Thứ Tư, 3 tháng 9, 2014

Đường Huyền Trân Công Chúa ở Huế Xưa và Nay - Nguyễn Văn Tao

(Đường Huyền Trân Công Chúa)

Đường Huyền Trân Công Chúa ở Huế Xưa và Nay

Nguyễn Văn Tạo

Trước hết xin thưa, đây không phải là bài viết có tính khảo cứu lịch sử, cũng không phải là bài chuyên khảo thiên về dân tộc học hay văn hoá chuyên ngành, mà chỉ là những dòng cảm quan theo suy nghĩ, cảm xúc và cái nhìn của một người dân thường, có cái duyên được sinh ra và lớn lên trên một vùng đất may mắn có nhiều chứng tích văn hoá lịch sử còn tồn tại đến ngày nay. Con đường đi xuyên qua vùng địa dư này cũng được mang tên của một nhân vật lịch sử đã in đậm dấu son tình cảm biết ơn của biết bao thế hệ người dân Thuận Hoá - Phú Xuân - Cố đô Huế xưa và nay. Đó là con đường Huyền Trân Công Chúa với vùng đất Dương Xuân Thượng - Hạ, Nguyệt Biều - Lương Quán của Phủ Dương Xuân ngày trước, và là Phường Đúc, Thuỷ Xuân, Thuỷ Biều của Thành phố Huế ngày nay.
Điều tôi muốn nói là những dấu tích văn hoá - lịch sử còn tiềm tàng, như là những ẩn hiện của một vùng khoáng sản lộ thiên nằm dọc hai bên con đường Huyền Trân Công Chúa ngày trước (Bùi Thị Xuân ngày nay), từ cầu Ga Huế lên cầu Long Thọ, xã Thuỷ Biều cũng như dọc con đường Huyền Trân Công Chúa hiện nay, từ ngã ba Thành Lồi lên Lăng Tự Đức và đồi Vọng Cảnh. Cả hai tuyến đường cũ và mới này còn nhiều khả năng du lịch tiềm tàng mà chúng ta chưa có điều kiện làm hiển lộ và khai thác hết.
Trở lại vấn đề liên quan văn hoá và lịch sử, tôi xin phép tản mạn nói lên một số điều không đầu không cuối và cũng không theo một trật tự thuần nhất nào.
Thưa Quý vị, con người làm nên lịch sử và ngược lại, lịch sử cũng cuốn trôi các bước sinh tồn, sinh hoạt của con người theo dòng chảy của mình, kể cả dòng truyền thống tâm linh của con người.
Mùa hè 2006, festival Huế có chủ đề “700 năm Thuận Hoá - Phú Xuân” (1306 - 2006). Nói đến 700 năm Thuận Hoá - Phú Xuân, mà tôi nhớ không nhầm thì trong các Lễ hội và Hội thảo năm ấy chưa đề cập đậm đà đến tấm gương hy sinh vô cùng dũng cảm của Công Chúa Huyền Trân và sự thân lâm đàm phán của Phụ Hoàng Trần Nhân Tông để lãnh thổ đất nước Đại Việt chúng ta mở rộng thêm vùng Thuận Châu và Hoá Châu, kết thành đất Thuận - Hoá một cách hoà bình… Vì thế, tôi cảm thấy buồn buồn và một buổi trưa núp mưa ở một quán nước vắng khách, tôi cảm tác bài thơ “Độc thoại về quê hương”:
Phần đầu bài thơ có những dòng như sau :
Quán trưa
Mưa lưa thưa
Mùa Hạ,
Giữa lòng Cố Đô
Qua đợt gió mùa còn rớt lại
Lạ thường !
Ngồi một mình
Độc thoại:
Cũng có dịp nhìn lại quê hương
Với bảy trăm năm Thuận Hoá - Phú Xuân.
Thương một Huyền Trân hết lòng dũng cảm
Đem phận mình hoá giải chiến binh,
Lập lại thanh bình
Hòng mở rộng biên cương cho Tổ quốc
Tạo giao hảo thân tình cùng nước bạn
(Phần sau của bài thơ nói tiếp đến ngày nay)

                             (Đền thờ Công Chúa Huyền Trân dưới chân núi Ngũ Phụng)

Và rất vui là đến mùa Xuân năm 2007 thì đã có Lễ Khánh Thành khu Trung tâm Văn hoá Huyền Trân, mới lấp đầy được nỗi hụt hẫng tình cảm “Uống nước nhớ nguồn” của biết bao tâm hồn khách thập phương xa gần, đối với tấm lòng nhân hậu và dũng cảm của Công Chúa vua Trần ngày ấy. Câu chuyện xây dựng đền thờ Huyền Trân và vua cha Trần Nhân Tông ở Huế, trong thập niên trước đã có nhiều bậc thức giả đề cập tới. Cũng vui là các ngành chức năng đã thực hiện được khá kịp thời!
Trở lại vấn đề, dòng chảy lịch sử đã cuốn theo bao thế hệ sinh tồn và sinh hoạt của con người, bao biến đổi của xã hội và mọi sự hưng suy của bao dòng tộc, họ hàng cũng bị lịch sử cuốn theo… Cái chung đã cuộn tròn biết bao cái riêng và cái riêng đã hoà quyện vào cái chung một cách nhuần nhị. Lý nhân duyên của nhà Phật thật vô cùng xác thực và kỳ diệu!
Nếu ngày trước Đoan Quận Công Nguyễn Hoàng không xin vào trấn thủ đất biên cương Thuận Hoá và nếu năm 1598 ông không ra Bắc phò Lê diệt Mạc, để 3 năm sau (1600) trở về đất Thuận Hoá mà không tuyển và đem theo một đoàn dân binh đông đảo với đủ loại ngành nghề, thì chí ít nhất là Huế không có làng nghề đúc gốc Kinh Bắc (Bắc Ninh) còn tồn tại cho đến ngày nay. Và địa danh Phường Đúc cũng không có luôn. Nhưng cái duyên mắt xích để có làng nghề Phường Đúc nó chỉ bé tí, nằm gọn trong vô số những nhân duyên khác. Giá mà năm 1636 chúa Nguyễn Phúc Lan không cho dời dinh phủ Phúc Yên về Kim Long thì Phủ đệ Dương Xuân án ngự ở bờ Nam sông Hương với bao nhiêu cơ quan quan yếu phục vụ Phủ Chúa cũng không có. Nhưng lịch sử đã như thế và ít nhất cũng đã hơn 370 năm qua lịch sử của vùng đất Thuận Hoá - Phú Xuân đã xoay quanh một trục chính với vô số trợ duyên khác.
Được sinh ra và lớn lên trên đất Cố đô Huế, vốn đất không rộng và không màu mỡ, lại không được thiên nhiên ưu đãi; nhung lại giàu truyền thống văn hoá và đời sống tâm linh, trong một không gian vốn giàu di sản văn hoá lịch sử.  Với 60-70 năm sinh hoạt trong cuộc sống, cứ nhìn và cứ đi - về hàng trăm, thậm chí cả hàng ngàn lần trên một vài con đườnh hầu như quen thuộc nằm lòng. Và với một tình yêu quê hương đậm đà, thì ai mà không quan tâm mọi hiện hữu và di sản văn hoá lịch sử tồn tại trên các tuyến đường thân quen mình đã đi qua trong suốt cuộc đời ?
Ngay từ gần cuối thập kỷ 50 thế kỷ trước, con lộ nhỏ chỉ hơn 4m bề ngang và dài chỉ 3 - 4 cây số nối liền từ cầu Ga Huế lên cầu Long Thọ, được cào xới, rải lại dăm đá thô, xe lu đằn và tưới dầu hắc rồi rải sạn “cai-du” thì đã là một hiện tượng quá lớn đối với mọi người dân trong vùng! Rồi lại được đặt tên đường là Huyền Trân Công Chúa thì rất chi là hãnh diện. Từ đó yêu con đường hơn, yêu quê hương mình hơn. Và cũng bắt đầu tìm hiểu do duyên cớ gì mà được đặt tên đường như thế?
Sự thắc mắc nguyên do ấy đã sớm được giải bày.  Câu chuyện nàng Công Chúa Huyền Trân con vua Trần nước Đại Việt biết thuận lời cha làm sứ giả hoà bình “hoá giải chiến binh” mà kết duyên cùng Quốc Vương Cham-pa họ Chế.  Nghĩa cử đó là một sự hy sinh cao cả, đem lại cuộc sống thanh bình cho quân dân hai nước, lại còn mở rộng được biên cương cho Tổ quốc với hai châu Ô, Lý… Tên con đường Huyền Trân Công Chúa là một biểu tượng hoà bình, một tấm gương hy sinh vĩ đại, mặc cho bao lời đàm tiếu xúc phạm của cửa miệng người đời thuở ấy!  Và cuộc chiến tranh dai dẳng giữa hai nước đã được minh chứng hùng hồn bằng một giai thoại truyền khẩu hết sức ly kỳ.
Chẳng biết câu chuyện xảy ra vào ngày tháng năm nào mà bản thân chúng tôi chưa có dịp được đọc trong lịch sử. Chỉ biết nghe và tin vào câu chuyện lý thú và ly kỳ được kể lại từ các bậc trưởng thượng: Để chấm dứt cuộc chiến thư hùng kéo dài trên vùng đất biên cương này, hai bên đã giao ước chỉ sau một đêm mà dọc hai bờ đối diện Bắc - Nam sông Hương ngày nay, từ Kim Long lên Linh Mụ, hễ bên nào huy động nhân dân xây hoặc đắp được một thành luỹ cao, dài và kiên cố hơn, thì bên thua sẽ tự động rút quân. Thế là ở bờ Bắc hì hục xây thành thâu đêm. Còn bờ Nam thì quan quân Chăm-pa ráo riết tập trung lực lượng khuân đá đào đất dốc sức đắp một bức trường thành kiên cố dài cả ngàn mét, từ mé chân đồi Thọ Cương (Long Thọ) chạy dài về phía Đông Nam, giáp sau đình làng Dương Xuân Thượng sau này. Và hy vọng là sẽ cao to, vĩ đại hơn thành luỹ phía bờ Bắc con sông. Nhưng tờ mờ sáng hôm sau, leo lên đỉnh “Thành Lồi” cao mà chỉ qua một đêm đã đắp được để quan sát sang phía đối diện. Khi sương phủ trên sông còn mờ mịt, thì đã thấy ở bờ Bắc con sông lộ ra một bức tường thành xây gạch đỏ chói cao, kiên cố và thật dài. Trên thành thì dày đặc quan quân tuần canh lui tới với cờ xí, gươm giáo, cung tên rợp trời, hết sức hùng hậu!  Vậy là phía bờ Nam thấy mình thua cuộc nên lặng lẽ rút quân lui xa.
Những tháng ngày thơ ấu trước năm 1954, bọn trẻ chúng tôi học tiểu học tại Trường đình làng Dương Xuân Thượng, ngày nghỉ có lần rủ nhau lên đồi Thành Lồi tổ chức đánh trận giả. Quân ta phục kích đánh Tây đi lùng, bắn nhau bằng súng hột gần hoặc cuống bời lời. Có lúc cả bằng “súng miệng.”  Nhưng kết cục thì bao giờ giặc Pháp cũng thua to, lính Tây bị bắt làm tù binh hàng loạt. Có lúc rủ nhau cùng đi dọc trên đỉnh đồi Thành Lồi mà quan sát xung quanh thật là thú vị.  Ngày ấy, khi Thành Lồi chưa bị bàn tay con người xâm phạm và lấn chiếm, thì cả dãy còn thật cao và dài. Đứng trên đỉnh đồi quan sát thật xa, rồi hướng về bờ Bắc sông Hương mà tưởng tượng về một bức thành gót được ráp vào một giàn giáo bằng tre cao và đồ sộ với bao quân sĩ đang tuần canh oai hùng mà thích thú. Còn ngay tại mé đồi không xa là một khoảng đất rộng, chỉ còn trơ lại nền đất cùng những khối đá tảng vuông và to… mà người lớn bảo là đền thờ các vua Chăm.  Nghe vậy mà sợ, chẳng dám đụng đến một thứ gì ở đó, dù chỉ là một viên đá nhỏ.
Xuyên qua giữa dãy đồi Thành Lồi là một con đường dốc khá cao, đỗ xuống con đường dốc là đường Huyền Trân Công Chúa cũ, tạo thành một ngã ba, mà xưa nay vẫn được gọi là “Ngã ba Thành Lồi.”  Ngày nay đã có trụ sở của Công ty khai thác đá. Vậy là con đường nối với đường Huyền Trân Công Chúa ngày trước (nay được đổi thành đường Bùi Thị Xuân) có liên quan với di tích Chăm-pa chạy thẳng lên tận lăng Tự Đức và đồi Vọng Cảnh, ngày ấy chưa có tên và vẫn được gọi là đường Thành Lồi thì nay đã chính thức mang tên Huyền Trân Công Chúa.
Trở lại với đường Huyền Trân Công Chúa cũ (tức Bùi Thị Xuân hiện nay) chạy từ cầu Ga Huế lên cầu Long Thọ và nối dài tận cuối làng Nguyệt Biều. Một con đường mà nhiều người vẫn bảo còn tàng ẩn bao nhiêu di tích văn hoá lịch sử chưa được làm hiển lộ. Xin điểm xuyết đôi nét gợi mở về những di tích còn tàng ẩn ấy. Có lẽ cũng có rất nhiều người biết rõ nhưng chưa có dịp quan tâm nói tới. Và những điều hiểu biết này cũng chỉ ở dạng hời hợt “cưỡi ngựa xem hoa”, mong quí vị thức giả miễn chấp.
Trước hết, không xa chỉ khoảng 300m từ cầu Ga Huế lên hướng Long Thọ, ta có ngay bến đò Trường Súng, nay là khu vực Bến Cát, Phường Đúc.  Có lẽ bến sông này là nơi tập kết các loại súng thần công được chế tác tại Chú Súng Trường (còn gọi là Trường Đồng, khu gò đất cao sát bờ sông Hương, gần đối diện với Nhà thờ Giáo xứ Phường Đúc), trước khi được vận chuyển vượt sông sang bờ Bắc sông Hương. Đến vị trí cầu Lòn phía trái đường cái không xa, chỉ khoảng 300m-500m, tiếp giáp với Bàu Vá là khu gò đất cao dần, được gọi là Lịch Đợi.  Danh từ Lịch Đợi có thể là đọc trại của Lịch Đại (qua các thời đại), là một từ khiến ta suy nghĩ về gốc nguyên ngữ, có liên quan gì với vùng đất thế nào, mới được chọn làm địa danh ở đó. Và trên vùng gò dân cư sầm uất này có di tích đền thờ các Vua Hùng và đền thờ các vua đầu của Vương triều Trần, được xây dựng vào năm thứ 4 triều Minh Mạng (1823) mà nay đã bị lấn chiếm nhiều. Có lẽ ngành văn hoá và bảo tồn nên quan tâm.
Dọc hai bên con đường, từ cầu Lòn lên giáp Cống Trắng có địa danh là ấp Xuân Giang, một cái tên thật mơ mộng đầy nét thanh bình: Con sông mùa Xuân. Với chiều dài khoảng một cây số mà cũng ẩn chứa một số di tích văn hoá lịch sử đáng để tâm tìm hiểu và chiêm bái. Dọc theo phía trái đường nhựa là cánh đồng Bàu Vá mà nay đang được lấp dần làm khu dân cư và thị tứ tương lai. Tít tận cùng phía Đông Nam cánh đồng này tiếp giáp vói rìa gò đồi của thôn Hạ 2 xã Thuỷ Xuân, có Đình làng Dương Xuân Hạ không kém phần uy danh cổ kính.
Cũng tiếp liền với đồng Bàu Vá này, nằm cạnh đường Bùi Thị Xuân, chúng ta có khu di tích Lăng mộ của nhà thơ yêu nước Hoàng Tộc Tuy Lý Vương mà qua giai đoạn chiến tranh đã bị lấn chiếm nhiều!  Nay được giải toả để bảo vệ, nhưng cũng chưa được tôn tạo gì.  Và cách đó không xa, cũng bên phía trái đường nhựa, trong khuôn viên Trường Tiểu học Phường Đúc là Đàn Sơn Xuyên - nơi thờ sông núi.  Chưa nắm rõ được xây dựng từ bao giờ.  Nhưng trong thập kỷ 50-60 của thế kỷ trước thấy vẫn được bảo quản nghiêm túc.  Có đài trên, đài dưới hình vuông xung quanh có lan can và bờ tường bao quanh.  Bao quanh bốn phía nền dưới là khoảng đất rộng, được trồng dương liễu ngay ngắn và xanh tốt.  Mùa Hè vẫn có các đoàn sinh hoạt thanh niên tới cắm trại.  Nay thì cái uy nghi và xanh tốt ấy đã bị mất quá nhiều, để mọc lên những dãy nhà dài ngang dọc làm trường học. Đây cũng là hình thức vi phạm di tích. Nhưng cũng may là khoảng sân Đàn Sơn Xuyên bên trên còn được bảo quản tương đối tốt.  Hoa quả, hương đèn vẫn có trên bệ thờ, ít nhất là trong các ngày sóc - vọng.
Vượt qua Cống Trắng, mé dọc bờ sông là ấp Bồi Thành mà phạm vi tiếp giáp với kiệt xuống bến đò Phường Đúc cũ. Có lẽ đến nay, hai địa danh này không có tâm trí người dân đang cư ngụ ở đó. Bởi ngày trước, nơi đây là xóm vắng với dân cư rất thưa thớt, nay thì nhà cửa đã quá sầm uất, mà phần lớn là người mới nhập cư, nhất là ở phạm vi Bồi Thành.
Đối diện với ấp Bồi Thành cánh đồng Bàu Sa không rộng, theo ông Nguyễn Hữu Thông đây là vị trí lấy đất sét phục vụ cho việc làm khuôn đúc ở Trường Đồng Nay thì khu ruộng sâu này đã được lấp đầy làm khu dân cư và một nửa thì xây dựng Trung tâm giới thiệu sản phẩm đúc đồng truyền thống Huế. Tiếp đến dọc bờ sông Hương, với chiều dài độ 500m, từ bến đò Phường Đúc cũ tiếp giáp Bến Chung, nằm ngay ngã ba của hai con đường Bùi Thị Xuân và Huyền Trân Công Chúa, là phạm vi của “Năm dãy thợ đúc.”  Đây là địa giới của làng nghề Phường Đúc cũ từ hơn 300 năm trước mà trong Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn đã mô tả rất cụ thể. Nơi đây có sự qui hoạch rõ ràng với địa danh 5 ấp là Giang Dinh (hay Giang Doanh), Giang Tiền, Kinh Nhơn, Bản Bộ và Trường Đồng, mà hầu hết ở cuối mỗi dãy xóm, cạnh mé bờ sông, đều có một đình xóm được xây dựng khá uy nghi. Năm ấp này tên thường gọi ngày trước đến nay là “Năm dãy thợ đúc”.
Giang Dinh và Giang Tiền là nơi đóng quân của các đội lính thuỷ bảo vệ Phủ chúa Nguyễn ở Kim Long. Kinh Nhơn và Bản Bộ là nơi cư ngụ của những người lính thợ đúc đồng gốc Kinh Bắc và Thuận Hoá, được gọi là Chú tượng Kinh Nhơ Ty và Bản bộ Ty, đứng đầu mỗi ty là một vị Cai quan. Trong gia phả họ Nguyễn Kinh Nhơn, nhiều vị có chức danh là Chú tượng Kinh nhơn ty Cai quan. Lại có vị là Chánh dinh Suất nội Chú tượng Ngũ ty, với tước hiệu là Tuần Thành Bá.
Trường Đồng hay còn gọi là Chú Súng Trường nằm cạnh sông Hương, bên cạnh sông Hương, bên dưới Linh Mụ tự và bên trên Đại Sa Châu là nơi đúc súng và các loại đồ dùng, thờ tự trong phủ chúa. Đây là một gò đất cao, dù chỉ cạnh bờ sông mà trận lũ lịch sử năm 1999 nước chỉ thấu mềm nhà ở đỉnh gò ấy. Vì thế mới được chọn nơi đây làm công trường sản xuất thời các chúa Nguyễn.
Đối diện với Trường Đồng là Nhà thờ Giáo xứ Phường Đúc mà ngày trước có tên gọi là Giáo xứ Trường An (có lẽ được ghép từ chữ đầu của Trường Đồng và chữ sau của Vĩnh An, một ấp thuộc phạm vi gần tiếp giáp với Thành Lồi). Nhà thờ Giáo xứ này mới đầu năm 2008 đã tổ chức kỷ niệm 300 năm hình thành. Theo Việt sử giai thoại, đây là ngôi nhà nguyện được Chúa Nguyễn cho phép xây dựng đơn sơ theo yêu cầu của kỹ sư đúc tượng Jean de la Croix (người Bồ Đào Nha, làm cố vấn kỹ thuật cho công tượng đúc súng Trường Đồng) để làm nơi cầu nguyện theo tín ngưỡng của mình. Và cũng là nơi tổ chức lễ đám cưới cho ông kỹ sư này với một cô gái người bản xứ. Mà sách ấy gọi đây là mối tình Âu - Á đầu tiên của Phú Xuân… Với những tư liệu ngày vừa trình bày, ngược dòng lịch sử thì nơi “Năm dãy thợ đúc” này ngày trước cũng thật là sôi động!
Trở lại bến đò Phường Đúc cũ, từ ngã tư giao điểm đường nhựa và đường bê-tông, lên phía gò đồi của thôn Thượng 4 độ khoảng 300m, ngày trước vẫn có tên là Độn Kho thuốc. Có lẽ đây là nơi làm kho chứa thuốc súng, dùng cho các loại súng thần công đúc tại Chú Súng Trường nói trên.
Lên tiếp phía Long Thọ, chỉ trong một phạm vi không rộng mà có đến hai di tích là Hổ Quyền và điện Voi Ré. Cách đây 60 năm, tôi vẫn còn nghe người lớn đọc câu ca dao:
 Con ai nhỏ nhỏ mà hoang,
 Cầm que củi mục xoi hang Hổ Quyền!
Dạo ấy chưa nắm rõ Hổ Quyền là gì mà nghe cụm từ “xoi hang Hổ Quyền” thì cũng đã phát khiếp. Tiếp sau lưng điện Voi Ré là đồi Thọ Cương. Trên đồi thì có Kho Thượng - nơi chứa sản phẩm sành sứ sản xuất ở thời đó - rồi chuyển xuống bến đò Kho Thượng, ở mé sông cạnh chân đồi, vận chuyển đi phục vụ xây dựng cung điện đó đây. Ở mé Nam của đồi Thọ Cương có Phủ thờ của Hoá Quốc Công.
Vượt qua cầu và Nhà máy xi-măng Long Thọ là con đường nhựa tuy nhỏ nhưng khá thẳng, chạy dọc suốt làng Nguyệt Biều, tiếp giáp với bãi sa bồi thôn Lương Quán.  Đây là một đoạn trên của đường Bùi Thị Xuân.  Nghe đâu các cấp liên quan đang có kế hoạch xây dựng Nguyệt Biều - Lương Quán làm khu di tích sinh thái vườn, mà đặc chủng là cây thanh trà nổi tiếng nơi đây. Bên cạnh những vườn cây thanh trà xanh mát và tươi tốt, thì Nguyệt Biều xưa vẫn là nơi xuất thân một số vị đại công thần vừa là phu quân của các Công Chúa triều Nguyễn. Tiêu biểu như Phủ thờ Công Chúa Mai An, con vua Minh Mạng, vưà là một nhà thơ. Công Chúa Trang Nhàn con thứ 23 vua Minh Mạng và gần cuối đường nhựa là Phủ thờ Lễ hộ Thượng thư Đặng Đức Siêu dưới thời vua Gia Long, được phong tước Hầu lúc qua đời (vợ ông Siêu được treo bảng vàng là “Tiết phụ khả phong”), có con trai làm Tổng trấn Nghệ An. Trước cổng phủ này nay vẫn còn ghi “Biểu sinh phường”...
Như thế, nhìn lại chỉ trên tuyến đường Huyền Trân Công Chúa cũ, được nối dài đến cuối làng Nguyệt Biều với độ dài khoảng 5 cây số mà nay đã được đổi tên là Bùi Thị Xuân, với hơn 600 số nhà và đường kiệt, đến nay vẫn còn tồn tại một con số không nhỏ những di tích văn hoá lịch sử, mà một số lớn vẫn còn đang dạng ẩn. Thiết nghĩ, các ngành chức năng bảo tồn và du lịch phối hợp cùng nổ lực khôi phục, làm hiển lộ đầy đủ những di tích này và thiết lập một "tour" du lịch liên hoàn thì có lẽ tiềm năng cũng không nhỏ.
      
Nguyễn Văn Tạo
Tháng 9 - 2009
(Trích Đặc San Ký Ức và Hoài Niệm)





Không có nhận xét nào: