Thứ Hai, 23 tháng 1, 2017

Đất Trích - Trần Ngọc Nguyên Vũ

   Đất Trích
                       Trần Ngọc Nguyên Vũ
 
               *****
 Nơi đất trích trăm dòng sông Dịch
 Kinh Kha nhìn quanh cả vạn muôn
Há chỉ mình ta xuôi biên tái
"Nhất khứ bất phục phản" là thường.
             Phạm Ngọc Lư
                   *****
PleiKu! Vùng đất của "bùa thiêng ngải lú", ẩn dấu những "quyền lực ma quái" của các "thầy mo, già làng" nắm trong tay những bí mật của núi rừng, và những phép thuật "thư phù trấn yểm" chết người. Địa danh này cũng là vùng đất nghiệt ngã của thiên nhiên dành cho con người với những cơn gió núi mưa rừng rả rích trói buộc bước chân người khách lữ. Những người lính đồn trú ở đây gọi nó là "vùng đất đầy ải", hay một cái tên nghe có vẻ giang hồ và lãng mạn hơn là "Đất Trích". Tuy "Đất Trích" không có ghi trong "Sự Vụ lệnh Thuyên Chuyển", nhưng "giang hồ" gọi nó như một lời tôn vinh cho vùng đất nghiệt ngã này. PleiKu, cái thành phố mà "Lính" nhiều hơn "Dân", nằm nhô mình lên giữa một vùng núi đồi trùng điệp của vùng Tây Nguyên quanh năm ngút ngàn khói lửa. Ở đây vào mỗi buổi chiều, khi chiếc phi cơ của hãng hàng không VN vừa cất cánh để bay về SàiGòn, cùng tiếng gầm rú của chiếc C130 cuối cùng theo sau rời phi đạo, thì người ta có cảm tưởng như mình bị cô lập trong một thung lũng huyền bí mà ngoài kia là những rình rập của tử thần... PleiKu là nơi dừng chân của nhiều sắc lính từ khắp 4 vùng chiến thuật. Những người Lính mà tên tuổi đã danh trấn giang hồ như: Đào Trọng Vượng, Đào Văn Năng, Hoàng Phổ, Ngô Văn Mai, Nguyễn văn Song, Trần Cao Chánh, Vương Mộng Long, Phùng Nhi Cầu, Hậu, Phong, Bình, Thủy, Quán, Thại, Ý , Đỗ  Mạnh Trường, Trần Tiễn San của Biệt Động Quân, và Lê Minh Ngọc, Nguyễn Đình Bảo, Sông Lô, Bùi Đức Lạc, Mễ, Đoàn Phương Hải, Tô Đạm Liệu, Hiệp, Thanh của Nhẩy Dù. Nguyễn Ngọc Lâm của truyền Tin. Thiên của an ninh KQ. Nguyễn Văn Bá, Nguyễn Hồng Tuyền, Nguyễn Ngọc Khoa, Lê Bá Định, Lê Như Hoàn, Trần Mạnh Khôi, Ng. Phú Chính, Tạ Thượng Tứ, Ngô Đức Cửu của Không Quân...và còn rất nhiều những người khác nữa. Họ là những người đã được tôi luyện trong những "lò cừ" của quân đội, và được bọc kín trong cái vỏ "quân phong quân kỷ" bằng thép. Nhưng đôi khi họ cũng tự thoát ra khỏi cái vỏ cứng ngắc đó để sống tuyềnh toàng theo "giang hồ". Cũng bởi giang hồ không có vua, nên những ông "vua không ngai" này chỉ cúi đầu khuất phục trước cái "phong độ" và "luồng hào khí ngút trời" của tráng sĩ.

Riêng "Thần Phong Nguyễn Ngọc Khoa", "McArthur Nguyễn Văn Bá" con hùm xám của Không Đoàn 72 Biên Trấn, "Thần Điêu Đại Hiệp Lê Bá Định", và "Tiểu Mãnh Sư Trần Cao Chánh" cũng đã có lần muốn xoay vần đại cuộc cùng lịch sử, nhưng ý trời chưa thuận theo lòng người nên nửa đường đành đứt đoạn...  Sau này trên bước đường phiêu bạt, từ những cánh rừng cách biệt, vào những đêm trăng mờ huyền hoặc, người ta lại nghe được tiếng gầm bi thiết của những con mãnh hổ lạc bầy, cô đơn bốc lên như muốn chọc thủng cả bầu trời tinh đẩu...  

Đối với Lính, thì dù là đất trích hay đất lành, họ cũng chỉ là những người đến rồi đi như bóng mây. Nhưng với người dân sống ở đây thì PleiKu quả là có một ma lực vô hình đang giữ chân họ lại, chẳng khác nào như những dòng sông huyền hoặc quấn chặt lấy núi rừng, cuộn mình nằm yên lặng làm chứng nhân cho những buổi lễ "phong thần"...  Ai đã một lần đến với PleiKu và thấy yêu thương vùng đất này, thì phải ở cho đủ bốn mùa sương gió mới "thấm" và "cảm thông" được tâm tình u uẩn của "người phố núi".

PleiKu gió núi mưa rừng đổ
Người đến rồi đi như bóng mây
Bỏ lại những chiều nơi phố thị
Thung lũng buồn thung lũng ngóng mây bay.

Tây Nguyên! ... Theo lời kể của một "hậu duệ" dòng họ Võ là Trung Tá Võ Quế, KĐT/KĐ/YC PleiKu thì ngày xưa nơi đây là vùng "đất phong" của nhà Nguyễn cho những người có công với triều đình. Những tỉnh như Võ Đắt, Võ Định gần PleiKu là đất phong của nhà vua cho họ Võ, và hiện nay vẫn còn ghi trên bản đồ nước Việt. Đối với dân Không Quân thì PleiKu chẳng phải là vùng đất xa lạ gì, họ có mặt ở đây từ cái thủa mà phi đạo của phi-trường Cù-Hanh còn được lót bằng những tấm vỷ sắt (PSP), nằm cạnh "cô hàng xóm" Holloway của đoàn Trực Thăng Không Kỵ Hoa Kỳ. Cái khắc nghiệt nhất của PleiKu đối với dân phi-hành là phi-trường này chỉ có độc nhất một phi đạo nằm theo hướng "Đông - Tây". Buổi sáng thì gió thổi từ hướng Đông, còn buổi chiều thì gió lại kéo về từ hướng Tây. Cho nên khi cất cánh hay về đáp, người lính KQ luôn luôn phải trực diện với tia mặt trời quái ác chiếu thẳng vào mắt họ. Một tay nghề còn non rất có thể sẽ lãnh một hậu qủa vô cùng thảm khốc...  Về mùa Hè, sau những phi-vụ vật lộn với tử thần nơi chiến địa, người phi-công mang con tầu về đáp, trong lúc đầu óc còn đang miên man suy nghĩ tìm một vần thơ tình tự gởi về cho "người phố núi"... đến khi nghe thấy tiếng âm thoại trầm ấm văng vẳng vỗ về bên tai: "-VNAF! Đây đài kiểm soát Holloway..." thì người phi công hào hoa mới hoảng hồn tỉnh mộng, và thấy mình đã lạc cánh sang nhà "cô hàng xóm" mất rồi. Nhưng đã qúa muộn. Trong cuộc đời của người lính chiến KQ, nếu có những lỗi lầm chết người, thì đôi khi cũng có những lầm lỗi thật dễ thương, và thật... đáng nhớ.  Sau khi theo chiếc xe Pickup mầu xanh có đeo tấm bảng kẻ hàng chữ mầu trắng "Follow Me" to tổ chảng (để dù mắt có lèm nhèm cũng vẫn đọc được) về bến đậu, người khách lạ lạc đường, một đêm gõ nhầm cửa, được "cô hàng xóm" dễ thương khoản đãi một bữa ăn tối "để đời" tại câu lạc bộ sĩ quan (BOQ).  Sáng hôm sau trước khi lên đường lại còn tiễn thêm một bữa ăn sáng đầy đủ chất dinh dưỡng, kèm thêm một "ly cối" coffee hảo hạng loại "Good to the last drop" cho tỉnh ngủ... 



PleiKu! Vùng đất đầy ải đã từng đón tiếp những tên tuổi lẫy lừng của KQ như Trần Văn Minh, Đỗ Trang Phúc, Nguyễn Văn Trang, Nguyễn Hồng Tuyền, Lưu Đức Thanh, Võ Quế, Nguyễn
Ngọc Khoa, Lê Bá Định, Nguyễn Văn Bá, Lê Văn Thảo, Nguyễn Quốc Thành, Lê Mộng Hoan, Lê Như Hoàn, Phạm Bính, Phạm Đình Anh, Dan Hoài Bửu, Lê Thanh Hồng Vân, Trần Mạnh Khôi, Tạ Thượng Tứ, Nguyễn Văn Mười, Lê Quốc Đức, Trần Văn Nghiêm, Phan Hiền Tính, Nghiêm Ngọc Ẩn, Nguyễn Quan Vĩnh, Đào Bá Hùng, Nguyễn Ngọc Lành, Lê Thuận Lợi, Ngô Nhơn, Phan Đình Hùng, Đào Quang Vinh, Vĩnh Quốc, Phạm Công Khanh, Nguyễn Văn Thắng, Trương V. Vinh, Nguyễn Phú Chính, Đặng Văn Âu, Nguyễn Qúy Chấn, Nguyễn Quý An, Trương Nguyên Thuận, Thái Ngùng, Dương Hồng Phúc, Ngô Đức Cửu, Vũ Ngọc Liễn, Phạm Ngọc Hà, Vũ Công Hiệp, Hoàng Mạnh Dzũng, Bạch Diễn Sơn, Võ Ý, Mai râu, Trần Văn Lân, Lê Văn Bút, Huỳnh Hải Hổ, Đạt... cùng những khuôn mặt trẻ như Hoàng Trọng Hùng, Nguyễn Văn Hai (còi), Lê Bình Liêu, Hùng Chùa, Đinh Đức Bản, Phúc Cháy, Nhân (hạt ni), Nguyễn Hữu Thiện, Vĩnh Hiếu, Nguyễn Đình Xanh, Chỉnh, Phạm Hữu Lộc, Đệ, Thống, Lạc, Xuân, Long, Thụy, Sơn, Tuấn, Trung, Cát, Độ, Ng. Ng. Hùng, Vĩnh Thuận, Hải, Phúc Gandhi, Nguyễn Tài Cơ... và bao nhiêu những người khác nữa. Họ là những người đã tạo nên nhiều "Huyền Thoại" cho vùng đất này, những huyền thoại không cần kiểm chứng, bởi vì có bao giờ ta đứng ngắm một bông lan rừng mọc cheo leo trên gềnh đá, mà còn hỏi cơn gió nào, hay loài chim nào đã mang hạt giống hiếm qúy gieo xuống đây, để nó mọc lên chồi lan đang tỏa hương thơm ngát này hay không? 

Trải qua suốt một khoảng chiều dài trong lịch sử của cuộc chiến, đã có biết bao nhiêu người KQ mà tên tuổi và việc làm của họ đã đi vào "huyền thoại" như Nguyễn Văn Hạnh, Phạm Phú Quốc, Nguyễn Văn Cử, Nguyễn Quang Tri, Phạm Long Sửu, Nguyễn Ngọc Biện, Lưu Kim Cương, Nguyễn Văn Tường, Dương Thiệu Hùng, Huỳnh Văn Vui, Đàm Thượng Vũ, Phạm Đăng Cường, Phạm Văn Thặng, Nguyễn Du, Trần Thế Vinh, Nguyễn Gia Tập, Đào Giang Hải, Bùi Đại Giang, Bùi Ngọc Bình, Khưu Văn Phát, Trương Phùng, Trang Văn Thành, Tào Thuận, Cát, Độ, Hùng, Dương Huỳnh Kỳ... và rất nhiều người khác nữa. Họ, những người trai thế hệ, không những đã ghi những dòng chữ bi hùng trên trang quân sử máu của dân tộc, mà phong độ hào sảng của họ còn in đậm trong lòng người qua bao thế hệ.                                                                                        
  
Mùa Hè năm 72, trời Tây Nguyên nổi cơn gió bụi. Thành phố PleiKu sôi sục như nồi nước trên ngọn lửa. Những tin tức tối mật và thượng khẩn từ biên thùy tới tấp gởi về phòng hành quân Quân Đoàn và Trung Tâm Hành Quân Không Trợ 2. Máy truyền tin bốc khói. Phi trường PleiKu nhộn nhịp suốt ngày với những chuyến bay hành quân, chuuyển quân và di tản. Những chiếc vận tải cơ khổng lồ C130 khi đáp nhả ra những toán quân tăng viện, và khi cất cánh mang theo những người dân di tản về vùng an toàn...                                                                                   

Ngồi trong phòng lái của chiếc phi-cơ chất đầy bom đạn đậu nơi đầu phi-đạo chờ cất cánh. Người lính chiến Không-Quân đã nhìn thấy cảnh đoàn người cúi rạp mình dưới sức thổi như vũ bão của chiếc C130, tất bật chạy lên phi cơ. Lẫn lộn trong cái hỗn độn và vội vàng kia, là hình ảnh một người con gái với mái tóc rối bời tung bay theo gió, vạt áo dài quằn-quại quấn lấy bước chân nghiêng ngả trên sân bay... Hình ảnh bi hùng này đã làm cho tấm lòng chai đá của người lính KQ nổi lên nỗi xót xa… Anh giơ tay vẫy chào tạm biệt đoàn người trên sân bay, và bấm nút vô tuyến liên lạc với người phi-công vận-tải: “Chúc bạn một chuyến bay an toàn, chúng tôi đang vào trận để cản bước quân thù đây.” Rồi anh mím môi tống tay ga, đưa con tầu lao mình vào vùng trời mịt mù khói lửa, bỏ lại tâm tình của    người "Lính chiến" nhạt nhoà theo với nắng chiều...                   
Ta cũng một lần qua phố núi                                                  
Dừng chân đứng ngắm áo em bay                                        
PleiMe buổi nắng vàng hanh đó                                            
Vẫn mãi trong ta những tháng ngày.                                      

Từ độ hoa mùa chinh chiến nở                                 
Mộng ước ngang trời mây tím giăng                        
Sách vở cũng chừng như thổn thức                        
Chinh nhân biền biệt bước quân hành.                   

Trời đất mịt mù cơn bão lửa                                      
Phượng hồng rũ cánh tả tơi bay                               
Em đi bụi đỏ vương tà áo                                           
Quấn cả theo chân bước đọa đầy.                             

Gặp em buổi nắng tàn phi đạo                                  
Rối bời vạt tóc xõa tung bay                                      
Ơi người con gái chiều di tản                                    
Trôi dạt về đâu thế cuộc này.                                      

Giữa tháng Tư năm 1972, phố núi bừng lên, đêm cao nguyên mở hội đón những người lính "Nhẩy Dù" đến tăng viện cho chiến trường. Phạm Văn Thặng cùng các bạn đến "Quán Biên Thùy" uống cạn ly rượu giang hồ để đưa tráng sĩ lên đường, băng mình vào nơi gió cát...  Sấm sét gầm thét vang trời... Những người lính Bộ Binh, Nhẩy Dù, Biệt Động Quân và   Không Quân vào trận, quay cuồng trong lửa đạn, phóng tay điểm lên bức tranh sơn-hà những đường nét bi tráng, viết thêm một điệp khúc kiêu hùng cho bản "trường thiên anh hùng ca" bất hủ của dân tộc...                                                                      

Hai phi tuần khu trục thuộc KĐ72CT cất cánh khẩn cấp từ phi trường Cù Hanh bay lên giải vây ngọn đồi Charlie. Phi tuần đầu do Thiếu Tá Hồng Khắc San hướng dẫn vào trục thả bom. Phòng không của địch phóng lên đầy trời... Dương Huỳnh Kỳ, con thần điểu của phi-đoàn Thái Dương 530 bay số 2, lao xuống mục tiêu, trầm mình trong ngọn lửa mịt mùng, đốt cháy đám quân cuồng khấu, cuốn theo ngọn âm phong xoáy thủng lòng người.                                                                                             

Phi tuần kế tiếp trên đường bay vào vùng oanh kích để cản đường quân giặc... Chiếc số 1 do Th/Tá Trần Ngọc Hà điều khiển đã lãnh trọn luồng đạn oan nghiệt của kẻ thù, bốc cháy như một bó đuốc khổng lồ... nhưng người phi công đã kịp bung dù thoát hiểm trước khi nó đâm bổ xuống chân đồi Charlie, cùng với 3 ngàn cân bom xăng đặc bùng lên thiêu sống đám người cuồng tín.                                                                            

Khói lửa ngút ngàn... Hồn tử sĩ chập chờn muôn ngả... "Đá vọng phu mọc khắp biên cương." (2) Cả đất trời cũng nhạt nhòa ngấn lệ, tiếc thương cho những anh hùng nửa đường đứt gánh.                                                                                               
               
                      
"Hồn tử sĩ gió ù ù thổi
"Mặt chinh phu trăng dõi dõi soi
"Chinh phu tử sĩ mấy người
"Nào ai mạc mặt nào ai gọi hồn." (1)

Kỳ ra đi mang theo cuộc tình không trọn của "người em gái nhỏ PleiKu", và cả mộng ước bình thường của người cha gìa, chỉ mong có một đứa cháu nội để bồng ẵm trước khi cụ về với cụ bà nơi cõi vĩnh hằng cao diệu vợi... Khi Kỳ leo lên chiếc khu-trục cơ chất đầy bom đạn để ra chiến trường, thì cha của Kỳ cũng được Đ/U Nguyễn V. Hai đưa ra trạm hàng không nơi đầu phi đạo 09 để đáp chuyến bay của hãng Hàng Không Việt Nam từ PleiKu về Cần Thơ. Trong lúc ngồi chờ lên phi cơ, cụ tâm sự cùng Hai: "Tháng tới lên đây làm lễ cưới cho tụi nó... Nhờ trời nếu mọi chuyện đều trôi chẩy thì sang năm bác lại lên đón vợ chồng chúng nó bồng con về thăm quê nội..."  Nhưng những điều mơ ước của cụ đã bốc thành mây khói theo với bom đạn nổ ngang trời...

Cuối tháng 5 năm mà nghe sao lành lạnh... Phạm Văn Thặng một mình lội qua bờ sông định mệnh... Dòng Dakbla sủi bọt gầm lên mộ khúc bi ai... Trời KonTum vần vũ đám mây tang khóc cho một loài chim gẫy cánh. Toán Lôi Hổ của "Chiến Đoàn 2 Xung kích" nhẩy xuống bốc xác người lính KQ tuẫn quốc. Xác Thặng được mang về SàiGòn để làm lễ an táng... Thiếu Tá Ngô Văn Mai TĐT/TĐ11/BĐQ và Trung Úy Trần Cao Chánh quyên góp anh em một số tiền lớn giao cho Thiếu Uý Phùng Nhi Cầu tháp tùng chiếc khu trục cơ AD5 của phi đoàn 530 bay về SG trao cho gia đình Thặng.  Ngày an táng Thặng, Th/Tá Đoàn Phương Hải, người lính vừa trở về từ cõi chết, chống nạng đến đưa tiễn một người bạn đã quay lưng đi vào cõi chết...  Có nhìn thấy những người Lính Dù và Biệt Động Quân đứng sau quan tài của Thặng, người ta mới cảm nhận được tất cả những ân tình sâu đậm, và nghĩa cử cao đẹp của người Lính đối với chiến hữu của họ.

...Rồi thì "cơn gió bụi" cũng qua đi như những đám mưa giông nổi lên và tan biến trong bầu trời vô tận. Nhưng cuộc chiến nào cũng có cái giá của nó mà những người tham dự phải trả. Hàng chục ngàn cán binh miền Bắc đã ngã xuống...  trong số đó có rất nhiều những cán binh tuổi chỉ mới 14 - 15.  Về phiá ta, tất cả những đơn vị tham chiến đều bị thiệt hại nặng nề. Tiểu đoàn BĐQ biên phòng phải hy sinh vị tiểu đoàn trưởng anh dũng là Đ/U Bửu Chuyển và hơn một nửa quân số. Thiếu úy Nguyễn Đình Xanh thuộc phi đoàn 530, thoát ra khỏi chiếc khu trục cơ lâm nạn, nhẩy dù xuống giữa trận tiền cầm chân quân giặc, để TĐ phó Phan Thái Bình dẫn nửa còn lại từ Polei-Kleng rút về hậu cứ. Tiểu đoàn 11 Dù đã phải bỏ lại người anh cả thân yêu của tiểu đoàn, Trung Tá Nguyễn Đình Bảo, cùng những "kinh kha của thời đại" nơi chiến địa. Tiểu đoàn phó Nguyễn Văn Mễ bị trọng thương, Đ/U Đoàn Phương Hải thay quyền của Đích Thân, dẫn anh em  rời "vùng đất chết Charlie" dưới cơn mưa pháo của địch. Tiểu đoàn 11BĐQ của Th/Tá Ngô Văn Mai cùng những con mãnh hổ của vùng "rừng núi sình lầy" cũng cùng chung một định mệnh như những người Lính Lôi Hổ của "Chiến Đoàn 2 Xung Kích"...  Sư Đoàn 22BB mất đi vị chỉ huy khả kính, Đại Tá Lê Đức Đạt, cùng hằng ngàn tráng sĩ thà chết không bỏ thành, để lại tấm gương trung liệt cho ngàn sau chiêm ngưỡng. Không Đoàn 72CT và các đơn vị tăng phái của Không Đoàn 62CT chưa bao giờ mất nhiều phi-cơ và nhân sự đến như thế. Đại Uý Lê Bình Liêu, Đại Uý Trần Kim Long, Trung Uý Phạm Minh Xuân, Thiếu Uý Nguyễn Đình Xanh, Thiếu Uý Nguyễn Tài Cơ, đã phải rời bỏ những chiếc phi-cơ bốc cháy trên vòm trời lửa đạn trong đường tơ kẽ tóc... Trung Uý "Tuấn Bocassa", Trung Uý "Xuân Tóc Đỏ" và người cơ phi can đảm trên chiếc trực thăng cấp cứu cuối cùng trong ngày, đã viết một câu chuyện oai hùng đến nghẹt thở mà tưởng chừng như chỉ nghe kể trong những câu chuyện "Cổ Tích"...  Riêng Thiếu Uý nguyễn Tài Cơ, sau 2 ngày lặn lội trong rừng sâu núi thẳm, áp dụng tất cả những gì đã học được từ bài học "thoát hiểm mưu sinh" để lẩn tránh địch quân đang điên cuồng tìm bắt người phi công lâm nạn.  Cuối cùng người phi công trẻ của phi đoàn 530 đã được John Paul Vann, cố vấn của Trung Tướng Ngô Du, Tư Lệnh Quân Đoàn 2 đang bay thị sát chiến trường, nhận được tín hiệu, nhào xuống bốc về PleiKu...  Sau khi đưa anh về đơn vị, viên cố vấn cao ngạo nhất trong những cố vấn của đồng minh Hoa Kỳ, theo đúng luật giang hồ, đã đứng thẳng người, giơ tay chào người phi công can trường của KLVNCH.  Mấy ngày sau, phi cơ của John Paul Vann bị bắn nổ tung trong lúc bay qua vùng đóng quân của địch.  J.P. Vann một người trai xứ lạ, quê hương của anh cách xa vùng đất này cả một đại dương ngút ngàn sóng nước. Anh đến đây và chết ở đây như lời nguyền của những dòng sông oan trái. Ngày anh đi, hành trang chẳng có gì để mang theo, ngoài một "khối tình dang dở" của người ở lại...  Trong cuộc chiến khốc liệt này, có biết bao nhiêu tráng sĩ, những người Lính của QLVNCH và đồng minh đã nhập cuộc trọn vẹn, để góp phần cho cuộc chiến thắng của toàn quân.

Thái Dương vừa rơi hôm trước
Bàng hoàng còn tưởng cơn mê
Thần Tượng Lạc Long chưa tìm được xác
Bắc Đẩu Sơn Dương chẳng thấy về
Mưa rừng rơi phủ lê thê
Bản đồi cúi mặt chiều tê tái buồn.

Máu của địch, máu của quân ta đã đổ ra chan hòa khắp nẻo, để tưới bón cho ngàn cây xanh lá, cho khóm Dã Quỳ hoang dại trổ sắc vàng tươi. Áp lực cuả địch quân ban đầu trùm lên cả một vùng núi đồi rực lửa từ PoleiKleng, Tân Cảnh đến KonTum, Pleiku đã được những người Lính oai hùng của QLVNCH giải tỏa.

"Charlie" một địa danh ngập tràn máu lửa, từ nay đã được xoá tên trên bản đồ chiến sự. "Charlie" bây giờ chỉ còn là một nấm mồ tập thể chôn vùi thân xác những người "Lính" của cả hai miền Nam-Bắc. Nhưng rồi đây sẽ còn biết bao nhiêu "địa danh" khác bùng lên qua những tia mắt hận thù của Bắc quân. Các anh cán binh miền Bắc ơi! Ai đã nhẫn tâm khắc lên da thịt các em bé đang độ tuổi thơ ngây những dòng chữ oan nghiệt "sinh Bắc tử Nam" kia. Chủ thuyết nào đã đẩy các anh vào quãng mê lộ không có đường về...  Chúng tôi, những người "Lính" miền Nam cầm súng không phải để gieo rắc hận thù mà là để bảo vệ cho người dân được sống an bình trên mảnh đất khắc nghiệt này...  Nhưng dù là Nam hay Bắc, thì chúng ta cũng cùng chung một mầu da, cùng chung một dòng máu, và là những đứa con cùng một "Mẹ" sinh ra...  Sao các anh lại nỡ lấy "Củi Đậu để nấu Đậu" hả các anh? Thôi thì, đêm nay xin cầu nguyện "cho những người vừa nằm xuống thấy bóng thiên đường cuối trời thênh thang..." (3)

Người dân sau một lần tất bật di tản, nay lại lần lượt trở về theo tiếng gọi của rừng sâu núi thẳm. Họ trở về để gây lại cuộc sống đã hơn một lần bị đứt đoạn. Những con đường sau một thời gian vắng bóng, nay lại thấp thoáng những vạt tóc mềm ấp ủ bờ vai, những tà áo dài quấn quýt bước thân thương, những "bàn tay thon ngón nhỏ đan tay gánh sơn hà" cùng những tiếng giầy, tiếng guốc ngập ngừng gõ nhịp trên đường phố...  Đoạn đường tuy có ngắn ngủi, nhưng cũng đủ để hồn thơ của khách đa tình dấy lên, hòa điệu theo với cung đàn diễm tuyệt. Hàng quán lại mở ra ân cần mời mọc và lắng nghe tâm tình của người khách lạ phương xa...  Nhưng ánh mắt long lanh, đằm thắm của "cô hàng" hôm nao, nay trong tia nhìn, trông sao đượm mầu đăm chiêu xa vắng. Ngọn đèn khuya vẫn le lói mà như heo hút chập chờn...  Chao đảo theo cơn gió lạnh của núi rừng, như ngóng trông, chờ đợi người đi không trở lại. Người đi không trở lại, nhưng người ở lại vẫn đợi vẫn chờ. Niềm thương nỗi nhớ theo ngày tháng chồng chất lên vai, càng lúc càng nặng như những đám mây đen gầm gừ, chậm chạp kéo về tự cuối chân trời.

Anh đi rồi PleiKu gầy guộc nhớ
Đồi Cù Hanh sương khói phủ lê thê
Bao nhiêu chiều con đường xưa vẫn đợi
Từng mùa mưa lầy lội lối đi về.

Và rồi tất cả lại được bắt đầu bằng những xây đắp cần cù và nhẫn nại của "người phố núi", như những con dã tràng se cát, để tạo ra cuộc sống, để làm nên cuộc tình... và cũng để làm ra những nỗi luyến tiếc nhớ thương. Cho đến ngày như định mệnh đã được an bài, một thảm họa khốc liệt khác lại bất thần chụp xuống vùng núi đồi Tây Nguyên trùng điệp, kéo theo ngọn sóng thần cuồng nộ dâng lên, tràn theo tỉnh lộ 7, phủ trùm lấy KonTum, PleiKu, Phú Bổn... cuốn trôi tất cả những dấu vết của vùng đất oan nghiệt. Vùng đất một thời được gọi là "Đất Trích!"

Ta vẫn hoài mong từ dạo ấy
Một lần tạ lỗi với tang thương
Với khung trời phủ mờ sương khói
Với những gian truân những đoạn trường. 

          Trần Ngọc Nguyên Vũ

Chú thích: 
(1) Chinh Phụ Ngâm
(2) Thơ Phạm Ngọc Lư
(3)  Nhạc Trịnh Công Sơn




Không có nhận xét nào: