Thứ Tư, 22 tháng 3, 2023

Chữ Nghĩa Làng Văn ( Ngộ Không Phí Ngọc Hùng)

             Chữ Nghĩa Làng Văn 

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

***


Tiếng Việt cổ


Con lợn tiếng Bắc cũ gọi là “con heo” (hay con cúi).


Di dân vào đến miền Trung, xuống tới miền Nam con lợn được “hoài niệm” để kêu lại với tiếng xưa, thật xưa là… con heo.


(Hiếu Thiện Nguyễn Chu Hậu – Tiếng Việt, Tiếng Nước Tôi)



Chữ Đường 堂 

Ở các tiệm thuốc Bắc hay các nơi bắt mạch, hốt thuốc của người Hoa như Ích Sanh Đường, Hạnh Lâm Đường, Tế Sinh Đường... Chữ Đường vốn trong tiếng Hán là có ý chỉ nhà lớn, phủ quan. Thế nhưng các tiệm thuốc có mang chữ Đường xuất phát từ một chuyện thời xưa ở bên Tàu của một trong những thầy thuốc danh tiếng bậc nhất trong lịch sử Trung Quốc: Thánh Y Trương Cơ. (xem kỳ tới: Thánh Y Trương Cơ)

(Đỗ Duy Ngọc)


Từ điển chính tả sai lỗi… chính tả


Ví dụ chỉ tính riêng lỗi chính tả lẫn lộn giữa S thành X, X thành S, đã có ít nhất gần 30 lỗi, kèm theo lời khuyên hoàn toàn đi ngược lại với chuẩn chính tả hiện hành. 

(phần trong ngoặc kép   “….” viết đúng nguyên văn của từ điển. 

Phần trong ngoặc đơn (….) là đính chính của Hoàng Tuấn Công):

: sập sè: không viết: xè”  (Gs Nguyễn Văn Khang)

(viết đúng = xập xè, xập xoè)

(Hòang Tuấn Công)



Thành ngữ tục ngữ 

Bán chỗ nằm, mua chỗ ngồi

Câu này cũng gần nghĩa với câu “Bán gia tài mua danh phận”. ngày trước, ở nhà quê, người ta chuộng chỗ ngồi ở chốn đình trung khi hợp làng. Nhiều người bỏ tiền mua một chức Nhiêu, chức Hàm để có một chỗ ngồi, rồi lại phải khao vọng tốn kém. Vì thế có người phải bán cả nhà, đất để có một danh vị hão. 

Chỗ nằm là nơi nhà ở, chỗ ngồi là góc chiếu nơi đình trung.



Từ điển chính tả sai lỗi…chính tả

si: nguyên si. → không viết: xi.” (Gs Nguyễn Văn Khang)

(viết đúng = nguyên xi)

(Hòang Tuấn Công)


191  Chữ nghĩa làng văn xóm chữ

Năm 1990, nhà văn Ngọc Giao lên thượng thọ 80 tuổi. Ông nguyên là thư ký tòa soạn của báo Tiểu Thuyết Thứ Bảy. Có một tâm sự ông giữ mãi trong lòng hơn nửa thế kỷ, khi vào tuổi 80 mới thổ lộ với bạn bè tâm giao, rằng: đó là một buổi trưa, năm 1937, ở tòa soạn báo Tiểu Thuyết Thứ Bảy. Những đồng nghiệp trong tòa soạn đã về nghỉ gần hết, chỉ còn lại Trúc Khê Ngô Văn Triện và Ngọc Giao. Ngọc Giao đến chỗ mắc áo để lấy mũ và ra về. 

Nhưng đúng lúc đó có tiếng kèn đám ma. Đám tang đang đi qua phố Hàng Bông. Ngọc Giao là người rất sợ nghe tiếng kèn đám ma, nên ông mới nán lại thêm cho xe tang đi qua đã. Đã khoác áo, đội mũ chỉnh chu, ông không muốn quay vào phòng trong mà kéo ghế ngồi tạm lại chỗ gần cửa, gần nơi để cái sọt đựng giấy loại. Không biết điều gì xui khiến, ông đưa tay vào sọt giấy loại, nhặt lên mấy tờ bị vo tròn và quẳng vào đó chờ đi đổ xe rác. 

Tẩn mẩn, ông vuốt một tờ ra và đọc. Đó là một tờ giấy học trò khổ nhỏ. Một bài thơ. Chữ viết bằng bút chì nguệch ngoạc, nét run, nét mờ, như thể viết ra một lần là xong và gửi luôn cho tòa báo. Lệ của báo là bài lai cảo phải viết trên một mặt giấy sạch sẽ. Còn bài thơ nét chữ bút chì này lại viết trên cả hai mặt giấy. 

Nhưng bài thơ đã khiến Ngọc Giao xúc động lạ thường, đó là Hai sắc hoa ti gôn của T.T.Kh. Và, ông đã ngồi lặng đi trong mối rung cảm đặc biệt. Rồi ông bước vội đến đưa bài thơ cho Trúc Khê, yêu cầu đọc ngay. Trúc Khê Ngô Văn Triện thấy Ngọc Giao đang quá xúc động, cũng bỏ bút, cầm đọc bài thơ. Và ông cũng ngồi lặng đi, rồi đọc lại lần nữa. Ông già Trúc Khê vỗ tay xuống bàn, nói với Ngọc Giao: “Sao lại có bài thơ tuyệt đến thế này...” 

Rồi ngay sau đó, Ngọc Giao gọi ông cai thợ sắp chữ nhà in lên, bảo sắp chữ ngay bài thơ ấy cho số báo sắp ra. 

Vậy là Hai sắc hoa ti gôn đi vào đời sống thơ ca...


Kể câu chuyện tâm sự mấy mươi năm xưa cũ, nhà văn Ngọc Giao ghi vào sổ lưu bút của lão nhà văn Phạm Văn Kỳ có đoạn: “... Bài thơ ra đời trong hoàn cảnh bị bỏ vào sọt rác như vậy đó. Nó càng được bạn đọc nhắc đến bao nhiêu, tôi càng ân hận về lỗi làm ăn cẩu thả, sơ xuất bấy nhiêu. Nếu không có cái đám ma qua phố thổi kèn rầu rĩ đó thì tôi đã đội mũ lên đầu, không cúi xuống sọt rác... thì đóa hải đường Hai sắc hoa ti gôn đành an phận nằm trong đó, rồi người ta mang đi theo thường lệ, người ta phóng lửa đốt cả... Trong đó, rất có thể có cả những áng văn hay mà anh thư ký tòa soạn quan liêu, nhác lười, cẩu thả đã ném đi...”.


(Suýt nữa không có Hai sắc hoa ti gôn - Khuyết danh)



Tướng mạo con người qua ca dao, dân ca

Đàn ông gân trán nổi cao
Tánh tình nóng nảy, dạt dào ái ân



Góp nhặt phố văn ngõ chữ 

Lê Văn Trương  

Nguyễn Vỹ trong hồi ký của mình đã cung cấp thêm mấy nét về Lê Văn Trương, trích: Vài ngày sau cái chết của Nguyễn Tường Tam, Lê Văn Trương đến thăm tôi tại tạp chí Phổ Thông. Anh buồn bã gục đầu xuống. Tôi lặng thinh chờ xem anh muốn nói gì.

Một lúc khá lâu, có vẻ trịnh trọng, Lê Văn Trương cất tiếng: "Thằng Nhất Linh  đi rồi, bạn cũ tụi mình ở đây chỉ còn mày, với một vài thằng nữa thôi. Nhưng tao buồn là không để lại một tác phẩm nào xứng đáng với cuộc đời của tao". 


Im lặng một lúc, Lê Văn Trương lại nói tiếp: "Tớ muốn cậu tự ý chọn một quyển truyện nào của tớ mà cậu ưng ý nhất, cậu viết một bài phê bình thật đầy đủ, cho tớ xem trước khi tớ làm cuộc du lịch cuối cùng và vĩnh viễn." 

Tôi hỏi: "Trong tất cả các truyện cậu đã viết cậu thích quyển nào nhất". Lê Văn Trương trả lời liền không do dự: "Tớ đ. thích quyển nào". - "Ít nhất cũng có một vài quyển hay hơn các quyển khác chứ". -"Tớ viết quyển nào cũng hay cả, mà chẳng có quyển đ. nào hay cả! Thế mới chó!" 


Câu nói mâu thuẫn đó tiết lộ tính chất sáng tác đặc biệt của Lê Văn Trương. Tác phẩm nào cũng hấp dẫn nhưng không có một kiệt tác. Tôi bảo: "Cậu chọn một vài quyển tương đối nổi bật hơn hết, đưa đây tôi. Tôi sẽ viết một bài dài và thật khách quan".


Nhưng tôi đã chờ mãi Lê Văn Trương cho đến ngày anh chết .



Ngày xưa... ngày nay

Ngày xưa dáng dấp mỹ miều,
Ngày nay như thể dây thiều đứt ngang.



Hậu Nhân văn Giai phẩm


Văn Cao gần như không công bố thơ của mình trên báo, chỉ chuyên làm bìa sách và vẽ minh họa cho các báo. Bắt đầu đổi mới ông công bố bài thơ dài Năm Buổi Sáng Không Có Trong Sự Thật trên tạp chí Sông Hương tạo ra sự ngạc nhiên của dư luận. Ông đã mất năm 1995.


(Biên niên Nhân văn Giai phẩm – Thái Kế Toại* )


* Thái Kế Tọai là nhà thơ, nhà văn bút hiệu Lê Hoài Nguyên, nguyên Đại Tá Công An, công tác tại A25 (chuyên theo dõi văn nghệ sĩ và văn hóa). Vì ông là nhà thơ, nhà văn nên sau này ông thuật lại rất trung thực về nhóm Ngân văn Giai phẩm.



Tướng mạo con người qua ca dao, dân ca

Mắt dài, mày ngắn: bất bình
Mày dài, mắt ngắn: đệ huynh vẹn toàn


Văn hoá chửi

Bước đường cùng của Nguyễn Công Hoan

 

"…Bớ làng trên xóm dưới, bớ láng giềng láng tỏi … bên sau bên trước, bên ngược bên xuôi! Tôi có con gà mái xám mới ghẹ ở, nó mới lạc ban sáng mà thằng nào con nào, đứa ở gần mà qua, đứa ở xa mà lại, nó dang tay mặt, nó đặt tay trái, nó bắt mất của bà, thì buông tha thả nó ra, có đứa nào trót nhỡ tay đánh cắp con gà mái ghẹ của bà thì hãy banh lỗ tai vạch lỗ nhĩ lên mà nghe bà chửi đây này…

 

Chém cha đứa bắt gà nhà bà, chiều hôm qua bà cho nó ăn nó vẫn còn. Sáng hôm nay con bà gọi nó nó vẫn còn, mà bây giờ nó đã bị bắt mất. Mày muốn sống mà ở với chồng với con mày, thì buông tha thả nó ra cho nó về nhà bà, nhược bằng mày chấp chiếm, thì bà đào mả thằng tam tứ đại nhà mày ra, bà khai quật bật săng thằng ngũ đại lục đại nhà mày lên. Ới cái thằng chết đâm, cái con chết xỉa kia, mày mà giết gà nhà bà thì một người ăn chết một, hai người ăn chết hai, ba người ăn chết ba. Mày xuống âm phủ thì quỷ sứ thần linh rút ruột ra... ".



Tướng mạo con người qua ca dao, dân ca

Con lợn… mắt trắng thì nuôi
Những… người mắt trắng đánh rồi đuổi đi



Chữ nghĩa làng văn  

Nguyễn Bính viết tiếp:

“…Ðã đến lúc rất cần và đến mức đòi hỏi phải xét lại toàn bộ giải thưởng, chứ không chỉ hạ xuống hoặc thêm vào một vài tác phẩm là đã đủ cứu vãn được giá trị và tác dụng của nó. Ông Nguyễn Tuân cũng đã nhận rằng “đã có những sai lầm nghiêm trọng”. Vậy thì những sai lầm nghiêm trọng ấy nó có tác hại đến việc chấm giải, cụ thể ra bằng việc cho giải các tác phẩm như thế nào? 


Không lẽ lại chỉ sai lầm vẻn vẹn ở mấy quyển Ngôi Sao, quyển Nam Bộ Mến Yêu (tác giả NguyễnVăn Sáng?), truyện Cái Lu mà thôi? Như vậy sao lại gọi là sai lầm nghiêm trọng? Chúng tôi tưởng đã luộm thuộm thì phải luộm thuộm hết chứ không lẽ chỉ luộm thuộm riêng khi nhận xét quyển Ngôi Sao mà không luộm thuộm khi nhận xét các quyển Thơ Chiến Sĩ, Thơ Việt Bắc, Chú Hai Neo. Chúng tôi tưởng đã thiếu trình độ nhận thức thì không lẽ chỉ thiếu khi nhận xét quyển Cái Lu mà lại đầy đủ nhận thức khi nhận xét những quyển khác.


Chúng tôi tưởng đã nể nang thì không lẽ chỉ nể nang khi muốn giữ địa vị cho quyển Nam Bộ Mến Yêu mà lại rất nghiêm khắc trong khi chấm quyển Anh Lục hay cái kịch Việt Ơi! Hơn nữa biết đâu chẳng có những tác phẩm còn trong bản thảo, gửi dự thi, có giá trị, mà đã phải vùi dập đi vì cái trình độ nhận thức kém, cái tính nể nang, thiếu tập trung, thiếu nghiêm chỉnh, cái lề lối làm việc luộm thuộm, cái gò ép, cái gượng gạo, cả cái không lắng nghe quần chúng và văn nghệ sĩ của ban giám khảo? Huống chi Thường Vụ Hội lại thiếu đôn đốc, thì sao mà biết được rằng giải thưởng có chu đáo hay không? Hay đã bỏ rơi một cách không thương tiếc những tác phẩm dự thi có giá trị? Do đó, vàng thau lẫn lộn, mà đã làm chết yểu đi một số mần non văn nghệ…”


(Nguyễn Bính và tuần báo Trăm Hoa - Lại Nguyên Ân)



Chữ nghĩa hiện thực

Sinh ra ta đã hiền lành
Bây giờ ta lại trở thành... hiền khô

(Jap Tiên sinh)



Góp nhặt làng văn xóm chữ 

Đào Trinh Nhất

Đào Trinh Nhất sinh năm Canh Tý (1900), nguyên quán tại xã Thượng Phán, huyện Quỳnh Côi, tỉnh Thái Bình. Thuở nhỏ, Đào Trinh Nhất theo học chữ Hán ở quê nhà, sau lên Hà Nội học chữ Pháp và chữ quốc ngữ.

Từ năm 1921 – 1925, ông bước vào làng báo, làm biên tập Hữu Thanh Tạp Chí và Thực Nghiệp Dân Báo. Rồi viết bài cho các báo: Trung Hòa Nhật Báo, báo Đông Pháp.


Năm 1926, ông sang Pháp du học. Ngày 15 tháng 4 năm đó, ông tới Paris, liên lạc với Nguyễn Thế TruyềnNguyễn Như Phong và viết cho báo Việt Nam Hồn. Năm 1929, ông về nước, ở luôn trong Nam viết báo, viết sách cho đến bị trục xuất về Bắc vào ngày 25 tháng 7 năm 1939.


Trong khoảng 10 năm ấy, ở Sài Gòn, ông đã cộng tác với các báo: Phụ Nữ Tân Văn, Công Luận, Thần Chung, Tân Văn, Việt Nam, Điểm Tin. Và làm chủ bút báo Ðuốc Nhà Nam (Flambeau d'Annam) của Bùi Quang Chiêu (năm 1930-1931), tự xuất bản báo Mai (tháng 2 năm 1936-1938). Sau năm 1945-1947, chạy loạn về, tiên-sinh làm báo Ngày Mới, báo Việt Thanh (Bắc), và đến năm 1948 làm báo Cải-Tạo, Phụ Nữ Tân Văn


Năm 49-50, ông vào Sài Gòn. Ông mất trong một gian nhà nhỏ ở xóm Hòa Hưng vào chiều Thứ Sáu ngày 23 tháng 11 năm 1951, hưởng dương 52 tuổi, an táng tại nghĩa địa Hòa Hưng.



Tướng mặt

Khuôn mặt chữ Phong (風) 

Đây là khuôn mặt có hình dáng như chữ Điền nhưng không cân đối như chữ Điền, hai mang tai tóp lại làm khuôn mặt có dạng số 8. Người có khuôn mặt trên, trung niên trắc trở, mới đầu khá, sau suy sụp dần. Cả cuộc đời bình thường, không thể giàu sang. 

Đàn bà có tướng như trên dễ lưu lạc phong sương, khá về chồng thì hỏng về con, được con thì lại hỏng chồng.



Những khuất lấp thời Hồng Bàng thị - 1

Vũ Quỳnh cho hay:

“…Nước Việt ta tự cổ là đất hoang dã nên việc ghi chép còn sơ lược, những chuyện chép ở đây, từ thời nào? Chỉ biết tên là Trần Thế Pháp, ông này không phụng mệnh vua, dựa vào Việt Điện U Linh Tập của Lý Tế Xuyên để viết cội nguồn tộc Việt.  

Trần Thế Pháp chắp vá một số truyện cổ tích ở vùng đất phía nam núi Ngũ Lĩnh của Trung Hoa như Tài Quý Ký hay Nam Hải Cổ Tích Ký, để thành truyện. Đến đời Lê, kẻ ngu này góp nhặt thành tập và đặt tên là Lĩnh Nam Chích Quái Liệt Truyện …”.


Trong bài tựa, Vũ Quỳnh viết:

“…Tháng hai năm Nhâm Tý, kẻ ngu này mới bắt đầu chép truyện cũ, ôm lấy không tránh khỏi chữ này xọ chữ kia. Thế là quên mình dốt nát, đem ra hiệu chính, xếp thành hai quyển Lĩnh Nam Chích Quái Liệt Truyện, cất ở trong nhà để tiện quan lãm. Còn như việc khảo chính, nhuận truyện thì chư vị quân tử hiếu cổ sau này há không có ai hay sao?...”.


Phụ đính:

Trần Thế Pháp hiệu Thúc Chi, quê Thạch Thưc, Sơn Tây. Còn Vũ Quỳnh tự Thủ Phác, hiệu Đốc Trai người làng Mộ Trạch, Hải Dương. Sinh năm 1453, đậu tiến sĩ năm 1478 thời Hồng Đức thứ 9, làm quan đến Lễ Bộ Thượng Thư, rồi về trí sĩ bị… cướp giết chết.

(Lĩnh Nam Chích Quái 1959 : Lê Hữu Mục)



Bên lề chữ nghĩa 

Hà Nội những điều nhỏ bé bạn nên làm khi…”quởn”

Ăn xôi Yến 35 Nguyễn Hữu Huân
(Nguồn: Tôi đi đâu)



Những khuất lấp thời Hồng Bàng thị - 2

Sùng Lãm với chuyện ”người lấy cá” : Cháu ba đời vua Thần Nông là Đế Minh, nhân tuần thú phương Nam, đến núi Ngũ Lĩnh, gặp một nàng tiên sinh ra Lộc Tục. Lộc Tục làm vua hiệu là Kinh Dương Vương xuống thủy phủ lấy con gái hồ Động Đình sinh ra Sùng Lãm. Sùng Lãm lên ngôi, xưng Lạc Long quân.


Dân lúc nào có việc cần kêu Lạc Long quân: Bố ơi không đến mà cứu chúng tôi. Một ngày “Bố ơi” gặp nàng Âu Cơ ở một mình…Nguyên văn trong văn bản “Bố ơi” thấy đẹp lạ lùng, yêu quá, nên lấy làm vợ. Giáp một năm, sinh ra bọc trứng và nở ra trăm con. Chia đều làm hai, 50 theo mẹ lên núi, 50 theo Lạc Long Quân trở về thủy phủ, Âu Cơ lại gọi: Bố ơi không về để mẹ con ta thương nhớ.

“Bố ơi” về thật và nói: Ta là rồng ở thủy tộc. Nàng là tiên ở trên đất. Thủy hỏa tương khắc khó mà ở cùng nhau. Âu Cơ trở lại huyện Bạch Hạc, phong cho con trưởng là Hùng Vương, đặt tên nước là Văn Lang, (xem tr 3) truyền được 18 đời và được gọi là Thời Hồng Bàng. Để rồi từ đó có chuyện “con rồng cháu tiên”, “bốn ngàn năm văn hiến”.


(Lĩnh Nam Chích Quái 1959 : Lê Hữu Mục)



Hàm Nghi: một nhà ái quốc - 1

Từ thái độ bất hợp tác ngay từ khi mới bị giặc Pháp bắt tại Qủang Bình vào năm 1888 đến việc không học tiếng Pháp khi mới đến Algérie vào đầu năm 1889, vua Hàm Nghi đã thay đổi lập trường vào khoảng một năm sau ngày đến Phi Châu và bắt đầu học tiếng Pháp cũng như là giao tiếp với một số người địa phương. Còn nguyên nhân khiến cho vua thay đổi thái độ có lẽ do cử chỉ đầy tình người của một nhà qúy tộc Pháp, Nam Tước Alfred de Vialar, đã cởi chiếc áo choàng đang mặc để khoác lên vai nhà vua khi Nam Tước thấy ông đang run lên vì lạnh và cũng chính nhân vật này về sau đã mở đường cho nhà vua theo học về ngành hội hoạ.


Nam tước Jules “Alfred” de Vialar là hậu duệ của vị Nam Tước đã đi tiền phong trong việc mở mang và khai thác thuộc địa Algérie cho nước Pháp, và gia tộc của ông được xem như là gia đình qúy tộc, giàu có, danh vọng và có uy tín nhất tại Algérie. Vợ của Nam Tước là bà Berthe Alexandrine Patricot, là một nhân vật nổi tiếng tại xứ Algérie hồi thế kỷ thứ 19. Bà Nam Tước de Vialar lại là người giàu có, yêu văn chương, nghệ thuật và đã tổ chức những buổi sinh hoạt về văn học nghệ thuật tại tư gia của ông bà và những buổi sinh hoạt đó được xem như là nơi thu hút hầu hết những thượng lưu trí thức của thủ đô Alger. 


Một trong những người nổi tiếng tại “salon” của bà Nam Tước De Vialar là bà hoàng Ranavalo, cựu nữ hoàng của Đảo quốc Madagascar đang sống lưu vong như Hàm Nghi tại Alger.

Một nhà nghiên cứu về Algérie cho biết:

“Bà Nam Tước Alfred de Vialar là một người đàn bà thông minh, cương nghị và là một người bạn của giới văn học nghệ thuật. Để có thể được mời tham dự vào những buổi họp mặt trong những salons của bà Nam Tước de Vialar, ngoài những người thuộc dòng dõi thế gia vọng tộc thì những người khác ít nhất cũng phải thuộc thành phần trí thức, thậm chí có nhiều người đã phải học cho thuộc cả 12 thành qủa của Hercules để được mời…” (1)  


(1) Bertrand Auschitzky: “Baron Alfred de Vialar (1845-1926)


(Trần Đông Phong)



Khoa cử thời xưa

Đời Mạc (1527-1592) và Hậu Lê (1600-1788)

Việc thi cử trong đời Mạc không thay đổi nhiều. Chữ Nôm được Hồ Quý Ly dùng để dịch kinh sách từ thế kỷ thứ 14, mãi đến đời Mạc Hậu Hợp 1565 mới dùng chữ Nôm lần đầu trong một khoa thi tiến sĩ với đề mục kỳ đệ tứ phải là một bài phú Nôm.


Lề lối khoa trường đời Hậu Lê vẫn là Tam trường, thi Hương do địa phương tổ chức, đỗ cả 3 hay 4 kỳ gọi là Cử Nhân hay Hương Cống, Sinh Đồ. Nếu đỗ 1 kỳ được gọi là Tú Tài. Sau này gọi là Tú Đơn, Tú Kép (đỗ 2 khoa Tú Tài), Tú Mền (đỗ 3 khoa Tú Tài), Tú Đùn hay Tú Đụp (đỗ 4 khoa Tú Tài). Đỗ Tú Tài được làm Huấn Đạo, Giáo Yhụ ở phủ, huyện. Đỗ thi Hương gọi là Hương Cống được bổ làm Tri Phủ, Tri Huyện. Cống sĩ đã đỗ thi Hội vào cung vua thi Đình.


Nếu đỗ là tiến sĩ trong dân gian gọi là ông Nghè. Tên này bắt nguồn sau khi đỗ, các tiến sĩ đứng dưới hành lang ngoài sân đình đợi vào chầu vua ban thưởng. Mái hiên của hành lang tiếng địa phương người miền Trung gọi là “nghè”.


Đời Mạc và hậu Lê vì thiếu tiền nên đặt lệ thi phải đóng tiền chấm thi. Vì vậy trường thi là chỗ mua bán, quan trường thông đồng.



Hàm Nghi: một nhà ái quốc - 2

Không rõ cựu hòang Hàm Nghi bắt đầu được mời đến tham dự vào những buổi sinh hoạt tại nhà bà Nam Tước De Vialar từ bao giờ, tuy nhiên nhà văn Jules Roy cho biết sự hiện diện của nhà vua trong một cuộc họp mặt tại salon của bà Nam Tước như sau:

“Ông Đại Tá chỉ cho tôi bà hoàng Ranavalo phì nộn với gương mặt tròn như một vầng trăng màu cà phê sưã bao trùm bởi một nỗi buồn xa xứ, người ngồi trong im lặng bên cạnh bà là “Le Prince d'Annam” (Hoàng tử Annam, chính bản thân ông ta cũng là một kẻ bị lưu đày, người mảnh khảnh nhỏ bé, trên đầu đội một chiếc khăn (đóng) màu đen dường như đang run rẩy vì lạnh trong chiếc áo dài cũng màu đen và quần  xa tanh màu trắng. Tình cảm sâu đậm giữa ông hoàng tử Xứ Annam với gia đình Nam Tước de Vialar có lẽ bắt nguồn từ một cử chỉ của Nam Tước khi ông đích thân cởi chiếc áo choàng đang mặc trên người để khoác lên đôi vai gầy của ông hoàng bị lưu đày đang run rẩy vì lạnh vào buổi sáng đầu tiên khi ông hoàng này mới đặt chân lên đất Algérie…


“Ông hoàng Annam, gầy guộc như một cây sậy, nói về hội họa, nói về hoạ thất (atelier) tại ngôi biệt thự của ông ở làng El Biar…”

Một người khách quen thuộc có mặt gần như thường xuyên tại các buổi họp mặt của bà Nam Tước De Vialar là ông Louis Tirman, Toàn Quyền Pháp tại Algérie. Toàn Quyền Tirman là bạn thân của ông bà Nam Tước De Vialar cho nên đã đối xử với hoàng tử xứ Annam, cũng là người được cả ông bà Nam Tước xem như là bạn, như là một vị khách qúy tại thuộc đia Algérie chứ không phải là một người tù bị lưu đày. 


Đó cũng là một trong những lý do mà Toàn Quyền Tirman đã dành cho vua Hàm Nghi một biệt thự khang trang rộng rãi tại làng El Biar trong khu đồi núi Mustapha Supérieur từ ngày nhà vua mới đặt chân đến Algérie vào năm 1890 cho đến ngày ông mất. 

(Trần Đông Phong) (1)


 (1)Trần Đông Phong, tên thật là Trần Đức Thắng, sinh năm 1937 tại Thanh Hóa. Năm 1958, ông là giáo sư trường trung học Phan Thanh Giản, Cần Thơ. 1969-1975, ông là chủ bút Nguyệt San Anh Ngữ "Free Front,",  Sang Hoa Kỳ năm 1995, định cư tại Dallas, Texas.


Tác phẩm: "Việt Nam Cộng Hòa, 10 Ngày Cuối Cùng", "Cuộc Gặp Gỡ Đầu Tiên Giữa Hoa Kỳ và VN: Thomas Jefferson, Hoàng Tử Cảnh" và "Vua Hàm Nghi: Một Nhà Ái Quốc, Một Nghệ Sĩ Tài Hoa" nhưng chưa kịp ấn hành thì qua đời ngày 24 tháng 12 năm 2009 tại Dallas.



Sài Gòn: Những con đường đã mất tên

Cứ thế vào càng gần trung tâm thì càng tiệm cận đến lịch sử cận đại như đường Lê Lợi, Lê Lai, Nguyễn Trãi… sát trung tâm hơn nữa thì có đường Nguyễn Hoàng, Minh Mạng, Tự Đức cùng các tướng lãnh như Võ Tánh, Lê Văn Duyệt…


Hướng qua phía Bắc khu trung tâm Sài Gòn chúng ta sẽ có dịp thấy các con đường được đặt tên dưới triều Tây Sơncác nhà văn, nhà thơ, học sĩ như: Bà Huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương… cùng với các võ tướng Tây Sơn: Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu…


Con đường nhỏ hơn nhưng chỉ có một chiều, chạy ngang toà án và cổng chính dinh mang tên Công Lý (Công Lý thì không thể nào 2 chiều được). Hai con đường song song với Thống Nhất được mang tên của hai danh nhân đã tạo ra chữ viết của Việt Nam là Hàn Thuyên và Alexandre de Rhodes với hàm ý biết ơn sâu sắc.

(Uy Bảo)   


Chú thích: Riêng đường Hàm Nghi được giữ lại.

Vì Hàm Nghi chống Pháp.



Trần Nhân Tông xem bói quốc gia đại sự
Tháng 5 năm Kỷ Sửu (1289), sau chiến thắng quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ 3, vua Trần Nhân Tông đã phong cho Phùng Sĩ Chu chức Hành Khiển, lý do là: “Khi người Nguyên sang, vua sai Sĩ Chu bói. Sĩ Chu đoán rằng: Thế nào cũng đại thắng! Vua mừng bảo: Nếu đúng như lời đoán, sẽ có trọng thưởng. Giặc yên, vua nói: Thiên tử không có nói đùa. Do đấy, có lệnh này” (Đại Việt sử ký toàn thư). 

Đến năm Nhâm Thìn (1292) vua lại phong cho một viên quan là Trần Thì Kiến giữ chức An Phủ Lộ Yên Khang (nay là đất Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình) cũng vì ông đã bói trúng. Sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư cho hay: 

“Trước đây, quân Nguyên vào cướp, vua sai Thì Kiến bói, được quẻ Dự biến sang quẻ Chấn, đoán là tốt. Mùa Hạ năm sau, quân Nguyên đại bại, quả đúng như lời đoán. 

Mùa Thu năm Trùng Hưng thứ 2 (1285), quân Nguyên lại vào cướp, vua lại sai bói, được quẻ Quan biến sang quẻ Hoán, Thì Kiến đoán: "Hoán nghĩa là tan, là điềm giặc tan". Sau quân Nguyên đến sông Bạch Đằng, quả nhiên tan chạy. Vua khen tài của Kiến, cho nên có lệnh này”.

(Những Chuyện Thú Vị Về Các Vị Vua Việt Nam – Lê Thái Dũng)



Hủ tiếu

Hủ tiếu vốn là món ăn của người Tàu di cư đem vào vùng đồng bằng sông Cửu Long. Người Tiều phát âm là "cổ chéo", có nghĩa là những sợi làm bằng bột nhỏ và dài. "Cổ chéo" đã Việt hóa trở thành… hủ tiếu, một món ăn mà ngày nay, có người miêu tả là "đậm đà tính dân tộc", kể ra cũng rất đúng.
Từ thuở mang gươm đi mở cõi; 
Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long

(thơ Huỳnh Văn Nghệ). 

Trong cái nhớ ấy, ngoài những nỗi niềm thiêng liêng với đất tổ, chắc chắn có nỗi nhớ phở, miếng ăn kỳ diệu của tất cả những người Việt chân chính" (Nguyễn Tuân). Lưu dân Việt Nam vào châu thổ sông Cửu Long từ thế kỷ 16 mà mãi đến cuối thể kỷ 17 (1698 chúa Nguyễn mới phái Nguyễn Hữu Cảnh vào xây dựng Sài Gòn). Bởi vậy, người miền Nam ở đất mới gặp món "cổ chéo" như người đang "buồn ngủ gặp chiếu manh", bèn tiếp thụ ngay cái món ăn như phở mà không cần thịt bò, chế biến với thịt heo, tôm, cá và bột gạo đang có sẵn.

Họ gọi hủ tiếu là cổ chéo, tức là bánh sợi.

(Nguồn: Diệu Huyền)



Văn hoá ẩm thực

Saigon thuở ấy chỉ có một tiệm phở ở đường Võ Tánh, gần Ngã Sáu, có món tái sách tương gừng và phở tái sách: tiệm Y. 


Thịt tái mềm, sách ròn nhai gau gáu, chấm với tương Cự Đà. Người ta bèn đổ xô tới để thưởng thức một món ăn lạ miệng. Và tiệm Y phất lên như diều. Từ ngôi nhà lụp xụp, ông đã sửa sang lại cho khang trang và mua thêm một nhà khác để ở cho thoải mái. Phú quí sinh… máu văn nghệ, ông bắt đầu giao du thân mật với cánh nhà văn, nhà báo. Sau cuộc đảo chính của Dương Văn Minh, trong làng báo có hiện tượng “trăm hoa đua nở. Thế là ông chủ tiệm phở Y bèn ra báo. Từ tái, chín, nạm, gầu, sụn, nhảy sang địa hạt chữ nghĩa nên báo của ông chỉ có thể đến với độc giả bằng con đường ve chai. Dĩ nhiên nó phải chết.
Ít lâu sau ông cũng chết theo nó. Người vợ góa trẻ đẹp kế tục ”sự nghiệp” của ông chồng quá cố. Tiệm Y phát đạt trở lại. Những người bạn văn nghệ của ông Y vẫn lui tới ăn phở như xưa, nhưng mục đích của họ là… ngấp nghé ngôi vị chủ tiệm. Sau mấy năm trời theo đuổi mà chẳng đi tới đâu. Một người trong bọn họ bèn tức cảnh sinh tình, mượn danh nghĩa bà quả phụ để ra một vế câu đối: “Nếu ai đối được thì em xin nguyện lấy làm chồng”:
Nạc, mỡ nữa làm chi, em nghĩ chín rồi không tái giá


Câu đối sặc sụa mùi phở, nhưng hắc búa nhất là cụm từ ”tái giá”, nó vừa có nghĩa là đi bước nữalại vừa có nghĩa là phở tái giá”. Hơn 23 năm qua, câu đối ấy hiện nay vẫn chỉ có một vế đối:

Muối tiêu không đáng ngại, lão thấy còn gân chán, hãy vui cùng lão miếng gầu dai .

(Phở Sài Gòn xưa và nay)



Tại sao gọi họ là người Tàu?

Xin bạn đọc hãy đọc lại bài viết của "Học giả An Chi” dưới đây, do laiquangnam sao lục từ http://nld.com.vn/tieng-viet-tinh-tuy/co-sao-goi-nguoi-trung-quoc-la-tau, học giả đã viết… Một số người nghĩ đơn giản rằng sở dĩ ta gọi người Trung Quốc là "Tàu" bởi vì họ sang ta bằng "tàu"! Từ nguyên học đâu có dễ dàng như thế:

"…Tàu là một yếu tố Hán cổ và trong tiếng Hán cũng như tiếng Việt còn có nghĩa là "xe". Tàu (trong tàu bè) là một từ Việt gốc Hán bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ 艚 mà âm Hán Việt hiện đại là tào, có nghĩa là "thuyền". Chữ tào 艚 này cũng thông với chữ tào 漕 (b), mà theo biện luận của Lưu Quân Kiệt trong Đồng nguyên tự điển tái bổ (Ngữ văn xuất bản xã, Bắc Kinh, 1999) thì đều còn có nghĩa là "xe". Cái nghĩa "xe" của từ tàu vẫn hiện hành trong tiếng Việt. Cứ so sánh tiếng Bắc, tiếng Nam thì thấy ngay. Cái mà trong Nam gọi là tàu thì ngoài Bắc gọi là thuyền . Rồi ngoài Bắc gọi là tàu hỏa thì trong Nam gọi là xe lửa. Thế là cái nghĩa "xe" đã thấp thoáng trong danh ngữ tàu hỏa (nếu không đi sâu vào từ nguyên thì dễ hiểu lầm đây là cách dùng theo ẩn dụ). 


Rồi ngược lên đầu thế kỷ XX, cả trong Nam ngoài Bắc đều gọi máy bay là tàu bay . Thế là cái nghĩa "xe", mở rộng là "phương tiện chuyên chở", đã nằm ngay trong danh ngữ tàu bay. 

Cho nên, trong thành ngữ tàu bay tàu bò thì cả hai thứ "tàu" này chẳng qua đều cùng là "xe". Vậy thì ta sẽ biện luận rằng vì ngày xưa Tàu sang ta bằng xe nên tổ tiên ta đã gọi họ là "Tàu" chăng? Nên nhớ rằng họ đã sang ta từ xưa và sang thành nhiều đợt, lẻ tẻ có, thành đoàn có.


Chúng tôi khẳng định rằng Tàu là âm cổ Hán Việt của từ ghi bằng chữ 曹 mà âm Hán Việt hiện đại là tào, có nghĩa rộng là "cơ quan triều đình", hiểu rộng ra là "quan". Trong thời Bắc thuộc, nói chung giới cai trị là người Trung Hoa cho nên dân chúng đã quan niệm rằng người Trung Hoa là "tàu", nghĩa là "quan". Nếu cho rằng đây là một nếp nghĩ vô lý thì xin nhớ lại chuyện đã xảy ra hồi tháng 8, tháng 9-1945 tại Sài Gòn, dân Việt Nam đã đánh bất cứ người Pháp nào mà họ gặp ngoài đường vì theo họ hễ là người Pháp thì đều là "thực dân". Do quan niệm trên mà về sau tất cả mọi người Trung Hoa dù không làm quan - đây là tuyệt đại đa số - cũng được "vinh dự" gọi là "Tàu". Thế là cái danh xưng "Tàu" có một lịch sử đặc biệt và nét đặc biệt này gắn liền với sự cai trị của phong kiến phương Bắc đối với dân ta, nước ta…". 

(Lai Quảng Nam)



“Ảo từ”, “ẩn từ” hay “biến từ” trong tiếng Việt? 

Một số từ vựng trong ngôn ngữ Việt Nam, nhiều khi, cũng bắt tôi ưu tư như vậy. Tôi không biết phải gọi chúng là gì. Đắn đo tới lui, tôi tạm cúng cơm, đặt tên cho chúng là "ẩn từ" hay "biến từ" cho tiện. Nói chung là những từ "nghe vậy nhưng không phải vậy".


Chẳng hạn như từ "chớ" trong phương ngữ miền Nam.

"Chớ", thoạt tiên, là từ đồng nghĩa với "chứ" theo cách nói của người phương Bắc. Hãy nghe lời thề non hẹn biển của đôi tình nhân trai Bắc gái Nam: "Sao em lại nghĩ thế, anh yêu em lắm chứ. Đứa nào nói dối, trời phạt." Nếu chàng gốc gác Nam kỳ, thì câu nói sẽ khang khác: "Nói tầm bậy nà, anh thương em lắm chớ. Đứa nào nói láo, trời đánh." Vậy mà bạn bè của nàng cứ rủ rỉ khuyên ngăn: "Mầy chớ nghe những gì thằng đó nói, mà hãy mở mắt coi kỹ những gì nó làm!"

Hay trong ca khúc "Nắng Chiều Rực Rỡ" của nhạc sĩ Phạm Duy:


"Chớ buồn gì, trong giây phút chia lìa. 
Khi chiều về, lung lay trúc tre. 
Chớ buồn gì, khi tan nắng, đêm về. 
Cho thuận đường âm dương bước đi…"


Thì ra, "chứ" hay "chớ" từ vị trí khẳng định trong "lắm chứ" hay "lắm chớ" đột nhiên biến thành "chớ" mang nghĩa phủ định, có nghĩa như "đừng", nhưng "yếu" hơn, gần như "không nên", 

như khi cụ Đồ Nguyễn Đình Chiểu cho chàng Lục Vân Tiên, sau khi đánh đuổi bọn cướp đường, lên tiếng khí khái cản ngăn nàng Kiều Nguyệt Nga toan rời kiệu hoa:


"Khoan khoan ngồi đó chớ ra"


Nhưng, ai đó nói: "Với anh, chuyện gì tôi cũng làm, chớ chuyện cho anh mượn tiền, tôi chịu thua." Thêm lần nữa, "chớ" thay xiêm đổi áo, không khẳng định hay phủ định gì ráo, mà đâm ra lưỡng lự và biến dạng tương tự như "còn". Nguyên nhân gì xui khiến "chớ" thay lòng đổi dạ chóng vánh như vậy, thú thật, tôi không rõ.

(Ngô Nguyên Dũng)



Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ 

Chễm chệ như rể bà góa  Nói những người đàn bà góa chiều chuộng con rể vì những lý do không chính đáng.

Theo nghĩa đen: con rể ở gia đình có người đàn bà (mẹ vợ) đã góa chồng thường được quý trọng, vì nể do ông bố vợ không còn. Như thế anh chàng “rể bà goá” tự nhận thức được vị trí của mình trong gia đình nên làm oai, không phải do người đàn bà goá “chiều chuộng con rể vì những lý do không chính đáng”.

Nghĩa bóng: Mỉa mai thái độ làm oai nực cười của ai đó nhờ cơ hội nghiễm nhiên mà có.

(Hoàng Tuấn Công)



Bích Câu kỳ ngộ, một truyện Nôm thuần Việt bị lãng quên

Cách đây hơn 50 năm, tôi bắt đầu học lên trung học. Những năm đầu của cấp trung học thứ nhất (Trung Học Đệ Nhất Cấp - tương tự Trung Học Cơ Sở hiện nay), những thiếu niên mới lớn ngỡ ngàng và thích thú khi được đọc - rồi thầy bắt học thuộc lòng - những trích đoạn Bích Câu Kì Ngộ trong sách Giảng văn:

“Thành tây có cảnh Bích Câu,
Cỏ hoa góp lại một bầu xinh sao,
Đua chen thu cúc, xuân đào,
Lựu phun lửa hạ, mai chào gió đông,
Xanh xanh dãy liễu, ngàn thông,
Cỏ đan lối mục, rêu phong dấu tiều.
Một vùng non nước đìu hiu,
Phất phơ gió trúc, dặt dìu mưa hoa.

Triều Lê đương hội thái hòa,

Có Trần công tử tên là Tú Uyên…”


Chúng tôi mơ màng cảnh cố đô Thăng Long tuyệt đẹp với “triều Lê đương hội thái hòa…” Câu thơ lục bát đậm màu sắc Việt, khác những áng thơ cổ như Chinh Phụ Ngâm: “…Đoái trông theo đã cách ngăn/  Tuôn màu mây biếc trải ngần núi xanh/ Chốn Hàm Dương chàng còn ngảnh lại / Bến Tiêu Tương thiếp hãy trông sang/ Khói Tiêu Tương cách Hàm Dương / Cây Hàm Dương cách Tiêu Tương mấy trùng” … Cả như  Truyện Kiều cũng thường tả cảnh xa vời đâu bên Trung Quốc: “Người lên ngựa kẻ chia bào/ Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san/ Dặm hồng bụi cuốn chinh an,/ Trông người đã khuất mấy ngàn dâu xanh” hay “ Thú quê thuần hức bén mùi,/ Giếng vàng đã rụng một vài lá ngô.” 


Việt Nam ta tìm đâu ra Tiêu Tương với Hàm Dương, tìm đâu ra rừng phong thu lá đỏ  với  giếng vàng, lá ngô đồng rụng…?

Bích Câu Kì Ngộ thì không như thế. Vì tính thuần Việt hiếm có ấy, tác phẩm nên được chọn đưa vào nhà trường trung học cấp cơ sở - truyện truyền thuyết phù hợp với lứa tuổi. Mối tình Tú Uyên–Giáng Kiều tuy diễm tình nhưng trong sáng lại đậm tình nghĩa gia đình. Truyện tiên mà lại thực, làm tươi mát tâm hồn niên thiếu.


Chú thích:

(1) Từ điển Văn Học năm 2003 do Đỗ Đức Hiểu chủ biên cho rằng tác giả truyện thơ này là Vũ Quốc Trân (? - ?). Tuy vậy điều này nay vẫn còn nghi vấn. Nếu đúng là Vũ Quốc Trân đã viết nên Bích Câu Kì Ngộ thì tại sao bao nhiêu bản nôm bao thế kỉ nay thu tập được đến đầu thế kỉ XX nhiều nhà sách ở Hà Nội chuyển quốc ngữ in bán khắp nơi lại không hề ghi tên tác giả? Việc bản Nôm tìm được gần đây ghi tên Vũ Quốc Trân có thể là mạo tác chăng? Vì lí do này ta có thể xem Bích Câu Kì Ngộ là một truyện thơ dân gian đúng nghĩa.

(2) Vũ Ngọc KhánhVăn phái Hồng Sơn và thời điểm Bích 


Tác giả: Nguyễn Cẩm Xuyên tên thật Nguyễn Văn Duận, sinh ngày 18.01.1950 tại Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh. Năm 1955 di cư vào Nam, cử nhân giáo khoa Triết Học và cử nhân Văn Khoa.

Tác phẩm: Đoàn Thị Điểm không phải là tác giả Chinh Phụ Diễn Âm? (biên khảo), Nguyễn Du – Hồ Xuân Hương: Cuộc tình thơ hay ảo mộng? (biên khảo), v…v…


***


Phụ đính I


Chữ nghĩa làng văn

Tế Hanh

Tế Hanh có những rụt rè đáng yêu...
Gặp em câu cuối cùng chưa nói
Buổi sớm qua rồi đã sắp trưa
Góc sân ánh nắng còn lưu luyến
Dừng lại trên chùm
hoa báo mưa

Đấy là mấy câu thơ bâng quơ Tế Hanh cho in trong tập Đi Suốt Bài Ca (1970). Khi thấy tôi ngỏ ý thích, Tế Hanh tâm sự:
- Cũng là ngẫu nhiên viết ra thôi. Ngồi trên xe vào Vĩnh Linh với cụ Tú Mỡ, cụ chỉ vào một giống hoa bên đường mà không ai biết tên, hỏi hoa gì đấy?

Mình nói buột miệng: chắc là hoa báo mưa.

(Vương Trí Nhàn)



Chữ nghĩa làng văn

Nguyễn Bính

Bắt tay rồi, Nguyễn Bính hỏi tôi.
- Này, có tiền không?
Như đã biết nhau từ bao giờ, tôi cảm động được anh hỏi han thân tình như thế. Tôi mỉm cười. Thế là, cũng chẳng đợi tôi trả lời, có lẽ cái cười hiền lành của tôi đã khiến anh thấy tôi sẵn sàng, anh sai luôn:
- Vào nhà bánh giò "Đờ-măng” chỗ kia, mua dăm chiếc nhé, năm chiếc cũng không thừa đâu. Từ sáng, tớ chưa được miếng nào vào bụng.

Hàng bánh giò ngon có tiếng, ở xế cửa toà báo hang ngày Trung Bắc Tân Văn gần vườn hoa Cửa Nam, bên cái nhà gì của Tây mà người ta gọi là nhà "Đờ-măng” và cũng thành tên hàng bánh giò cạnh đấy. Nhưng cũng không phải Nguyễn Bính không có đồng nào trong túi. Buổi trưa oi nắng ấy, chúng tôi đem cả xâu bánh rúc vào một tiệm thuốc phiện đầu phố Nhà Hoả.


Nguyễn Bính và Thâm Tâm không ai nghiện, nhưng đi hút, đua đòi đi hút cũng là một thói của thời thượng. Chúng tôi đánh trần ra, ngồi chầu rìa quanh tấm phản gỗ trong bóng tối ẩm thấp trần nhà bọc nhật trình thấp gần đụng đầu của cái tiệm hút cà khổ, vắng ngắt, thế mà dường như chẳng ai biết nóng bức thế nào.


(Cát bụi chân ai – Tô Hòai)


***


Phụ đính II

Đi tìm đôi mắt người Sơn Tây của Quang Dũng - 1

Cô hàng cà phê Akemi


Ngược thời gian trở lại một thời chinh chiến, Quang Dũng gia nhập đoàn quân mùa thu năm 1945. Trước đó, ít người hay Quang Dũng bước chân phiêu bạt thi nhân đã từng qua Tàu, rồi rong ruổi vào Nam, rồi ngược sang phương Bắc để tìm những người đồng chí hướng.

Nhiều người bạn vong niên của ông thời kỳ này đã khuất núi từ lâu, nhưng may mắn tôi (tác giả Quốc Việt) vẫn còn gặp được vài người từng tri kỷ của ông. Nguyên tiểu đoàn trưởng pháo binh 523, sư đoàn 304 từng tham chiến Điện Biên Phủ, Hoàng Giáp kể thuở thiếu thời ông học chung với Quang Dũng ở Trường Bưởi. Ông ngồi lớp sau Quang Dũng nhưng hai người khá thân nhau do cùng chung cái tính “tiểu tư sản mơ màng chữ nghĩa, văn chương”. 


Nhiều năm hồi tưởng lại người bạn đã đi trước mình, ông Giáp nay đã ngoài tuổi 90, bùi ngùi tâm sự sau kháng chiến Hà Nội mùa đông năm 1946, họ cũng như bao chiến sĩ rút về vùng kháng chiến. Quang Dũng giã từ gia đình theo đoàn quân Tây Tiến từ cửa ngõ Hòa Bình đi ngược miền sơn cước Tây Bắc sang Thượng Lào. Ông Giáp cũng tham gia nhiệm vụ địch vận. Đây chính là thời gian hai người rất gần gũi bên nhau. 


Có một thời gian, họ tạm dừng chân ở vùng “trái đệm” Chợ Đại - Cống Thần, Hà Đông, bên bờ sông Đáy. Đây là một nơi nổi tiếng mà có lẽ nhiều người Hà Nội từng trải thời chiến đều biết, bởi nó rất gần Hà Nội nhưng lại là vùng tự do. Trai gái Hà Nội tham gia Việt Minh hầu hết đều lên rừng qua cửa ngõ này. Chợ Đại - Cống Thần là một khu chợ, mà trai Hà Nội theo đoàn quân đánh giặc còn có thể dừng chân, luyến lưu một chút hương vị Hà thành sót lại ở đây trước khi lên rừng. Tiếng là chợ quê, hàng quán phần lớn dưới mái chòi tranh lụp xụp, người ta vẫn có thể tìm thấy nhiều thứ bất ngờ, thú vị ở đây. Nho nhỏ như những cây bút máy, bật lửa, đồng hồ, quyển sách có khắc tên, ký tên ai đấy, và không thiếu cả những hàng rượu, hàng chè, cà phê, ca hát đậm đà hương vị Hà thành. Nhiều tên tuổi đã xuất hiện ở nơi này, từ Phạm Duy trước khi lên rừng và ngày trở về đều không thể không dừng chân, đến Huyền Kiêu, Tản Đà, Nguyễn Tuân, Bùi Xuân Phái, Tạ Tỵ…

(Quốc Việt)      



Đi tìm đôi mắt người Sơn Tây của Quang Dũng - 2

Cô hàng cà phê Akemi

“Cảm xúc khởi nguồn của bài Đôi Mắt Người Sơn Tây chính là lúc Quang Dũng tạm dừng chân chinh chiến, vô tình tao ngộ hay có duyên từ muôn kiếp với một người đẹp ở ngôi chợ này”.

Ông Hoàng Giáp hồi tưởng kỷ niệm khó quên về bạn.

Những người bạn rất thân với cả ông Giáp và Quang Dũng là thiếu tướng Ngô Huy Phát và vợ chồng bà Tuyết Hương, hiện đang sống ở Hà Nội, cũng đoan chắc điều này. Họ đều tham gia cuộc chiến vệ thành Hà Nội mùa đông năm 1946.

Khi tạm rút, mọi người có thời gian nán lại Chợ Đại - Cống Thần, và biết tại sao Quang Dũng viết Đôi Mắt Người Sơn Tây, tại sao lại những dòng thơ vừa lãng mạn vừa bi hùng:

“Em ở Thành Sơn chạy giặc về/

Tôi từ chinh chiến cũng ra đi.

Cách biệt bao ngày quê Bất Bạt/

Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì…”.


Đó chính là nàng Akemi, một cô gái Việt thuần khiết, nhưng được gọi tên Nhật bởi một lý do đặc biệt xuất phát từ hoàn cảnh chiến tranh. Akemi quê ở Sơn Tây, là một thiếu nữ yêu kiều, và có học hành. Thời cuộc ly loạn, chiến tranh đã đưa đẩy mỹ nữ Akemi về thành Hà Nội và một thời gian làm vũ nữ ở các phòng nhảy có sĩ quan Nhật thường xuyên lui tới. Vì chiến chinh xa nhà, họ nhớ quê hương, nhớ phụ nữ Nhật, nên đã mê mệt và họ đặt cho cô biệt danh Akemi.


Tướng Ngô Huy Phát, thời điểm 1945 tham gia Việt Minh trong đội tự vệ thành Hoàng Diệu, cũng biết cô: “Akemi rất đẹp, cô có đôi mắt đen to, làn da trắng mịn và dáng người cao gầy thanh thoát nên mỗi khi lên sàn lả lướt là hút hết mắt đàn ông. Sau cuộc chiến vệ thành Hà Nội mùa đông năm 1946, Akemi cũng như nhiều người khác theo Việt Minh, ra vùng tự do. Cô dừng chân ở Chợ Đại - Cống Thần, mở một quán cà phê nho nhỏ bên bờ sông Đáy, độ nhật cùng mẹ già.

(Quốc Việt)      



Đi tìm đôi mắt người Sơn Tây của Quang Dũng - 3

Cô hàng cà phê Akemi

Quán tranh nhỏ bé, nhưng Akemi pha cà phê rất ngon, đặc biệt là dung nhan và nghệ thuật ăn nói thu hút của cô đã khiến nhiều bậc trai hùng mê mệt, không đành lỡ bước ngang qua. Và tất nhiên, trong đó cũng không thiếu Quang Dũng, một chiến binh Tây Tiến có trái tim thi nhân lãng mạn trong cái vẻ bề ngoài phong trần, khinh bạc...   


Nỗi sầu tương tư 

“Tôi biết Quang Dũng hồi ấy cũng hiểu mình chỉ là một trong những người tương tư Akemi, nhưng trái tim anh lính mê thơ này đã đắm say rồi, biết làm sao”, ông Hoàng Giáp nhớ trong một lần say cô hàng cà phê, Quang Dũng đã đề tặng ngay mấy câu thơ lên vách nứa:

“Tóc như mây cuốn, mắt như thuyền/

Khuấy nước kênh Đào sóng nổi lên/

Ý nhị mẹ cười sau nếp áo/

Non sông cùng đắm giấc mơ tiên”. 


Tuy nhiên, cuộc hành quân Tây Tiến không thể cho Quang Dũng dừng bước chinh nhân lâu hơn. Akemi cũng không đủ thời gian tâm tình của chàng chinh nhân để trái tim của mình đáp trả. Giấc mơ tình chỉ như sương khói thoảng qua, thuyền tình theo nước sông Hồng cuốn trôi. Quang Dũng cầm súng lên miền sơn cước Tây Bắc, cô hàng cà phê vẫn bên bờ sông và ngày ngày lại dập dìu khách đến người đi. Nỗi buồn man mác như những câu thơ vọng xa xăm:

“Bao giờ tôi gặp em lần nữa/

Ngày ấy thanh bình chắc nở hoa/

Đã hết sắc màu chinh chiến cũ/

Còn có bao giờ em nhớ ta?”... 


Nhiều năm nhắc nhớ một thời hào hoa và hùng tráng, tướng Ngô Huy Phát kể không hiểu sau này Quang Dũng còn qua lại với Akemi không, nhưng ông biết chuyện mỹ nhân có một cuộc tình khác, đã đơm hoa kết trái dù cái hậu cũng rất buồn. Người ấy chính là T.S., trung đoàn trưởng trung đoàn 48, sư đoàn 320. Còn tướng Phát hồi ấy là trợ lý trực tiếp của ông. 

“Những ngày dừng chân ở Chợ Đại - Cống Thần, tôi biết cả T.S. lẫn Quang Dũng đều ghé quán cà phê Akemi, nhưng nhà thơ hành quân trước, còn T.S. vẫn ở lại nên đã chinh phục được trái tim người đẹp”, tướng Phát kể thêm có những đêm T.S. lặng lẽ đi tới 12 giờ mới trở về, và có những tối không mưa mà ông vẫn cầm tấm khoác của lính đi. 


Khi T.S. lên đường, Akemi đã có một sinh linh trong lòng mà ông không hề biết, vì người đẹp không đành níu kéo bước chân vị tướng quân. Năm 1950, T.S. tử trận gần chân núi Ba Vì vẫn không biết mình có con gái với Akemi. Sau đó, mẹ con Akemi về lại Hà Nội, rồi di cư vào Nam, để lại nỗi lưu luyến vẩn lòng bao kẻ si tình. 

Trong đó có nhà thơ Quang Dũng vẫn không nguôi ngoai đôi mắt người Sơn Tây: 

“Vầng trán em vương trời quê hương

Mắt em dìu dịu buồn Tây phương

Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm

Em đã bao ngày em nhớ thương… 

Em mơ cùng ta nhé/

Bóng ngày mai quê hương

Đường hoa khô ráo lệ…”.  


Chiến tranh kết thúc, Quang Dũng giã từ áo lính, về Hà Nội có đi tìm đôi mắt người xưa nhưng người ấy đã xa rồi.


(Quốc Việt)     







Không có nhận xét nào: