Hôm nay cuối tuần và cũng sắp hết năm (đã đưa xong ông Táo hôm qua), muốn viết một cái gì đó gửi đến thân hữu, chẳng lẽ cứ làm thơ Chúc Xuân ? Thôi thì xin lấy một bài thơ xưa của cổ nhân ra "bình" chơi, giúp vui cuối tuần chắc cũng không đến vô bổ. Cổ nhân làm thơ là để nói lên ý mình (Thi ngôn chí) chứ không làm thơ suông như chúng ta ngày nay (hay ít ra như cụ Trần Văn Hương làm thơ "Gãi háng" để giải buồn khi cụ ngồi tù). Vậy để nói ý mình mà không để lộ liễu, bài thơ ấy không phải ai đọc cũng hiểu ngay. Người làm đã dụng công, người đọc tất cũng phải dụng công mới có thể hiểu được hậu ý của người viết. Bài viết này gửi đến quí bạn đang tập làm thơ "Đường Luật" để cùng vui cuối tuần, và cũng để hiểu "kết cấu" phải có của một bài thơ xưa, nghĩa là một bài thơ luôn phải có chủ đề chứ không viết bâng quơ.
Xin mời đọc :
Bình thơ
Thu Điếu
Ao thu lạnh lẽo, nước trong veo;
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.
Sóng biếc theo làn, hơi gợn tí;
Lá vàng trước gió, sẽ đưa vèo.
Từng mây lơ lửng, trời xanh ngắt;
Ngõ trúc quanh co, khách vắng teo.
Tựa gối, ôm cần lâu chẳng được!
Cá đâu đớp động dưới chân bèo!
Tam nguyên Yên Đỗ
Ao thu lạnh lẽo, nước trong veo;
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.
Sóng biếc theo làn, hơi gợn tí;
Lá vàng trước gió, sẽ đưa vèo.
Từng mây lơ lửng, trời xanh ngắt;
Ngõ trúc quanh co, khách vắng teo.
Tựa gối, ôm cần lâu chẳng được!
Cá đâu đớp động dưới chân bèo!
Tam nguyên Yên Đỗ
Bài thơ này mang tên "Thu Điếu" và được các sách giáo khoa chuyển thành "Mùa thu câu cá", nhưng nếu là Mùa Thu câu cá thì bài thơ này hỏng, hỏng vì Nhập đề chỉ tả cảnh ao thu chứ không nói gì đến việc câu cá cả. Theo tôi, thì phải dịch là "Viếng Thu", vâng, Điếu ở đây là Viếng, Viếng một Mùa Thu bị coi là đang tàn tạ ở thời tác giả sống (Thu trong thơ xưa thường tả cảnh tiêu điều, có lá vàng rơi và là cảnh chiến tranh).
Ta thử phân tích :
Câu 1, 2 : Ao thu lạnh lẽo, nước trong veo;
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.
Một cái ao thu lạnh lẽo, nước lại trong veo thì làm gì có cá để mà câu (Thủy chí thanh tắc vô ngư, Sách Gia Ngữ), và câu cá trên ao thì mắc mớ gì phải dùng đến thuyền, dù là một chiếc thuyền bé tẻ teo đi nữa cũng vậy. Tất nhiên, đây không phải là cái ao thu ở vườn sau nhà của tác giả, mà là cái ao thu của nước nhà, nước nhà của tác giả lúc đó như một cái ao mùa thu, thật tĩnh lặng, chẳng có chút động tịnh gì (mà tác giả thì cuộc sống chòng chành như người ngồi trên thuyền). Ngày xưa, Khương Tử Nha ngồi trên bờ sông Vị câu cá, nhưng không muốn cá đớp mồi mà phải mất công gở cá ra thả lại xuống sông như mấy ông Tây thời nay câu cá giải buồn. Khương Công dùng lưỡi câu thẳng và không có mồi để câu. Có người hỏi thì ông trả lời là ông ngồi câu Thời chứ đâu có câu cá mà phải dùng lưỡi câu cong. Phải chăng Nguyễn Khuyến cũng đang ngồi câu Thời trên mảnh ao của đất nước mình ? Cụ đang ngồi chờ một biến chuyển, và mơ một Khương Tử Nha của thời đại mới xuất hiện ?
Câu 3, 4 : Sóng biếc theo làn, hơi gợn tí;
Lá vàng trước gió, sẽ đưa vèo.
Thời cuộc lúc đó chỉ cần một chút chao động, dù chỉ là cộng hưởng theo làn sóng phong trào của thế giới đi nữa, thì cũng sẽ tức khắc bị biến thành như chiếc lá vàng bay vèo ngay trước cơn gió thịnh nộ của nhà đương cuộc. Như vậy, không thể trách thế nhân được.
Câu 5,6 : Từng mây lơ lửng, trời xanh ngắt;
Ngõ trúc quanh co, khách vắng teo.
Ngẫng nhìn lên trời, thấy những tầng mây lơ lửng, chỉ có thanh thiên (trời xanh ngắt) chứ không phải Hoàng thiên (hàm ý một đất nước không còn một ông vua đúng nghĩa lèo lái). Nhìn quanh mình, quân tử đi đâu vắng cả (Trúc là biểu tượng của người quân tử, Ngõ trúc là giới trí thức). Trong thế loạn của đất nước, thì chỉ người quân tử là người đủ cương trực, đảm lược để ra lãnh trọng trách, nhưng nay thì Khách vắng teo, chẳng thấy còn một ai.
Câu 7, 8 : Tựa gối, ôm cần lâu chẳng được!
Cá đâu đớp động dưới chân bèo!
Ngồi bó gối, chờ mãi, mà chẳng thấy có động tịnh gì. Dân của mình hiện giờ đang ở đâu nhỉ? (Người dân thường được ví như cá với nước). Cá đâu? Phải chăng là một tiếng thở dài của tác giả? Ôi, tác giả thấy có gì động đậy ở chân bèo mà tưởng chừng như là đàn cá đang kéo đến. Dù sao, bài thơ cũng là có cái kết đầy hy vọng: Đang có động tịnh, thời thế đâu cứ mãi vậy! Dân sẽ nổi lên, bình minh rồi sẽ đến.
Bài thơ tóm lại, là một bài thơ mang khẩu khí của một nhà Nho trước cảnh nước nhà bị lệ thuộc Ngoại bang. Cụ muốn gióng lên tiếng chuông cảnh tỉnh? Chừng vậy!
Sáng thứ bảy, pha li cà phê, ngồi chờ nước sôi, mở máy chợt nhớ tới bài thơ, thôi thì gõ vài dòng tản mạn với quí vị thân hữu. Dù đúng hay sai, cũng là một chút thân tình, mong được hồi âm phản biện.
Danh Hữu
21.01.2017
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét