Thứ Ba, 9 tháng 11, 2021

Chữ Nghĩa Làng Văn 46 - Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

Chữ Nghĩa Làng Văn 46

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng


“Chữ nghĩa làng văn” đôi khi chỉ là một chữ, cụm từ, đoạn văn cô đọng, diễn nghĩa, diễn giải một áng thơ văn hoặc một thể tài nào đó. Những trích dẫn được góp nhặt qua sách vở, trên mạng lưới của nhiều tác giả thành danh hay khuyết danh, không ngoài góc nhìn tận tín thư bất như vô thư. Ấy là chưa kể nhiều từ ngữ, đề mục trong bộ sưu tập đang còn trong vòng nghi vấn, cần phải thẩm định lại nếu có thể được với những bậc thức giả văn kiến súc tích. Những phụ chú, dẫn chứng hay giai thoại do người viết kể lại, với chủ quan, khách quan chỉ cách nhau một sợi tóc. Vì vậy người sưu tầm không đặt ra “sai” hay “đúng”, vì cái sai hiện tại có thể là cái đúng ở một thời điểm nào khác. Xin chân thành cảm tạ và cáo lỗi những tác giả đã đóng góp bài vở trong sưu tập này, nhưng vì phương tiện eo hẹp nên người sưu tầm không thể thỉnh ý tác giả trước khi đăng tải – Ngộ Không Phi Ngọc Hùng.


***

 

Thó


Thó : dáng, vẻ

(nhỏ thó)


(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

 

Chữ lót


Chữ lót hoặc tên đệm thường được sử-dụng nhất là "văn" và "thị" phân biệt phái nam với phái nữ. "Văn" nghĩa là "người có học", "nhà nho". "Thị" có nghĩa là "đàn bà". 


Có thuyết cho rằng "thị" phát sinh ra gốc họ hàng (thị tộc), có ý ám chỉ nhờ người đàn bà mà tộc họ được tồn tại và kéo dài. Theo một số nhà ngữ học, "văn" và "thị" có nghĩa là "con trai của...", "con gái của..." và là dấu vết ảnh hưởng văn hóa Mã Lai.


(Văn hóa người Việt qua tên họ - Nguyễn Vy Khanh)

 


Chữ Việt cổ


Những cứ liệu khảo sát từ cổ rất đa dạng và phong phú, nhưng do điều kiện về thời gian, chúng tôi chỉ khảo sát những từ đã từng tồn tại là những từ bình thường, nhưng nay đã hoàn toàn biến mất trong từ vựng hiện đại


Phạn: cơm


(Đại Nam quốc âm tự vị - Huỳnh Tịnh Paulus Của)

 


Chửi mất gà
Thằng đứng chiếu ngang, thằng sang chiếu dọc, thằng đọc văn tế, thằng bế cái hài, thằng nhai thủ lợn. Con gà nó ở nhà tao nó là con gà, nó sang nhà mày nó là thần đanh đỏ mỏ...

(Chửi mất gà miền núi Nùng sông Nhị)

 


Chữ là nghĩa

Vàm

Ngã ba sông gọi là Vàm.

Như Vàm Cỏ, Vàm Cống, v…v…

(Đoàn Xuân Thu)



Chửi mất gà

Làng trên xóm dưới, bên sau bên trước, bên ngược bên xuôi! Tôi có con gà mái xám nó sắp ghẹ ổ, nó lạc ban sáng, mà thằng nào con nào, nó dang tay mặt, nó đặt tay trái, mó bặt mất của tôi, thì buông tha thả nó ra, không tôi chửi đây này

 

Chém cha đứa bắt gà nhà bà! Chiều hôm qua, bà cho nó ăn nó hãy còn, sáng hôm nay con bà gọi nó hãy còn, mà bây giờ nó đã bị bắt mất. Mày muốn sống mà ở với chồng với con mày, thì buông tha thả nó ra, cho nó về nhà bà. Nhược bằng mày chấp chiếm, thì bà đào mã thằng tam tứ đại nhà mày ra, bà khai bật săng thằng ngũ đại lục đại nhà mày lên. Nó ở nhà bà, nó là con gà, nó về nhà mày, nó biến thành cú thành cáo, thành thần nanh mỏ đỏ; nó mổ chồng mổ con, mổ cả nhà mày cho mà xem. 

Ới cái thằng chết đâm, cái con chết xỉa kia! Mày mà giết gà nhà bà thì một người ăn chết một, hai người ăn chết hai, ba người ăn chết ba. Mày xuống âm phủ thì quỷ sứ thần linh nó rút ruột ra. Ơi cái thằng chết đâm, cái con chết xỉa kia.

(Nguyễn Công Hoan, Bước đường cùng, 1938)



Phong Hóa và Ngày Nay


Phong Hóa và Ngày Nay là hai tuần báo xuất hiện ở Hà Nội từ năm 1932 tới 1940, dưới chế độ Bảo Hộ, thuộc Pháp. Thoạt đầu tuần báo Phong Hóa do ông Phạm Hữu Ninh làm chủ, đã ra 13 số báo không có độc giả, sắp sửa phải đình bản (Khái Hưng và Đông Sơn Nhất Linh, có viết và vẽ cho tờ báo này). Nhất Linh Nguyễn Tường Tam đã mua lại và làm chủ bút, vẫn giữ trên mặt báo Phạm Hữu Ninh, Nguyễn Xuân Mai. Ông cùng một nhóm anh em bạn hữu gồm có Khái Hưng Trần Khánh Giư, Tú Mỡ Hồ Trọng Hiếu, Tứ Ly Nguyễn Tường Long, Thạch Lam Nguyễn Tường Lân, tạo thành một ban biên tập hoàn toàn mới.

Năm 1933, Phong Hóa có thêm Thế Lữ Nguyễn Đình Lễ, một nhà thơ, nhà văn mới. Tới giữa năm 1934, văn đoàn Tự Lực được thành lập với sáu thành viên: Nhất Linh, Tứ Ly, Thạch Lam, Khái Hưng, Tú Mỡ và Thế Lữ. 

 

Sau này Tự Lực Văn Đoàn thêm thành viên thứ bảy: Xuân Diệu.


(Phạm Thảo Nguyên/Phong Hóa-Ngày Nay)

 


Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Má ơi đừng gả con xa.
Chim kêu vượn hú biết đâu mà lần.
Má ơi đừng gả con gần.
Con qua xúc gạo nhiều lần má la.



Những cái cũ & xưa nhất của Saigon

Tờ báo đầu tiên của Phụ nữ Việt Nam 

Ngày 1/2/1918 tờ báo chuyên về Phụ nữ đầu tiên ra đời là tờ “Nữ Giới Chung” nhằm nâng cao trí thức, khuyến khích công nông thương, đề cao người Phụ nữ trong xã hội, chú trọng đến việc dạy đức hạnh, nữ công, phê phán những ràng buộc đối với Phụ nữ, đánh đổ mê tính dị đoan, động viên Phụ nữ quan tâm đến việc “Nữ quyền”. 


Muốn có vị trí ngang hàng với nam giới ngoài việc tề gia nôi trợ phải am hiểu “tình trong thế ngoài”. Chủ bút tờ báo là nữ sĩ Sương Nguyệt Anh, con gái nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, vốn có lòng yêu nước, yêu thương đồng bào như thân phụ nên khi làm báo bà có ý muốn làm diễn đàn để tỉnh thức lòng yêu nước trong dân chúng. Tuy chỉ tồn tại được hơn 6 tháng nhưng “Nữ Giới Chung” cũng đã gióng lên một hồi chuông nữ quyền còn vang mãi đến ngày nay.



Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ


Râu tôm nấu với ruột bầu.
Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon.
Chỉ tội cho cái thằng con.
Đứng ngoài chầu chực biết ngon là gì.



Đã có một thời…

Thanh Tâm Tuyền


Hỏi liệu có tác phẩm mới không?

Những lúc đó anh giản dị chân thật. Nhưng bước chân ra khỏi căn nhà đó, anh có bộ mặt khác hẳn, lúc nào cũng như muốn xa lánh tất cả, từ con người đến cỏ cây. Anh sống một với cái thế giới của riêng mình, bất cần, bất chấp đến những thứ khác.


Thế rồi khi tôi ra khỏi trại cải tạo vào năm 1987, về đến Sài Gòn, chẳng biết anh ở đâu, tôi không gặp lại anh nữa. Cho đến khi anh đi định cư ở nước ngoài, tôi chỉ biết anh ở Minnesota và nghe nói anh không muốn giao thiệp, không muốn tiếp xúc nhiều và không còn viết gì thêm nữa. Thái độ của anh có phần khó hiểu. Chán chường hay vì một lý do nào khác? Nhưng tôi vẫn cứ nghĩ thế nào rồi cũng có ngày anh cho trình diện một tác phẩm lớn trong đời. Cóc không mở miệng thì thôi, khi mở miệng thì như trời gầm.

Nhưng đợi mãi 30 năm rồi, chưa thấy tác phẩm mới nào của anh. Biết đâu trong một ngày sắp tới chúng ta sẽ được đọc một tác phẩm cuối đời của một nhà thơ, nhà văn đã im hơi lặng tiếng suốt hơn 30 năm. Hẳn phải là một tác phẩm lớn.


Về cuộc đời và tác phẩm của Thanh Tâm Tuyền tôi đã được đọc trên khá nhiều website ở nước ngoài và chắc chắn bạn đọc cũng đã biết nhiều nên tôi không viết lại ở đây. Tuy nhiên về chi tiết tiểu sử của anh, có một đôi chỗ không giống nhau. Có bạn ghi Thanh Tâm Tuyền tên thật là Dzư Văn Tâm, sinh ngày 13-3-1936, có bạn ghi ngày 15-3-1936, tôi lại nhận được một nguồn tin khác, anh sinh năm 1934, do chính anh tiết lộ với một số bạn bè khi ngồi ở nhà hàng La Pagode.


(Những khoảnh khắc với Thanh Tâm Tuyền – Văn Quang)



Nói lái trong dân gian

Trong dân gian, hầu như ở miền nào cũng có nghe truyền tụng những câu nói lái qua câu đố, câu đối, hay nói lái với hò vè, thơ ca… Nói lái với câu đối:

Con cá đối nằm trên cối đá



138 Chữ nghĩa làng văn xóm chữ


Tờ Văn ở trong nước đầu tiên Trần Phong Giao làm thư ký tòa soạn, tới giai đoạn sau thì trước là Nguyễn Xuân Hoàng, sau chót lại là Mai Thảo; ra hải ngoại đổi lại, Mai Thảo ra đi, để tờ báo cho Nguyễn Xuân Hoàng tiếp tục, cả hai kiên thủ thành trì được tổng cộng trên 250 số, công lao khá lớn.  

 

Nguyễn Xuân Hoàng làm tờ Văn từ tháng 12.1996, vất vả hơn Mai Thảo hồi những năm 80, vì người trước được đàn em hỗ trợ, lấy cho rất nhiều quảng cáo. Nếu chỉ tính 100  mỹ kim một trang, tờ Văn của tác giả Cùng Đi Một Đường lấy quảng cáo một số có thể in ba số báo cho ba tháng. Còn tờ Văn của tác giả Người Đi Trên Mây ít quảng cáo hơn nhiều, nên khó khăn gấp bội.

 

Cuối năm 1996 Mai Thảo không có ý định trao lại báo Văn cho Nguyễn Xuân Hoàng, mà đã ngỏ ý giao cho người khác, song người này vốn luôn luôn thất bại khi làm báo, nên ý định của Mai Thảo thay đổi vào phút chót. Mai Thảo nói với tôi khi anh còn ở trong chung cư độc thân Christian Home trên đường Bolsa, khoảng tháng 9 năm 1996. 

 

Đời làm báo của Nguyễn Xuân Hoàng không chỉ qua tờ Văn, mà còn trên 10 năm làm báo cho công ty Người Việt, và khoảng năm năm làm tờ Việt Mercury ở San Jose. Và hiện nay còn đang làm tờ Việt Tribune cho bà Trương Gia Vy, cũng ở thành phố bắc California đó. Trong khi hàng tuần anh còn viết bài cho cái blog do anh phụ trách trên diễn đàn của đài Tiếng Nói Hoa Kỳ. 

 

        (Nguyễn Xuân Hoàng, từ thơ đến văn - Viên Linh)



Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ


Nhận được thư em lúc nhá nhem,
Mừng mừng tủi tủi mở ra xem
Trong thư em viết dăm ba chữ
“Anh ơi ngày mai nó lấy em”.



Đã có một thời…

Vĩnh biệt Hoàng Anh Tuấn


Nhà đạo diễn hiền lành nhất thế giới

Một lần Tuấn kéo tôi lên xem đóng phim. Phim trường là căn nhà của ông giám đốc sản xuất Thái Lai phim, nằm cuối đường Hồng Thập Tự. Căn nhà mặt tiền đường, không rộng hơn những căn nhà buôn bán tạp hóa ở dẫy phố này. 


Kê cái comptoir ở phía trong, đèn đuốc, máy quay lỉnh kỉnh xung quanh, cứ như cửa hàng bán phụ tùng máy móc. Nhà đạo diễn Hoàng Anh Tuấn râu ria xồm xoàm, nhưng dáng điệu lại rất nhàn nhã, chứ không quát tháo, chỉ chỏ tơi bời hoa lá như những đạo diễn tôi từng nhìn thấy. Lâu lâu lại thấy nhà đạo diễn cho máy travelling bằng cách kéo cái camera di chuyển trên mặt sàn, chẳng cần đường ray. Lúc nào cũng thấy Tuấn nhỏ nhẹ:
– Ấy ấy, làm thế này. Em làm ơn đứng sát vào một tí. Đừng cười nhiều, miệng rộng quá, mím chi thôi. Làm xem nào. Máy! Cắt!… 

Họ làm việc với nhau như “anh em trong nhà”. Ấy thế mà cuốn phim cũng hoàn thành. Rồi cũng đem ra rạp chiếu đàng hoàng, lời lỗ bao nhiêu chẳng biết. Nếu tôi nhớ không lầm thì ông Thái Lai chỉ sản xuất có một cuốn phim rồi thôi luôn. Sau này ông  tái bản lại cuốn tiểu thuyết Chân Trời Tím mà tôi cũng chẳng hề hay biết. 


Đến khi sách in xong ông mới mang đến cho tôi một cuốn, bản quyền được trả bằng một chầu ăn uống là xong. Còn một kỷ niệm đáng nhớ là bà cụ Hoài Bắc (chúng tôi vẫn thường gọi bà mẹ của Phạm Đình Chương - Thái Thanh bằng cái tên thân mật ấy) thỉnh thoảng lại nhắc về cuốn phim, nhưng cụ gọi là phim “Ngàn năm máy bay” vì trong phim có cảnh máy bay trực thăng đổ quân xuống một vùng  quê.  


(Văn Quang)



Chữ nghĩa lơ ngơ láo ngáo

 

Nếu biết rằng em đã lấy chồng
Anh về chửi đổng giữa đám đông
Bố mẹ tiên sư nguyên dòng họ

Khốn kiếp sao mày dám bỏ ông.


Văn nghệ sĩ miền Bắc như tôi biết 

Nguyễn Công Hoan – 1


Nguyễn Công Hoan trào phúng hình như bẩm sinh. Ông nhìn vật gì cũng với cặp mắt trào phúng. Không gì nghiêm túc cả. Đó là nét đặc biệt của nhà văn Nguyễn Công Hoan.


 


(Nhà văn Nguyễn Công Hoan 1903-1977)
    

Nét đặc biệt thứ hai là (theo ông nói) ông không hề đọc sách, nhất là truyện. Hỏi tại sao? Ông bảo sợ viết trùng với người khác. Hay hơn hoặc dở hơn cũng đều bị chê là cầm nhầm. Nét thứ ba: Nguyễn Công Hoan không bao giờ đi thực tế nông thôn hay nhà máy. Nét thứ tư: Ông chữa trong khi viết. Viết xong là xong, đưa in chớ không có viết lại bản thảo thứ hai thứ ba.


Ông được hỏi trong trường hợp nào ông cho ra đời kiệt tác Bước Đường Cùng. Ông nói ông có nghe tí chuyện ở đâu đó rồi phát hứng lên, bỏ nhà đi đến một nơi im lặng, đóng cửa viết luôn mười lăm ngày xong đem về in. Ông viết trên giấy rời. Tờ nào không ưng ý thì rút ra viết tờ khác. Tôi có thấy bản thảo của ông. Chữ rất đẹp, trang nào cũng sạch nguyên, không dập xóa mù mịt như bản thảo của Tô Hoài. Dường như trời phú cho ông cây bút, hễ viết là ra văn, không phải chữa. 


Ông có nụ cười rất hóm. Ánh mắt tươi tỉnh sau mục kỉnh. Nhưng ít nói chuyện. Cơ quan cần họp đem xe đến rước ông đến, họp xong ông về, không mấy khi ở lại cơ quan. Dù là chủ tịch Hội Nhà Văn, ông cũng không giải quyết vấn đề gì cả. Nhưng tôi thấy hình như vào thời kỳ sau 54 thì ông cũng không thiết sáng tác.

(Xuân Vũ)



Tướng mạo con người qua ca dao, dân ca

Dái tai như hột châu thòng
Có thành, có quách, dày, hồng sắc tươi
Thiệt người phú quý thảnh thơi
Phong lưu tao nhã trên đời chẳng sai



Văn nghệ sĩ miền Bắc như tôi biết 

Nguyễn Công Hoan - 2

Nguyễn Công Hoan tụt thang sau 1954. 

Ông viết rất thưa thớt, không có lửa. Ở Việt Bắc cũng thế. Độc giả tự hỏi: “Sao ông không có tiểu thuyết kháng chiến? Trong lúc đó thì trước 45, tác phẩm của ông chồng cao đến đầu?”.

Lúc ra Hà Nội tôi cố ý tìm những tác phẩm mới của những bậc tài danh cũ để đọc, một bữa đang ngồi trên ghế thợ cạo, tôi vớ nhằm tờ Trăm Hoa của Nguyễn Bính mới ra, thấy truyện ngắn của ông, viết theo hình thức những lá thư, nhân vật tên là Huyền. Đọc xong tôi thấy buồn. Không phải Nguyễn Công Hoan.


Trong lần đấu tranh đè bẹp Nhân Văn Giai Phẩm ở nhà hát lớn Hà Nội, đáng lẽ ông ngồi trên chủ tịch đoàn, nhưng không hiểu sao ông trốn xuống tận hàng ghế chót của hội trường ngồi?


Tôi nhớ chắc chắn không lầm, trong suốt mười năm ở Hà Nội, tôi chỉ đọc có một truyện ngắn của ông. Truyện Cây Mít dài chừng nửa trang đầu báo Văn Nghệ. Độc giả, nhất là đám mới tập tễnh vào nghề như tôi, mừng rơn: Lão tướng lại ra quân. Nhưng không, sau Cây Mít, không có cây ổi, cây xoài gì nữa cả. Mảnh vườn văn học Hà Nội chỉ loe hoe vài ngọn cỏ...

Cây Mít lấy đề tài trong Cải Cách Ruộng Đất – Nội dung là một anh bần cố bị cướp đất trên đó có cây mít. Nhờ Cải Cách Ruộng Đất anh bần cố kia lấy lại được đất và hái quả chín chia cho gia đình vừa ăn vừa ơn bác ơn đảng. Chỉ có thế thôi. Tôi không thể kể hơn được vì Nguyễn Công Hoan chỉ ơn bác ơn đảng có thế. 


Tất cả nhà văn đều bị lưỡi dao xã hội chủ nghĩa thiến cụt, không riêng gì cụ Hoan.


(Xuân Vũ)



Chữ quốc ngữ


Cho đến bây giờ, chúng ta chưa tìm biết được ai là tác giả đã đặt tên cho thứ chữ ghi âm theo mẫu tự La tinh là…“chữ quốc ngữ”.

Thực ra đây là một trường hợp sử dụng từ sai lầm vì “quốc” là nước, “ngữ” là tiếng. “Quốc ngữ” là tiếng nói của một nước.

Như thế khi ta dùng từ ngữ “chữ quốc ngữ” để chỉ chữ viết của nước ta là sai hoàn toàn bởi lầm lộn giữa “văn tự” tiếng nói 


Trong Việt Nam văn học sử yếu, Dương Quảng Hàm đã nêu vấn đề trên, nhưng theo ông thì “Từ ngữ này mọi người đã quen dùng rồi không đổi được nữa”.


(Trần Bích San – Văn Khảo)



Hai tiếng "Bình Định" có nghĩa gì?! 
Lê Thánh Tôn chiếm được kinh đô Ðồ Bàn và đặt tên là phủ Hoài Nhơn. Tiếp, chúa Nguyễn Hoàng, những người Việt từ các tỉnh phía Bắc bị bắt, bị đày hay theo chân chúa Nguyễn đã lần lần vào đây lập nghiệp và biến đổi vùng đất này thành quê hương của mình. Phủ Hoài Nhơn được Nguyễn Hoàng đổi ra Qui Nhơn


Sách Lê Quý dật sử chép: Nguyễn Nhạc chiếm đất của chúa Nguyễn. Năm 1778 Nguyễn Nhạc đổi tên là thành Hoàng Đế, sau là kinh đô của Hoàng đế Nguyễn Nhạc. 

Nguyễn Ánh chiếm thành Qui Nhơn rồi đổi tên Qui Nhơn ra Bình Định. Sự đổi tên này mang một ý nghĩa đã thắng nhà Tây Sơn và nay chúa Nguyễn đã "bình định" được. 


(B.H & S.T. - Địa chí Bình Định)



Đình Bảng,  kiến trúc độc đáo  Kinh Bắc - 1 

Đình Bảng bắt đầu được xây dựng năm 1700, ngôi đình năm 1736 mới hình thành, nhưng theo giai thoại phải mất 60 năm ! Cũng dể hiểu khi ta biết thuở ấy chưa có máy móc dụng cụ hỗ trợ, nhất là để dựng đứng hay sắp xếp những cột gỗ to nặng. Mọi việc đều phải thực hiện bằng tay, có khi vận dụng những cột gỗ lim to quá nặng cần phải đào lỗ để làm đòn bẩy, giải thích vì sao quanh các đình có những ao sâu. 

Đình Bảng là một công trình kiến trúc quy mô, nguyên trước có cả tam quan, cửa giữa xây hai trụ gạch kiểu lồng đèn cao, hai bên có cửa cuốn tò vò giả mái, phía sau là khoảng sân rộng, hai bên là hai dãy tả vu và hữu vu. Cũng như mọi ngôi đình khác, công trình quan trọng nhất của đình Đình Bái Đường hình chữ nhật, chia làm bảy gian, hai chái nằm trên nền cao bó đá xanh có hai bậc cấp. Vẻ đồ sộ của đình thể hiện qua phần mái toả rộng chiếm 2/3 chiều cao, khoảng 60 cột lim lớn nhỏ được đặt trên các tảng đá xanh vuông vức. 

 

Bảng về mặt kiến trúc nghệ thuật là toà Bái Đường (Đại Đình)
https://ecp.yusercontent.com/mail?url=http%3A%2F%2Fchimvie3.free.fr%2Fbaivo%2Fvoquangyen%2Fvyen_DinhBangKienTruc%2FImage26.jpg&t=1566505681&ymreqid=cba3ad9a-ffdf-37c5-1c4d-910001012400&sig=TFfpAdZOXSZFVERCIAsBrQ--~Chttps://ecp.yusercontent.com/mail?url=http%3A%2F%2Fchimvie3.free.fr%2Fbaivo%2Fvoquangyen%2Fvyen_DinhBangKienTruc%2FImage27.jpg&t=1566505681&ymreqid=cba3ad9a-ffdf-37c5-1c4d-910001012400&sig=bs_dHjAx0H3wtxPLO52jhA--~C

 

(Võ Quang Yến)



Giai thoại làng văn xóm chữ 


Ông Ich Khiêm, được cử giữ chức Tiễu phủ sứ, vâng lệnh cầm quân ra Bắc dẹp giặc Lý Dương Tài, ở hồ Ba Bể, khi trở về qua Hà Thành cho lập một ngôi đền thờ những tướng sĩ trận vong.

Ông sai người đến xin Yên Đổ mấy chữ để ngoài cổng đền, người này kể lể "quan Tiễu muốn làm đền cho lính tôi", ra vẻ tự đắc mình cũng là hàng tướng. Yên Đổ cho ba chữ: Tối Linh Từ.

Ông Tiễu cho là chữ quá ư tầm thường, có biết đâu Yên Đổ đã nói lái: "tối linh là lính tôi" cho bõ ghét cái anh tay sai hách xằng!

(Lãng Nhân Phùng Tất Đắc - Chơi chữ 1960)



Đình Bảng,  kiến trúc độc đáo  Kinh Bắc - 2

Cửa võng

Khi bước vào lòng đình, tinh hoa của nghệ thuật chạm khắc thế kỷ XVIII là bức cửa Võng lớn ở cung giữa thuộc gian ngoài phủ kín một diện rộng, kéo dài từ thượng lương xuống hạ xà và mở ngang hết một gian. Cửa Võng được chạm lộng kết hợp chạm nổi tinh xảo trên cả 7 lớp, 9 ô các đề tài tứ linh, tứ quí.... Phía trên bức cửa Võng là bức trần gỗ che kín mái gian giữa.


 

 

Hoa văn trang trí trên các cấu kiện kiến trúc khác rất đa dạng, chạm trổ tinh vi, trau chuốt, hài hoà. Kết cấu bộ khung đình khá vững chắc, gắn với nhau bằng các loại mộng theo lối chồng giường Thượng tam, hạ tứ. Mỗi bức chạm khắc ở đình là một tác phẩm nổi tiếng độc nhất vô nhị. 

 

(Võ Quang Yến)



Họ hàng hang hốc


Họ tên người có thể biến đổi bởi nhiều lý do, phạm húy, đó là trường hợp của Phan Văn San phải đổi thành Phan Bội Châu bởi trùng tên với tên húy Vĩnh San của vua Duy Tân. 

Ngô Thời Nhậm trùng với tên húy Hồng Nhậm Nguyễn Phúc Thì của vua Tự Đức phải đọc chệch thành Ngô Thời Nhiệm

Nguyễn Văn Thụy trùng tên với Vĩnh Thụy tức vua Bảo Đại phải đổi thành Nguyễn Văn Thoại. 

Nguyễn Văn Chương bởi lập được nhiều công trạng, được vua Tự Đức cải tên thành Nguyễn Tri Phương. 


***

Đổi tên bởi thi hỏng, như Nguyễn Thắng thi hội hỏng lần đầu đổi tên thành Nguyễn Khuyến có ý tự khuyến khích mình học. 

Trần Duy Uyên hỏng thi hương nhiều lần đổi tên là Trần Kế Xương, Trần Cao Xương, Trần Tế Xương


(Chuyện phiếm về bút danh, nghệ danh – Nhật Thịnh)



Chơi chữ


Chơi chữ là các hiện tượng đồng âm, đa nghĩa,... trong ngôn ngữ nhằm gây một tác dụng bóng gió, châm biếm trong lời nói, trong đó ngữ âm, ngữ nghĩa, văn tự, văn cách,.. nhằm đem lại những liên tưởng bất ngờ, ly thú.
Như từ kinh điển cổ, một bức trướng mừng thọ nọ ghi bốn chữ: "tử tôn thằng thằng" (con đàn cháu đống, ý khen là người có phúc). Nhưng người được chúc thọ vốn là một kép hề trên sân khấu, và nguyên văn lời Hán có chứa "tử tôn thằng thằng" "chung tư vũ, hoăng hoăng hề, nghi nhĩ tử tôn thằng thằng hề" (đại ý là: loài cào cào gắn bó nhau, con cháu đông đúc). 


Lời ấy không lấy gì làm tử tế (khi chuyển từ chuyện một loài sâu bọ có hại mà lắm con sang chuyện người lắm tử tôn) đã đành, lại thêm chuyện cùng âm với "thằng hề" thuần Việt, mà không ai có quen biết với chủ nhân (người được chúc thọ) lại không biết. 

Nhưng đấy là trong Kinh thi, hoàn toàn không mang ý như bức trướng nọ đã xuyên tạc. Khi đặt lời Kinh thi kia ra khỏi bức trướng, bốn chữ "tử tôn thằng thằng" rất trọn nghĩa; có điều, dữ liệu văn học được mặc nhiên thừa nhận trong sinh hoạt văn hoc, văn hóa nghệ thuật, nên cái nghĩa trái ngược của lời Kinh thi ấy vẫn luôn xuất hiện sóng kèm (theo đúng ý đồ của người viết nên bức trướng). Ở đây, hiện tượng chơi chữ đã xảy ra.

(Chơi chữ là gì? – Triều Nguyễn)



Chữ nghĩa làng văn


Có thể dựa vào câu Thuốc Bách tính, đóm diêm (bao diêm), điếu ống... để đoán. Diêm là tiếng Bắc (trong Nam gọi là quẹt)Ngoài Bắc có diêm từ bao giờ?

Có từ ngày :

Em là con gái nhà Diêm 
Đến tháng lĩnh tiền được bốn đồng hai 
Một đồng em để cho giai 
Hai đồng cho mẹ, đồng hai ăn quà

(Ca dao ngạn ngữ Hà Nội)


Nhà Diêm là nhà máy làm diêm ( Manufacture d'allumettes) của Pháp tại Hà Nội, nằm tại địa điểm nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo sau này. Diêm và bao diêm chỉ có sau khi Pháp đặt nền bảo hộ Bắc kỳ (1884).


(Nguyễn Dư)



Dùi đục chấm mắm cáy

Trong giao tiếp hằng ngày, người ta thường nóidùi đục chấm mắm cáy hơn là bầu dục chấm mắm cáy”. Tuy vậy “bầu dục chấm mắm cáy” lại là dạng ban đầu; còn “dùi đục chấm mắm cáy” chỉ là biến thể do đọc chệch “bầu dục” ra “dùi đục” mà thành.

Nghĩa của thành ngữbầu dục chấm mắm cáy hình thành trên của sự chênh lệch hay tính không tương hợp giữa thức ăn và gia vị. Bầu dục là món ăn ngon và hiếm. Chẳng thế mà trong kho thành ngữ, tục ngữ của Việt Nam còn có câu:
Sáng ngày bầu dục chấm chanh
Trưa gỏi cá cháy, tối canh cá chày


Vậy mà cái món ngon và hiếm ấy lại đem chấm với mắm cáy, mạt hạng trong các loại mắm ở vùng biển. Bầu dục nếu ăn đúng cách phải chấm với chanh hay nước mắm gừng. Còn mắm cáy chỉ dùng để ăn với rau muống, dưa, cà...


Trong “Phú Việt Nam” có bài “Đàm tục phú”, một bài phú khuyết danh từ thế kỷ trước-khi phê phán những kẻ văn dốt, võ nhát nhưng lại ham muốn học đòi những người có khả năng kinh bang tế thế, cũng liên hệ đến sự chủng chẳng, không phù hợp giữa bầu dục và mắm cáy:
Chủng chẳng như bầu dục mắm cáy, muốn bậc kinh luân
Chình chịch như khối đất nắm ao bèo, toan bề thao lược


Có thể là do những nét tương tự về ngữ âm giữa bầu dục và dùi đục mà xuất hiện biến thể “dùi đục chấm mắm cáy”. 

(Kể chuyện thành ngữ tục ngữ)



Ca trù


 

Hát ca trù hay hát nhà trò, hát ả đào, hát cô đầu, hát nhà tơ, theo văn bia, thư tịch cổ xuất hiện ở nước ta từ thời Lý. Năm 1025, vua Lý Thái Tổ đặt chức quản cho giới con hát. Tuy nhiên phải đến thời Hồng Đức (1470–1479), nghệ thuật hát ca trù mới chính thức được hoàn thiện nhiều mặt từ giáo phường, đến không gian trình diễn. 

 

Theo đó, hát ca trù có năm không gian trình diễn chính: Ca trù cửa đình (hát ở cửa đình tế thần); ca trù cửa quyền (thưởng thức ca trù của các nhà quan); ca trù tại gia; ca trù hát thi; hát ca quán. 

 

Những hát nói, hát ru, hát sẩm… cũng từ hát ca trù mà có.

(Nghệ thuật ca trù – Bùi Đẹp)



Văn bia, cuốn gia phả bằng đá

Thợ khắc bia là ai? 
Trong lịch sử của nghề khắc bia đá, có thể kể đến: Thợ đá Lê Tâm là thợ khắc phường Kinh Chủ chuyên khắc bia họ Nguyễn ở Phù Đổng, Hà Nội. Hay còn có thợ khắc Nguyễn Nhân Tế khắc bia cho họ Phạm ở Cẩm Bào, tỉnh Bắc Giang. Nguyễn Bạch Tường thợ khắc xã Đại Bái, huyện Gia Định, phủ Thuận An khắc bia cho họ Ngô ở Như Nguyệt, tỉnh Bắc Ninh. 


Thợ khắc là người quan trọng trong việc tạo dựng một tấm bia. Nhưng trước đó, lại cần có người viết nên nội dung của tấm văn bia ấy, làm sao để nội dung ấy nói lên một cách bao quát nhưng cụ thể với những nét quan trọng và riêng biệt về dòng họ ấy
(Nguyễn Văn Hoa)



Sài Gòn một chút quán xá

Quán cà phê Năm Dưỡng 


Đi qua ngã ba Nguyễn Kim và 3 Tháng 2 - Trần Quốc Toản ngày trước - ở quận 10, có lẽ cư dân Sài Gòn lứa tuổi chúng tôi ai cũng còn nhớ quán cà phê Năm Đường thuở trước, tọa lạc tại góc hai con đường này. 


Quán cà phê Năm Đường hôm nay đã thay hình đổi dạng, mang tên quán là Napoli Coffee. Chúng tôi vẫn thỉnh thoảng tới đây uống cà phê, vừa để nhớ lại những chuyện ngày xưa, vừa thưởng thức cà phê đích thực, và ngắm nhìn quang cảnh ngã ba đường phố vào những sớm mai những hoàng hôn của Sài Gòn.



Nhắc tới cà phê Năm Đường thuở trước khiến chúng tôi nhớ luôn quán cà phê Năm Dưỡng, ở một hẻm lớn của đường Nguyễn Thiện Thuật, gần khu Bàn Cờ. Sau 30 Tháng Tư, 1975, hầu hết quán cà phê nổi tiếng của Sài Gòn ngưng hoạt động. Quán Năm Dưỡng còn hoạt động vài ba năm, rồi cũng thay hình đổi dạng, trở thành một khách sạn nhỏ. 


Thuở trước, khách uống cà phê tại quán Năm Đường là bà con lao động; khách uống cà phê tại quán Năm Dưỡng là giới sinh viên học sinh. Lúc đầu, cả hai quán chuyên pha cà phê bằng vợt, gọi là “cà phê bít tất,” như các quán cà phê bình dân khác tại Sài Gòn; và cả hai quán đã đi tiên phong trong việc pha chế cà phê bằng cái phin lọc, tức cà phê phin.

Từ lúc có doanh trại cảnh sát dã chiến thành lập ở đường Trần Quốc Toản, phía bên kia đường, đối diện quán, khách uống cà phê tại quán Năm Đường tăng lên gấp bội, gồm đông đảo cảnh sát dã chiến. Chúng tôi không nhớ rõ thời gian, nhưng vào khoảng năm 1967 - 68 gì đó, một vụ nổ lựu đạn do đặc công Việt Cộng khủng bố đã xảy ra tại quán cà phê Năm Đường, làm thương vong một số cảnh sát dã chiến và khách tại quán. 


(Quán cà phê và “Hương ngày cũ của Sào Gòn”  – Nguyễn Đạt)



Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ


Tình yêu như cái bánh tiêu …
Ăn vô thì muốn, thiếu điều ói ra.
Yêu em hổng dám nói ra.
Để dành trong bụng cho ra từ từ.



Sài Gòn một chút quán xá

Quán cà phê Cheo Leo


Ông Cheo Leo mất trong năm 1993, lúc vừa tròn 75 tuổi, ngang bằng tuổi quán Cheo Leo hôm nay. Chị Sương dẫn chúng tôi vào nơi pha chế cà phê vợt, phía trong cùng của căn nhà chật hẹp. Cái lò nung để ủ nóng cà phê ngẫu nhiên như một kiệt tác nghệ thuật, với những dòng chảy nâu quánh kết tinh của 75 năm, không khác những dòng thạch nhũ trong hang động.

 “Thuở đó cha tui đã tự làm cái lò nung này, từ cái thùng phuy chèn thêm lớp gạch pha với đường cát vàng hạt lớn. Chánh giữa lò nung để than lửa lên có ngọn đặng đun nước sôi. Nước sôi già mới đổ vào cái siêu, thứ siêu người ta thường đun thuốc Bắc. Cái siêu này để tấm vải lược, tức cái vợt, bỏ cà phê xay thiệt nhuyễn trong đó. Ủ kín một lúc, khi cà phê đã ra hết thì chắt nước cà phê qua cái siêu khác, đặt bên rìa lò nung đặng giữ nóng lâu, hoặc chắt liền vào ly phục vụ khách vừa tới quán.”



Tôi tỏ ý về sự chật hẹp của quán Cheo Leo, phục vụ cà phê một ngày không được nhiều khách. Chị Sương mỉm cười, nhỏ giọng: “Ðắp đổi qua ngày là gia đình chúng tôi mừng rồi. Khách tới uống cà phê ở quán này là bà con lối xóm không hà, ít khi có khách từ xa tìm tới như mấy chú. Chẳng thể so sánh với thuở trước, thời VNCH đó. Cha tui biểu thời đó quán Cheo Leo để máy ca hát rộn rã, khách ra vào quán suốt ngày. Có thời gian quán Cheo Leo mở cửa đón khách từ 4 giờ sáng tới 10 giờ đêm mới hết khách, đông nhứt là giới sinh viên học sinh. Bây giờ tui còn gặp lại mấy người vào quán là khách từ thuở đó, khi là học sinh trường Pétrus Ký trường Chu Văn An. Nay mấy người đó đều là những ông già trên dưới sáu bảy chục tuổi.”



Tới quán Cheo Leo, tôi bùi ngùi nhớ lại một thời đã qua. Người bạn đặc biệt nhắc nhớ Sài Gòn ngày xưa, các bác tài sáng sớm chở vợ con trên xe xích lô máy, tới quán tiệm hủ tíu và cà phê bình dân. Ăn uống xong xuôi chở vợ con về, các bác mới bắt đầu một ngày chạy xe chở khách. Hầu hết tiệm bình dân Sài Gòn thuở ấy pha cà phê bằng vợt, như quán Cheo Leo còn tồn tại đến hôm nay. Giống một loài sắp tuyệt chủng, quán Cheo Leo càng làm xao lòng những khách hoài xưa, giữa vô số quán tiệm cà phê đủ kiểu hiện đại, mọc lên như nấm sau cơn mưa ở Sài Gòn.



(“Cheo Leo”, quán cà phê ‘xưa’ nhất Sài Gòn – Nguyễn Đạt)



Vòng quanh các rạp ciné Sài Gòn xưa

(rạp Casino ở Sài Gòn ngày trước 1975) 

Ấy chết, từ nãy giờ tôi đã đi lạc đề hơi xa, xin mời các bạn trở lại câu chuyện đầu năm rạp hát. Hôm nay nhân ngày Xuân nơi xứ lạnh quê người, chúng ta hồi tưởng lại "nước thanh bình 30 năm cũ" vào khoảng thập niên 50, 60, lúc mà lũ con cháu Hồ tặc chưa lê "đôi dép râu dẩm nát đời son trẻ" vào Saigon để chúng ta cùng du xuân một vòng quanh các rạp của hòn ngọc Viễn Đông. 

 

Cũng xin thưa trước cùng các bạn là những sự việc được ghi ra đây theo trí nhớ có hơi hẹp bề khổ của tôi nên nếu có gì sai sót thì xin các bạn đánh cho hai chữ đại xá.
Saigon thân yêu của chúng ta lúc bấy giờ có 2 hệ thống rạp trình chiếu khác nhau. 
1- Rạp thường lệ: có giờ xuất hẳn hoi giống như các rạp ở Canada. 
2- Rạp thường trực: chiếu liên tu bất tận, ai vô ra bất cứ lúc nào cũng được 

Rạp thường trực có cái dở là có khi ta vừa vào rạp thì thấy thằng kép chính bị bắn gục rồi một lúc sau lại thấy nó hung hăng đấm đá tưng bừng thì thật là mất sướng. Nhưng nó có ưu điểm là khán giả không phải sắp hàng chờ đợi giờ, xuất lôi thôi.

(Nguyên Trần)


Phụ đính


Đạo diễn: John Sturges.
Diễn viên: Yul Brynner, Steve McQueen, Charles Bronson, 

Eli Wallach, Robert Vaughn, James Coburn, Horst Buchholz.

Tôi nhớ xem phim The Magnificent Seven này ở rạp Casino Sài Gòn.

 


Vòng quanh các rạp ciné Sài Gòn xưa 

Để bắt đầu cho chuyến du xuân tưởng tượng, mời các bạn đi từ Chợ Lớn trước nhé. 
Rạp hát đầu tiên chúng ta ghé thăm là rạp Hồng Liên ở đường Minh Phụng (dưới dốc cầu Bình Tiên). Rạp này chuyên chiếu phim Tàu chuyển âm tiếng Việt và đặc biệt là con nít ở đâu mà tàu chở hổng hết. Lớp khóc đòi bú, lớp khóc vì nóng nực, lại có đám la hét cười giởn om sòm khiến ta có cảm tưởng đi lạc vào nhà trẻ. Thôi thì phải "dĩ đào vi thượng" để tới rạp Victory Lê Ngọc ở đường Tổng Đốc Phương (góc Nguyễn Trải). Rạp này cũng thường chiếu phim Tàu (ngay trung tâm Chinatown mà lị) nhưng được cái tương đối sạch sẽ và có chút trật tự. 

(Nguyên Trần)

(xem kỳ tới rạp Đại Nam, rạp Vĩnh Lợi)














 













































Không có nhận xét nào: