Thứ Năm, 31 tháng 12, 2015

Chuyện ông già từ quê lên phố: Bài V. Đi Vũng Tàu

Chuyện ông già từ quê lên phố
Bài 5: Đi Vũng Tàu

(Hoàng Đằng tâm tình với người thân, bằng hữu và môn đệ cũ)

Ở lần họp mặt cựu môn sinh Hán Học Huế cuối năm 2010 ở thành phố Mỹ Tho, lão được mời lên tâm tình với anh, chị, em đồng môn.
Trong tâm tình, lão nói lão có 2 vợ, nhưng hiện ở một mình không có bà nào bên cạnh. Anh chị em ngạc nhiên. Cười.
Sau đó, một vài bạn, có dịp nói chuyện với lão trên điện thoại, cứ đùa:
- Hoàng Đằng sướng quá, có đến hai mụ!
Có bạn lại còn phóng đại, đồn lão có đến 3 mụ.
Vui thì đùa chút chơi, nhưng nghĩ lại, lão chảy nước mắt về đường tình duyên. “Tiệt nhiên định phận tại thiên thư” (Rành rành phận định ở sách trời), biết mần răng chừ!

Lúc lão đỗ xong trung học đệ I cấp (trung học cơ sở bây giờ), lão đã làm lễ đính hôn.
Vị hôn thê của lão là một cô gái quê cùng xóm, cùng làng. Thân phụ và nhạc phụ của lão sắp xếp, chứ lão và vị hôn thê của lão còn non nớt lắm – lão 16 tuổi, vị hôn thê của lão 17. Cô nàng xinh, nói năng hoạt bát, duyên dáng, lão chấp nhận ngay; lão cứ sợ nếu chần chừ, cô nàng có thể về tay người khác.
Đính hôn rồi thì phải thành hôn, dân gian có câu:
“Hỏi vợ thì phải cưới ngay,
Chớ để dài ngày sinh chuyện không hay.”
Hai năm sau, lão 18, vị hôn thê lão 19, hai gia đình tổ chức lễ thành hôn. Tội nghiệp! Cưới xong, đáng lẽ vợ chồng bên nhau, hưởng hạnh phúc đầu đời; vậy mà lão phải xa nhà tiếp tục việc học hành. Tuy nhiên, có lẽ nhờ tình yêu đã định vị, lão tập trung tâm trí vào việc học và gặt hái được đôi ba thành tích trong học tập; còn các bạn lão – bên nam cũng như bên nữ - bồ bịch, tâm trí chia năm xẻ bảy.
Lão và vợ lão, thật sự, sống bên nhau không được bao lâu; lão bận chuyện học hành, chuyện đi dạy xa rồi chuyện lính tráng theo lệnh tổng động viên.
Năm 1972, trên đường di tản tránh chiến trận, vợ lão tử nạn, để lại 4 con dại.
Vết thương trong lòng rỉ máu. Vừa thương vợ mất trong khổ nạn vừa thương con quá non dại, lại không có nơi ở ổn định, dòng đời nổi trôi theo vận nước, lão không tính chuyện tục huyền, dù thời ấy, lấy vợ lại cũng không khó lắm

Năm 1993, Việt Nam mở cửa, các tổ chức nhân đạo phi chính phủ vô Việt Nam trợ giúp, lão đi làm với họ, đầu tiên với Médecins Sans Frontières (MSF), hết dự án y tế của MSF, lão qua làm với Handicap International (HI) trong dự án phục hồi chức năng ở tỉnh Quảng Trị; tổ chức này mở một xưởng làm chân giả tại Bệnh Viện Đa Khoa tỉnh Quảng Trị. Nơi đây, lão quen với một phụ nữ có một con công tác trong khoa Phục Hồi Chức Năng; do mai mối và động viên của anh chị em đồng nghiệp – cả ta lẫn Tây, lão và người phụ nữ ấy đã nối duyên đầu năm 1995.
Vợ sau của lão dịu dàng, dễ thương, biết chiều chuộng, ngăn nắp trong việc nhà, khéo tay trong nấu nướng; con tim của lão đã tươi trở lại sau một thời gian dài khô héo; lão hưởng được một số năm tháng hạnh phúc.        
Tiếc là thời gian không ngừng lại mà cứ trôi; thời gian trôi nghĩa là tuổi tác chồng chất; tuổi già “xồng xộc” đến với cả hai; già thì bệnh tật ùa đến, khi thì ốm một người, khi thì ốm cả hai. Lại thêm, lão không còn lao động kiếm sống được, vợ lão lại về hưu; cả hai nghĩ rằng tiếp tục sống chung càng về sau càng khó khăn, nên quyết định “thôi chi cho bằng sớm liệu mà xa nhau”; thế là cuộc chia tay diễn ra vào cuối năm 2009; mỗi người về nương tựa vào con dâu, để “the da nóng chắc” có người săn sóc. Lòng lão thêm một lần rỉ máu.

Con trai vợ lão – lão coi như con chung – tốt nghiệp kỹ sư công nghệ thông tin, được Viễn Thông Quảng Trị tuyển dụng, từng đi tu nghiệp chuyên ngành tại Nhật. Tuy nhiên, cháu thích làm việc trong môi trường tự do hơn; hai vợ chồng bán cơ ngơi ở Đông Hà, dẫn hai con thêm mẹ vào Vũng Tàu lập nghiệp gần 6 năm rồi.
Trong chuyến đi Nam này, lão phải tranh thủ thời gian để thăm lại người đã từng “đầu ấp tay gối”, con, dâu và cháu.

*
*   *

Sáng 20/12/2015, thể theo nguyện vọng của lão, “công chúa” Bích Hà gọi cháu thanh niên quen biết từng chở lão chiều hôm trước đưa xe máy tới nhà chở lão ra bến xe Miền Đông. Tại đây, cháu thanh niên để lão và xe máy bên ngoài, vào trong mua vé xe, đem ra rồi dẫn lão vào tận xe sắp khởi hành.
Sự quan tâm của cháu lái xe chắc do Bích Hà dặn dò, Bích Hà cứ sợ lão “từ quê lên phố” có thể bị lạc.
Lần đi này, xe chạy theo lộ trình: bến xe Miền Đông – TP. Biên Hòa – huyện Long Thành – TP. Bà Rịa – TP. Vũng Tàu. Vé xe chỉ 85.000 đồng, lộ trình dài, nghe nói, 125 km. Đến đầu địa giới Vũng Tàu, xe tạm dừng ở trạm trung chuyển; tại trạm, có taxi của hãng xe phân luồng đưa khách về tận nhà, miễn phí.
Gia đình con lão ở phường Thắng Nhất – khi đi, lão cứ tưởng là Thống Nhất (!!!).
Lão không báo trước; lão vào, vợ lão, con, dâu lão và hai cháu lão ngạc nhiên, mừng lắm.
Con, dâu lão vào đây đã có cơ ngơi vững vàng, nhà cửa, dù không rộng lắm, cũng đầy đủ tiện nghi, sạch, thoáng.
Chuyện trò năm ba phút, lão nhờ hai đứa cháu dẫn đến thăm nhà của người cháu gọi vợ lão bằng dì, ở gần đó thôi.
Con lão không muốn lão đi bộ, lấy xe máy ra, chở lão đi. Rủi! Tới nhà, nhà đóng cửa. Con lão đưa lão trên xe máy dạo phố Vũng Tàu, chạy quành dọc bờ biển. Vũng Tàu hiện là thành phố lớn xếp hạng đô thị loại 1, nhưng chưa phải trực thuộc trung ương mà còn thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Con lão liên lạc với cháu gọi lão bằng dượng; vợ chồng cháu và các con đi “kéo ghế” ngày Chủ Nhật, đang uống cà phê ở một nhà hàng lớn gần biển. Lão tới đó, cháu hỏi:
- Dượng vào thăm, ở được bao lâu?
Lão cho biết:
- Chốc nữa, dượng phải lên xe trở lại Sài Gòn trước 17 giờ vì tối nay, theo kế hoạch, dượng phải đi dự đám cưới con của một người thân quen.
Cháu nói ngay:
- Hơn 15 giờ, dượng khởi hành từ đây cũng kịp, để cháu cho xe tới chở dượng lên, giao tại nhà dượng đang ở.
Vợ cháu còn dúi vào túi áo lão một phong bì. Con, cháu thương thì nhận, biết nói sao giờ!
Con lão đưa lão tham quan phố xá phần bên trong của Vũng Tàu, rồi về nhà. Đứa cháu gọi lão bằng cậu, giáo viên, ở cách Vũng Tàu 50 km, nghe tin lão vào, cũng đi xe máy lên thăm lão. Lão cũng muốn đến thăm cháu ở nơi công tác, tiếc là không còn thời giờ. Thôi cứ hẹn dịp khác!
Mâm cơm đã dọn sẵn, ngon: cơm nóng, canh nóng, một đôi món hải sản tươi rói. Lão ăn cơm trưa với gia đình.
Chuyện trò thêm một chốc nữa; xe đến, trời bên ngoài đang mưa phùn bỗng nặng hạt, lão chia tay vợ, con, dâu và cháu để về Sài Gòn.


(Cháu Nhím sinh 2004, đang học lớp 6, ngồi trước computer,
đọc tiếng Anh – Biểu diễn cho ông nội thấy)

Hai cháu Nhím và Thỏ quyến luyến lão; nhìn cảnh này, không khí này, lão tự nhiên bồn chồn trong dạ. Cảm động! Nhím và Thỏ vịn áo lão, nói có vẻ tiếc nuối:
- Sao ông nội sớm về vậy!

(Hai cháu: Nhím (sinh năm 2004, trái) và Thỏ (sinh năm 2007, phải)
đang nói tiếng Anh với nhau – biểu diễn cho ông nội biết)

Lần về, xe đi theo lộ trình khác: TP. Vũng Tàu – TP. Bà Rịa – huyện Long Thành rồi rẽ vào đường cao tốc lên Sài Gòn.
Trời mưa, xe tới địa giới Sài Gòn chưa tới 17 giờ; tuy nhiên, gặp giờ cao điểm, đường cả xe và xe, xe lão chầm chậm lần về nhà Bích Hà; nhà Bích Hà trong con đường nhỏ, xe còn cách khoảng 20 mét, phải dừng lại vì đống hàng hóa của ai đó cản đường; lão xuống xe, chào từ giã anh tài xế, bảo anh quay xe về Vũng Tàu kẻo trời khuya; anh không chịu, đòi phải có người nhận bàn giao; lão phải điện cháu Bi – con trai Bích Hà – ra.
Lão vô nhà lúc ấy cũng trên 18 giờ; Bích Hà đang đợi để thầy trò cùng đi dự tiệc cưới, chứ không đành đi trước cùng bạn bè.
Chu đáo quá, “công chúa” Bích Hà ơi!

Hoàng Đằng
29/12/2015 (19/11/Ất Mùi)




Không có nhận xét nào: