Hằng năm, cứ đến THÁNG TƯ, ngày "oan trái 30" ấy lại trở về trong tôi. Cả một Sài Gòn sáng hôm đó, một bức tranh tang tóc, thê lương, cứ nằm mãi trong đáy hồn, không sao xóa đi được như một vết tràm, khắc sâu vào da thịt con người, theo ta cho đến ngày xuôi tay, nhắm mắt!...
Cảnh một gia đình bị địch pháo kích, nằm chết trên vỉa hè đường Võ Di Nguy Phú Nhuận, gần ngã tư, xác người lính nhẩy dù bị cột trên nòng súng T54 của địch, cảnh xe cộ nằm ngổn ngang ở bến Bạch Đằng, có chiếc còn đang cháy, chiếc nổ máy, cảnh người dân vào "hôi của" ở Kho 5 Khánh Hội, những toán quân rừng rú, mặt mũi thiếu máu, đi ngược dòng người, tiến vào Sài Gòn từ hướng Xa Lộ Biên Hòa, những giầy "saut", áo trận, mũ sắt, súng M16 vất đầy trước Phở Tầu Bay, gần Chợ Cá Trần Quốc Toản...
Dù hôm nay, trí nhớ tôi theo năm tháng, không còn như xưa, nhưng ngày đó thì tôi không quên được. Có bao nhiêu người đã viết về ngày ấy, nhưng có 2 câu thơ mà tôi cho rằng đã nói hộ chúng ta niềm đau mất nước:
Một năm người có mười hai tháng
Ta trọn năm dài, một Tháng Tư...
Đó là hai câu thơ cuối trong một bài thơ của cố thi sĩ Thanh Nam, ông đã nhớ trọn cả một năm dài Tháng Tư 75, chứ không phải chỉ có một ngày 30. Tâm hồn nhà thơ muốn ôm cả đất trời, mây xám hôm ấy vào lòng, cũng như chúng ta, ai chả tiếc thời gian đi mà không biết làm sao! Chỉ có Xuân Diệu, trong nỗi khát khao tột cùng, đã để lại cho đời những vần thơ thơ bất tử:
Ta muốn tắt nắng đi, cho mầu đừng nhạt mất
Ta muốn cột gió lại, cho hương đừng bay đi...
Hoặc một Hàn Mặc Tử, khi cơn đau phong cùi lên cực điểm, lời thơ như có từng giọt máu:
Maria, linh hồn con ớn lạnh
Run như run Thần Tử thấy long nhan...
Hôm nay, xin được cùng với triệu triệu người dân mất nước, được bầy tỏ ít dòng:
THÁNG TƯ ĐEN
Tháng Tư Đen, như hỏa ngục địa cầu
Như một vùng bóng tối, tối thật sâu
Tôi cứ ngỡ, mình trở về Đồ Đá
Chẳng còn gì để gởi lại kiếp sau.
*
Ngày ấy, mỗi lần ai nhắc đến
Tôi nhói đau, chết lịm, đứng gục đầu
Như trái sầu, chẳng hề rơi rụng
Như sim kia chín đỏ, chỉ một mầu.
*
Chẳng lẽ há mồm, chờ sung rụng?
Lực bất tòng tâm, vẫn cố ngẩng cao đầu
Đời ta rồi sẽ về đâu?
Trăm năm, còn có biết đâu là nhà...
*
Trần gian, vẫn một vầng nhật nguyệt
Thương nhà, còn mãi tiếng gia gia
Tổ quốc ơi! Ngày về xa quá!
Liệu có còn bóng mát dưới cây đa?
Viết cho một Ngày Buồn muôn thuở: 30 THÁNG 4, 1975.
AN H.G/20 (Tháng 4 /2017)
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét