Thứ Năm, 10 tháng 6, 2021

Chữ Nghĩa Làng Văn (36) - Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

                    Chữ Nghĩa Làng Văn (36)

                                       Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

“Chữ Nghĩa Làng Văn” đôi khi chỉ là một chữ, cụm từ, đoạn văn cô đọng, diễn nghĩa, diễn giải một áng thơ văn hoặc một thể tài nào đó. Những trích dẫn được góp nhặt qua sách vở, trên mạng lưới của nhiều tác giả thành danh hay khuyết danh, không ngoài góc nhìn tận tín thư bất như vô thư. Ấy là chưa kể nhiều từ ngữ, đề mục trong bộ sưu tập đang còn trong vòng nghi vấn, cần phải thẩm định lại nếu có thể được với những bậc thức giả văn kiến súc tích. Những phụ chú, dẫn chứng hay giai thoại do người viết kể lại, với chủ quan, khách quan chỉ cách nhau một sợi tóc. Vì vậy người sưu tầm không đặt ra “sai” hay “đúng”, vì cái sai hiện tại có thể là cái đúng ở một thời điểm nào khác. Xin chân thành cảm tạ và cáo lỗi những tác giả đã đóng góp bài vở trong sưu tập này, nhưng vì phương tiện eo hẹp nên người sưu tầm không thể thỉnh ý tác giả trước khi đăng tải – Ngộ Không Phi Ngọc Hùng.


***


Tụi


Tụi : bọn

(tụi nó với nhau)


(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)



Nhất tướng công thành vạn cốt khô

Nhiều người hiểu “công thành” ở đây là “tấn công” một cái thành để hiểu sai thành ngữ trên là “một ông tướng mà tấn công thành thì tốn vạn xương cốt”.


Thực ra “công thành” ở đây là “thành công”. Vì vậy câu trên nên hiểu là “một ông tướng thành công thì hàng vạn quân lính phải vong thân, xương cốt chết thành đống”.

(Duy Lý – báo Tự Do)


Chữ Việt cổ

Tràng ốc: tràng học  (trường học)

(Đại Nam Quốc Âm Tự Vị - Huỳnh Tịnh Paulus Của)


Chữ là nghĩa

Chùa nhỏ nơi hẻo lánh chân núi hay cửa rừng thường gọi là am.

Ngừơi ta hay xây am ở bên cạnh nghĩa địa để thờ vong hồn, gọi là chùa Âm Hồn hay Am Chúng Sinh. 



Mắm còng

Mắm còng rất nổi tiếng ở Cần Giuộc và Gò Công. Còng cũng giống như con ba khía vùng biển Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau nhưng còng bò rất nhanh… nhanh như còng gió.


Còng gió: loại còng nhỏ con, chân dài, bò lỏng khỏng. Anh chàng hay cô nàng nào gầy hom, cao lêu khêu, gọi là tường còng gió.
Còng quều chỉ người tay dài có cử chỉ vụng về. Còng ma chỉ người thấy đó, mất đó như… ma vậy.


Còng có cái mình lớn, nhiều thịt, chân càng ngắn và có thịt hơn ba khía nên rang muối ăn ngon

 


Nghệ thuật chơi chữ trong ca dao 

Từ điển thuật ngữ văn học gọi chơi chữ là "lộng ngữ" và giải thích là một biện pháp tu từ có đặc điểm: người sáng tác sử dụng những chỗ giống nhau về ngữ âm, ngữ nghĩa, văn tự, văn cảnh để tạo ra sự bất ngờ thú vị trong cách hiểu, trong dòng liên tưởng của người, người nghe. 

 

Các hình thức của lộng ngữ rất phong phú, trong đó có: nói lái, dùng từ đồng âm hoặc gần âm, dùng từ gần nghĩa, tách một từ thành các từ khác nhau

 

Việc dùng từ trái nghĩa trong cùng một câu thơ, cũng là một hiện tượng chơi chữ của dân gian:


Bánh cả thúng sao gọi là bánh ít

Trầu cả khay sao dám gọi trầu không.

 

(Trần Minh Thương - Nghệ thuật chơi chữ trong ca dao Việt Nam)



148 Chữ nghĩa làng văn xóm chữ

Tình yêu trong thơ Phạm Thiên Thư thánh thiện, nhẹ nhàng và kín đáo. Chút bẽn lẽn, khẽ chạm mà không dám “tay trong tay” vì sợ tình sẽ tan biến thành khói sương. Hoàng Thị Ngọ trong bài  thơ "Ngày Xưa Hoàng Thị" chỉ là kỷ niệm, một mối tình thoảng nhẹ vu vơ. 

Theo lời nhà thơ Phạm Thiên Thư tâm sự :  

- “Tôi vẫn nhớ căn nhà những ngày ấy, đó là một căn nhà nhỏ nằm đằng sau chợ Tân Định. Cha tôi xin cho tôi học tại trường trung học Văn Hiến cách nhà không xa. Tôi đã học hết tú tài ở đó. Cũng trong những năm học này, tôi để ý một cô bạn học cùng lớp tên là Hoàng Thị Ngọ, cô gái đó quê gốc Hải Dương, ở gần nhà. Nhưng chỉ là để ý thôi chứ không dám ngỏ lời. 


“Hàng ngày, khi xếp hàng vào lớp, cô gái đứng ở đầu hàng bên nữ, nổi bật với mái tóc dài xoã trên bờ vai mảnh dẻ. Tôi chỉ im lặng ngắm nhìn. Rồi khi tan trường, cô gái một mình trên đường về nhà, tôi lại là kẻ lẽo đẽo theo sau. 

“Cô ấy ôm cặp đi trước còn tôi theo sau nhưng không dám lên tiếng. Trong bóng chiều tà, ánh nắng hắt qua hàng cây, cô ấy lặng lẽ bước, gây cho tôi những cảm xúc bâng khuâng khó tả. Cứ thế, tôi chỉ biết lặng lẽ đi theo sau cô ấy hàng ngày, giấu kín những cảm xúc của mình không cho bất cứ ai biết…"

 

Những năm sau này, mỗi khi đi ngang lại con đường của một thuở yêu đương, hình ảnh cô gái với mái tóc xoã ngang vai lại hiện về trong ông:


Em tan trường về

Đường mưa nho nhỏ

Chim non giấu mỏ

Dưới cội hoa vàng

                        

Giờ đây, Hoàng Thị Ngọ đã định cư ở Mỹ (Houston). Hơn 50 năm, nơi phương trời xa xôi, cô nữ sinh ngày ấy có còn nhớ…


Tìm xưa quẩn quanh
Ai mang bụi đỏ
Dáng em nho nhỏ
Trong cõi xa vời

Tình ơi! Tình ơi!

 

(“Hoàng Thị…” của Phạm Thiên Thư – Nguyễn Việt)

 


Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Dây tơ hồng... quấn quanh chuồng lợn
Tình chúng mình có… tợn quá không em

 


Đã có một thời…

Thanh Nam

Khi đó Thanh Nam làm việc ở Đài Phát Thanh Quân Đội với ông Vũ Quang Ninh và Huy Quang, Vũ Đức Vinh cùng một lô các nghệ sĩ nổi tiếng như Đan Thọ, Anh Ngọc, Vũ Huyến, Nhật Bằng… Công việc của anh là biên tập viên, có lẽ anh phải làm đầu bếp, “nấu nướng” đủ các móm hầm bà làng từ tin tức đến bình luận, phóng sự và những chương trình ca nhạc. Ngoài ra trong chương trình phát thanh “Tao Đàn” trên đài phát thanh Sài Gòn, do cố thi sĩ Đinh Hùng phụ trách cũng có Thanh Nam.

 

Hồi đó ba chàng nghệ sĩ Thanh Nam, Thái Thủy, Hoàng Thư thường thuê nhà ở chung từ ngõ Phan Văn Trị, đến con hẻm bên rạp Quốc Thanh và cuối cùng là building Cửu Long nằm trên đường Hai Bà Trưng. Cả ba ông nghệ sĩ nổi tiếng này chỉ có một căn phòng hẹp téo, chiều ngang chừng 2m, vừa đủ kê một chiếc giường cá nhân và một lối đi. Thường là các ông ấy chia phiên nhau, một anh nằm trên giường, hai anh nằm dưới sàn nhà. 

(Thanh Nam trong hoài niệm – Văn Quang)



Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Nàng thủ thỉ… tháng này em chưa có. 
Chàng mới nghe… muốn cuốn vó chạy cho rồi

 


Đã có một thời…

Nhà thơ Tô Kiều Ngân từ đời lính đến Tao Đàn

Đám tang Thục Vũ, hình ảnh bi thảm nhất trong cuộc đời chúng tôi. Vào buổi chiều năm 1977, khi đồi núi Sơn La bắt đầu chạng vạng, chúng tôi đang làm những công việc cuối cùng ở vườn rau thì bất chợt nhìn sang lối ra từ bệnh xá một khung cảnh hết sức đau lòng. Trên con đường đá cũ nhỏ, vòng theo sườn núi cao vút chập chùng, cách vườn rau là cái ao, đám tang bắt đầu di chuyển chậm chạp. Hai anh cai tù vác súng AK đi đầu, theo sau là một anh tù cầm vài nén nhang, đến 4 anh tù khiêng cỗ quan tài mộc. Suốt con đường dài âm u đó, chỉ có đám người ấy lặng lẽ chuyển động như những bóng ma.


Ở vùng đồi núi bóng tối đổ xuống rất nhanh, mang theo sương mù mỏng giăng ngang triền dốc dựng đứng như những bức tường đá của nhà giam. Chúng tôi biết chắc đó là đám ma Vũ Văn Sâm tức nhạc sĩ Thục Vũ. Tất cả hơn ba chục tù nhân trong đội rau đứng ngẩn ra, dán mắt nhìn theo cái đám ma thê thảm ấy. 

Ông Phan Lạc Phúc, đến bên tôi, không nói lời nào, quay mặt đi giấu nước mắt. Nhìn sang phía bên trạm xá, Tô Kiều Ngân đứng sau hàng rào kẽm gai cũng ngơ ngẩn. Ngân vẫy tay cho tôi và anh Phan Lạc Phúc chẳng biết để làm gì. Là một sự cảm thông tận cùng hay nói lời từ biệt.


Tất cả đứng như tượng gỗ dõi theo đám tang đi trong buổi hoàng hôn lạnh ngắt, dần khuất vào cuối con đường cong phía chân núi. Sương mù bắt đầu tỏa xuống. Hình ảnh đám ma Thục Vũ còn in đậm trong tâm khảm chúng tôi cho đến bây giờ. Tôi chắc anh Tô Kiều Ngân, đến cuối đời cũng chưa quên được hình ảnh này. Nó trở thành những kỷ niệm rất riêng nhưng cũng lại rất chung của những ai đã từng sống qua những cái được gọi là “trại cải tạo”.

(Văn Quang)



Ca dao tục ngữ hiện đại hiện thực

Cá không ăn muối cá ươn

Chồng cãi lại vợ trăm đường thiệt thua



Văn nghệ sĩ miền Bắc như tôi biết 

Vũ Ngọc Phan với Nguyễn Tuân 

Đây tôi xin nêu tiếp vài nét phê bình của Vũ Tiên Sinh đối với một số nhà văn, như Nguyễn Tuân - Ông là một nhà văn đứng hẳn ra một phái riêng. Đọc Vang Bóng Một Thời của ông, người ta có cảm tưởng đứng trước một bức cổ họa... Tác giả Vang Bóng Một Thời là người khơi lại đống tro tàn của dĩ vãng để bày lại trước mắt ta những cái ta đã biết qua hay cái ta chưa hiểu rõ.


Muốn thưởng thức lối văn tả cảnh tuyệt khéo của Nguyễn Tuân, phải đọc Những Ngọn Đèn Xanh trong Tùy Bút. Còn muốn biết cái giọng khinh bạc của ông hãy đọc Những Ngày Thanh Hóa.

Sau khi khen ngợi Nguyễn Tuân hết lời, Vũ Tiên Sinh hạ bút về quyển Thiếu Quê Hương của Nguyễn Tuân như sau: Thiếu Quê Hương là một tập truyện không gọi được sự ham mê của người đọc, nó chỉ là một tiểu thuyết ngắn dài dòng không đủ cốt cách để là một truyện dài vững chãi.

Người ta thường hay nói đến cái lôi thôi, cái dài dòng của Nguyễn Tuân, nhưng người ta không nhớ rằng Marcel Prévost và Tourguéneff còn dài dòng hơn nhiều mà đó chính là những sự diễn tả thành thực của tâm hồn.

(Xuân Vũ)

 


Văn nghệ sĩ miền Bắc như tôi biết 

Vũ Ngọc Phan với Hồ Biểu Chánh Hòang Ngọc Phách

Sau đây là những dòng của Vũ Ngọc Phan viết về Hồ Biểu Chánh và Hoàng Ngọc Phách, hai tiểu thuyết gia tiên phong của miền Nam và đất Bắc vào khoảng 1920-30:

Về đường lý tưởng tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh cũng như tiểu thuyết Hoàng Ngọc Phách nghĩa là cả hai nhà văn này đều lấy luân lý làm gốc, lấy cổ gia đình làm khuôn mẫu, lấy sự trọng hậu làm điều cốt yếu trong mọi việc ở đời. Nhưng tiểu thuyết họ Hồ khác tiểu thuyết họ Hoàng về mấy phương diện. Tiểu thuyết họ Hoàng thiên về tả tình và giọng văn nhiều chỗ ủy mị, cầu kỳ, không tự nhiên, còn tiểu thuyết của họ Hồ thì thiên về tả việc và lời văn mạnh mẽ, giản dị, nhiều chỗ như lời nói thường.


Thật thế, tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh là những tiểu thuyết đầy động tác, việc nọ việc kia dồn dập, gây cho người đọc những cảm tưởng kỳ thú. Nếu đọc tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh mà lại chê kém mặt tả tình và về tưởng tượng không được dồi dào thì thật là không biết xét nhận. Tính tình của người ta biểu lộ ở lời nói đã đành, còn biểu lộ ra ở cả mọi sự hành động nữa, mà biểu lộ ra hành động mới thật đầy đủ, mới thật là những tính tình đã trải qua những thời kỳ. Về đường tâm lý, nếu tính tình cùng tư tưởng chỉ diễn ra được đến lời nói là cùng.

Bởi vậy qua một thời kỳ chọn lọc ý kiến cùng tư tưởng qua một thời kỳ suy nghĩ, qua một thời kỳ dự định, phải đến một thời kỳ hành động mới được. Một thiên tiểu thuyết mà động tác dồn dập bao giờ cũng là một thiên tiểu thuyết kỳ thú. 

(Xuân Vũ)



Vũ Ngọc Phan và Nhà văn hiện đại - 1

Quan niệm phê bình của Vù Ngọc Phan chỉ hạn chế về văn chương, về kỹ thuật viết văn mà không sử dụng những yếu tố khác như tâm lý, tiểu sử, hoàn cảnh nhà văn đang sống trong việc giải thích và phê bình.

Phương pháp trong Nhà Văn Hiện Đại, ông chú trọng vào việc phê phán câu văn viết đúng hay sai văn phạm, sự quan sát tinh vi hay sơ sài hời hợt, cốt truyện hay hoặc dở, cách thức kết cấu và sự mô tả khéo léo hay vụng về

(Trần Bích San – Văn Khảo)



Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ


Theo “Tự điển tiếng Viêt dành cho học sinh” ở Hà Nội (Vũ Chất):

Quản giáo: Người coi một giáo đường hay tu viện


Văn nghệ sĩ miền Bắc như tôi biết 

Vũ Ngọc Phan với Nhà Văn Hiện Đại - 2

Nhà Văn Hiện Đại của Vũ Ngọc Phan gồm ba quyển 1266 trang, ông viết tại Vũ Gia Trang, ấp Thái Hà năm 1941. Tôi có đến ấp Thái Hà nhiều lần. Ở đây có Gò Đống Đa, đền thờ Sầm Nghi

Đống và thái ấp của Phó Vương Hoàng Cao Khái.


 


Trong bộ sách này, Vũ Ngọc Phan phê phán hầu hết tất cả các nhà văn đương thời, gồm có các nhà biên khảo, tiểu thuyết gia, thi sĩ, các nhà văn viết bút ký, các tiểu thuyết gia tả chân, tiểu thuyết gia trinh thám.

- Mở đầu quyển I, ông nói về Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Văn Vĩnh... Cuối sách: Ngọc Giao, Thụy An, Phạm Cao Cũng

- Tất cả trên một trăm nhà văn nhà thơ. Một công trình đồ sộ trong đó ông đổ không biết bao nhiêu tâm lực.


Nói về tác phẩm đồ sộ này, tôi không có khả năng, còn thuật lại từng trang một là một mission impossible đối với tôi. Cho nên ở đây tôi chỉ nói qua một nét về ngòi bút phê bình của Vũ Ngọc Phan. Từ khi có cái gọi là văn học cách mạng do đảng cộng sản lãnh đạo các nhà "phê bình" mới viết bài theo chánh sách (Trần Văn Giàu gọi là Định đề, tức là nói lòng vòng một hồi rồi cũng kết luận là đảng đúng, không có sai lầm).

(Xuân Vũ)



Viện Viễn Đông Bác cổ


Từ năm 1902, trụ sở của viện được chuyển ra Hà Nội với các nhiệm vụ chính: Thăm dò khảo cổ học, sưu tập bản thảo, bảo tồn các công trình, nhân chủng học các tộc người, nghiên cứu di sản ngôn ngữ, lịch sử các nền văn minh phương Đông.

 

Một thư viện và một viện bảo tàng được thành lập là kho dữ liệu của các nhà nghiên cứu của Viện Viễn Đông Bác Cổ.

Toàn Quyền Đông Dương cho biết về kho sách quý giá này: “Thư viện của Viện Viễn Đông Bác Cổ ngày càng phong phú hơn nhờ 100 tập sách do Quốc Sử Quán (triều Nguyễn) in ấn và được hoàng đế An Nam trao tặng. Ngoài ra, còn có rất nhiều tác phẩm đến từ Trung Quốc và các bản sao chép tác phẩm quý hiếm của Việt Nam nhờ các vị quan hay nho sĩ cho mượn. Vì vậy, có thể nói đây là thư viện về nghiên cứu Đông phương đầy đủ nhất”.

 

Bìa cuốn sách Mối quan hệ của phái đoàn các Cha Dòng Tên với Vương Quốc Nam Kỳ, xuất bản năm 1631, EFEO, Paris.RFI / Tiếng Việt (Thu Hằng)




Đền Thánh Mẫu

Trong “Thượng kinh ký sự” của Lê Hữu Trác, có kể chuyện trên đường từ Thanh Hóa đến Thăng Long vào năm 1781:

“Buổi chiều đến nghỉ ở trạm xá Kim Khê (gọi là quán Me). Quan Văn Thư làm lễ, vào yết kiến trong miếu của xã ấy, bày ra một tiệc hát và mời tôi cùng dự.  Bấy giờ Thánh Mẫu đang nhập vào Cô Đồng. Cô ta đang ngồi lắc lư và đang nói. Có người bảo tôi:

- Thánh Mẫu linh thiêng lắm, báo ứng không sai điều nào. Cụ lần này lên kinh có muốn cầu gì thì lại mà cầu.

Tôi nói:

- Có mong được gì thì mới cầu chứ! Lòng tôi đã không mong được gì, vậy cầu để làm gì?

Cô Đồng nghe nói mỉm cười. Quan Văn Thư nhìn tôi cười khanh khách. Nửa đêm tiệc tan mọi người về trạm nghỉ.


***

Ông Maurice Durand còn trích dẫn một đoạn văn của Travernier đăng trong Tạp chí Đông Dương 1909, trang 50 (Revue Indochinoise) nói về Bà Cốt ở thời nhà Lê như sau:

“Bà phù thủy mà người Bắc Việt đến hỏi han gọi là Bà cốt…”.


(Tục lên đồng với triết lý lên đồng – Nguyễn Đăng Thục)



Xóm Gà

Xóm Gà còn là nơi cư ngụ , lai vảng của văn, thi sĩ , nhà báo tên tuổi ngày xưa như Tản Đà, Phan Khôi, Ngô Tất Tố, Tế Xuyên, 

“Trong những ngày tháng “rong chơi” Sài Gòn, Xóm Gà cũng là nơi Trung niên thi sĩ (Bùi Giáng) đã dạo qua với bài:

Ngoại ô

Sài Gòn bất tận ngoại ô

Xóm Gà Bình Thạnh xóm mô Chuồng Bò

Ghé thăm Chuồng Ngựa quanh co

Chạy về thẳng tắp viếng chùa Già Lam.


Năm 2001, địa danh Xóm Gà được nhắc tới lần nữa trong tập truyện Sài Gòn Vang Bóng của Phan Thứ Lang. Đó là bài “Xóm Gà – vùng đất của mấy tay anh chị thời xưa” và bài “Thi sĩ Tản Đà đóng Cinéma ở Xóm Gà”.


Từ 1975 trở về trước nửa đầu thế kỷ, người xưa trong xóm mà Vương Hồng Sển gọi là người Sài Gòn xưa.  Họ ra đi khắp bốn phưong trời rồi kẻ đến muôn phương, nhà cất lên san sát, không trật tự, đổi đời, nhưng dù sao những ngôi chùa vẫn còn đó để chứng kiến bao nhiêu chuyện đổi thay. 

(Y Nguyên-Mai Trần)



Hát Chèo

Thái Bình là một trong những cái nôi của những làn điệu hát chèo. Tiêu biểu nhất là chèo làng Khuốc là dòng chèo đặc trưng của địa phương: Làng Khuốc nay là xã Phong Châu, huyện Đông Hưng, cùng với Hà Xá (Hưng Hà) và Sáo Diền (Vũ Thư) là những chiếng chèo nổi tiếng của Thái Bình. 

 

Đầu thế kỷ thứ 19, có lúc trong làng có đến 15 gánh hát chèo. Chèo diễn quanh năm suốt tháng, không chỉ được biểu diễn ở trong làng mà gánh hát chèo còn đi đến các vùng khác. Trong tổng số 151 làn điệu và ca khúc chèo thì riêng các phường chèo Thái Bình đã chiếm 30 ca khúc và bốn kiểu hát nói. Trong số 155 nghệ sỹ chèo là người Thái Bình trong các đoàn chèo cả nước thì riêng làng Khuốc có 50 người. 

(nguồn: ttvhq5.com.vn)



Xẩm 

Các cụ kể rằng, cuối đời Trần, vua cha sinh hạ được hai hoàng tử là Trần Quốc Toán và Trần Quốc Đĩnh, vua không biết nhường ngôi cho ai, nên truyền lệnh cho hai hoàng tử lên rừng tìm ngọc quý, ai đem về trước sẽ được nối ngôi vua. Đĩnh đã tìm được viên ngọc quý. Nhưng rồi với lòng gian tham đố kỵ, Toán bèn lừa lúc Đĩnh ngủ say, rút gươm chọc mù hai mắt Đĩnh rồi cướp lấy ngọc đem về. Đĩnh đã lần mò trong rừng quờ quạng được sợi dây rừng, tước nhỏ, se lại, Đĩnh buộc vào cây song mây hình cánh cung để làm đàn và cất lên những khúc nhạc lòng ai oán. Những người sơn tràng nghe thấy, liền đưa chàng ra khỏi rừng. 
Từ đó, hàng ngày hoàng tử Đĩnh lần mò ra xóm chợ kiếm sống bằng lời ca, tiếng đàn của mình. Tiếng đồn về những khúc nhạc của người nghệ sĩ mù dần vang xa, lan mãi đến tận kinh thành và tới tai nhà vua... Nhờ đó mà vua cha đã tìm được Đĩnh và trừng trị Toán. Nghệ thuật hát xẩm nước Nam ta bắt đầu từ đấy. 


Trong truyền thuyết về tổ nghề cũng như trong hiện thực, hát xẩm vốn là một loại hình nghệ thuật âm nhạc của những nghệ sĩ hát rong, là những người khiếm thị. “Xẩm vừa là tên gọi của thể loại, đồng thời cũng là tên gọi của những nghệ sĩ hành nghề, như anh xẩm, chị xẩm hay bác xẩm... 


Trong những đồ nghề bất ly thân của mỗi nhóm xẩm, bao giờ cũng có một chiếc chậu đồng thau.


 


(Âm nhạc dân tộc – Bùi Trọng Hiển)



Văn hoá chửi 

Trong nghệ thuật cổ đại và trung đại, từ hội hoạ đến điêu khắc, trong khi hình ảnh khoả thân của phụ nữ xuất hiện tương đối muộn và thường gắn liền với cái nhìn mang dục tính; hình ảnh khoả thân của nam giới xuất hiện rất sớm, được xem là biểu tượng của sự sinh sản, của cái đẹp và nhất là của hùng tính. 

Ðể bảo vệ hùng tính như một đặc quyền của nam giới, các nghệ sĩ ngày xưa đã tước đoạt của nữ giới một điều mà trên thực tế họ cũng sở hữu: lông. Trong hầu hết các bức tranh phụ nữ khoả thân thời trước, bộ phận sinh dục bao giờ cũng trắng ngần, trong veo, như là ngọc, tuyệt không một sợi lông

Tại sao? Tại người ta cho lông lá là thuộc tính của phái nam. Nam tính, hùng tính, do đó, đồng nghĩa với quyền lực.


Theo một số nhà hậu cấu trúc luận, đặc biệt các nhà nữ quyền, cả nền văn minh Tây phương được xây dựng trên một cột trụ chính: dương vật. Người ta gọi đó là một thứ chủ nghĩa duy dương vật (phallocentrism), ở đó, dương vật được xem như là một quyền lực, một trung tâm, một chuẩn mực, một thứ hệ quy chiếu được dùng để đo lường và đánh giá mọi sự vật và hiện tượng khác. 

Theo cách nhìn duy dương vật, loài người là những kẻ có… dương vật (bởi vậy “man”, đàn ông, mới đồng nghĩa với nhân loại nói chung, “mankind”); phụ nữ bị xem là những kẻ khuyết dương vật, nói theo chữ của Simon de Beauvoir, chỉ là “giống thứ hai”.

(Nguồn: Nguyễn Hưng Quốc)



Chửi mất gà


Tổ cha mày

Cái đứa đen lòng xanh cật

Mặt sấp mo nang

Rình ngang rình ngửa

Bắt gà của bà

 

Ở nhà bà

Nó là gà xương gà thịt

Về nhà mày

Nó là thần nanh xanh, mỏ đỏ

Nó mổ mắt mày

 

Ở nhà bà

Nó là gà gấm gà hoa

Sang nhà mày

Nó là ác cầm ác thú

là cú là cáo

là báo là hổ

Vồ cả nhà mày

Giày cả nhà mày.

(Khuyết danh)



Tình dục trong làng văn xóm chữ

Đàn ông viết tình dục về đàn bà

Không ai viết về tình dục đàn bà thật và đúng hơn đàn bà hoặc ngược lại. Như tôi đã nói ở trên, tình dục chỉ là một khía cạnh của đời sống. Viết về tình dục là viết về một khía cạnh nhân bản của đời sống con người và là lựa chọn riêng của người viết. Người viết nữ Việt Nam chọn viết về tình dục là chọn con đường chông gai nhiều tai tiếng và sóng gió so với những con đường thênh thang khác. Tôi nhận thấy cái giá họ phải trả cho công việc mà họ yêu mến này thật quá đắt. 


Vì vậy nên độc giả và tác giả trước khi tranh luận nên tìm đọc tác phẩm các nhà văn nữ thay vì chỉ đọc vài trích dẫn qua mấy bài viết của Nguyễn Văn Lục, Thế Uyên… rồi mạnh mẽ đánh giá. Vì những trích dẫn và ngay cả bài viết của một tác giả không ít thì nhiều làm gì không có thành kiến hay thiên vị riêng. 

Chỉ có tác phẩm mới là tiếng nói thật, nói lên được những gì người viết muốn nói. 

(Sex: dưới mắt nhìn của người viết nữ – Trịnh Thanh Thủy)



Chữ nghĩa lỗ mỗ ngu ngơ


Chim rừng có cánh, nhiều lông

Chim nhà không cánh nhưng lông vẫn nhiều



Tình dục trong làng văn xóm chữ

Chữ dâm


Không ai biết chắc giữa hai câu thơ:


Đoạn trường cho đáng kiếp tà dâm 

của Nguyễn Công Trứ và:


Đàn bà chớ đọc Thúy Vân, Thúy Kiều

của tác giả dân gian nào đó, câu nào có trước, câu nào có sau. 


Chỉ biết chắc một điều là, hết thảy, đều ló mặt với đời sau khi Bà Banh đã bị thay tên: thời nào bà từng nô nức khói hương, thế rồi, từ ngày nào đó, lặng lẽ sân chùa: Vắng như chùa Bà Đanh... 


Bà Banh, vị nữ dâm thần đứng... banh chân tớ hớ tênh hênh cho khách thập phương chọc gậy vờ vịt làm cuộc âm dương, cái cuộc âm dương của trận mây mưa có bốn lứa đôi trần trụi nồng nàn quấn quýt vào nhau trên thạp đồng Đào Thịnh, thứ thạp nghe đâu đã có từ thời kỳ Đông Sơn.


 

(Tạ Chí Đại Trường)



Câu đố 

Canh một thì trải chiếu ra
Canh hai bóp vú, canh ba sờ l..
Canh tư thì lắc xom xom
Canh năm cuộn chiếu ẵm con mà về

(người kéo vó ban đêm)

(“Tục Ngữ Phong Dao” - Nguyễn văn Ngọc)



Đường Cống Quỳnh

Sàigòn có một con phố cong queo một cách rất ngộ nghĩnh, được đặt tên là phố Cống Quỳnh. Thật là khéo, vì cách lập luận và hành động của ông Cống Quỳnh cũng cong cong quèo quẹo như con phố kỳ dị ấy.
Tiếc rằng Cống Quỳnh có lẽ chỉ là một nhân vật tưởng tượng thôi.

    (Phố của thành phố 1957 - Bình Nguyên Lộc)



Tình dục trong làng văn xóm chữ

Chùa Bà Banh

Vì người Chăm chuyển sang khu vực khác nên bức tượng Bà Banh có thể cũng được di chuyển theo nên không ai nhìn thấy bức tượng nữa. Nhưng qua chuyện Trạng Quỳnh, mặc dù là giai thọai tuy nhiên cũng có đôi nét về bức tượng Bà Banh.


Tượng Bà Banh

Quỳnh nghe nói nơi dạy học không xa có tượng đá rất thiêng, bèn hỏi học trò:
- Pho tượng ấy mang tên vị thần nào mà dân chúng ai cũng sợ như thế?
Anh học trò thưa:
- Trình thầy, không thần phật nào cả. Ðấy là pho tượng một người đàn bà ở truồng, người ta gọi là tượng "Bà Banh"
- Tượng ấy hình thù như thế nào? Anh học trò có vẻ xấu hổ, nói:
- Pho tượng ấy trông tục lắm thầy ạ! Ðầu nghiêng về một phía, miệng cười tủm tỉm, Cổ quấn mấy vòng chuỗi hạt, chân đi giầy bắt chéo, còn hai tay chỉ vào "chỗ ấy" bên cạnh tượng có đặt một chiếc chày đá.

Quỳnh bực mình hỏi:
- Sao không đập vỡ quách đi cho rồi? Ðể cái của nợ ấy đứng trêu ngươi làm gì?
- Thưa, "Bà Banh" dữ vía lắm ạ! Ai đi qua đấy, muốn yên lành thì phải lặng lẽ đến cầm chiếc chầy đá, đâm vào bộ phận kia một cái, mà phải làm việc đó rất kính cẩn. Ai không làm hay chọc ghẹo tượng thì về đến nhà thế nào cũng bị méo miệng, trẹo tay, vẹo cổ.

Một hôm, Quỳnh đến tận nơi có tượng Bà Banh để xem thực hư. Quỳnh đến bên tượng, lấy chầy đá quẳng đi, đoạn cầm bút đề tám câu thơ lên bụng tượng:


Khéo đứng ru mà đứng mãi đây
Khen ai đẽo đá tạc nên mày
Trên cổ đếm đeo dăm chuỗi hạt
Dưới chân đứng chéo một đôi giầy
Cởi váy phất cờ trêu ghẹo tiểu
Ðể đồ bốc gạo thử thanh thầy
Có thiêng sao chẳng ngồi toà ngọc?
Khéo đứng không mà đứng mãi đây!


Bài thơ viết xong chưa ráo mực, mồ hôi tượng đá đã vã ra như tắm. Từ đấy, không còn ai nghe nói rằng "Ba Banh" thiêng nữa.



Tục ngữ, thành ngữ

Vắt chày ra nước

Câu nói chê người hà tiện, keo kiệt, bủn xỉn quá đáng  
Vắt chày ra nước thường đi đôi với Rán sành ra mỡ. 

Hai câu có nghĩa giống nhau. 

Việt Nam tự điển của Khai Trí Tiến Đức gộp chung hai câu tục ngữ thành Vắt cổ chày ra mỡ

(Nguyễn Dư)



Câu đố dân gian          

Chân đạp miền thanh địa,
Đầu đội mũ bình thiên;
Mình thì bận áo mã tiên,
Ban ngày đôi ba vợ, tối nằm riêng kêu trời

(con gà trống)


Nâng chén, cụng li, chạm cốc…

Cái li

Thơ văn cổ chỉ có cái bát, cái chén chứ không có cái li, cái cốc.

- Có chắc không hay lại nói bậy? Nhất Thanh dẫn thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm có cái li đây nè. Ông không biết câu "Trong li rượu thọ ánh xuân tươi " của bài Ngụ hứng quán Trung Tân sao ? 

- Xin lỗi, tôi chỉ biết... cái cốc của bài Ngụ hứng quán Trung Tân thôi. Câu thơ Trản lạc xâm hoa sắc của Nguyễn Bỉnh Khiêm được Ngô Lập Chi dịch thành Chén, cốc, ánh sắc hồng 


Quán Trung Tân thời Nguyễn Bỉnh Khiêm chắc chắn không có cái li hay cái cốc. Nhất Thanh và Ngô Lập Chi đã tặng li, cốc cho Nguyễn Bỉnh Khiêm. Đúng ra thì phải dịch chữ trản sang tiếng Việt là cái chén.

Câu thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm nên dịch là Trong chén rượu thọ ánh xuân tươi (Nhất Thanh) hay Chén ánh sắc hồng (Ngô Lập Chi).

(Nguyễn Dư)



Sài Gòn một chút quán xá 

Quán cơm “Bà Cả Đọi” 

Những năm 1960 hình như quán cơm bà Cả không để biển hiệu, và ai cũng gọi đấy là Cơm Bà Cả Đọi. Nhưng cái ngõ hẻm để vào quán cơm bà Cả thì không thể quên được. Căn nhà phố ở ngoài hẻm mang số 53, cuối hẻm là những bậc cấp xi-măng dẫn lên quán cơm bà Cả. Hẻm 53 không xa Tổng Ngân Khố của chính thể VNCH trên đường Nguyễn Huệ.



Thoạt đầu trong những năm cuối thập niên 50 của thế kỷ trước, bà Cả mở quán cơm để phục vụ bữa ăn cho những đồng nghiệp của ông Cả, cùng làm việc ở Tổng Ngân Khố, sau đó mở rộng đón khách ăn cơm quán xá. 


Quán cũng là nơi ở của gia đình ông bà Cả, một căn nhà phố rộng khoảng năm – sáu mươi mét vuông ở lầu 1. Căn phòng chính duy nhất của căn nhà ở lầu 1 này bày được ba – bốn cái bàn và một cái đi-văng rộng để khách ngồi ăn. Thông thường, một nhóm khách cùng rủ nhau ăn cơm bà Cả thì ngồi trên đi-văng; các bàn dành cho hai – ba người; thêm một bàn nhỏ ở ngay chỗ bậc cấp dẫn lên, chỉ đủ cho một người ngồi ăn. Chúng tôi thường thấy một bà đầm già người Pháp ngồi ăn một mình, bữa nào cũng chỉ gọi một tô nhỏ canh rau đay và đĩa cơm. Bà người Pháp này không ăn cà pháo chấm mắm tôm như người Bắc; quán cơm bà Cả dĩ nhiên đa số khách là người Bắc di cư năm 1954.


Ngoài những công chức Bắc di cư, chúng tôi nhận ra nhiều thực khách quán cơm bà Cả thuộc giới nhà văn nhà báo, và nhóm bạn của diễn viên điện ảnh Huy Cường, anh chàng “Chính Bắc Kỳ” đẹp trai kiểu “bụi” và thích đùa. Hồi nghe tin Huy Cường mất vì tai nạn giao thông ở cầu Ba Cẳng, chúng tôi báo tin cho bà Cả biết, bà kêu ồ lên, tỏ lời thương tiếc. Bà Cả hỏi thăm ông cha đẻ Loan Mắt Nhung có khỏe không, cũng may lúc đó nhà văn Nguyễn Thụy Long đã sống thoải mái do những tác phẩm của anh được nhật báo Người Việt đăng tải trên báo và in thành sách. 

Người con gái lớn của bà Cả với quán cơm Đồng Nhân kế tục Cơm Bà Cả Đọi, gương mặt giống bà Cả như khuôn đúc, càng làm chúng tôi thêm nhớ “người muôn năm cũ.”


(Quán cơm “Bà Cả Đọi” người muôn năm cũ  – Nguyễn Đạt)

 


Rạp hát xưa: Những thiên đường của Tết

 

‘’…Tuổi nhỏ mộng mơ gắn liền với rạp hát để đi vào thế giới tưởng tượng và ước mơ, nên khi lớn lên, chuyện hiểu chút sự đời của chúng tôi ít nhiều đều dính dáng với rạp xinê, cải lương…’’


Thằng bạn già như lá vàng, quay về Sài Gòn ăn Tết, bắt tôi xách Honda chạy vòng vòng từ Sài Gòn ngó rạp Lê Lợi xưa cũ…


 

(rạp Lê Lợi xưa cũ)

 

rồi vào Chợ Lớn, qua Xóm Củi, rồi vòng lại Bình Tiên, tới Gia Định nhìn rạp Cầu Bông.



(rạp Casino Sài Gòn)        (rạp Cầu Bông)

 

Trước những địa điểm bây giờ là nhà hàng, khách sạn... nhưng trước kia từng là rạp ciné, nó đều bắt tôi ngừng lại để ngắm nhìn. Tôi cùng chia sẻ mạch ngầm ký ức ấy của hai thằng từng là hai trẻ thơ hằng ngày đứng trước rạp hát mà mơ tưởng.

(Lê Văn Nghĩa)


Phụ đính

Đạo diễn: John Sturges.
Diễn viên: Yul Brynner, Steve McQueen, Charles Bronson, 

Eli Wallach, Robert Vaughn, James Coburn, Horst Buchholz.

Lần đầu tiên trốn học đi xem ciné, tôi nhớ xem phim The Magnificent Seven này ở rạp Casino Sài Gòn.


(xem kỳ tới rạp Casino Đakao, rạp Kim Châu)




 

 

 

 

 

 

 


Không có nhận xét nào: