Thứ Hai, 14 tháng 12, 2015

Một Thời Để Nhớ - vkp.Phượng Ngày Xưa


                   Một Thời Để Nhớ 
                    vkp phượng ngày xưa

- Xin thắp một nén nhang trầm cho hồn thiêng mẹ Bạn hiền
- Xin tặng bài nầy cho những người lính già xa quê hương
- Xin gởi bài nầy đến mừng sinh nhật Ánh Trăng Vàng 15/12
***
         Trong bộ quân phục sĩ quan VNCH nhầu nát còn vương mùi thuốc súng , Anh ngồi bất động, lặng lẽ như một bóng ma .  Mới mấy ngày trước, anh còn hiên ngang cùng đoàn quân xông pha trong trận chiến ở nơi vùng cùn trời cuối đất Cà Mau, tâm tư anh luôn hướng về người mẹ thương yêu, mong sao Tết nầy sẽ được về quê để hưởng một mùa Xuân an bình hạnh phúc bên mẹ ...
         Vậy mà, giờ mẹ anh không còn nũa!  Còn gì đau đớn hơn khi đạn pháo  đã cắt lìa đầu mẹ anh và đâm mù mắt thằng cháu, con chị hai anh, vào cái ngày sắp đưa ông Táo về Trời...
         Nổi khổ đau khiến anh trợn trừng đôi mắt, vung tay đập mạnh lên bàn, ly cafe nhảy tưng lên, văng xuống đất bễ tan tành.  Bác Thượng sĩ già cận vệ từ bên ngoài lật đật chạy vào, đến bên anh vỗ về an ủi như một người cha đối với đứa con bạc phước.  Anh gục đầu vào ngực bác khóc nức nở rồi thiếp đi, bác phải vất vả dìu anh lên giường, kéo mền đắp lên  rồi bước ra ngoài.  Anh đi vào một giấc mơ...
         Ngày ấy, dù sắp thành người lớn, nhưng mỗi khi gặp chuyện buồn phiền, anh đều về gục đầu vào lòng mẹ mà khóc, mẹ cố dỗ dành, anh không chịu nín thì mẹ lại khóc theo. Sợ mẹ buồn, anh cố nuốt nước mắt vào trong, gượng cười với mẹ, đến đổi có lần cô bé hàng xóm, học chung lớp cùng trường, đã trêu chọc anh “ con trai gì mà mít ướt còn hơn con gái “  Nhớ lại, anh vẫn còn đỏ mặt khi nghe hai bà mẹ ngồi bên khai trầu bàn tính về chuyện của anh và cô bé “ để tụi nó lớn lên, mình sẽ dựng vợ gả chồng cho tụi nó nghen...”
         Mà sao ngày đó anh lại quá nhút nhát, không dám nói một lời thân thiết nào với cô bé!  Ở cái tuổi 15 - 18,  đáng lẽ phải là “những lúc đi về anh đón đưa" thì ngược lại, anh chỉ biết đứng “nhìn theo bóng em khuất nẻo vào nhà“
         Đậu xong tú tài, mộng chinh nhân đã xui anh vào trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt để trở thành người lính VNCH.  Mòn gót giày trên bốn vùng chiến thuật, cái radio là người tình nhỏ, luôn nằm trong túi áo bên ngực trái cùa anh.   Những đêm heo hút ờ tiền đồn, lòng anh bâng khuâng thương nhớ ơ hờ về cô bé hàng xóm khi nghe bài hát “Vọng Gác Đêm Sương“
 “Xưa lúc xa xưa , tôi có người em tuổi đẹp TRĂNG tròn
Tuy rằng không gặp, không hẹn bao giờ và chưa yêu thương
Phong kín tâm tư tôi gởi đời trai vào mộng đăng trình
Giữa buổi TRĂNG rằm rời xa gác ấm không hề gặp nhau..."            

         Có tiếng động ở cửa làm anh giật mình tỉnh giấc, bác cận vệ bước vào báo cáo: “Thưa Trung Úy, đã chuẩn bị xong xe cộ để Trung Úy về đưa tang...", tự nhiên bác lại nghẹn lời, không nói tiếp được...
***
         Vào nhà, anh đứng chết lặng trước quan tài và di ảnh của mẹ, dì Út anh chạy ra ôm chầm lấy anh khóc nức nở, cô bé hàng xóm,  giờ đã là cô giáo, nhìn anh mắt lệ đoanh tròng...
         Anh đốt nhang, quỳ lạy mẹ, đôi vai anh run lên theo từng tiếng nấc nghẹn ngào, bất ngờ anh khuỵu xuống, mọi người xúm lại đỡ anh vào phòng , cùng lúc để anh mặc bộ đồ tang...
         Ba ngày tang má, cô bé hàng xóm  luôn cận kề để lo nhang khói cho mẹ và cháo lao cho anh.  Vô cùng cảm kích nhưng anh vẫn không thốt nên lời...
         Chôn cất mẹ xong, anh trở về đơn vị, dì Út và cô bé hứa là sẽ chăm lo nhang khói chu đáo cho mẹ anh nên anh cũng yên tâm lên đường dù lòng đau như ai cắt từng khúc ruột!
         Cuộc chiến ngày càng trở nên khốc liệt, anh phải đi hành quân liên miên... Những giây phút nghỉ ngơi hiếm hoi, anh tìm quên bên ly rượu. Một thời gian dài, anh không xin nghỉ phép về nhà vì sợ ngôi nhà thân yêu, đầy ấp kỳ niệm, gợi lại hình ảnh cái chết thảm thương của mẹ anh.  Nỗi đau và cuộc chiến khiến anh đành bỏ lại sau lưng cô bé hàng xóm chung lớp cùng trường!


         Khi tất cả đã nguôi ngoai theo cùng năm tháng, anh mới chợt nhớ đến cô bé, nên khi được nghỉ phép, anh vội vã về quê tìm cô nhưng than ôi, đã quá muộn vì cô đã cùng một đồng nghiệp nên  duyên vợ chồng...
Anh buồn nhiều, tự nghĩ mình thật đáng trách đối với cô và cảm thấy có lỗi nhiều vì đã không làm tròn ước nguyện của hai bà mẹ.  Mọi việc đã an bày, anh cũng đành neo thuyền sang bến khác để có được một mái ấm gia đình...
***
         Sau năm 1975, những người thuộc “phe thua cuộc” phải vào vòng lao lý.  Với cấp bậc thiếu tá quân lực VNCH, anh phải đi tù 10 năm, vợ anh bận bươn chải để kiếm sống và nuôi con nhỏ nên bỏ mặc anh, chỉ có dì Út, thân cò lặn lội đường xa, từ Nam ra Bắc, từ trại tù nầy qua trại tù khác để thăm nuôi anh.
         Rồi anh cũng được trở về nhà với thân hình tàn tạ, ốm đói, bệnh tật đầy người... Dì Út đã nghẹn ngào đón anh trong vòng tay ấm áp của người mẹ. Dì đã hết lòng lo lắng săn sóc  anh cho đến khi được khỏe mạnh hẳn mới trả anh lại cho vợ con anh để cùng xây lại tổ ấm. Dì đúng là người mẹ thứ hai vô cùng tuyệt vời !
***
         Bao gian khổ của anh rồi cũng được đền bù xứng đáng khi nước Mỹ dang rộng vòng tay đón anh đến miền đất hứa...  Gần nửa thế kỷ sau, tình cờ anh gặp lại CÔ HÀNG XÓM BẠN HỌC trong một buổi họp Hội Liên Trường TN ở Cali.  Cả hai bàng hoàng trút cạn tâm tình với nhau trong thời gian ngắn ngủi.
         Chia tay trong nước mắt, cả hai cùng trở về với bổn phận cao quý của mình: Người chồng người vợ, người cha người mẹ, người ông người bà, thậm chí là... người dưng. 
         Một  phút lắng đọng tâm tư khi quay về với một thời để nhớ, anh đã phân trần với cô bé ngày xưa qua nửa vòng trái đất bằng email:



Thương gửi "Người em tuổi đẹp TRĂNG tròn."
Bài nhạc Vọng Gác Đêm Sương thể hiện đúng tâm tư của anh lúc vào lính. Nhưng lý do chọn đời lính chiến thì rất rỏ ràng : Cuộc đời binh ngủ là nghề nghiệp. Thành thử, nếu ngày  trước  anh mạnh dạn tỏ lòng và lúc đó em cũng yêu anh thì em sẽ là chinh phụ. Anh không chọn nghề "godautre", không phải anh chê nghề ấy; mà vì tánh thích bay nhảy, thích phiêu lưu mạo hiểm. Và lại anh học dở quá làm sao làm thầy được. Em có biết không, đêm hôm qua lên net định viết cho em về ngày giỗ má anh, nhưng thấy bản nhạc Vọng Gác Đêm Sương nên anh đã nghe đi nghe lại nhiều lần với một tâm trạng lâng lâng, và rồi vì nỗi nhớ về dĩ vãng của thời mới lớn, anh không gõ được một chữ nào cho em, cho đến lúc thiếp đi tại bàn viết. Đời lính lúc nào cũng sống mãnh liệt trong anh. Chỉ cần một hình ảnh nào đó, một vài câu thơ, bản nhạc... về lính, là anh cảm thấy nó sống dậy, bùng cháy trong đầu anh, hiển hiện trước mắt anh. Đời nhà giáo và đời nhà binh là hai khung trời khác biệt nhau, nhưng không phải là cách biệt . Một bên là mô phạm, làm việc bằng trí tuệ nhiều hơn. Một đằng thì bay nhảy đây đó, tính tình ngang tàng, có kỷ luật sắt, nhưng không mô phạm, khuôn vàng thước ngọc. Có những điều, xã hội dễ dãi với lính mà khắt khe với nhà giáo (cái đáng quý là ở chỗ này), thí dụ: lính rượu chè be bét thì không sao, ngược lại, nhà giáo mà say rượu là bị phê bình liền, phải không?  Mời em nghe vài lời thỏ thẻ tình tự của người lính trẻ và người yêu. http://youtu.be/0JAcvovm1ew  Mong rằng sẽ có ngày Tết nào đó anh sẽ về thăm em và các bạn cho thỏa lòng .
Người Lính Già Xa Quê Hương

                 Vkp phượng ngày xưa





Không có nhận xét nào: