Chủ Nhật, 1 tháng 1, 2017

Chận Cái Ác Lên Ngôi - Hoàng Đằng


Chận Cái Ác Lên Ngôi

Báo chí gần đây có loan cái tin ở phường Tân Phú, quận 9, TP. Hồ Chí Minh, mà trang BBC tiếng Việt – một tờ báo mạng nước ngoài - thuật lại, như vậy, tầm quan trọng câu chuyện trong tin đáng lo ngại.

Chuyện như thế này:
Bà Trần thị Bạch Tuyết gọi bà Hồ thị Ngọc Điệp là cô chồng. Bà Điệp vốn có chuyện bất bình về đất đai với bố chồng bà Tuyết. Dù không cùng huyết thống, bà Điệp và bà Tuyết là bà con thân; chuyện đất đai ấy không liên quan gì đến bà Tuyết.
Bà Điệp mở hàng bún để mưu sinh. Trước đây, bà Tuyết đến làm công cho bà Điệp. Từ khi có chuyện xích mích về đất đai, bà Tuyết theo lời khuyên của bố chồng, mở quán bán riêng gần quán bà Điệp. Trớ trêu là quán bà Tuyết mới mở mà khách ăn đông hơn quán bà Điệp!
Bà Điệp ghen tức, lập mưu hại. Tờ mờ sáng 25/12/2016, bà Tuyết nấu xong hàng bán, tranh thủ thời giờ ra chợ mua rau màu. Lợi dụng lúc bà Tuyết vắng mặt, bà Điệp mang gói thuốc chuột đã mua sẵn mấy ngày trước, lẻn vào quán bà Tuyết, mở nắp nồi nước lèo, đổ vào rồi trở lại ngay quán mình.
Bà Tuyết đi chợ về, xem lại hàng bán, chuẩn bị đón khách vào ăn. Bà mở nắp nồi; ngạc nhiên thay! Nước lèo bốc mùi lạ và sủi bọt trắng trên mặt bất thường; sinh nghi trong lòng, bà Tuyết qua hỏi bà Điệp:
- Cô có làm gì trong nồi nước lèo của cháu không?
Bà Điệp xẳng xái trả lời, vẻ mặt hơi biến sắc:
- Cái con này kỳ cục thật, buổi sáng mở hàng, mày nói gì lộn xộn vậy!
Bà Tuyết mở camera tự động, phát hiện hình bà Điệp giở nắp nồi, bỏ vào nồi một cái gì đó. Sợ ồn ào giữa cô và cháu, bà Tuyết không thể hỏi vặn thêm bà Điệp mà đi báo công an.


Bà Hồ thị Ngọc Điệp (Ảnh mượn từ trên mạng)

Xem hình trong camera, công an bắt bà Điệp về đồn làm việc; tại đây, bà Điệp thú nhận đã bỏ thuốc chuột vào nồi nước lèo.

Câu chuyện chỉ là tin vặt trên báo chí, nhưng cái tầm quan trọng đối với xã hội rất lớn. Cơ quan công an cũng đánh giá như thế; cho nên, do tình bà con, do sự cầu khẩn của gia đình bà Điệp, bà Tuyết đã xin bãi nại nhưng công an không chấp thuận.
Nồi bún của bà Tuyết phục vụ bữa sáng cho khách, nghĩa là nhiều người ăn; may là bà Tuyết phát hiện nồi bún bị đầu độc và không dọn bán; nếu không thì nồi bún đã đẩy nhiều người vào tình trạng ngộ độc, nhẹ là nhập viện, nặng là tử vong. Như thế, hành vi của bà Điệp là giết người – giết người tập thể.
Viết đến đây, tôi nhớ lại, trong sử sách, tối 27/6/1908, một số bồi bếp và lính Việt Nam phục vụ cho quân Pháp đóng ở thành Hà Nội được móc nối làm nội ứng cho nghĩa quân cụ Hoàng Hoa Thám trong phong trào kháng Pháp phục quốc của cụ Phan Bội Châu, đã cho binh sĩ Pháp ăn cà độc dược; ăn xong, một số  bị say độc, bất tỉnh lúc khoảng 20 giờ - sớm hơn giờ nghĩa quân bên ngoài lên kế hoạch tấn công vào chiếm thành là 21 giờ. Sự việc vỡ lỡ, chính quyền Pháp kịp thời trấn áp, sau đó, tuyên án tử hình 19 người: 13 người bị giết, còn 6 người chốn thoát, khiếm diện. Dù việc âm mưu giết người, nói chung, là ác, vụ Hà Thành đầu độc mang lý tưởng cao đẹp: giết giặc xâm lược để cứu nguy tổ quốc.
Đem vụ bà Điệp ra so sánh là việc không xứng và dễ mang tiếng “bất kính”; tuy nhiên, sự so sánh xin được tạm dùng để làm nổi bật tính nông nổi thiếu suy nghĩ, vô pháp luật, vô đạo đức, vô tôn giáo, vô giáo dục của hành vi bà Điệp.
Theo báo chí, bà Điệp khai với công an là hành vi của bà xuất phát từ sự bất bình về đất đai với bố chồng bà Tuyết. Kỳ cục ở chỗ là tại sao chuyện đất dai không thể đem ra giải quyết ở các tổ hoà giải cấp khu phố, cấp phường, qua dàn xếp của họ hàng thôn xóm, cùng lắm ở toà án các cấp của nhà nước. Việc bỏ thuốc chuột vào hàng bán của đứa cháu dâu sẽ không đi đến đâu hết: người trong gia đình bà Tuyết, đặc biệt bố chồng bà tuyết sẽ không bị xâm hại trực tiếp. Thế thì tại sao bà Điệp làm vậy? Bà không tin pháp luật ư? Bà Điệp đúng là mẫu người sống vô pháp luật, không tin vào sự phân xử của pháp luật, không biết thế nào là phải, thế nào là trái theo sự phán xét của bà con làng xóm. Loạn!
Bà Điệp bán hàng gần bà Tuyết mà ít khách hơn bà Tuyết thì phải tự xem lại mình. Hàng chưa ngon thì cố gắng nấu nướng chế biến ngon lên; thái độ phục vụ khách chưa tốt thì cố gắng phục vụ tốt lên; hàng bán cao giá hơn thì tìm cách hạ giá xuống; vệ sinh quán tuềnh toàng thì quan tâm để quán sạch hơn. Mọi ngành nghề trong xã hội đòi hỏi sự cạnh trạnh sinh tồn – cạnh tranh trong lương thiện. Sự cạnh tranh tạo đà cho sự tiến bộ. Trong công việc, giết người khác đi để chỉ còn lại mình với mình độc quyền không thể gọi là cạnh tranh. “Giết người đi thì ta ở với ai!” Đúng là bà Điệp không biết cách sống của một con người, nói rõ hơn có phần nào đó bà Điệp không phải là người; thế thì bà Điệp là gì nhỉ?
Mạnh Tử - một lý thuyết gia của Nho Giáo – chủ trương: “Nhân chi sơ tánh bổn thiện”; con người lọt ra khỏi lòng mẹ tính vốn hiền như nhau rồi qua thời gian, do môi trường sống, do giáo dục khác nhau, mới có người vẫn còn thiện và người đã hoá ác. Hành vi của bà Điệp là hành vi ác, như thế bà Điệp trưởng thành trong môi trường sống không tốt – môi trường quá chuộng kim tiền, không còn tình người; bà Điệp thiếu giáo dục cả trong gia đình, lẫn ở trường học; còn trong cộng đồng, hàng ngày, bà Điệp bị phơi nhiễm giữa những người tàn nhẫn, vô đạo đức và bị lây nặng. “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”, “chọn bạn mà chơi”, những câu tục ngữ đơn sơ, nhưng mang tính giáo huấn cao!
Bà Điệp ra tay thực hiện hành vi đầu độc vào đúng ngày Giáng Sinh (25/12) – ngày mà mọi người gởi cho nhau, nói với nhau những lời chúc tốt lành nhất; chắc chắn bà không phải là tín đồ Thiên Chúa Giáo. Tất cả các tôn giáo đều dạy con người làm lành tránh dữ. Tôn giáo đồng hành với pháp luật để hoàn thiện con người. Tôn giáo và pháp luật đều có tác dụng răn đe, trừng phạt những hành vi, ý nghĩ, lời nói xấu. Pháp luật nhắm đến sự răn đe, trừng phạt hữu hình; tôn giáo nhắm đến sự răn đe, trừng phạt vô hình. Đừng tưởng chỉ có cõi hữu hình mới chi phối cuộc sống con người mà quên đi cõi vô hình! Những sinh hoạt “sám hối”, “xưng tội” nhằm cảnh tỉnh con người tránh điều sai trái. Một người nào đó làm một việc gì có thể gây hại, người bên cạnh khuyên hay tự mình nghĩ lại: ”Đừng làm rứa mà tội!” Chỉ chừng đó thôi cũng đủ răn, chưa nói đến viễn cảnh tạo nghiệp, tạo duyên, lên Thiên Đường, Niết Bàn hay sa vào ngạ quỹ, súc sinh. Bà Điệp không có ý niệm gì về tôn giáo; đúng là hạng người vô tôn giáo!

Viết bài này, tôi chỉ muốn góp tiếng nói là “chận cái ác lên ngôi!”. Hy vọng rằng trong xã hội ta, hành động như bà Điệp là trường hợp hiếm có, chứ nếu không thì xã hội đã lâm nguy rồi!

Hoàng Đằng
29/12/2016 (01/12/Bính Thân)






Không có nhận xét nào: