Thứ Sáu, 20 tháng 1, 2023

Đời Thủy Thủ II (Vũ Thất) - Chương 9: Vịnh Cam Ranh

           Đời Thủy Thủ 2 - Vũ Thất

                         

             Chương 9: Vịnh Cam Ranh


Thứ bảy 5/8/1967 15:00G

Trên đường lên Đài Chỉ Huy, khi đi ngang cửa buồng ngủ của Hạm Trưởng, bất chợt ông nói:

“Sẵn ghé qua thăm ‘giang sơn’ của tôi cho biết.”

Không cần tôi đồng ý, ông bước đến xoay cần rồi kéo mở cánh cửa sắt nặng nề. Tôi điếng hồn nghĩ là mình đã bị sập bẫy. Giang sơn của ông hẳn là nơi dành cho ông ngủ nghỉ, nếu tôi bước vào chẳng khác tự chọn tử địa. Và thê thảm hơn, chỉ có tôi với ông và chiếc giường. Tôi có la làng, dù tiếng la vượt ra ngoài, người làng cũng toàn là người của ông. Nhưng phải liều thì mới biết gian buồng có đúng là nơi đặt bom hiệu quả nhất. Nếu không, ít nhất cũng thấy tận mắt cấu trúc phòng Hạm Trưởng để lập báo cáo khi tổ chức cần đến.

Tôi cân nhắc tình thế thật nhanh. Ông cao hơn tôi chút đỉnh nhưng có vóc dáng như tài tử hơn là võ sư. Trường hợp ông sàm sỡ, nếu ông coi thường cảnh cáo, tôi thừa sức đối phó. Cùng lắm thì hạ sát, kéo ông ném xuống biển, coi như tai nạn.

Hạm Trưởng bật đèn. Gian phòng tăm tối đột ngột sáng choang, bày ra một không gian rộng gấp ba căn buồng của Hạm Phó. Sự hòa hợp giữa đèn huỳnh quang và màu đọt chuối các vách phát ra độ sáng mát mắt. Tôi mạnh dạn bước vào. Độ lạnh dường như có phần thấp hơn các nơi khác trong lòng tàu. Tôi hít một hơi dài để thêm dũng khí. Mùi khói thuốc thơm dịu. Tôi thấy cần nhớ tên hiệu thuốc hút này để yêu cầu Hưng thay đổi. Tôi quá sợ mùi Bastos khét nghẹt. Ngay bên phải cửa buồng là một cầu thang thẳng đứng dẫn lên một cửa ô có nắp đậy với vòng tròn vặn đóng mở. Ở góc bên trái là một bệ để đèn đọc sách. Liền với bệ đèn là chiếc ghế bành trông thật êm ái. Bên trên là kệ sách dài, đa số là sách khảo cứu, triết học. Một số tiểu thuyết Việt, Anh, Pháp. Tiếp đến là một bàn viết như của Võ Bằng với ba khung hình. Khung ở giữa là hình ông bà Hạm Trưởng với hai con một gái một trai ba bốn tuổi. Bên phải có lẽ là hình đại gia đình. Và bên trái là hình “tân lang tân gia nhân” phía dưới có ghi ngày 17/11/1962. Tôi tính ngỏ lời khen xã giao thì lại phân vân không biết xưng hô thế nào. Gọi là ‘vợ của Thiếu tá’, ‘bà nhà’, ‘phu nhân’? Tôi chọn từ bình dị:

– “Chị quả là đẹp. Không uổng công hai năm đeo đuổi!”

Hạm Trưởng mỉm cười, bước đến đứng cạnh tôi:

– “Vất vả lắm, cô Phượng ơi! Chỉ mong Hạm Phó của tôi không phải cần đến hai năm!”

Để tránh trả lời, tôi nhấc khung hình giữa ngắm nghía rồi kêu lên:

– “Cháu gái giống mẹ quá!”

– “Có ‘gen’ Nha Mân mà!” Hạm Trưởng cười hể hả.

Nhìn nét bụ bẫm của bé gái tôi nghĩ đến tấm hình tương tự của tôi. Ba mẹ tôi cho rọi lớn, treo ở vị trí dễ thấy nhất. Cho tới bây giờ khung hình vẫn ở nguyên vị trí đó. Ba mẹ tôi nói, ngày nào cũng xem hình cho đỡ nhớ. Tất nhiên ông Hạm Trưởng cũng nhớ con mình không kém. Hẳn mỗi ngày ông đều ngồi đây ngắm vợ con. Những khuôn mặt tươi vui của mọi người trong gia đình ông làm tôi rủn chí. Theo Hưng, lính “Ngụy” rất tàn ác, đáng giết từng người. Chứng cớ tàn ác đâu không thấy chỉ thấy tay mình sắp nhuộm đầy máu, chỉ thấy chính mình phá nát ít nhất vài gia đình. Tôi chợt nghĩ đến một phép thử. Tôi đi qua bộ bàn bốn ghế đặt giữa phòng và đứng lại trước chiếc giường. Nếu ông ôm vật tôi để cưỡng bức, tôi sẽ ra tay không tiếc thương. Tôi nhìn ông cười nói:

– “Chiếc giường của Thiếu tá trông ngon lành hơn giường của Hạm Phó!”

Mi mắt ông chớp nhanh, ánh mắt vui tươi, giọng chân tình:

– “Chỉ là bù đắp nhỏ so với trách nhiệm lớn.”

Thấy hai điện thoại trên chiếc bàn thấp bé cạnh đầu giường, tôi gợi ý:

– “Hạm Trưởng đúng là ‘Magister Post Deum’, một mình có đến hai điện thoại. Hẳn ngày nào Hạm Trưởng cũng ‘thả lời ong bướm’ với… phu nhân?”

Ông lắc đầu, cười:

– “Được thế thì còn gì bằng! Nhưng tiếc là cả hai đều dành cho công vụ. Một để liên lạc nội bộ trên tàu. Còn một mang chữ HOTLINE để liên lạc với các bộ tư lệnh Hạm Đội và các vùng. Từ ngữ ‘HOTLINE’ hẳn đủ cho cô hiểu ý nghĩa của nó!”

Thấy ông vẫn lịch sự coi tôi như một ‘khách quý’, tôi xúc động bước qua khu vệ sinh mà tưởng rằng đang bước từ ác cảm qua thiện cảm. Dãy tủ thấp tủ cao không còn hấp dẫn để cất giấu quả bom, trái lại, khung ảnh tràn đầy hạnh phúc bắt đầu ám ảnh. Gian buồng thật tiện nghi, ấm cúng, gọn gàng này hẳn nhiều lần tiếp đón gia đình Hạm Trưởng. Tôi đành lòng nào cho nổ tan tành…

Khi đến cửa ra, tôi chân thành nói:

– “Phòng của Hạm Trưởng trông thấy mà mê! Chừng nào Hải Quân thu nhận nữ giới, tôi xin gia nhập tức khắc…”

Nói xong, tôi mới thấy mình ngớ ngẩn. Vừa muốn chống Mỹ cứu nước, vừa muốn làm lính Ngụy. Tôi lại vừa khám phá mình cũng chẳng còn có chút gì cảnh giác.

– “Cứ cái đà đánh đấm mãi thế này thì chắc cũng đến lúc các cô phải nhập ngũ thôi! Hải Quân một số nước, hiện tại đã có vài nữ Hạm Trưởng rồi.”

– “Thật sao?” Tôi ngạc nhiên kêu lên.

– “Có ra ngoại quốc mới thấy Hải Quân nước mình còn lạc hậu lắm! Hy vọng đời con cháu sẽ làm rạng rỡ Hải Quân Việt Nam.”

Không nghĩ ra lời đối đáp, tôi chỉ chiếc thang thẳng đứng, gợi ý muốn rời buồng:

– “Chiếc thang này dẫn đi đâu, thưa Thiếu tá?”

– “À! Nó đưa lên thẳng Trung tâm Chiến báo và Phòng Truyền tin. Hạm Phó đã đưa cô đến đó?”

– “Thưa rồi.”

– “Vậy thì mình lên thẳng Đài Chỉ Huy, không qua các nơi này.”

Hạm Trưởng đưa tay quay cần ngang và đẩy cửa mở. Tôi bước theo ông ra ngoài, người lâng lâng nhẹ nhõm. Tình huống xấu tôi chờ đợi đã không xảy ra. Những gì tôi đã nghe, trái ngược những gì tôi đang trải nghiệm. Kèm với cảm giác an toàn là niềm cảm kích trước thân tình và tư cách của Hạm Trưởng. Ông có đủ uy quyền và cơ hội áp đặt dục vọng vào tôi nhưng trái lại toàn là những cử chỉ lời lẽ thân ái, ân cần. Tôi vẫn nôn nao theo ông lên Đài Chỉ Huy nhưng không vì tìm nơi đặt bom mà vì muốn nhìn cái vịnh nổi tiếng lịch sử, là nơi trú ẩn tránh bão của đoàn chiến thuyền Nguyễn Ánh trên đường ra Quy Nhơn tử chiến với quân Tây Sơn…

Tiếng hô ‘nghiêm’ nhỏ mà sắc khi Hạm Trưởng đặt chân lên thềm Đài Chỉ Huy. Tên Mỹ và toán đương phiên đồng loạt đưa tay chào. Hạm Trường chào đáp. Đó là hình ảnh lạ và đẹp mắt lần đầu tôi thấy trên đời. Toán trực phiên chào xong, quay lui, nghiêm chỉnh đứng quan sát hướng mũi. Hạm Trưởng thư thả ngồi vào chiếc ghế nệm độc nhất màu nước biển, đưa mắt nhìn bao quát rồi nói với tôi:

– “Cô Phượng có thể đứng ở cánh trái.”

Đó là nơi Võ Bằng đang vẫy tay với tôi. Tôi vui mừng bước đến khoảng trống ngay sau anh chàng. Ở vị trí này tôi có thể quan sát toàn cảnh ngoài biển lẫn sinh hoạt trong Đài Chỉ Huy.

Đài Chỉ Huy có hình chữ nhật nằm ngang bên trên Trung tâm Chiến Báo, bốn bề là vách cao ngang thắt lưng. Các cột quanh bệ, chống đỡ cái nóc che bằng vải bố cùng màu xám đậm có độ cao vừa quá tên Mỹ.  Phần trước hình cánh cung với tấm kính trong suốt chắn mưa gió.

Lần đầu đứng trên Đài Chỉ Huy của một chiến hạm, tôi rộn ràng ngây ngất như đang bay trên biển trời mênh mông. Một cảm giác bềnh bồng, lênh đênh theo cơn gió hâm hấp, thơm lành. Vẫn biển xanh bát ngát, vẫn trời xanh lồng lộng mà bỗng dưng vời vợi bao la. Tôi hít thở, hít thở rồi hít thở. Tôi đặt các ngón tay vào môi rồi ‘gửi gió cho mây ngàn bay’. Tình yêu của tôi bung ra ôm lấy mọi người chung quanh, ôm cả chiến hạm…

Mọi hình ảnh trước mắt đều dễ thương. Ở hai đầu kính chắn gió, hai thủy thủ mang ống dòm nghiêm chỉnh quan sát hải trình. Một thủy thủ đứng trước một vòng quay có những trục tủa từ tâm điểm trông y như bánh xe nước mía. Ngay trước mắt anh thủy thủ này là một khối tròn có mặt phẳng kẻ số 0 ở đáy, mỗi bên có vạch cách 5 độ đến độ 35. Một đầu kim hình mũi tên chỉ vào các con số này cho biết độ lệch của bánh lái theo lệnh ban hành. Thiếu úy Văn đứng tựa tay trên thành đài, bên phải ghế Hạm Trưởng. Tên Mỹ khoanh tay đứng bên trái, trông như Hạm Trưởng được hữu bật tả phù. Rải rác đây đó toàn là máy móc, dụng cụ lớn nhỏ tôi mới thấy lần đầu.

Thấy tôi chăm chú ngắm, Võ Bằng giải thích từng món. Trên một bàn trước ghế Hạm Trưởng là tấm hải đồ ven biển kẻ sẵn các hướng đi từ cửa vịnh Quy Nhơn đến cửa sông Lòng Tào. Giữa Đài Chỉ Huy là hai cột trụ, một thấp một cao, trên chóp của cả hai có một bộ phận như cái tô lớn khắc 360 độ quanh vành. Cái thấp là la bàn từ, cái cao là la bàn điện. Mặt tròn của la bàn từ thì đong đưa để tự tìm hướng Bắc địa từ, còn la bàn điện thì cố định, luôn luôn chỉ đúng hướng Bắc địa cực.

Tiếng Hạm Trưởng đột ngột vang lên:

– “Hạm Trưởng nhận quyền chỉ huy!”

Người mà tôi vừa cùng dùng cơm nói cười vui vẻ, vừa thân mật đưa thăm ‘giang sơn’ riêng, giờ đây là kẻ lạnh lùng đưa ra các mệnh lệnh sắc gọn. Mỗi lệnh Hạm Trưởng đưa ra, nhân viên thi hành ‘đáp nhận’ và sau đó xác nhận đã thi hành. Cây kim trước người lái đang chỉ số 0 qua số 5 đến số 10 bên phải. Chiến hạm từ từ quay mũi thẳng góc với bờ. Cây kim quay dần về số 0.  Anh thủy thủ lái tàu nói to:

– “Đường 280.”

Võ Bằng nói nhỏ với tôi:

– “Không giống như vịnh Quy Nhơn chỉ một cửa với nửa vòng bên trái của vịnh là bãi cát, làng mạc, nửa kia là dãy núi liền với biển, vịnh Cam Ranh được bao bọc bằng vòng cung núi cao, án ngữ bởi đảo Bình Ba chia thành hai cửa ra vào. Chiến hạm đang hướng vào cửa lớn. Tiếng Hạm Trưởng:

– “Thiếu úy Văn nói phòng Truyền tin liên lạc Duyên Đoàn 26 cho ghe đón Hạm Trưởng vào bờ.”

Thiếu úy Văn bước đến một miệng loa có ống dẫn xuống bên dưới. Anh lặp lại lệnh Hạm Trưởng. Tôi nghe tiếng đáp cũng phát từ miệng loa:

– “Phòng Truyền tin đáp nhận hành.”

Phải mất gần nửa giờ chiến hạm mới đến ngang cửa vịnh. Từ cửa nhìn vào, vịnh có dạng một thảm xanh hình tròn long lanh phản chiếu nắng chiều. Vô số ghe không mui, không người dọc mé bờ bên trái. Hai ghe ngoài cùng có cặp chèo gác xuôi. Trên bãi là những chiếc thuyền thúng trơ trọi phơi mình. Cao hơn, sườn núi hình cánh cung hoang vu xám xịt, lem luốc. Bầu trời như xanh hơn trên các đỉnh chập chùng. Một cụm mây có đường viền rực sáng vắt ngang. Rải rác giữa vịnh, một số thương thuyền bề thế im lìm như say ngủ. Dọc theo bờ phải là bãi cát vàng trải dài nối liền vùng cây xanh cuối vịnh ẩn hiện xóm làng.

Con tàu chậm chạp hướng về bờ phải, hiện rõ dần nhiều tàu quân sự đang ủi bãi và bốn thương thuyền khổng lồ chiếm bốn chiếc cầu dài thẳng góc với bờ. Trên mỗi thương thuyền, vô số thùng chứa cồng kềnh chồng chất suốt mũi đến tận lái. Chạy dọc trên khu bãi là con đường nhựa bận rộn đủ loại xe. Bên kia đường, từng cặp ba dãy nhà tiền chế nằm cạnh nhau lúc theo chiều dọc, lúc chiều ngang. Trên các lối đi hẹp, thỉnh thoảng có những dáng người di chuyển. Xa hơn, một chiếc trực thăng vừa đáp tung bụi trắng trời, một chiếc còn vần vũ. Xa hơn nữa, một phi cơ màu nâu loang lổ đang phóng mũi lên vùng trời nhiều mây. Ông Hạm Trưởng đưa tay chỉ cho Hạm Phó:

– “Hai ngôi nhà ngói đỏ là khu Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân. Một để đào tạo Người Nhái, một cho Hạ sĩ quan và Thủy thủ chuyên nghiệp. Chúng ta nhân tiện ghé viếng thăm, biết đâu tôi và Hạm Phó sau này mỗi người điều hành một trường!”

Tôi cố nhướng mắt theo tay chỉ của ông. Xa bên trên các mái ngói đỏ là một trụ ăng-ten cao lêu nghêu, đơn độc. Lệnh Hạm Trưởng vang lên:

– “Nhận còi nhiệm sở neo.”

Anh Hạ sĩ đưa ngón tay nhấn một nút trên vách. Nhiều tiếng còi te tịch vang lên. Hạm Trưởng quay sang nói với Võ Bằng:

– “Hạm Phó xuống kiểm soát neo và chờ tôi ở sân giữa.”

Tôi nhìn theo dáng Bằng thấp dần trên cầu thang. Mãi đến lúc này tôi mới thấy chiếc chiến thuyền có dạng ghe đánh cá, mui màu xám đậm với hai gạch chéo màu vàng đang chạy song hành cùng tàu. Một thủy thủ đứng cùng với khẩu súng bắn dây ở mũi, hai người đứng phía sau cùng hai khẩu bên hông. Các nòng súng được bọc kín và chĩa thẳng lên trời. Thấy tôi từ Đài Chỉ Huy nhìn xuống, tất cả nồng nhiệt vẫy tay với vẻ ngạc nhiên. Tôi cũng nồng nhiệt vẫy tay đáp lễ.

Khi chiến hạm tiến ngang dãy cầu tàu, Hạm Trưởng ra lệnh ngừng máy. Con tàu tiếp tục lướt tới nhưng chậm dần. Hạm Trưởng ra lệnh ‘máy lùi’ rồi ‘máy ngưng’. Mãi khi con tàu còn trớn lùi thật chậm, ông mới ban lệnh thả neo. Tôi nhìn dây neo tuôn khỏi trục quấn và chạy luồn qua một ô tròn ở gần mũi, nơi Trung sĩ Hoàng kiểm soát sáng nay. Tôi nghe nhân viên âm thoại báo cáo dây neo xuống nước từng đoạn 30 feet. Khi nghe đến số 210, ông cho lệnh ngừng thả. Tôi chợt có cảm giác người bị gật nhẹ, cùng lúc tôi cũng nhận ra lái tàu tạt dần qua trái rồi hướng cố định vào đám ghe câu. Sợi dây neo nghiêng dài trên mặt nước. Khi được báo cáo neo đã cắn, Hạm Trưởng nói ‘giải tán’ rồi bảo Thiếu úy Văn:

– “Hãy canh gác cẩn thận, không cho ghe xuồng gần tàu. Báo Phòng Truyền Tin cho một nhân viên mang PRC-25 theo tôi vào bờ. Nghi ngờ neo trốc, gọi Trung úy Cang và báo tôi ngay.” Ông quay sang tôi, tiếp lời: “Cô Phượng có thể ở trên đây ngắm cảnh, nếu muốn. Gặp lại cô sau.”

Ông hất mặt nói với tên Mỹ còn đứng xớ rớ ôm chiếc la bàn từ:

– “Go with me, Rick.”

– “Aye, aye, Sir.”

Tiếng “sir” rõ ràng được phát ra mạnh, dứt khoát, biểu lộ sự tôn kính. Hạm Trưởng rời ghế, bước về phía cầu thang. Thiếu úy Văn hô “Nghiêm”. Các nhân viên và tên Mỹ đứng thẳng người đưa tay chào tiễn Hạm trưởng rời đài chỉ huy. Tôi phát giác mình cũng đang đứng thế nghiêm như mọi người.  Khi Hạm Trưởng đặt bước chân lên nấc thang đầu tiên, Thiếu úy Văn hô “Nghỉ”. Đến lúc đó tên Mỹ mới bước theo Hạm Trưởng. Cả hai hướng về mũi tàu nơi Bằng đứng đợi. Bên hông phải, một chiếc chiến thuyền đang nhẹ nhàng cặp vào. Bằng nhảy phóc từ tàu lên mui ghe. Tên Mỹ nhảy nối tiếp. Khi Hạm Trưởng ở tư thế sẵn sàng rời tàu, tiếng còi te-tí-tí-te vang lên từ anh Giám lộ đứng trước tôi. Khi ghe tách khỏi tàu, anh ngưng thổi và vói tay kéo lá cờ tam giác trắng có lằn đen nằm giữa, nhỏ cỡ một phần tư.

Một lần nữa tôi thấy hụt hẫng. Tôi có cảm tưởng Võ Bằng rời tàu mang theo cả “điểm tựa” của tôi. Tôi tự hỏi vì sao mình không xin đi theo. Rồi tự trả lời, nếu đi được, Hạm Trưởng đã cho phép…

Tôi nhìn theo chiếc chiến thuyền chở Bằng mỗi lúc một rời xa, bỏ lại tôi với năm người chỉ quen một. Cũng may Thiếu úy Hoàng Văn là người năng nổ và vui tính.

Tôi quyết đinh gọi là ‘anh’ thay vì ‘Thiếu úy’ cho thân mật, hy vọng anh bộc bạch nội tình.

– “Chào anh Hoàng Văn, tiếng còi và lá cờ vừa kéo lên có ý nghĩa gì vậy?”

 – “Đó là hiệu còi tiễn Hạm Trưởng rời tàu; còn lá cờ là hiệu kỳ của Hạm Trưởng, khi nó được treo lên, có nghĩa là vị chỉ huy của nó không có mặt trên chiến hạm.”

– “A, hay ho đấy!”

– “Nhưng ngược lại,” Hoàng Văn tiếp, “khi cô thấy hiệu kỳ của Đô Đốc thì có nghĩa vị này đang hiện diện trên tàu!”

– “Ngộ quá hả! Mà hiệu kỳ Đô Đốc ra sao?”

– “Nó có hình chữ nhật nền xanh điểm các ngôi sao trắng, nhiều ít tùy cấp bậc. Nó cũng là hiệu kỳ của Thuyền Trưởng tàu buôn. Cô thử nhìn quanh các thương thuyền xem có chiếc nào treo loại cờ đuôi nheo này không?”

Thiếu úy Văn đưa tôi chiếc ống dòm. Tôi bước sang thành đài bên phải, ngắm chiếc neo chếch mũi chiến hạm:

– “Chiếc đầu tiên, không thấy treo hiệu kỳ Thuyền Trưởng; chỉ thấy quốc kỳ Việt Nam và lá cờ ba sọc vàng xen kẽ ba sọc xanh. Đó là cờ nước nào vậy?”

– “Nó dạng hình vuông và nhỏ chừng một phần tư cờ Việt Nam, đúng không?”

– “Đúng!”

– “Đó không phải là cờ quốc gia. Đó là hiệu kỳ chữ G, phát âm Golf, mang ý nghĩa là “cần hoa tiêu”. Tức là thương thuyền đó đã dỡ hàng xong, muốn có hoa tiêu hướng dẫn ra khỏi hải cảng. Khi đến, cũng vậy, thương thuyền phải neo ngoài vịnh, phải treo hiệu kỳ này và chờ hoa tiêu đưa vào. Khi đã có hoa tiêu trên tàu thì phải treo cờ chữ H, đọc Hotel. Khi tàu trong hải cảng, cờ quốc gia treo sau lái. Ngắm xem cờ sau lái là cờ nước nào?”

– “Tôi dốt về cờ các xứ lắm!”

Hoàng Văn nâng ống dòm:

– “Cờ Trung Hoa Dân Quốc, nói gọn là Đài Loan. Còn chiếc tàu kế treo cờ ra sao?”

Tôi quét ống dòm qua bên tay mặt:

– “Chiếc này, ngoài cờ Việt Nam, nó treo cờ đỏ sẫm.”

– “Đó là cờ hiệu chữ B, đọc Bravo, cùng cỡ với cờ chữ Golf, nhưng cạnh ngoài bị gãy vào trong. Nó mang ý nghĩa là tàu đang chở hàng nguy hiểm, như đạn dược, xăng dầu. Khi thấy cờ này, không nên đến gần. Tiếp tục với các chiếc còn lại.”

– “Hai chiếc kế tiếp đều treo hiệu kỳ Thuyền Trưởng cạnh cờ vàng ba sọc đỏ. Chiếc gần chiến hạm nhất, thay chỗ hiệu kỳ Thuyền Trưởng là lá cờ vuông, mỗi cạnh kết hợp với hai đường chéo thành bốn tam giác có đỉnh chụm vào nhau. Mỗi tam giác một màu: đen, vàng, xanh, đỏ.”

Thấy Hoàng Văn im lặng hơi lâu, tôi nhắc:

– “Cờ tứ sắc đó có nghĩa là gì?”

– “Nhìn từ mọi góc cạnh, không một lý do hợp lý nào cho thấy cô cần biết ý nghĩa những hiệu kỳ rắc rối này.”

– “Tôi thấy nó hay hay.” Tôi chống chế:

– “Chắc tại vì… Hạm Phó?” Hoàng Văn soi mói nhìn.

– “Hạm Phó thì có dính dáng gì đến cờ xí!” Tôi bực bội.

– “Nếu quả thật cô thấy hay hay thì tôi tiếp tục! Lá cờ gồm bốn tam giác bốn màu chụm đầu là cờ chữ Z, đọc Zulu, mang ý nghĩa là ‘cần tàu kéo’. Tức là chiếc thương thuyền này vận chuyển khó khăn, cần một tàu kéo giúp sức.”

– “Trời ơi! Cờ quạt gì mà ý nghĩa tùm lum quá, làm sao nhớ hết!”

Hoàng Văn nhìn tôi cười tủm tỉm:

– “Chúng tôi có cách để nhớ. Thí dụ như với cờ màu đỏ Bravo. Chắc cô còn nhớ ý nghĩa của nó phải không?”

Tôi muốn khoe mình cũng là tay nhớ dai, đáp nhanh:

– “Nhớ chứ! Ý nghĩa là tàu chở hàng hóa nguy hiểm, chớ lại gần.”

– “Cách tôi nhớ ý nghĩa cờ Bravo là liên tưởng đến các cô… treo cờ đỏ!”

– “Cái anh này!” Mặt tôi nóng bừng.

– “Có một cờ hiệu mà tôi nghĩ là cô nhớ dễ dàng. Đó là cờ chữ O, đọc Oscar, mang ý nghĩa “có người rơi xuống biển.” Người ta chọn mẫu tự O là từ chữ Overboard. Cờ này có màu nửa vàng nửa đỏ theo đường chéo xuôi.”

Nhớ lời dặn buổi sáng sàn tàu trơn trợt, tôi tò mò:

– “Ví dụ tôi bị rơi thật thì làm sao các anh biết?”

– “Làm sao biết? Cũng dễ, chỉ sớm hay muộn thôi! Sớm thì như cô thấy, chúng tôi luôn luôn có nhiều người quan sát trên đài chỉ huy và người đi tuần phòng quanh chiến hạm. Trễ thì khi không thấy cô ở bữa ăn, không thấy cô trong phòng ngủ và khi cho gọi máy, cho người đi tìm cũng không thấy.” Hoàng Văn hạ giọng như sợ có ai nghe. “Mà cô việc gì phải lo. Trường hợp cô bị rơi thật, bất cứ giá nào Hạm Phó cũng đích thân tìm cứu cô cho bằng được.”

Tôi nghiêm giọng:

– “Sao ai trên tàu cũng gán tôi với Hạm Phó. Chúng tôi chỉ mới biết nhau, cũng như tôi quen anh”.

Hoàng Văn cười, ánh mắt tinh quái:

– “Vậy thì tôi rất vui để tiếp tục. Chuyện ‘người rơi xuống biển’ là chuyện sinh mạng con người, không chỉ trách nhiệm riêng nội bộ chiến hạm mà còn là một nghĩa vụ quốc tế. Tàu có nạn nhân buộc phải thông báo cho quốc gia lân cận để họ điều động phi cơ, tàu bè đến tiếp cứu.”

– “Rắc rối thật!”

– “Không chỉ rắc rối mà còn… tức cười nữa! Thí dụ có một thương thuyền nào đó treo lá cờ chữ W, đọc là Whiskey. Nghe chữ whiskey hẳn cô nghĩ ngay đến rượu nhưng cờ Whiskey không có nghĩa là họ cần tiếp tế rượu mà lại có nghĩa là ‘Cần thuốc men, y tế’. Lại thí dụ có một tàu khác treo cờ chữ T đọc là Tango. Treo cờ này, không có nghĩa tàu đó đang mở dạ vũ Tango, mà là muốn cảnh báo ‘Tôi đang cào cá, xin đừng qua mặt’.”

– “Hay ho thật đấy! Nhưng… sao phải treo cờ làm gì cho rắc rối. Cứ nói chuyện trực tiếp có phải nhanh chóng, tiện lợi hơn không?”

– “Cho dù các nước đồng ý thống nhất dùng tiếng Anh làm tiếng quốc tế thì vẫn không như cô tưởng. Mỗi người một cách phát âm, lại qua máy truyền tin thì khó nghe cho rõ. Cứ phải hỏi tới hỏi lui có khi… quá muộn! Cho nên, dùng cờ hiệu là ăn chắc. Trông thấy cờ là biết đối phương muốn nói gì.”

– “Nhưng hiểu ý nghĩa trọn 26 cờ mẫu tự thì chắc… khùng luôn!”

– “Nếu chỉ có 26 cờ mẫu tự thì dễ như… ăn cơm. Chúng tôi còn phải học ý nghĩa của sự kết hợp hai, hoặc ba, hoặc bốn mẫu tự với nhau. Thí dụ như kết hợp chữ N và chữ C – N treo trên C – để báo rằng ‘tàu tôi đang lâm nạn, xin tiếp cứu’. Lại có cờ mang ý nghĩa qua sự kết hợp các màu. Có cờ toàn màu trắng, có cờ nửa đỏ nửa trắng. Có cờ toàn màu vàng, có cờ nửa vàng nửa đen. Có cờ gồm ba màu như cờ Pháp. Có cờ ba màu theo thứ tự ngược cờ Pháp. Có cờ có tới bốn màu. Rồi mỗi màu lại có dạng hình tròn, hình vuông, tam giác, lằn ngang, lằn dọc, gạch chéo…”

– “Trời! Làm sao các anh nhớ hết!”

– “Không nhớ thì không là… Hải Quân!”

Thấy tôi lè lưỡi, Hoàng Văn cười to:

– “Đó chỉ mới một nửa rắc rối thôi cô Phượng ạ! Bởi vì hiển nhiên cờ xí thì chỉ dùng ban ngày, khi trời quang mây tạnh, đến đêm hay gặp thời tiết xấu, coi như vô ích! Lúc đó, phải dùng đèn hiệu và còi hiệu. Ý nghĩa muốn truyền đạt là sự kết hợp của ánh đèn chớp tắt, hoặc của tiếng còi ngắn dài. Như trường hợp có người té xuống biển ban đêm: tàu phải phát thường xuyên những tiếng còi S.O.S và trên cột đèn phải bật một đèn xanh giữa hai đèn đỏ cách nhau một mét.”

– “Ôi trời! Có cho vàng tôi cũng không đi Hải Quân!” Tôi ta thán.

Hoàng Văn tươi cười:

– “Tôi hù cô Phượng cho vui thôi chớ đến Thánh cũng không nhớ hết! Yêu nghề lắm thì cũng chỉ nhớ những lá cờ mang ý nghĩa thường gặp. Còn thì tàu nào cũng có quyển ‘hải thư’ the International Code of Signals. Chỉ cần nhớ mục lục tổng quát để tìm ý nghĩa cho lẹ.”

Hoàng Văn bước đến bàn hải đồ, kéo hộc tủ lấy ra một quyển sách tương đối mỏng. Anh lật nhanh cho tôi xem trang nào trang nấy toàn cờ là cờ, màu là màu. Tôi nói:

– “Có một lần tôi đi dạo bến Bạch Đằng vào dịp lễ húy nhật Thánh Tổ Hưng Đạo Đại Vương, tôi thấy cờ đủ kiểu đủ màu treo rợp trời. Ý nghĩa ra sao?”

– “Chỉ nêu ý nghĩa đây là lễ của Hải Quân, cũng như thêm phần long trọng, đẹp mắt!”

Không biết hỏi gì hơn, tôi tò mò lấy ống dòm ngắm các lá cờ treo trên mỗi con tàu trong vịnh. Chỉ ba chiếc là treo cờ ‘cần hoa tiêu’. Đặc biệt tất cả đều treo cờ vàng ba sọc đỏ. Tôi ngạc nhiên hỏi:

– “Anh Hoàng Văn, không thấy có tàu Mỹ ở đây. Chỉ thấy toàn là tàu Việt Nam. Tôi nghe nói Mỹ đã mua đứt Cam Ranh rồi mà!”

– “Hơi đâu mà nghe Cộng Sản tuyên truyền! Cô hiện ở ngay trong vịnh, hãy tự quan sát. Cô thấy có gì chứng tỏ Cam Ranh thuộc về Mỹ?”

– “Tôi không thấy dấu vết chủ quyền của Mỹ.”

– “Còn dựa vào đâu cô bảo đều là tàu Việt Nam?”

– “Tàu nào cũng treo cờ Việt Nam Cộng Hòa.”

– “Tàu treo cờ Việt Nam Cộng Hòa không hẳn là tàu của Việt Nam Cộng Hòa. Luật Hàng Hải quy định rằng tàu ngoại quốc nào hoạt động trong các hải cảng Việt Nam Cộng Hòa đều phải treo cờ Việt Nam Cộng Hòa và phải có hoa tiêu Việt Nam hướng dẫn vào cảng. Hầu hết thương thuyền đều có hai cột cờ. Cột cờ thấp ở lái, cột cờ cao ở giữa. Khi tàu ngoại quốc vào hải cảng, quốc kỳ của tàu đó phải hạ xuống treo ở cột lái, còn quốc kỳ của nước sở tại được kéo lên ở cột cờ giữa. Đó là lý do cô thấy tất cả các thương thuyền đều treo cờ Việt Nam Cộng Hòa. Điều đó chứng minh Cam Ranh vẫn là Cam Ranh của Việt Nam. Ngay với chiến hạm này, nếu Cam Ranh thuộc chủ quyền của Mỹ, chúng ta phải neo ở ngoài chờ hoa tiêu dẫn vào. Cờ Việt Nam phải treo sau lái và cờ Hoa Kỳ phải treo giữa. Nhưng thực tế cờ Việt Nam Cộng Hòa vẫn treo cao và chiến hạm nghênh ngang ra vào, đâu cần hoa tiêu.”

Tôi đặt ống dòm nhìn vào các cột cờ sau lái của các tàu hiện diện trong vịnh. Đa số là cờ sao sọc. Có một chiếc cờ Nhật. Một số khác, không rõ cờ nước nào. Đúng là tất cả đều treo cờ vàng ba sọc đỏ ở vị trí cao nhất. Tôi hết nhìn Thiếu úy Hoàng Văn, lại nhìn các thủy thủ đương phiên. Nhìn rộng hơn, rõ ràng người đang chỉ huy chiến hạm này là một Thiếu tá người Việt, thủy thủ đoàn đều là người Việt. Một thực tế hiển nhiên. Cũng hiển nhiên như suốt thời gian xuống tàu đến giờ, tôi chưa từng nghe một mệnh lệnh nào của tên Mỹ, chỉ nghe hắn ‘aye aye, sir.’

Nhưng… biết đâu chừng thấy vậy mà không phải vậy! Tôi vẫn còn ít nhất 24 tiếng nữa để quan sát và xem xét tận tường. Chế tạo được một quả bom không phải là chuyện dễ dàng. Mang được quả bom xuống tàu lại là cả một gian nan. Hưng có thể chủ trương ‘Thà giết lầm còn hơn bỏ sót!’ Tôi chỉ muốn giết đúng người đáng chết.

(Còn tiếp)








Không có nhận xét nào: