Thứ Năm, 4 tháng 11, 2021

Truyện số 69 Cái Gì Có Thể Thay Đổi Tư Tưởng Của Con Người/ FUKUZAWA Yukichi/ Dịch: Nguyễn Sơn Hùng

Truyện số 69: 

    Cái Gì Có Thể Thay Đổi Tư Tưởng 

            Của Con Người

FUKUZAWA Yukichi (*)

Dịch: Nguyễn Sơn Hùng

 Phật giáo thường dạy rằng “Quay đầu là bờ”. Nghĩa là con người có thể đột nhiên giác ngộ. Kẻ trộm cướp cực ác ngẫu nhiên nghe trộm được thuyết pháp đột nhiên sinh lòng tìm phật không phải là trường hợp hiếm có. Ngay giây phút lòng người muốn thay đổi, nếu có cái gì đó khởi động hay dẫn dắt thì giống như châm lửa vào thuốc nổ, ác thiện hay xấu tốt có thể đổi ngược lại ngay.

   Cỏ cây chổi đổi màu sau hai mùa (mùa thu và mùa hạ)

 Tuy nhiên, cũng có rất nhiều trường hợp lòng người không mau lẹ thay đổi mà biến đổi từ từ. Tư tưởng của họ dần dần thay đổi mà chính bản thân của họ cũng không hề hay biết.

Thí dụ chúng ta tình cờ đi lạc qua cánh cửa nhà nào đó, cảnh sắc quá đẹp làm chúng ta quên cả việc trở ra và có thể qua cơ hội này làm quen thân được người trong căn nhà đó.

 Thuở xưa vào lúc cuối thời kỳ Mạc phủ Edo, lúc mà mọi người (Nhật Bản) bàn chuyện bế quan tỏa cảng không giao thiệp với nước ngoài và không màng nghe chuyện thu nhập văn minh Tây phương, có một lãnh chúa tên Matsumae Takahiro (Tùng Tiền Tôn Quảng, 1829~1866) của phiên Ezomatsumae (1). Ông là một lãnh chúa thông thường, không nổi tiếng gì cả. Nhưng cũng như các công tử thuộc dòng dõi quý tộc nổi tiếng ông có nhiều sở thích, thú vui. Trong các sở thích, ông đặc biệt rất thích đồng hồ.

Khi Nhật Bản vừa mới mở cửa giao thiệp với nước ngoài, ông cho người mua nhiều đồ vật của nước ngoài từ hải cảng Yokohama đặt bên cạnh ông. Mỗi ngày từ sáng đến tối mải mê chơi, thưởng thức đồng hồ.

Dần dần sau đó ông lại tìm hiểu qua người hay sách vở về địa phương, hãng xưởng chế tạo đồng hồ. Qua các thú vui về đồng hồ, ông bắt đầu quan tâm về sự tình của Tây phương. Rồi ông phát giác ra rằng các nước Tây phương không hẳn dã man như ông đã nghĩ. Kế tiếp ông tiếp xúc, giao thiệp rộng với các người học Tây học, đọc sách dịch thuật và dần dần hiểu biết rõ về văn vật, phong tục của Tây phương. Càng biết nhiều về văn minh Tây phương ông càng cảm kích sâu xa, cuối cùng trở thành một trong các lãnh chúa chủ trương chính sách mở cửa giao thiệp nước ngoài. Thời đó là thời kỳ mà nước Nhật rất khó khăn và ông đã được bổ nhiệm đến chức Lão trung (2) trong Mạc phủ (1864-1865).

 Thêm một thí dụ khác. Cùng thời kỳ nói trên, có một võ sĩ tên Narishima Ryuhoku (Thành Đảo Liễu Bắc, 1837~ 1884(3) làm quan chức Kỳ bản của Mạc phủ, vốn là nhà Nho giỏi thơ văn, có thú vui sở thích là sưu tập tiền cổ, lại rất giỏi giám định chúng. Ông sưu tập được rất nhiều loại tiền cổ quý của Nhật Bản và Trung quốc. Thời đó Nhật Bản vừa mới mở cửa ngoại giao, nên khi trông thấy nhiều loại vật phẩm của các nước ngoài ông rất hứng thú về đồng tiền cổ xưa và hiện đại của họ nên vui mừng sưu tập chúng.

Sau đó, ông tìm hiểu tên của các quốc gia phát hành và các sắc thái đặc trưng của các quốc gia này, rồi thêm về lịch sử, thiên nhiên v.v… Là người có tài đọc sách nên dễ dàng đọc các sách dịch thuật, kết quả ông hiểu rõ sự tình của các nước Tây phương. Rồi ông từ bỏ Nho học chuyển sang tư tưởng của văn minh Tây phương. Ông trở thành người tiên phong thu nhập văn minh Tây phương và được nhiều người biết đến vào thời đó. Ông là người đầu tiên du nhập một phần vạn quốc công pháp (nghĩa là luật quốc tế) được dịch sang Hán văn vào Nhật Bản. Từ việc này chúng ta có thể hiểu được chí hướng của ông.

 Qua những thí dụ này chúng ta có thể thấy rằng mới đầu chỉ là thú vui sưu tập đồng hồ hay đồng tiền cổ, không có ý nghĩa gì sâu xa nhưng rồi thông qua thú vui sưu tập này mà tấm lòng, tư tưởng của họ lan rộng sang cánh cửa văn minh Tây phương. Do đó, chúng ta có thể nói kết quả thay đổi suy nghĩ, tư tưởng là phần lợi nhuận của việc sưu tập của họ vậy.

Nếu nhận xét nói trên đúng thì những người đang dẫn đầu mọi người mở đường văn minh hiện nay cho đất nước khi gặp phải nhiều điều không như ý, thay vì giận dữ trực diện đả phá kẻ chống đối, nên quan sát những thói quen, sở thích của đối phương để tiếp cận và làm thay đổi tư tưởng của họ qua cánh cửa này.

 Nguyễn Sơn Hùng

Tháng 6/2017

(*) Nguồn: Truyện số 69 trong quyển “Phúc Ông Trăm Truyện” của Fukuzawa Yukichi, 1897, Thời Sự Tân Báo Xã phát hành. 

Chú thích

  1. Phiên Ezomatsumae là Matsumae-cho của Matsumae-gun ở Hokkaido hiện nay. Matsumae Takahiro là lãnh chúa đời thứ 12 của phiên.
  2. Lão trung (rôchyu): thành viên của hội đồng gồm các lãnh chúa có lương trên 25 ngàn thạch.  
  3. Kỳ bản (hatamoto): viên chức quan trọng trong đoàn cận vệ trực thuộc của Tướng quân Tokugawa, lương khoảng 10 ngàn thạch.






Không có nhận xét nào: