Thứ Tư, 14 tháng 11, 2018

Nhân Ngày Nhà Giáo VN Viết Về Thân Phận Nhà Giáo - Hoàng Đằng

Nhân Ngày Nhà Giáo Việt Nam
               Viết Về Thân Phận Nhà Giáo                     

Trước tiên, nhà giáo mà tôi nói tới chỉ kể những người đứng lớp, đặc biệt những người dạy các lớp nhỏ, không kể những quan chức giáo dục.
Chọn nghề dạy học chẳng khác nào tự nguyện đi tu - phải biết kiềm chế nóng giận, phải biết kiềm chế sắc dục, phải chọn lời mà nói khi giao tiếp với tha nhân, phải ăn ở sao để cộng đồng xem như một hình mẫu ... 
Cũng vì thế, những người từng làm nghề giáo thường tỏ ra chậm chạp khi sống trong cuộc đời bon chen này. Tội nghiệp là ở gia đình, nếu người phối ngẫu (vợ hay chồng) thông cảm thì yêu thương, nếu không thì không hết lời chê trách.

Dạy học trò thì muốn học trò tiến bộ cả về chữ nghĩa cả về đạo đức. Trong giáo dục, dạy người thì phải hướng tới một hình mẫu nào đó, như trồng một cây, phải chăm sóc, tỉa nắn để thành một cây phát triển đẹp nhất. Cái quan niệm rằng giáo dục là cứ để trẻ phát triển tự nhiên, thật sự tôi không hiểu nổi!
Trẻ con càng nhỏ thì càng hiếu động. Trong lớp học, đặc biệt những lớp bậc tiểu học, học sinh không bao giờ ngồi yên; đứa nhảy bàn, đứa đạp ghế, đứa đánh bậy, đứa nói chuyện, đứa nghịch ngợm… Kinh nghiệm dân gian đã đúc kết thành câu tục ngữ: “Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò” đó rồi sao? Vậy thì muốn dạy (giảng bài, kiểm tra bài…), thầy (cô) phải ổn định lớp đã; ổn định bằng cách kêu gọi, thuyết phục không kết quả thì phải dùng hình phạt. Cứ xem! Nhà nước giải toả nhà đất cũng vậy, vận động không xong thì cưỡng chế; quan trọng là phải đem tinh thần nhân đạo ra mà cưỡng chế - cưỡng chế sao cho hợp tình, hợp lý! Cũng thế thôi! Thầy (cô), đôi lúc cần, vẫn ra hình phạt đối với học sinh; chỉ có điều hình phạt và cách phạt phải bao hàm TÌNH THƯƠNG YÊU. Phạt học trò mà thiếu thương yêu, thế thì không phải là thầy (cô) nữa - không phải là nhà giáo nữa. Nói rõ ra, làm giáo dục phải biết bao dung, biết thương yêu và tôn trọng lẽ phải.
Mấy quan chức giáo dục chưa hề đứng lớp, cứ ngồi nghĩ ra thông tư, chỉ thị, lệnh cho giáo viên đứng lớp phải tôn trọng tự do của học sinh. Họ nghe nói ở những nước văn minh giáo viên phải như thế; họ muốn rập khuôn mà không hiểu rằng để có sản phẩm giáo dục là con người biết tự trọng, biết tôn trọng, sống có kỷ cương, biết thương yêu đồng bào, đồng loại và thương yêu muôn loài, biết giữ sạch môi trường, biết bảo vệ môi sinh, có tinh thần dân chủ thì giáo dục phải được nâng đỡ bằng 3 trụ cột: gia đình, xã hội và nhà trường. Nhà trường không thể truyền đạt có kết quả những điều mà trẻ không tìm thấy trong gia đình, ngoài xã hội; một ví dụ đơn giản thế này thôi! Nhà trường dạy đừng vất rác bừa bãi, ở các nước văn minh, mọi người đều bỏ rác có nơi; còn ở Việt Nam, ai cũng xả rác bừa bãi; như vậy, ở các nước văn minh, bài học “không xả rác” mang lại kết quả; còn ở Việt Nam, bài học ấy đã không có tác dụng gì mà còn làm mất niềm tin nơi trẻ.  

Mấy hôm nay, ở trường tiểu học Trần Văn Ơn, quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh, cô giáo Thanh 29 tuổi, theo đánh giá của lãnh đạo giáo dục quận, có "chuyên môn giỏi, nhiệt tình với nghề, hết lòng với học sinh", vì thế, cô được giao dạy một "lớp yếu" (lớp học mà học sinh nghịch ngợm, khả năng tiếp thu chậm ...).
Hôm ấy, cô đang đứng lớp, học sinh nói chuyện ồn ào, cản trở việc dạy của cô; cô phải ổn định lớp, nhưng bằng kêu gọi hay thuyết phục không được, cô đành ra hình phạt: mỗi học sinh tự "vã" vào miệng của mình. Học sinh của cô về mách chuyện với bố, mẹ của chúng; thế là phụ huynh không bằng lòng phản ảnh với ban giám hiệu; chuyện đồn thổi thành dư luận thiếu thiện cảm với cô giáo Thanh.
Hình phạt nhẹ nhàng thế mà một số nhà “tâm lý học” lên tiếng trên đài Truyền Hình Quốc Gia rằng hình phạt ấy không những tổn thương trẻ về mặt thể xác mà còn tổn thương trẻ về mặt tinh thần lâu dài. Ngoa ngôn và độc ác chi dữ rứa, mấy nhà “tâm lý học” ơi! Ước gì các nhà “tâm lý học” ấy có dịp vào dạy những lớp như thế vài buổi thôi để có trải nghiệm những khó khăn của thầy (cô)!
So với ngày xưa, hình phạt “tự vã mồm” không nghĩa là gì!  Ngày xưa, nào là chép bài phạt hàng trăm lần, nào là quỳ, có khi quỳ trên xơ mít, nào khẽ thước vào tay, nào đánh bằng roi mây ... Nhưng thôi! Cái thời ấy qua rồi, lẽ dĩ nhiên phạt như thế cũng có sai nhiều nhưng vào thời ấy, không khí trường lớp vẫn yên ổn, tình cảm thầy trò bền chặt, cả khi học lẫn khi ra đời; thậm chí, trò nào càng bị phạt nhiều càng thương nhớ thầy (cô) phạt mình nhiều hơn.
Ngày nay, chuyện của cô Thanh ở trường Trần Văn Ơn náo động cả xã hội - báo chí đưa tin, truyền thanh, truyền hình lên sóng nhiều lần. Và hình phạt mà nhà trường áp đặt lên cô giáo Thanh: không cho đứng lớp, không cho thăng tiến trong nghề nghiệp... sẽ tác dụng tiêu cực đến thiên chức nhà giáo Thật ra, nếu biết tôn trọng thầy (cô), ban giám hiệu nhà trường và, nếu cần, thêm đại diện hội phụ huynh học sinh, góp ý với cô một cách kín đáo là xong
Làm dữ thế, hèn chi các thầy (cô) cứ "ăn cơm chúa, múa cho tối ngày", các thầy (cô) tâm huyết sẽ mất nhiệt tình trong dạy dỗ để rồi kết quả giáo dục là có học trò lên cấp 2 mà vẫn mù chữ. Và trò nào muốn đi xa trên đường học vấn phải tìm chỗ học thêm vì ở lớp không thể học đàng hoàng được. Trường học biến thành nơi để trẻ đến chơi theo ý thích cho qua thời giờ.
Viết đến đây, tôi thấy thương các thầy (cô) tâm huyết quá mà không biết làm thế nào!
Hoàng Đằng
        14/11/2018




Không có nhận xét nào: