Thứ Năm, 11 tháng 9, 2014

Kẻ Đáng Thương- Đàoanhdũng

            Kẻ Đáng Thương

Nguyệt san Kỷ Nguyên Mới, số 160, tháng 8/2014

đàoanhdũng


C
huyến công tác Puerto Rico lần này tưởng cực mà lại thảnh thơi.  Toán kỹ thuật điện toán của Tâm sửa soạn máy móc và nhu liệu sẵn sàng từ trụ sở chánh của công ty tại Minneapolis và gửi đi hơn tuần nay.  Sáng chúa nhật bốn tên, ba Mỹ một Mít, bay xuống San Juan, lái xe hai giờ đến nhà trọ của công ty tại Dorado.  Sáng thứ hai đến xưởng Arecibo sớm, thiết kế máy, chuẩn bị chạy thử một lần cuối thì được tin đường dây điện thoại từ San Juan bị cắt. Công ty điện thoại địa phương cho biết trục trặc kỹ thuật và hứa sẽ giải quyết trong vòng hai tiếng đồng hồ.  Thời buổi này điện toán đi liền với điện thoại. Nếu đường dây bị gián đoạn thì kể như … huề cả làng.

Hai giờ kéo dài đến hai ngày mà đường dây chưa được móc nối.  Công ty địa phương và công ty viễn liên đổ lỗi cho nhau, giải quyết công việc chậm hơn rùa.  Bọn Tâm hai ngày đến xưởng chờ đường điện thoại. 11 giờ đi ăn trưa, kéo dài đến xế.  Loáng thoáng đến 3 giờ dù về nhà.  Thiệt là nản nhưng biết làm sao hơn.

John, nhỏ tuổi nhất bọn, đề nghị khi xe vừa lăn bánh:

“Về nhà làm gì giờ này! Chúng mình kiếm một cái quán ba nào dọc bờ biển, làm vài chai bia đi.”

Tâm lắc đầu.

“Thôi tụi mầy đi đâu thì đi, nhưng cho tao về nhà.  Hai ngày rồi, bữa nào cũng nhậu, người nó bệ rạc ra.  Tao định bữa nay qua bên Hyatt tập thể dục.”

Thằng Brian xổ ra một tràng:

“Cái gì!?  Mầy còn cả đời để tập thể dục, con à.  Dể gì bọn mình có một kỳ nghỉ mát không tốn tiền tại Puerto Rico như lần này.  Hay là mầy lại nhớ con vợ mới cưới của mầy rồi?”

Già Steve, lớn nhất đám, mới trải qua một lần ly dị vợ, đưa ý kiến.

“Tao thấy hay nhất là bọn mình lái xe qua bờ biển phía bên kia đảo.  Đi bộ ngắm cảnh, vừa rửa mắt ngắm mấy em địa phương, vừa thỏa mãn cái nhu cầu tập thể dục của thằng Tâm.  Sau đó đã đến lúc ăn tối. Lúc đó uống bia cũng không muộn.”

Brian phản đối.

“Trời ơi!  Ngắm bọn đàn bà ở đây cho phí cặp mắt của mình à.  Bọn nó dưới 20 thì trông cũng được, nhưng có chồng, hay lớn thêm vài tuổi, đứa nào cũng xồ ra trông phát ớn.  Tao thì chỉ thấy bọn nó đẹp duy nhất khi công tác ba tuần ở đây, sau 10 ngày không ngủ với con bồ trên Minneapolis.”

Rồi nó ra một đề nghị mới.

“Hôm nay thứ ba, chiều tối các chuyến du thuyền ghé San Juan. Vui lắm!  Mỗi chuyến hơn hai ngàn khách làm gì không có các em độc thân.  Tao thấy đi San Juan là hay nhất.”

Ba người đồng nghiệp Mỹ của Tâm lao nhao.

“Đi! Tụi mình đi San Juan chơi!”

Tâm nhất định.

“Cho tao về nhà.”

Thằng John gắt lên.

“Làm sao mà hôm nay mầy như là thầy tu vậy? À, mầy là trưởng toán mà thiếu tinh thần đồng đội đấy nhé.  Làm thì cùng làm, chơi thì xé lẻ phải không?”

“Tụi bây thông cảm.  Hôm nay tao không thấy thích đi chơi.  Mấy lần công tác trước tụi bây thấy cách chơi và làm việc của tao rồi mà.  Cứ tự nhiên.  Báo cáo chi phí công tác tao ký tên chứ ai vào đây?”



oOo



Nhà trọ của công ty là một ngôi biệt thự nằm trong một khu cư xá dọc bờ biển, cạnh khu du lịch khách sạn Hyatt, có hàng rào lưới sắt bao quanh.  Xe cộ ra vào một cổng duy nhất có nhân viên bảo vệ ngày đêm.  Các cổng phụ dân cư xá có thể dùng, nhưng phải dùng chìa khóa hoặc báo bảo vệ trước để mở khóa bằng điện.  Mỗi cổng phụ đều có máy thu hình.  Đây là một cách công ty tiết kiệm chi phí, mà cũng để tránh phiền toái cho nhân viên công tác tại hòn đảo nhỏ này. Phòng Nhân Lực của công ty dặn dò kỹ lưỡng là, khi công tác Puerto Rico, đi đâu cũng phải có cặp, nếu có xảy ra tai nạn hay rắc rối chi thì làm mọi cách về Mỹ ngay, việc thu xếp tại địa phương công ty có người lo.  Vì thế mà mấy năm nay Tâm chưa hề phiêu lưu một mình ra khỏi khu cư xá và Hyatt.  Nếu muốn tắm biển hay tập thể dục, Tâm thả đi bộ hoặc lái xe sang khu Hyatt.  Nơi đây Tâm có ngụ vài lần mỗi khi nhà trọ của công ty không còn phòng trống, nên nhân viên bảo vệ biết mặt, cho ra vào tự do.

Theo luật địa phương, Puerto Rico không có bãi biển tư. Bãi nào cũng thuộc công cộng nhưng dân địa phương khó lọt qua lưới bảo vệ để thụ hưởng những bãi sạch và đẹp như bãi Dorado của khách sạn Hyatt.  Tâm đổi ý định, thay vì sang khu Hyatt tập thể dục, anh đi bách bộ ở bãi của dân địa phương. Tâm tò mò muốn biết họ sinh hoạt ra sao. Ông gác cổng, khi biết ý định của Tâm, dặn dò:

“Cẩn thận nghe, señor (1). Đừng đi đâu xa.”

Tâm lần ra bãi.  Cũng cát trắng, cũng hàng phi lao và dừa, nhưng sao nó xơ xác.  Bãi biển vắng, lác đác vài nhóm đàn ông, đàn bà, áo quần sơ sài, mấy đứa trẻ trần trùi trụi chạy quanh.  À, thứ ba chứ phải là cuối tuần đâu mà đông người.


Tâm ngồi xuống một  hòn đá, hướng mắt ra biển xa tít, từng đợt sóng vỗ, từng cơn gió thổi vào mặt, những cơn gió nóng và mặn mà, không lạnh và rát buốt như gió Minnesota.  Tâm nhận ra một nét quen thuộc nào đó.  Phải rồi, những cơn gió nóng, những con người nghèo nàn, cây cỏ xác xơ sau bao năm chiến tranh. Hình ảnh quê hương xa vời, bên kia trái đất, hiện lên trong tâm khảm.  Tâm tự hỏi sao người Mỹ đến đâu là cao ốc mọc lên như nấm, đường xá mở mang nhưng cũng không đủ cho xe chạy, dân thì đổ xô về thành thị kiếm ăn đông đúc.  Tuy nhiên, nấp sau bề ngoài phồn vinh đó là những tệ đoan xã hội, trôm cắp, hút sách, đĩ điếm … Đi xa thành phố một chút, dân vẫn nghèo.  Puerto Rico giống Việt Nam nhiều chỗ  -  Dân chuyên nghề nông và chài lưới trước khi trời xui đất khiến rơi vào địa bàn của Mỹ, trở thành tiền đồn của thế giới tự do vì nằm cạnh Cuba.  Nếu Fidel Castro không bắt tay với Sô Viết thì còn lâu Mỹ mới bỏ công bỏ của đến giúp mở mang chống nghèo đói.  Ôi, chuyện nhân tình thế thái.  Dân đảo hiền lành, quanh năm ca hát và … làm tình, không biết chiến tranh giải phóng.  Biết đâu đó là cái phước của họ.   Nhưng những người không biết đuổi theo làn sóng mới, còn bám vào cuộc sống đơn giản của dân đảo, họ phải sống cuộc sống rách rưới thế à?  Tâm cảm thấy thương hại cho họ.

Một giọng ca khàn khàn tiếng Tây Ban Nha kéo Tâm trở về với thực tại.  Đó là tiếng hát của một người đàn ông bản xứ, tuổi trạc ngoài 50, da sạm đen, tóc xoắn, đi chân không, mặc quần đùi, áo nhà binh cũ kỹ, vai mang một lưới cá.  Ông đi về hướng biển, dứt tiếng ca, dừng chân, móc túi lấy ra một điếu thuốc lá, quẹt lửa, bập vài hơi, rồi từ từ lội xuống biển.  Khi nước vừa đến cạp quần, ông dừng lại, sửa soạn rồi tung lưới.  Độ nửa điếu thuốc, ông kéo lưới lên quan sát.  Không có cá, lại tung lưới.  Cứ thế.  Đều đặn.  Đôi khi ông đi chục bước về hướng khác, rồi lại tung lưới … Cứ thế …

Mặt trời đã lặn xuống đụng chân trời xa xăm.  Ánh nắng còn vàng nhưng nhuộm dần sang màu cam sẫm.  Bóng người đàn ông chài lưới đen và in rõ trên nền trời. Kìa, hình như cái chuổi tung và kéo lưới của ông ta đã bị đứt đoạn.  Ông túm lưới, kéo lếch thếch về phía bãi cát.

Tâm tò mò, muốn biết người bản xứ ấy lưới được loại cá gì và có to không, nên chạy đến, chờ ông ra khỏi những con sóng nhỏ còn quấn lấy chân, và hỏi làm quen:

Hola! Cómo estás?” (2)

Muy bien! (3)  How are you doing? (4)”

Tâm ngạc nhiên khi nghe câu trả lời và câu hỏi thăm pha lẫn tiếng Tây Ban Nha và tiếng Anh. Tâm hỏi tiếp, bằng tiếng Anh:

Ông nói tiếng Anh à.  Tôi tò mò muốn biết con cá ông lưới có to không?

Ông già bản xứ không trả lời, đưa ra một con cá cỡ bằng bắp đùi, đang cọ quậy trong lưới.

To quá.  Ông chỉ lưới mỗi một con thôi à?

Ông cười, hàm răng xệu xạo.

Chứ cậu không thấy tôi không mang theo giỏ cá à.  Không, một con đủ ăn cho ngày hôm nay thôi.  Mai lưới tiếp.

Ông buông lưới cá xuống bãi cát, rút một điếu thuốc mời.

Cám ơn ông, tôi không hút thuốc lá.

Ông châm thuốc, bập cho bén lửa, hít một hơi, rồi chìa tay, tự giới thiệu:

Tôi là Carlos.  Cậu đi du lịch hay là công tác?  Cậu từ đâu đến?

Tâm bắt tay ông Carlos.

Tôi tên Tâm.  Tôi làm việc cho một công ty ở Minnesota, đi công tác ở đây. Tôi là một người tị nạn Việt Nam.

Ông Carlos trầm ngâm, đôi mắt ông nhìn xa xôi, giọng nói ông nghe buồn vời vợi.

Minnesota.  Cũng không xa nơi tôi ở ngày xưa,  Chicago.  Còn Việt Nam, tôi đi lính hai năm.  Củ Chi, Bến Tranh …

Nghe nói đến Việt Nam, Tâm vồn vã.

Ông đi lính ở Việt Nam à?  Ông thuộc binh chủng nào? Ông đóng quân ở đâu? Củ Chi? Quê tôi ở Tây Ninh. Tây Ninh không xa Củ Chi lắm!

 Sư đoàn 25 Bộ binh.  Thiết giáp.  Xạ thủ đại liên.  Siento que (5)Tôi rất tiếc đã cày xé quê hương bạn, mà cũng không làm tròn được nhiệm vụ, để bạn lưu vong, mất quê hương … Sin país! (6)”  

Ông Carlos nói ấp úng rồi vội vã bước đi, xách theo lưới cá, đi như trốn tránh một dĩ vãng nào đó, lẩm bẩm Sin país… Sin país …, bỏ Tâm đứng trên bãi biển vắng, bơ vơ một mình, ngẩn ngơ trước thái độ lạ đời của người cựu chiến binh.

Tâm lang thang đi về cư xá, nơi có bảo vệ, có xe hơi, có tủ lạnh, TV, máy nước nóng … Tâm thầm nghĩ, ông Carlos xin lỗi vì đã làm hỏng quê hương mình, còn mình làm gì ở đây? Mình dự phần nào vào công việc mở mang xứ này. Mở mang hay làm đảo lộn xã hội của họ. Ông Carlos ơi, tôi xin lỗi ông.  Mới đây tôi cảm thấy thương hại dân tộc ông. Rồi đến phiên ông xót thương tôi. Tôi nghĩ cả hai chúng ta đều đáng thương. Nhưng tôi đáng được thương hại hơn, vì ít nhất ông còn có quê hương ...



Ôi, những cơn gió miền Caribbean nóng và mặn mòi như gió Việt Nam, không lạnh và rát buốt như gió Minnesota, mà sao chúng nhắc nhở Việt Nam đến tha thiết, vô cùng ...

đàoanhdũng

Hè 2003

Nhớ những ngày lang thang ở San Juan, Ciales và Arecibo, Puerto Rico, cuối thập niên 80.

(1)   Từ ngữ lịch sự gọi quý ông, tiếng Tây Ban Nha

(2)   Câu chào hỏi thông dụng của người nói tiếng Tây Ban Nha

(3)   Rất tốt, tiếng Tây Ban Nha

(4)   Câu chào hỏi thông dụng của người nói tiếng Anh

(5)   Rất tiếc, tiếng Tây Ban Nha
(6)  Không quê hương, tiếng Tây Ban Nha  

(Nguồn đàoanhdũng writer)

Không có nhận xét nào: