Thứ Hai, 1 tháng 9, 2014

Hoài Niệm về Trường Cũ và Tưởng Nhớ Một Người Bạn đã Ra Đi - Trần Duy Lộc



Hoài Niệm Về Trường Cũ và       Tưởng Nhớ Một Người Bạn Đã Ra Đi


Vào nhũng năm 58, 59 là giai đoạn thúc bách của cuộc sống. Lúc đó tôi đã tôt nghiệp THĐIC và muốn có một việc làm để giải quyết cá nhân. Tôi đã nộp đơn thi vào Sư Phạm, Y tế nhưng không ngành nào giúp tôi đạt được ý nguyện.  Đang suy nghĩ mình phải làm gì đây hay cứ tiếp tục ngồi mãi trên ghế nhà trường. Đùng một cái có thông báo tuyển sinh vào Viện Hán Học. Đây là ngành mới lạ đối với nguyện vọng của tôi.  Nhưng nghĩ lại, mình đang cần giải quyết cuộc sống thì việc gì phải chọn ngành đúng sở thích, miễn sao hàng tháng có học bổng và lúc ra trường được bổ dụng là đạt sở nguyện rồi.  Với thực tế đó, tôi vội vã lập hồ sơ dự thi.
Tôi còn nhớ ngày thi tuyển đúng vào lễ Noel (25/12) tại giảng đường Viện Đại học Huế. Lần đầu tiên ngồi thi trong một giảng đường rộng lớn, uy nghiêm gây cho tôi một ấn tượng khó quên. Có lẽ đây là đợt thi vét cuối năm nên ban tổ chức tranh thủ để sớm có kết quả.  Đúng một tuần sau danh sách trúng tuyển được công bố. Tôi rất vui mừng khi có tên mình trong danh sách tuyển dụng. Và kỳ lạ thay sự tiên đoán của tôi khá chính xác.  Sau ngày thi tôi cứ nhẩm tính bài vở không có gì xuất sắc, lại không có cộng điểm môn Nhiệm Ý Hán Văn. Nếu có trúng tuyển chăng thì sẽ xếp vào thứ ba lăm trở đi.  Không ngờ danh sách trúng tuyển của tôi được xếp thứ 34/40. Tuy kết quả đậu rất khiêm tốn nhưng tôi rất mãn nguyện vì từ đây cuộc sống không còn bấp bênh, lo âu nữa. Đọc kết quả lần cuối rồi vội vã lên xe về báo tin cho thân phụ tôi biết. Được tin trúng tuyển ba tôi rất hoan hỷ vì ông vốn trọng Nho Học.
Ngày khai giảng đầu tiên vào thứ hai đầu năm mới (1960) tại Di Luân Đường, nằm trong khuôn viên trường trung học Hàm Nghi.
Cuộc đời tôi từ nay gắn bó với Viện Hán Học và sự nghiệp cũng bắt đầu từ đây.
Lớp học chỉ vỏn vẹn bốn mươi sinh viên nhưng nếu kể thêm những người dự thính thì có thể lên tới con số 45. Đây là lớp học đầu tiên của VHH và có những nét đặc biệt: số sinh viên cả nam lẫn nữ (37 nam sinh 3 nữ sinh). Giọng nói thì đủ cả ba miền. Nam thì có anh Trần Bá Nhẫn, Bắc thì có anh Lê Văn Sự.  Còn miền Trung thì chiếm đa số như anh Dương Trọng Khương ở Nha Trang, Vương Hữu Lễ Quảng Nam, Phan Thị Hồng Hạnh ở Đà Nẵng, Trần Văn Hoành ở Quảng Trị. Số sinh viên còn lại là những người nói giọng Huế như Lê Nhất, Ngô Khôn Liêu, La Cảnh Hùng, Hoàng Công Phu, Hồ Thị Lài và Nguyễn Thị Kim Chi...
Một điểm khác là tuy tuyển vào học Hán Văn nhưng có một số sinh viên có trình độ Hán Văn rất cao và tuổi tác có người xấp xỉ hoặc lớn hơn một số thầy trẻ trong Ban Giảng Huấn. Đúng là nhân tài đang hội tụ trong khóa đầu tiên của chúng tôi.
Do hoàn cảnh tôi sống trầm lặng, ít giao du với bạn bè và thường tránh xa những bạn có tâm hồn cởi mở, vui tính... nhưng so với Tuân, người bạn ngồi cùng bàn, cá tính còn đặc biệt hơn tôi nhiều: sống trầm mặc, lặng lẽ, không thích giao du với bạn bè. Đôi khi Tuân còn tỏ ra bẽn lẽn và tránh những chỗ đông người.  Những ai muốn tìm nụ cười trên nét mặt của bạn cũng không phải dễ.
Có lẽ vì những đặc điểm nêu trên mà chúng tôi đã đến với nhau và trở thành bạn thân trong năm học đầu tiên. Chúng tôi đã gắn bó với nhau trong suốt giai đoạn học tập tại VHH. Ngoài Tuân ra tôi còn chơi với bạn Liêu, bạn Hùng, bạn Phạm Đức Minh. Có lẽ đây là những người bạn dễ cảm thông nhau.
Do cá tinh đặc biệt của Tuân và tôi, một số Thầy, Bạn không khỏi ngạc nhiên.  Có lần bạn Hoàng Xuân Minh từng trách khéo tôi: “Lộc này, tao thấy mầy nét mặt luôn luôn nghiêm nghị, trầm ngâm trông như ông tướng không bằng...” Tôi chỉ mĩm cười chứ không phân trần.  Cũng may tôi được ví với Hồ Tôn Hiến trong truyện Kiều mà cụ Nguyễn Du đã mĩa mai: “lạ cho mặt sắt cũng ngây vì tình”. Lời nhận xét của bạn Minh quá chân tình đến nay tôi vẫn còn nhớ và thầm cám ơn bạn, ít ra đã quan tâm đến bạn bè.
Tuân sinh năm 1942, ít hơn tôi hai tuổi nhưng có lẽ do tập trung học tập nên hầu như suốt khóa học lúc nào bạn cũng đạt học bổng toàn phần. Bù lại, tôi có hướng vươn lên: vừa học vừa chuẩn bị thêm chương trình Tú Tài 1 và 2, nên vào cuối năm thứ tư tôi đã tôt nghiệp bằng Tú Tài 2 ban D. Và sau đó tiếp tục học ở ĐH Văn Khoa Huế. Còn Tuân thì khiêm tốn bằng lòng với cái nghề đang chọn.
Vào những dịp lễ hay cuối tuần, chúng tôi thường hẹn nhau ra công viên Trần Hưng Đạo hoặc ghé bờ sông Hương phía trước đài phát thanh Huế để tâm sự hay nói chuyện phiếm...
Tình bạn giữa tôi và Tuân không phải là loại bạn vàng như ca dao từng ví von:
“Bạn vàng chơi với bạn vàng.
Không tiền mua thuốc lượm tàn hút chơi.”
Và cũng không phải là loại tri kỷ tri âm như Bá Nha và Tử Kỳ hoặc cũng không xếp loại ma men bí tỉ như Rimbaud và Verlaine:
“Tôi nhớ Rimbaud với Verlaine,
Hai chàng thi sĩ choáng hơi men”
Mà là bạn tâm sự, nỗi lòng với những ẩn ức sâu kín không ai có thể lý giải ngoài chính mình và cũng ít ai dễ cảm thông trừ những người có cùng cảnh ngộ.  Đúng như người xưa có nói: “Ngưu tầm ngưu mã tầm mã” hay "đồng thanh  tương ứng đồng khí tương cầu”.
Có một điều ít ai để ý những người sống trầm lặng thường có một nội tâm phong phú.  Nêu lên điều này không phải tự biện minh mà qua những lần trò chuyện, trao đổi với Tuân, tôi được biết bạn có một nhận thức tinh tế và kiến thức phong phú, chỉ khác một điều là bạn không muốn nói ra thôi.
Tuy sống suốt 5 năm bên nhau nhưng chúng tôi vẫn chưa khám phá con người đích thực của bạn. Đây không biết là ưu hay khuyết trong tình bạn giữa chúng tôi.
Sau ngày ra trường, mỗi người chuyển đi dạy một nơi. Tôi nhận quyết định ra dạy tại Đông Hà chung trường với bạn Ngô Khôn Liêu. Còn Tuân về dạy ở trường thuộc huyện Duy Xuyên xã Hòa Vang. Chính nơi đây bạn đã gặp người bạn đời và đã sinh được một người con trai, nay đã trưởng thành.
Sau ngày 30 - 4 - 1975, Tuân trở lại vườn nhà cũ ở Vỹ Dạ và dạy tại trường cấp hai Phú Vang.  Lần này tôi đang dạy tại TH Hương Trà và đến cuối năm 1980 xin chuyển vào miền Tây.
Những lần về Huế, thỉnh thoảng tôi có ghé thăm bạn.  Lúc gặp nhau chúng tôi thường ôn chuyện cũ thời còn tập tểnh làm ông đồ của thế kỷ 20 và kể cho nhau nghe về cuộc sống hiện tại.  Có lần vào buổi trưa lúc 13h30 tôi ghé thăm bạn, hôm đó Tuân và vợ đều ở nhà. Nhân lúc có gáng bánh canh rao ngoài đường, Tuân vội bảo vợ mua để đãi tôi. Chúng tôi vừa thưởng thức đặc sản của quê hương, vừa nhắc lại  những kỷ niệm lúc còn ở Hán Học.  Câu chuyện thật tâm đắc vì ít khi có cuộc hội ngộ đầy đủ như hôm nay. Tôi cao hứng giới thiệu bài thơ Đường Luật lúc làm ở Cần Thơ.  Tôi còn nhớ bài đầu tiên là : “Mừng hội đồng hương” ở Cần Thơ.
             Bao năm mong mỏi Hội Đồng Hương
             Nay hội quê hương đã mở đường
             Nhớ tới sông Hương lòng rộn rã
             Mơ về núi Ngự dạ buồn thương
             Giang hồ lưu lạc nơi quê lạ
             Hội ngộ hàn huyên chuyện Cố hương
Đọc đến đây Tuân ngắt lời tôi: “Xa Huế chỉ có thời gian ngắn mà tình cảm lại đậm đà lai láng thì ai dám bảo là con người khô khan, bi quan như lúc còn ở Hán học”...
Tôi lại giới thiệu tiếp bài Thầy Giáo:
              Xã hội trăm nghề sống ấm no
              Riêng người Thầy Gíao phải toan lo
              Đồng lương không đủ tiêu tròn tháng
              Bát gạo tăng hoài dễ ốm o
Chỉ đọc bốn câu đầu Tuân lại cười chúm chím và trách tôi: Nói chi mà nặng nề, bôi bác dữ rứa, chỉ tội nghiệp cho ông thầy mà thôi.”
Tôi không trả lời đọc tiếp bốn câu cuối:
               Đùa vậy cùng ai vui chốc lát
               Xưa nay Thầy giáo vốn giàu to
              Cho hoài chữ nghĩa nào đâu hết
              Chưa kể tình thương chứa cả kho.
Vừa dứt câu cuối, Tuân cười hể hả, buông lời thắc mắc: “Ít ra Thầy giáo phải loại tích cực như rứa, nhưng có thiệt không đó? Giàu kiểu nầy thì tổ khổ cho vợ con lấy tiền đâu mà sống !!!”
Bẳng đi hai năm tôi không về Huế nên không có dịp ghé thăm. Vào năm 2004 nhân chuyến về xây mộ cho thân mẫu, tôi ngang qua Vỹ Dạ tạt ghé vào thăm bạn. Lần nầy cổng ngoài khóa kín, bên trong đóng cửa im ỉm.  Cảnh vật trông im lìm hoang vắng. Tôi ghé nhà hàng xóm đối diện để hỏi thăm về người bạn.  Chị hàng xóm cho biết Thầy Tuân vừa mất cách đây sáu tháng.  Nghe tin dữ, tôi bàng hoàng xúc động không ngờ bạn lại ra đi sớm như vậy.  Nghĩ đến người bạn thân năm nào, tôi muốn vào đốt nén nhang để tưởng nhớ người bạn thân yêu, nhưng nhà đã vắng chủ nên đành chịu, lặng lẽ quay về quê.
Nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Viện Hán Học, tôi xin đốt nén hương lòng tưởng nhớ quý  Thầy Bạn từng sống dưới mái trường Hán Học nay đã về cõi Vĩnh hằng.  Đặc biệt tôi xin chúc người bạn thân yêu sớm siêu thoát và cầu chúc gia đình bạn được nhiều thuận lợi, tiếp tục những gì mà bạn chưa thực hiện được.
         Cần Thơ, ngày 29/09/2009
TRẦN DUY LỘC (KHÓA I 1959-1964)





Không có nhận xét nào: