Thứ Ba, 9 tháng 9, 2014

Đọc lại bài ca dao Bỏ Quên Chiếc Áo- Ngân Triều



Đọc lại bài ca dao, "Bỏ quên chiếc áo"/ Ngân Triều



Bỏ Quên Chiếc Áo

*Ngân Triu

Hôm qua tát nước đầu đình,                    (câu 1)
Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen.
Em được thì cho anh xin,
Hay là em để làm tin trong nhà ?
Áo anh sứt chỉ đường tà,                        
 (câu 5)
Vợ anh chưa có, mẹ già chưa khâu.
Áo anh sứt chỉ đã lâu,
Mai mượn cô ấy vào khâu cho cùng.
Khâu rồi anh lại trả công,
Ít nữa lấy chồng, anh sẽ giúp cho:          
(câu 10)
Giúp em một thúng xôi vò,
Một con lợn béo, một vò rượu tăm.
Giúp em đôi chiếu em nằm,
Đôi chăn em đắp, đôi trầm em đeo.
Giúp em quan tám tiền cheo,                  
(câu 15)Quan năm tiền cưới, lại đèo buồng cau...
Ca dao
Nhớ thời Trung học, bài ca dao nầy có tiêu đề là “Con trai ngỏ ý với con gái” hay ngôn từ của một anh chàng tán tỉnh người đẹp. Thầy giảng:
-“Tán” là khéo nói, nói hay làm cho người ta thích, lời nói đó chưa chắc đã thật lòng, cốt để tranh thủ, làm cho đối tượng chú ý đến mình và có thể để lợi dụng, thỏa lòng cho mục đích của mình. “Tán tỉnh”cũng như “tán” là nói ngon, nói ngọt, làm cho đối tượng xiêu lòng, hướng theo mình nhằm đạt mục đích riêng. Cho dẫu chàng trai nói dóc linh tinh, nghe qua là biết trêu đùa, vớ vẫn nhưng với “cái mồi câu ảo”, duyên dáng đó, có khi cũng lắm người con gái “phải lòng” và thiên tình sử được hai anh chị mở ra. Nhà tâm lý học nói, “giới nữ” thường cảm nhận và yêu thích bằng đôi tai. Chàng cứ nhìn đeo bám đối tượng, buông một cái nhìn đắm đuối, ngất ngây; đón đường đón ngỏ, phục binh; làm cái đuôi dài dài với nàng… mà không dám nói ra… thì đố ai mà biết, đố ai để ý mà giao tình(!) 
* Bốn câu đầu: [câu 1-4]
Cho nên khi một chàng trai đem lòng si mê một người trong mộng, thì phải tiếp cận, làm quen và ngỏ lời để nàng lưu ý đến mình. Thực ra, chuyện nầy không dễ dàng gì! Đâu phải là chuyện dễ dàng như lấy gàu tát nước hay lấy đồ trong túi. Có lẽ chàng phải đắn đo cho hai điều phân vân, để “tri kỷ tri bỉ” mong “khúc khải hoàn”:
Thứ nhất, người mình ưng ý thì khối người chạy theo. Phận mình ra đâu!…
Thứ hai, biết nàng có dám đứng lại lâu lâu một chút, cho mình ngỏ lời không(?). Người con gái nào mà không sợ dư luận của xóm nhỏ, làng quê qua thành kiến của các nhà Nho xưa, “nam nữ thọ thọ bất thân.
Đâu có gì mà e ngại nhỉ!  Mình chỉ muốn xin lại chiếc áo bỏ quên thôi mà:
Hôm qua tát nước đầu đình,                    (câu 1)
Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen.
Em được thì cho anh xin,
Hay là em để làm tin trong nhà ?
Lời trần tình của chàng trai thật là vừa ngắn gọn, vừa đầy đủ. Câu nói bao gồm thời gian, không gian và lý do: bỏ quên chiếc áo. Sự việc như cẩm nang  “5Wh” của một nhà văn nổi tiếng R. Kippling: sự việc xảy ra là ai (who), là gì (what), khi nào (when), ở đâu (where), tại sao (why)… Thời gian là hôm qua, nghĩa là mới đây thôi. Không gian là nơi cái ao sen đầu đình. Vì mải mê tát nước, anh đã bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen, mà không nhớ, đối tượng là người con gái đáng yêu. [câu 1-2].
(Hóa ra, chàng ta là một người nông dân siêng năng, cần cù, để lưng trần lao động... trong nghiệp nông gia. Được đấy! Khi tát nước, anh biết “tiết kiệm” chiếc áo, vì sợ áo thấm ướt nước, dính bùn dơ, áo mau cũ, dễ rách bươm. Phải chăng đó là phẩm chất khả ái, tính cần kiệm một giá trị quan đáng quý, như một nếp xưa, thời nuôi tằm dệt vải khó khăn, ở chốn quê).
Tiếp theo:
Em được thì cho anh xin,   (câu 5)
(Chẳng có gì lạ, chỉ là lời hỏi thăm về chiếc áo bỏ quên của anh ấy thôi)  Hay là em để làm tin trong nhà ?   (câu 6)
(Hơi quá đáng à nghen! Sao anh dám… dám đường đột, nói càn. “Ô hay! Tôi mới nghe anh nói mất áo. Chưa rõ thế nào, sao anh lại bảo tôi giữ áo anh để làm tin chứ?” Anh vô tình hay cố ý vơ quàng vơ xiên như vậy. “Của tin” là tín vật trao tặng của  đôi lứa yêu nhau để khẳng định lời hẹn ước… tình yêu chung thủy, bền vững, sắt son. Tôi với anh chỉ mới gặp nhau lần đầu, có gì với nhau chưa, mà anh lại bảo “để áo làm tin trong nhà” chứ? Chắc là anh không biết ý nghĩa của hai chữ “của tin” rồi:
Rằng: - Trăm năm cũng từ đây,
Của tin gọi một chút nầy làm ghi.”
ĐTTT, Nguyễn Du, câu 355-356.
Hay là:
Mất người còn chút của tin,
Phím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa.]
ĐTTT, Nguyễn Du, câu 739-740.
 [Lẽ ra ở câu nầy, bài ca dao nên để chàng trai tỏ lòng mình một cách tế nhị, nhã nhặn hơn mà vẫn chặt chẽ, hợp vần. Không hiểu do bí vần hay dị bản mà [câu 4] ở trên, tác giả lại để chàng trai phát ngôn rất vụng về, đột ngột, cục mịch. Có thể nên chỉnh lại:
Em được thì cho anh xin,
Hay em có nhặt, thì anh chuộc quà] .
…Mà chiếc áo anh có giá trị như chiếc áo long bào chắc? Thôi hãy nán lại để xem chàng ta nói tiếp xem sao).
*Bốn câu sau: [câu 5-10]  Mô tả chiếc áo bỏ quên một cách khôn khéo, nhờ người đẹp khâu hộ, hứa hẹn trả công:
Áo anh sứt chỉ đường tà,                          (câu 5)
Vợ anh chưa có, mẹ già chưa khâu.
Áo anh sứt chỉ đã lâu,
Mai mượn cô ấy vào khâu cho cùng
.
Khâu rồi anh lại trả công,
Ít nữa lấy chồng, anh sẽ giúp cho:         
(câu 10)
Áo anh sứt chỉ đường tà” là áo rách sứt chỉ đường may của mảnh áo, dễ vá hơn áo rách trên mảnh vải, gọi là áo rách đường thịt.  Áo anh sứt chỉ đã lâu, nghĩa là trải qua một thời gian, lâu lắm rồi, anh vẫn phải mặc chiếc áo rách đó, vả lại Mẹ anh đã già, mắt lòa tay run, không thể nào khâu áo cho anh.
[Cái khéo léo ở chỗ anh vừa mô tả chiếc áo, vừa “tiết lộ” gia cảnh của mình, vừa khơi gợi lòng trắc ẩn của đối tượng một cách tự nhiên. Vợ anh chưa có, mẹ già chưa khâu. Và anh tỏ lời “Hay là… hay là ngày mai, nhờ em giúp anh khâu hộ chiếc áo đó nhé!”: Mai mượn cô ấy vào khâu cho cùng]
(Do quảng bá bằng tính truyền khẩu lâu đời, sau nầy, khi có chữ viết, bài ca dao trên mới được sưu tầm ghi lại. Bản của Dương Quảng Hàm đã ghi lại như thế , “mai” là thời gian vị lai gần nhất. Tuy nhiên, có thể viết và hiểu là “may”, điều tình cờ đưa đến đúng lúc, may mắn, anh mới gặp được em và xin nhờ em, về khâu áo giúp giùm anh một thể.
Có thể nên là thế nầy:
Áo anh sứt chỉ đã lâu,
May  mượn cô ấy vào khâu cho cùng
).
Và cái chuyện nhờ vả trả công  hay làm ơn trả ơn, là một ứng xử tự nhiên trong  mối quan hệ giữa người và người xưa nay:
"Ngẫm câu báo đức thù công, "Lấy chi cho phỉ tấm lòng cùng ngươi."
Vân Tiên nghe nói liền cười:
"Làm ơn há dễ trông người trả ơn.
Lục Vân Tiên, Nguyễn Đình Chiểu, câu 173-176
Và nhất là anh sẽ trả ơn em bằng cách sẵn lòng “giúp em” trong việc “lấy chồng” sắp tới, “ít nữa”: khẩu ngữ chỉ một thời gian ngắn, không bao lâu nữa.
(Hay đấy! Anh tử tế lắm! Làm thân con gái 12 bến nước, chắc là… chắc là cũng phải nhờ người điềm chỉ mai mối cho, hoặc là khi có đám cưới, nhiều việc, phải cậy người phụ đám… cũng được ra phết đấy! Để xem chàng cất cao giọng đàn tiếng uyển…ra sao ?)
*Câu 11-16: Đền ơn khâu áo sao lạ quá! Sao quá hậu hĩ!
Giúp em một thúng xôi vò,          (câu 11)
Một con lợn béo, một vò rượu tăm.
Giúp em đôi chiếu em nằm,
Đôi chăn em đắp, đôi trầm em đeo.
Giúp em quan tám tiền cheo,                   
(câu 15)

Quan năm tiền cưới, lại đèo buồng cau...
Xôi vò thường làm bằng nếp hạt tròn, đậu xanh bóc vỏ, giã nhỏ cho tơi xốp, thêm gia vị, thường ăn với món cơm rượu… rất ngon. Rượu tăm là rượu tuyệt vời chưng cất nước đầu, có nồng độ cao, khi rót ra thường sủi tăm, thường đãi khách quý. Đôi trầmđôi bông tai bằng bạc hình con đỉa, trang sức  phổ biến của người phụ nữ  xưa. Tiền "cheo" là khoản tiền nhà trai phải nạp cho làng bên nhà gái nếu chú rể ở khác làng. Trai gái cùng làng xã lấy nhau cũng phải nạp tiền cheo song có giảm bớt. Lệ này đã bị bãi bỏ. Thanh niên ngày nay chỉ còn thấy bóng dáng của tiền cheo qua ca dao- tục ngữ.
(Đền ơn khâu áo sao quá hậu hĩ  “một thúng xôi vò”/ Sao lại có “Một con lợn béo, một vò rượu tăm”(?)/ Sao lại thêm “đôi chiếu”, “đôi chăn” nhỉ? Có vẻ như anh là con nhà nghèo…mà ứng xử sao quá ư  hào phóng?/ Cho cả đôi trầm… nữ trang cho cô dâu (!). / “Tiền cheo”, “tiền cưới” và “buồng cau…" chẳng phải sính lễ là gì…/ Hóa ra  chàng “để quên chiếc áo,” nhờ khâu hộ, đền ơn… là chú rể… Còn mình e rằng không khác cô dâu…/ Thật là duyên dáng, "khôn ngoan đến mực, nói năng phải lời”ĐTTT, Nguyễn Du,câu 2374. / E rằng mình cũng không thể cầm lòng cho nổi.  Không biết rồi sau sẽ ra sao?:
“Người đâu gặp gỡ làm chi?
Trăm năm biết có duyên gì hay không?
ĐTTT, Nguyễn Du, câu 181-182
)

(Trích blog Ngân Triều)

Không có nhận xét nào: