Thứ Hai, 27 tháng 10, 2014

Nhân Có Ý Kiến Đưa Môn Văn Vào Tuyển Sinh Đại Học Y Dược ở Việt Nam

     Nhân Có Ý Kiến Đưa Môn Văn Vào 
Tuyển Sinh Đại Học Y Dược Ở Việt Nam


Vừa rồi, một số trường Đại Học Y Dược ở Việt Nam muốn đưa môn văn vào việc tuyển sinh viên. Chuyện này đã gây nhiều tranh cãi.

Đại khái, lý lẽ của bên ủng hộ là:
- Viết báo cáo y học, công văn... sai chính tả, ngữ pháp. Đọc các nguyên bản ấy “sẽ rất dễ đứt mạch máu não(Nội dung phát biểu của bà Nguyễn thị Kim Tiến – Bộ trưởng bộ Y Tế)
-“ ...Người giỏi văn có kỹ năng tốt về xử trí, giao tiếp, nhận thức ... tốt cho hành nghề y...(Lược trích lời của GS Nguyễn Công Khẩn – Cục trưởng cục Khoa Học, Công Nghệ và Đào Tạo Bộ Y Tế)
-“ ... Văn sẽ giúp hình thành nhân cách con người, kể cả lòng tự trọng, nói chung cái người ta thường gọi là y đức.(Trích từ một bài viết của Nguyễn Vạn Phú)

Lý lẽ của bên không ủng hộ là:
-“ ...Bác sĩ là nhà khoa học, chứ không phải nhà văn...(Trích lời một giảng viên Đại Học Y Dược TP Hồ Chí Minh)
- Nếu đưa môn văn vào thì cũng phải đưa, chẳng hạn sử địa, vào vì sử địa cũng quan trọng (Đại ý lời phát biểu của thi sĩ Vũ Quần Phương).









*
Mình thuộc hạng người “vô danh tiểu tốt,” đại học đại hơ, cao quá, mình không dám xía vô.
Mình chỉ muốn tâm tình với bạn bè mình như thế này.
Học 12 năm ở tiểu học và trung học, thêm chừng 7 năm ở đại học, với tuổi đời ít nhất 25 mà viết văn bản để bà bộ trưởng Nguyễn thị Kim Tiến đọc muốn đứt mạch máu não là điều khó chấp nhận. Còn sai một vài dấu “hỏi, ngã”, một vài lỗi chính tả là chuyện bình thường. Những người chuyên môn về viết lách mà tác phẩm muốn ra mắt công chúng trước tiên phải qua một Ban Biên Tập chỉnh sửa, huống chi là người viết nghiệp dư!
Văn là một trong những môn học nuôi dưỡng, phát triển tâm hồn theo hướng tích cực, biết xót xa trước nỗi đau của người khác, biết phân biệt phải trái, nghĩa là biết hành xử theo công lý.
Môn văn góp phần đào tạo con người, khi ra đời, sống có tình, có lý, có nghĩa. Như thế, dạy văn ở bậc tiểu học và trung học phải trích giảng những tác phẩm khêu gợi lòng trắc ẩn, luân thường đạo lý ...
Trách nhiệm của giáo dục phổ thông là giúp tạo cái nền tảng kiến thức và đạo đức ở nơi mỗi người. Nền tảng ấy vững chắc thì dù phong ba bão táp giữa đời, con người vẫn khó bị đánh lừa và khó bị sa ngã.
Nói tóm lại, môn văn góp phần hình thành nhân cách. Mà nói đến nhân cách, đúng, không ngành nghề gì, không lãnh vực hoạt động gì lại không cần đến; làm bác sĩ, kỹ sư, giáo viên, quân nhân, công an, công nhân, nông dân ... đều cần có nhân cách.
*
Hiện tại, nhân cách của con người trong xã hội đang có vấn đề.
Ngành y khám phá ra vấn đề đó trước thì họ nghĩ ra phương án khắc phục, bằng cách đưa môn văn vào xét tuyển nhập học; tốt thôi, chẳng nên bàn cãi làm gì! Làm Giám Hiệu một trường đại học mà không có quyền định đoạt việc thi tuyển sinh nữa à! Việc gì cũng phải ở các cấp chóp bu quyết định thì mấy ông, mấy bà làm việc ở cấp chóp bu phân tán thời gian, trí tuệ và sức lực quá đi thôi!
Điều quan trọng là nền giáo dục phải làm sao để học sinh tốt nghiệp phổ thông, sinh viên tốt nghiệp đại học, khi cần viết văn (một lá đơn, một văn thư, một báo cáo...), diễn đạt ý tưởng của mình rõ ràng đừng gây hiểu lầm cho người nghe, đúng chính tả, ngữ pháp để chứng tỏ là người có học.
Còn về đào tạo nhân cách, môn văn nói riêng và các môn khoa học nhân văn nói chung phải có nội dung nhân bản, dạy những điều nhân ái, vị tha chứ đừng dạy những điều khuyến khích tính ích kỷ, thói chụp giật trong cuộc sống, nghĩa là những người có trách nhiệm phải lập ra một chương trình tốt, có tính hiệu quả cao.
Xã hội “loạn”, một phần vì các môn nhân văn chưa có nội dung thích hợp. Xã hội “loạn” dẫn đến môi trường giáo dục “loạn”; môi trường giáo dục “loạn” dẫn đến sản phẩm giáo dục là con người “loạn.”
*
Trong tranh cãi vấn đề này, mình không đọc nhiều, chỉ một vài bài thôi mà đã thấy buồn.
Ở mình, không khí tranh luận chưa có văn hóa. Người ta mới nói: đưa môn văn vào kỳ thi tuyển sinh viên y dược thì có người xuyên tạc nói: đưa môn văn vào học ở đại học y dược, rồi lý luận để bác bỏ; kiểu như “ông nói gà, bà nói vịt,” không chịu tìm hiểu nhau cho kỹ.
Lại có người viết bài trêu chọc người thuộc bên ủng hộ, chỉ vì ghét người đó theo cảm tính, chứ không bình tĩnh nhận xét ý kiến người ta.
Vấn đề đơn giản thế thôi mà khi tranh luận nhiều người đã “nổi nóng” huống gì những vấn đề có tầm mức rộng lớn hơn. Cho nên, ở mình, trước một việc gì, ngồi lại với nhau để tìm ra phải, trái, nên làm, không nên làm, gay lắm!
Và đó cũng là một lý do góp phần khiến đất nước mình khó cất đầu lên nổi.

24/10/2014






Không có nhận xét nào: