Thứ Hai, 8 tháng 9, 2014

Tìm Hiểu Tết Trung Thu - Lão Gàn

Tìm Hiểu Tết Trung Thu
                                               Bài của Lão Gàn

Tết Trung Thu đang đến gần. Lão Gàn tìm đọc tài liệu liên quan đến sự kiện văn hóa này và muốn chia xẻ với bạn đọc những gì mình lượm lặt được.

Vì sao có Tết Trung Thu
và Tết Trung Thu có từ bao giờ?
Chuyện xưa kể rằng vua Đường Minh Hoàng (713-741 Tây Lịch) dạo chơi vườn Ngự Uyển vào đêm rằm Tháng Tám Âm Lịch. Trong đêm Trung Thu, trăng rất tròn và sáng. Trời thật đẹp và không khí mát mẻ. Nhà vua gặp đạo sĩ La Công Viễn (còn gọi là Diệp Pháp Thiện). Đạo sĩ có phép tiên đưa nhà vua lên cung trăng. Ở đấy, cảnh trí quá đẹp. Nhà vua mải mê với cảnh cung trăng, quên cả trời đã gần sáng. Đạo sĩ phải nhắc, nhà vua ra về, nhưng lòng vẫn nuối tiếc.
Về tới hoàng cung, nhà vua vấn vương cảnh tiên, và cứ đến đêm rằm tháng tám ra lệnh dân gian tổ chức rước đèn và bày tiệc ăn mừng; còn nhà vua cùng với Dương Quí Phi uống rượu dưới trăng ngắm đoàn cung nữ múa hát để kỷ niệm lần du nguyệt điện kỳ diệu của mình. Từ đó, việc tổ chức rước đèn và bày tiệc trong ngày Rằm Tháng Tám đã trở thành phong tục của dân gian.
Cũng có người cho rằng ngày Rằm Tháng Tám là ngày sinh nhật của vua Đường Minh Hoàng, triều đình nhà Đường đã ra lệnh cho dân chúng khắp nơi trong nước treo đèn và bày tiệc ăn mừng. Từ đó, việc treo đèn bày cỗ trong ngày Rằm Tháng Tám trở thành tục lệ.
Như vậy, lễ hội Tết Trung Thu bắt nguồn từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, vào đêm Trung Thu, trăng sáng và đẹp nhất trong năm; thời tiết thường tạnh ráo, mát dịu; dân gian đang thời nông nhàn, chắc chắn đã hưởng thú ngắm trăng thư giãn ngoài trời, như một tập quán lâu đời;  Sau đó, Trung Thu mới được tổ chức thành lễ hội. Trung Thu lại trùng với dịp khai giảng năm học mới, do đó, người ta tổ chức thành Tết dành cho trẻ, tạo dịp cho trẻ vui chơi, hưng phấn bước vào việc học tập. Và Trung Thu biến thành Tết Nhi Đồng.
Trong Tết Trung Thu, nhà nhà treo đèn kéo quân, trẻ được ăn bánh, rước đèn ông sao, múa lân ...

Bánh Trung Thu


Bánh Trung Thu được cha mẹ, ông bà mua đãi con cháu, xem như hình thức biểu tỏ tình cảm thương yêu, trìu mến. Để chuyển tải ý nghĩa đó, bánh Trung Thu thường rất ngọt và rất dẻo.
Thời xưa, nhân bánh được làm bằng quả trứng muối, tượng trưng cho trăng rằm. Vị mặn của trứng muối dường như để "trung hòa" vị ngọt của các nguyên liệu khác.
Nhiều nơi, bánh Trung Thu còn đóng dấu những chữ mang thông điệp tốt lành. Ngoài ra, bánh còn đóng dấu hình mặt trăng, trên đó có người phụ nữ, chú thỏ (tượng trưng cho Hằng Nga  Thỏ Ngọc) hay hoa lá... xem như trang trí bổ sung. Ngoài chuyển tải ý nghĩa về Trung Thu, các hình nét trên còn để bắt mắt, lôi cuốn khách hàng.

Múa lân



Con lân tượng trưng cho sự thịnh vượng, sự may mắn và điềm tốt  lành. Dịp Trung Thu, trẻ tổ chức múa lân, vào thăm từng nhà để chúc phúc.
Trình diễn múa lân không thể thiếu Ông Địa. Ông Địa có bụng phệ (do độn vải), mặc áo dài, tay cầm quạt giấy to phe phẩy, mang mặt nạ. Ông Địa đầu hói tròn, cười toe toét, đi theo giỡn lân, giỡn khách xem múa hoặc mua vui cho gia chủ. Vì sao có Ông Địa? Ông Địa là hiện thân của Đức Di Lặc - một vị Phật lúc nào cũng tươi vui hiền lành.
Truyền thuyết kể rằng Đức Di Lặc đã hóa thân thành người và chế ngự được một quái vật - con lân - từ dưới biển lên bờ phá hoại. Đức Di Lặc (tức là ông Địa) lấy cỏ linh chi trên núi cho quái vật ăn và thuần dưỡng được nó. Ông Địa và con lân đi đến đâu là giáng phúc tới đó, nên nhà nào cũng treo rau xanh và giấy đỏ đón chào. Sau này, người ta buộc tiền trong một miếng vải đỏ treo cao trước nhà cùng bắp cải hoặc rau xanh. Lân phải trèo lên cao lấy bằng được "thức ăn" này.

Đèn kéo quân



Cây đèn kéo quân treo trước nhà vừa để trang trí vừa để có ánh sáng.
Nhằm giáo dục lòng yêu nước bằng cách giúp trẻ em nhớ lịch sử, ban đầu, trên đèn trang trí hình ảnh những đoàn quân lính xung trận – từ đó, có tên gọi "đèn kéo quân". Đèn được thiết kế để các hình ảnh ấy xoay đều quanh một trục.
Trong dịp Trung Thu, nhà nhà treo đèn kéo quân, tạo nên một thứ ánh sáng lung linh, huyền ảo, làm đẹp thôn xóm, phố phường.

Đèn ông sao 


Vì sao dùng đèn ông sao đi rước? Một giai thoại kể như thế này:
Ngày xưa, một đôi trai gái chỉ yêu nhau qua thư từ do những chú hạc trắng chuyển. Họ chưa một lần gặp nhau. Rồi một ngày nọ, họ quyết định gặp nhau.
Tuy nhiên, không biết sao chàng trai linh cảm  cô nàng đã có người yêu, mà người nàng yêu đích thực không phải là chàng.
Thấu hiểu nỗi băn khoăn của chàng, Bụt hiện lên, tặng chàng một vật thật mềm giống như da người. Bụt dặn chàng: hãy đeo nó lên mặt khi gặp người yêu sẽ thấy được những điều lạ.
Rằm Trung Thu, đúng ngày ước hẹn gặp nhau, chàng đeo vật ông Bụt tặng, tự tin đến gặp người yêu.
Khi gặp nàng, chàng sững sờ trước vẻ đẹp của nàng, nhưng chàng thấy quanh nàng có rất nhiều chàng trai khác. Hóa ra  nàng hẹn gặp nhiều người cùng lúc. Chàng không đến gặp mặt nàng mà đứng từ xa, đeo vật Ông Bụt vào. Nhiều vì sao trên trời bỗng sà xuống, gắn chặt vào vật đó thành hình một chiếc đèn hình ngôi sao. Qua chiếc đèn, chàng quan sát nàng đã ngồi với một trai khác.
Chàng thất vọng, lặng lẽ bỏ đi. Thất vọng với mối tình đầu, chàng dồn hết tâm trí vào việc học hành, tạo lập sự nghiệp. Cuối cùng, chàng trở thành vua của một vương quốc.
Để kỷ niệm nỗi buồn lớn nhất của cuộc đời, Vua tổ chức lễ hội vào đêm Rằm Trung Thu; những người dự hội đeo một vật giống như ông Bụt tặng chàng trai thuở trước, tay cầm những chiếc đèn để soi sáng xung quanh.
Sự tích mặt nạ và đèn ông sao là vậy.

Đến đây, chắc bạn đọc đã nắm được ý nghĩa của Tết Trung Thu. Như vậy, Lão Gàn đã làm xong một việc có ích./.

30/8/2014


Không có nhận xét nào: