Chuyện ông già từ quê lên phố
Bài II: “Cùng Nhau Đi Tới Sài Gòn”
(Hoàng Đằng viết tặng người
thân, bằng hữu và môn đệ cũ)
7 giờ sáng 19/12/2015, ăn sáng xong, bạn Nghiên gọi xe
tới.
Xe đưa ra sân bay
Phú Bài đã tới
Nghiên và lão lên xe. Xe đến đón anh Phan Thuận An ở
khu vực Gia Hội.
Ra đời, anh Phan Thuận An chú tâm nghiên cứu về lịch
sử, đặc biệt lịch sử cố đô Huế; khách gần xa có chi chưa hiểu về Huế thường đến
anh để thỉnh giáo; lâu lâu anh xuất hiên trên TV để nói về Huế, vì thế anh
không xa lạ gì với học giới.
Lần Nam Du này, khá nhiều anh chị em từ Huế cùng đi. Sáng 19/12. họ đã tập trung tại
nhà anh Phan Thuận An, trong đó, lão điểm mặt có Nguyễn Mạnh Quy, Nguyễn Văn
Hiền, Nguyễn thị Lựu, Nguyễn thị Diệu Hồng cùng phu quân là anh Đoàn Tại.
Xe lên đường Bạch Đằng đón Trần Khánh Tiếu. Tiếu là
một trong những người năng nổ trong việc kết nối tình bạn; rủi là Tiếu cách đây
chưa lâu bị một tai nạn giao thông khá năng, di chứng là đôi chân yếu, di
chuyển phải chống gậy, rứa mà cũng đi, thiệt nhiệt tình!
Trên xe hiện có 9 người; nghe nói Nguyễn Đăng Vận và
Nguyễn thị Ngọc Hương đã vào trước. Như vậy, Huế có 11 người Nam du – con số đáng khích lệ nhưng
chưa đầy đủ!
Đến sân bay Phú Bài, anh chị em bận rộn. Hãng Vietjet
quy định mỗi hành khách chỉ mang theo xách tay dưới 7 kg, dư bao nhiêu phải ký
gởi và chịu cước; anh chị em có mua quà Huế cho bạn bè và người thân trong Nam,
phải chạy lui chạy tới lập thủ tục; lão chỉ mang cái xách đựng quần áo, ghé
quầy cân hành lý xách tay là xong; cái xách ở nhà cân trước nặng hơn 8 kg, dư 1
kg, vậy mà lão không nghe nói gì, chắc nhân viên sân bay thấy lão già cũng có
du di.
Chiếc Airbus 320 cất cánh khoảng gần 9 giờ và hạ cánh
xuống sân bay Tân Sơn Nhất khoảng hơn 10 giờ một tí.
Tới Sài Gòn, anh chị em rã đám, ai tìm chỗ nấy. Không
có hành lý ký gởi, lão khỏi chờ, mang xách bước nhanh tới cửa ra.
(Lão ra cửa ga HK/TSN)
05 cô học trò
cũ của trường trung học công lập Đông Hà đã thuê taxi lên sân bay đón lão. Họ đang
đợi ngay cửa, bắt mặt nhìn vô, thấy lão, miệng cười, tay hoa. Mừng lắm!
Lão chỉ dạy ở trường Đông Hà chưa tới 2 niên khóa:
1970 – 1971 trọn vẹn, còn 1971 – 1972 thì mới đến tháng 3 năm 1972 phải tản cư
vì chiến sự; trong dạy dỗ, lão lại rất nghiêm khắc, vậy mà ơn trời lão được học
trò mến lắm. Hiện nay, trong tuổi già - thầy cũng già, trò cũng già - lão vẫn
được học trò quấn quýt, nhiều người làm thầy giáo bây giờ phát thèm!
Ở lớp 9 lão dạy năm 1970 – 1971, bên nam, có nhóm “tứ
quái”, bên nữ có nhóm “ngũ long công chúa” – nói thật ra, gọi là “quái” mà
chẳng có chi quái, gọi là “công chúa” mà chẳng phải con vua.
Dòng đời đẩy đưa, qua thời gian, người còn người mất,
người xa người gần, nhóm “tứ quái” nay không còn nguyên vẹn, lại thêm, “quái”
này ở rất xa “quái” kia, riêng nhóm “ngũ long công chúa” thì còn đầy đủ.
Dù sống xa quê, nhóm “ngũ long công chúa” vẫn còn bên
nhau. Họ chơi thân với nhau từ lúc học tiểu học tuổi dưới 10, đến nay trên 60,
tình cảm vẫn nồng ấm. Đó là Nguyễn thị Bích Hà, Dư thị Lan Phương, Châu thị
Ngân Hà, Lê thị Mai và Ngô thị Bình. Cảm động là Ngô thị Bình ở tận Bà Rịa cách
Sài Gòn cả 100 km mà vẫn bỏ chồng con, xách gói lên đường nhập bọn.
(“Ngũ long công chúa”
đón thầy cũ ở ga HK/TSN
Từ trái qua phải: thầy Hoàng Đằng, công
chúa Ngô thị Bình, công chúa Châu thị Ngân Hà,
công chúa Nguyễn thị Bích Hà, công chúa
Lê thị Mai, công chúa Dư thị Lan Phương)
Taxi dưa lão và các cô học trò về nhà Nguyễn thị Bích
Hà; Bích Hà bố trí phòng ở lầu 3 cho lão nghỉ lại. Phòng ngủ không thua chi phòng
khách sạn 3 sao, nói thiệt tình, không ba hoa. “Ngũ long công chúa” không chịu
về nhà, ở chung với nhau một phòng ở lầu 2 trong những ngày lão ở Sài Gòn. Tội
nghiệp! Hình như chỉ có một giường, họ chịu khó nằm xuôi nằm ngược răng đó, nói
chuyện thâu đêm.
Ở bài “Chuyện Khởi Hành”, lão khen tấm lòng cô Võ thị
Lạc đối với chồng là thầy Lý Văn Nghiên. Ở bài này, lão xin có lời khen đối với
các ông chồng, các người con, người cháu của “ngũ long công chúa.”
Dù mấy cô thương mến nhau bao nhiêu, chồng con khó
tính ngăn trở, các cô cũng không thể duy trì tình bạn lâu dài và thắm thiết gần
gũi nhau đến thế!
Lão đã nghe các cô nói chơi với nhau mỗi khi chụp
chung ảnh: Ảnh này, sau khi chết đi, sẽ được đặt thờ chung trên một bàn.
Bạn với nhau ở kiếp này chưa đủ, các cô còn tính
chuyện kết bạn ở kiếp sau.
Ôi! “Có gì đẹp trên đời hơn thế!”
Hoàng Đằng
26/12/2015 (16/11/Ất Mùi)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét