Thứ Sáu, 28 tháng 4, 2017

Ngã Rẽ Đời Tôi - Nguyễn Cang


                   NGÃ RẼ ĐỜI TÔI                                                     
(Hồi ức của  Nguyễn Cang, nhớ về những ngày buồn của Tháng Tư 1975)

 Inline image
        Má tôi không phải là người ở thành thị, bà chính gốc là một người nhà quê. Hồi nhỏ má sống ở làng Rừng Da một nơi thật hẻo lánh gần biên giới Miên thuộc quận Bến Cầu tỉnh Tây ninh, lớn lên gặp ba tôi rồi lập gia đình. Chị em tôi được sinh ra và lớn lên ở vùng đất nầy một thời gian khá dài... Lúc nhỏ tôi thường quanh quẩn bên má, phụ bà lặt rau vo gạo nấu cơm. Tôi không thấy má đi ra quận hay tỉnh vì nghe nói quận ở xa làng lắm mà tôi cũng không biết nó ở đâu. Có lần tôi hỏi má khi nào có dịp ra quận cho con đi theo với. Má nhìn tôi một hồi lâu rồi bảo: "Không được! Ngoài ấy đông người lắm con đi lạc mất!”
     Năm lên 7 khi ấy làng tôi là vùng xôi đậu, các lực lượng chánh trị thường đối kháng nhau gay gắt làm xáo trộn cuộc sống bình yên của người dân trên mảnh đất nghèo khổ nầy. Một số gia đình khá giả bắt đầu bỏ làng quê ra thành phố lánh nạn. Thấy vậy ba má tôi cũng bắt đầu tản cư. Trước tiên tôi và người chị thứ ba ra quận Trảng Bàng tá túc nhà người cô. Tôi không thể nào quên được buổi mai hôm ấy trời lạnh căm căm môi tôi tím ngắt, bóng tối lờ mờ như muốn phủ chụp lấy tấm thân gầy guộc của má và chị em tôi.  tôi dẫn chị em tôi ra đi khi trời còn tối, má nắm tay tôi kéo mạnh về phía trước trong khi chị ba tôi lúp xúp chạy theo sau.  Đột nhiên má tẽ vào khu rừng người chú, đi loanh quanh một hồi rồi đến một cái "trảng" trống.  Nơi nầy không có cây lớn nhưng cỏ tranh dày đặc cản bước chúng tôi. Tôi thắc mắc không hiểu sáng nay tại sao má lại dẫn chị em tôi đi đâu trên con đường lạ nầy mà không đi con đường trống trải ngoài kia? Thấy má có vẻ vội vã và lo lắng tôi cũng không tiện hỏi lý do. Tôi té lên té xuống mấy lần còn chị ba tôi cũng không hơn gì tôi. Thấy chúng tôi cà lê cà lết như vậy má an ủi: "Rán chút nữa mình sẽ tới con đường mòn dễ đi hơn."  Sau cùng rồi ba mẹ con cũng tới được con đường mòn; từ đây má chọn con đường tắt hướng về Ngã Tư, má vừa đi vừa chạy như sợ ai duổi kịp làm chị em tôi vừa chạy theo vừa thở hổn hển như sắp đứt hơi. Đã vậy chốc chốc má lại hối chị em tôi đi nhanh lên!
    Chúng tôi đến Ngã Tư khi trời vừa sáng, cây cỏ còn mờ hơi sương, má bảo dừng lại nghỉ mệt một chút rồi tiếp tục đi. Cái địa danh "Ngã Tư" nầy như một phế tích của thời chiến tranh, in sâu vào lòng tôi như một dấu ấn, nó theo tôi suốt đời mỗi khi nhắc tới hai chữ quê hương. Ngã Tư! Nơi đây còn lại chỉ là một khu đỗ nát của cơ sở chánh quyền xã ấp Pháp ngày xưa: "Nhà Vuông" mà giờ đây lồng  mức, mắc cở, nhãn lồng, cò ke, cỏ tranh... bao phủ cả nền nhà. Ngói đỗ đầy nền xi măng loang lổ, vài cây cột nhỏ ám khói nằm lăn lóc bên ngoài.  Chỗ nầy đối với tôi không có gì lạ vì ngày thường thỉnh thoảng tôi theo ba tôi qua đây trước khi đi thăm ruộng lúa ở cánh đồng phía bên kia, cạnh "Đường Long". Có lần tôi đi ngang qua đây một mình, cứ nhìn vào nền gạch đỗ nát bên trong tôi đâm sợ vì nghe có tiếng sột soạt trong ấy mà tôi không biết đó là tiếng gì, tiếng người hay tiếng thú? Tôi lật đật bỏ chạy vì sợ ai đó nhảy ra kéo tôi vào trong Nhà Vuông bít chịt đó thì có nước chết! Sau nầy tôi mới biết ba má tôi quyết định đưa chị em tôi về vùng quốc gia kiểm soát, an ninh bảo đảm để đi học, tiếp theo, ba má và mấy chị em còn lại của tôi sẽ tìm cách ra sau. Ba má chấp nhận bỏ lại nhà cửa ruộng vườn để về vùng đất mới gầy dựng lại sự nghiệp cho tương lai con cháu mai sau.
     Ba mẹ con đi mất 3 tiếng đồng hồ thì ra tới đường nhựa, má đón xe bò, kéo lọc cọc cho tới xế chiều thì tới quận Gò Dầu (thuộc tỉnh Tây Ninh). Ba mẹ con ngồi bên lề đường nghỉ mệt đồng thời đợi chuyến xe ngựa đủ khách sẽ về Trảng Bàng. Gần bên chợ là cầu Gò Dầu bắc ngang con sông Vàm Cỏ Đông rộng mênh mông, nước chảy cuồn cuộn. Nắng chiều  rớt nhẹ trên dãy nhà lá bên kia sông, trải vàng dòng nước lấp lánh chạy tít chân trời.  Lần đầu tiên tôi trông thấy chiếc xe ngựa, nó lạ lùng và dũng mãnh, chỉ một con ngựa mà nó kéo 5-7 người chạy như bay. Điều lạ nữa là người ta ở đâu mà đông thế, cứ tới lui rập rình, chỗ nầy bán hàng chỗ nọ tụ tập quảng cáo thuốc gia truyền, thật náo nhiệt.
    Sau cùng chúng tôi cũng tới Trảng Bàng. Sáng hôm sau má tôi bỏ chúng tôi lại, sửa soạn quay về chuẩn bị cho những chuyến đi sau.  Má nắm tay tôi dặn dò đôi điều rồi quay sang chị tôi bảo phải rán chăm sóc cho tôi vì má phải về quê lo công việc chắc lâu lắm mới trở lại thăm chị em tôi. Nghe má nói tự nhiên tôi khóc thét lên hu... hu... nước mắt đầm đìa. Thấy vậy chị tôi cũng khóc theo. Má dỗ dành: “Từ từ rồi má sẽ xuống thăm các con, nín đi!” Tự dưng mẹ con chia lìa xa cách như vầy biết đến bao giờ mới gặp lại? Mà tại sao má tôi mang hai con đến đây rồi bỏ về? Từ thuở nhỏ tới giờ tôi chưa bao giờ sống xa cha mẹ thế mà nay bỗng dưng má bỏ con đi.  Tôi vừa giận má lại vừa thương má vì má đã từng gánh những gánh rau cải đi hằng 5-7 cây số kiếm được vài đồng nuôi lớn chúng tôi. Trước cảnh biệt ly nầy, tôi muốn nhìn má thật kỹ một lần chót như cố thu hết hình ảnh của má vào tim. Tuổi má chưa già mà trán đã nhăn, da đen sạm vì nắng mưa sương gió. Hai bàn tay má chai sần, chứng tích của những ngày làm việc nặng nhọc. Cái nón lá tưa một bên rũ xuống tận mép tai làm vai má nghiêng về một phía, hiện rõ một phần thân áo rách được vá lại bằng hai miếng vải đen mốc thếch còn in đậm lằn chỉ may. Mắt tôi như đang thấy bà gánh 2 thúng gạo nặng trĩu đi trên đường đê nơi quê nhà. Hình ảnh quê nhà chợt hiện đến trong mắt tôi: cái cối đá sau hè, những cây thốt nốt ngoài bờ rào, con trâu ngoài ruộng... như nhảy múa trước mặt. Ôi, những vật thân yêu nầy biết đến bao giờ tôi mới gặp lại?
      Rồi thời gian trôi mau...
Chúng tôi lớn dần theo vận nước nổi trôi.  Sau tháng tư 1975 dân Miền Nam bàng hoàng ngơ ngác không biết cuộc sống rồi đây sẽ ra sao.  Đầu tháng 6 năm 1975, Uỷ Ban Quân Quản Thành Phố HCM ra lịnh: Tất cả sĩ quan, quân dân cán chánh chế độ cũ đều phải trình diện học tập cải tạo 10 ngày.
    Tôi cũng cùng chung số phận với anh em kia. Vào tù đêm nằm thao thức không ngủ được, phần nhớ vợ con phần nhớ mẹ già không biết bây giờ ra sao? Mãi đến năm 1976, đầu mùa xuân, Nhà Nước mới cho phép thân nhân những người cải tạo được thăm nuôi chồng con, và cũng nhờ vậy mà tôi biết được tin tức má. Vợ tôi nói: "Má lúc nầy yếu lắm, bà lo cho anh nên ngủ không được. Tháng rồi không biết ai chỉ mà má lặn lội về làng Rừng Da tìm thằng U. để năn nỉ nó đứng ra bảo lãnh cho anh được về sớm.”  Nói xong vợ tôi móc trong túi ra tờ giấy trắng có viết mấy dòng chữ. Tôi cầm tờ giấy lơ đãng nhìn ra xa, thấy hình dáng  má tôi, lưng còng, tóc  bạc, lê từng bước trên con đường quê dài hun hút để xin cho tôi tờ giấy nầy.  Má đang băng qua thửa ruộng trơ những gốc rạ khô khốc để tiến vào con đường đất đỏ ở đầu làng khi nắng chiều vừa tắt.  Một cơn gió mạnh làm bật tung chiếc nón lá, má đuổi theo chụp lấy rồi bước nhanh như sợ hoàng hôn tràn tới khiến  không thấy đường vào làng. Trong phút chốc mà nắng chiều đã tắt hẳn, bóng má chập chờn nghiêng ngã rồi mất hút trong hàng tre...
    Ba mươi năm trước má từ bỏ làng quê yêu dấu, nay vì mạng sống của thằng con nầy mà má phải quay trở lại. Má, người mẹ già cô đơn đang đi giữa khung trời bao la tím ngắt, biết có còn ai là thân thích không mà má tìm? Má ơi! Còn có sự hy sinh nào to lớn hơn?  Sao tôi cứ làm khổ má hoài vậy? Bỗng dưng không cầm được nước mắt, tôi thổn thức trong tiếng nấc nghẹn ngào, không gian như đọng lại, bóng mẹ già nhạt nhoà trong nước mắt... Vợ tôi nắm lấy tay tôi siết mạnh như để chia sẻ niềm đau, rồi nói tiếp: "Anh  biết hôn, tháng rồi người bà con của má, chồng chị Tư Sương, có ghé thăm má, hỏi thăm anh cải tạo chừng nào về. Trước khi từ giã ảnh có cho má 3 đồng để ăn hủ tiếu.”  Một lần nữa tôi nghe tim đau nhói, gia đình mình suy sụp đến thế sao?
     "Ba đồng bạc thời buổi nầy quả thật chỉ đủ ăn một tô hủ tiếu nhưng nó quý lắm anh ạ vì đồng tiền khó kiếm", vợ  tôi nói tiếp.
     Rồi như chợt nhớ ra điều gì vợ tôi khum xuống lấy trong giỏ ra một hủ chao nhỏ đựng thứ gì đó. Nàng nói: "Chút xiú nữa em quên, cái hũ nầy là hũ mắm ruốc má xào với xả, hành, tốp mỡ để anh ăn, má bảo hồi nhỏ anh thích món nầy nên má ra chợ mua cho anh đó."  Tôi lặng người nghe niềm đau thấm vào tim óc rồi lan toả khắp cơ thể…
      Thằng con thứ hai theo mẹ, chốc chốc ngước nhìn tôi ngơ ngác rồi cúi rúc vào mình mẹ nó khóc ỉ ôi. Hình như nó không còn nhận ra cha nó nữa, nó cứ lấm lét nhìn tôi như người xa lạ.
     Buổi thăm nuôi ngắn ngủi rồi cũng chấm dứt. Trở về trại tôi nằm vật ra không thiết ăn uống. Nghĩ thân phận mình, nghĩ vận nước mà đau. Thằng U. là con của anh Tư Bắc, di cư vào Nam  trước 1954, nhà nghèo nhưng tánh tình ngay thẳng thật thà, được bà con lối xóm quí mến. Anh Tư có 2 con, thằng lớn tên U. đứa nhỏ là gái. Sau nầy nghe má kể lại thì anh Tư quá nghèo nên xin với ba cho cất nhà trong đám ruộng phía trước. Ba đồng ý mà không lấy tiền thuê đất, vì lẽ đó sau 1975, má về quê nhờ con anh Tư đứng ra xin cho tôi về sớm.
      Anh Tư dù nghèo nhưng lại biết lo xa, tần tiện nuôi con, cho con đi học ở Gò Dầu. Năm 1955 nó đậu vào Trung học Công lập Tây Ninh. Năm đệ thất mẹ nó lên nhà tôi xin cho nó ở cùng nhà để đi học, mỗi tháng mẹ nó mang gạo lên cho nó ăn. Đến giữa năm đệ lục bỗng dưng nó đi đâu mất. Lúc nhỏ tôi không để ý sự mất tích đột ngột của nó. Đến bây giờ má tôi mới cho biết, nó về quê để theo "Cách Mạng."  Má tôi hy vọng chỗ ân nghĩa ngày xưa nên về quê tìm nó. Lúc đó  nó có chức vụ gì trong xã tôi không biết. Trong giấy nó ký tên đóng dấu, còn chức vụ thì để trống. Tôi còn nhớ nó viết: "Thay mặt Uỷ Ban Nhân Dân xã Rừng Da đề nghị với Ban Quân Quản khi nào anh Cang học tập tốt thì cho về khu kinh tế mới Rừng Da để lao động sản xuất."  Trời! Tưởng nó xin cho mình về sớm ai ngờ viết như vầy thì cũng  như không!  Vậy mà má tôi vì thằng con nầy mà lặn lội xuống quê để xin cho được cái tờ giấy vô dụng nầy!!! Nhưng tôi hiểu lòng mẹ, bà không khi nào bỏ rơi tôi trong hoàn cảnh bi thương nầy.  Bất cứ giá nào má cũng đỡ lấy thân tôi thì sá gì chuyện đường sá xa xôi!
_____  Đời người như một dòng sông lúc nước lớn lúc nước ròng, hết cơn bỉ cực tới hồi thái lai. Tôi nhớ lại năm 1992, vào mùa hè, khi vượt qua một cuộc phỏng vấn đầy cam go cho diện sĩ quan cải tạo HO đi Mỹ, cả gia đình mừng khôn xiết. Tôi về lại Tây ninh để thăm mẹ già trước khi từ giả quê hương. Nghe tin chúng tôi sắp đi Mỹ, má mừng lắm. Bà nói: "Tao ngày đêm cầu Trời khẩn Phật cho bây được may mắn, xong rồi tao sẽ ăn chay một  tháng.” Tôi nghe cảm động dạt dào, hạnh phúc trào dâng ngập lòng. Suốt ngày tôi quanh quẩn bên má như muốn ôm lấy trọn vẹn niềm vui và cũng để chia sẻ với má giây phút quyến luyến hiếm có nầy.  Đó  cũng là thói quen của tôi từ thời niên thiếu: mỗi lần về thăm má là tôi ở miết trong nhà, quanh quẩn bên má, hỏi thăm chuyện nhà, chuyện bà con xa gần ai còn ai mất. Đang lúc vui tôi hỏi má: “ Má à, mai mốt con bão lảnh má sang Mỹ, má có chịu đi không? Nhưng má nhớ ký tên cho tốt để ông Mỹ nhận ra được chữ ký của má, chứ không ổng hỏng chịu cho má đi đâu.”  - _" Mẹ tổ cha mày! Tao hỏng thèm đi đâu!” Câu nói nầy má tôi nói không biết bao nhiêu lần mà sao tôi vẫn thấy nó dễ thương và ấm áp. Tôi đã nói rồi mà, má tôi là một bà mẹ quê, bà rất hiền từ chân chất, ngay cả ký tên bà cũng không viết được, chữ ký của bà chỉ là một cái vòng tròn có râu. Nhưng sao tôi vẫn yêu cái chữ ký đó.
      Nay má không còn nữa mà chữ ký của má vẫn còn in sâu vào trong lòng con.  Má ơi! Làm sao con có thể tìm lại được cái chữ ký ngoằn ngoèo của má?
     Mùa lễ Vu Lan năm nay con muốn gởi đến má một đoá hoa hồng tươi thắm. Con đã qua Mỹ được 25 năm rồi, các cháu của má đã có gia đình hạnh phúc và sanh con cho má nựng thoả thích!  Mấy đứa cháu nội của má đã trưởng thành, học hành đỗ đạt, có việc làm ổn định lương bổng  khá, con nghĩ một phần nhờ má tích đức nên mới có kết quả ngày hôm nay.
      Con cầu nguyện cho hương linh má được bình yên nơi cõi vĩnh hằng, ở đó không còn khổ đau, phiền não.
   "Đêm đêm thắp ngọn đèn trời
   Cầu cho cha mẹ vui  nơi vĩnh hằng"
      ( Nguyễn Cang )
-Bài viết đầu tay, đã lâu, nay cho đăng khi Tháng Tư lại về.
-Kính dâng hương hồn Ba Má đã vì con mà cương quyết từ biệt cái nơi hắc ám của thời chiến tranh để tìm cuộc sống mới bình an.
- Kính tặng giáo sư Phạm Bạch Tuyết đã khuyến khích tôi viết lại đoạn đường nghiệt ngã thời thơ ấu của tôi.
-Mến tặng một người bạn học cũ thời trung học đã khuyến khích tôi tập làm thơ viết truyện khi nhàn rỗi.

            Nguyễn Cang
 
 

Không có nhận xét nào: