Thứ Tư, 11 tháng 1, 2023

Đời Thủy Thủ II - Vũ Thất / Chương 8: Hải Phận Khánh Hòa (TT3)

          Đời Thủy Thủ II - Vũ Thất

                                       


                            Chương 8

           Hải phận Khánh Hòa (TT)

Thứ bảy 5/8/1967 11:40 G

Bước vào phòng ăn, việc đầu tiên là tôi hướng mắt về chiếc ghế dành cho tên Mỹ. Thật dễ chịu khi không thấy mặt hắn. Vài sĩ quan đã hiện diện. Nơi Võ Bằng ngồi, phần cơm đã được dọn sẵn.

– “Tôi cần về buồng…”

Miệng nói, chân bước vội về khung cửa. Tiếng Võ Bằng đuổi theo:

– “Nhớ có mặt trước 10 phút.”

Tôi kéo kín màn cửa rồi đi thẳng vào buồng vệ sinh. Tôi thấm nước một góc khăn, lau mặt, lau cổ, lau tay. Nước thật mát giúp da tôi trở lại mịn màng và thấy tỉnh người. Khi tôi đang o bế mái tóc, tiếng còi vang lên ba hồi te tít. Tôi nhìn đồng hồ: 11:45. Như vậy còi báo đổi phiên hải hành trước 15 phút. Tôi cũng còn 15 phút mới tới phiên… cơm trưa với Hạm Trưởng. Đó là cả một miễn cưỡng, hoàn toàn ngoài mong muốn. Nhưng tự do thì vẫn còn 5 phút nữa.

Tôi ngả lưng lên giường, hít thở dài hơi. Đó là cách tôi lấy lại sức sau một ngày học hành mệt mỏi. Nhưng ở trên tàu này, mệt mỏi đã là may mắn. Suốt đêm qua tôi đã ngất ngư. Rồi sáng nay, mới qua vài giờ mà sức đã đuối thì lấy đâu sáng suốt mà dối trá như một trước sau! Tôi không hiểu sao lại cứ lo lo khi bữa cơm vắng mặt Võ Bằng. Bắt chước anh chàng, tôi tự hỏi ‘vì sao’ nhưng không tìm thấy câu trả lời. Đúng ra, việc Võ Bằng không hiện diện tôi mừng mới phải vì sẽ khỏi bị tấn công mặt tình cảm trong nhiều mặt khác sắp bị tấn công tập thể.

Tôi ôn lại những gì tôi đã tiết lộ từ khi xuống tàu. Tôi nghĩ là tôi đã quyết định đúng khi không nghe lời Hưng nói dối về lý lịch. Thân thế ra sao cứ nói đúng vậy, không sợ gì sơ hở.  Khi quả bom nổ, tôi đã cao bay xa chạy. Tên tuổi địa chỉ đều giả lấy gì truy tầm!

Nhắm chừng 5 phút đã trôi qua, tôi ngồi bật dậy, bước ra phòng ăn. Võ Bằng còn đó hẳn muốn yên trí là tôi không vắng mặt. Anh chàng lịch sự kéo ghế mời tôi ngồi. Không thể làm khác hơn tôi ‘cám ơn’ rồi nhìn quanh nói ‘xin chào’. Mọi người đáp trả vui vẻ. Võ Bằng quay sang nói nhỏ với tôi:

– “Chịu khó ăn cơm… bình dân vài buổi. Về Sài Gòn, tôi sẽ đền bù ‘trừ hao’ ở các nhà hàng ngon lành.”

Phớt lờ cái liếc sắc bén của tôi, anh chàng uống cạn ly trà đá rồi rời bàn. Phút chốc, tôi thấy lúng túng, ngượng ngùng. Tôi nhìn anh chiêu đãi dọn dẹp phần ăn của Võ Bằng và bày biện các phần ăn mới. Tôi thích thú theo dõi cử động nhanh nhẹn khéo léo của anh. Tôi đâm mê cái chén trên cái dĩa màu trắng in hình mỏ neo màu xanh, kèm một bên là chiếc muỗng bạc và đôi đũa ngà, một bên là khăn ăn vải trắng. Lối trình bày gợi tôi nhớ cách nay nửa năm, Hưng đưa tôi đi ăn ở nhà hàng nổi, nơi một năm trước đó đặc công nội thành đã đánh bom làm chết và bị thương hàng chục tên Mỹ. Cũng chén dĩa trắng, cũng khăn ăn trắng. Chỉ có chút khác biệt là hình chiếc mỏ neo được thay bằng chữ Mỹ Cảnh. Bộ dạng anh bước khệnh khạng, cái cách anh bưng hai tô canh, hai dĩa món ăn tôi thấy không có gì bất thường để bị chọc quê là phi hành gia…

Tên Mỹ vừa ngồi lên ghế đối diện mỉm cười chào. Dù tia nhìn của hắn tỏ vẻ thân ái, dù đêm qua hắn không giở trò nhưng tôi vẫn mím môi đáp lễ. Tôi còn phải sống qua đêm nay nữa. Liệu đêm nay hắn có giở trò? Các sĩ quan cùng dòng máu Việt sẽ cứu tôi hay sẽ hùa theo để tận hưởng? Tôi rùng mình và thấy giận Hưng. Một mặt anh nói Mỹ Ngụy tàn ác, một mặt anh đẩy tôi vào tay Mỹ Ngụy! Tôi nhắm mắt xua đi ý nghĩ đen tối. Chợt tôi nghe tên Mỹ gọi thẳng tên tôi:

– “Miss Phượng, cô mạnh giỏi?”

Giọng của hắn cứng, thô nhưng phát rõ tiếng Việt. Tôi sượng sùng không biết xưng hô ra sao! Phải chi hắn hỏi bằng tiếng Anh thì khỏe biết mấy. Địch hay bạn cũng cứ là ‘you and I’. Trả lời bằng tiếng Việt sẽ phải gọi bằng ‘anh hay ông’ thì đều tỏ ra thân mật hoặc tôn kính.  Tôi chợt có ý nghĩ chọc ghẹo hắn. Tôi đáp:

– “Mạnh nhưng không giỏi. Còn mi?”

– “Còn ‘me’? Tôi không hiểu!” Tên Mỹ ngẩn ngơ.

Trung úy Lê Giáp Thân ngồi cạnh hắn, bật cười:

– “Không phải ‘M and E’ tiếng Mỹ mà là ‘M and I’ tiếng Việt, có nghĩa là … mày!”

– “Mày?” Tên Mỹ tỏ vẻ ngơ ngác.

– “’Mày’ có nghĩa là ‘you’. ‘Còn mi’ tức là ‘And you?’”

Tên Mỹ gục gặc đầu, khoái chí đáp trả:

– “Cám ơn cô Phượng, me good.”

Tôi cười, nói với Trung úy Thân:

– “Cám ơn Trung úy giải thích.”

Tiếng hô ‘nghiêm’ từ cuối bàn. Tất cả đồng loạt đứng lên. Tôi miễn cưỡng làm theo. Hạm Trưởng tiến đến chiếc ghế dành cho ông, chiếc ghế cùng mẫu có tay tựa, cùng màu xám nhạt nhưng có phần rộng lớn hơn. Ông nhìn qua một lượt, vui vẻ nói:

– “Mời ngồi!”

Câu đầu tiên sau khi ông an vị dành cho tôi:

– “Ông Hạm Phó lo cho cô đàng hoàng chứ? Có gì khiếu nại không?”

Giọng nói thân tình, thái độ tích cực, tư thế quyền uy khiến tôi lễ độ đáp:

– “Thưa Thiếu tá, hơn cả mong đợi.”

Tôi nói mà kêu khổ thầm. Khi nhận lời Hưng mang bom xuống tàu tôi không mảy may nghĩ mình sẽ lâm vào tình cảnh hôm nay. Theo dự trù, tôi ở khu tạm trú, ăn uống tự túc. Thế mà tôi lại đang được đối đãi như một thượng khách, được xếp ngồi ở vị trí quan trọng thứ nhì sau hạm trưởng. Tên Mỹ cũng xếp hạng sau tôi. Tôi đã nhẹ dạ nghe Hưng để bây giờ ngỡ ngàng, không biết ứng xử sao cho phải. Nội cách xưng hô cũng đầy phiền toái. Theo những gì được học tập, đây là những kẻ xâm lược, bán nước. Nhưng theo lễ nghĩa, tôi phải dạ thưa với chủ nhà, phải nhã nhặn với những người đáng tuổi làm anh. Bằng đang đi phiên nên ngồi sát bên mặt tôi là Trung úy Trần Văn Bạch. Tôi cúi gầm mặt tránh hàng chục cặp mắt đang hướng vào. Tiếng trầm ấm của Hạm Trưởng:

– “Cô là khách đầu tiên của chiến hạm, lẽ ra được thết đãi linh đình nhưng nhằm cuối công tác nên… có gì ăn nấy. Hy vọng cô có cùng chủ trương như tôi: Sống không phải để ăn!”

– “Cùng chủ trương, thưa Thiếu tá!”

– “Sĩ quan Ẩm thực đọc thực đơn hôm nay.”

Thiếu úy Hoàng Văn đứng lên:

– “Thưa Hạm Trưởng và quý vị, thực đơn hôm nay gồm các món sau:

Cơm trắng, cá chiên, thịt bò xào cải, tôm rim, canh rau muống. Hết.”

Hạm Trưởng lại nhìn tôi như chờ tôi cho ý kiến. Tôi thấy thiếu món tráng miệng không thể thiếu đối với tôi:

– “Tôi xin đóng góp món tráng miệng. Xin phép Thiếu tá.”

Tôi đứng lên đi vào buồng lấy hộp bánh LU đưa cho anh chiêu đãi rồi trở về ghế. Hạm Trưởng quét mắt quanh bàn, nói:

– “Nào! Mời cầm đũa.”

Ông dùng muỗng và đũa tách cá chiên thành từng miếng nhỏ. Tôi vừa cầm đũa vừa lén nhìn tên Mỹ. Cái cách hắn cầm tỏ ra hắn đã được huấn luyện trước khi sang Việt Nam tuy nhiên chỉ đủ để các ngón tay sồ sề cầm vững được đôi đũa ốm yếu. Khi tôi nâng chén và cơm vào miệng hắn còn lọng cọng dùng đũa ‘múc’ cơm.

Hạm Trưởng đang chậm rãi nhai hỗn hợp cải xào thịt bò, thấy tôi ngạc nhiên nhìn tên Mỹ gắp miếng cá chiên chấm nước mắm, ông nói:

– “Ban đầu Mister Ward chê nước mắm hôi nhưng giờ thì chịu là thơm ngon. Bữa nào không có nước mắm là hỏi!”

Tên Mỹ mỉm cười gật đầu tỏ ra hiểu câu nói. Tôi thì lại không hiểu chính tôi. Chống Mỹ nhưng lại thích thức ăn Mỹ. Nói cho đúng thì chắc vì lạ miệng. Lần duy nhất tôi ăn ration C cách nay vài tháng khi tôi về nhà nghỉ hè.  Ba má tôi thấy bán ở chợ trời, tò mò mua ăn thử. và tôi nhất định chọn ration C mang theo tàu thay cho cơm chiên ba má Hưng gợi ý. Ration C bán rất rẻ ở chợ trời Quy Nhơn.

– “Cô Phượng vẫn thường đi quá giang?”

– “Thưa, đây là lần đầu!”

– “Cảm thấy ra sao?”

Tôi vừa nhai vừa ngẫm nghĩ. Cảm thấy ra sao ư? Thì còn ra sao nữa! Một mình tôi giữa sóng nước mông mênh. Quanh tôi toàn là sắt thép, súng to súng nhỏ và hàng trăm lính nổi danh gian ác. Nhưng nếu thú nhận rằng đang lo sợ thì có khác gì thú nhận đang làm chuyện bất chính! Tôi uống ngụm nước rồi trả lời:

– Tôi… tôi thấy thật thích thú. Tôi yêu bài Hoa Biển của Anh Thy nên từng mơ ước một chuyến ra khơi. Nay ước mơ đã đạt.”

Trung úy Bạch lên tiếng:

– “Cô Phượng yêu Hoa Biển thì hẳn cũng yêu… lính biển?”

 Tôi thấy cần bịa chuyện cho xuôi chuyện:

– “Trước đây thì có…”

– “Còn bây giờ?”

Tôi nghiêng mặt trả lời Thiếu úy Tiến:

– “Bây giờ tôi đang ở trên chiến hạm.”

Thiếu úy Tiến phản đối:

– “Cô Phượng trả lời huề vốn!

Tôi cười, giả lả:

– “Chuyện thì dài mà tôi cũng không muốn gợi lại.”

Thiếu úy Hoàng Vân chen lời:

– “Đồng ý là không nên gợi lại. Chỉ cần biết hiện tại cô đang… độc thân là đủ vui rồi!”

Hạm Trưởng vừa cười vừa gắp con tôm rim bỏ vào chén tôi:

– “Con tôm này xuất xứ từ miền Tây. Vùng quê hương của cô phải không?”

– “Dạ phải.”

– “Cô ra Quy Nhơn hai tuần, đã đi những đâu?”

– “Ưu tiên là thăm viếng quê nhà của vua Quang Trung.”

– “Cô đã đến chưa? Tôi nghe nói người dân Bình Định chung sức xây Tây Sơn Điện để thờ ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ. Tôi từng muốn đến nhưng đường đi khá xa mà cũng không được an ninh.”

– “Tôi có đến viếng Tây Sơn Điện. Điện thờ có ba gian. Gian giữa thờ Quang Trung Hoàng Đế. Gian bên phải thờ Thái Đức Hoàng Đế tức Nguyễn Nhạc. Gian bên trái thờ Đông Định Vương tức Nguyễn Lữ. Dọc theo hai vách điện là án thờ tổ tiên nhà Tây Sơn và các quan văn thần võ tướng. Trong cùng có Đông phòng, Tây phòng là nơi gác trống chiêng. Càng nhìn càng thấy uy nghi xúc động. Ngoài khuôn viên điện thờ có cây me trên 300 tuổi và giếng nước cùng thời.”

– “Cô có nghe tin tức gì về Lăng mộ Quang Trung? Nghe đồn thì có nhưng chưa tìm thấy.”

– “Đúng vậy. Các hậu duệ vẫn đang khảo sát truy tầm.”

Chúng tôi tiếp tục ăn uống. Tôi vừa nhai vừa e sợ bị hỏi mà nghĩ mãi không tìm được câu hỏi tương xứng với chức vụ Hạm Trưởng. Ông lại lên tiếng:

– “Cô còn thăm viếng những nơi nào?”

– “Tháp Đôi của Chiêm Thành, Bán đảo Phương Mai, Mộ Hàn Mặc Tử.”

Thiếu úy Nguyễn Ấn ngâm nga:

– “Ngày mai trong đám xuân xanh ấy

Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi.”

Hạm Trưởng gõ đũa lạch cạch vào chén:

– “Các sĩ quan nghe cho rõ câu trả lời của cô Phượng. Ngày mai là ngày nào?”

Tôi lúng túng, nói thật:

– “Chúng tôi định sau khi tôi ra trường.”

Thiếu úy Hoàng Văn nóng nảy kêu lên:

– “Hóa ra cô Phượng không hẳn còn… độc thân! Vậy chừng nào ra trường?”

– “Hai năm nữa!”

– “Còn độc thân những hai năm nữa.” Hoàng Văn cất tiếng ca. “Đời còn nhiều bâng khuâng.”

– “Nghe giọng nói của cô, tôi đoán cô cùng miền với Hạm Phó. Nhưng chắc không cùng dân Châu Đốc?”

Tôi mừng nghe Hạm Trưởng đổi đề tài. Tôi đáp nhanh:

– “Vĩnh Long.”

– “Học trường Tống Phước Hiệp?”

– “Dạ phải”

– “Nơi sinh?”

Tôi khoái lối hỏi của Hạm Trưởng. Không phải mất công đắn đo tìm lời đáp ứng. Tôi đáp không do dự:

– “Nha Mân.”

Hạm Trưởng đập nắm tay xuống bàn một cách hứng thú:

– “Tôi đoán đúng! Cô phải sinh ra ở Nha Mân chớ không nơi nào khác!”

Tôi nhìn mọi người cũng ngẩn ngơ như tôi. Thiếu úy Hoàng Văn lại lên tiếng:

– “Tôi đồng ý với Hạm Trưởng.”

Các sĩ quan ngưng ăn, lao nhao.  Thiếu úy Nguyễn Ấn nêu thắc mắc:

– “Thưa Hạm Trưởng, dựa vào đâu Hạm Trưởng cho rằng cô Phượng sinh ở Nha Mân? Mà Nha Mân là nơi nào tôi chưa từng nghe danh!”

– “Nha Mân có một thời thuộc tỉnh Vĩnh Long. Các cô lớn lên ở Nha Mân thường theo học Trung học Tống Phước Hiệp. Năm 1960, tôi đổi về Giang Đoàn 23 Xung Phong đồn trú Vĩnh Long.  Suốt hai năm, tôi đeo đuổi một nữ sinh tuyệt đẹp. Cô bảo quê cô ở Nha Mân. Nha Mân thì Giang đoàn chẳng xa lạ gì. Thỉnh thoảng tôi chỉ huy năm ba giang đỉnh vào kinh Nha Mân yểm trợ đồn bót, nên khi biết sinh quán của ‘người yêu’, tôi cho giang đỉnh ghé chợ vừa để mua lương thực vừa dò la hỏi han. Ối chao, các cô ở đó đẹp sao là đẹp. Thành ra khi cô Phượng nói học Tống Phước Hiệp, tôi nghĩ ngay cô hẳn có gốc Nha Mân!”

– “Nhưng đâu phải người nào đẹp cũng đều sinh ra ở Nha Mân!” Trung úy Thạch phản đối.

– “Đồng ý. Nhưng phải là người từng đeo đuổi người đẹp Tống Phước Hiệp mới có linh cảm như tôi.”

– “Vẫn chưa ăn nhậu vào đâu, thưa Hạm Trưởng.”

– “Ăn nhậu là thế này! Có một lần ghé chợ Nha Mân ăn nhậu cùng các thẩm quyền xã ấp, tôi tỏ ý ngạc nhiên sao các cô gái Nha Mân đều có nhan sắc khuynh nước khuynh thành. Một chức sắc kể chuyện, khi chúa Nguyễn Ánh thua quân Tây Sơn ở trận Rạch Gầm, ông đưa cung tần mỹ nữ đến ẩn trú ở Nha Mân. Không lâu sau đó, Nguyễn Huệ tìm ra và truy đuổi. Tình thế khẩn cấp, Nguyễn Ánh một mình chạy thoát thân, bỏ lại dàn mỹ nữ hoa nhường nguyệt thẹn. Và dần dần họ trở thành là vợ là mẹ dân Nha Mân. Điều lạ lùng là các cô gái sinh ra đều giữ nguyên nhan sắc đến độ đã thành câu ca dao ‘Gà nào hay bằng gà Cao Lãnh. Gái nào bảnh bằng gái Nha Mân’. Thế thì, trước nhan sắc của cô Phượng, sinh quán Nha Mân, các quan ta kết luận thế nào?

Trung úy Thạch to tiếng nhất:

– “Cô Phượng hẳn là hậu duệ của vua Gia Long.”

Tôi thầm phục tài luận xét của Hạm Trưởng. Có lần mẹ tôi kể về gia thế của mình. Bà cố của mẹ tôi là một cung tần của vua Gia Long. Tuy vậy, tôi nửa nhận nửa chối:

– “Nghe như thiệt!”

Hạm trưởng quét mắt hỏi:

– “Có ai có ý kiến gì khác chăng?”

Tên Mỹ lắc đầu trước tiên.  Tội nghiệp, mãi đến giờ hắn mới có dịp phát biểu bằng cử chỉ! Trung úy Bạch, đẹp trai nhất đám, gật gù nói:

– “Căn cứ câu ca dao, cô Phượng khó chối cãi mình chính là bằng chứng… lịch sử!”

Tất cả cười rộ. Thiếu úy Văn bồi thêm:

– “Thưa công chúa điện hạ!” Anh chàng nói xong đứng lên chắp tay cúi đầu.

Tôi nghe máu chạy lên mặt nóng bừng. Giọng Hạm Trưởng đều đều, thân tình:

– “Phải nói tâm tính cô thật thuần lương. Là hậu duệ của Gia Long mà vẫn ngưỡng mộ Quang Trung. Có thể nhờ tấm lòng thuần lương đó mà Nguyễn Huệ cho cô cơ hội quá giang chiến hạm này.”

Thấy tôi tỏ ra không hiểu, ông xoay người chỉ vào chiếc huy hiệu treo trên vách:

– “Đây là huy hiệu của chiến hạm, mang tên trận Đống Đa lẫy lừng của Quang Trung.”

Tôi dở khóc dở cười trước nhận xét của Hạm Trưởng. Việc tôi đi quá giang gần như là một bắt buộc chớ có ‘ăn nhậu’ gì với mối thù giữa hai vị vua. Cũng chẳng là sứ giả hòa giải gì hết! Còn tâm tính thuần lương, chỉ đúng trước khi tôi gặp Hưng. Tôi đã từng cực lực phản đối khi ba tôi mua gà sống về tự cắt cổ lấy máu làm tiết canh. Nhưng giờ đây, thuần lương gì mà đem bom cho nổ giết người. Tôi chua xót tự hỏi vì sao mà bỗng dưng quay đầu 180 độ. Vì đâu nên nỗi!

Tiếng của Trung úy Bạch:

– “Thưa Hạm Trưởng, chuyện tình Tống Phước Hiệp, rốt cuộc giai nhân trở thành Hạm Trưởng phu nhân?”

– “Trung úy đã yêu ai chưa?”

– “Thưa, đang yêu.”

– “Đeo đuổi mấy năm rồi?”

– “Mấy tháng nay.”

– “Cố gắng kiên trì đeo đuổi hai năm như tôi thì cô ta sẽ thành Bạch phu nhân!”

Chúng tôi cười phá lên. Nhìn nụ cười hả hê của Hạm Trưởng mà lòng tôi chùng xuống. Vợ của ông không chừng có dây mơ rễ má với tôi. Tôi cúi nhìn mặt bàn trắng tinh tưởng như mọi toan tính đen tối trong đầu đã xóa sạch. Giọng Hạm Trưởng thật hiền hòa:

– “Kỳ này về kể chuyện gặp cô Phượng, hẳn nhà tôi mừng lắm! Thế nào bà ấy cũng tìm tận nhà để hàn huyên.”

Gặp người cùng hoàng tộc, còn gì vui hơn nhưng địa chỉ trong giấy phép quá giang là giả, tìm sao được mà tìm. Nghẹn ngào, tôi chỉ biết giương mắt nhìn ông.  Bất chợt mắt tôi dừng ở một huy hiệu màu vàng gắn bên trên bảng tên Bùi Việt Quang ở ngực áo. Đó là một vành tròn bằng kim loại ôm lấy ngôi sao năm cánh với mấy chữ không trông rõ. Tôi chộp cơ hội đổi đề tài:

– “Ồ, chiếc huy hiệu trông đẹp quá!”

Theo tia mắt tôi, Hạm Trưởng cúi nhìn rồi ngẩng lên mỉm cười:

– “Cô đã từng uống nước mía ở đường Pasteur?”

Ngạc nhiên trước câu hỏi lạc đề nhưng tôi vẫn thật lòng trả lời:

– “Đó là địa điểm ưu tiên khi đi phố.”

– “Cái huy hiệu tôi đang đeo, Hải Quân gọi là… bánh xe nước mía! Cô nhìn kỹ xem có giống không?”

Tôi chồm người nhìn chăm chăm rồi tưởng tượng hình ảnh bánh xe quay ép cây mía. Tôi nói:

– “Chỉ giông giống thôi. Huy hiệu thật thẩm mỹ và trông như vàng thiệt. Nhất là ngôi sao năm cánh thật nổi!”

– “Chính danh, đó là huy hiệu Hạm trưởng. Ngôi sao tượng trưng cho sao Bắc Đẩu mang ý nghĩa chỉ dẫn hướng đi. Còn tay lái tượng trưng cho chiến hạm. Nói rõ hơn đó là biểu tượng uy quyền của người chỉ huy chiến hạm.”

– “Thưa Thiếu tá, nửa phần dưới vành tròn khắc những chữ gì?”

– “À, đó là Danh Dự, Kỷ Luật, Tài Đức. Một nhắc nhở, một lời thề. Người mang huy hiệu này phải luôn luôn tôn trọng danh dự, gìn giữ kỷ luật và phát huy tài đức.”

– “Một huy hiệu thật ý nghĩa.” Tôi gật đầu tỏ vẻ hiểu biết.

– “Huy hiệu của Hải Quân Việt Nam dựa trên nền tảng đạo đức.” Hạm Trưởng tiếp. “Huy hiệu của Mỹ dựa trên uy quyền. Thay chỗ Danh Dự Kỷ Luật Tài Đức là hàng chữ Latin “Magister Post Deum”, có nghĩa “Bậc Thầy chỉ sau Thượng Đế”. Dịch nôm na là trên có Trời, dưới có Hạm trưởng.”

– “Như vậy có nghĩa là trên thế gian này uy quyền của Hạm Trưởng là trùm thiên hạ!” Thiếu úy Vương Văn Tiến nói.

– “Không hẳn thế!”, Hạm Trưởng lắc đầu. “Chỉ trùm ngoài biển thôi!”

Tôi đang hài lòng với sự khiêm tốn của ông thì lại nghe ông tự đính chính:

– “Tôi nói thế cũng còn quá tự tôn. Đúng ra là chỉ riêng trên một chiến hạm. Còn uy quyền ngoài biển, thì phải dành cho Ngài Đại Hải Long Vương. Cô Phượng có nghe danh Ngài Đại Hải Long Vương?”

– “Có biết qua khi đọc Tây Du Ký!”

– “Chắc cô khó mà tin, chiến hạm này đặc biệt có duyên được Ngài để mắt tới.”

Mọi người gật đầu tỏ vẻ tán thành làm tôi càng nôn nóng muốn nghe tự sự nhưng ông thản nhiên bỏ dở:

– “Trở lại huy hiệu Hạm Trưởng, cần nói rõ thêm để trường hợp cô Phượng muốn làm tài công… lái hạm trưởng thì biết phân biệt. Ông Hải Quân nào đang làm hạm trưởng – thường là xa nhà – thì huy hiệu này đeo bên ngực áo phải. Còn ông nào từng là hạm trưởng – thường như công chức – thì đeo bên ngực áo trái.”

Thấy sự việc chẳng ăn nhậu gì đến mình, tôi nhắc:

– “Thiếu tá chưa nói rõ trường hợp đặc biệt nào chiến hạm được Ngài Đại Hải Long Vương để mắt tới…”

– “Muốn rõ chuyện thì cô buộc phải rời bàn, là điều tôi muốn tránh lúc đang ăn. Hẹn đến trước cơm tối.”

Tôi cụt hứng, lặng lẽ và cơm. Một lúc, Hạm Trưởng buông đũa, nói với tên Mỹ:

– “Hê Rick. Tàu chạy chậm quá. Có phim gì xem cho qua thì giờ?”

– “Có movie Mission Impossible, phim mới, coi hay lắm.”

– “Cái tựa nghe hấp dẫn đấy. Vui lòng chiếu cho mọi người cùng xem, được chứ Rick?”

– “Aye aye sir.”

Tên Mỹ lanh lẹ đứng lên bước vào buồng. Tôi hỏi Trung úy Bạch:

– “‘Aye aye’ nghĩa là gì vậy?”

– “À, đó là đặc ngữ của Hải Quân Mỹ, dành cho cấp dưới trả lời cấp trên. Có nghĩa ‘Tuân lệnh, thưa ngài’. Trường hợp này, có thể hiểu: ‘Có ngay, thưa Hạm Trưởng’”.

Tôi ngạc nhiên thốt lên:

– “Có thật ‘Aye aye’ mang ý tuân lệnh không đó? Hắn là Mỹ mà!”

– “Mỹ thì mặc xác Mỹ, bộ cô không thấy hắn răm rắp tuân lệnh Hạm Trưởng đó sao! ‘Magister Post Deum’ mà!”

Tuy đã tận mắt chứng kiến, tôi vẫn bán tính bán nghi, nên hỏi:

– “Trung úy xưng hô với hắn thế nào?”

– “Thì lịch sự gọi Mister Ward, rồi dùng ‘you’ mang nghĩa tiếng ‘mi’ của cô!”

– “Chí lý!”

Tôi thấy nhẹ người với cách xưng hô mới mẻ này. Tôi sẽ trực diện với tên Mỹ,  muốn đích thân hỏi hắn mang xác đến miền Nam để làm gì!

Anh chiêu đãi nhanh nhẹn dọn dẹp bàn ăn. Tên Mỹ đặt máy ở góc bàn nơi Hạm Trưởng ngồi chiếu thẳng vào vách.  Các sĩ quan cuối bàn nhấc ghế sang hai bên.

Phim kể về một điệp vụ của Mỹ gồm một nữ bốn nam có nhiệm vụ đến Santa Costa để tịch thu hai đầu đạn nguyên tử do kẻ thù của Mỹ cung cấp. Hai đầu đạn đó có thể dùng để cho nổ trên đất Mỹ. Cuộc đột nhập rất nguy hiểm hồi hộp. Cô điệp viên rất bạo dạn trong nhiệm vụ giao phó, được sự phối hợp chặt chẽ nhịp nhàng của bốn đồng nghiệp. Còn tôi, một tay mơ nhập nghề, nhiệm vụ tôi cũng thật hồi hộp hiểm nguy nhưng lại hoạt động đơn độc, xoay sở một mình. Vừa xem phim vừa thấy mình quá liều mạng…

Được chừng nửa phim, đang lúc nữ điệp viên Barbara Bain dùng mỹ nhân kế che mắt tên tướng địch để đồng nghiệp đột nhập kho chứa hai quả bom thì tiếng chuông nội thoại chợt reo vang làm tôi giật nẩy mình.

Thiếu úy Văn nhấc máy gắn trên vách:

– “Thiếu úy Văn tôi nghe.”

Một thoáng, anh hướng về Hạm trưởng:

– “Thưa Hạm Trưởng, Hạm Phó xin gặp Hạm Trưởng.”

Ông bước đến tiếp nhận ống nghe. Chỉ vài giây sau ông reo to:

– “Tốt quá! Hạm Phó cho lái vào Cam Ranh. Khoảng bao lâu nữa tới cửa vịnh?”

Hạm Trưởng lắng nghe rồi gác máy, trở về bàn nói với tên Mỹ:

– “Cơ phận của máy bơm giảm nhiệt ‘you’ đặt hàng, đã có sẵn ở kho tiếp liệu. Chúng ta ghé vào lấy. Thay cái mới, chiến hạm sẽ… bay về Sài Gòn. Cám ơn đã trợ giúp.”

– “Không có chi.” Tên Mỹ nói tiếng Việt ngọt xớt.

– “Còn một giờ nữa mới tới cửa vịnh, chúng ta có thể xem đến hết tuồng.” Hạm Trưởng quay sang tôi. “Cô Phượng đã đến Cam Ranh bao giờ chưa?”

– “Thưa chưa!”

– “Đến viếng Cam Ranh thường là bằng đường bộ. Còn bằng đường biển thì nghìn năm một thuở. Chính vì vậy tôi đành cho phép cô lên Đài Chỉ Huy chiêm ngưỡng quang cảnh từ biển vào vịnh để chuyến đi của cô thêm thi vị!”

Mấy từ ‘lên đài chỉ huy’ không hiểu sao khiến toàn thân tôi gần như run rẩy. Tôi lắp bắp, suýt nữa xưng tên thật:

– “Phượng chân thành cảm tạ Hạm Trưởng!”

Tôi cũng nhận ra mình quýnh quáng gọi ông bằng chức vụ nhưng ông chỉ mỉm cười cảm thông. Tôi tiếp tục nhìn lên màn ảnh mà không hiểu gì nữa. Đầu óc tôi cứ mường tượng chiếc cầu thang dẫn lên thượng tầng kiến trúc và lẩn quẩn nghĩ cách đưa quả bom lên đó. Tôi chợt hiểu ra nguồn cơn xúc động. Điều tôi thầm ao ước bất ngờ ập đến. Thiếu tá Bùi Việt Quang, Hạm Trưởng Hộ Tống Hạm Đống Đa 007 đâu biết rằng việc cho phép tôi lên đài chỉ huy là ông tự đào mồ chôn chính ông và bộ chỉ huy của mình…  

(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào: