Thứ Năm, 12 tháng 1, 2017

Ngày Xuân - Nguyễn Lý Tưởng


                                   Ngày Xuân
                                  Nguyễn Lý-Tưởng

     Xuân là của đất trời mà Tết là do con người đặt ra. Từ đời nhà Hán trở về trước thì năm bắt đầu từ tháng Tý gọi là “lịch kiến Tý”, đến đời Hán Vũ Đế (thế kỷ thứ I) nhà vua sai hai họ Hy và Hòa làm lịch mới, lấy tháng Dần làm
tháng khởi đầu trong năm, gọi là “lịch kiến Dần”. Hậu Hán Thư chép :“đế mệnh Hy, Hòa kiến lịch...” (Vua sai họ Hy, họ Hòa làm lịch)... như  vậy, lịch mà người Trung Hoa thường dùng cho đến ngày nay, ta thường gọi là âm lịch, chính là bắt đầu từ nhà Hán. Trước đó cũng có âm lịch, nhưng ngày đầu năm khác với ngày Tết của chúng ta bây giờ.

     Âm lịch là lịch dựa theo chu kỳ của mặt trăng mà tính năm, tháng...khác với dương lịch là lịch dựa theo chu kỳ của mặt trời. Âm lịch là lịch của người Trung Hoa. Những nước chịu ảnh hưởng văn minh Trung Hoa (văn minh Hán Tộc) như Nhật Bản, Triều Tiên (Đại Hàn), Việt Nam v.v. đều chọn ngày đầu năm âm lịch làm ngày Tết. Nhà nông thường dựa theo âm lịch để gieo trồng cho kịp với thời vụ. Cũng có nhiều dân tộc ngoài Trung Hoa dùng âm lịch như  lịch Chaldée, lịch Do Thái (hebreux), lịch Ai Cập, lịch Hy Lạp v.v. Mỗi nước có ngày Tết riêng, theo thời điểm khác nhau.

     Dương lịch thường gọi là lịch Grégorien, do Giáo Hoàng Grégoire thứ 13 (1502-1585) ở Roma đã ra lệnh cho Dionysius Exigius (khoảng 1500- 1560 sau JC) một tu sĩ đạo Công Giáo dựa theo chu kỳ của mặt trời mà làm lịch và lấy năm Thiên Chúa giáng sinh làm năm khởi đầu, thường gọi là Tây lịch (còn gọi là Dương lịch hay lịch công nguyên, ère chrétienne). Đó là lịch mà cả thế giới đang sử dụng. (Ở đây cũng xin nói thêm là Dionysius Exegius đã tính sai đến 4 năm hoặc có thể hơn nữa. Lý do ông nầy lấy năm thứ 15 đời Hoàng Đế Ti-bê-ri-ô làm năm sinh của Chúa Giêsu như Kinh Thánh đã ghi. Ông đã cho rằng Hoàng Đế Ti-bê-ri-ô lên ngôi năm 769 theo lịch La Mã. Nhưng sự thật Ti-bê-ri-ô lên ngôi năm 765, trước đó 4 năm. Điều sai lầm thứ hai: Dionysius Exegius cho rằng vua Do Thái là Hê-rô-đê chết năm 750 theo lịch Do Thái tức 4 năm trước khi Chúa Giêsu sinh ra. Trong khi đó Kinh Thánh nói rằng, khi nghe các nhà thông thái phương Đông báo tin có thấy ngôi sao lạ xuất hiện và biết rằng Đấng Cứu Thế mới giáng sinh (tức Chúa Giêsu) nên đến Do Thái hỏi thăm...thì Hê-rô-đê đã ra lệnh tìm “hài nhi Giêsu” mới sinh mà giết đi...Như vậy Chúa Giêsu ra đời khi vua Hê-rô-đê của Do Thái còn đang tại vị chứ không phải 4 năm sau khi vua đã chết. Vì cả thế giới đều dùng lịch nầy nên không ai nghĩ đến chuyện sửa lại lịch cho đúng với năm Chúa Giêsu sinh ra).

     Phép làm lịch của Việt Nam ngày xưa cũng theo phương pháp của người Trung Hoa, lấy khởi điểm từ tháng Dần làm tháng giêng, nghĩa là lúc chuôi sao Bắc Đẩu chỉ về phương Dần. Đã từ lâu đời, các vua Việt Nam theo lệ của Trung Hoa đặt ra Tòa Khâm Thiên Giám và chức quan coi về thiên văn, làm lịch tính theo sự chuyển vận của các hành tinh. Việt Nam cũng có người giỏi về thiên văn, như thời nhà Lê có Lê Quý Đôn, thời nhà Nguyễn có Nguyễn Hữu Thận (người làng Đại Hòa, Phủ Triệu Phong, Tỉnh quảng Trị, Thượng Thư Bộ Lại thời Gia Long, Minh Mạng, có tiếng giỏi về toán học và thiên văn, người Tàu cũng cảm phục). Có điều đặc biệt là các quan coi về thiên văn ở nước ta, không nhất thiết phải tính lịch giống như người Tàu, vì thế, một đôi khi lịch ta cũng có chỗ khác lịch Tàu.

     Theo âm lịch thì năm được chia làm bốn mùa, mỗi mùa có ba tháng. Trong cả năm có 24 tiết, mỗi tháng có hai tiết, trung bình cứ 15 ngày là một tiết. Thời tiết ở đây tính theo Bắc Bán Cầu vì nước Việt Nam và đa số nhân loại đều sống trên phần đất của Bắc Bán Cầu. Ở Nam Bán Cầu thì thời tiết ngược lại, chẳng hạn ở Úc Châu vào mùa Hè, thì ở Á Châu, Âu Châu, Bắc Mỹ...la mùa Đông. Các ngày Xuân phân (21/3), Hạ chí (22/6), Thu phân (23/9) và Đông chí (22/12) là những ngày cố định, tính theo dương lịch.

     Tháng giêng âm lịch có tiết Lập Xuân (chuyển dần vào mùa Xuân) và Vũ Thủy (mưa Xuân). Tháng hai có tiết Kinh Trập (côn trùng sinh nở) và Xuân Phân (giữa mùa Xuân). Tháng ba có tiết Thanh Minh (cỏ xanh tươi tốt) và Cốc Vũ (mưa cho lúa trổ bông). Đó là ba tháng của mùa Xuân.

     Mùa Xuân là mùa đẹp nhất trong năm, mùa của lá non và của muôn hoa, muôn màu, muôn sắc, muôn hương. Theo sự khảo sát của các nhà nghiên cứu đời xưa quanh vùng Bắc Kinh (thủ đô của Trung Quốc) và đã được ghi lại trong các cổ thư thì vào mùa Xuân, cứ năm ngày lại có một lần đổi gió, và có một loài hoa nở để đánh dấu cho sự thay đổi thời tiết đó. Sơn Trà là loài hoa nở vào mùa Xuân và lâu tàn nhất, kéo dài được trên hai tháng, từ giữa mùa Xuân cho đến đầu mùa Hè.

     Tháng tư có tiết Lập Hạ (chuyển vào mùa Hè) và Tiểu Mãn (tuyết tan, nước sông dâng cao). Tháng năm có tiết Mang Chủng (cỏ hoang mọc) và Hạ Chí (vào giữa mùa Hè). Tháng sáu có tiết Tiểu Thử và Đại Thử (hai ngày nóng nhất trong năm).Đó là ba tháng của mùa Hạ.

     Tháng bảy có tiết Lập Thu (chuyển dần vào mùa Thu) và Xử Thử (nắng bắt đầu dịu đi). Tháng tám có tiết Bạch Lộ (sương trắng)và Thu Phân (giữa mùa Thu). Tháng chín có tiết Hàn Lộ (sương muối, sương lạnh) và Sương Giáng (sương rơi nhiều). Đó là ba tháng của mùa Thu.

     Tháng mười có tiết Lập Đông ( chuyển dần vào mùa Đông, lạnh) và Tiểu Tuyết (có tuyết rơi nhẹ). Tháng mười một có tiết Đại Tuyết (tuyết rơi nhiều) và Đông chí (giữa mùa Đông, rét lạnh). Tháng mười hai có tiết Tiểu Hàn (lạnh) và Đại Hàn (cực lạnh, lạnh tối đa). Đó là ba tháng mùa Đông, cuối cùng của một năm.

     Sự tuần hoàn của vũ trụ, hết Đông rồi đến Xuân, mọi loài, mọi vật theo quy luật của Tạo Hóa mà sinh trưởng. Mặt trời lên đến đỉnh đầu (đúng Ngọ) thì đi xuống, chuyển dần về chiều. Mùa Đông, qua tiết Đại Hàn (cực lạnh) thì trời dần dần ấm lại và chuyển qua mùa Xuân.

     Vận mệnh của con người hay vận mệnh của một quốc gia cũng vậy, “bỉ cực, thới lai” (tận cùng của cái xấu thì cái tốt đến). Kinh Dịch nói rằng:“cùng tắc biến, biến tắc thông”. (Cái gì đi đến tột cùng thì phải biến đổi, có biến đổi thì có lưu thông, không thể đứng mãi một chỗ được).

     Tết là ngày bắt đầu của một năm mới. Chữ Tết trong tiếng Việt là do chữ Tiết (thời tiết) mà ra. Tết Nguyên Đán là khởi đầu của ngày thứ nhất trong năm (nguyên là số một, thứ nhất; đán là ngày), đó là ngày thiêng liêng theo quan niệm của Đông cũng như Tây. Trong cái ngày đó, giờ phút khởi đầu của ngày lại càng quan trọng và thiêng liêng hơn nữa: đó là giờ giao thừa, đến với chúng ta vào lúc nửa đêm. Giờ đó là giờ linh thiêng, gọi là “Thiên tùng nhân nguyện” (Trời sẽ chiều theo ý nguyện, theo lòng mong ước của con người). Chính vì lẽ đó mà mọi người đợi đến giờ giao thừa để đốt nhang trầm, đốt đèn nến, bày bàn thờ mà cầu nguyện với Trời, với Đấng Tạo Hóa, với Thượng Đế, tưởng nhớ đến tổ tiên, ông bà, cha mẹ, những người đã khuất v.v. Trong cõi thiêng liêng, mọi vong hồn sẽ trở về. Cái giây phút cảm thông giữa Đất với Trời, giữa Trần Gian với Thiên giới, giữa người sống với kẻ chết.

     Con người không làm chủ thời gian được. Sự sống, chết ở ngoài tầm tay của mình. Tương lai cũng không do mình định đoạt hoàn toàn mà có một bàn tay kỳ diệu, vô hình, đang dẫn dắt cuộc đời chúng ta. Sách Kinh Dịch viết rằng:“ Hữu thiên địa, nhiên hậu hữu vạn vật; hữu vạn vật nhiên hậu hữu nam nữ;hữu nam nữ nhiên hậu hữu phu phụ; hữu phu phụ nhiên hậu hữu phụ tử; hữu phụ tử nhiên hậu hữu quân thần; hữu quân thần nhiên hậu hữu thượng hạ; hữu thượng hạ nhiên hậu lễ nghĩa hữu sở thố.”( Có trời đất sau đó mới có vạn vật; có vạn vật rồi mới có đàn ông, đàn bà; có nam, nữ rồi mới có chồng vợ; có chồng vợ mới có cha con; có cha con mới có vua tôi; có vua tôi mới có trên dưới; có trên dưới thì lễ nghĩa mới từ đó mà ra...). Lễ nghĩa là luật lệ, phong tục, quy ước của xã hội v.v.

     Đoạn văn trên đây của Kinh Dịch do Khổng Tử sưu tầm cách nay khoảng 2500 năm, nói đến cái quy luật của vũ trụ, cái nguồn gốc của sự sống, nguồn gốc của con người. Thời gian bắt đầu từ bao giờ ? Kể từ khi có trời đất ?-Trời, Đất, Con Người làm Tam Tài, đó là hiện hữu của vũ trụ. Dịch Kinh nói rằng:“Thiên sinh ư Tý, Địa tịch ư  Sửu,  Nhân sinh ư  Dần”. (Trời sinh ra từ Tý (khởi đầu), Đất được mở ra từ  Sửu (sau khi đã có Trời) và con người (Nhân) sinh ra từ Dần (sau khi đã có Đất).
     Tý là giờ khởi đầu của một ngày, là năm khởi đầu của một Giáp (12 năm) cũng có nghĩa Trời là khởi đầu của mọi sự, mọi loài, mọi vật. Trời ở đây không phải là khoảng thinh không, là bầu khí quyển bao bọc chung quanh quả đất mà là một ngôi vị, một Đấng thiêng liêng, Đấng Tạo Hóa, Đấng an bài mọi sự trong vũ trụ. Trong sách vở của thánh hiền xưa có những câu như: “Đạo xuất ư Thiên” (Đạo từ Trời mà ra), “Thiên mạng chi vị tính” (tính là do Trời ban cho), “úy Thiên” (sợ Trời), “Duy Thiên vi đại” (chỉ có Trời là lớn nhất), “Thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất lậu” (Lưới Trời lồng lộng, thưa mà chẳng lọt) ... đều nói về một Đấng Tối Cao trong vũ trụ mà tổ tiên chúng ta gọi là Ông Trời, là Thượng Đế  (người Công Giáo hay Thiên Chúa Giáo gọi là Thiên Chúa hay Đức Chúa Trời). Đó là niềm tin của cả dân tộc chúng ta dưới thời vua chúa, và mãi cho đến ngày hôm nay người ta vẫn tin như thế. Dù hình thức thờ phượng có khác nhau, nhưng  niềm tin vẫn là một: Tin có một Đấng Tạo Hóa Duy Nhất, dựng nên vũ trụ, muôn loài muôn vật. Nói rằng vũ trụ có quy luật thì phải có người đặt ra quy luật, phải có người điều khiển quy luật đó đi theo một trật tự. Dưới chế độ phong kiến, vua thay Trời để cai trị muôn dân nên gọi là Thiên tử (con của Trời). Trên nguyên tắc, địa vị đó chỉ dành cho vua Trung Quốc là nước lớn trong thiên hạ. Tất cả các nước nhỏ (chư hầu) đều phải thần phục Thiên tử. Dòng họ nào được Thiên tử thừa nhận và phong vương thì có quyền cha truyền con nối. Nếu có ai chống lại hay gặp trường hợp nước khác đem quân gây hấn thì Thiên tử sẽ can thiệp, hoặc các chư hầu cũng có thể nhân danh Thiên tử để đem quân đến giúp để tái lập trật tự cho quốc gia đó. Dân có bổn phận trung thành tuyệt đối với vua, về phần vua thì chịu trách nhiệm với Trời. Vì thế cứ ba năm một lần, vua đi đến một chỗ đất nằm về phía Nam của kinh thành gọi là Nam Giao để tế Trời.
     Sửu là giờ thứ hai sau giờ Tý. “Địa tịch ư  Sửu” (Đất mở ra từ Sửu). Nghĩa là Trời có trước, sau đó mới có Đất.
     Dần là giờ thứ ba “Nhân sinh ư  Dần”, sau khi có Trời, có Đất thì mới có Người. Con Người  là do Trời và Đất mà ra. Trời che, Đất chở. Trời là Cha, Đất là Mẹ.
     Thời tiết, vũ trụ và con người có liên hệ mật thiết với nhau. Tết là khởi đầu của thời gian một năm. Từ khởi đầu cho đến tận cùng của một năm là đêm ba mươi Tết. Ai cũng mong cho qua được một năm.

     Theo sự vận hành của vũ trụ, hết Đông rồi lại sang Xuân. Cuộc đời có biết bao lần Xuân đến, bao lần Xuân đi. Khi còn trẻ, cứ mỗi năm thêm một tuổi càng thêm khôn lớn. Nhưng khi vào tuổi già, cứ mỗi năm thì càng gần đất xa trời. Con người càng gần với cái chết hơn. Chết là trở về với cội nguồn, về cõi hư vô, trước khi chưa có con người, trước khi chưa có cái thân xác của ta ngày hôm nay.

     Cứ hết một năm 365 ngày lại thấy Xuân về, Tết đến. Ta gọi là năm mới nhưng kỳ thật nó chẳng mới mẻ gì, đó là sự lặp lại của một chu kỳ thời tiết... Thế nhưng, bất cứ già, trẻ, lớn, bé, sang, hèn... mọi người ai cũng cảm thấy hân hoan, chờ đón năm mới. Lại một lần nữa niềm hy vọng lóe lên trong con tim của mỗi người.

     Năm mới, lời cầu chúc đổi mới. Tâm hồn đổi mới, tư tưởng đổi mới, cuộc đời đổi mới... cá nhân đổi mới, gia đình đổi mới, xã hội đổi mới, đất nước đổi mới. Vứt bỏ cái cũ nghèo đói, chậm tiến, lạc hậu đi để dần bước trên con đường tiến bộ: nhật tân, nhật nhật tân, hựu nhật tân. (Ngày mới, ngày ngày mới, lại ngày mỗi mới).

     Chúng ta tin vào cái lý biến dịch của vũ trụ, hết Đông rồi lại sang Xuân, cùng tắc biến, biến tắc thông. Vận nước Việt Nam chúng ta đã đi đến tận cùng rồi, chắc chắn phải biến đổi, phải thoát ra khỏi bế tắc, có biến đổi mới hanh thông được.

NGUYỄN LÝ-TƯỞNG



Không có nhận xét nào: