Thứ Ba, 30 tháng 11, 2021

Giai Thoại Văn Chương : THI TIÊN LÝ BẠCH (Đỗ Chiêu Đức)

 Giai Thoại Văn Chương :  


                       THI TIÊN LÝ BẠCH 
                             (701-762)
                                 
           
       Truyện kể, vào triều đại của Huyền Tôn hoàng đế đời Đường, có một tài tử họ Lý 李, tên Bạch 白, tự là Thái Bạch 太 白, người đất Cẩm Châu (Tứ Xuyên), vốn là cháu 9 đời của Tây Lương Võ Chiêu Hưng Thánh Hoàng Đế Lý Hạo. Bà mẹ của Lý nằm mơ thấy sao Trường Canh rơi vào bụng mà sanh ra Lý; vì sao Trường Canh là Thái Bạch Kim Tinh, nên mới lấy tên Bạch và tự là Thái Bạch để đặt cho Lý. Lý sinh ra vốn đã mi thanh mục tú, cốt cách phi phàm; Mười tuổi đã làu thông kinh sử, xuất khẩu thành thơ, mọi người đều ca ngợi và xưng tụng là thần tiên giáng thế, nên mới đặt cho cái ngoại hiệu là Lý Trích Tiên 李 謫 仙 (Là tiên trên trời được trích giáng xuống trần gian). Có thơ của Thi Thánh Đỗ Phủ chứng thực:

 昔 年 有 狂 客,  Tích niên hữu cuồng khách,
 號 爾 謫 仙 人。  Hiệu nhĩ trích tiên nhân.
 筆 落 驚 風 雨,  Bút lạc kinh phong vũ,
 詩 成 泣 鬼 神!  Thi thành khấp qủi thần !

   Có nghĩa :
                 Năm xưa có khách ngông cuồng,
                 Xưng là trời giáng xuống trần Trích Tiên.
                 Hưu bút mưa gió kinh thiên,
                 Thơ thành thần thánh qủi tiên cũng gờm !

     Lý Bạch lại tự xưng mình là Thanh Liên Cư Sĩ 青 蓮 居 士 (Cư sĩ hoa sen xanh) để tỏ rõ cho sự thanh cao của mình, không cầu danh lợi, ngao du khắp bầu trời để uống hết rượu ngon của thiên hạ. Nghe đồn Ô Trình Tửu của Hồ Châu rất ngon, Lý bèn tìm đến Hồ Châu để uống cho thỏa thích. Đang lúc cao hứng ngâm thơ vang vang, chợt có Ca Diếp Tư Mã đi ngang qua quán rượu bèn cho tùy tùng vào hỏi xem là ai. Lý nghe hỏi bèn thuận miệng đọc luôn bốn câu thơ:

   青 蓮 居 士 謫 仙 人,  Thanh Liên Cư Sĩ trích tiên nhân,
   酒 肆 逃 名 三 十 春。  Tửu tứ đào danh tam thập xuân.
   湖 州 司 馬 何 須 問,  Hồ Châu Tư Mã hà tu vấn,
   金 粟 如 來 是 後 身。  Kim túc Như Lai thị hậu thân !

      Có nghĩa :
                  Thanh Liên Cư Sĩ trích tiên đây,
                  Quán rượu ẩn danh chục năm nay.
                  Tư Mã Hồ Châu sao khéo hỏi,
                  Như Lai kim túc hậu thân nầy !
                  
                   

       Lý đùa với Tư Mã Hồ Châu rằng: Ngài là Ca Diếp là hậu thân của Phật Thích Ca, còn ta chính là Như Lai đây! Ca Diếp Tư Mã nghe xong thất kinh hỏi: "Chả lẽ đây là Lý Trích Tiên của đất Thục mà ta đã nghe danh bấy lâu nay?!" Bèn mời Lý về nha môn cùng uống rượu với nhau trên mười hôm. Ca Diếp Tư Mã khuyên Lý đi về hướng Trường An để có dịp tiến thân. Lý đáp là triều chính hỗn lọạn, quan trường nhũng nhiễu tham ô, khó lòng mà tiến thân ngay thẳng cho được. Nhưng Ca Diếp vẫn khuyên là: "Với tài năng của các hạ, lo gì đất Trường An không có người tiến cử!" Lý Bạch nghe theo, bèn lần mò về hướng Trường An.
 
      Năm Thiên Bảo nguyên niên đời Đường (742), một hôm, ông đang dạo chơi ở Tử Cực Cung thì gặp phải Hàn Lâm Học Sĩ Hạ Tri Chương. Sau khi cùng trao đổi tên họ, cùng ngưỡng mộ nhau. Hạ Tri Chương đã cởi túi kim điêu của vua ban mà đổi rượu để cùng uống với nhau đến khuya, rồi lại cùng nhau kết nghĩa kim lan, mặc dù Hạ lớn hơn Lý đến 40 tuổi. Từ đó, mỗi ngày đều cùng nhau uống rượu ngâm thơ. 
      Thời gian thấm thoát đã đến kỳ khảo thí, Hạ Tri Chương bèn viết một phong thư đưa cho Lý Bạch giới thiệu Lý với quan Chánh Phó Chủ Khảo năm đó là Thái Sư Dương Quốc Trung và Thái Úy Cao Lực Sĩ. Chẳng ngờ hai tên tham quan nầy cứ ngỡ là Hạ đã ăn tiền hối lộ của Lý rồi gởi gắm cho mình, nên cùng nổi giận và cùng hẹn nhau, nếu gặp tên Lý Bạch thì đánh rớt ngay chớ chẵng cần biết văn chương hay dở gì cả! Đến kỳ thi, khi giở đến bài của Lý Bạch thì Dương Quốc Trung đã gọi đến phê rằng: "Tài học như thế nầy, chỉ đáng mài mực cho ta mà thôi!", bèn chuyển bài qua cho Cao Lực Sĩ. Sĩ lại khinh bạc hơn nữa phê rằng: "Mài mực còn chưa đáng, chỉ xứng đáng để tháo giày cho ta mà thôi!" đoạn ra lệnh cho lính gát tống cổ Lý Bạch ra khỏi phòng thi. Lý Bạch ôm hận thề rằng: "Sau nầy nếu ta được đắc ý, thì sẽ bắt hai tên nầy mài mực và tháo giày cho ta thì mới nguôi cái hận trong lòng nầy! Hạ Tri Chương biết chuyện, bèn an ủi bạn rằng \: "Thôi thì hiền đệ cứ ở đây ẩn nhẫn đợi khoa thi của ba năm sau, biết đâu chừng đó sẽ gặp được các quan chủ khảo tốt hơn".  

      Ngày tháng thoi đưa, bỗng một hôm có sứ thần của Phiên bang mang quốc thư đến. Khi lâm triều mở quốc thư ra tuyên độc, cả triều đều ngẩn ngơ vì không đọc được chữ nào cả. Quan Hàn Lâm qùi xuống tâu rằng: "Đây là chữ của Phiên Bang, chúng thần học thức thiển cận, không thể đọc được!" Nhà vua bèn lệnh cho các quan chủ khảo năm đó đọc thư. Dương Quốc Trung và Cao Lực Sĩ đều có mắt như mù, miệng câm như hến, không đọc được chữ nào cả. Huyền Tôn bèn quở rằng: "Uổng công các khanh là những bậc hiền tài, mũ cao áo rộng. Không đọc được thư nầy thì làm sao mà xử lý phát lạc sứ thần cho được đây? Nay trẫm hạn trong vòng ba ngày không ai đọc được thư nầy thì đều phải ngưng bổng lộc, sáu ngày thì ngưng chức, chín ngày thì đều đưa hình ty hỏi tội. Trẫm sẽ chọn nhân tài khác mà khuông phò xã tắc!" Thánh chỉ ban xuống, các quan đều lặng thinh chẳng dám dị nghị gì cả. Nhà vua lại càng tỏ vẻ lo âu hơn nữa.
                            
                      
                         Lý bạch bị đuổi khỏi phòng thi

     Tan chầu, về lại nhà Hạ Tri Chương kể lại mọi chuyện cho Lý Bạch nghe. Nghe xong, Bạch cả cười bảo rằng: "Rất tiếc là khoa rồi đệ không được chấm đậu để cùng phân ưu với thiên tử!" Hạ Tri Chương nghe xong thất kinh hỏi lại: " Hiền đệ học cao hiểu rộng, đọc được Phiên thư sao? Ngày mai ta sẽ bảo tấu với bệ hạ". Hôm sau vào triều tâu lên vua rằng: "Nhà thần có một tú tài họ Lý tên Bạch, học cao hiểu rộng, có thể đọc hiểu được Phiên thư". Vua bèn cử sứ giả đến phủ của Hạ Tri Chương mời Lý Bạch vào chầu. Bạch nói với thiên sứ rằng: "Thần là người áo vải phương xa, không quan không tước, vào chầu vua e sẽ làm mất thể diện của các quan đại thần học rộng hiểu nhiều ở trong triều chăng?" Sứ về tâu lại, nhà vua bèn hỏi Hạ Tri Chương là chuyện như thế nào? Hạ tâu rằng: "Lý Bạch văn chương cái thế, học vấn uyên thâm, chỉ vì khoa thi vừa qua bị khảo quan sỉ nhục, đuổi khỏi trường thi. Nay áo vải vào chầu, trong lòng cảm thấy hổ thẹn, mong bệ hạ hãy ban ân điển." Nhà vua bèn y tấu, phong cho Lý Bạch là Tiến Sĩ cập đệ, áo tía đai vàng, mão ô sa hốt ngà voi và cử Hàn Lâm Học Sĩ Hạ Tri Chương cùng đi rước Lý Bạch vào chầu.                   
       Sau khi tung hô vạn tuế để tạ ơn, nhà vua thấy Lý Bạch tướng mạo phi phàm như thần tiên giáng thế, trong lòng rất vui phán rằng: "Nay có sứ giả Phiên Bang mang quốc thư đến, nhưng không có người biết đọc. Trẫm triệu khanh đến để cùng phân ưu!". Bèn truyền thị thần mang Phiên thư đến. Lý Bạch đọc qua một lượt, xong mới mĩm cười hướng về nhà vua mà dịch lớn lên cho mọi người cùng nghe là:
       "Đại Khả Độc của nước Bột Hải thư đến cho Quan Gia triều Đường: Từ lúc ông chiếm Cao Ly, sát cạnh biên giới nước tôi, nên lính biên khu thường xuyên xâm lấn bờ cõi nước tôi, tôi nghĩ đó là do ý của ông mà ra. Nay tôi không đừng được nữa, phái sứ đến để giảng hòa, xin ông cắt 176 thành của nước Cao Ly mà nhường cho nước tôi. Tôi sẽ tặng cho ông những vật trân quí sau đây: Thỏ của núi Thái bạch, Vải côn bố của Hải Nam, Trống của San Thành, Lộc của Phù Dư, Heo của Mạc Hiệt, Ngựa của Suất Tân, Cừu của Ốc Châu, Cá chép của sông My Đà, Mân của Cửu Đô và Lê của xứ Lạc Du, ông đều có cả! Nếu ông vẫn không đồng ý, thì tôi sẽ khởi binh tới đánh nhau, chừng đó thắng thua sẽ quyết!" 
       Vua và các quan nghe xong đều kinh hãi trong lòng, im lặng nhìn nhau mà không biết phải nói gì. Riêng nhà vua thì lo lắng ra mặt, trầm ngâm giây lát bèn hỏi các quan về kế sách để đối phó lại. Văn võ hai hàng đều im thinh thích. Hạ Tri Chương quỳ xuống tâu rằng: "Sao bệ hạ không hỏi xem Lý Bạch có kế sách chi để đối phó hay không?" Vua bèn hỏi ý Bạch. Bạch tâu rằng: "Bệ hạ không phải lo lắng, ngày mai cứ triệu Phiên sứ vào chầu, thần sẽ đáp trả Phiên thư bằng chính ngôn ngữ của Phiên bang, quở trách Khả Độc của Phiên Quốc, bắt ông ta phải sai sứ đến cống nạp và xin hàng". Nhà vua bèn hỏi: "Khả Độc là người nào?" Lý Bạch đáp rằng: "Người Bột Hải gọi vua là Khả Độc, người Hồi Hột gọi vua là Khả Hãn, người Thổ Phồn gọi vua là Tán Phổ, người Lục Chiếu xưng vua là Chiếu, người Ha Lăng xưng vua là Tất Mạc Uy. Mỗi bộ tộc đều theo phong tục của mình mà gọi tên vua". Nhà vua nghe Bạch ứng đối lưu loát, học cao hiểu rộng trong lòng rất đẹp, bèn phong ngay cho Lý Bạch chức Hàn Lâm Học Sĩ, thết tiệc tại kim loan điện có cung tần thể nữ ca múa hầu hạ chuốc rượu. Bạch uống đến say mèm, vua bèn cho nội thị đỡ vào bên trong trắc điện để nghỉ ngơi.  
      Canh năm hôm sau, khi trống canh năm vừa dứt thì hai bên văn võ bá quan đã chỉnh tề nghênh tiếp nhà vua thăng điện. Vua cho triệu Lý Bạch thì Lý hãy còn kèm nhèm chưa tỉnh rượu hẵn. Khi nội thị bưng canh giải rượu lên, thấy còn quá nóng, nhà vua lại đích thân cầm thìa khuấy cho mau nguội, rồi mới ban cho Lý uống. Các quan trông thấy nhà vua ưu ái Lý Bạch làm vậy đều nửa mừng nửa lo; mừng vì nhà vua biết chiêu hiền đãi sĩ, lo vì không biết Lý Bạch có làm nên cơm cháo gì không. Khi Bạch đã yên vị, nhà vua cho triệu sứ thần vào. Sau khi triều bái tung hô xong, Lý Bạch bèn đứng lên đi đến trước ngai vàng với áo tía mũ đen đứng trên trông xuống, phiêu nhiên như thần tiên giáng thế, tay cầm Phiên thư mở ra đọc to từng chữ một. Phiên sứ thất kinh đến há hốc cả mồm. Lý Bạch thay vua lớn tiếng quở rằng: "Tiểu bang sao dám thất lễ, nay thánh thượng độ lượng với hồng phước như trời, tha không chấp nhất, hãy nghe đáp chiếu của ta đây!" Phiên sứ nghe quở, run rẩy quỳ dưới bệ không dám ngẩn lên.       
       Nhà vua sai bày giường thất bảo bên cạnh ngai vàng, dùng nghiên mực bằng bạch ngọc, quản bút bằng ngà voi và thỏi mực bằng độc long hương thảo và giấy hoa tiên kim hoa ngũ sắc. Bày biện chỉnh trang xong đâu đó bèn ban cẩm đôn cho Lý Bạch ngồi cạnh ngai vàng để thảo chiếu thư. Bấy giờ Bạch mới tâu rằng: "Giày của thần không được sạch, e làm bẩn ngự sàng". Vua bèn sai nội thị đến cởi giày cho Lý. Lý được dịp lại tâu rằng: "Thần còn có một thỉnh cầu, dám xin bệ hạ tha cho tội ngông cuồng thì thần mới dám tâu lên". Vua phán :"Khanh cứ nói, có thất thố trẫm cũng không bắt tội". Lý tâu rằng: "Trong kỳ xuân thí vừa qua thần bị hai quan chánh phó chủ khảo đánh rớt và nhục mạ rồi đuổi khỏi phòng thi; nay hai người đó đứng đây thần không sao thi thố văn tài được nữa, dám xin bệ hạ lệnh cho Thái sư Dương Quốc Trung nâng nghiên mài mực và Thái Úy Cao Lực Sĩ tháo giày cho thần, để thần lấy lại lòng tự hào của kẻ sĩ mà thay mặt bệ hạ thảo chiếu thư trấn áp Phiên Bang, mong bệ hạ ân chuẩn để thần không làm nhục mệnh vua!" Đến nước nầy nhà vua đành phải chìu theo ý của Lý, truyền chỉ "Thái sư Dương Quốc Trung mài mực, Thái Úy Cao Lực Sĩ tháo giày" để cho Lý Bạch thảo hách man thư. Lý bạch vô cùng đắc ý vì đã trả được cái hận trước đây, tay trái vuốt râu, tay phải hưu bút, chỉ trong một loáng đã thảo xong chiếu chỉ cho Phiên Quốc. Trình lên nhà vua, vua trông thấy cũng giật mình, vì những nét chữ bay bướm cong queo giống y như thư của Phiên bang gởi đến, trong lòng rất vui, nghĩ rằng: "Với tài hoa nầy, cho Thái Sư mài mực, Thái Úy tháo giày cũng xứng đáng". Bèn truyền cho Lý Bạch đứng trước ngai vàng đọc lớn chiếu thư cho sứ thần và mọi người cùng nghe:
     "Đại Đường Khai Nguyên Hoàng đế chiếu dụ đến Khả Độc nước Bột Hải \: Từ xưa đến nay, trứng vốn không chọi đá, xà không thể đấu với long. Bổn triều ứng thiên khai vận, ban ân tứ hải, binh cường tướng mạnh, giáp cứng giáo dài. Vua Hiệt Lợi bội ước mà bị bắt, Tây Hạ Lộng Tán đúc ngổng mà thề nguyền, nước Tân La dệt gấm mà ca tụng, Thiên Trúc cống chim muông biết nói, Ba Tư nộp rắn biết bắt chuột, Phất Ma tấn cống chó biết chăn ngựa, Lâm Ấp cống ngọc dạ quang, Cốt Lợi Cán nộp Ngựa qúy, Nê Bà La hiến rượu ngon. Chẳng qua cũng chỉ là mến đức sợ uy nước lớn, muốn hòa bình cầu an. Cao Ly vì chống lại thiên triều nên lập quốc chín trăm năm bị tiêu diệt trong một buổi, đó cũng vì không biết thời cơ mà chịu họa vong quốc. Nay nước Bột Hải của các ngươi, vốn là thuộc quốc của nước Cao Ly, chẳng qua cũng chỉ bằng một quận nhỏ của nước ta mà thôi, lại dám ngang nhiên thách thức. Phải biết là khi quân thiên triều ập đến thì ngàn dặm máu đổ thịt rơi, vua Khả Độc sẽ bị bắt, nước cũng sẽ mất như Cao Ly. Nay thánh chúa khoan dung độ lượng không chấp nê cho sự ngông cuồng lần nầy. Phải biết hối lỗi mà sớm ngày nộp cống xưng thần, cho bốn bể được thanh bình, nhân dân thôi đồ thán. Hãy tam tư suy nghĩ cho cẩn thận để đừng làm trò cười cho các lân bang. Nay ban chỉ dụ. khâm thử!"
                 
                      
            Dương Thái Sư mài mực, Cao Thái Úy tháo giày.

      Sứ thần Bột Hải quỳ nghe chỉ dụ mà mặt như chàm đổ, cúi đầu nhận chiếu chỉ rồi tung hô vạn tuế mà lui ra. Khi ra đến cửa môn bèn hỏi nhỏ quan Nội Hàn rằng: "Người thảo và đọc chiếu chỉ khi nảy là ai, mà Thái Sư phải mài mực và Thái Úy phải cởi giày vậy?" Quan Nội Hàn đáp rằng: "Đó là Hàn Lâm Học Sĩ Trích tiên Lý Thái Bạch. Lý Học Sĩ là thần tiên trên trời trích giáng xuống, còn Thái Sư và Thái Úy chỉ là quan chức của phàm trần, làm sao mà so bì với Trích tiên cho được!" Phiên sứ nghe thế về nước báo lại với vua Khả Độc là thiên triều có thần tiên xuống giúp. Khả Độc xem chiếu thất kinh, bàn bạc với trăm quan thảo hàng biểu xưng thần và hàng năm nộp cống, không dám dấy động can qua nữa.

     Từ đó, nhà vua rất kính trọng và yêu mến Lý Bạch, định phong cho quan chức trọng hậu, nhưng Lý chỉ muốn tiêu dao tự tại, nên chỉ xin được có rượu uống hằng ngày là mãn nguyện rồi. Nhà vua biết Lý là người thanh cao, không màng vinh hoa phú qúy, nên hằng ngày ban yến tiệc trong cung và lưu lại trong kim loan điện để nghị chính, ân sủng ngày một gia tăng. Một hôm đang lang thang trên đường phố Trường An bỗng nghe thấy tiếng phèng la vang dậy, một đoàn đao phủ thủ áp giải một tù nhân đem ra pháp trường hành quyết. Trong tù xa là một võ tướng mi thanh mục tú, tướng mạo hiên ngang. Hỏi ra mới biết đó là Quách Tử Nghi, một võ tướng thất cơ từ Tinh Châu giải về Trường An để trảm quyết. Lý Bạch thấy Quách Tử Nghi tướng mạo phi phàm bèn chặn tù xa lại, bảo rằng mình sẽ vào cung bảo tấu với thiên tử. Toán đao phủ nhận biết đây là Lý Học Sĩ người thảo Hách Mang Thư hiện đang ở trong cung vua, nên bằng lòng chờ đợi. Lý bay ngựa về cung yết kiến thiên tử, vì là tội nhẹ nên vua ban ngay một đạo ân xá. Lý lại bay ngựa ra pháp trường tha cho Quách Tử Nghi, khuyên nhủ là hãy cố gắng lập công chuộc tội để kiến công lập nghiệp. Quách Tử Nghi bái tạ ra đi và hứa sẽ kết cỏ ngậm vành để báo đáp.
     Lúc bấy giờ hoa Mộc Thược Dược cuả xứ Dương Châu cống nạp vào trong cung đã nở rộ; trong cung gọi tên là hoa Mẫu Đơn với bốn màu rực rỡ là trắng, hường, đỏ, tía. Thiên tử di giá đến đình Trầm Hương cùng Dương Quý Phi thưởng ngoạn với một đám Lê viên tử đệ cùng múa ca hát xướng. Nhà vua cảm khái bảo rằng: " Trước phi tử đẹp như hoa và trước hoa đẹp như tranh thế nầy, sao ta lại cứ hát những bài nhạc cũ thế kia. Hãy mau truyền Lý Học Sĩ đến để viết nên những ca khúc mới cho hợp người hợp cảnh!" Trưởng nhóm nhạc của Lê Viên là Lý Qui Niên tuân chỉ đi tìm, nội thị cho biết là Lý Học Sĩ đã ra phố Trường An để uống rượu rồi. Lý Qui Niện vội vả dắt theo một đoàn tùy tùng đi tìm Lý Bạch, khi đi ngang qua một tửu lâu cao lớn nghe có tiếng người ngâm rằng:

          三 杯 通 大 道,    Tam bôi thông đại đạo,
          一 斗 合 自 然。    Nhất đấu hợp tự nhiên.
          但 得 酒 中 趣,    Đản đắc tửu trung thú,
          勿 為 醒 者 傳。    Vật vi tỉnh giả truyền !
      
Có nghĩa :
                 Ba ly thông qua đạo lớn,
                 Một đấu hợp với tự nhiên.
                 Chỉ cần được vui trong rượu,
                 Mặc cho kẻ tỉnh tuyên truyền !

                 
                    
  
      Giọng điệu nầy không phải của Lý Học Sĩ thì còn là ai nữa! Bèn đi thẳng lên lầu truyền lệnh vua triệu hồi về cung. Mọi người nghe có chiếu chỉ của vua đều vô cùng kinh hãi, riêng Lý Bạch đã "xỉn" quá rồi, giương đôi mắt thất thần nhìn Lý Qui Niên rồi đọc một câu thơ của Đào Uyên Minh: "Ngã túy dục miên quân thả khứ 我 醉 欲 眠 君 且 去!(Có nghĩa : Ta say muốn ngủ người đi đi!) rồi nhắm mắt ngủ ngay. Lý Qui Niên lắc đầu chào thua, đưa tay xuống lầu ngoắc một cái, cả toán thị vệ bèn đổ lên lầu kè Lý Học Sĩ xuống đưa lên ngựa ngũ hoa thông trực chỉ về cung. Vì Lý Bạch còn quá say nên nhà vua cho cởi ngựa vào thẳng Ngũ Phụng lâu trực chỉ vào cung cấm. Lý Qui Niên phải đi theo đỡ Lý Bạch đi vào hậu cung ngang qua Hưng Khánh Trì đến bên Trầm Hương Đình là nơi nhà vua và quý phi đang ngắm hoa mẫu đơn. Thấy Lý Bạch còn qúa say vua cho đặt tạm ngự sàng bên điện để Lý nằm, thấy Lý chảy nước dãi vua còn đưa tay áo long bào ra lau; Qúy phi tâu rằng: "Thiếp nghe nói phun nước lạnh vào mặt có thể làm cho tỉnh rượu". Vua bèn cho cung nữ ngậm nước lạnh phun vào mặt Lý Bạch. Lý thấm lạnh giật mình tỉnh ra, nhìn thấy vua và phi tần chung quanh, thất kinh quỳ xuống thỉnh tội. Vua đỡ dậy phán rằng: "Nay trẫm cùng phi tử cao hứng ngắm hoa, không thể không có lời hát mới, phiền khanh soạn cho ba khúc Thanh Bình Điệu để cho Lê Viên tử đệ phổ nhạc mừng hoa Mẫu đơn vừa mới nở." Lý Bạch thấy khung cảnh Trầm Hương Đình rất nên thơ với phi tần giai lệ, với danh hoa khuynh quốc, nên mặc dù còn ngây ngất men say cũng cất bút viết ngay ba bài Thanh Bình Điệu nổi tiếng sau đây:
 
 清 平 調 (其 一):               THANH BÌNH ĐIỆU (kỳ 1):

   雲 想 衣 裳 花 想 容,    Vân tưởng y thường hoa tưởng dung,
   春 風 拂 檻 露 華 濃。    Xuân phong phất hạm lộ hoa nùng.
  若 非 群 玉 山 頭 見,    Nhược phi quần ngọc sơn đầu kiến,
  會 向 瑤 台 月 下 逢。    Hội hướng Dao Đài nguyệt hạ phùng!

  Có nghĩa :
                  Mây ngỡ xiêm y hoa ngỡ mày,
                  Gió xuân phe phẩy má hồng say.
                  Không là Quần Ngọc non tiên thấy,
                  Cũng chốn Dao Đài gặo gỡ ai !

          
    清 平 調 (其 二):         THANH BÌNH ĐIỆU (kỳ 2):

   一 枝 紅 豔 露 凝 香,   Nhất chi hồng diễm lộ ngưng hương,
   雲 雨 巫 山 枉 斷 腸。   Vân vũ Vu Sơn uổng đoạn trường.
   借 問 漢 宮 誰 得 似?   Tá vấn Hán Cung thùy đắc tự ?
   可 憐 飛 燕 倚 新 妝。   Khả lân Phi Yến ỷ tân trang !

Có nghĩa :
                Một cành hoa đẹp ngậm sương thơm,
                Mưa móc Vu Sơn cũng dỗi hờn.
                Dám hỏi Hán cung ai dám sánh,
                Thương nàng Phi Yến mới soi gương.
            

        
          清 平 調 (其 三):        THANH BÌNH ĐIỆU (kỳ 3):

  名 花 傾 國 兩 相 歡  Danh hoa khuynh quốc lưỡng tương hoan
  長 得 君 王 帶 笑 看. Trường đắc quân vương đái tiếu khan.
  解 釋 春 風 無 限 恨, Giải thích xuân phong vô hạn hận,
  沉 香 亭 北 倚 欄 杆. Trầm hương đình bắc ỷ lan can !

Có nghĩa :
                Người xinh hoa đẹp vẹn đôi đàng,
                Thỏa ý quân vương ngắm chẳng màng.
                Giải hết gió xuân không hận oán,
                Đình Trầm Hương bắc tựa lan can !
            

       Ý mới lời thanh hợp tình hợp cảnh, nhà vua đọc xong khen không ngớt lời, bèn truyền cho Lý Qui Niên cùng chúng Lê Viên đệ tử phổ từ vào nhạc. Tiếng tơ tiếng trúc, tiếng đàn sáo tiêu thiều dìu dặt vang vang, mọi người đều hân hoan thưởng thức. Tiếng ngọc địch cuối cùng vừa dứt thì Qúy Phi đến cúi mình đáp tạ ơn vua. Nhà vua cười phán rằng: "Chớ tạ trẫm, hãy qua bên kia mà tạ Lý Học Sĩ kìa!" Qúy Phi bèn dùng ly thất bảo, đích thân rót rượu bồ đào của Tây Lương cống nạp, rồi truyền cung nữ ban tặng cho Lý Bạch. Từ đó về sau mỗi lần trong cung có nội yến đều có mặt Lý Bạch, nên mối tình tài tử giai nhân dần dà nảy sinh, Qúy Phi thường liếc mắt đưa tình, nhưng Lý Học Sĩ thì cứ làm ngơ, chỉ biết suốt ngày chìm đắm trong men rượu. 
     Lại nói về Thái Úy Cao Lực Sĩ lòng luôn ôm hận vì phải cởi giày cho Lý Thái Bạch trước mặt triều thần, nên luôn tìm dịp để trả thù rửa hận. Một hôm, nghe Dương Quý Phi ngâm nga ba bài Thanh Bình Điệu của Lý Bạch, mới thừa dịp nói rằng: "Thần cứ tưởng là nương nương phải căm hận lắm mới phải, sao lại cứ tán thưởng ngâm nga!?" Quý Phi hỏi tại sao, thì Cao Lực Sĩ đáp rằng: " Câu thơ "Khả lân Phi Yến ỷ tân trang" rõ ràng là đang ví nương nương với Triệu Phi Yến một cách mĩa mai. Nương nương không cảm nhận được hay sao?" Thì ra Triệu Phi Yến là người đẹp eo thon nhỏ nhắn, thân hình mảnh khảnh đến nổi có thể nhảy múa trên lòng bàn tay của lực sĩ được; còn Dương Quý Phi là ngườì đẹp khoẻ mạnh có da có thịt chớ không ẻo lả chút nào cả. Đem hai người so sánh nhau thì có vẻ mĩa mai hài hước thật sự (Thực ra, Lý Bạch chỉ so sánh cái vẻ đẹp của khuôn mặt chớ không so sánh cả thân hình. Câu "Khả lân Phi Yến ỷ tân trang 可 憐 飛 燕 倚 新 妝" ý là: Nàng Triệu Phi Yến mới trang điểm xong cũng phải chào thua!) Thêm một ẩn ý khác quan trọng hơn là Triệu Phi Yến lén Hán Thành Đế để tư thông với Yến Xích Phụng là một hầu dịch đẹp trai khỏe mạnh, còn trước mắt thì Dương Qúy Phi lại đang tư thông với con nuôi là tướng An Lộc Sơn. Dương Qúy Phi nghe Cao Thái Úy gợi ý nhắc nhở nên thấm đòn đâm ra oán ghét và xa lánh Lý Bạch, nên trước mặt Huyền Tôn thường chê trách hành vi phóng túng buông thả của Lý làm rối loạn nề nếp trong cung. Nhà vua thấy Quý Phi không thích, nên không thường xuyên triệu Lý vào cung nữa. Lý Bạch lang thang ở Trường An cùng các bạn rượu là Hạ Tri Chương 賀 知 章, Trương Húc 张 旭, Lý Thích Chi 李 适 之, Tiêu Toại 焦 遂, Lý Tấn 李 琎, Thôi Tông Chi 崔 宗 之 và T ô Tấn 苏 晋, xưng là "Trường An ẨM TRUNG BÁT TIÊN 飲 中八 仙" (Tám ông tiên trong rượu ở đất Trường An).
                     
                       

     Dần dà rồi cũng nhớ nhà, Lý Bạch xin với vua cho mình về quê. Huyền Tôn phán rằng: "Khanh ý chí cao nhã, tạm thời về quê, nếu có việc cần trẫm sẽ cho triệu hồi. Nhưng khanh đã có công với trẫm, đâu thể nào tay trắng hoàn hương, nếu khanh có thỉnh cầu chi cứ tâu trình cho trẫm biết". Bạch tâu rằng: "Thần chẳng có thỉnh cầu chi cả, chỉ mong mỗi ngày đều có rượu để uống cho say là đủ rồi!" Huyền Tôn bèn tặng cho Lý bạch một miếng kim bài, trên có ngự thư viết rằng: Sắc phong Lý Bạch là THIÊN HẠ VÔ ƯU HỌC SĨ, tiêu dao lạc phách TÚ TÀI. Hễ gặp phường quán thì được uống rượu, gặp ngân khố thì được chi tiền. Phủ cấp ngàn quan, huyện cấp năm trăm. Văn võ quân dân nếu ai thất kính thì đều phạm tội vi chiếu". Lại ban tặng ngàn lượng vàng ròng, cẫm bào ngọc đái, long mã yên vàng và tùy tùng hai mươi người. Lý Bạch khấu đầu tạ ơn, nhà vua lại tặng hai đóa kim hoa, ba ly ngự tửu và cho lên ngựa trước cửa Kim Loan Điện  để lên đường, bá quan văn võ đều được miễn chầu để đặt tiệc tiễn hành suốt mười dặm trường đình, chỉ có Dương Thái Sư và Cao Thái Úy không ra đưa tiễn mà thôi, còn bảy người bạn trong "Trường An Ẩm Trung Bát Tiên" thì đưa tiễn đến ngoài trăm dặm và cùng nhau uống rượu tiễn biệt đến ba ngày trời mới chịu chia tay. Lý Bạch đã làm bài thơ " 還 山 別 金 門 知 己 詩" để ghi lại sự việc nầy như sau:   

  恭 承 丹 鳳 詔,    Cung thừa Đan Phụng chiếu,
        欻 起 煙 蘿 中。    Hốt khởi yên la trung.
     一 朝 去 金 馬,    Nhất triêu khứ kim mã,
        飄 落 成 飛 蓬。    Phiêu lạc thành phiêu bồng.
     閑 來 東 武 吟,    Nhàn lai Đông Võ Ngâm,
        曲 盡 情 未 終。    Khúc tận tình vị chung,
     書 此 謝 知 己,    Thư thử tạ tri kỷ,
        吾 尋 黄 綺 翁。    Ngô tầm Hoàng Ỷ Ông.
    
Có nghĩa :
                   Lãnh chiếu từ Đan Phụng cung,
                   Bỗng không lại muốn về cùng núi xanh.
                   Ngựa vàng một sớm phi nhanh,
                   Tấm thân phiêu bạc như tranh cỏ bồng.
                   Khi nhàn về Đông Võ ngâm,
                   Khúc ca tuy dứt tình không dứt nào.
                   Tạ lòng tri kỷ biết bao,
                   Ta về vui với hoàng bào Ỷ Ông !

                 
                 
                     Ẩm Trung Bát Tiên tiễn đưa Lý Bạch

      Lý Bạch lên đường với mão ô sa áo gấm, trên đường mọi người đều xưng tụng là Cẩm Y Công Tử. Quả nhiên hễ cứ gặp tửu phường uống rượu thì ngân khố nơi đó lại xuất quỹ công mà trả. Một hôm về đến Cẩm Châu cùng với Hứa phu nhân tương ngộ. Phủ huyện nghe Lý Học Sĩ vinh quy đều đến chúc mừng, không ngày nào là không yến tiệc. Thắm thoát nửa năm đã trôi qua...
     Một hôm, chạnh niềm nhớ cảnh giang hồ, Lý Bạch nói với Hứa phu nhân là mình muốn đi du sơn ngoạn thủy. Bèn ăn mặc như là một Tú Tài, dắt theo một tiểu đồng rồi cưởi lừa lên đường, và cũng không quên giắt theo bên mình cái kim bài ngự ban của nhà vua. Các phủ huyện đều cung ứng chi đủ tiền rượu cho Lý Bạch suốt trên đường đi. Hôm nọ, khi đi ngang qua địa phận đất Hoa Âm, nghe dân chúng than rằng quan huyện ở đây rất tham ô và hay nhũng nhiễu dân lành. Lý Bạch bèn cho tiểu đồng lui ra, một mình cưởi lừa ngược đến trước huyện đường gióng ba hồi trống kêu oan. Quan huyện đang thăng đường, nghe tiếng trống biết là có người định quấy rối, nên cho lính bắt vào hỏi tội. Quan huyện thấy là một tú tài say rượu kèm nhèm, bèn lệnh bắt nhốt vào nhà lao đợi khi tỉnh rượu hãy hỏi tội. Lý Bạch bèn cả cười bảo mình không say. Huyện quan càng giận bắt phải làm tờ cung khai xem ai đã xúi giục đến để quấy rối nha môn. Lý Bạch đòi giấy bút rồi viết một lèo như sau:

      "Người cung khai ở đất Cẩm Châu, họ Lý tên chỉ một chữ Bạch. Tuổi trẻ đã thích văn chương, người đời gọi là Trích Tiên, hươu bút lên thì quỷ thần cũng kinh sợ, là Ẫm Trung Bát Tiên của đất Trường An, đã từng Hách Man Thư, người người đều biết tiếng, say nằm trong tẫm cung của vua, rỏ dãi áo vua lau, canh nóng tay vua khuấy, Cao Thái Úy cởi giày, Dương Thái Sư mài mực. Trong Kim Loan điện còn cho ta cởi ngựa, nơi Huyện Hoa Âm nhỏ bé nầy sao lại không cho ta cởi lừa !?"
                           
                            

     Khai xong rút kim bài vua ban dằn lên trên bàn cái "cộp". Huyện quan trông thấy kim bài, đọc lời khai xong, cả kinh thất sắc, vội vàng đỡ Lý Bạch ngồi lên rồi phủ phục dập đầu lạy xuống đất bẩm rằng: "Tiểu quan có mắt như mù, không trông thấy núi Thái Sơn, cúi xin Đại Học Sĩ lão gia khoan thứ cho tội đã mạo phạm". Các quan lớn nhỏ ở địa phương nghe tin đồng kéo đến để ra mắt Lý Học Sĩ.  Lý Bạch thừa dịp các quan họp mặt đông đủ, lên giọng huấn thị rằng: "Chúng quan viên là "Dân chi phụ mẫu", thọ lãnh bổng lộc của vua thì phải biết làm hết chức trách của mình, sao lại còn có tư tâm tham tài hại dân, nhũng nhiễu quần chúng. Nay ta chỉ cảnh cáo răn đe để các vị sửa chửa lỗi lầm cũ. Nếu còn để cho dân tình ta thán thì lần sau ta sẽ luận tội không tha!" Các quan đều giật mình kinh hãi đồng thanh vâng dạ. Quả nhiên sau lần đó các quan đều trở nên cần mẫn thanh liêm. Các quan viên của các địa phương kế cận cũng kháo với nhau là nhà vua ngầm cho Lý Học Sĩ đi thị sát quan tình, nên đều giữ kẻ không dám hà hiếp sách nhiễu bá tánh như xưa nữa.

    Lý Bạch ngao du hết thiên hạ từ đất Triệu qua Ngụy, Yên, Tấn, Tề, Lương, Ngô, Sở... Uống hết rượu ngon của thiên hạ, ngắm hết cảnh đẹp của non sông. Khi An Lộc Sơn làm loạn, Lý đang ẩn cư ở Lư Sơn. Lúc bấy giờ An Lộc Sơn làm phản (755) Đường Minh Hoàng phải chạy vào đất Thục. Vĩnh Vương Lý Lân là Tiết Độ Sứ Đông Nam muốn thừa cơ làm phản, nghe danh Lý Bạch có văn tài võ lược, bèn ép Lý theo mình, Lý không ưng nhưng vẫn được phong chức và ghép vào dưới trướng. Không bao lâu sau, khi loạn An Lộc Sơn đã yên, Đường Túc Tôn lên ngôi (756), phong Quách Tử Nghi làm Thiên hạ Binh mã Đại Nguyên Soái thu phục 2 kinh, Vĩnh Vương Lân cũng thua chạy. Lý Bạch thừa cơ trốn thoát, khi chạy đến giang đầu của bến Tầm Dương thì bị lính của triều đình bắt lại ghép vào loạn đảng. Khi giải về trung dinh cho Quách Nguyên Soái. Tử Nghi thấy là Lý Học Sĩ bèn thét quân cởi trói, mời lên ghế ngồi rồi cúi đầu lạy tạ rằng: "Xưa ở Đông thị Trường An nếu không nhờ ân nhân giải cứu, thì Quách Tử Nghi sao có được ngày hôm nay!" Bèn đặt tiệc thết đãi, rồi viết sớ dâng biểu về triều đình giải oan cho Lý Bạch, lại nhắc đến công lao Hách Man Thư ngày trước mà tiến cử cho nhà vua trọng dụng. Túc Tôn hoàng đế cũng mến tài Lý Bạch mà phong cho chức Tả Thập Di.  
                     
                  
                          Quách Tử Nghi tạ ơn Lý Bạch
   
    Lý Bạch đã ngán ngẫm với cảnh quan trường chìm nổi, áo xiêm trói buộc không được tự do tự tại, nên bái tạ không nhận chức. Từ biệt Quách Tử Nghi thả một lá thuyền xuôi về Nhạc Dương dạo Động Đình Hồ, xuôi qua Kim Lăng thuyền cặp bến bên bờ sông Thái Thạch. Đêm đó vầng trăng sáng vằng vặc như ban ngày. Như có điềm báo trước, Lý Bạch vận quan phục chỉnh tề, ngồi trước đầu thuyền cất chén uống rượu cùng trăng. Đang cơn tửu hứng, thấy bóng trăng chập chờn trên sông nước như đang dang tay mời gọi, Lý nâng chén lên mời vầng trăng trên không rồi cuối xuống định chạm chén cùng vầng trăng dưới nước, trong cơn men rượu chếnh choáng Lý ngã xuống ôm lấy vầng trăng lấp loáng trên sông và cùng bóng trăng tan theo dòng nước chảy. Khi thuyền gia hay được thì đà đắm ngọc chìm châu mất rồi! Bỏ lại Hứa phu nhân ngày đêm khoắc khoải vò võ mòn mỏi đợi chồng về như hai câu thơ của Lý đã viết:

           當 君 懷 歸 日,     Đương quân hoài quy nhật,
           是 妾 斷 腸 時!     Thị thiếp đoạn trường thì !
        
Có nghĩa :
                          Ngày chàng nhớ trở lại nhà,
                          Thiếp đà đứt ruột xót xa nhớ chàng !

     Theo truyền thuyết thì ngay lúc đó tiếng tiên nhạc và tiêu thiều từ trên không vẳng xuống, có 2 đồng tử tay cầm tinh kỳ hiện ra hô to: "Phụng lệnh Ngọc Đế thỉnh Tinh Chủ hoàn vị!" Lòng sông chợt chuyển động, một cơn sóng to nổi lên giữa dòng, một con kình ngư chở Lý Bạch trên lưng lướt lên khỏi mặt nước bay thẳng lên không theo tiếng nhạc mất hút vào màn đêm thăm thẳm. Sáng hôm sau Huyện Lệnh Lý Dương Băng dâng biểu tấu trình mọi việc. Vua bèn hạ chiếu cho địa phương lập miếu để thờ Lý Trích Tiên, hằng năm xuân thu nhị kỳ hương khói không dứt.
         
       Vì Lý Bạch say trăng tự trầm trên sông Thái Thạch, nên trên Thái Thạch Cơ, bờ đá bên dòng Thái Thạch có rất nhiều danh thắng để tưởng nhớ đến Thi Tiên, như Lý Bạch Mộ 李 白 墓, Trích Tiên Lâu 謫 仙 樓, Tróc Nguyệt Đình 捉 月 亭... Tất cả những văn nhân thi sĩ, sứ thần nước ngoài khi đi sứ ngang qua đây đều có làm thơ tưởng nhớ đến Lý Bạch. Cụ Nguyễn Trãi nhà ta trong thời gian ở Trung Hoa cũng có bài thơ Thái Thạch Hoài Cổ 采 石 懷 古 để tưởng nhớ đến Thi Tiên:
               
  采 石 曾 聞 李 謫 仙,   Thái Thạch tằng văn Lý Trích Tiên,
  騎 鯨 飛 去 已 多 年。   Kỵ kình phi khứ dĩ đa niên.
  此 江 若 變 為 春 酒,   Thử giang nhược biến vi xuân tửu,
  只 恐 波 心 尚 醉 眠。   Chỉ khủng ba tâm thượng túy miên.

Có nghĩa :
             Thái Thạch từng nghe Lý Bạch say,
             Cởi kình bay biết mấy năm nay.
             Sông này nếu biến thành xuân tửu,
             Lòng sóng e rằng vẫn ngủ say !
   Lục bát :
             Từng nghe Thái Thạch Trích Tiên,
             Cởi kình bay mất bao niên trước rồi.
             Nước sông biến rượu xuân trôi,
             Chỉnh e lòng sóng say vùi ngủ yên !
          


             Hẹn bài viết tới !

                                                          杜 紹 德
                                                      Đỗ Chiêu Đức






Không có nhận xét nào: