Thứ Bảy, 26 tháng 12, 2015

Chuyện ông già từ quê lên phố:Bài I. Chuyện Khởi Hành (Hoàng Đằng)


Chuyện ông già từ quê lên phố
Bài I. Chuyện Khởi Hành

(Hoàng Đằng viết tặng người thân, bằng hữu và môn đệ cũ)    

Lão học Viện Hán Học Huế khóa II, vô trường 1960, ra trường 1965. Ra trường, mỗi người đi mỗi phương, mỗi người có một hoàn cảnh, một địa vị xã hội riêng, nhưng mọi người, do tình cảm thân thương, rất quan tâm đến nhau.
Lão có lẽ là người được đồng môn ưu ái nhất chỉ vì cái số lão vừa là số khổ vừa là số hên.

Chiều 01/8/2015, bạn Nguyễn Bá Yên từ Cần Thơ điện thoại ra thăm hỏi và nói cho biết:
- Cuối tháng 12 năm nay, một số anh chị em định cư ở miền Tây Nam Bộ tổ chức gặp mặt đồng môn Viện Hán Học; mục đích là cùng nhau đi chơi một chuyến, kẻo “tuổi già xồng xộc” đang đuổi sát lưng; đi chơi thôi, không lễ nghi gì hết, anh chị em chịu chi phí cho Hoàng Đằng hết, Hoàng Đằng đi không?
Nghe sướng quá, “đã” quá, lão nhận lời ngay. Có ai được như rứa mô! Đi chơi cũng cần du phí, thế mà anh chị em lo rồi.
Trong tuổi già, lão nhận đươc nhiều tình cảm, từ con cháu, từ làng xóm, từ bạn bè, từ học trò cũ. Người ở xa lâu lâu điện thoại hỏi, người đi ngang qua Đông Hà – quê lão – thường ghé thăm; người ở gần thỉnh thoảng tới nhà chuyện trò. Thấy vậy, nhiều người ngang trang ngang lứa so bì: “Răng mà ông hay rứa? Tui ở nhà suốt ngày một mình không ai lui tới, buồn quá!”

Lão nhận lời đi Nam do phản ứng tự nhiên. Đêm đến, không ngủ được, lão suy nghĩ miên man, cứ sợ sức khỏe không cho phép đi xa mà phải ngủ qua đêm nơi xứ lạ. Hình ảnh một số bạn ở xa về dự họp mặt kỷ niệm sinh nhật lần 55 của Viện Hán Học tổ chức ở Huế cuối năm 2014 hiện về trong trí. Những người sức khỏe kém, vì thiết tha tình bạn, cũng có về dự, nhưng đều được người thân đi kèm: hoặc là người hôn phối, hoặc là con cháu. Đúng thôi! Những bạn ấy, ngoài chuyện đi đâu đem chồng, đem vợ đi cùng để “quạt nồng ấp lạnh” như thời trẻ, còn thêm chuyện dự phòng, lỡ trên đường, có chuyện gì không may về sức khỏe, có ngay vợ, chồng, con, cháu bên cạnh săn sóc và cấp báo về gia đình. Lão không có người và, nếu có, cũng không đủ điều kiện đem theo.
Sáng ra, lão điện thoại cho bạn Nguyễn Bá Yên nói lời từ chối, bạn Yên mắng – lời lẽ rặt giọng cửa Khổng sân Trình:
- Già rồi mà không giữ chữ TÍN, vé máy bay mua rồi thì làm sao đây! Gắng giữ gìn sức khỏe mà đi, đừng thụt lui thụt tới.
Lão phải im, không nói gì thêm. Thật ra, Nguyễn Bá Yên, vì thương lão, muốn lão có mặt, nên nói “lấy được”, chứ vé máy bay làm gì có chuyện mua ngay như thế!
Lão nghĩ không sai! Qua tháng 10/2015, bạn Lý Văn Nghiên định cư ở Huế mới đi đặt vé.
Nghiên cho biết:
- Ngày 21 và 22/12, bạn bè mới gặp nhau ở Mỹ Tho, rồi qua Vĩnh Long và xuống Cần Thơ; đáng lẽ chúng mình lên máy bay đi Sài Gòn ngày 20/12, nhưng thôi, đi 19/12 để có thì giờ chơi một ngày ở Sài Gòn.
Bạn Nghiên cứ vài hôm điện ra hỏi thăm sức khỏe, nhắc nhủ đi cho được, bạn còn bảo lão là “linh hồn” (!!!) của khóa II. Lão là người thực dụng, cứ nghĩ “thể xác” mới sướng, chứ “linh hồn” vô hình thì cực hay sướng ai biết!

Trời trở mùa, lão viêm họng, chuyển qua viêm phế quản, ho hơn nửa tháng; hết ho, lão lại đau lưng do già rồi mà dại - tập thể dục sai thế; mấy cái dây chằng giãn ra không trở về nguyên trạng, ngồi cũng đau, đi cũng đau, chỉ có nằm là đỡ, nhưng chả lẽ cứ nằm hoài! Nghe nói nằm nhiều mục xương, lão cũng sợ. Trong cơ thể con người, các bắp cơ, các dây chằng cũng như sợi cao su, lúc trẻ, còn mới, kéo căng, thả ra trở về nguyên trạng ngay, lúc già, cũ rồi, kéo căng, thả ra, khó trở về nguyên trạng. Lời khuyên dành cho người cao tuổi là, khi tập thể dục, chỉ làm những động tác nhẹ nhàng.
Đến ngày đi, cơn đau lưng của lão vẫn còn 20%, lão ngồi tàu lửa, ngồi máy bay, ngồi xe, ê lắm!
Lão rời nhà ở Đông Hà tối ngày 18/12. Trời mưa rả rích; sắp đến tiết Đông Chí (22/12), trời lạnh. 18 giờ, cháu lão chở lão đến ga Đông Hà. 6:40 giờ tàu lửa rời ga đi Huế. Đêm 18/12, lão nghỉ tại nhà bạn Lý Văn Nghiên theo lời mời ở 26/7 Lê Thánh Tôn, Thành Nội, Huế.
Tàu đến Huế khoảng 20:30 giờ. Thay vì đi xe ôm cho đỡ tiền, chơi sang một chút, lão lên taxi về nhà Nghiên - lão đã báo chuyến đi Nam cho con cháu đầu tháng 11, thành thử, bọn chúng có chuẩn bị một số tiền cho lão.

                      (L V Nghiên đang gọi xe để ra phi trường) 

Lão tới nhà Nghiên, gọi cửa, cô Võ thị Lạc – phu nhân của bạn Nghiên - ra tiếp; thấy lão đi taxi, cô Lạc trách:
- Sao anh không gọi điện để anh Nghiên ra đón!
Lão phân trần:
- Anh Nghiên già rồi, đã giờ này mà thêm trời lạnh, điện trước nhờ anh ra đón, cực anh quá! Tôi không muốn làm phiền.
Bạn Nghiên không có nhà, đang dự một tiệc cưới. Nghe cô Lạc điện bảo lão tới rồi; bạn Nghiên trả lời sẽ tranh thủ rời tiệc cưới về trong vòng 15 phút nữa.
Ông bà bạn Nghiên đã cho dọn sẵn cái phòng ngủ trên gác – cái phòng mà lão từng trọ qua đêm trong chuyến đi miền Tây họp mặt như thế này cuối năm 2010.
Phòng ngủ biệt lập, không gian ấm cúng, thermos nước sôi mới nấu, sách vở chưng bày trên kệ đầu giường, lão có thể vói lấy một cuốn đọc để ru mình vào giấc ngủ.
Bạn Nghiên về, anh em chào hỏi nhau, rồi Nghiên dặn dò sáng ngày mai (19/12) phải dậy khoảng 5:30 giờ để xe đón ra phi trường. Bạn cũng lo lắng bữa ăn sáng, hỏi trước:
- Đằng thích ăn gì, uống gì?
Lão trả lời:
- Cà phê mình không uống được; còn ăn, ông bà Nghiên ăn thứ gì mình ăn thứ ấy.
Bạn thương lão, chiều lão nhưng lão cũng cần “biết điều” một chút. Lão đòi ăn cái thứ mà nhà bạn không chế biến hay phải đi mua xa, phiền hà cho bạn thì lần sau còn mong chi được mời về nhà một cách sốt sắng!
Rứa là cô Lạc đổ trứng ốp la, mua bánh mì, dọn cho chồng và bạn chồng.
Số bạn Nghiên thật là may mắn: lấy được người vợ tuyệt vời. Thời đi học, cô Lạc xuất sắc, tốt nghiệp thủ khoa ban Lý Hóa Đại Học Sư Phạm Huế năm 1969; thời đi dạy, ở trường Đồng Khánh, cô dạy hay đến nỗi bây giờ tuổi cao rồi vẫn còn nhiều học sinh tới nhà xin thọ giáo; cô lo việc nhà việc cửa ngăn nắp chỉnh chu; cô còn đẻ giỏi – hai con cô: một trai một gái rất thành đạt; ngoài ra, cô còn có năng khiếu về âm nhạc - giọng ca của cô không thua gì một ca sĩ chuyên nghiệp. Cô là bệ phóng cho bạn Nghiên – vốn cũng nhiều tài – tạo uy tín giữa đời.
Học trò cũ của Nghiên tôn thờ Nghiên làm thần tượng, bạn bè của Nghiên thấy ở Nghiên một người bạn chí tình. Không có cô Lạc hiểu biết, thông cảm, chắc chắn Nghiên không đạt đến mức đó.
Người đời đã đúc kết kinh nghiệm trong câu: ”Giàu nhờ bạn, SANG NHỜ VỢ.” Thiệt không sai!

Hoàng Đằng
25/12/2015 (15/11/Ất Mùi)









Không có nhận xét nào: