Thứ Ba, 14 tháng 10, 2014

Thử Lần Bước Theo Tiêu Dao Mộng của Độc Hành (Nguyễn Đức Cung)

Thử Lần Bước Theo Tiêu Dao Mộng 
của Độc Hành
                                                  Nguyễn Ðức Cung        
            
            Cầm cuốn bản thảo của truyện dài có tên "Tiêu Dao Mộng" do tác giả Ðộc Hành, một bác sĩ Y-khoa đang hành nghề tại Hawaii gửi tới với yêu cầu viết đôi dòng cảm nghĩ sau khi đọc xong,  tôi chợt nhớ đến ba chữ "Tiêu dao du" vốn là tên của thiên đầu sách Trang Tử, một tác phẩm của Trang Tử hay Trang Chu, tự là Tử Hư người gốc vùng Mông, một nước nhỏ ở vùng ranh giới giữa hai tỉnh Sơn đông và Hà nam bây giờ, một nhà hiền triết của Trung Hoa thời cổ (khoảng 369-286 tr. C.N.). Mới đây, Giang Mi trong một tư liệu viết về Lão Tử cho biết đất Mông nước Tống nay là huyện Thương Khâu, tỉnh Hà Nam, có thuyết nói là huyện Tào, tỉnh Sơn Ðông nước Tống.1 Có cái gì liên hệ giữa hai tiêu đề này không? Trong tác phẩm Ðại cương Triết Học Sử Trung Quốc, giáo sư  Phùng Hữu Lan (Fung Yu-Lan) có viết rằng: "Người nào có thể vượt qua sự phân biệt giữa các vật thì có thể hưởng tự do tuyệt đối và biết được hạnh phúc tuyệt đối được tả trong thiên đầu sách Trang Tử." 2 Người xưa nỗ lực đề cao chữ "du" và người nay quấn quít trong chữ "mộng". Mộng và du hay tắt một tiếng mộng du đã liên đới như thế nào đối với cảnh hiện thực của kiếp nhân sinh, cái gì thích hợp với cảm quan con người hơn hay vẫn là sự bềnh bồng, trôi nổi giữa thực và mộng:
            Cầm đường ngày tháng thanh nhàn,
            Sớm khuya tiếng hạc, tiếng đàn tiêu daọ
                                                (Nguyễn Du, Kiều)
            Trong một bài viết có tên Mộng, triết gia Henri Bergson (1859-1941) đã ghi nhận rằng: "Khi người ta ngủ mê, có lẽ người ta có những thứ mộng khác tính, nhưng lúc tỉnh dậy người ta không còn nhớ gì bao nhiêụ Vì những lý lẽ đặc biệt thuyết lý và bởi đó có tính cách ức thuyết, tôi thích tin rằng trong những giấc ngủ say mê, chúng ta nhìn thấy quá khứ của chúng ta một cách xa rộng hơn và với đầy đủ chi tiết hơn." 3 Vị triết gia người Pháp này đã nghiên cứu, biện giải giấc mộng của con người qua nhịp cầu của thính giác, xúc giác, tri giác và nhất là thị giác, đưa đến sự gặp gỡ, cuốn hút giữa cảm giác và hoài niệm qua đó "hoài-niệm nhập thể vào cảm-giác; nhờ máu thịt cảm giác đem lại, hoài niệm sẽ trở thành một hữu-thể sống động đặc biệt trở thành một giấc mộng." 4 Không phải trải qua những trăn trở, phân tích đầy thao thức, suy luận của triết gia lừng danh này, với tác phẩm Tiêu Dao Mộng, và nhất là qua hư cấu cũng như đầu óc sáng tạo của nhà văn, tác giả Ðộc Hành sẽ dẫn dắt độc giả vào một cuộc trường hành để nghe, thấy, chứng kiến những chuyện đời như ẩn như hiện, chuyển đổi giữa thực và hư mà ông đã khái quát hóa qua nhan đề cuốn sách trong đó bàng bạc đôi chút khí vị của tư tưởng Lão Trang. 
            "Tiêu Dao Mộng" là một câu chuyện tình giữa đôi trai gái Việt Nam trên bước đường tị nạn sau ngày Miền Nam thất thủ nhưng là một cuộc tình dang dở vì không vượt qua được rào cản của một lời hứa hôn của người cha của cô gáị Khung thời gian của tập truyện dài này chỉ vỏn vẹn hơn hai năm giữa hai vùng cách biệt của quả đất từ đông sang tây, gợi ý cho Phương, nhân vật chính của câu chuyện, bình thản sau nỗi đau xót xa để muốn như Liệt Tử trong Nam Hoa Kinh "Liệt Tử, thừa thiên địa chi chánh, nhi ngự lục khí chi biến, dĩ du vô cùng giả. Liệt Tử cỡi lên sáu khí của trời đất mà ngao du vô cùng" (trang 5). Giấc mộng tiêu dao của Phương thật là tự do, không bị trói trăng, ràng buộc vào một thực tiễn nào hết kể cả tình yêu, ngoại trừ lý tưởng đấu tranh của mình.
            1.- Về một quan điểm nghệ thuật trong "Tiêu Dao Mộng".
         Trong thời tiền chiến, tại Việt Nam đã có lần xảy ra một cuộc tranh luận giữa hai quan niệm văn học đó là "nghệ thuật vị nghệ thuật" và "nghệ thuật vị nhân sinh" trên báo Ðời Mới năm 1935, mà một bên đại diện là Hoài Thanh và một bên là Hải Triều (tức Nguyễn Khoa Văn 1908-1954). Trong khi Hoài Thanh đưa ra quan niệm làm nghệ thuật thuần túy vì nghệ thuật thì Hải Triều dựa trên quan điểm mác-xít, cụ thể là quan điểm của Bukharin (1888-1938) 5 khi cho rằng "nghệ thuật là sản phẩm của xã hội và là phương tiện để xã hội hóa tình cảm" 6. Trong hàng ngũ những người theo đuổi cho lý tưởng "nghệ thuật vị nghệ thuật", có hai người được kể như những kẻ có tiếng nói đầy trọng lượng đó là Phan Khôi và Thiếu Sơn. Dĩ nhiên sau cách mạng Tháng Tám 1945, nền văn học nghệ thuật bước theo con đường tả chân, rồi hiện thực, tiếp đến là hiện thực xã hội chủ nghĩa, lấy khung cảnh chính trị và xã hội và nhất là con người của xã hội đã trở thành khuôn mẫu, mực thước cho nền văn học nghệ thuật của chế độ vô sản, nghĩa là một nền văn nghệ hoàn toàn "vị nhân sinh" nếu không nói là vị chính trị, một hiện tượng mà Nguyễn Hữu Lê trong bài viết "Giữa văn học và chính trị" cho rằng "cơ chế chính trị thiết chế hóa mối quan hệ chủ tớ  (giữa chính trị với văn học. NÐC chú thêm) như cách làm mà chúng ta vẫn thấy ở trong nước lâu naỵ" dẫn đến "tình trạng chính trị chơi xấu, ăn gian đối với văn học". 7
            Với Tiêu Dao Mộng, tác giả Ðộc Hành lấy khung cảnh xã hội Miền Nam trước năm 1975 làm bối cảnh khởi đầu với việc nhân vật chính Phương qua cái ngông của tuổi trẻ đã quyết đi bộ từ Sài Gòn về Rạch Giá quê anh để "cố ý đi tìm bất trắc", "muốn đo tình quê hương, nghĩa đồng bào xem được bao nhiêu", "muốn tìm hiểu đời sống nghèo nàn của người dân quê mộc mạc, muốn thấy rõ đời sống phong sương nguy khốn của những người lính."  (trang 12). Chàng đã gặp những con người dân quê mộc mạc nhưng đầy tình người, đôn hậu như  bà Mịch, hay nhanh nhẩu giúp người như Trưởng ấp Tuân, hoặc những người lính VNCH dãi nắng dầm mưa, sống một cuộc sống đầy hy sinh như Trung sĩ Hóa, có ý chí như Trung úy Khang, thậm chí qua cuộc trường hành này, chàng còn gặp cả một  người đàn ông khá giả cho chàng cơm ăn, muốn biếu ít tiền nhưng Phương không nhận, hỏi Phương về cái tổ chức có tên là Phong Trào Nhân Dân Chống Tham Nhũng của linh mục Trần Hữu Thanh: "Vụ cha Thanh tới đâu rồỉ" (trang 21).
            Nhân vật Phương được xây dựng trong tinh thần một người thanh niên yêu nước, không chấp nhận chế độ Cộng Sản, một "chế độ độc tài, bần cùng hóa nhân dân, suy nhược hóa quốc gia của bọn Cộng Sản phản dân, hại nước sẽ bị sụp đổ bởi sức đối kháng nội địa, hải ngoại và bánh xe tiến hóa của xã hội loài ngườị" (trang 23). Chàng đã trải qua những ngày đau khổ trong trại tù Cộng Sản (mà không cho biết lý do và trường hợp bị bắt) với cảnh ghẻ lở toàn thân, những tháng ngày lao động khổ sai vất vả, triền miên đói khổ, bị đánh đạp, lăng nhục đủ điều, một vài lần đã thất vọng đến độ tìm cách tự tử nhưng không chết. Sau cùng chàng đành phải  chấp nhận triết lý của Trang Tử là coi việc sống hay chết trong tù là chuyện tự nhiên, điều bình thường. Không phá hoại thân thể để tìm kiếm lối giải thoát cũng không quá bảo trọng để chồng chất suy tư. Nhưng rồi Phương được tha và khi vượt biên sang định cư tại Hoa Kỳ, chàng tiếp tục con đường đấu tranh của mình trong việc hợp tác với một vài người bạn có tâm huyết như ông Tuấn đã quen ở trại tị nạn, Triệu, Hoán v.v...
            Ý thức chính trị của nhân vật Phương và một số chí hữu được trình bày cách rõ ràng thậm chí rất đầy đủ rải rác trong cuốn truyện nhưng đoạn văn mang tên "Ðường Cách Mạng" có thể xem như là một bài chính luận được đưa vào trong truyện mà vì sự không khéo tay của mình, tác giả đã làm mất đi phần nào phong thái văn chương của một tác phẩm nghệ thuật (trang 75-80). Và đoạn văn "Vấn đề của chúng ta" (trang 91) cũng mang một khiếm khuyết tương tợ. Ðây có phải là một sự quá dễ dãi đối với ngòi bút của chính mình hay không? Bù vào các chỗ không mấy toàn bích đó, tác giả Ðộc Hành đã đưa vào truyện sự tích công tử Trùng Nhĩ của nước Tấn lưu vong ở đất Tề, mảng vui với cảnh gia thất đầm ấm mà bỏ quên sự nghiệp phục quốc, khiến cho Tề Khương nữ đã phải  dùng chút mẹo vặt để đưa Trùng Nhĩ trở lại với đại cuộc nước Tấn. Ðối chiếu với thực trạng của người dân tị nạn Việt Nam trên khắp thế giới, nhất là ở Hoa Kỳ, có biết bao nhiêu người nằm trong trường hợp an nhàn, bất động của công tử Trùng Nhĩ ?
            Qua sự trao đổi giữa Phương và Nhã Lan về tình hình, thực trạng của đất nước (trang 81), quan điểm về một thể chế chính trị mang màu sắc của tự do, dân chủ cũng chính là ước mơ thiêng liêng của người dân Việt Nam. "Chính quyền thực sự của người dân Việt Nam phải là chính quyền tận tụy phục vụ cho đất nước vốn đã bị trộm, cướp triền miên bởi những tên lãnh tụ tham nhũng, thối nát từ thời Cộng Hòa đến giai đoạn Cộng Sản" (trang 281). Ý thức hệ quốc gia đã trở thành tư tưởng nhất quán của tác phẩm "Tiêu Dao Mộng", là chủ điểm chính trị minh định lập trường tranh đấu trong sáng của tác giả.
            Ngày trước, họa sĩ Tạ Tỵ đã từng khẳng định rằng: " Văn chương, thi ca để bày tỏ lập trường trước cuộc sống" 8 và những câu nói của người xưa như "văn dĩ tải đạo" hay "thi ngôn chí" có thể coi là những tư tưởng vạch đường chỉ lối cho con đường văn học nghệ thuật ngày naỵ Ðạo là lý tưởng đấu tranh, chí là mục tiêu đạt tới, văn chương và thi ca chỉ là phương tiện để diễn đạt. Tiêu Dao Mộng của tác giả Ðộc Hành đang tiếp nối con đường của người xưạ
            2.- Về kỹ thuật xây dựng các nhân vật trong Tiêu Dao Mộng.
         Trong tác phẩm Viết Và Ðọc, nhà văn Trần Hữu Thục đã viết: "Việc xây dựng một nhân vật chính cho một tác phẩm cũng như việc muốn có, muốn tìm và muốn đồng hóa mình với một nhân vật chính rõ ràng là xuất phát từ  một xu hướng tâm lý tự nhiên: chủ thể tính. Chẳng phải đợi đến khi con người bước sang giai đọa tự thức, xu hướng đó mới xuất hiện. Nhân vật chính vốn đã hiện hữu trong các câu chuyện thần thoại, chuyện dân gian. Nhiều chuyện chỉ có một nhân vật. Trong hầu hết các chuyện, những nhân vật phụ được thêm vào chỉ có một mục đích là làm nổi bật, làm rõ nét cá tính hay hành vi của nhân vật chính (thường chứa đựng một ý nghĩa đạo đức nào đó." 9 Trong tác phẩm Tiêu Dao Mộng, độc giả sẽ gặp nhân vật chính của câu truyện là Phương được xây dựng như là một mẫu người trẻ có tri thức đối với đất nước, có hoài bảo về tương lai dân tộc nhưng lại lớn lên vào thời buổi mạt vận của Miền Nam Việt Nam, một kiểu "sinh bất phùng thời”, bất mãn vì chế độ chính trị bạo tàn của người Cộng sản. Một con người trung chính, ôm ấp những dự án tương lai cho cuộc đời của mình nhưng biết không thể phát triển được các năng lực cá nhân dưới một chính thể nhiều nhà tù hơn trường học nên Phương phải tìm cách vượt biên. Trong các tầng lớp người trẻ của Miền Nam Việt Nam, người ta có thể gặp thấy rất nhiều những mẫu người như vậy.  Ðây là một nhân vật có quyết tâm, kiên trì theo đuổi lý tưởng của mình, lý tưởng muốn xoay vần thế cuộc, đổi thay vận mệnh của đất nước. Chính vì sự kiên trì đó mà tác giả để cho nhân vật Phương chấp nhận cuộc sống khổ ải trong nhà tù Cộng Sản, sống để tìm cách hoàn thành ước vọng của mình và khi có điều kiện tương đối ổn định trong nếp sinh hoạt hằng ngày, chàng bắt tay vào việc xây dựng con đường đấu tranh theo cùng với nhu cầu của đất nước.



            Ðối với chuyện tình yêu, dưới ngòi bút nồng nàn của tác giả Ðộc Hành, Phương và Nhã Lan đã sống trọn vẹn những tháng ngày yêu đương trong trại tị nạn nhưng không vượt qua được rào cản của một tập tục cũ đó là sự hứa hôn của người cha đã có từ trước. Trong truyện, tác giả cũng không nhắc nhiều đến việc người con rễ tương lai của ông Tấn, cha của Lan đang ở Bỉ vốn là cái cớ để ông từ chối quyết liệt cuộc hôn nhân giữa Phương và Lan, phải chăng đây là một khiếm khuyết nhỏ của tác phẩm? Cả hai người đều có học, hấp thụ kiến thức đầy đủ ở nhà trường, biết cả ngoại ngữ, nhưng đã buông trôi trước số phận nghiệt ngã đó là sự cứng rắn của ông Tấn, cha của Lan. Lan vì chữ hiếu mà không dám nhận lời sống với Phương, nhưng với Phương tại sao chàng lại không dám làm mọi chuyện để được sống với người mình yêụ Tác giả đã để cho Phương sống xa cách Lan hai năm mà không tìm cách đến với nàng ? Tại sao phải như vậy, xa cách như vậy mặc dù từ Hoa Kỳ đi sang một nước tự do ở Âu châu vấn đề không có gì khó khăn lắm! Những thay đổi trong trạng thái tình cảm, tâm lý của Nhã Lan đối với Phương chứng tỏ sóng gió vẫn chưa yên trong lòng nàng khi hai người có dịp gặp lại nhau sau thời gian xa cách. Tuy nhiên đó chỉ là những đợt sóng khi một cơn gió mạnh thổi qua mặt hồ. Gió hết thì gương hồ vẫn trở lại phẳng lặng như cũ. Người ta suy tính giải quyết vấn đề tình cảm theo thực tế, nhất là khi cuộc sống ở trại tị nạn chỉ là thoáng chốc thì tình yêu dù có thề non hẹn biển đến mấy cũng chỉ là "một thoáng mong manh". Trong lãnh vực trao đổi quan điểm chính trị, tác giả đã để cho Nhã Lan đóng vai nhân vật phụ với những chia xẽ ý kiến, chấp nhận các kiến giải của người yêu nhưng trong phạm trù tình yêu Nhã Lan là người cầm chìa khóa, là "chủ thể" quyết định mọi sự tiến thoái, như chữ dùng của Trần Hữu Thục. 10
            Một số các nhân vật phụ được tác giả xây dựng trong mỗi cảnh của toàn tác phẩm cũng đều có dụng ý làm nổi bật vai trò của nhân vật chính, thí dụ Diana xuất hiện như người "đang đóng vai chị cả" (trang 25) mặc dù "những sợi tóc vô trật tự, rối xòa của Diana rớt trên mặt, trên đầu Phương làm chàng ngây ngất". Thèm muốn nhưng vẫn tự kiềm chế được cái bản năng dục tính của người đàn ông, đó là một trong nhiều sắc thái của Phương. Nhân vật Diana cũng tái xuất hiện trong phần cuối của câu chuyện: "Chàng rất thích Diana vì nàng không câu nệ như đại đa số phụ nữ. Nàng có thể ngủ chung giường với chàng dù hai người chỉ là bạn. Diana rất kính trọng Phương và gần như là tin tưởng chàng tuyệt đốị Chàng sung sướng vô cùng vì đã được Diana đặt một chỗ đứng đặc biệt trong tâm trí nàng." (trang 279). Một vài nét chấm phá về nhân vật Tần, cá tính của y được tác giả Ðộc Hành phác họa cũng để làm nổi bật nhân cách của Phương: "Mỗi khi nhận được quà bánh, thuốc lá, Phương đều chia đôi với Tần. Tuy vậy Tần vẫn hay xin xỏ mấy người Cảnh sát trực gác. Phương không hài lòng nói: "- Tần, người ta cho thì lấy chứ đừng xin, coi không được. Ðừng làm mất mặt người Việt Nam." (trang 233).
            3.- Những kỹ năng trong vấn đề dàn dựng các hồi cảnh trong toàn truyện.
         Ðiểm ghi nhận trước hết về năng lực của ngòi bút tác giả Ðộc Hành đó là sự phong phú trong việc xây dựng các hồi cảnh (scène) cho toàn câu chuyện mà không chịu trói buộc theo qui luật của thời gian. Trong nghiên cứu sử học, người ta hay áp dụng lối biên niên sử, nghĩa là theo thứ tự thời gian xảy ra các biến cố có liên hệ đến sự hình thành của một quốc gia để ghi lại các sự kiện nhưng trong lãnh vực văn chương, tính sáng tạo và quyền năng của hư cấu cho phép nhà văn vượt ra ngoài một vài thúc ước của thời gian, với điều kiện biết sử dụng đúng kỹ thuật trong việc dàn dựng hồi cảnh.
            Với Tiêu Dao Mộng, tác giả Ðộc Hành đã nỗ lực xây dựng rất nhiều hồi cảnh 11 dài ngắn khác nhau được chuyển mục bằng lối viết thông thường, thí dụ: "Phương chăm chú xem, đầu óc nặng trĩu Phim "Deer Hunter" vừa dứt, cuộn phim đời tư của chàng trong bối cảnh Việt Nam nghèo đói, khổ đau từ từ chiếu lạị" (trang 29). Và tiếp đó là đoạn văn kể về những năm tháng Phương ở trong trại cải tạo của Cộng Sản. Có khi các hồi cảnh được phân biệt bằng khoảng trống của một trang giấy nhưng thường thì đều có những câu chuyển mục để giúp độc giả dễ dàng theo dõi câu chuyện.
            Có hồi cảnh được diễn đạt bằng những bức thư tình chan chứa yêu thương với những lời gửi gắm cuối mỗi lá thư nồng nàn của Nhã Lan gửi cho Phương khi nàng còn ở lại trại tị nạn cho đến khi qua Thụy Sĩ, thời gian hai người sống xa nhaụ Người ta có thể hơi chán khi đọc toàn thư và thư nhưng quả thật trong xa cách chỉ có thư viết mới diễn tả được hết tấm lòng của nhau, có lẽ không như phương tiện của computer bây giờ. Nhạt nhẽo và tuềnh toàng thế nào ấy!
            Có hồi cảnh đem lại không ít thích thú, hấp dẫn đối với người đọc như đoạn tác giả kể chuyện Phương cướp thuyền quốc doanh để vượt biên. Những hiểu biết chút đỉnh trong kỹ thuật hải trình như quan sát các loại mây, định luật gió hai tầng giao chuyển động và những lăn lóc, va chạm trong cuộc đời thường đã làm cho nhân vật Phương có kinh nghiệm để trở nên vững vàng hơn trong quyết tâm tìm cuộc sống mới ở xứ ngườị
            Có hồi cảnh diễn tả những phức tạp trong vấn đề tình yêu, tình dục như quan hệ giữa Phương và Tuyết, Phương với Ánh hay với Cầm, sự phóng túng tình cảm mang ít nhiều tính toán hay cân nhắc hơn thiệt như giữa nhân vật Phương với một vài cô gái quen biết trước khi chàng vượt biên.
            Có những hồi cảnh chứng minh được kinh nghiệm đi và sống của tác giả để khám phá những hiện thực trong nỗ lực đi thu góp, tích lũy tri thức, kiến văn mà trong nghiên cứu sử học người ta thường gọi là đi quan sát thực địa hay đi điền dã, một điều kiện tối thiết đối với các nhà nghiên cứu sử học hay các nhà văn. Những kiến thức về lịch sử, địa lý, những hình ảnh chứng kiến với các miền đất đã đi qua đã cho phép tác giả Ðộc Hành sử dụng như những bối cảnh cần thiết lồng trong các hồi cảnh, thí dụ thủ đô Paris, vùng đất Lausane, các đường phố, ngõ ngách, nhà cửa, con người ở Thụy Sĩ đã trở nên sống động, linh hoạt và chi tiết dưới ngòi bút của ông.
            Có hồi cảnh đưa độc giả tiếp cận với những thủ thuật chính trị phần nào bất lương, gian xảo ngày nay như câu chuyện về cái chết của Omar Torrijos, Tổng thống Panama năm 1981 hoặc trường hợp Jacobo Arbenz, Tổng thống dân cử của Guatemela đầu thập niên 1950, qua một số trao đổi giữa Phương và Quân hay Phil, Diana v.v...
            Dĩ nhiên tác giả Ðộc Hành vẫn là người trung thành tuân thủ các khuôn mẫu, qui tắc cũ trong lãnh vực cầm bút nghĩa là vẫn trân trọng với hình thức tiểu thuyết khởi nguồn từ Balzac, nhà văn Pháp thế kỷ XIX, theo đó, tiểu thuyết được xem như là nhân vật và cốt truyện, khác với cái gọi là khuynh hướng tiểu thuyết mới (nouveau roman) của một số nhà văn  "đợt sóng mới" của Pháp trong các thập niên 50 và 60 thế  kỷ trước như Alian Robbe-Grillet, Nathalie Sarraute, Michel Butor, Claude Simon... với chủ trương phóng túng, vượt thoát ra ngoài các mô thức, luật tắc cũ. Nathalie Sarraute từng nói rằng: "Tiểu thuyết, mà chỉ sự bám víu vào những kỹ thuật lỗi thời mới coi như một nghệ thuật bé bỏng." 12 Kinh nghiệm cho thấy những cái gì mới quá, được đón chào nồng nhiệt biết bao nhiêu nhưng rồi cũng sẽ bị  lảng quên nhanh bấy nhiêu.  Chỉ có những cái thông thường, trung dung mới có thể tồn tại lâu với thời gian.
            4.- Tiêu Dao Mộng, một văn phong mang ít  nhiều khí vị của tư tưởng Lão Trang và học thuật Trung Quốc thời cổ.
            Trên tạp chí Gió Mới xuất bản ở Sài Gòn khoảng năm 1960 có đăng một truyện ngắn của nhà văn Kawabata, Nhật Bản có tên "Danh sư" trong đó kể chuyện một người ở Hàm Ðan bên Trung Hoa đi học bắn cung, đã đạt đến trình độ tuyệt xảo qua nhiều kỹ thuật của nghề bắn cung đến độ cuối cùng ông ta chỉ cần đưa tay trái lên làm cung và tay phải tưởng tượng kéo mũi tên và tầm mắt hướng về con chim là chim kia phải rơi xuống đất. Mấy chục năm sau ông xuống núi và vào trong một quán trọ. Thấy trên vách quán treo một cây cung, ông lấy làm lạ hỏi chủ quán xem cây này là cây gì. Người chủ quán tần ngần nhìn ông hồi lâu rồi thốt lên: "Chao ôi, tiên sinh mà cũng không biết cây này là cây cung hay sao?" Câu chuyện kết luận: "Tuyệt đỉnh của hành động là bất động, tuyệt đỉnh của đối thoại là im lặng, tuyệt đỉnh của nghệ thuật bắn cung là không có cung". Lời kết của câu chuyện đầy ý nghĩa đó còn đọng lại trong ký ức của tôi cho đến bây giờ, nghĩa là hơn bốn thập kỷ quạ
            Trong Tiêu Dao Mộng, bàng bạc ít nhiều mảng tư tưởng của Lão Trang, nhất là của Trang Tử làm thành một trong những sắc thái đặc biệt của cuốn tiểu thuyết luận đề nàỵ Chẳng hạn như đã trích dẫn ở trên, tác giả Ðộc Hành đưa vào từ đầu quan điểm của Trang Tử: "Liệt Tử, thừa thiên địa chi chánh, nhi ngự lục khí chi biến, dĩ du vô cùng giả." Liệt Tử cỡi lên sáu khí của trời đất mà ngao du vô cùng." (trang 5). Liệt Tử mà tác giả Ðộc Hành nhắc đến ở đây là một bậc chí nhân tức là kẻ đã vượt qua hữu hạn  mà hòa đồng với vô cùng, tức là, theo giáo sư Phùng Hữu Lan (Fung Yu-Lan) người "vô đãi" nghĩa là kẻ tự quên mình quên người, chẳng biết gì đến mọi sự phân biệt, chẳng màng đến công danh, để mặc sức mà tiêu dao không bị ràng buộc trong một cõi hữu phương nàọ 13 Ðộc Hành đã nhìn cuộc đời thực như là giấc mộng, cơn đại mộng mà nhân vật Phương của ông sắp trải qua nhưng ông vẫn truyền chuyển tất cả cái nhẹ nhàng, lạc quan, tiêu sái vào trong nếp tư duy của chàng thanh niên nàỵ
            Khi đối diện với cái chết, con người nhiều khi thật sự kinh hoàng, nhưng triết lý Lão Trang đã đem lại cho con người một sự bình thản, chấp nhận nó như một định luật của tự nhiên. Trang Tử nói: "Khi ta nhận được cái hình hài của ta rồi thì ta giữ nó cho tới chết. Nó với những vật khác đâm nhau, mài cọ vào nhau và cùng bôn tẩu như những con ngựa, mà không có gì làm cho ngừng được. Buồn thay! Suốt đời khó nhọc mà không thành công gì cả. Tân khổ, mệt mỏi mà không biết để đi tới đâụ Ðáng thương thay! Như vậy mà bảo là sống, thử hỏi có ích gì không? Hình hài mà biến hóa thì tinh thần cũng biến hóạ Ðó chẳng phải là điều thương tâm ư?" (trang 39) Quan điểm của Trang Tử dừng lại ở chỗ coi cuộc sống với cái chết chỉ là chuyện bình thường, nhưng ở một trường hợp khác của tôn giáo như Ki-Tô giáo chẳng hạn, với cái chết của linh mục Maximilian Kolbe (1894-1941), người Ba-Lan 14 trong trại tù Auschwitz của Ðức Quốc Xã khi ngài tình nguyện chết thay cho một tù nhân khác, thì chính ngài quả thật đã nâng cái chết lên một bình diện cao hơn đó là một hy sinh hay một hy tế!
            Trong một đoạn văn kế tiếp, tác giả Ðộc Hành đã viết thêm: "Triết gia họ Trang vui sướng khi được làm người và nhận định rằng hình thể con người chỉ là một hình thức của hàng vạn sự biến hóa của vũ trụ. Sự biến hóa ấy giống như lửa cháy từ thanh củi này qua thanh củi khác. Củi biến mất, nhưng lửa tồn tạị Sống, chết nối tiếp nhau vô cùng tận. Cho nên người đạt đạo không ham sống, không sợ chết. Sinh ra không vui mừng, chết đi không sợ hãi, không cự tuyệt. Thản nhiên đến, thản nhiên đi, lòng bình lặng, điềm đạm, không để vạn vật làm náo động." (trang 39). Trang Tử đã tự mâu thuẫn với chính mình chăng nếu ta thử đọc lại câu văn do tác giả Ðộc Hành đã diễn tả lại ở trên. Trong một bài viết gần đây, Nguyễn Ước khai triển thêm quan điểm của Trang Chu khi cho rằng "Vạn vật sinh tử như nhau không khác nhịp tuần hoàn của thiên nhiên nên chúng cũng khác nhau về giá trị của phẩm tính và lượng tính. Vì tính chất biến hóa và tương đối đó, Trang Chu ôm lòng hoài nghi cực độ, đi đến tính tuyệt đối trong chủ trương của mình: tuyệt đối tự do bình đẳng, tuyệt đối tôn trọng cá nhân và tuyệt đối vô vị Trong trạng thái tuyệt đối đó, con người không kỳ vọng, không chờ đợi, chỉ sống tiêu dao theo ngày tháng" 15 Tuy nhiên cái cùng đích của "vô vi", như Nguyễn Ước vừa dẫn, lại là sự tái hiện của "hữu vi" nếu ta đọc thêm một đoạn văn trích dẫn khác của Vương Tuệ Mẫn trong tác phẩm 100 Danh nhân có ảnh hưởng đến lịch sử Trung Quốc, bài viết Trang Chu, nhà triết lý đánh đồng muôn vật diễn tả như sau: "Muôn vật có sống ắt có chết, có tồn tại ắt có diệt vong, nó không ngừng tách khỏi tinh thần chủ yếu biến đổi thành tinh thần khác mà cuối cùng lậi phải quay về tinh thần chủ yếu cũ trước kia, như Phật đà đã nói: "Ta cứ đi mãi đi mãi, vẫn quay về chỗ cũ." Trang tử gọi "Ðạo" là "thiên". Ðạo có ở khắp nơi, bất cứ thời điểm nào, chính là vòng tuần hoàn sinh mệnh tái sinh từ sinh đến tử, từ hữu hạn đi vào vô hạn rồi lại hóa thành hữu hạn, chính là "tự nhiên đại hóa" đời đời bất diệt, chuyển đổi không ngừng." 16
            Ngoài ra sự tế nhị của ngòi bút tác giả Ðộc Hành thể hiện trong việc mượn chuyện xưa để nói chuyện nay qua câu chuyện Công tử Trùng Nhĩ nước Tấn khi phải lưu vong qua đất Tề, ham sống trên nhung lụa mà suýt quên đại cuộc. Dụng ý của tác giả là muốn nói về một số người có chức cao quyền trọng trước đây ở Miền Nam, nhưng nay chấp nhận số phận của kẻ chiến bại, nằm im không còn muốn hoạt động gì nữạ Thật ra nếu những kẻ đó nằm im thì cũng là điều may cho những ai còn đang cố gắng hoạt động, ít ra họ cũng không chống phá, phê bình làm chia rẽ cộng đồng. Trùng Nhĩ được cái may là có một số thuộc hạ còn có tâm huyết và ý chí phục quốc như Triệu Xuy, Ngụy Song, Hồ Uyển lại thêm có bà vợ nước Tề là Tề Khương nữ đồng lòng nuôi chí lớn nên đã lập mưu kéo Trùng Nhĩ ra khỏi cảnh sống xa hoạ Những người thủ hạ của Trùng Nhĩ cũng ví như những nhân viên cấp thấp trong chế độ VNCH lưu lạc ra hải ngoại nhưng vẫn nuôi chí đấu tranh giải thể chế độ CS trong khi đó những người lãnh đạo cao cấp khác đành im hơi lặng tiếng, thậm chí có kẻ làm đến Phó TT, Thủ Tướng như NCK còn quay trở lại hợp tác với giặc để tên tuổi lưu xú với thiên thụ
            Câu chuyện trao đổi giữa Cô Thước tử với Trường Ngô tử cũng đem lại cho người đọc một số suy nghĩ về thái độ xuất xử của kẻ sĩ khi Cô Thước tử hỏi Trường Ngô tử rằng: "Tôi nghe Khổng Tử bảo: "Thánh nhân không dự vào việc đời, không mưu đồ cái lợi, tránh né cái hại, được người ta vời cũng không mừng, không theo thói đờị Thánh nhân không nói tức là nói đấy, mà nói tức là không nói đấỵ Nhờ vậy mà siêu thoát ra ngoài cõi trần tục. Thầy chúng ta cho đó là những lời vu khoát, mơ hồ. Nhưng tôi cho là những lời phát hiện được cái đạo kỳ diệụ Còn anh, anh nghĩ saỏ" Trường Ngô tử đáp: "Ngay Hoàng Ðế, bậc đại trí, cũng hoang mang về điều đó, thì làm sao mà Khổng Tử biết được? Tính anh vội vàng quá! Mới thấy cái trứng anh đã muốn nghe gà gáy sáng rồi, mới thấy viên đạn đã muốn có thịt chim quay rồị Ðể tôi giảng bậy nghe chơi, mà anh cũng nghe bậy chơi nhé. Có phải Thánh nhân theo mặt trời, mặt trăng, ôm vũ trụ, hợp nhất với vạn vật, bỏ hết cả mọi sự hỗn độn, u ám, coi các sự tôn ti, quí tiện là một không? Người phàm lao khổ vì sự thị phi, tranh luận, còn Thánh nhân thì có vẻ như ngu muội, vô tri, đạt được cái thuần khiết của cái "Nhất", nó bao quát mọi biến hóa của mọi thời và mọi vật. Làm sao tôi biết được ham sống không phải là một thái độ lầm lẫn? Làm sao tôi biết được kẻ sợ chết không giống như một em nhỏ lạc lối, quên mất đường về nhà? Nàng Lệ Cơ là con gái viên quan giữ biên giới ở đất Ngảị Khi vua Hiến Công nước Tấn đón nàng về cung, nàng khóc tới ướt đẫm vạt áọ Nhưng về tới hoàng cung, cùng vua đồng sàng, nếm cao lương mỹ vị, nàng hối hận giọt lệ ngày xưạ Vậy làm sao tôi biết được khi chết rồi, người ta lại không ân hận rằng trước kia ham sống? Có người nằm mộng thấy được uống rượu, ăn tiệc tỉnh dậy tiếc mà khóc. Lại có người nằm mộng thấy mình khóc rồi thức dậy vui như đi săn. Mà hai hạng người đó trong khi nằm mộng không biết rằng mình nằm mộng. Ðôi khi nằm mộng thấy rằng mình nằm mộng, tới khi tỉnh mới biết rằng mình nằm mộng. Và chỉ khi nào đại giác mới biết rằng đã qua một đại mộng. Bọn kém trí tự cho mình là tỉnh khi coi vua là quí, còn kẻ chăn trâu là hèn. Thật là cố chấp! Khổng Tử với anh đều là nằm mộng hết. Mà tôi bảo là anh nằm mộng, thì chính tôi cũng nằm mộng nữạ Những lời đó người thường cho là quái dị, nhưng một vạn năm về sau sẽ có một đại Thánh nhân hiểu được. Thời gian đó không dài gì, chỉ như từ sáng tới chiều thôị" (trang 270-271).
            Lời đáp của Trường Ngô tử có nhiều ý nghĩa cần phản biện. Hoàng Ðế (thế kỷ XXIV tr.C.N.) được coi là thủy tổ nhân văn của dân tộc Trung Hoa, cũng được coi là Thần chiến tranh vì một mình ông đã giết được Xi Vưu (cũng là thần chiến tranh, người chế tạo binh khí trong truyền thuyết) ở đồng hoang Trác Lộc, thu phục dân tộc Cửu Lê, đánh nhau với Viêm Ðế ở Bản Tuyền, thống nhất Hoa Hạ. Hoàng Ðế là người sử dụng chiến tranh để thống nhất các bộ lạc, mà theo Vương Tuệ Mẫn "Nho gia đề cao việc học tập theo Nghiêu Thuấn, mà Nghiêu Thuấn là những vị vua nhường ngôi nhân đức, lúc đó thiên hạ thái bình, không cần dùng đến chiến tranh. Nho gia phản đối chiến tranh, vì vậy lịch sử bắt đầu từ Nghiêu Thuấn." 17. Như vậy làm sao giữa Hoàng Ðế và Khổng Tử có sự tương đồng trong nhận thức mà Trường Ngô tử dám bảo Hoàng Ðế "hoang mang" và Khổng Tử thì "không biết"? Thái độ Khổng Tử là thái độ trung dung, bình tĩnh theo đúng nhận định của Cô Thước tử. Trường Ngô tử biện luận đúng về sự vô tri (hay làm như vô tri) của bậc Thánh nhân. Lão Tử đã từng nói: "Thánh nhân giấu thân ở sau nên thân ở trước, đem thân ra ngoài nên thân được còn. Phải chăng vì không riêng tây, mà thánh nhân làm được điều riêng tâỷ". 18 Và nơi khác: "Không tự phô nên được thấy, không tự thị nên được biết, không tự giành nên được công; không tự khoe nên được lâụ Thánh nhân không tranh cho nên thiên hạ không ai cùng tranh." 19 Ðối chiếu với những ý kiến của Khổng Tử nói trên qua cửa miệng của Cô Thước tử, ta thấy hai luồng tư tưởng có nhiều ít tương đồng.
            Phần nói về giấc mộng của Trường Ngô tử trong trường hợp có người nằm mộng được ăn tiệc rồi tỉnh dậy tiếc mà khóc, cũng như có người nằm mộng thấy mình khóc, tỉnh dậy vui như đi săn, cho phép ta trở lại với triết gia Henri Bergson. Bergson cho rằng "cái cảm giác xúc quan nội thân, phát xuất từ mọi nơi trong cơ thể, nhất là từ các phủ tạng, lại còn quan hệ hơn. Lúc người ta ngủ, cái cảm giác nội-thân ấy trở nên tinh vi và sắc bén đặc biệt." 20 Có thể chúng ta chỉ giải thích một cách đơn thuần rằng người tỉnh dậy tiếc mà khóc vì không được tiếp tục ăn uống ngon (do vậy mà tiếc), còn người nằm mơ khóc, tỉnh dậy lại vui như đi săn thì có lẽ là trong giấc mơ anh ta chứng kiến hay sống qua một biến cố hãi hùng nào đó nên một khi tỉnh ra thì vui (như đi săn ?), khác với cách giải thích mang tính khoa học của Bergson.
            Nói tóm lại, Tiêu Dao Mộng của tác giả Ðộc Hành đã chuyên chở những trăn trở, thao thức của một kiếp người trong lãnh vực tình yêu, sự nghiệp, lý tưởng và tương lai đất nước. Những cái đó cũng đều là những tấm huy chương mang hai khuôn mặt, trái và phải, mộng và thực, giảvà chân. Vấn đề quan trọng là làm thế nào tìm ra được mặt phải, đời thực và chân lý vốn là những thách đố đối với chúng ta trước cuộc đời.

        Nguyễn Đức Cung                                   
        New Jersey, 17-8-2007

CHÚ THÍCH:
            1.- Vương Tuệ Mẫn (chủ biên), 100 Danh nhân có ảnh hưởng đến lịch sử Trung Quốc, bài viết Trang Chu (369?-286 tr. C.N.), Nhà triết lý đánh đồng muôn vật của Giang-Mi, dịch giả TS Nguyễn Văn Dương, Nxb.Văn Hóa-Thông Tin, 2002, trang 205; Nhữ Thành, Sử Ký Tư Mã Thiên, Nxb. Văn Học Hà Nội, 1988, tr. 333; Hạo-nhiên NGHIÊM TOẢN, Lão Tử Ðạo Ðức Kinh, Quốc-văn Giải-thích, Bộ Quốc Gia Giáo Dục xb., 1959; Nguyễn Ước, Lão Tử, Talawas, 7.8.2007.
            2.- Phùng Hữu-Lan (Fung Yu-Lan), Ðại cương Triết học sử Trung Quốc, TS Nguyễn Văn Dương dịch, Nxb. Thanh Niên, Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, 1998, tr. 231.
            3.- Henri Bergson, Mộng, Năng lực tinh thần Mục IV, Linh mục Cao Văn Luận dịch, Tạp chí Ðại Học, Năm Thứ IV, số 3, tháng 7-1961, trang 65.
            4.- Henri Bergson, Bài đã dẫn, tr. 57.
            5.- Bukharin, Nikolai, Ivanovich (1888-1938), nhà cách mạng và lý thuyết gia của bôn-sê-vích.
            6.- David Marr, Vietnamese Tradition on Trial 1920-1945, University of California Press, 1981, tr. 361.
            7.- Nguyễn Hữu Lê, Giữa văn học và chính trị, Tạp chí Việt số 5, Trang điện tử Tiền Vệ.
            8.- Trần Hữu Thục, Viết và Ðọc, Nxb.Văn Học, 1999, tr. 14.
            9.- Trần Hữu Thục, Sđd, tr. 69.
            10.- Trần Hữu Thục, Sđd, tr. 69.
            11.-  "Hồi là một giai đoạn lớn trong lịch trình tiến triển của động tác, mỗi Hồi là một thời gian, Màn hay cảnh là một khung không gian trong đó động tác được trình bày," Lê Hữu Khải, Yếu tố cấu tạo tác phẩm kịch, Tạp chí Ðại Học, Năm Thứ  IV,  Số 2, Tháng 4 năm 1961, trang 60.
            12.- Alain Robbe Grillet, Con đường đưa đến tiểu thuyết tương lai, (Trích trong La Nouvelle Revue francaise tháng 7-1956) Mậu-Tâm dịch, Tạp chí Ðại-Học, Năm thứ IV, số 2, tháng 4-1961, tr. 27.
            13.- Phùng Hữu-Lan, Sđd, tr. 232.
            14.- Rev. Antonio Ricciardi, ỌF.M. Conv., St. Maximilian Kolbe, Apostle of our difficult age, St. Paul Editions, 1982. Linh mục Maximilian Kolbe, thuộc dòng Phanxicô, bị bắt vào trại tập trung của Ðức Quốc Xã năm 1941. Theo lệ của trại tập trung Auschwitz, hễ một tù nhân trốn thoát không bắt lại được thì bọn Quốc xã đem 10 tù nhân khác ra đền mạng. Ngày nọ, trong buồng giam của linh mục Kolbe có một tù nhân vượt ngục. Mười người tù bị bắt ra để đưa vào phòng ngạt nhưng cha Kolbe đã xin chết thay cho anh Gajowniczek vì anh này còn có gia đình vợ con. Cha bị giết vào ngày 14-8-1941. Cha Kolbe đã được Giáo Hội Rôma phong lên hàng hiển thánh và lễ kính là ngày 14-8 hằng năm.
            15.- Nguyễn Ước, Lão Tử, Talawas, ngày 7.8.2007.
            16.- Vương Tuệ Mẫn, Sđd, tr. 207.
            17.- Vương Tuệ Mẫn, Sđd, tr. 20.
            18.- Phùng Hữu-Lan, Sđd, tr. 111.
            19.- Phùng Hữu-Lan, Sđd, tr. 111.
            20.- Henri Bergson, Bđd, tr. 53.
           




Không có nhận xét nào: