Thứ Bảy, 28 tháng 1, 2023

Đời Thủy Thủ II _ Vũ Thất - Chương 10: Nhật Đạo Thái Bình Dương

          Đời Thủy Thủ II  -_ Vũ Thất

                                    
         

Chương 10: Nhật Đạo Thái Bình Dương


Thứ năm 9/2/1967 12:00 G

Nếu không có nắng hanh khô rát da mặt, nếu không có gió Lào đẫm áo mồ hôi, tôi sẽ vẫn ở trên Đài Chỉ Huy để chờ ngắm cảnh Hạm Trưởng, Hạm Phó, và tên Mỹ trở lại tàu. Lúc đi, Hạm Trưởng là người sau cùng qua ghe, còn lúc về thì sao? Và anh giám lộ có thổi còi chào đón?

Tôi về đến phòng hồi 4 giờ 05 chiều trong niềm vui được thêm nhiều hiểu biết thú vị, lại được Hạm Trưởng ân cần, lòng an tâm thanh thản, tôi bất cần kéo kín màn cửa trước khi vào buồng tắm. Tôi tắm gội thỏa thuê rồi thay bộ đồ sạch cuối cùng. Đó là chiếc quần tây xanh và áo sơ mi lụa trắng. Hưng rất thích bộ đồ này vì theo anh, trông tôi thanh lịch và quyến rũ. 

Tôi mỏi mệt ngả lên giường, nhưng cái lệ có mặt 10 phút trước cơm chiều làm tôi cứ phải trằn trọc, gật gờ. Rồi bỗng chợt nhớ tới quả bom, từ lúc đem vào buồng, tôi chỉ lo tìm nơi đặt nổ mà quên kiểm soát nó còn đó hay đã bị lấy mất! Tôi cười nhạo chính mình: Hẳn nó phải còn đó, nếu không thì tôi đã không còn được nằm trong phòng mát rượi thế này…

Tuy nhiên tôi vẫn bật dậy bước tới rờ rẫm túi xách. Quả bom còn đây. Tôi mở nắp túi xách kia. Thời chỉnh còn đây. Tôi nghĩ tới giấc mơ lạ lùng. Giấc mơ gợi ý tôi đặt quả bom dưới bàn ăn sĩ quan. Tại sao tôi không đặt ở đó mà cứ tìm đâu cho xa. Quả bom nổ, tàu sẽ chìm và mang theo toàn bộ sĩ quan. Còn thành tích nào hơn? Tôi thử khoảng cách. Một bước, tôi ra khỏi cửa buồng. Đúng bảy bước, tôi vào phòng ăn. So với địa điểm thùng đạn ở sân mũi, tôi phải ôm quả bom leo một cầu thang và đi vòng vòng, nguy cơ gấp mười.

Nhưng giấc mơ cũng cho thấy tôi quay lại Quy Nhơn thay vì về Sài Gòn.  Phải chăng nó gợi ý tôi nên bỏ cuộc? Hay nó báo rằng tôi có thể cho nổ quả bom nhưng chính tôi cũng không trở về quê quán, vĩnh viễn xa lìa mẹ cha.

Tôi bần thần trở vào phòng ngủ, ngồi ngẩn ngơ nghĩ về chuyện hôn nhân giữa tôi và Hưng. Tôi yêu Hưng và muốn làm vợ Hưng. Cả hai bên mẹ cha đều đã tán thành. Nhưng điều kiện để được tổ chức cho phép kết hôn thì khó khăn quá. Phải tạo thành tích cách mạng. Và tôi đang ra sức tạo thành tích đó.

Điều đáng buồn là, để có thành tích, tôi phải giết những người đang ân cần tiếp đãi tôi, đang đối xử với tôi bằng tình đồng bào với lý do vì họ bán nước…

Thấy đồng hồ chỉ 6 giờ kém 5 phút, tôi vội bước vào phòng ăn, nhưng chưa thấy ai hiện diện. Anh chiêu đãi cho biết giờ ăn tối dời lại lúc 7 giờ vì Hạm Trưởng và Hạm Phó còn bận ở hầm máy. Cái tin làm tôi ngỡ ngàng. Tôi vẫn tưởng họ chưa về tàu. Đúng rồi, tàu không còn im ỉm như khi neo. Tiếng máy đang chạy rầm rì. Sàn rung nhẹ, thỉnh thoảng bị giật sóng. Tôi hỏi anh chiêu đãi:

– “Tàu đang chạy, phải hôn?”

– “Chạy cả tiếng rồi cô, đã ra khỏi vịnh. Cô cần uống gì không?”

Tôi bước đến bàn đựng ly tách. Anh chiêu đãi bước theo:

– “Để tôi lấy nước cho.”

– “Tôi muốn tự tay làm cho biết.”

Tôi lấy một gói trà Lipton, mở bỏ giấy bọc rồi phân vân giữa ly và tách. Tôi thích uống trà nóng nhưng nhớ ly trà đá sáng nay của Võ Bằng, tôi quyết định nhấc chiếc ly. Anh chiêu đãi chỉ tôi vòi nước sôi và nơi chứa nước đá cục. Năm phút sau, tôi cầm ly trà đá về ghế ngồi. Năm phút kế tiếp, anh chiêu đãi mang ly trà đá đặt trước chỗ ngồi của Hạm Phó. Đó là ly thường lệ của Võ Bằng cho suốt bữa ăn.

Tôi hỏi

– “Anh Tốt có vợ con gì chưa?”

– “Có rồi, một con. Còn cô?”

– “Chỉ mới bồ bịch thôi. Ảnh hẹn sáng mai sẽ đón ở cầu tàu mà xem ra kiểu này không biết bao giờ tàu mới về tới.”

– “Hẹn với xe đò còn chưa chắc đúng giờ, huống hồ hẹn với tàu chiến!”

– “Nào có biết!” Tôi thở dài.

Tôi nâng ly, uống vài ngụm. Trà đậm nhưng không thơm như trà Bảo Lộc của ba tôi. Giờ này chắc ba mẹ tôi đã bắt đầu trông ngóng tôi về. Ông bà hẳn đang ngồi ở bộ salon nhìn hình ảnh tôi thuở bé. Tôi bỗng nhớ đến tấm ảnh ‘mẹ bồng con’ trên bàn Hạm Phó và tấm ảnh ‘tân lang tân giai nhân’ trên bàn Hạm Trưởng. Cả hai ‘bà’ đều đẹp, nhưng với hai vẻ đẹp đối nghịch. Người thì sắc sảo, tinh ranh, kẻ thì kiêu sa, phúc hậu. Tôi không biết so mình với ai, chỉ biết thích lời khen của Hưng mượn thơ Nguyễn Bính: ‘Nàng là con gái trời cho đẹp. Tuổi mới mười lăm đã đẹp rồi!’ Mà nay ‘nàng’ đã hai mươi. Đẹp càng ác liệt càng tươi má đào! ‘Đẹp ác liệt’ có thể là giữa sắc sảo và kiêu sa chăng? Còn phúc hậu bỏ đâu? Chắc bỏ vào quả bom sắp nổ! Mẹ tôi đều được mọi người khen phúc hậu mà tôi sao quá ác liệt? Vì đâu nên nỗi?

Võ Bằng và tên Mỹ bước vào cùng với tiếng cười như vừa trao đổi chuyện vui. Cả hai áo quần xốc xếch, mặt mày ướt đẫm. Tên Mỹ về thẳng buồng riêng. Võ Bằng reo mừng gặp lại tôi:

– “A ha, chào cô Phượng. Hạm Trưởng nhắn là cô hãy đọc cái chứng chỉ rồi ổng sẽ kể chuyện sau…”

Anh chàng chỉ cái khung mạ vàng treo trên vách sau lưng tôi rồi đi thẳng. Tôi đứng lên, bước đến cái khung vài lần tôi thoáng thấy. Bên trong là mảnh giấy trình bày như một bằng cấp.

VIỆT NAM CỘNG HÒA

QUÂN LỰC VIỆT NAM CỘNG HÒA

BỘ TƯ LỆNH HẢI QUÂN

“Chứng Chỉ Xuyên Nhật Đạo”

Chứng nhận Hộ Tống Hạm ĐỐNG ĐA HQ 007

đã xuyên nhật đạo ngày 9 tháng 2 năm 1967

nhằm ngày Mồng Một Tết Đinh Mùi

tại Vĩ độ 19° 58’ Bắc – Kinh độ 180° 00’ Đông

Nay cấp chứng chỉ này để làm bằng

Thừa lệnh Đại Hải Long Vương,

Đề Đốc Trần Văn Chơn

Tư Lệnh Hải Quân

Tôi mỉm cười thích thú, thầm nghĩ mấy anh chàng Hải Quân bịa cái này cũng hay. Tôi biết vĩ tuyến, kinh tuyến nhưng xuyên nhật đạo là gì? Phải tạo thành tích đặc biệt gì mới được Long Vương cấp chứng nhận? Tôi mong tới bữa cơm để nghe ông giải đáp.

Tôi nhìn xuống mặt kệ tầm ngang ngực. Có hai bản kẹp tài liệu in các chữ in lớn trên tờ bìa KÍN, THƯỜNG. Hưng dặn tôi nếu có cơ hội ăn cắp các tài liệu MẬT và TỐI MẬT. Các tài liệu này ở đâu? Chờ vắng người, tôi sẽ tìm trong các ngăn tủ.

Tên Mỹ xuất hiện với bộ quân phục kaki vàng thẳng thớm. Vài phút sau là Võ Bằng với bộ kaki xanh rất mới.  Chúng tôi chưa kịp trao đổi xã giao thì Hạm Trưởng bước vào. Vẫn thủ tục chào đón như cơm trưa. Không như lần trước hoàn toàn miễn cưỡng, lần này tôi chào đón ông bằng tấm lòng quý mến. Vẫn như buổi trưa, tôi được ông dành cho lời đầu tiên:

– “Cô Phượng đã bắt đầu chán cảnh trời, cảnh biển chưa?”

– “Vẫn thấy thích thú, thưa Hạm Trưởng.”

– “Còn với chiến hạm, có gì khiếu nại?”

– “Rất tuyệt. Cám ơn Hạm Trưởng và tất cả.”

Ông mỉm cười hướng về Thiếu úy Hoàng Văn:

– “Thực đơn ra sao, Sĩ quan ẩm thực?”

– “Thưa Hạm Trưởng, thưa quý vị, thực đơn hôm nay gồm có: Cơm trắng. Thịt gà xào đậu. Trứng chiên với củ hành. Và canh bí hiểm. Hết”

– “Canh bí hiểm? Sáng tác mới của sĩ quan ẩm thực chăng?” Hạm Trưởng ngạc nhiên.

Tôi nhìn tô canh có các lát màu vàng, lên tiếng:

– “Tôi nghĩ là bí rợ …”

Hoàng Văn nói:

– “Thưa Hạm Trưởng và quý vị. Hôm qua đi chợ Quy Nhơn, tôi hỏi bà bán hàng trái gì, bà nói tên bằng giọng Quảng nghe không rõ nhưng không dám hỏi lại. Bà quả quyết trái đó nấu canh rất ngon rồi chỉ tôi cách nấu. Xin bảo đảm tôi nấu y như cách bà chỉ, nhưng ngon hay không tùy người thưởng thức.”

Tất cả cười rần. Hạm Trưởng múc một muỗng vừa thổi vừa húp. Ông gật đầu:

– “Ngon đấy chứ!”

Tên Mỹ cũng múc một muỗng, cũng gật đầu: ‘Taste good!’ Tôi theo thói quen chan canh xăm xắp chén cơm, rồi múc cả cơm canh đưa lên miệng.

– “Ngon!” Tôi khen. “Phân chất thì thấy có tôm khô, mùi nước mắm và còn gì gì nữa, hả Thiếu úy?”

– “Tác giả xin giữ bản quyền!” Thiếu úy Văn tươi cười.

Hạm Trưởng nói:

– “Giữ bản quyền, là phải lắm. Một sáng tác vô tiền khoáng hậu!”

Sau những tiếng cười, mọi người lặng lẽ ăn. Tên Mỹ bắt chước tôi, chan canh vào cơm rồi dùng muỗng múc. Trông đỡ ‘thê thảm’ hơn lối dùng đũa lúc trưa. Hạm Trưởng lên tiếng:

– “Cô Phượng đã đọc Chứng Chỉ Xuyên Nhật Đạo chưa?”

– “Thưa rồi!”

– “Cô thấy sao?”

– “Qua việc lộng kính và trưng bày trân trọng, hẳn không phải là chuyện đùa cho vui?”

– “Không đùa đâu.” Hạm Trưởng nghiêm giọng. “Chuyện nghìn năm một thuở, mà riêng với tôi là vinh dự một đời người.”

– “Xin Hạm Trưởng giải thích.” Tôi nôn nóng.

Ông và miếng cơm, gắp thức ăn rồi chậm rãi nhai. Mắt ông đăm chiêu nhìn xuống bàn như đang sắp xếp ý tưởng. Mấy phút sau ông mới ngẩng lên nhìn tôi:

– “Cô Phượng có biết ‘Xuyên Nhật Đạo’ là gì không?”

– “Thưa, mới nghe lần đầu!”

– “Cô có biết ‘kinh tuyến’và ‘vĩ tuyến’?”

– “Dạ, rất rành.”

– “Tức là cô đã biết địa cầu được chia theo đường dọc qua hai cực Bắc Nam thành 360 kinh tuyến và các vòng theo chiều ngang là vĩ tuyến, mà xích đạo là vĩ tuyến 0?” Tôi gật đầu. Ông tiếp. “Do quả đất tự nó quay quanh trục trong 24 giờ mà có ngày đêm, nghĩa là giờ nơi này khác giờ nơi nọ. Để tính sai biệt, cho dễ hiểu, người ta phóng chiếu quả cầu lên mặt phẳng và chọn kinh tuyến 0 đi qua Đài Thiên Văn Greenwich ở Luân Đôn là múi giờ quốc tế GMT. Cô theo kịp đến đây chứ?”

Ông tiếp tục ăn như dành thì giờ cho tôi nghiền ngẫm. Tôi nói:

– “Đại úy Bằng có cho tôi xem các kinh tuyến và vĩ tuyến được phóng chiếu trên hải đồ theo trục dọc, trục ngang.”

Ông gác đũa, nghiêng mặt theo lối nhìn của Rhett Butler khi mới gặp Scarlett O’hara:

– “Cô đang học ban gì?”

– “Dạ, ban Sử Địa.”

– ‘Thảo nào! Vậy thì tôi chỉ lướt qua thôi. Từ kinh tuyến Greenwich, về phía Đông 180° gọi là múi giờ Đông và về phía Tây 180° gọi là múi giờ Tây. Mỗi 15 kinh tuyến cách nhau một múi giờ, tức là mỗi bên múi giờ Đông và Tây có 12 múi giờ. Kinh tuyến 180° được gọi là đường Nhật Đạo, nôm na là đường đổi ngày. Theo quy định. khi đi từ Đông sang Tây phải thêm một ngày và từ Tây sang Đông phải giảm một ngày. Ví dụ chúng ta đang ăn tối là ngày 5 tháng 8 và chiến hạm chúng ta vừa qua đường Nhật Đạo, chúng ta phải sửa ngày thành ngày 6 tháng 8. Giờ vẫn là giờ hiện tại, tức 19:20.”

Nhớ ngày tháng năm ghi trên Chứng Chỉ, tôi ngạc nhiên nói:

– “Tức là chiến hạm này, hồi nửa năm trước, đã xuyên nhật đạo ngày 9 tháng 2?”

– “Chứ gì nữa!” Hạm Trưởng cười khoan khoái.

Tôi tính nhẩm. Chu vi địa cầu là 40 ngàn cây số, có 360 kinh tuyến, mỗi kinh tuyến cách nhau trên 100 cây số. Nước Việt Nam ở vào kinh tuyến 108°, cách kinh tuyến 180° đến 72 kinh tuyến.  Có nghĩa là vào ngày 9 tháng 2, chiến hạm ở xa Việt Nam đến trên 7 ngàn cây số! Tôi ngờ vực hỏi:

– “Thưa Thiếu tá, Thiếu tá thi hành công tác gì mà phải đi xa đến gần phần năm địa cầu?”

– “Không phải đi xa mà đi về. Nói rõ hơn, chúng tôi lái chiếc chiến hạm này từ Mỹ về Việt Nam, một hải trình xuyên suốt Thái Bình Dương. Nghĩa là không phải xa bảy ngàn cây số mà hơn gấp đôi số đó!”

– “Xa dữ vậy! Vậy nên nhận được Chứng Chỉ Xuyên Nhật Đạo của Ngài Đại Hải Long Vương là phải quá rồi.” Tôi khen thật lòng.

– “Lúc cơm trưa, cô nói có biết Ngài Đại Hải Long Vương qua truyện Tây Du Ký.” Hạm Trưởng tiếp. “Tôi cần minh xác điểm này. Truyện Tây Du Ký nói đến Tứ Hải Long Vương tức là bốn vị thần hùng cứ bốn biển: Đông hải, Tây hải, Nam hải, và Bắc hải. Cả bốn ông vua này đều có giúp đỡ Tam Tạng trên đường thỉnh kinh. Còn Đại Hải Long Vương là vị thần khác. Vị thần này giúp Đinh Bộ Lĩnh vào năm Mậu Thân 968. Tương truyền vào năm đó, Đinh Bộ Lĩnh trên đường dẹp loạn thập nhị sứ quân, đến bờ sông ở làng Xuân Phả tỉnh Thanh Hóa thì gặp bão tố. Bỗng có con rắn lớn nổi lên giữa sông, rồi biến thành một tòa miếu nguy nga cho Đinh Bộ Lĩnh và quan quân vào trú ngụ. Sau khi thống nhất sơn hà, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế, cho lập đền thờ tại bờ sông và phong cho vị thần chức Đại Hải Long Vương.”

– “Thì ra là vậy!” Tôi thích thú nói. “Cám ơn Thiếu tá chỉ dẫn tận tường!”

– “Nói thêm cho đủ ý. Ngài Đại Hải Long Vương là thần Việt, còn Tứ Hải Long Vương là thần Tàu. Đâu lẽ Tư Lệnh Hải Quân Việt Nam lại thừa lệnh thần Tàu cấp Chứng Chỉ Xuyên Nhật Đạo cho chiến hạm!”

– “Thậm chí lý, thưa Thiếu tá!”

Tất cả cười ồ. Tôi thấy ngường ngượng nghĩ thầm, ‘Mình được khen là một cây Sử Địa mà ngay Sử Việt cũng không rành! Mới chỉ ‘đụng’ sơ với Hải Quân mà đã lòi ra còn nhiều thứ cần phải học. Hạm Trưởng gác đũa, hỏi tên Mỹ:

– “Có hiểu câu chuyện không Rick?”

– “So so, sir!”

Hạm Trưởng thuật bằng tiếng Mỹ. Hắn thích thú cười to. Tôi cũng cười nhưng thầm chửi: ‘Cười cho đã đi rồi… chết!’ Tôi lên tiếng để lấp liếm nỗi sượng sùng:

– “Sẵn dịp, xin Thiếu tá kể chuyện vượt Thái Bình Dương. Phượng ở trên tàu này chỉ mới ‘vượt bao hải lý, chưa nghe vừa ý’…”

– “À, gian nan lắm! Chiếc tàu Mỹ viện trợ được tân trang ở Hải Quân Công Xưởng Norfolk Naval Shipyard, tiểu bang Virginia. Tôi, Hạm Phó, 6 sĩ quan trong đó có Trung úy Võ Bằng và 90 nhân viên được một toán đặc huấn của Mỹ tận tình huấn luyện và thực tập. Sáu tháng đầu vừa học Anh ngữ vừa học chuyên môn. Sáu tháng kế tiếp làm quen chiến hạm. Phải học sử dụng rành rẽ đủ loại máy móc, phải thông thạo hải hành cận duyên và hàng hải thiên văn, phải thuần thục các nhiệm sở như nhiệm sở câp cầu, nhiệm sở tác chiến, nhiệm sở phòng tai, nhiệm sở vớt người, nhiệm sở neo, nhiệm sở đào thoát…”

– “Nhiệm sở đào thoát! Nghe ghê quá!” Tôi nói.

– “Rất quan trọng. Có đánh đấm là có chìm tàu. Mỗi người phải có đủ năng lực và điều kiện để sống còn nếu phải qua nhiều ngày chịu sóng gió nắng mưa, chờ tiếp cứu.”

Ông ngưng lại cho mọi người tiếp tục ăn. Rồi tiếp:

– “Sau một năm học tập mờ người, chiến hạm khởi hành về nước. Đầu tiên là 12 ngày trên Đại Tây Dương, từ tiểu bang Virginia đến Panama. Chờ thủ tục và qua kinh đào mất thêm 3 ngày. Rồi từ đó vượt Thái Bình Dương suốt 45 ngày. Tổng cộng tròn 2 tháng lênh đênh!”

– “Vì sao phải đi qua kinh đào Panama?”

– “Đường từ Mỹ về Việt Nam có hai lối. Con đường ngắn nhất là đi băng qua Thái Bình Dương, biển thường êm ả. Con đường vượt Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương vừa xa hơn vừa biển động thường xuyên; lại phải vòng qua mũi Hảo Vọng của Nam Phi nổi tiếng sóng to gió lớn. Cuối cùng phải qua eo biển Malacca giữa Nam Dương và Mã Lai.”

Hạm Trưởng lại ngưng, nhìn tôi dò dẫm. Tôi nói:

– “Xin Hạm Trưởng tiếp tục.”

– “Dĩ nhiên chúng tôi chọn con đường êm ả Thái Bình Dương. Nhưng vì chiến hạm đang ở phía Đại Tây Dương nên muốn qua Thái Bình Dương, chiến hạm phải dùng kinh đào Panama. Ngày xưa khi chưa có kinh đào, người ta phải đi vòng qua mũi Sừng, tức mũi Horn của Nam Mỹ, mất thêm ít nhất nửa tháng!

– “Thưa, ai có sáng kiến đào kinh Panama?”

– ‘Năm 1881, Pháp khởi sự cho đào kinh với 44 ngàn công nhân. Năm năm sau, có đến 6 ngàn người chết vì dịch bệnh nên công trình bị bỏ dở. Hai mươi năm sau nữa, Mỹ tiếp nhận công trình. Vì không thể đục xuyên núi, người ta tạo ra 6 ụ nước để nâng tàu vượt qua núi. Khi tàu vào ụ nổi đầu tiên, người ta bơm nước vào cho tàu nổi lên cao để vào ụ thứ hai. Đến ụ thứ ba, tàu lại được nâng cao để vào hồ nhân tạo Gatun dài 33 cây số, lớn nhất thế giới. Từ hồ này tàu sẽ vào các ụ nước xuống thấp dần và cuối cùng ra đại dương. Tính ra có đến 10 năm với 27 ngàn công nhân mất mạng, công trình dài 82 cây số này mới hoàn tất vào tháng 8/1914.”

– “Nghe thiệt ớn… chè đậu! Xin hỏi, trong 45 ngày trên Thái Bình Dương, chiến hạm chạy ròng rã hay có ghé bến nào không, thưa Hạm Trưởng?”

– “Vượt đại dương dài 15 ngàn cây số, dĩ nhiên chúng tôi cần tiếp tế lương thực, dầu nhớt và dưỡng quân. Mỗi trạm ghé 3 hay 4 ngày. Trạm đầu tiên là Trân Châu Cảng, sau cuộc hành trình 9 ngày. Trạm kế đến đảo Guam, sau 18 ngày hải hành liên miên. Rồi thêm 7 ngày đến Subic Bay của Phi Luật Tân. Và trạm cuối Phi – Việt 4 ngày.”

Ông lại ngưng nói như để tôi hình dung trọn vẹn con đường thiên lý chiến hạm đã vượt qua. Khi tôi thầm nhủ ‘chắc chắn là không có tôi’, Hạm Trưởng tiếp:

– “Đúng là Thái Bình Dương, đúng là ‘tháng ba bà già đi biển’. Nhưng khi qua eo San Bernardino trước khi vào vịnh Subic, eo thì hẹp mà trời thì mịt mù, chúng tôi rã người mới an toàn qua được.”

– “Trong 45 ngày đó, chiến hạm làm gì cho thủy thủ đoàn đỡ nhớ nhà? Phượng ở trên tàu này mới một ngày mà đã thấy nhớ!”

– “Có chứ! Đại khái là các trò giải trí, các lớp ôn tập ngành nghề. Đặc biệt, vì hải hành nhằm dịp Tết nên tôi cho lệnh sĩ quan ẩm thực tìm mua đầy đủ bánh mứt và trò giải trí ở các tiệm tạp hóa Tàu.”

Hạm Trưởng lại ngưng nói nhìn tôi, tia mắt như tỏa mùa Xuân tươi vui:

– “Cô Phượng biết không, một tình cờ lạ lùng đã giúp ngày Tết vui thêm. Ngày 8 tháng 2, vào đúng khi mặt trời lên thiên đỉnh, mình nôm na là đúng ngọ, khi đo đạc để định vị trí chiến hạm, tôi giật mình khám phá ra chiến hạm vừa qua kinh tuyến Nhật Đạo 180°. Thành thử mâm bánh mứt chuẩn bị cúng Giao thừa, chuyển sang cúng mừng Tân Niên Đinh Dậu cùng lời chúc Tết! Bầu Cua Cá Cọp được bày ra. Vài sòng bài xì dách nho nhỏ mua vui. Treo giải domino, cờ tướng. Tổ chức ca hát. Mọi người vui chơi suốt tuần, trong ảo tưởng là được về nhà sớm một ngày!”

Ông bất ngờ hướng về Trung úy Lê Giáp Thân:

– “Nói tới về nhà sớm, tôi cũng nôn nao. Này, Sĩ quan cơ khí. Liệu hai máy cho tiến full được không?”

– “Tôi phải xuống xem tình hình mới có thể trả lời Hạm Trưởng.”

– “Ăn xong đi đã!”

– “Thưa Hạm Trưởng đã xong. Xin phép rời bàn.” Anh đứng lên.

Hạm Trưởng móc túi lấy gọi thuốc Pall Mall. Ông mời Võ Bằng. Chàng ta lắc đầu.

Giọng Hạm Trưởng ngạc nhiên:

– “Hạm Phó bỏ thuốc?”

– “Đang cố gắng, thưa Hạm Trưởng.”

– “Hút thuốc được mấy năm rồi?”

– “Từ thời lên Trung học. Cũng hàng chục năm rồi!”

– “Hút hàng chục năm mà lại bỏ! Uổng công không!”

Nhiều tiếng cười. Hạm trưởng lại tiếp:

– “Hẳn phải có ý do quan trọng?”

– “Sợ buồng ngủ hôi mùi thuốc, cô Phượng chê!”

Võ Bằng nói tỉnh bơ. Mọi người xuýt xoa. Tôi vừa nghèn nghẹn vừa bực mình nhưng chỉ biết lặng thinh. Hạm Trưởng rút một điếu gắn lên môi. Tôi nghe tiếng “tích”. Tên Mỹ đưa ngọn lửa đến trước ông. Chiếc bật lửa bằng thép trắng có khắc hình nổi một chiếc chiến hạm. Ông nghiêng người mồi thuốc. Tiếng “thank you” nhẹ nhàng bay theo đợt khói nhả đầu tiên. Và, theo như tôi nghĩ, đợt khói cũng là hiệu báo mọi người đã được phép. Tên Mỹ mở gói Lucky, và một lần nữa tiếng ‘tích’ giòn giã vang lên. Hắn đặt hộp quẹt và gói thuốc trên bàn. Mùi Lucky hòa quyện mùi Pall Mall vẫn là mùi thơm dễ chịu.    

Tôi lẩm cẩm nghĩ, nếu người quẹt máy cho Hạm Trưởng mồi thuốc là Võ Bằng thay vì tên Mỹ, đố tránh khỏi bị nhìn là nịnh bợ.

Anh chiêu đãi nhanh chóng dọn sạch bàn ăn rồi mang ra hai dĩa bánh LU tráng miệng như buổi trưa. Vẫn Hạm Trưởng bốc miếng đầu tiên. Ông hớp trà nóng và hít vài hơi thuốc. Rồi nheo mắt với Võ Bằng:

– “Hạm Phó đâu có muốn tàu tiến full, phải không?”

– “Hạm Trưởng đi guốc trong bụng Hạm Phó!” Võ Bằng cười.

– “’Tiến full’ là sao?” Tôi hỏi.

– “Là máy chạy tối đa với tốc độ đường trường. Còn khi hải hành tuần phòng, chỉ nửa tốc độ. Cô Phượng có như tôi không, chỉ muốn tàu chạy… nửa tốc độ?”

Võ Bằng quả có tài bóng gió. Tôi trêu chọc:

– “Tôi tưởng Đại úy cũng mong sớm về gặp ‘mẹ bồng con’ chứ?”

– “Người ta đã bỏ tui rồi, cô Phượng ơi!” Võ Bằng hát trả lời.

Mọi người cười rộ.

– “Vậy thì câu ‘Còn con thì không biết có hay không’ là ám chỉ chú bé trong hình?”

– “Còn ai trồng khoai đất này!” Võ Bằng buồn rầu đùa cợt.

Tôi lặng thinh. Trường hợp này, lặng thinh tốt hơn là lời an ủi. Một giọng nói phát lên từ cuối bàn:

– “Tôi có một thắc mắc, nhờ cô Phượng giải đáp.”

Tôi ngoảnh nhìn Thiếu úy Nguyễn Ấn đang nở nụ cười tinh quái. Tôi khiêu khích:

– “Mời Thiếu úy”.

– “Tôi tự hỏi một người đẹp như cô thì làm sao mà leo đến năm thứ ba đại học được?”

Tôi suýt nổi xung với câu hỏi thoạt nghe như đầy vẻ miệt thị nhưng kịp ghìm lại. Anh chàng chỉ bóng gió chuyện yêu đương chứ không ngụ ý hễ người đẹp là không có… đầu óc! Tôi hỏi cho ăn chắc:

– “’Người đẹp’ với ‘năm thứ ba’ thì có ăn nhậu gì hở Thiếu úy?”

– “Mỹ nữ là tiêu điểm của thanh niên. Lẽ ra có người rước cô về dinh từ khuya!”

– “Lấy chồng sớm hay muộn là do… duyên nợ chớ đâu phải do xấu đẹp. Đồng ý là Phượng được nhiều người để tâm nhưng đến nay duyên nợ chưa tới!”

– “Chưa duyên nợ nhưng cô Phượng… có để tâm?” Bằng chen vào.

Tôi thấy đến lúc nên cho Bằng chấm dứt mọi tán tỉnh vô ích:

– “Đúng, Phượng có… để tâm một người!”

– “Anh chàng diễm phúc nào đó hẳn tu chín kiếp!” Võ Bằng trở giọng xót xa.

– “Đâu cần phải tu mới được. Miễn không là… lính biển!” Tôi thẳng thừng.

– “Vậy, xin Hạm Trưởng làm ơn ký ngay cho tôi cái lệnh giải ngũ!” Võ Bằng thản nhiên.

– “Giải ngũ cũng vẫn còn gốc lính biển!” Tôi thẳng tay.

Hạm Trưởng nhíu mày và tất cả lặng thinh làm tôi hiểu mình đi quá trớn. Tôi còn đang lựa lời cứu vãn thì Võ Bằng đã tặng tôi lời cay đắng:

– “Vậy khi nào cô báo “tin mừng”, nhớ báo “tin buồn” cho tôi biết!”

Tôi cười để che giấu xúc động. Câu kế tiếp chuyển thành rúng động:

– “Cũng xin đừng nhận còi nhiệm sở vớt người khi không thấy tôi trên tàu!”

 Đúng lúc đó Hạm Trưởng lên tiếng:

– “Cô Phượng sao lại ghét Hải Quân đến thế?”

– “Phượng chỉ có ý nói chơi với Đại úy Bằng!”

– “Cô học trường nào?”

– “Thưa, Đại học Sư phạm”

– “Cô biết Huỳnh Tấn Mẫm?”

– “Thưa không!” Tôi nói dối.

– ‘Có đi dự biểu tình chống chính phủ?”

– “Thưa không!” Tôi tiếp tục nói dối.

– “Huỳnh Tấn Mẫm dùng lời dối trá để lôi cuốn sinh viên biểu tình chống Mỹ. Nó là tên ‘ăn cơm Quốc Gia thờ ma Cộng Sản’. Đừng dại mà nghe tên nằm vùng đó. Nó bị bắt nhốt rồi.”

Tôi lặng thinh. Huỳnh Tấn Mẫm đang học Đại Học Y Khoa, là thủ lãnh ‘Phong trào Thanh niên-Sinh viên-Học sinh đấu tranh chống Mỹ-Ngụy. Tôi và Hưng luôn luôn hăng hái nghe lời kêu gọi của Mẫm. Hai năm trước, chúng tôi quen nhau trong một cuộc biểu tình. Chúng tôi bị cảnh sát dã chiến xịt nước giải tán. Tôi chạy bán mạng và trợt té. Hưng kéo tôi đứng lên và giúp tôi vượt thoát. Từ đó anh là điểm tựa của đời tôi.

Vờ không hiểu câu nói của Hạm Trưởng, tôi nêu câu hỏi ngu ngơ để đánh tan nghi ngờ:

– “Ăn cơm Quốc Gia thờ ma Cộng Sản’ là ý gì, thưa Thiếu tá?”

Ông trầm ngâm một lúc rồi trả lời:

– “Một ví dụ cho dễ thấy. Hãy coi chiến hạm này như là một Quốc Gia. Chiến hạm đang giúp cô thực hiện chuyến đi mong ước, cung cấp cho cô ngày ba bữa no, mà về tới Sài Gòn cô lại đi theo lũ vẹm biểu tình chống đối!”

Tôi muốn trả lời ông đâu phải mình tôi ăn cơm Quốc Gia. Những người đi biểu tình cũng ăn cơm Quốc Gia. Còn việc thờ ma Cộng Sản thì có lý do của nó. Một chính quyền dâng đất nước cho ngoại bang thì phải chống đối. Đó là bổn phận. Nhưng câu nói của ông buộc tôi im lặng suy xét nghiêm chỉnh vấn đề. Thực sự Quốc Gia này còn hay mất? Cộng Sản là hạng người nào? Là ai thì tôi chưa tỏ tường, chỉ thấy các hành động ám sát, thủ tiêu, khủng bố. Và tôi đang bước đầu làm một tên khủng bố!

Khó thể chối rằng tôi đang ‘ăn cơm Quốc Gia thờ ma Cộng Sản’! Đời tôi rồi sẽ về đâu?

(Còn tiếp) 






Không có nhận xét nào: