Thứ Năm, 26 tháng 1, 2023

Chữ Nghĩa Làng Văn ( Ngộ Không Phí Ngọc Hùng)

               Chữ Nghĩa Làng Văn 

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

Ký, Đường, Tự, Kim

 

Thuộc cho đủ 214 bộ thủ trong chữ Hán là việc không dễ cho những người mới học chữ Hán, nhưng không thuộc được 214 bộ này thì sẽ khó tiến bộ và tiếp thu rất chậm.

Và trong những lần lang thang học chữ như thế, tôi lại có thắc mắc sao tên các tiệm, các quán ăn của người Hoa thường có chữ Ký, các tiệm thuốc và chữa bệnh có chữ Đường, các chùa chiền thường có thêm chữ Tự, nhiều tiệm vàngchữ Kim, v…v... 

 

Chính vì tò mò nên tôi tìm hiểu cho ra, bởi tánh tôi ngay từ bé muốn biết cái gì cũng phải tường tận.

(Đỗ Duy Ngọc)


Chết một cửa tứ

“Chết một cửa tứ” thì “cửa tứ” là tiếng lóng, nói trại đi từ “cửa tử” là cửa chết khi ra trận mạc thời xưa. Ý nói tình trạng nan giải.

(Bút Chì – Hiểu đúng thành ngữ, tục ngữ, điển tích)

 


Từ điển chính tả sai lỗi… chính tả

“xa: kiêu xa. → không viết: sa”. (Gs Nguyễn Văn Khang)


Viết “sa” không sai. Vì ngoài “kiêu xa • 驕 奢 nghĩa kiêu căng và xa xỉ. quen thói kiêu xa.”, còn có “kiêu sa [người phụ nữ] đẹp một cách sang trọng và tỏ ra kiêu hãnh. vẻ đẹp kiêu sa.”.

(Hòang Tuấn Công)

 


Bố cục câu đố
Thường câu đố lấy một đồ vật tương tự làm tỉ ngữ để tượng trưng một vật khác. Sự vật nhiều khi nhân hóa một cách ngộ nghĩnh lý thú: Cái mõ và dùi mõ với óc trừu tượng giàu tưởng tượng của dân quê đã biến thành hai bố con:
Con đánh bố, bố kêu làng
Làng chạy ra, con chui bụng bố


Cũng theo phương pháp đó, miếng cau đã thành ra người đàn ông trần trụi, và miếng trầu biến thành thiếu phụ đỏm dáng:
Chồng có phép giơ bụng ra ngoài
Vợ có tài thắt lưng cho gọn

(Câu đố  - Thanh Lãng)

 

Từ điển chính tả sai lỗi… chính tả

“xuất: khinh xuất. → không viết: suất” (Gs Nguyễn Văn Khang)

Viết “suất” mới đúng (ghép chữ): “khinh” 輕 = xem nhẹ; “suất” 率 = hấp tấp, không thận trọng

(Hòang Tuấn Công)

 


Nón quai thao

Trong nón quai thao thì quai thao không kém phần cần thiết vì nó giữ thăng bằng, về phía thẩm mỹ nó làm tăng nét duyên dáng, dịu dàng.

"Chưa chồng nón thúng quai thao -

Chồng rồi, nón rách, quai nào thì quai "


Ðể quai thao có vẻ mềm mại, người làm những sợi tơ sần có cục gọi là mốt cục đem về nhuộm màu: các cô gái thích dùng quai màu trắng ngà là màu gốc tơ tằm, các bà già, phụ nữ có gia đình thường dùng màu đen. Bện hai hay ba sợi dài lại với nhau thì thành quai kép, giống như tim đèn, thả lỏng đến thắt lưng. Nhiều đoạn quai được thắt lại, tết nút vừa làm chắc quai vừa đẹp mắt. Có khi hai trái cù (quả găng), to bằng ngón tay cái, được đan thắt công phu ở hai đầu quai thao. Quai rủ xuống bờ vai thành tua dài và có chừng chục túm tua nho nhỏ. 

 

(Chiếc nón quai thao Kinh Bắc – Võ Quang Yến)

 


Từ điển chính tả sai lỗi… chính tả

“xuất: thống xuất. → không viết: suất”. (Gs Nguyễn Văn Khang)

Viết “suất” mới đúng. Vì “suất” 率 có nghĩa là dẫn đầu, chỉ huy

(Hòang Tuấn Công)



Từ ngày giải phóng (1975-1980) 

Xét chung tôi thấy ngành xuất bản ở Bắc không phát triển bằng trong Nam, đa số nhà văn, nhà biên khảo làm việc ít, chậm, không hăng say, không “đua nở”. Trong hai chục năm sau ngày tiếp thu Hà Nội, không có nhà văn nào cho ra được chín mười tác phẩm, trung bình chỉ được một hai.
 
Không có gì kích thích cho họ sáng tác mạnh. Họ đều là công chức, dù không viết gì thì cũng lãnh được khoảng 60đ mỗi tháng; nếu viết thì phải có danh lớn, hoặc bồ bịch, bè phái mới hi vọng được in, vì vậy ta thấy nhiều cuốn có lời đề tựa của một “Anh lớn” nào đó vào hàng bộ trưởng, thứ trưởng, điều tối kị ở trong Nam.
Về loại sáng tác, tôi thấy thơ và tiểu thuyết kém, các nhà nổi danh thời đó như Huy Cận, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Nguyễn Tuân, Nam Cao, Tô Hoài, Bùi Hiển… viết ít hơn trước mà nghệ thuật cũng không hơn gì trước.
 
Tố Hữu là một nhà thơ có bài có hồn thơ, nhưng có những câu rất khó hiểu, như bài Đời đời nhớ Ông, ông viết: 
“Thương cha thương mẹ thương chồng,
Thương mình thương một thương ông thương mười”.

 
Hay trong một bài kỷ niệm Nguyễn Du, ông gọi Nguyễn Du là anh, bài đó tôi không thể hiểu nổi!


(Hồi ký Nguyễn Hiến Lê - Ba chương sách bị cắt bỏ)



Nói lái trong văn học với Bùi Giáng

Bài "Trong bàn chân đi" của Bùi Giáng đầy dẫy những chỗ nói lái nhưng thật khó mà hiểu được:
Có mấy ngón
Năm ngón
Mười ngón
Món người
Non ngắm
Nắm ngon



187 Chữ nghĩa làng văn xóm chữ  

Nhà văn Trần Vũ trả lời Văn Học về sáng tác

Văn Học: Anh viết cho ai ? 


Tôi viết truyện trước nhất cho chính mình, giống như chơi nintendo, trước màn ảnh, một mình với thế giới virtuel riêng của mình. Từ đó thêm nhiều người bạn cùng sáng tác, chúng tôi viết truyện như một cách thức trao đổi, khám phá và thân nhau. 


Tôi theo dõi tất cả sáng tác của bạn bè, Ðỗ Kh, Trân Sa, Hồ đình Nghiêm, Sĩ Liêm, Phạm Chi Lan, Phạm thị Hoài, Nguyễn Quang Lập, Phạm thị Ngọc... Còn độc giả? Rất thành thật là tôi không bao giờ nghĩ đến họ. Họ không có mặt, không hiện diện. Người đọc bao giờ cũng chín người mười ý, có nghĩ đến họ cũng không chìu lòng được hết. Hơn nữa ở nước ngoài, khối độc giả quá ít, một tác phẩm in thành sách, bán chạy hay không tác quyền cũng một ngàn đô la chẳng là bao nhiêu, không đáng cho người viết truyện phải quan tâm đến thị hiếu người đọc. Ðây là sự khác biệt lớn nhất giữa thế hệ cầm bút trưởng thành sau 75 ngoài nước và những người viết văn đi trước, lớp người viết sau không chuyên nghiệp và không sống chết vì văn chương.


Văn Học: Anh viết điều gì ? 


Trần Vũ: Thông thường tôi chịu nhiều ám ảnh: Chiến tranh, lịch sử, và tính dục. Nhưng sau này tôi nhận ra cả ba chỉ là một: Con người: động vật ăn thịt. Với tất cả văn hóa vẫn còn tồn tại bản năng săn bắt. Mối quan hệ giữa người trong cuộc săn đầy thú tính. Do đó các truyện ngắn đã viết, tôi luôn cố diễn đạt những hung bạo giữa người và người. Nếu chiến tranh là phương tiện, tính dục là bản năng, thì lịch sử là dấu vết của hung bạo.


(Văn Học số 114 tháng 10 năm 1995)



Tướng mặt

Khuôn mặt chữ Viên (圓) 


Mặt chữ Viên có hình dạng mặt tròn, các bộ vị trên mặt có dạng tròn tượng trưng sự tròn trịa nên cuộc sống luôn được hài hòa.

Đây là những người đôn hậu, thật thà, trọng tín nghĩa. Nhưng họ cũng dễ dàng mất đi chủ kiến, tính khí hơi thất thường.



Trò chuyện cùng nhà văn 

Ban Mai: Ông có thể cho biết, sau tháng 4 năm 1975 khi chấm dứt chiến tranh, với chính sách sai lầm “đốt sạch tàn dư chế độ Mỹ-Ngụy” các nhà văn miền Nam đã có những năm tháng như thế nào? Chuyện gì đã xảy ra đối với ông, bạn bè ông? 


Thế  Phong:  Đầu tiên, Nhà sách Khai Trí lớn bậc nhất của  Saigon, bị  đốt sách, sau  nhà bị  Quân Quản tịch thâu. 

Chủ nhà sách  Khai Trí, theo tôi biết, có tới 3 , 4 căn nhà lớn, 2 ở đường Lê Lợi, kho sách  ở  gần rạp Cathay, một ở trên đường Pasteur v..v.. Ông nằm  chung danh  sách" đi  học tập cải tạo" , khi được thả về, ông  được con bảo lãnh sang Mỹ, lại quay trở về  Saigon,  đem theo một số sách , báo (khoảng  2000 cuốn)  lại bị tịch thu. Ông in  một loại sách vô thưởng vô phạt, thơ tình xưa và nay, v..v.. rồi chết tại  quê nhà. Tôi cảm phục nhất ông sống đời sống không vì tiền của, nhà cửa bị mất mà phát "điên"! 


Cô Ban Mai này, cô còn nhớ chuyện Tần Thủy Hoàng đốt sách không, rất quy mô, bạc đãi trí thức có sách vở, rồi cũng chẳng đi tới đâu, đâu cũng vào đấy cả thôi. "Như cô đặt vấn đề" đốt sách tàn dư chế độ Mỹ Ngụy" nhờ vậy, giúp cho "sách vàng","nhạc vàng" sau này được bán ở các tiệm sách cũ, giá ngọt "lưỡi lam". 


Tôi biết một anh bán sách cũ làm giầu, anh Đức, chủ tiệm Kỳ Thư, chỉ bán một bộ tạp chí "Bách Khoa" khoảng trên 168 (? ) số (chủ nhiệm Lê Ngộ Châu), cho một nhà sưu tầm Nhật Bản, trả đô la, anh kiếm "bộn". Anh có rất nhiều sách cũ, ai hỏi, lập tức đến ngay chỗ đó, đưa ra. Trí nhớ anh này  thật siêu phàm! Một lần, tôi đi ngang qua Võ Văn Tần (khúc đường tàu xe lửa), có ai "ới " gọi, nhìn lại là anh Đức, nhờ anh, tôi mua được 20 cuốn sách ronéo do Đại Nam Văn Hiến xuất bản, sách  ký tặng còn nguyên. Anh lấy giá "hữu nghị" (gần 100 usd). Mua xong, tôi đến 160  Nguyễn Đình Chiểu Q.3, leo  lên gác 1, xin gặp  "chủ nhiệm Bách Khoa", không phải trách, mà  nhờ anh  Châu, tôi mới có một số sách làm tư liệu, sau này tái bản. 


           (Ban Mai)



Tướng mặt

Khuôn mặt chữ Mục (目) 

Đây là khuôn mặt dài, nẩy nở ở gò má, hẹp ở trán, đỉnh đầu, và cằm. Đây là tướng hạ cách. Từ năm 20 tuổi trở đi gặp nhiều trở ngại, nghèo khó, khắc vợ con. Đàn bà có tướng mặt như trên chủ về hình phu khắc tử, nhưng lại rất thọ. Sự khắc chồng con và cô độc đó nặng nhẹ tùy theo thần khí và ngũ quan tốt xấu.



Những nhà văn và truyện ngắn (*)

Cũng trong nghệ thuật viết truyện ngắn, Cung Tích Biền có một cái nhìn tổng hợp hơn. Theo ông, “Mỗi truyện ngắn có một ‘định mệnh’ với người viết; đẩy ra một chân trời, hoạt họa một chân dung, bày tỏ một thế giới mới.” Trong hầu hết truyện ngắn của ông, có cái nhanh, đó là cốt truyện: “Nghĩ ra thoáng vụt, chỉ như một trực giác”. Nhưng khi cầm bút viết thì tiến trình chậm lại, vì “cần trải đáy lòng, soi tìm những súc tích, những vì sao lạ trong ngôn ngữ. Tôi thường nghĩ tới công việc một nhà điêu khắc. Trong thế giới văn chương, những truyện ngắn là những phiến ngà lấp lánh; đa thể và biến dịch từ mỗi người đọc.”

 

Các nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ, Lê Tất Điều, Nguyễn Nghiệp Nhượng, Sơn Nam, Thế Uyên, và Trùng Dương có phần dễ dãi hơn. Với Nguyễn Thị Thụy Vũ: “Tôi thích truyện ngắn không có cốt truyện, mà đầy nhiều chi tiết soi sáng thái độ lẫn quan niệm của tác giả đối với văn chương và cuộc đời.”  Với Lê Tất Điều: “Bắt gặp một ý tưởng, một mẩu đời sống tự nói lên đầy đủ đoạn trước đoạn sau của nó, một sự kiện đáng kể không đòi hỏi sự mô tả chính xác, thứ tự như một ký sự… tôi viết thành truyện ngắn.”

 

Sơn Nam đề cập đến cách viết nhập đề và kết thúc của truyện ngắn: “Nhập đề phải gọn và nhanh và kết thúc đúng nơi, đúng lúc trong phạm vi năm ba hàng mà thôi.” Với Thế Uyên, truyện ngắn là một “khoảng ngắn của đời sống của cuộc đời.” 

Riêng Trùng Dương có một cái nhìn hơi khác. Theo bà, viết truyện ngắn phải có cái duyên dáng trong lối kể chuyện, “tựa như công việc của một họa sĩ hí họa tài ba.”

 

Dù đã có nhiều thay đổi trong quan niệm về truyện ngắn mấy chục năm qua của văn giới quốc tế, nhiều nhận định trên đây của các nhà văn miền Nam trước năm 1975 vẫn là những nét căn bản của nghệ thuật viết truyện ngắn đáng cho chúng ta lưu tâm.  


(Trần Doãn Nho)

 

(*) tựa đề nguyên thủy của tác giả Trần Doãn Nho 

Những nhà văn miền Nam trước năm 1975 bàn về nghệ thuật viết truyện ngắn.

 


Tướng mạo con người qua ca dao, dân ca

Đàn ông gối dụm, chân chàn
Chẳng cô gái đẹp cũng nàng nết na

 


Góp nhặt phố văn ngõ chữ 

Lê Văn Trương 

Chuyện tình người nổi tiếng: Lê Văn Trương có hai người vợ, cả hai đều xinh đẹp và đặc biệt là sống với nhau hòa thuận.


Gặp “cô hai” trên đất khách

Năm 1923, Lê Văn Trương thi đậu vào ngành bưu điện, năm 1926 nhà cầm quyền Pháp phân bổ ông làm việc tận Phnom Penh, rồi đổi lên Mondonkiri (Campuchia)... Những chuyến đi xa xôi đến nơi hẻo lánh, rừng thiêng nước độc là chất liệu để ông hoàn thành những tác phẩm đầu tay. Và cũng chính ở nơi đất khách quê người, Lê Văn Trương đã gặp người tình đầu của mình. Nhan sắc ấy tên là Nguyễn Thị Hỷ, chính là nguyên mẫu nhân vật cô Hai trong tiểu thuyết Tôi là mẹ của Lê Văn Trương.


Lê Văn Trương và cô Hỷ kết hôn vào năm 1927. Sau này, cô Hỷ còn là cảm hứng cho nhà văn sáng tác tiểu thuyết Người đàn bà phương Đông. Năm 1930, Lê Văn Trương bỏ việc để về Lovéas ở Battambang khai khẩn đồn điền, buôn bò qua Thái Lan rồi làm thầu khoán... Sau đó, ông dẫn vợ và năm con về Hà Nội, trú ngụ ở nhà số 38 Chùa Vua (tức phố Gustave Dumoutier). Ông bắt đầu viết văn và nổi tiếng như cồn.



Giai thoại làng văn xóm chữ 

Tiếng đồn về một chú bé con thần đồng thơ lan nhanh khiến nảy sinh nhiều chuyện bất ngờ. Ban đầu là một số người tìm đến để nhờ Nguyễn Bính gà thơ cho người hát trong những cuộc thi hát đối đáp. Nguyễn Bính vốn có tài ứng tác tức thì nên thường bên nào được ông giúp sức thì y như rằng bên đó sẽ thắng cuộc. Vì thế dần dần Nguyễn Bính trở thành một người "cõi trên". Một số người mê tín tin rằng thơ của Nguyễn Bính làm ra là thơ tiên, được giáng vào cho một cậu bé con chứ không phải là thơ của người bình thường. Vì thế nhiều người tìm đến Nguyễn Bính để xin thơ. Những đám dựng vợ gả chồng, trắc trở tình duyên hay làm ăn xui xẻo... đều đến nhờ "cậu" cho thơ tiên.

 

Lần nọ, một gia đình nông dân nghèo có cô con gái vừa được đám nhà giàu đến dạm hỏi. Ngặt nỗi, cô gái trước đó cũng đã có người thương ở làng. Gia đình phân vân không biết quyết định thế nào, bàn nhau tìm đến cậu. Nghe trình bày xong, Nguyễn Bính liền cho ngay một quẻ thơ có đoạn như sau:

"Của dẫu nhiều nhưng vẫn chẳng nên

- Phù vân, giả dối chẳng lâu bền

- Tình em đâu phải trao thiên hạ

- Dành để trai làng mới đẹp duyên".

Lời thơ tiên đã truyền dạy như vậy, gia đình đành phải chối đám nhà giàu xứ khác để chọn anh trai làng cho con gái.

 

Độc đáo nhất là có một anh chàng hành nghề đạo chích cũng tìm đến xin thơ tiên và được Nguyễn Bính "giáng" cho mấy câu thơ và từ đó bỏ luôn nghề ăn trộm.


(Chú bé si tình Nguyễn Bính – Trần Đình Thu)



Bên lề chữ nghĩa 

Hà Nội những điều nhỏ bé bạn nên làm khi…”quởn”

Ăn bánh đúc nóng Lê Ngọc Hân
(Nguồn: Tôi đi đâu)



Góp nhặt làng văn xóm chữ 

Lan Khai - Nghệ sĩ tài năng bị lãng quên?


Sự kiện nhà văn Lan Khai mất tích…

Từ thành tựu sáng tác cho đến nhận định của các nhà văn, nhà báo tiền bối (Hải Triều, Vũ Ngọc Phan...) về Lan Khai, chúng ta càng thấy tự hào về một con người, một nhà văn đáng kính đã làm trọn thiên chức của mình...

Sau sáu mươi năm đã qua, đặc biệt sự đóng góp của Lan Khai, một nhân vật lịch sử của nền văn học hiện đại, nhà văn đường rừng, nhà văn của phu mỏ than! Vậy mà cái chết oan khuất đầy bí ẩn của ông vẫn chưa một lần được ai lí giải, chưa một lần được một cơ quan nào làm sáng tỏ. Không một cá nhân công khai nhận trách nhiệm về sự thật cái chết của nhà văn Lan Khai?


Cái chết của ông giống cái chết li kì, rùng rợn, ông đã miêu tả trong những tiểu thuyết như số phận của mình vậy. Đó là số phận hay đó là sự hằn thù của những kẻ vô học? Ông chính  là người có công đầu trong việc khôi phục di sản của nhà văn Lan Khai và minh oan cho cuộc đời và sự nghiệp của một tài năng lớn.


Cho đến nay, nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học và dịch giả Lan Khai vẫn là một nhà văn tài năng bị lãng quên?


(Phạm Vũ)



Tướng mạo con người qua ca dao, dân ca

Trán cao có cái đầu vuông
Văn chương, khoa bảng có nhường ai đâu



Chữ nghĩa làng văn 

Cả hai tờ Trăm Hoa và Trăm Hoa loại mới đều là báo tư nhân. Trăm Hoa của ông anh là Nguyễn Mạnh Phác (Trúc Ðường) bị “chết” vì lỗ vốn, thì ít lâu sau ông em là Nguyễn Bính tục bản thành Trăm Hoa loại mới, và tờ này cũng lại “chết” vì lỗ vốn. 


Ở miền Bắc khi đó báo chí và xuất bản tư nhân còn được phép tồn tại, nhưng phải chịu nhiều thiệt thòi và bị chèn ép mạnh: phải mua giấy giá cao hơn so với giá cung cấp dành cho các báo nhà nước và đoàn thể, do đó giá bán cao hơn; các cơ sở phát hành lớn của hệ thống “hiệu sách nhân dân” không nhận bán các báo tư nhân; và các chính quyền địa phương thường gây trở ngại cho phóng viên và người phát hành các báo tư nhân.


Có một điều hơi khác lạ là một mặt thì Nguyễn Bính bỏ cơ quan để đi làm báo tư nhân. Tờ Trăm Hoa của anh ruột (Trúc Ðường) và về sau là của chính Nguyễn Bính. Nhưng mặt khác ngòi bút Nguyễn Bính bộc lộ ra hồi này lại rất đậm chất cán bộ: các sáng tác đưa in lại hoặc viết mới thời kỳ này thường mang tình cảm chính trị của một chủ thể “ta-dân tộc” chung. Ít ra điều này là nhất quán ở Nguyễn Bính tính đến hết năm 1955.


(Nguyễn Bính và tuần báo Trăm Hoa - Lại Nguyên Ân)


Tướng mạo con người qua ca dao, dân ca

Chim sa, cá nhảy chớ nuôi
Những người lông bụng chớ chơi bạn cùng



Giai thọai làng… vua xóm chữ

Nó  ra Bắc,,,


Nó  ra Bắc để ký nhường cho Tây Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng làm nhượng địa".

Trong cùng cuốn sách, ở một trang khác Nguyễn Công Hoan lại viết "Ngộ nghĩnh nhất là bộ quần áo nó (chỉ vua Khải Định) mặc ra thăm Bắc Kỳ năm 1917, gọi là ngự giá Bắc tuần ".

 

Nguyễn Công Hoan nhớ hai năm khác nhau, 1917 và 1919. Tôi tò mò muốn biết vua Khải Định ngự giá Bắc tuần năm nào? Khải Định nhường Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng ngày nào?

Về chuyện nhường đất, sử nhà Nguyễn chỉ chép vắn tắt :

- Tháng 8 năm Mậu Tý (1888) đem xứ Hàn (Tourane) làm đất nhượng địa Đại Pháp. (1)

 

Trần Trọng Kim chép đầy đủ hơn :

- Tháng 8 năm 1888 triều đình Huế ký giấy nhường hải cảng Đà Nẵng, thành thị Hà Nội, và Hải Phòng cho nước Pháp để làm đất nhượng địa nghĩa là từ đó việc cai trị và pháp luật ở ba thành thị ấy thuộc về nước Pháp, chứ không thuộc về nước Nam. (2)

 

(Tiên học lễ hậu học văn - Nguyễn Dư)


(1) Cao Xuân Dục, Quốc triều sử toát yếu, Văn Học, 2002, tr. 526.

(2) Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, tập 2, tái bản, tr. 345.



Hàm Nghi: một nhà ái quốc - 1 

Sau khi vua Dục Đức bị phế, Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết, và bà Học Phi đưa Nguyễn Phúc Hồng Dật, em thứ 29 của vua Tự Đức, lên ngôi ngày 30-7-1883, lấy niên hiệu là Hiệp Hoà. Nhưng chỉ bốn tháng sau thì hai phụ chánh Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường lại nghi ngờ vua Hiệp Hoà và ông bị bắt phải uống thuốc độc mà chết vào tháng 11-1883, thọ 36 tuôi.

Đến tháng 12-1883, Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường đưa Nguyễn Phúc Ưng Đăng, con nuôi thứ ba của vua Tự Dức mới được 14 tuổi lên nối ngôi, lấy hiệu là Kiến Phước.

 

Chỉ trong vòng 4 tháng, từ tháng 7 đến tháng 12 năm 1883, mà nước ta lại có đến ba ông vua cho nên trong dân gian đã có câu vè như sau: “Tứ nguyệt tam vương triệu bất tường!”

Vua Kiến Phước làm vua chỉ được 8 tháng thì lâm trọng bệnh và băng hà vào ngày 31-7-1884, thọ 14 tuổi. Sau khi vua Kiến Phúc băng hà, đáng lý ra người con nuôi thứ hai của vua Tự Đức là Chánh Mông tức là Nguyễn Phúc Ưng Kỷ phải được đưa lên làm vua nhưng vì Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường e ngại rằng vị hoàng tử này đã trưởng thành, 22 tuổi rồi, như vậy thì họ sẽ khó lòng mà khuynh loát được triều đình như trước, do đó, vào ngày 2-8-1884, họ âm mưu đưa người em của Ưng Kỷ là Nguyễn Phúc Ưng Lịch, không phải là con nuôi của vua Tự Đức, mới có 14 tuổi lên làm vua lấy niên hiệu là Hàm Nghi, xưng danh là Đại Nam Hoàng Đế và lấy quốc hiệu là Đại Nam. 

 

Trong cuốn “Vua Hàm Nghi”, nhà văn Phan Trần Chúc kể lại giai thoại sau khi ba ông vua liên tiếp nhau bị chết, khi triều đình cho xa giá đến đón Ưng Lịch  để lên làm vua thì ông hoàng này, lúc đó mới 14 tuổi, đang đánh khăng với bạn bè ở ngoài cửa Đông Ba.  Bà mẹ của ông nghe nói con được lên làm vua qúa sợ hãi vì ngại con của bà cũng sẽ chết nên lăn xả vào đoàn thị vệ khóc lóc thảm thiết không cho họ bắt Ưng Lịch vào đại nội. 

 

Bà mẹ của vua Hàm Nghi kể ra là người có tiên kiến vì không đầy một năm sau thì bà không hề được gặp lại người con trai của bà nưã: Nhà vua bị Pháp bắt sau ba năm kháng chiến rồi bị đày đi Algérie, không hề được gặp lại bà khi bà từ trần vào năm 1889.

(Trần Đông Phong)



Câu đố dân gian

Một mẹ sinh được trăm con,
Con nào con nấy vuông tròn như nhau.
Bởi con ăn ở qua cầu,
Mẹ tức mẹ đánh cái đầu con văng

(hộp diêm)



Hàm Nghi: một nhà ái quốc - 2

Thực dân Pháp tuy đồng ý việc đưa vua Hàm Nghi lên ngôi nhưng lại không đồng ý với danh hiệu Đại Nam hoàng đế và bắt buộc vua Hàm Nghi phải đổi lại là “Hoàng đế An Nam” (Empereur d’Annam), tức là chỉ làm vua xứ An Nam hay là Trung kỳ mà thôi chứ không phải là vua của Đại Nam gồm cả hai xứ Nam kỳ (Cochinchine) hay Bắc kỳ (Tonkin).

Chưa đầy một năm sau, tướng Pháp De Courcy đến Huế và nhất định đòi đi cùng 500 tên lính Pháp vào cửa  Ngọ Môn để yết kiến vua Hàm Nghi, triều đình Huế phản đối, yêu cầu chỉ một mình De Courcy được đi qua cửa Ngọ Môn theo đúng triều nghi, còn tất cả sĩ quan và binh lính thì phải đi qua cửa bên hông. De Courcy không chịu, nhất quyết đòi phải cho tất cả phái đoàn hộ tống y cũng được đi qua cửa Ngọ Môn khi vào triều kiến vua Hàm Nghi.

 

Thái độ hống hách này của De Courcy khiến cho cả triều đình phẫn nộ, nhất là Phụ chánh Tôn Thất Thuyết.

Đêm 5 rạng sáng ngày 6 tháng 7 năm 1885 tức là 23 tháng 5 năm Ất Dậu, Tôn Thất Thuyết đem quân tấn công vào quân Pháp tại đồn Mang Cá và toà Khâm Sứ Huế. Quân Pháp chỉ chống đỡ nhưng đến sáng ngày hôm đó thì phản công lại bằng mọi loại vũ khí tối tân và quân ta thua chạy. Theo tài liệu của người Pháp thì De Courcy đến Huế ngày 2 tháng 7 năm 1885 mang theo 19 sĩ quan và 1024 lính Pháp và đêm thứ bảy rạng ngày chủ nhật 5 tháng 7 thì bị quân VN khoảng gần 30,000 người tấn công, quân Pháp phản công gây cho mấy ngàn binh sĩ và thường dân bị giết, tuy nhiên không thấy nói gì đến thiệt hại của quân Pháp 

 

Theo Việt Nam sử lược thì: “Trận đánh nhau ở Huế, quân Pháp chết 16 người, 80 người bị thương. Sách Tây chép rằng quân ta chết đến vài nghìn người, còn bao nhiêu khí giới, lương thực và hơn một triệu tiền của đều mất cả.”

Tuy thiệt hại về phiá VN không có tài liệu nào nói rõ nhưng cho mãi đến giưã thế kỷ thứ 20, hàng năm cứ đến ngày 23 tháng 5 âm lịch là người dân Huế đều có làm lễ cúng giỗ cho linh hồn những nạn nhân của cuộc binh biến này, được gọi là Ngày Thất Thủ Kinh Đô, như vậy thì con số thiệt hại về nhân mạng của thường dân vô tội cũng phải rất cao.

 

(Trần Đông Phong)



Khoa cử thời xưa

Đời Trần (1225-1400)

Thời này được chia làm hai thời kỳ: Nho giáo và Tống nho. Mặc dù đời Trần sùng bái Phật giáo, Lão giáo nhưng vẫn phát triển Nho giáo như đời Lý. Năm 1232, Trần Thái Tông cho mở kỳ thi Thái học sinh sau này gọi là tiến sĩ với giới hạn tiến sĩ chỉ có 3 cấp: Đệ nhất giáp, Đệ nhị giáp, Đệ tam giáp tiến sĩ. Năm 1247, cũng khoa thi Thái học sinh danh hiệu của 3 người đỗ cao nhất (tam khôi) được đổi lại là Trạng nguyên, Bảng nhãn (như Bảng nhãn là Lê Văn Hưu tác giả bộ Đại Việt sử ký toàn thư, sử gia đầu tiên của nước ta), Thám hoa và còn lại là tiến sĩ. Trạng nguyên đầu tiên trong lịch sử khoa cử ta là Nguyễn Hiền, người Hà Đông.


Chu văn An đỗ Thái Học Sinh đời Trần Minh Tông, được bổ làm Tư Nghiệp Quốc Tử Giám dậy thái tử và con quan. Từ năm 1252, học trò nghèo được học với con quan tại Quốc Tử Giám. Phép thi được định rõ ràng, đời Trần Thuận Tông, chỉ có hai khóa thi là thi Hương tổ chức ở các vùng lấy cử nhân và thi Hội lấy tiến sĩ.


Thi Hương, thi Hội phải thi qua 3 trường (tam trường). Trường nhất: thi kinh nghĩa. Trường nhì: thi một bài thơ thất ngôn, một bài phú tám vần. Trường ba: thi văn sách. Thi Hương đậu hạng thứ là tú tài, đậu ưu và bình là cử nhân. Trần Anh Tông quy định lại, thi Hương phải qua 4 trường, đỗ cả 4 trường được gọi là cử nhân.


Đậu cử nhân mới được thi Hội. Thi Hội đậu mới vào thi Đình để phân chia cấp bậc tiến sĩ. Trần Duệ Tông mở khoa thi tiến sĩ, học vị tiến sĩ bắt đầu có từ năm này.  Thi Đình được tổ chức tại hành cung Thiên Trường (Nam Định). Thứ bậc như sau: Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ (Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa). Đệ nhị giáp tiến sĩ cập đệ (Hoàng giáp). Đệ tam giáp đồng tiến sĩ (Tiến sĩ).



Tại sao gọi họ là người Tàu?

Câu hỏi này được lý giải từ trên dưới 150 năm nay, kể từ khi tờ Gia Định Báo tìm cách lý giải nó. Nhiều thế hệ chúng tôi đã được học về các bài học lịch sử Việt Nam trong đó có học về sự va chạm dai dẳng với kẻ thù có tên là bọn Tàu, họ vốn ở tận phương Bắc xa xôi cách đất nước chúng tôi mấy ngàn dặm. Đọc sách lịch sử Việt Nam, sử gia Trần Trọng Kim chỉ dùng trước sau có mỗi chữ Tàu, không hề có từ Trung Quốc gì ở đây. Trung Quốc là tên mà người Tàu tự đặt tên cho tổ quốc của họ. 


Ai đó là người Việt gọi nước ấy là Trung Quốc là y như rằng họ chấp nhận tổ quốc ta là rào dậu, phiên thuộc của họ. Ai đã du nhập từ Trung Quốc này vào Việt Nam? Từ bao giờ? Ngày xưa có khi nào trong quốc thư mà Tàu gọi nước ta là Đại Việt đâu, cho dù Đại Việt đã là một vương quốc. Thế nên tiền nhân ta, nhất tề gọi họ là Tàu, ba Tàu là vậy cho dù nhà cầm quyền trong nước ngày nay gọi họ bằng mỹ từ… Trung Quốc.


(Lai Quảng Nam)



Tiến sĩ vinh quy

Nước ta có một ông tạo sĩ nổi tiếng: 
Khi ấy Huy quận công Hoàng Tố Lý đang có danh vọng lớn, thường dựa vào sự giúp đỡ của Đặng Thị Huệ; mà Thị Huệ thường cũng lấy Quận Huy làm chỗ nhờ cậy bên ngoài. 
Bấy giờ, đầu đường xó chợ có câu ca dao: 
Trăm quan ít sáng nhiều mờ 
Để cho Huy Quận vào rờ chính cung 


Quận Huy người làng Phụng Công, là cháu Bình Nam Thượng Tướng Quân Việp Quận Công Hoàng Ngũ Phúc, vẻ người thanh dật, là tay văn võ toàn tài. Khoa thi hương năm Ất Dậu (1765), Huy đi thi được trúng cách; đến khoa thi võ năm Bính Tuất (1766) Huy lại đỗ luôn tạo sĩ. Hồi ấy Ân Vương còn đang trọng dụng quận Việp, mới gả con gái thứ cho quận Huy (1). 
Năm 1782, Trịnh Sâm chết. Lính Tam Phủ đột nhập phủ chúa. Quận Huy cầm kiếm, cưỡi voi xông ra đánh dẹp, bị đám lính dùng câu liêm móc cổ kéo xuống, giết chết ngay tại chỗ.

 

(1) Ngô gia văn phái, Hoàng Lê nhất thống chí, Văn Học, tr. 16.

(Nguyễn Dư)



Một chiếc cùm lim chân có đế 


Lãng Nhân cũng viết giống Hoàng Xuân Hãn, trừ hai câu thơ sau chép hơi khác.

Ba hồi trống giục mồ cha kiếp 
Một nhát gươm đưa đ. mẹ
 thời 

 

Lãng Nhân chú: 

Thời là thời thế, mà cũng lại là tên vua Tự Đức. Có bản chép chữ thời ra chữ đời có ý than tiếc cho đời mình, e không phải khẩu khí họ Cao. 


(Chửi thề, văng tục ! - Nguyễn Dư)



Gọi người Tàu là tàu có từ… thời Tây?

Năm 1841, tàu Pháp vào vụng Sơn Trà (Đà Nẵng), đã ngang nhiên cho lính đổ bộ lại còn cho bắn 80 phát súng đại bác thị uy. Rồi sáu năm sau (1847), chiến thuyền Pháp lại vào cửa Hàn, nổ súng uy hiếp. Câu ca dao Quảng Nam sau đây có lẽ đã ra đời vào thuở đó:

Tai nghe súng nổ cái đùng
Tàu Tây đã tới Vũng Thùng anh ơi




Tàu chạy bằng hơi nước 

của Anh trong chiến tranh 

nha phiến


 

Một số truyền thuyết sai lầm về Cao Bá Quát

Cái chết của Cao Bá Quát

Về cái chết của ông có nhiều thuyết khác nhau. Một số người tin ông bị bắt, giải về Hà Nội rồi đưa vào giam ở Huế trước khi đem ra chém đầu. Trong thời gian bị giam trong ngục ông làm hai đôi câu đối nổi tiếng :

Một chiếc cùm lim chân có đế, 
Ba vòng dây xích bước cỏn vương.


và :

Ba hồi trống giục, đù cha kiếp, 
Một nhát gươm đưa, đ.. mẹ
đời 


Dựa vào văn phong người ta có thể tin là do ông sáng tác được song theo chính sử nhà Nguyễn, Đại Nam Thực Lục Chính Biên, thì năm 1854 ông bị "suất đội Đinh Thế Quang bắn chết tại trận. Vua Tự Đức hạ lệnh bêu đầu ông khắp các tỉnh miền Bắc rồi bổ ra ném xuống sông. Sau Quang được thăng lên Cai đội"


Như vậy là ông chết trận chứ không hề bị giam cầm, chết trận không nhục nhã bằng bị giam cầm rồi đưa ra chém. Bộ Thực Lục do các sử thần nhà Nguyễn chép, không có lý do gì dám sửa sự thật để giữ thể diện cho một phản thần nhà Nguyễn. 


Cho nên, theo tôi, hai đôi câu đối trên là ngụy tạo.


(Nguyễn Thị Chân Quỳnh)



Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Lầm rầm như đĩ khấn tiên sư 

Chế người lẩm bẩm trong miệng điều gì không dám nói ra.


Không ít bạn đọc chắc hẳn sẽ thắc mắc “đĩ khấn tiên sư” là gì ? Tại sao lại phải khấn “lầm rầm”? Rõ ràng GS mới chỉ dừng ở mức giải nôm cách dùng, mà cách giải thích cũng chưa đúng.

Có câu: “Tâm động quỷ thần tri” nghĩa là: trong lòng nghĩ gì quỷ thần đều biết. Khi khấn vái nghĩa là “giao tiếp” với “người âm” hay thần linh, người ta thường phải khấn lầm rầm, chỉ đủ để quỷ thần nghe thấy, đồng thời thể hiện sự tôn kính, sợ sệt. Tuy nhiên, ở đây thành ngữ dân gian không nói việc lầm rầm khấn vái nói chung mà là “lầm rầm như đĩ khấn tiên sư”. 


Bên Tàu ngày xưa chốn lầu xanh thường có bàn thờ vị Tổ nghề thanh lâu “bạch mi xích nhãn” (mắt đỏ, lông mày trắng). Truyện Kiều có câu: “Giữa thì hương án hẳn hoi, Trên treo một tượng trắng đôi lông mày… Cô nào xấu vía có thưa mối hàng, Cổi xiêm lột áo sỗ sàng, Trước thần sẽ nguyện mảnh hương lầm rầm, Đổi hoa lót xuống chiếu nằm, Bướm ong bay lại ầm ầm tứ vi…” 


Đĩ khấn tiên sư nghĩa là khấn vái “tổ nghề” (bán trôn nuôi miệng), cầu xin được “đắt khách”. Mà khấn để cầu một việc đáng xấu hổ, buồn cười như vậy “đĩ” nào dám khấn to? Thế nên, khi cúng bái người ta đã phải “lầm rầm” rồi, khấn tiên sư nghề làm đĩ  lại càng phải lầm rầm hơn. Hơn nữa, cũng nên chú ý, lầm rầm là nói ra rồi, nhưng nói nhỏ chứ không phải là “không dám nói ra” như GS giải thích. Bởi “không dám nói ra” tức là chỉ để bụng mà thôi.


(Hoàng Tuấn Công)



Hủ tiếu cá

Hủ tiếu cá với sợi bánh của món này dày gấp đôi sợi phở. lóc tươi mua về làm sạch sau đó xắt lát. Nước dùng nấu từ xương ống heo, loại có tủy để có vị ngọt và trong. Một tô đầy đủ gồm thịt cá chần chín, tỏi phi, tóp mỡ, hành phi, lá hẹ và các loại rau sống như xà lách, giá, ớt. Các nguyên liệu được lựa chọn kỹ lưỡng và chế biến khéo léo nên có vị ngon hấp dẫn. Thịt cá chắc, béo. Nước dùng ngọt thanh, xen lẫn vị cay nhẹ của tiêu.

Thế đấy, thế đấy... Sài Gòn có quá nhiều để nhớ...


(Nguồn: Diệu Huyền)



Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Những sai lầm trong Từ điển từ và ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân


khang trang
Theo soạn giả, khang là yên vui, mạnh khoẻ; trang là trau chuốt, tức là trang điểm; và, khang trang nghĩa là rộng rãi và đẹp đẽ. 


Như vậy, các từ tố đã được giảng chưa đúng. Khang còn có nghĩa là rộng lớn (đó mới là nghĩa của từ tố này trong từ khang trang, trang nghĩa là nghiêm chỉnh, nghiêm túc (chứ không phải là trau chuốt). Chữ trang trong từ khang trang cũng có mặt trong các từ trang nghiêm, trang nhã, trang trọng. Trong tiếng Việt, từ khang trang thường được dùng để chỉ nhà cửa rộng rãi đẹp đẽ.

Nhưng trong tiếng Hán được dùng để chỉ đường sá rộng rãi bằng phẳng và toả ra mọi hướng. 


(Lê Mạnh Chiến & H.H.Phúc)



Góp nhặt vụn vặt từ văn học Trung Hoa

Tẩu sinh
鲰 生

 

1-Cá tép, cá riu.

Chỉ người không có tài, hoặc ý kiến bỉ lậu kém cỏi.

 

2-Văn sĩ tự xưng một cách khiêm tốn, tự ví mình tài năng kém cỏi, nhỏ bé, như tép riu, tương tự như chữ "tệ nhân".
  

(Tửu cuồng – Phạm Xuân Hy)

 

Phạm Xuân Hy là nhà biên khảo văn học Trung Hoa sinh năm 1939, di cư vào Nam năm 1954. Ông tự học chữ Hán để đọc truyện Tàu để thảo luận những tình tiết và nhân vật trong những truyện đó như truyện Liêu Trai Chí Dị, Tam Quốc Chí, Thủy Hử, Tây Sương Ký, Sử Ký Tư Mã Thiên, v…v…Ông cũng đã hoàn tất phần chuyển ngữ tác phẩm đồ sộ nhan đề “Trung Quốc Lịch Triều Đại Sự Niên Biểu” (từ nhà Tần đến hết Tam Quốc).

Ông vượt biên năm 1979, đến đảo Pulau Tanga, thuộc Mã Lai. Ở trên đảo được 6 tháng thì được phái đoàn Pháp nhận cho định cư. Hiện ông ở Paris.

(Nguồn: Việt Dương)



Bích Câu kỳ ngộ, một truyện Nôm thuần Việt bị lãng quên

Xuất sứ và giá trị truyện Nôm  


Chữ Nôm là chữ của người  Việt. Một số người thiểu số có thể có chữ viết riêng song không nên gọi chữ này là chữ Nôm vì dễ gây nhầm lẫn. Tuy Nôm là Nam -  chữ Nôm là chữ của người phương Nam - vậy nhưng người Việt (Kinh) tạo chữ Nôm cách đây cả chục thế kỉ để kí âm tiếng Việt - còn chữ của dân tộc ít người thì đến nay vẫn chưa ai biết hình thể ra sao… không thể gọi là chữ Nôm được.


Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố (1889-1947) cho rằng chữ Nôm có từ thế kỷ thứ 8 do dân ta đã suy tôn Phùng Hưng là "Bố Cái đại vương". "Bố cái" là tiếng Nôm. Đến đời Lý thì có chứng cứ rõ về sự xuất hiện của chữ Nôm: Báo Tổ Quốc, số 3/1963 có đăng việc Ông Trần Huy Bá giới thiệu cái chuông đồng của chùa Vân Bản, Ðồ-sơn có lẽ được đúc vào đời Lý Nhân Tông (1072-1127). Chuông được vớt dưới biển lên vào năm 1958, trên có khắc hai chữ “ông Hà” bằng chữ Nôm. Lại có 2 tấm bia: Bia mộ Lê Phụng Thánh, khắc năm 1173 ở chùa Hương Nộn, Tam Nông, Phú Thọ, có 6 chữ Nôm: “đầu đình, cửa ngõ, bến sông”, bia chùa Tháp Miếu ở Yên Lãng, Phúc Yên, Vĩnh Phú, khắc năm 1210, có 13 chữ Nôm: “bơi, đồng, đường, dậu, chài, nhe, chạy, phướn, thằng, phao…” và một số câu chữ Hán viết theo cách nói tiếng Việt. 


Đến đời Trần thì chữ Nôm rõ ràng đã có vị trí vững chãi: chính vua Trần Nhân Tông đã có 2 bài phú Nôm là Cư trần lạc đạo phú và Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca… Chữ Nôm là di sản văn hóa riêng của dân tộc Việt gắn liền với lịch sử dựng nước mấy ngàn năm vì vậy văn Nôm, truyện thơ Nôm có vị trí khác hẳn truyện thơ, trường ca của dân tộc thiểu số.


(Nguyễn Cẩm Xuyên)


***


Phụ đính I


Tranh không phải của... hoạ sĩ

Tuy nhiên, mãi tới năm 1989, tại Nhà hữu nghị Tiệp Khắc ở SG, lần đầu tiên Trịnh Công Sơn mới chính thức trưng bày tranh của mình trước công chúng. Đó là cuộc triển lãm hội hoạ chung với Đinh Cường và Đỗ Quang Em. Thật ra, trước đấy một năm, Trịnh Công Sơn đã cùng Đinh Cường và Tôn Thất Văn mở một salon tranh tại nhà riêng trong ngõ hẻm trên đường Phạm Ngọc Thạch, Q.3, SG. Cuối năm 1990, đầu năm 1991, cuộc triển lãm tranh chung của Trịnh Cung, Đỗ Quang Em, và Trịnh Công Sơn đuợc tổ chức liên tiếp tại hai địa điểm, từ nội thành ra ngoại ô. Đợt trước mở cửa từ ngày 15-12-1990 đến ngày 2-1-1991 tại khách sạn Ritz, Q.1. Đợt sau mở cửa từ ngày 5 đến ngày 20-1-1991 trong trang viên Con Nai Vàng, Thủ Đức. 


Cuộc triển lãm này đã xuất hiện một ngộ nhận vui vui. Số là banderole / biểu ngữ được ghi liền mạch, không phết phẩy: Trịnh Cung Đỗ Quang Em Trịnh Công Sơn triển lãm tranh sơn dầu. Có người liền nghĩ rằng đây là phòng tranh của cây cọ Trịnh Cung Đỗ Quang, em ruột của Trịnh Công Sơn.

Họ hỏi thẳng điều đó với nhạc sĩ họ Trịnh, và ông đã thuật lại qua đoản văn Nhật ký ghi chậm, tháng mười hai, tháng giêng đăng trên Kiến Thức Ngày Nay xuân Tân Mùi 1991: "Đời sống có những nhầm lẫn trẻ thơ, không nên giận dỗi."

Hai đợt triển lãm liên tiếp vừa kể đã bộc lộ một Trịnh Công Sơn qua lăng kính thẩm mỹ thị giác. Đó là một nghệ sĩ thơ mộng và hồn nhiên "như trẻ nhỏ ngồi bên hiên nhà"  hoặc "như là người lạc trong đô thị" qua các tranh sơn dầu tĩnh vật Hoa thạch thảo, Bóng ghế và ly đỏ cùng các bức được tác giả đặt tên Phác thảo chân dung song lại là tranh đã hoàn chỉnh - mà thu hút sự chú ý của quan khách nhiều nhất hẳn là tác phẩm vẽ một phụ nữ khoả thân có nhan đề Phác thảo chân dung sinh nhật.

(Phanxipăng)


***


Phụ đính II


Chữ nghĩa làng văn

Nguyễn Tuân thường say nhưng có điều thật lạ là ông đã làm một bài hát ả đào nói về cái say của mình - cả mưỡu và hát nói - vào năm 1931 mà ít người được biết:

Hạnh Hoa thôn đã đây rồi,
Chơi đi cho thỏa một đời thông minh.
Nợ men gấp mấy nợ tình,
Cõi trần ướm hỏi Lưu Linh mấy chàng



Chữ nghĩa làng văn

Với nỗi đau ít ai biết của nhà thơ Thanh Tâm Tuyền vì mất tích đứa con trai trên đường vượt biển, và suốt thời gian sau đó ông “đã không ngừng khắc khoải trong vô vọng lần tìm tin tức và dấu vết đứa con mất tích ấy.” 


Nỗi đau này được nhà thơ Thanh Tâm Tuyền gói ghém trong 6 câu thơ viết năm 1988:

Như chim chao liệng chưa hừng đông

trên hoang phế cuối đêm thảm họa

buột tiếng kêu vô vọng thinh không.

Như con nước cuồng lưu mùa lũ

Trắng xóa bão gông mù mịt nguồn

Trôi giạt bến bờ đất khốn đọa.


(Trịnh Y Thư)


















Không có nhận xét nào: