Chủ Nhật, 28 tháng 11, 2021

Một Thoáng Trong Tù - An Hoàng

              Một Thoáng Trong Tù                                                           

Trở về đất Bắc, nơi tôi sinh ra và lớn lên, với thân xác một kẻ tù đầy từ Nam ra (1976) sau một năm, chúng giam giữ ở Thành Ông Năm (Hóc Môn), rồi Suối Máu (Biên Hòa ). Tôi như người khách không mời mà tới, một kẻ lạc lõng và dư thừa dưới Xã Hội CS, muốn chối bỏ một vùng đất khốn nạn mà vẫn phải trở về!...

   Thời gian bọn chúng nhốt chúng tôi ở Hoàng Liên Sơn (núi rừng miền Bắc), còn thấy không khí trong lành, trời xanh và mây trắng (do bọn bộ đội cai quản ). Nhưng tới năm1979, bọn Trung Quốc đánh 6 tỉnh phía Bắc, chúng sợ xổng tù nên nửa đêm chuyển trại xuống Vĩnh Phú và do bọn Công An giam giữ! Cuộc dời tù bắt đầu khốn nạn, gian nan, vất vả, đoạn trường...

  Đêm về, hơn một trăm người tù, nằm trong một phòng chật hẹp, mỗi người hơn hai gang tay, sắp lớp như cá mòi trong hộp: nóng nực, hôi thối, bẩn thỉu... Tù không có quyền đòi hỏi một chút gì dù chỉ là một chỗ nằm!
   Ăn một chén cơm bóp lại bằng chừng trái ping pong, khoai sùng, sắn đắng, bo bo (thứ cho trâu bò ăn ) là thực phẩm hàng ngày của chúng tôi!  Chỉ trông đêm về, có một chút tự do. Khi cửa phòng tù đã khóa trái bên ngoài, rủi có cháy, chúng tôi thành than, nghĩ mà hãi hùng trước sự dã man, tàn ác của lũ mất tính người, đang đòi nợ máu!

  Sáu, bẩy anh em chúng tôi họp thành một băng, tạm gọi là giang hồ quái khách như trong truyện của Kim Dung: Tôi           nằm cạnh nhà thơ Thanh Tâm Tuyền, kế đến là Đỗ Duy Chưởng (hai vị Chiến Tranh Chính Trị), rồi Vương Văn Hải ( Th/Tá Pháo Binh Dù), Khuê (Tiểu đoàn trưởng Biệt Động Quân/Vùng 2), Nguyễn V. Hải K21 Võ Bị ( Th/tá Quận Trưởng ở Bình Dương )
Đêm về, tôi đùa với nhà thơ (ông hơn tôi 4,5 tuổi): Thú  thật với quan anh, đọc thơ ngài tôi chẳng hiểu gì cả!" Ông cười với hàm râu mép đen nháy trên một thân thể ngăm ngăm đen: "Thì cậu muốn hiểu sao thì hiểu! Thơ Tự Do mà"! Sau này tôi mới biết ông là ''chưởng môn" của bộ môn Thơ Mới (tức thơ tự do không vần không điệu và là một cây "cổ thụ" của Văn Học Miền Nam ), quay qua Chưởng: "Các ông Con Tôm Con Tép, tuyên truyền làm sao để dân quê theo Cộng Sản nhiều hơn theo Quốc Gia  là sao? Anh chỉ cười và lắc đầu! Chưởng hơn tôi 3 tuổi. Quay qua Khuê Đen: "Tôi ở Vùng 2 ba năm (Trung Đoàn 44, rồi BTL/Quân Đoàn 2) sao chả gặp ông bao giờ? Ở tù mà có thuốc hút, râu ngô hả?  Tới Vương Văn Hải (Hải Khòm): còn ông, đạn gửi "về làng" hết hay sao mà chúng còn đông thế? Riêng Nguyễn Văn Hải K21Võ Bị, tôi chưa kịp trêu, anh đã thanh minh: Mãnh hổ nan địch quần hồ, niên trưởng! Quận em, Việt Cộng nhiều hơn dân!
     Đấy, những giờ phút vui đùa như thế làm chúng tôi quên ngày quên tháng cho những thân tù không có bản án (thì làm sao có ngày về?!)
      Tôi và Hải K21 làm đội trưởng, mỗi đội 50 người, trên đe dưới búa, đứng về phía chúng nó thì bị anh em chửi là đạp lên anh em để sống!  Đứng vế phía anh em thì bị bọn cán bộ xỉ vả,  đành phải đứng cả hai chân cho khỏi té, thời thế thế, thế thời phải thế, miễn làm sao tối được ngủ yên!
       Tôi và Hải 21 vẫn ngẩng cao đầu nhìn anh em, chứ không phải gục đầu nhìn mặt đất! Nơi ngục tù, danh dự, lương tâm rẻ như bèo, tranh từng củ khoai, củ sắn vì bị bỏ đói triền miên. Chúng đã biến chúng ta thành những con vật, kẻ đáng trách và đáng nguyền rủa chính là bọn chúng chứ không ai khác cả!
Tôi về trước các vị vì được ông anh bảo lãnh (đã thành thật khai báo với các bác rồi!)
    Tôi ở Gia Định cùng với nhà thơ Thanh Tâm Ttuyền và bác Chưởng, Tết nào Chưởng cũng đến gói bánh chưng cho vợ chồng tôi, đi cùng luôn có nhà thơ (ông đi đâu cũng xách theo cây Bazooka  (điếu cày) làm ở trong tù).
   Nay thì nhà thơ, bác Chưởng, Hải K21 đã về bên kia thế giới, Khuê đen bị đột quỵ, chả biết có nói năng được không mà tôi phone nhiều lần không được. Chỉ còn tôi với Vương Văn Hải, PB Nhẩy Dù (hai thằng cùng tuổi con mèo, sinh năm1939) thỉnh thoảng gặp nhau, nhắc chuyện tù đầy, chuyện kẻ còn người mất bên ly cà phê... Một nỗi buồn chạy từ đầu xuống chân giữa một mùa thu lá rụng đầy đường...
                                               
                                       AN HOÀNG 





Không có nhận xét nào: