
Còn dư thời giờ cho cái plan tới nên họ yêu cầu qua giúp họ làm guide đi xem cầu và qua không từ chối.  Jennifer ơi, cái gì đó đẹp sẵn ngự trị trong đầu qua hồi mấy nẳm nửa thế kỷ trước về chiếc cầu Kon Klor, nay “diện kiến” trực tiếp với  nó đang nằm chình ình trước mắt, tự hỏi mình – so với dĩ vãng, hiện tại không khá hơn thì thôi, chứ cớ sao lại bệ rạc như thế này nhỉ, một người bạn vong niên của qua, má tóp, răng long, thấy rõ mấy cộng xương sườn luôn cả xương sống. Dưới dòng sông nước đục ngầu, hai bên bờ sông cỏ dại cùng “thi đua” mọc cao chen lẫn và đọ sức với mấy cây chuối vườn còm cỏi ốm teo, và bãi sông thì rác rến cùng bao nylon đầy khắp chen lẫn với cứ... chó, phân người... Bên cạnh đó, một nhà rông khá rộng, đóng cửa, then cài, bên ngoài có hàng rào cao, cũng cài then, chắn cửa! Một mụ già Mỹ trong nhóm hỏi móc qua – “paradise của you một thời như thế này sao?” – Để che dấu nỗi nhục nhã ê chề trong bụng không thể nói thẳng ra, qua chống chế: “Sorry, tôi là công dân Mỹ hơn phần tư thế kỷ nay rồi!”
Hai ba ngày sau, gặp một cặp Mỹ nữa, họ là boyfriend và girlfriend chứ chưa là chồng vơ. Từ Mỹ đáp xuống Đà nẵng (?), rồi đi xe ôm hai bánh theo con đường mới (đáng tặng một hoa hồng) vào Kontum.  Chơi một ngày, rồi lại đi Ban Mê Thuột cũng bằng xe ôm vào Buon Don để cùng nhau xem và cưỡi voi qua sông, xong rồi về lại Đà nẵng và đi tiếp qua Cambodge. Hai cô cậu này đều đã tốt nghiệp có bằng cấp cao ở New York, đã đi làm được hơn hai, ba năm nay, rồi tính sao đó cùng xin nghỉ và cùng đi du lịch.  Khác với những cặp vợ chồng mới cưới đi hưởng tuần trăng mật, khác với những senior đi chơi, đi cruise lúc về già, họ bảo sợ sau này không có dịp đi, thôi thì enjoy sớm được ngày nào hay ngày nấy, kiểu cứ có tiền là xài, không cần phải savings, biết đâu, những risks và những uncertainty ở đời! Kể ra cái lớp, cái thế hệ như của Jen và của qua, ráng ráng sách đèn, đi học, ráng ráng đi xin việc, đi  làm, rồi sinh con đẻ cháu, có thời gian đâu mà thụ hưởng, giờ già rồi lụm cụm ngồi đó, ngồi đây, ngồi đừ, ngồi thừ lừ mà nhìn trời hiu quạnh, mà đếm sao rơi, mới biết là sự thụ hưởng của mình ở đời quả là quá ít, vui chơi đi chứ thiệt ấy ai bù! (NCT) Tụi nhỏ bây giờ tính trước, tính xa hơn, cũng là một cái hay (nhưng học và bắt chước như thế thì đã quá muộn!)  Cặp này được sắp xếp đi tham dự một lễ engagement party tận Ea Chim giữa một cô gái gốc dân tộc (Thượng) và một cậu con trai người Đức.


 Và may mắn vợ chồng qua cũng được mời tháp tùng cho có bạn đông vui. Bốn người ngồi sau 4 xe ôm với một xe của tour guide. Anh tour guide này gốc Phương Nghĩa, trước 75 là một chủng sinh, sau làm nghề giáo và đổi sang “tua gai” cho dễ sống.  Anh nói tiếng Anh khá trôi chảy. Hỏi anh có biết bác Câu Hoàng, bác phó Ngọc thì anh bảo biết. Còn biết cha Phương không thì anh chỉ nghe tên tuổi. Lũ chúng qua dong ruỗi vào Ea Chim là đường đi từ cầu Kontum qua Phương Hoà, qua Tân điền (ruộng Lào) rồi mới tới đó. Đường đi khá xa, qua đoạn tráng nhựa, đoạn tráng xi măng, và đoạn đường đất ngắn mới đến nơi. Tuy đôi khi nhận mình là người con của Kontum nhưng đây là lần đầu tiên mới biết và thấy rõ Tân điền (ruộng Lào). Gặp lúc mùa lúa đang chín, một dãi màu vàng theo gió đu đưa, qua  nhớ có đọc truyện “Con rồng nhỏ Annam”, nhớ có một chủ nhân đáng kính, một trưởng thượng một thời là chủ nhân ông khai khẩn vùng này, cứ mỗi tuần là cho giết heo cho nông dân giúp việc đồng áng có thịt mà ăn, và thịt tiêu thụ không hết thường cắt từng miếng nhỏ muối mặn, bỏ trong ghè  đóng kín chế biến thành đặc sản để dành ăn dần.
 Nhà cô dâu tương lai là một nhà sàn, kiểu nhà bác Chánh hay ông Phó Ngọc, mới xây, gỗ tốt, nhờ vào đồng lương hướng dẫn du lịch điạ phương nên điều kiện tài chánh có phần dễ dãi, có làm thêm phòng (tăng nguồn thu nhập) hờ khi khách phương xa có dịp tá túc khi cần. Cậu thanh niên gương mặt Âu Châu, ngưòi gốc Đức cũng trong ngành du lịch nên dễ quen thân nhau. Lễ hỏi của họ có đủ bà con bên nhà gái, về phiá khách mời “đột xuất” có anh tua- gai, vợ chồng qua, và hai người khách Mỹ New York, và quý tài xế xe ôm. Những lời khuyên răn góp ý của bà con dân tộc bằng tiếng Việt rất khá sành sỏi cũng được anh tua- gai phỏng dịch cho khách ngoại cùng nghe. Để tăng thêm phần long trọng (!) anh tua- gai có mớm ý mời khách đóng góp thêm ý kiến hay kinh nghiệm, xin mời bác Ken. Thông thường và quen lệ là khi nào brief trước đám đông qua cần phải chuẩn bị soạn sẵn đề tài, nay gấp gáp với cử tọa không có gì đáng ngại cho lắm, thêm đã có được vài ly đế sương sương, qua gồng mình, bắt đầu: “Thưa bà con bên nhà gái, thưa tất cả quan khách có mặt. Vợ chồng tôi thật rất hãnh diện góp mặt vào lễ engagement của em Pheo và anh Djork, được nghe những lời của hai em phát biểu. Những lời yêu thương ấy được trình bày, không những trước mặt bà con, mà cả trước mặt Thiên Chuá (vừa nói vừa dịch ra Anh Ngữ, vừa chỉ vào chân dung Chúa Giêsu đang chịu đóng đinh trên cây thánh giá treo ở phòng chính trong nhà). Có lẽ mọi người,  trong thoáng nhiên tỏ ra cảm kích (?!) Tiếng nói yêu đương của hai em, bác nghe và hiểu được, nó phát xuất ra tự sâu đáy của hai trái tim biết yêu thương nhau, biết gõ nhau cùng một nhịp.  Cầu chúc hai em cùng yêu nhau như chí ít nhất cũng lâu hay lâu hơn cặp của hai bác là đã trên 50 năm dài, mà hôm nay cũng là ngày kỹ niệm ấy.  Đến phiên cậu con trai Mỹ, mạch lạc, rõ ràng, không hỗ danh là một tài năng đã tốt nghiệp ở một đại học Huê kỳ, cậu ấy đã góp ý khá hay: “Tôi thấy được những cặp mắt lo lắng của bà con nhà gái, tôi đọc được những lo lắng ấy của bậc cha mẹ khi có con phải đi lấy chồng xa xứ. Khi tôi nhìn cặp mắt của hai người đối ngẫu, tôi mới thấy thật sự họ rất yêu nhau. Bằng những cặp mắt ấy họ đã nói đủ tình yêu chân thật của họ, và cũng bảo đảm với cha mẹ rằng tình yêu ầy sẽ lâu dài và bền vững. Thành thật chúc tình yêu ấy bền lâu.”
Qua phần này là đến phần ẩm thực.  Chiếc chiếu to, lớn và dài đã trải ra trên sàn nhà. Thiếu dĩa nên đa phần thức ăn được dọn trên lá chuối xanh đặt trên chiếu. Phải nói đây là một buổi tiệc đặc biệt vì có những thức ăn... đặc biệt, và cũng gồm  những thực khách... đặc biệt. Trước hết là cơm (hay nếp) nấu trong ống tre dọn ra trông như Sushi Nhật; những đĩa măng chua còn nguyên màu xanh, trắng; những củ mì đâm nhuyễn nhồi cục trộn pha với dừa nạo; những miếng thịt chặt hay băm nhỏ của con heo sữa mọi mới vừa nướng xong sau hè. Thịt này đươc giới thiệu chấm với muối é trộn nước măng chua, chua chua cay cay hắc hắc; những đọt non của cây dương sỉ bóp gỏi với thịt gà rừng cùng vài con cá tràu (thuộc loại cá lóc nhỏ). Ăn bằng muỗng, và cũng (thú vị) bằng tay! Về thức uống thì có nước ngọt cho quý bà, cánh đàn ông thì vô tửu như kỳ vô phong, có nhiều bia heineken, rượu đế, và cũng đặc biệt năm, sáu ghè rượu cần đã châm đầy nước và đang chờ sẵn những nam phụ lão ấu nhấm môi!  Rượu đế được rót trong ống lồ ô cắt ngắn và gọt láng dùng làm ly. Xin hỏi nhỏ Jennifer hay qúy vị sành uống rượu vang, loại rượu đã chứa trong những thùng gỗ sồi, ngâm trộn với trái berry, hay vỏ cây quế v. v. vậy qúy vị đã thử dùng rượu đế Việt Nam, trong đó đã có pha ít nhiều mytox (thuốc rầy!) và uống nó trong một cái chung bằng ống lồ ô tươi còn đượm rất nhiều mùi... tre nứa và chất tươi của... măng già chưa? Oh la la!  Và kể về rượu cần khi uống cũng có một kỷ luật rất hay là người trong gia đình uống trước, bà trước ông sau, đến cô dâu, chú rễ, xong mới đến khách.
 Những ché (ghè) rượu được xếp thứ tự từ nhẹ đến nặng, hôm đó có 6 ghè, uống một tua như vậy xem như đã nốc cạn nửa lít rượu cần vào người rồi đó (!)  Rượu vào lời ra, hôm ấy đúng là một tiểu bang nhí của Liên Hiệp Quốc, trụ sở không treo quốc kỳ của các nước hội viên phấp phới nhưng cũng có mặt công dân Đức, Việt chính gốc, Việt dân tộc, Việt gốc Mỹ, và Mỹ chánh gốc. Còn ngôn ngữ cùng góp mặt có tiếng Ê đê, tiếng Việt, tiếng Anh và cả tiếng Pháp.  Nói chưa đủ, lại bày đặt ca hát nữa chứ, lúc này đúng là một ban tạp lục, tiếng Tây, tiếng Tàu, tiếng Thổ, tiếng Thái, tiếng Pháp, tiếng Ăng- lê,  biết tiếng gì hát ca tiếng nấy, và gõ nhịp thì dùng muỗng, dùng đủa gõ vào chén, gõ vào lon, gõ vào luôn cả mấy cái ghè! rồi có luôn cả ca vọng cổ giao duyên với bài Ave Maria cho nó đủ điệu... quốc tế bang giao!


     Buổi tiệc còn đang vui, vợ chồng đành về sớm, nghỉ chút đỡ mệt để dành cho buổi chiều tối, có hẹn, nghe nói thịt hươu, thịt mển đông lạnh mua hôm qua từ bên Lào để dành ăn cùng cơm niêu, canh tập tàng (số một cho quý bô lão bị... tiểu đường) nấu với lá ớt non đang chờ khách sành điệu.
Định viết kể thêm chuyện bên Lào để Jen đọc chơi nhân dịp Tết đến mà cứ sợ bị quở “A beau mentir (ce) qui vient de loin” (đi xa về, tha hồ... nỗ (nói khoát).
 Hẹn dịp khác. Rất thân.

hồ - ngo.c & Mộn.g Hồ

                             

Không có nhận xét nào: