Thứ Hai, 20 tháng 3, 2023

Suy Ngẫm Các Thể Nghiệm Hằng Ngày (Tác giả: MATSUSHITA Kônosuke)/ (Người dịch: Nguyễn Sơn Hùng)

Suy Ngẫm Các Thể Nghiệm Hằng Ngày (1)

Tác giả: MATSUSHITA Kônosuke
Người dịch: Nguyễn Sơn Hùng


(Điều 10:  Rút tỉa bài học để sống tốt đẹp từ các thể nghiệm hàng ngày) (2)

Thể nghiệm của đời người không phải chỉ là những đại thành công hoặc những đại thất bại. Tùy theo cách suy nghĩ của bạn, bạn có thể tích lũy được nhiều thể nghiệm trong đời sống yên ổn hàng ngày của bạn(3)

                          

Người đời thường nói “Trăm nghe không bằng một thấy” (4). Ý nghĩa của câu nói này là đối với một việc hoặc một vật gì đó, một lần trực tiếp nhìn thấy việc và vật đó trong thực tế còn hơn cả trăm lần nghe người khác nói về việc và vật đó. Tôi nghĩ chính xác đúng như vậy. Tuy nhiên cũng có trường hợp dù chúng ta có thấy sự việc xảy ra hoặc vật có trên đời bao nhiêu lần nhưng chúng ta cũng không thể nắm bắt được bản chất của sự việc hay vật đã thấy.

Thí dụ nếu chúng ta nhìn thấy muối, chúng ta biết “À, thì ra muối là vật có màu trắng và hình dạng như thế này”. Tuy nhiên đối với vị mặn của muối, phải chăng dù chúng ta có vận động đầu óc bao nhiêu lần và nhìn muối bằng mắt chúng ta cũng không thể biết được. Trước hết chúng ta cần nếm thử một lần. Không phải suy nghĩ bằng đầu óc mà chúng ta phải tự mình nếm muối chúng ta mới biết được vị mặn của muối. Tương tự như vậy, trên đời này không ít việc và vật mà cần phải thông qua thể nghiệm của chính bản thân, chúng ta mới nắm bắt được bản chất của chúng. Tôi nghĩ câu “Trăm nghe không bằng một lần thể nghiệm” có thể nói cho trường hợp này.

Tôi nghĩ một lý do mà người đi trước hoặc trưởng bối (người cao tuổi) (5) được chúng ta tôn trọng có lẽ là do trong những năm dài họ đã tích trữ được nhiều thể nghiệm và từ các thể nghiệm này nên họ có được khả năng phán đoán, kiến thức khác với bản thân của chúng ta. Ở ý nghĩa này, nếu như chúng ta có tuổi cao nhưng không có nhiều thể nghiệm thì phải chăng chúng ta không thật sự là cao niên (cao tuổi).

Như vậy thế nào mới gọi là tích trữ thể nghiệm? Có phải là việc có những thể nghiệm đặc biệt như bị thất bại nặng nề hoặc được thành công to lớn chăng? Chính xác đó là những thể nghiệm quý báu và có lẽ chúng ta có thể học từ đó nhiều điều, nhiều việc. Tuy nhiên nếu hỏi cần phải tích trữ những kinh nghiệm đặc biệt như thế không thì tôi nghĩ rằng nhất định không phải vậy. Chúng ta có thể tích trữ thể nghiệm đầy đủ trong sinh hoạt sống bình yên, ổn định mà không cần có sự kiện to lớn đặc biệt gì xảy ra của mỗi ngày. Ở ý nghĩa nào đó, tôi nghĩ rằng phải chăng những thể nghiệm hàng ngày nói trên cực kỳ quan trọng.

Thí dụ trong khi chúng ta cùng nhau làm việc mỗi ngày, tôi nghĩ có nhiều việc như ngay cả “trường hợp chúng ta nghĩ là đã suôn sẻ thuận lợi” nhưng nếu suy nghĩ kỹ, chúng ta thấy có lẽ chúng ta đã đòi hỏi đối tượng hơi quá đáng hoặc đối với việc chúng ta nghĩ là thất bại có lẽ còn có phương pháp suôn sẻ thuận lợi khác. Đối với những việc như vậy, nếu chúng ta chịu tự kiểm điểm và suy ngẫm những việc này, chúng sẽ trở thành các thể nghiệm quý báu cho chúng ta. Nếu chúng ta chịu ngẫm ngợi (suy ngẫm) mỗi một thành công nhỏ hoặc mỗi một thất bại nhẹ như trên thì chúng ta có thể có thể nghiệm đa dạng trong cuộc sống bình ổn vô sự hàng ngày, và tôi nghĩ rằng tất cả thể nghiệm này sẽ trở thành nguồn sinh lực của cuộc đời chúng ta ở cả 2 mặt sinh hoạt và tinh thần.

Phải chăng đối với các thể nghiệm nho nhỏ trong cuộc sống bình yên vô sự của mỗi ngày không thể thấy bằng mắt, chúng ta phải gọi là thể nghiệm của tâm, thể nghiệm ở mặt tinh thần.

Không chỉ các thể nghiệm của thành công hoặc thất bại diễn ra dưới hình dạng cụ thể mà việc tích trữ các thể nghiệm ở mặt tinh thần trong cuộc sống hàng ngày cực kỳ quan trọng, đặc biệt trong một thời đại mà biến đổi của xã hội mãnh liệt như hiện nay.

Nguyễn Sơn Hùng, 10/11/2022

(*) Nguồn: MATSUSHITA Kônosuke: NHÂN SINH TÂM ĐẮC THIỆP (人生心得帖), Viện Nghiên Cứu PHP xuất bản 1984 khổ A5, xuất bản 2001 khổ A6.

Xem thêm cùng tác giả: Những bài viết và dịch của Nguyễn Sơn Hùng

Nhận xét của người dịch:

Sau khi đọc vài tác phẩm của Matsushita Kônosuke, người dịch nhận thấy một đặc điểm lớn của ông là biết trân trọng tất cả những gì ông làm hàng ngày, trong mỗi ngày! Người dịch không biết chính xác ông bắt đầu viết từ năm nào nhưng theo danh sách các tác phẩm trước tác của ông trong https://www.konosuke-matsushita.com/ , tác phẩm đầu tiên là Tự Tự Truyện (truyện tự thuật lại xuất thân, đời sống sinh hoạt của bản thân) xuất bản năm 1942, khi ông được 48 tuổi, và sau đó ông trước tác đều đặn cho đến lúc ông qua đời (ông ra làm riêng từ năm 23 tuổi). Ông đã truyền đạt cho đời sau trung thực cuộc đời làm việc của ông và cũng phân tích trung thực và xác đáng những yếu tố giúp ông thành công.

Vài hôm trước khi viết lời nhận xét người dịch đang đọc tác phẩm Đồng Tử Vấn của Itô Jinsai (6). Trong chương 5 (nói đúng hơn là bài thứ 5) của tác phẩm này có câu của Itô Jinsai giảng cho học trò ông (nên sách tên Đồng Tử Vấn) “Đối với trò, trò đã nghĩ rằng cái gì khó hiểu, khó thực hành, cao xa, bản thân mình không thể đạt tới mới là chân lý ưu tú. Nhưng không phải vậy, chính những gì dễ hiểu mà thực hành cũng dễ, bình dị và đúng, gần gũi với cuộc sống và vĩnh viễn không thay đổi mới là chân lý chân lý ưu tú, ưu việt”.

    Người viết không biết Matsushita đã có đọc tác phẩm của Jinsai (7) không nhưng cảm thấy điều mà Matsushita muốn nói trong bài này hoàn toàn giống như điều Jinsai nói và Matsushita đã thực hành cụ thể trong thực tế. Nhưng có lẽ khả năng Matsushita tự rút ra bài học số 10 này thông qua cuộc sống thực tế của ông là cao hơn khả năng chịu ảnh hưởng nội dung giảng giải của Jinsai.

Ngoài điều nói trên, người dịch còn nhận thấy nhiều điểm tương đồng khác khác giữa Jinsai và Matsushita. Điều này cho thấy câu nói của Mạnh tử  rất chí lý: “Đạo (chân lý làm người) vốn chỉ có một (8). Người dịch sẽ giới thiệu các điểm tương đồng này đến quý độc giả khi có cơ hội.

Ghi chú

  1. Thể nghiệm: sự trải nghiệm hoặc kinh nghiệm thực tế của chính bản thân. Khi học tiếng Nhật người dịch có ấn tượng mạnh đối với từ này và từ đó xem trọng việc trải nghiệm thực tế do bản thân.
  2. Tựa bài dịch theo nguyên bản. Tựa phụ trong ( ) do người dịch đặt thêm để quý độc giả dễ nhớ và tổng kết các điều trọng yếu mà tác giả đề xuất để chúng ta có cuộc sống tốt đẹp hơn.
  3. Đại ý của bài viết. Trong nguyên tác, đại ý được viết ở đầu của mỗi bài.
  4. “Trăm nghe không bằng một thấy” xuất xứ từ câu nói của Triệu Sung Quốc thời Tiền Hán lúc ông 70 tuổi. Năm 61 TCN dân tộc thiểu số Khương đánh phá Trung Quốc, Tuyên Đế hỏi ông: ”Thế lực quân Khương mạnh như thế nào?”, ông trả lời “Trăm nghe không bằng một thấy. Việc binh khó tính từ xa. Xin bệ hạ cho thần cấp bách đến Kim Thành và từ nơi đó thần sẽ hiến kế sách. Dân Khương nghịch lại ý trời, không bao lâu sẽ diệt vong, xin bệ hạ hãy giao phó cho thần”. Tuyên Đế mỉm cười và chấp thuận. Nguồn: Triệu Sung Quốc Truyện của sách Hán Thư.
  5. Chữ nhỏ viết trong ( ) để giải thích nghĩa hoặc từ đồng nghĩa.
  6. Itô Jinsai 伊 藤 仁 斎 (Y Đằng Nhân Trai, 1627~1725). Ông được người Nhật xem là người sáng lập phái Cổ Nghĩa Học của Nhật Bản. Ông cũng như Nakae Tôjyu là người tự học. Mới đầu ông yêu thích Chu Tử Học (nho học của Chu Hy) và Dương Minh Học (nho học của Vương Dương Minh) nhưng sau ông thấy các học thuyết có chỗ không đúng nên chủ trương lấy sách Luận Ngữ và sách Mạnh Tử làm chính để hiểu học thuyết của Khổng tử. Cổ Nghĩa Học là từ ý này. Ông chủ trương sách Mạnh Tử là sách chú giải của sách Luận Ngữ nên người mới học cần hiểu rõ sách Mạnh Tử thì mới thấu đáo được nội dung sách Luận Ngữ, chủ yếu ghi chép lời của Khổng Tử. Và ông cũng đồng ý với Trình Tử rằng sau khi thông hiểu 2 sách trên thì “không cần nghiên cứu lục kinh cũng có thể hiểu được ý nghĩa của lục kinh” (Trình Thị Di Thư, Quyển 2). Lục kinh là các sách Thi Kinh, Thư Kinh, Lễ Ký, Nhạc Kinh, Dịch Kinh, và Xuân Thu. Ngũ kinh là trừ Nhạc Kinh ra.
  7. Người dịch gọi Matsushita bằng họ và Jinsai bằng hiệu ở đây vì quý độc giả đã hiểu Matsushita muốn nói đến là ai, và Itô là họ của rất nhiều người nên gọi bằng hiệu để phân biệt.
  8. Bài 1 trong thiên Đằng Văn Công Thượng của sách Mạnh Tử. Nguyên văn: 道 一 而 已 矣 Đạo nhất nhi dĩ hỹ: Đạo (chân lý làm người) vốn chỉ có một.

Nếu hiểu đạo một cách tổng thể là chân lý làm người thì nhất ở đây hiểu là 1, không phải 2 hoặc nhiều hơn. Nhưng nếu hiểu là đạo là chân lý thì có lẽ nên hiểu nhất là đồng nhất, giống y hệt nhau vì chân lý thì không duy nhất chỉ có 1 mà có nhiều. Chúng ta cũng có thể hiểu chân lý làm người gồm có nhiều chân lý có tính cách yếu tố hoặc thành phần hợp thành. Đọc sách chữ Hán rất khó hiểu đúng ý tác giả muốn nói nếu chỉ căn cứ vào nghĩa của mỗi chữ hoặc mỗi câu! Do đó, cần phải đọc toàn tác phẩm nhiều lần để lĩnh hội tổng thể ý tác giả muốn truyền đạt. Trong các sách xưa chúng ta có thể thấy đạo được dùng với nhiều nghĩa, có lúc để chỉ đạo lý, có lúc chỉ chân lý, có lúc chỉ đạo đức, có lúc chỉ quy luật tự nhiên.









Không có nhận xét nào: