Thứ Năm, 10 tháng 3, 2016

Tiếng Hót Trong Lòng - Trịnh Bửu Hoài


TIẾNG HÓT TRONG LỒNG                       

Truyện ngắn Trịnh Bửu Hoài

Trời ban cho chị giọng hát hay. Nhưng từ thuở nhỏ tôi biết chị không thích nghề ca hát. Thời đi học thỉnh thoảng chị hát trong những buổi tiệc vui của bạn bè.
Nhan sắc chị trung bình, không đẹp sắc sảo nhưng có duyên. Màu da trắng giúp cho gương mặt chị sáng và quyến rũ.
Lần đầu tiên nghe chị hát, tôi có cảm giác như đang đắm mình trong tiếng chảy réo rắt của một dòng suối. Thú thật, tôi không muốn ngước nhìn mặt chị, vì giọng chị hát đẹp quá, trong quá. Tôi liên tưởng những âm thanh mê hoặc ấy đang toát ra từ đôi môi của một vầng trăng.
Tôi làm quen với chị. Và tôi vô cùng thất vọng khi nghe chị ví mình như con chim sơn ca ngứa cổ hót chơi. Con đường tương lai của chị là những ước vọng cao xa. Tôi không hiểu với lứa tuổi mười sáu chị tìm đâu ra những ước mơ tột đỉnh và hão huyền ấy. Trong khi tiếng hát của chị đối với tôi là những hạt kim cương lấp lánh, nhưng đối với chị lại là những hòn bi nhỏ để đùa chơi khoảnh khắc!
Chiến tranh bùng nổ, tôi ra đi. Hơn mười năm sau tôi mới trở về và được biết chị hiện là diễn viên của một đoàn cải lương tỉnh. Tôi rất mừng khi chị đã trở thành nghệ sĩ đúng với điều tôi mong muốn.
Tôi âm thầm tìm đến nơi chị diễn để được nghe lại tiếng hát ngày xưa, cũng để xem con chim sơn ca có còn ngứa cổ hót chơi hay đã thật sự làm chao đảo lòng người.
Dưới ánh đèn sân khấu, chị lộng lẫy trong xiêm y của một bà hoàng hậu quyền uy. Tôi chợt mỉm cười khi nhớ đến mơ ước của chị ngày xưa. Bây giờ chị đã toại  nguyện, nhưng lại ở trên sân khấu! Tôi định khi nào gặp lại nhau, tôi sẽ trêu chị chuyện này.
Khi chị cất tiếng hát, tôi ngồi chết lặng, không phải cái chết lặng của kẻ đang say sưa uống từng lời ca để nghe trái tim mình thổn thức mà là cái chết lặng của sự thất vọng. Tôi cố gắng nghe, cố thả hồn mình quyện vào tiếng ca ấy, nhưng sao lòng vẫn trơ trơ. Giọng hát hồn nhiên, chân chất, xuất thần của chị ngày xưa không còn nữa. Chị đang cố luyến láy, uốn giọng để đưa âm thanh vọng vào tai mọi người và hân hoan đón nhận những tràng pháo tay, hò hét cổ vũ của đám khản giả choai choai. Tôi buồn. Thuở nào chị ngứa cổ hát chơi nhưng lại là tiếng hát của đáy lòng, bây giờ chị hát thật nhưng chỉ là những âm thanh của sự giả tạo.
Tôi ra về, lòng nặng trĩu. Tôi chợt hiểu vì sao đã bước qua tuổi ba mươi mà chị vẫn còn là cô đào khiêm nhường ở tỉnh lẻ, lẽ ra chị phải là một tài danh. Hồi đó đến giờ, chị có bao giờ tin ở giọng hát của mình đâu! Cho đến hôm nay, khi đứng trên sân khấu, chị cố sửa giọng cho khác đi. Tôi thầm tiếc một tài hoa.
*
Tôi đến thăm chị. Chị mừng rỡ khi gặp lại người bạn thiếu thời và kể lể nhiều nỗi truân chuyên:
- Sau khi anh bỏ trường ra đi, tôi lấy bằng tú tài toàn phần và thi đậu vào đại học Luật khoa Sài Gòn. Nhưng chỉ học được hai năm, tôi lấy chồng. Chồng tôi là thiếu tá quận trưởng…

Tôi nghĩ thầm, thì ra chị vẫn cố đạt được ước vọng “làm bà”.
-   Chồng tôi lớn hơn tôi mười tuổi, là một người từng trải và đào hoa, không chung thủy. Tôi còn trẻ cần có sự chăm sóc, chiều chuộng, nhưng sớm rơi vào nỗi quạnh hiu nên rất khổ tâm. Đời sống tinh thần thiếu thốn, tôi không có hạnh phúc như mơ tưởng. Sau ngày giải phóng, chồng tôi đi học tập cãi tạo, tôi không biết làm gì để sống. Nhớ lại giọng ca của mình, tôi đi theo nghề hát đến ngày nay. Nhưng cải lương bây giờ xuống dốc, thu nhập kém, buồn lắm anh ơi.
-    Mỗi xuất hát chị được thù lao bao nhiêu?
-    Một trăm ngàn. Tiền son phấn, ăn ở, phải tiết kiệm. Mùa mưa nghỉ hát, cuộc sống còn khó khăn hơn.
-   Tôi biết hiện nay có một số nghệ sĩ rất giàu.
-   Đó là những ngôi sao. Một đêm diễn của họ giá vài triệu đồng.
Suy nghĩ giây lát, tôi nói thẳng:
-   Hồi đó giọng hát của chị rất hay, một số tài danh bây giờ cũng chưa bằng. Xin lỗi, đó là nhận xét chủ quan của tôi.
Chị lắc đầu:
-   Nghề này có nhiều cái bạc bẽo lắm. Lúc trước tôi cũng đi những đoàn lớn, nhưng không tiến thân được.
Chị kể tên một số cô đào nổi danh bây giờ trước kia là đàn em của chị. Tôi muốn biết vì sao chị không tiến thân được nơi xứ người mà phải trở về quê hát ở một đoàn nhỏ. Chị bảo có nhiều điều tế nhị không nói ra được.
Tôi chợt hỏi chị:
- Tại sao những đàn em của chị bây giờ lại thành danh?
- Tụi nó trẻ đẹp dễ thu hút khán giả, lại được lăng-xê nên lên nhanh.
Điều chị nói làm tôi ngậm ngùi. Thời trẻ thanh sắc vẹn toàn, chị xem tiếng hát là một trò vui để theo đuổi tiền tài, danh vị. Khi đã quá thời, cuộc sống bế tắc, chị quay lại dùng tiếng hát của mình để mưu sinh. Có bao giờ chị hát bằng tấm lòng yêu nghệ thuật, bằng trái tim của mình đâu? Ngay bây giờ chị cũng không sống thật, không nhìn thấy được mình, cứ vào vai những cô gái trẻ trung, xinh đẹp. Lớp phấn son và giọng ca nhí nhảnh không kéo lại được tuổi trẻ cho chị, mà nó còn làm tăng thêm sự giả tạo trơ trẽn. Sân khấu là giả, nhưng người diễn viên phải sống thật. Chị có thể lừa dối mình chớ không lừa dối được khán giả
*
Năm năm sau, vào một buổi chiều xuân có hai người bạn đến mời tôi đi uống vài ly rượu đầu năm. Tiết trời lành lạnh, nghe tới rượu cũng thèm, tôi hỏi bạn:
 -  Mình đi đâu?
 -  Vào quán Hương, đầu năm tươi mát một tí.
 Tôi hơi sượng. Một phần vì nơi đó mang tiếng là quán bia ôm, một phần vì tôi ngán bia. Nhận ra sự lưỡng lự của tôi, bạn hỏi:
       -   Sao vậy, sợ bà xã à?
 Tôi lắc đầu:
 -   Điều đó chẳng quan trọng, nhưng không khí nầy uống bia sao hợp?
       -   Không uống bia thì uống rượu Tây, phá lệ một bữa đi.
Bạn nói phá lệ là hiểu ý tôi. Bản chất tôi xưa nay không thích rượu Tây. Tôi uống rượu Tây như nghe đàn piano, không cảm nổi; còn uống rượu đế như nghe đàn bầu, tâm hồn lâng lâng bay bổng.
 Thấy tôi chần chừ, bạn nói tiếp:
 -   Quán Hương bữa nay có con nhỏ hát vọng cổ rất tuyệt. Rủ mầy vô đó là để nghe hát.
      Bạn tôi đánh trúng đòn tâm lý vì biết tôi khoái văn nghệ.
 Khi ngồi bào bàn, tôi từ chối cô tiếp viên ngồi bên cạnh. Bạn tôi hiểu ý, cho mời cô ca sĩ. Bạn  ghé vào tai tôi:
 -   Cô ta từng là đào chánh. Tuyệt, tuyệt lắm.
    Cô đào chánh vừa bước đến ngưỡng cửa bỗng sựng lại khi nhìn thấy tôi. Đó là chị. Chị đỏ mặt trong khi tôi sửng sốt.
  Để tránh sự lúng túng cho chị, tôi vội đứng lên mời chị ngồi vào bàn. Hình như hai tay chị run, dù đang nắm chặt vào nhau. Bạn tôi hỏi:
 -   Có biết nhau trước à?
       -   Chúng tôi là bạn học hồi trẻ.
       -   Vậy thì hay quá. Quen nhau cả. Mời cô tự nhiên.
      Bạn tôi hứng khởi và vồn vã mời chị nâng ly. Chị e dè nhìn tôi. Tôi cũng bưng ly chạm ly với chị. Chị nói rất khẽ, dường như đủ mình tôi nghe:
 -   Sao anh lại đến đây?
      Tôi muốn nói câu đó để tôi hỏi chị mới phải. Sợ chị mặc cảm nên tôi trả lời:
       -   Vị tình bạn bè mới vào đây.
    Chị nhìn tôi ánh mắt hơi buồn. Tôi đọc được trong ánh mắt đó đang cần một sự thông cảm. Tôi an ủi chị:
 -  Lâu quá không gặp nhau, bây giờ gặp chị ở đây tuy bất ngờ nhưng cũng là duyên may, ta uống mừng tái ngộ đi.
 Tôi nâng ly mời chị. Chị gật đầu hàm ý cám ơn khi thấy tôi vẫn kính trọng chị. Chị nhếch môi cười. Nụ cười khô, chất chứa nhiều tâm trạng. Bạn tôi yêu cầu chị hát.
 Tôi cố giữ vẻ lịch sự, giả vờ ngồi im lắng nghe dù trong lòng đã thực sự ngao ngán. Nhưng sự giả vờ ấy chỉ xảy ra trong giây lát. Tiếng hát của chị bỗng cuốn hút tôi vào khung trời đầy mưa gió, xô hồn tôi lạc vào cõi đau thương thống thiết. Tôi như kẻ thất thần đứng giữa đôi bờ mộng thực ngất ngây say, nhưng không phải do men rượu mà vì tiếng hát toát ra từ trái tim một con người.
 Khi các bạn vỗ tay tán thưởng, tôi mới hay bài hát đã kết thúc và đưa mắt nhìn chị. Chị cũng nhìn tôi, cái nhìn đồng cảm. Tôi thầm tiếc, trên sân khấu chị không hát được như vậy! Ôi, lẽ nào chị là con chim sơn ca ngứa cổ hót chơi, lúc tung cánh trên trời xanh thì bỏ quên tiếng hót của mình, khi bị nhốt trong lồng mới cất tiếng kêu bi thảm?

T.B.H 









Không có nhận xét nào: