Ở một làng quê, trong một lễ hỏi – lễ đính hôn, có hai ông lão đến dự; một ông bên nội tân nương ở trong làng; một ông bên ngoại tân nương đến từ một thành phố xa; hai ông chưa hề gặp nhau.
Ông bên nội búi tóc củ tỏi, thả lòng thòng xuống lưng, chừa râu cằm dài ngang ngực, nắn tỉa râu mép uốn cong như râu cá trê “cộ” (sống lâu năm), dáng vẻ “ta đây”; ông bên ngoại hớt tóc ca-rê, cạo râu nhẵn nhụi, dáng khiêm tốn.
Trong khi chờ nhà trai mang lễ đến, hai ông chuyện trò với nhau. Ông bên nội nói nhiều, ông bên ngoại nói ít. Ông bên nội khoe về dòng giống, về gia phong, về học hành…; trong nói năng, thỉnh thoảng ông điểm vào vài câu trích trong các cổ thư như Minh Tâm Bửu Giám, Luận Ngữ… như thử ông đã từng sôi kinh nấu sử. Ông bên ngoại ngồi nghe, cảm phục.
Khi ông bên nội tạm dừng để lấy hơi, ông bên ngoại từ tốn cất tiếng hỏi:
- Rứa ngày xưa, cụ học chữ Hán, viết đến hàng mấy rồi?
Ông bên nội sung sướng được dịp trổ tài nói khoác, ông đưa tay vỗ nhẹ vào bàn, rung đùi, nói ngay:
- Hàng nhất chơ mấy nữa! Vùng ni có ai hơn tui đây nữa mô!
Tội nghiệp! Xưa nay, ông cứ tưởng “nhất” bao giờ cũng hơn người; ông thường khoe nhà rường của ông cột to nhất làng, con gà trống nhà ông gáy to nhất làng…
Ông bên ngoại cười mỉm; ông bên nội tưởng đó là cười khen; té ra không phải!
Ngày xưa, trẻ học chữ Hán; để tập viết, mới học, thầy cho viết chữ to, mỗi trang giấy một hàng chữ, rồi theo thời gian, trình độ người học càng tiến bộ dần lên, mỗi trang giấy càng chia nhiều hàng chữ.
Trong lịch sử, có chuyện nhiều ông Trạng như Trạng Quỳnh; ở tỉnh Quảng Trị, có dân làng Vĩnh Hoàng huyện Vĩnh Linh có tiếng nói trạng; mỗi lần đọc lại hay nghe ai kể, thấy dí dỏm, thích lắm; còn chuyện trạng của ông già bên nội sao nghe mà hổ thẹn giùm!
Ở đời, “biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe”, tỏ ra rành những điều mà mình chưa biết chỉ khiến thiên hạ cười khinh, chế nhạo!
Hoàng Đằng
06/9/2012
(21/7/Nhâm Thìn)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét