Thứ Hai, 2 tháng 1, 2023

Nhất Bạch, Nhì Vàng, Tam Khoang, Tứ Đốm ( Ngộ Không Phí Ngọc Hùng)

  Nhất Bạch, Nhì Vàng,Tam Khoang, Tứ Đốm


      Rong chơi Hà Nội ba mươi sáu phố phường không hẳn chỉ nom dòm nhà cửa, đường xá và đầu hồi chuôi vồ, lỗ cửa mắt bò xa xưa còn lại. Một thoáng hương xưa của Hà thành với trời đất hương hoa người ta cơm rượu mà thiếu lá mơ, lát riềng… Thiếu vắng cái thi vị một ngày gió bấc mưa phùn, vì ở ngõ Hàng Lược, có một quán thịt chó không bảng hiệu, bốn đời cha truyền con nối. Trên gác khách ăn trải chiếu ngồi mâm. Khách quen là cụ Nguyễn Tuân với món móng chó luộc (xem cụ Nguyễn Tuân, xơi thịt chó, tr 5). Ca dao ta có câu:


Sống được miếng dồi chó

Chết được bó vàng tâm

Sống không ăn miếng dồi chó

Chết xuống âm phủ không có mà ăn


       Chết xuống âm phủ, không thể không nhắc tới phố Lò Xũ bán quan tài. Vào thập niên 20, tao nhân mặc khách là những bác đô tỳ, đầu quấn khăn đầu rìu, quần sắn móng lợn, chân đất vỗ bèn bẹt ngự trên chõng tre, tì tì đánh chén. Ai quên bến lú mặc ai, cuối cùng tôi cũng có mặt ở đầu ngõ Hàng Lược, khúc gần ngã tư Hàng Cá và Ngõ Gạch trong một ngày cuối năm để xả sui. Xả sui đâu không thấy, chỉ thấy cửa hàng đóng cửa im ỉm từ chiều 30 đến mùng bốn. Thưa bạn già.

       Vì gần đến ngày xuôi Nam, mùng ba Tết, tôi xuất hành cầu âu đến khu Nhật Tân có bao nhiêu cây đào là có bấy nhiêu quán thịt chó. Nhưng quán xá cửa đóng then gài, chó ngáp phải ruồi, có một quán cửa he hé mở. Ấy vậy mà sĩ phu Bắc Hà đã có dăm mống. Ai tới trước thỉnh quan bác lên chõng. Chậm chân ư, thôi đành để quan anh an nhiên tự tại dưới đất, nhưng cũng chiếu cói như ai. Đầu năm đầu tháng, thôi thì thượng điền tích thủy, hạ điền khan, tôi nhắm cái “dựa mận” trước đã. (xem cuối tr 2)


       Mặt mày bạn già nhăn nhúm, đúng là chó thánh nhai ra chữ, gì mà có chuyện chiếu trên, chiếu dưới ở đây. Dào! Bác cứ nói thế, thế nhưng như bài tạp bút đây, đâu phải ăn không ngồi rồi mà có, cũng tầm chương trích cú chuyện xưa tích cũ cả đấy. Vẫn chưa xong với chó ỉa dập, tôi dây dưa thêm ngẫu sự của chính tôi. Chuyện là ngày bảy, tám tuổi, ông bác sai thằng cháu đi mua thịt chó về làm một cữ cho quên mưa phùn gió bấc. Trên đường về, một tay cầm đĩa thịt luộc, một tay cầm cút rượu trắng. Nhóc tôi dò dẫm bấu năm đầu ngón chân xuống đất vì chỉ sợ vồ ếch thì rõ… trơ mắt ếch. Lum khum về đến nhà, chẳng hiểu ngẫu sự gì mỗi thứ chỉ còn một nửa. Vặn óc nghĩ không ra, đến gần cả đời người tôi vẫn chịu không hiểu nổi cái ngẫu sự có túc duyên với thịt chó.


       Sau khỏen rựa mận, làm thêm dăm lát thịt chó luộc béo ngậy của ngày tháng cũ, bằng tuổi này, tôi vẫn nặng nợ với nó, như duyên nghiệp vậy thôi. Thì như nhà Bụt đã dạy: “Đi tu Phật bắt ăn chay, thịt chó ăn được thịt cầy thì không” mà ngàn đời mấy ai lỡ quên là vậy. Bác nheo mắt ra cái điều hoài nghi, hoài của làm gì có chuyện nhà chùa nuôi chó? Chả lẽ tôi lại mang câu các cụ ta xưa đã dậy chó chùa bắt nạt chó làng. Vậy bác để tôi quấy quá với cụ Nguyễn Tuân qua Hồi Ký Nguyễn Đăng Mạnh nha…

       “Tôi đưa Nguyễn Tuân về Thanh Hóa để diễn thuyết, phó viện làm tiệc lớn chiêu đãi, đưa ra một chai rượu ngoại để thù tiếp nhưng Nguyễn Tuân làm lơ, lôi gói cơm nắm trong ba lô, xắt mấy lát mỏng, ăn với ruốc, sau đó lấy bi đông rượu rót ra cái nắp uống. Nguyễn Tuân vừa ngó chai rượu nằm chỏng chơ bên đĩa tiết canh và nhởn nha kể chuyện tiết canh buộc lạt treo lủng lẳng ngòai sân mới là tiết canh. Tiếp, ông kể chuyện từng được một ông sư chùa làng đãi một bữa thịt chó độc đáo. Thịt chó nhà chùa nuôi, ướp gia vị, đặt vào giữa lá sen, bó lại, đem đồ cho chín dừ. Món ăn vừa tục vừa thanh, vừa có hương thơm, có vị chát của nhựa sen. Tôi nhủ thầm, thịt chó mà dám cho vào tòa sen, ông sư nào mà hỗn thế, có kể cũng chẳng ai tin”.


       Phất phơ chuyện xưa chuyện nay với bác rồi. Tôi nhân sinh quý thích chí (cụ Tú Xương) với lát thịt chó luộc beo béo, chấm mắm tôm chanh ớt. Bèn đưa cay một hơi rượu làng Hòang Mơ, Hà Đông, rượu hơi “mỏng”, “gợn” nhưng mà “lành”, cũng tạm được (theo cụ Văn Cao). Bỗng không thao thiết tới người Phạm TháiSống ở dương gian đánh chén nhè – Thác về âm phủ cắp kè kè, Diêm vương phán hỏi mang gì đó – Be”. Trong khoảnh khắc hòai đồng vọng một thời với rượu làng Vân. Đành gọi thêm “be” rượu “bà Béo” ở phố Bà Triệu, rượu “nồng nhưng dễ uống”, nhưng cũng… “dễ gây chuyện”. Được thể tri giao quái ngã sầu đa mộng tới cụ Nguyễn Du (1765) mê mẩn thịt chó đến độ cứ có anh mực, chị vện là “hữu khuyển khả tu sát”, Nôm có chó cứ làm thịt trong bài cổ thi có tên gợi cảm Hành lạc từ: Tội gì ngàn năm lo - Có chó cứ làm thịt - Có rượu cứ nghiêng bầu - Được thua trên đời chưa dễ biết”.

       

       ***

       Thưa với bạn già là ngày đầu năm bà nhà hàng đon đả ra chào khách, dông dài kể lể nghề nhà, mấy đời ở chợ Canh, Hà Đông. Bà mượn miếng trầu là đầu câu chuyện…

       Chả dấu gì nhà bác, người ta bảo chỉ có chó chợ Canh mới ngon thịt. Những hàng thịt chó ở phố Hàng Than, Hàng Đồng đều người trong Canh. Khách sành ăn vẫn cho là chẳng đâu được với thịt chó mộc. Bởi vậy, xem ra ở Hà Nội, hầu như các quán thịt chó đều người làng Canh mở, chó đen chợ Canh được tiếng ngon thịt. Khốn khổ một nỗi, người ăn thịt chó nhưng dị đoan kiêng chó đen, không đụng đến thịt chó đầu tháng, cuối thángra đường tránh gặp chó đón ngõ, là thế đấy nhà bác ạ.

       À mà nhà bác hỏi thịt mộc là gì ấy hở. Khỉ gió cắn răng nhà bác nhá, vậy mà cũng không biết. Này nhá, thịt mộc là thịt chó luộc mà bác đang xơi ấy. Thịt mộc có cái ngon riêng, vì miếng thịt được cái ngon của miếng thịt sơ sài. Trong khi thịt chó nướng chả, lại trông vào tẩm ướp gia vị: củ hành hoa phả nước hàng rồi lấy xiên nhôm thuốn thành gắp. Than hoa bốc mùi chả thơm lựng. Nhưng đấy là lối làm chả chó ngoài phố. Ở vùng quê, chả chỉ nướng trơn cốt khoe cái ngon như thịt mộc, không pha phách. 

 

      Thầy cháu vẫn thường nói: chó tháng ba gà tháng bẩy, gà lọt dậu, chó sáu bát, những anh chị chó đang tuổi hoa niên, lúc ấy đem ra thui mới ngon. Con chó thui, da nó vàng ươm, lớp bì mỏng tang, thật là ăn miếng nào rõ ra miếng ấy. Khi thui chó, đã đành thầy cháu kén rơm mới, thầy cháu còn nhét vào bụng nó một nắm lá ổi. Nằm trong chăn mới biết chăn có rận, qua nghề nhà mới biết: Miếng nạc cắt ra ở đùi ngon một kiểu, miếng thịt cắt ra ở lưng có nhiều bì, lại ngon một cách khác, miếng nầm, tức phần có nhiều sụn ở ức thì nhất. Cháu cũng chả biết chó có dây mơ rễ má gì với đậu xanh không, ta dùng hạt đậu để đắp vào vết thương bị chó cắn. Nhưng dồi chó thì nhất định phải làm bằng hạt đậu xanh, rang lên, xiết vỡ, thêm ít búp ổi, lá mơ lông, trộn với tiết. Luộc xong, thầy cháu phải hơ qua lửa cho se mịn lại, cắn nó ngậy, ăn nó bùi nghìn nghịt làm sao ấy. 

       Ấy, cũng như món… À mà nhà bác búi bấn “dựa mận”, “rượu mận” gì đấy? Giời ạ, nói vô phép vô tắc chứ nhà bác ăn thịt chó mòn răng mà chả biết chó gì sất cả. Cứ theo các cụ ta nói lại rựa mậnlà món nấu với riềng, mẻ, mắm tôm, lá mơ, nó sền sệt, mầu nâu nâu như nhựa cây mận nên các cụ gọi trại ra thế. Đúng ra rựa mận, đúng cách nhất phải là miếng thịt có mỡ, bì. Cái bì tôn hẳn đặc tính rựa mận. Thiếu bì như thịt bò thui chấm tương gừng không có da. Chả dấu gì, chứ lại món này nhiêu khê lắm bác ấy ạ, nấu hao thịt và nhiều công, nào là phải bóp thịt kỹ với mắm tôm, mẻ và gừng già. Nhớ là gừng chứ không phải là riềng đâu bác ấy nhá, gừng càng già càng cay là thế. Xong phải đun liu riu đều lửa trong nồi gang, người Bắc mình gọi là ninh ấy mà, đến khi các miếng thịt đều sậm màu như màu mận chín, nước quánh lại là đúng cữ. Mấy cụ thường vẫn kháo nhau, món ăn với bún thì sướng âm sướng ỉ cả ngày. 


       Ngẫm nguội một nhát, bà đủng đỉnh, không nói bác ấy cũng biết, đã nói đến thịt chó là phải nói đến riềng, mẻ và mắm tôm. Ấy dạo này già rồi nên hay lẫn, quên không nói cho bác ấy nghe, ăn thịt chó không bị độc là nhờ cái nhà anh riềng đấy, thuốc Nam người mình dùng để chữa chứng đau bụng, đầy hơi, đi lỏng, kiết. Còn được gọi là cây gừng một lá, “láng giềng”, láng tỏi của gừng được gọi là giềng, rồi cũng lại bị gọi trại đi là… riềng. Dào! Quên khuấy đi mất bát mắm tôm chanh, cháu thả vào lưng chén rượu trắng cho bay mùi. Cháu chỉ quơ nhăm đũa là bát mắm tôm nổi bùng lên ngay, dậy thơm ngào ngạt. Thầy cháu bảo, chả hiểu có đúng không, đã mắm tôm phải gắt, nó là âm thanh chát chúa của tự nhiên. Nó giống như tiếng trống chầu gõ vào tang trống gỗ, tiếng phách cật tre già trong đàn hát cô đầu, tiếng ngâm, tiếng hãm. Khi không bà buông một tiếng dài: “Rõ mấy cụ rỗi chuyện”. Chêm tí vôi vào miếng trầu, bà đong đẩy: “Cụ Cử làng Bưởi sau mấy cút còn bốc nhằng, thịt chó vẫn là âm thanh náo nức của cuộc đời, nó biểu hiện sự sô bồ, tung hòanh và tháo cởi”. Rồi bà tặc lưỡi: “Giời ạ, rõ chán chữ với nghĩa của các cụ, cháu nghe cứ như dùi đục chấm mắm cáy ấy, chả ra làm sao sất cả”. 


       Đổi thế ngồi, bà lan man, ăn thịt chó uống rượu trắng Vân Điển, rượu thuốc hăng hắc mùi táo tàu, mùi cam thảo thì vứt đi cho chó nó tha. Còn rượu nếp cẩm, nếp than thì chả ra cái thá gì, nhạt thèo lèo như nước ốc ngâm vôi ấy. Nhưng có một thứ rất hợp với bia, ấy là món chả chó. Món này gậy mùi nhất trong các thứ chả đấy nhà bác ạ, hơn cả chả Nam Định quê cháu. Trước khi nướng được ướp riềng già, mẻ, mắm tôm trộn đều với nhau. Thịt chó cắt từng miếng bằng đốt ngón tay, vừa nạc vừa mỡ, xiên vào từng xiên rồi nướng. Mà than tàu, than đá lắm khói nên thâm thịt. Vớ phải cái giống củi ẩm thì chỉ có mà đi tướt. Mà phải là than quả bàng hay than hoa gì ấy và phải quạt liền tay cho đỏ đều, thịt xèo xèo cháy, mỡ giỏ xuống than bốc khói thơm quyện vào thịt và đợi chín vàng như nghệ mới tươm tất. Bầy lên đĩa, thầy cháu còn cầu kỳ rắc lên ít sợi riềng khô. Rồi bà chép miệng, bia và chả chó hợp nhau lạ lùng, thầy cháu vẫn nói vậy, nào cháu có biết mốc khô gì đâu, chắc ở đời này chẳng có thứ nào hợp với bia hơn là thứ chả chó, phải không bác. 

       Mà bác ấy ạ, lạ một nhẽ ăn thịt chó phải có húng, mà phải là… húng chó trồng ở làng Láng. Một đĩa húng chó, có thêm mấy cọng ngổ, mấy nhát riềng tươi. Chấm miếng thịt nướng vào bát mắm tôm, làm một hớp bia, nhâm nhi với miếng riềng, cọng húng, miếng bánh đa vừng thì… Thì giời đất ạ, ngon… quên chết đi chứ lị. Bác ấy ơi”.


       Quán có khách, bà đi vào. Tôi ngẫm nguội gặp bà chủ quán mắn chuyện, chuyến này đi nhẹ về nặng, có thêm một rổ chữ để làm vốn. Mà lâu lắm rồi, tôi không gặp lại cái khăn mỏ quạ, răng hạt huyền, răng hạt na một thời vắng bóng. Bỗng dưng u hòai về bà hàng thịt chó ven chợ: “Ăn rồi xách nón ra về - Thấy hàng chả chó lại lê chân vào - Chả này bà bán làm sao - Ba đồng một gắp lẽ nào chẳng không”.


       ***

       Từ “bà” thầy chủ quán, dây cà ra dây muống, tôi lây dây qua “ông” thầy thịt chó, là ông cậu “trẻ” lớn hơn tôi hai, ba tuổi. Mạn phép bạn già, tôi gọi bằng “nó”. Bởi chưng tôi “mày, tao” với nó nhè ở cái tuổi nhầng nhầng. Ở quê bị thương hàn, trộm thấy nó sắp theo ông bà ông vải. Các cụ mang ra chuồng lợn ủ trấu lấy khí âm, khí dương. Nghe tiếng kêu eng éc, nó ngóc đầu dậy nhìn… và phều phào muốn ăn… thịt chó. Các cụ nghĩ vụng trước sau gì nó cũng về chầu tổ tiên nên chiều thằng ôn vật lần cuối. Nó ăn xong không chết cho mà sống nhăn răng để thành… “ông” thầy thịt chó của tôi, thưa bạn già.

        Với chó ba khoanh mới nằm, gà ba lần vỗ cánh mới gáy nó gáy um lên mà rằng: 

        Rằng thời đồ đồng, đồ đất gì ấy, các cụ cổ ta xưa xách giáo, mác vào rừng săn, bắt gặp một con vật có bốn chân, đuôi cong, mũi nhọn là con cheo vừa ngọt thịt, vừa thơm. Thế là các cụ hè nhau ra mang về ngả thịt đánh chén. Chưa hết, nó chó gio mèo mù thêm: Sau đến màn cây nhà lá vườn ngả qua con chấn bốn cho. Các cụ ta nhập nhằng nói chữ… ”con cầy” là thế.

       Lạc đường nắm đuôi chó, lạc ngõ nắm đuôi trâu, tôi lêu bêu theo nó: Chú chó là con vật được loài người thuần hoá đầu tiên, cách đây khoảng 40 ngàn năm. Vì chú là con vật chủ chốt trong các cuộc đi săn, giữ hang động. Nhiều nơi thờ chú như vật tổ. Suốt từ Himalaya đến sông Dương Tử, nơi cộng đồng Bách Việt và nhiều sắc tộc khác, ngoài hệ Hán-Tạng sinh sống, người ta thờ chú như linh vật. (theo nhà khuyển học Lý Đợi)

       Từ tiếng Hán, nó sa đà với ông Tàu láng giềng chiết tự chữ “nhiên” là nhúm lửa gồm 3 chữ “nhục” là thịt, “khuyển” là chó, “hỏa” là lửa. Bắt qua Hán-Tạng, nó đùn chữ theo Càn Long hành phương Nam được nếm món “truyền kỳ chí quái” của người An Nam bèn tôn là “vương nhục”, tức vua của các lòai thịt, cóc nhái vất đi. Tôi đổ xí ngấu ăn thịt bò viên mòn răng trong Chợ Lớn đã quen thói nên mổ chữ theo người Tiều gọi là “xực tam lục”. Với đổ xí ngầu thì tam, lục cộng lại là cửu. Từ… “cửu”., người Nam ta gọi chại chó là… “cẩu” chăng? Dám lắm ạ !

       Được thể tôi vắt qua cụ Nguyễn Đăng Cảo là người đầu tiên có tên trong khuyển sử: Sau khi ăn bữa thịt chó cuối cùng ở chợ Cầu Lim, làng Nội Duệ rồi bay lên núi Lan Kha thành tiên (Bắc Ninh). Cụ quy tiên năm 1646 vào đời Khang Hy (1649), theo truyền kỳ chi quái Càn Long (1735) tìm ra vương nhục ở phương Nam. Cứ theo “khuyển sử niên biểu” thì thịt chó ta có cách đây khỏang 600 năm. Đất Nam Định, xứ Bùi Chu, thêm xứ Phát Diệm có thịt chó khỏang 100 năm. Thịt chó Nam Định vãng lai vào miền Nam thập niên 30-40, bến bãi đầu tiên là Đà Nẵng chứ chả phải Sài Gòn. Thế nhưng Đà Nẵng chỉ là đất tạm dung cho “chấn bốn cho”. Vào đến Sài Gòn, thịt chó Bắc kỳ không được… “bản sắc” cho mấy vì người miền Nam chung sống với cộng đồng người Khmer, Phật giáo, Ấn Độ giáo nên không… ”cảm khái” cho lắm với thịt chó. Khi Thiên Chúa giáo theo dân di cư tới ngã ba Ông Tạ, cộng đoàn giáo dân đầu tiên là Nam Thái (Nam Định, Thái Bình). Tiếp là Bùi Phát (Bùi Chu, Phát Diệm), gặp cảnh cũ người xưa, quán cầy tơ mọc lên như nấm sau cơn mưa, chẳng qua đây là biểu cảm… “bản sắc ngầm” của người Công giáo ấy thôi.


       Bởi vọng văn sính nghĩa với lá mơ, mà Tàu gọi làngưu bì đống”. Vì vậy lá mơ tam thể đi với tam khoang tứ đốm là đúng quá rồi. Tôi luận chữ theo sách Bản thảo cương mục đời Thanh tôn vinh “hòang khuyển vi thượng, hắc khuyển, bạch khuyển thứ chi”, cớ sao không là “nhất trắng, nhì vàng, tam khoang, tứ đốm”. Nó lụng bụng nhìn trời ăn thịt chó với trời nắng chó trắng, trời mưa chó vàng, mưa nắng làng nhàng, chó nào cũng được. Theo nó ít ai ăn chó trắng vì chó trắng cắn… ma. Thấy người ta trồng khoai cũng vác mai đi đào, tôi đào xới Tàu kiêng ăn thịt chó vào tháng chín với “cửu nguyệt vật thực khuyển” bởi theo dịch lý tháng chín thuộc chi Tuất vì… kỵ húy. Riêng phần con này ngon hơn con kia là do mấy ông lái chó gọi cho có vần có điệu vậy thôi. Nghe thủng rồi, nó luận chó nào chẳng ăn cứt, ốc nào chẳng ăn bùn. Và tiếp, theo các cụ ta thịt chó ngon nhất là…chó ghẻ. Ngỡ nó sủa bậy cho vui, nó dẫu mồm ấy là vì chó ghẻ có mỡ đằng đuôi. Tôi chưa kịp u ơ, nó ghè thêm chó chết bọ chó cũng chết.


       Chó chết hết cắn, nhưng vẫn chưa hết… Vì hốt nhiên nó biệt tăm biệt tích, nghe hơi nồi chõ nó trốn lính ở trại “ri cư” Lạc Dương hẻo lánh. Bèn tới thăm. Hai thằng ngồi ở cái thềm đất cao, ngắm con đường đất đỏ ắng lặng đến ngáo người. Bỗng có bóng cô hàng quẩy gánh tự đằng xa… Nó ới: "Lại đây, chó". Cô hàng cũng chẳng vừa: "Ai chó đấy". Cô hàng quanh năm suốt tháng, "Đi gánh đau vai - Nằm dài nhịn đói - Một vác dao bầu - Một xâu thịt chó", thêm món lòng. Nó làm thầy đời: làm lòng dễ như… chó ăn trứng luộc, và phải chấm với nước mắm chanh mới đúng điệu. Cô hàng con mắt có đuôi, cong cớn “Trai tơ lấy phải nạ dòng - Như nước mắm thối chấm lòng chó thiu”. Chó chết hết chuyện, chuyện có hậu nó gá nghĩa tào khang với cô hàng sáo chó ấy.


       ***

       Vào đến Sài Gòn nhè cái nắng oi ả bèn đánh một giấc. Trong khi bà chị tất bật ra chợ Ông Tạ xách về đĩa thịt luộc. Làm nửa đĩa không thấy… ”ngon ăn” như ở Nhật Tân. Chó đen quen ngõ, tôi mầy mò tìm ra quán Lá mơ dưới chân cầu Thị Nghè. Bước vào quán đông nghẹt, đập chát vào mắt là một dàn rượu rắn thật bắt mắt, từ nhất xà đến tam xà, con nào con nấy cuộn mình nằm ngủ chèo queo, an giấc nghìn thu đến mát người. Đảo mắt một vòng, bàn ghế thấp lè tè, bát đĩa cốc chai la liệt, ngổn ngang trên bàn dưới đất. Cái không khí xô bồ tuệch tọac ấy, tôi như lạc vào thế giới của Đồ Phồn, Chí Phèo, vậy mà nên thơ mới chết người. Thêm cái bát nháo của đám sĩ phu Bắc Hà hai nút, nồng nặc trong một cõi ta bà mù mịt qua khói thuốc, nói năng nổ trời. Lững lờ với chó nhà quê đòi ăn mắm mực, tôi tặc lưỡi một cái tách bắt đĩa thịt “mộc”. Lại ngu ngơ đến chuyện ngòai kia luộc, trong này hấp cách thủy, nhưng cũng đằm thắm ra phết. Bỗng buồn môi ngứa miệng vì những thớ thịt lẳng lặng len vào khe răng, tê tê và ngưa ngứa. Nhưng lại… nghe thấy mùi riềng. Bèn ới một cái tam xà cho nó chui tuốt tuồn tuột xuống cổ họng. Như chó đái giắt, lại tiếc nuối riềng giắt răng ba ngày vẫn còn thơm


       Đang ở quán Lá Mơ tôi để cái đầu lay lắt tới ông Tô Hòai, quê Hà Đông, gần làng Canh, làng Cầu Khâu bán thịt chó suốt sáng. Qua tạp bút Lại thịt chó, ông viết: “Ở Sài Gòn bây giờ, chỉ một quãng phố đã gặp quán thịt chó. Nhòm bảng hiệu có nơi viết lái tên hiệu: quán Hạ cờ Tây (hạ cầy tơ) và quán Mộc tồn (mộc là cây, tồn là còn, là con cầy). Nghe đâu ở ngã ba Ông Tạ có quán Nai đồng quê hay Nai thềm, tiếng Nam bộ gọi vậy. Nói theo người Hà Nội là thịt hươu thềm, con hươu nuôi trước thềm nhà. Được thể tôi lây dây qua cụ Nguyễn Tuân lau lách với nhiều giai thọai. Nay rị mọ thêm ngoa truyền, cụ Nguyễn chỉ thích thị chả nướng ngồi quạt lò bên vỉa hè, cụ chỉ nhắm rượu với thịt ba chỉ chấm mắm tép. Cụ không thích mắm tôm, cũng không ăn tỏi. Ở ngoài đời, theo ông con của cụ thì cụ Nguyễn Tuân... ngại thịt chóHóa ra cụ Nguyễn gặm móng chó ở ngõ Hàng Lược chỉ là giai thoại.


       ***

       Rồi ngày về cũng đến... đưa người ta không đưa sang sông, sao có tiếng sóng ở trong lòng. Từ xế chiều, họ hàng, bạn bè tới thăm hỏi, tiễn đưa. Chỉ tội nghiệp bà chị tôi, chị lẳng lặng dắt chiếc xe đạp, tất tưởi tới chân cầu Thị Nghè, thửa về mấy đĩa cho cậu em tiếp bạn. Chị tôi vẫn chân chất quê mùa của hương đồng cỏ nội, chị lặng lẽ gói ghém cho cậu em làm quà mang về. Chị ngồi bệt xuống sàn nhà, đếm từng miếng riềng, nhặt từng lá mơ, gói ghém nhồi nhét vào hai lon “guigoz”, cúi đầu dấu nước mắt ngắn dài... chị thà coi như là hạt bụi, em thà coi như hơi rượu say.

        Về đến phi trường Houston, nhìn thấy cái bảng dọa nạt này kia, kia nọ tôi cũng ngại ngùng. Bỏ thì thương vương thì tội, thôi thì cũng đành quẳng gánh lo đi nhẹ lấy mình. ngần ngừ moi hai "hạt bụi" thả vào thùng rác. Cát bụi lại trở về cát bụi, bồi hồi tiếc nuối... 

                                                                                                            Trúc gia trang

                                                                                                                Mậu Tý 2008

                                                                                                             Ngọc Hùng 

                                                                                                         (Sửa chữa 2020, 2022)

                                         

  




 








Không có nhận xét nào: