Thứ Năm, 3 tháng 6, 2021

Giai Thoại Văn Chương: Những Câu Đối Thú Vị (2) - (Đỗ Chiêu Đức)

 Giai Thoại Văn Chương :                                 

             NHỮNG CÂU ĐỐI THÚ VỊ  (2)
                         
            
          
       Chúc Chi Sơn 祝 枝 山 (1460-1526), tên là DOÃN MINH, tự là HY TRIẾT, vì bàn tay phải dư ra một ngón nên mới có biệt hiệu là CHI CHỈ SANH 枝 指 生 (nghĩa là: Ngón tay mọc thêm), gọi mãi thành CHI SANH, rồi gọi trại thành CHI SƠN và chết tên luôn là CHÚC CHI SƠN 祝 枝 山. Ông cùng với Đường Bá Hổ 唐 伯 虎, Văn Trưng Minh 文 徵 明 và Châu Văn Tân 周 文 賓 (có sách nói là Từ Trinh Khanh 徐 祯 卿) hợp xưng là GIANG NAM TỨ TÀI TỬ 江 南 四 才 子.
      Ông người xứ Trường Châu tỉnh Giang Tô (TÔ CHÂU), xuất thân từ một gia đình danh nho vọng tộc, rất giỏi về thư pháp. Ông viết được nhiều kiểu chữ và viết rất đẹp,  nhất là chữ Thảo. Người đương thời thường xưng tụng: Họa thì có Đường Bá Hổ, Thư pháp thì có Chúc Chi Sơn... Ông cũng là một tay rất giỏi về câu đối. Truyện kể...
      Có một sư gia (thầy mo) tên là Từ Tử Kiến 徐 子 建 rất tự hào về văn tài của mình, ông ta từng tuyên bố là mình có thể đối được tất cả những câu đối ở trên đời nầy không thua gì Giang Nam Tứ Tài Tử cả! Một hôm nhân đi lễ ở chùa Tam Tháp, gặp được Chúc Chi Sơn, Từ Tử Kiến đến ra mắt làm quen rồi thách đối để khoe tài. Chúc Chi Sơn hỏi: "Thế thì ngài ra vế đối hay tôi ra vế đôi?" Tử Kiến đáp: "Đương nhiên là tôi để cho ngài ra vế đối trước". Chúc Chi Sơn mỉm cười không nói gì, nhìn ra phía sân chùa đọc:

   三 塔 寺 前 三 座 塔,  Tam Tháp Tự tiền tam tọa tháp,
Có nghĩa :
                Trước chùa Tam Tháp ba tòa tháp,

                                  

      Từ Tử Kiến cũng mỉm cười khinh khỉnh đối lại rất nhanh là:  

   五 台 山 上 五 層 台。  Ngũ Đài Sơn thượng ngũ tằng đài. 
Có nghĩa :
                Trên Ngũ Đài Sơn năm tầng đài.

      Đối xong Từ Tử Kiến tỏ ra rất đắc ý, hối thúc Chúc Chi Sơn ra câu đối tiếp theo. Nào ngờ Chúc Chi Sơn bảo: "Câu đối đó còn chưa xong, tôi còn thêm vào vài chữ nữa!" Từ tự phụ đáp: "Thêm vào mấy chữ thì thêm, có sao đâu, tôi vẫn sẵn sàng!" Chúc bèn đọc lại câu đối:

               三 塔 寺 前 三 座 塔, 塔 塔 塔. 
Tam Tháp Tự tiền tam tọa tháp, tháp tháp tháp.
Có nghĩa :
     Trước chùa Tam Tháp ba tòa tháp, tháp tháp tháp.

       Từ Tử Kiến dương dương tự đắc, không nghĩ ngợi gì cả, buộc miệng đọc ngay:

                五 台 山 上 五 層 台, 台  台... 
   Ngũ Đài Sơn thượng ngũ tằng đài, đài đài...
Có nghĩa :
       Trên Ngũ Đài Sơn năm tầng đài, đài đài...
                
                          

      Đọc thêm được hai chữ "đài" thì Từ Tử Kiến đã biết mình hố to rồi, nên không đọc tiếp nữa, vì chả lẽ đọc đủ 5 chữ "đài", trong khi vế ra chỉ có 3 chữ "tháp" mà thôi, còn nếu đọc có 3 chữ "đài", thì Ngũ Đài Sơn chẳng lẽ chỉ có 3 tầng thôi sao, nên... nín thinh không đọc tiếp được nữa. Vì chữ ĐÀI 台 là "Tầng" đồng âm với chữ ĐÀI 抬 là "nhấc lên", nên Chúc Chi Sơn thấy ông ta chỉ "nhấc" có hai "đài" là sựng lại, bèn cười mà mỉa mai rằng:
      - Sao? Mới chỉ "nhấc" có 2 cái thôi mà, bộ hết nhấc nổi rồi nữa hả!?
     Đó là chuyện của Chúc Chi Sơn, một trong Giang Nam Tứ Tài Tử đời Minh. Bây giờ thì ta lại nghe một giai thoại về câu đố khác cũng của một danh sĩ đời Minh, đó là... 
                     
                     
     Giang Nam Tứ Tài Tử qua họa hình và Điện ảnh

     Lăng Mông Sơ 凌 濛 初 (1580-1644) tự là Huyền Phòng 玄 房,hiệu là Lăng Ba 凌 波,vì trong họ tộc xếp hàng thứ 19, nên còn gọi là Lăng Thập Cựu 凌 十 九”. Ông là nhà văn học, nhà tiểu thuyết nổi tiếng đời Minh, nhưng con đường hoạn lộ thăng trầm đến 60 tuổi (1639) mới đậu được Cử Nhân, và cũng vì chuyện nầy thiếu chút nữa thì đã không bảo toàn được tính mạng. Tương truyền...
      
     Năm đó, như mọi khi Lăng Mông Sơ vẫn khăn gói lên đường ứng thí, nhưng gặp phải khảo quan thích ăn tiền, mà ông thì không sẵn tiền để hối lộ, nên lại bị đánh rớt. Trâu già chẳng nệ dao phay, Lăng Mông Sơ quyết đi tìm khảo quan để lý luận. Trên đường đi gặp phải tuyết rơi nên vớ lấy một chiếc nón lá rách đội lên đầu. Khi đến trước dinh phủ của khảo quan thì thấy có đôi câu đối dán trước cửa như sau:
                           
               愛 才 如 子,   Ái tài như tử,
               執 法 如 山。   Chấp pháp như sơn.
Có nghĩa :
            -  Yêu tài như con, (Yêu người hiền tài như yêu con ruột của mình vậy).
            -  Chấp pháp như núi. (Chấp hành luật pháp vững như núi không lay chuyển).

     Câu đối chứng tỏ quan chủ khảo rất xem trọng hiền tài và nghiêm chỉnh chấp hành luật pháp, Lăng Mông Sơ đọc xong câu đối lại càng lộn gan lộn ruột hơn, ông bèn lôi bút mực trong bọc ra, hưu lên như rồng bay phượng múa thêm vào các chữ sau đây:

      愛 才 如 子,金 子 銀 子 皆 吾 子 也;
Ái tài như tử, Kim tử ngân tử giai ngô tử dã;
      執 法 如 山,錢 山 靠 山 其 為 山 乎?
Chấp pháp như sơn, Tiền sơn kháo sơn kỳ vị sơn hồ?
Có nghĩa :
        - Yêu tài như con, con vàng con bạc, đều là con của ông cả;
        - Chấp pháp như núi, núi tiền núi dựa, đó là núi cả hay sao?
(Từ kép của vàng bạc là KIM TỬ, NGÂN TỬ. Còn KHÁO SƠN có nghĩa: Có người chống lưng)
                      
                       

      Sai nha nghe động bèn ào ra bắt Lăng Mông Sơ trói lại dẫn vào công đường. Quan chủ khảo thấy một sĩ tử già đầu đội nón lá rách đi chân không, bèn chỉ mà nói rằng:

      我 看 你, 頭 戴 夏,腳 穿 冬,肚 裡 哪 有 春 秋!
  Ngã khán nễ, đầu đới hạ, cước xuyên đông, đổ lý na hữu xuân thu ! 
Có nghĩa :
            - Ta thấy ngươi, đầu đội hạ, chân mang đông, bụng sao có được xuân thu! 

     XUÂN THU ở đây là "Kinh Xuân Thu" dùng để chỉ sách vở thánh hiền. Câu ra có vẻ khinh bạc, chê Lăng Mông Sơ quê mùa ít học thức, lại hóc búa ở chỗ dùng đủ bốn từ "Xuân Hạ Thu Đông". Mông Sơ quắc mắt nhìn quan chủ khảo đáp lại vế đối như sau:  

         我 看 你,面 朝 南,背 向 北,心 中 光 想 東 西!
    Ngã khán nễ, diện triều nam, bối hướng bắc, tâm trung quang tưởng đông tây!
Có nghĩa :
    -  Ta thấy ông, mặt chầu nam, lưng hướng bắc, trong lòng chỉ nghĩ đông tây! 
    (Đông Tây:ngoài nghĩa là hướng đông hướng tây ra, còn có nghĩa là "Đồ Đạc")

     Ý của câu đối là vua ở phương bắc mà ông chỉ quay mặt về hướng nam, và trong bụng toàn nghĩ đến những "của cải hối lộ". Vế đối lại có đủ cả "Đông Tây Nam Bắc" đối lại "Xuân Hạ Thu Đông" ở trên. Quan chủ khảo nghe xong nổi giận, bèn tống trác đưa Lăng Mông Sơ đến Hình Bộ để xét xử.
     Quan Hình Bộ xem trát, thấy tên sĩ tử già ngông cuồng, bèn cười nhạt mà phán rằng:

          木 匠 造 枷 枷 木 匠, 斬!  
         Mộc tượng tạo già già mộc tượng,Trảm !
Có nghĩa :
         - Thợ mộc đóng gông gông thợ mộc, Chém !

                               


      Nghe nói quan Hình Bộ xuất thân cũng là một Hàm Lâm, nên Lăng Mông Sơ bèn than dài một tiếng mà đáp rằng:

             翰 林 監 斬 斬 翰 林 絕!  
     Hàn Lâm giám trảm trảm Hàn Lâm,Tuyệt !
Có nghĩa :          
     - Hàn Lâm xử chém chém Hàn Lâm, Hết !

      Nghe Lăng Mông Sơ xưng mình là Hàn Lâm, khẩu khí bất phàm, quan Hình Bộ giật mình nhìn lại, thấy tuy là một sĩ tử già nhưng vẫn còn quắc thước, bèn tra lại hết vụ án từ đầu, rồi trình lên Thừa Tướng đương triều xin tha tội cho Lăng Mông Sơ. Thừa Tường lại là người cùng quê với Mông Sơ, từ lâu ông đã nghe nơi quê nhà có một tài tử văn nhân rất kiệt xuất được người đời mến mộ, nay mới được gặp mặt, thấy Lăng Mông Sơ râu tóc đã bạc phơ nên cũng thương tình mà tha tội, nhưng cũng muốn thử tài, bèn tức cảnh đọc một vế như sau:

     上 鈎 為 老,下 鈎 為 考,老 考 童 生,童 生 考  到老;
     Thượng câu vi lão, hạ câu vi khảo, lão khảo đồng sinh, đồng sinh khảo đáo lão;
Có nghĩa :
    - Móc lên là Lão 老, móc xuống là Khảo 考, Già còn thi Đồng sinh, Đồng Sinh thi tới già !  
 (ĐỒNG SINH 童 生 : gồm các khoa thi ở Huyện, Phủ, Viện dể lấy Tú Tài, Cử Nhân...)

     Lăng Mông Sơ rất bi phẫn xúc động mà đối lại rằng:

     二 人 為 天,一 人 為 大,天 大 人 情,人 情 大 過 天。
     Nhị nhân vi thiên, nhất nhân vi đại, thiên đại nhân tình, nhân tình đại quá thiên.
Có nghĩa :
      - (Chữ Nhị 二 và chữ Nhân 人 thành chữ Thiên 天, Chữ Nhất 一 và chữ Nhân 人 thành chữ Đại 大) nên câu có nghĩa: Hai người là Trời, Một người là Lớn, Nhân tình lớn như trời, Nhân tình còn lớn hơn là trời nữa .

         Thừa Tướng biết Lăng Mông Sơ cám cảnh cho cái tình người ở quan trường, nên cất bút phê "chuẩn" và tiến cử cho quan Chủ Khảo. Thấy bút tích của Thừa Tướng đã phê rồi, nhưng quan Chủ Khảo vẫn còn muốn thử lại tài của Lăng Mông Sơ một lần nữa, bèn nhìn ra ngoài xa dưới trái núi đơn độc có một ngôi miếu, trước miếu có một tướng quân cởi ngựa cầm một thanh đơn đao mà ra vế đối là:

              孤 山 獨 廟,一 將 軍 單 刀 匹 馬;
    Cô sơn độc miếu, nhất tướng quân đơn thương thất mã;
Có nghĩa :
    - Núi đơn miếu độc, một tướng quân ngựa chiếc đao đơn; (tất cả đều xoay quanh số một và đơn, lẻ, độc, nhất...)
 
                  
                          
          Lăng Mông Sơ cũng nhìn ra ngoài xa, thấy có hai ngư ông đang câu cá trên sông, bèn cất tiếng đối rằng:

                隔 河 對 岸,兩 漁 翁 雙 竿 垂 釣。
     Cách ngạn đối hà, Lưỡng ngư ông song can thùy điếu.   
Có nghĩa :
    - Cách sông đối bến, hai ông câu cần đôi câu cặp .

       Chữ Đối 對 cũng được đọc là Đôi, và cũng có nghĩa là một cặp, cộng với Lưỡng 兩, với Song 雙  đều chỉ hai chỉ cặp. Tất cả đều đối nhau chan chát. Đến nước nầy quan Chủ khảo đành phải cất bút son lên phê cho Lăng Mông Sơ đậu Cử Nhân khoa đó.
 
       Để kết thúc cho bài viết hôm nay, mời đọc thêm một câu đối của một danh sĩ đời Minh nữa... Cũng là quan Chủ Khảo, nhưng là quan Chủ Khảo tốt.

      Lý Mộng Dương 李 夢 陽(1472-1529)tự là Hiến Kiết 獻 吉,hiệu là Không Đồng Tử 空 同 子,là nhà thơ, nhà văn học nhà chính trị đời Minh, người đất Khánh Dương Thiểm Tây. Ông đậu Tiến Sĩ năm Qúy Sửu Hoằng Trị thứ 6. Truyện kể...
      Khi ông đang làm Đề Học Phó Sứ ở Giang Tây, phát hiện một sĩ tử tên họ đều giống hệt như mình, tính ông khôi hài, bèn cho gọi sĩ tử đó đến nói rằng: "Tên của nhà ngươi sao giống hệt tên của ta vậy? Bây giờ thì ta ra cho nhà ngươi một câu đối nhé!" Nói xong bèn đọc :

             藺 相 如 司 馬 相 如,名 相 如 實 不 相 如;
    Lạn Tương Như Tư Mã Tương Như, danh tương như thực bất tương như;
Có nghĩa :
     Tương Như 相 如 : có nghĩa là Giống nhau, nên vế đối có nghĩa là:
     - Lạn Tương Như, Tư Mã Tương Như, tên giống nhau thực chẳng giống nhau.
                      
                  
             Lạn Tương Như và Tư Mã Tương Như

     Lạn Tương Như là Đại Phu của nước Triệu thời Chiến Quốc, nổi tiếng với việc "Hoàn Bích Quy Triệu" là Trả ngọc bích về cho nước Triệu; Còn Tư Mã Tương Như là Văn học gia và Âm nhạc gia  đời Hán, nổi tiếng với bản nhạc "Phượng Cầu Kỳ Hoàng" làm cho nàng Trác Văn Quân nửa đêm phải bỏ nhà trốn theo. Ý của Lý Mộng Dương là: Tên của mi giống ta, chứ mi không thể là ta được đâu nhé!
    Người sĩ tử kia chẳng nói chẳng rằng, suy nghĩ một lát rồi đối rằng:

         魏 無 忌 長 孫 無 忌,彼 無 忌 此 亦 無 忌。
      Ngụy Vô Kỵ Trường Tôn Vô Kỵ, Bỉ vô kỵ thử diệc vô kỵ.
Có nghĩa :
      Vô Kỵ 無 忌 : là không úy kỵ gì cả! nên vế đối có nghĩa là:
       - Ngụy Vô Kỵ, Trường Tôn Vô Kỵ, đó vô kỵ đây cũng vô kỵ !

     Ngụy Vô Kỵ là Công tử của Tín Lăng Quân nước Ngụy thời Chiến Quốc; còn Trường Tôn Vô Kỵ là đại thần của đời Đường. Ý của người sĩ tử là: Nếu ông đã không úy kỵ thì tôi cũng không úy kỵ gì cả!

       Lý Mộng Long nghe xong rất kinh ngạc, ông hết lời ngợi khen văn tài và sự mẫn tiệp nhanh nhẹn của sĩ tử, bèn viết thư tiến cử người sĩ tử đó cho khoa thi sắp tới.  

        Hẹn bài viết tới : 
                                   NHỮNG CÂU ĐỐI THÚ VỊ  (3)

                                                         杜 紹 德    
                                                     Đỗ Chiêu Đức





       

Không có nhận xét nào: