Thứ Năm, 16 tháng 3, 2023

Đời Thủy Thủ II (Vũ Thất) / Chương 15: Hải Phận Phước Tuy

           Đời Thủy Thủ II  - Vũ Thất

                      

        Chương 15: Hải Phận Phước Tuy 


Chủ nhật 6/8/1967 14:00G

Sau cơm trưa, tôi leo lên đến đài chỉ huy thì Võ Bằng nhận phiên hải hành đã hai tiếng.  Anh chàng đang đứng tựa thành đài hữu hạm. Thiếu Úy Ấn đứng bên cánh tả. Võ Bằng chỉ quay ngang nhìn tôi khi Thiếu Úy Ấn lên tiếng:

– “Chào cô Phượng.”

– “Chào Thiếu Úy.”

Tôi chưa kịp vịn vào trụ la bàn, nơi tên Mỹ thường đứng thì Võ Bằng nói như ra lệnh:

– “Cô Phượng qua đây thoáng gió, đỡ nóng hơn.”

Tôi ghét giọng nói đó nhưng ở vào thế không ‘tuân lệnh’ không tiện, nên tà tà bước qua đứng cạnh anh chàng. Rừng ghe đánh cá đã biến mất, trả lại mặt biển thẫm xanh lấp lánh tiếp giáp bờ cát vàng trải dài có đến hàng cây số. Cát gợn sóng chạy sâu tận rừng cây dương in trên nền xanh da trời.

– “Bữa cơm ngon miệng chứ?” Võ Bằng hỏi qua vai.

Câu hỏi gợi tôi nhớ Sĩ Quan An Ninh Thiếu Úy Tiến. Cảm giác lo ngại đeo đẳng tôi suốt phần còn lại của bữa cơm và tới lúc này. Tôi cố mỉm môi cười gượng:

– “Nhà bếp đãi tôi các món ăn miền Nam tôi rất thích.”

– “Không lạ. Các tay nhà bếp đều là dân miền Tây.”

– “Tôi còn biết thêm 15 chuyên nghiệp của Hải Quân.”

Tôi ước gì có thể nói thêm ‘nghề nào nghe cũng hay trừ nghề an ninh’.

– “Tôi biết đó là bữa cơm chót của cô nhưng nhằm phiên trực thì đành vậy! Nếu cô đồng ý. Tôi sẽ đền bù ở một nhà hàng nào đó do cô chọn.”

– “Tôi mới là người mang nợ chiến hạm chớ Đại Úy có nợ nần gì. Người mời phải là tôi nhưng…” Tôi đánh trống lảng. “Mình đang ở đâu vậy, Đại Úy?”

– “Chúng ta vừa vào hải phận Phước Tuy. Về Sài Gòn cô ghé thăm ông anh họ chứ?”

Sau một thoáng ngẩn ngơ tôi mới nhận ra Võ Bằng ám chỉ ai. Tôi nói:

– “Dĩ nhiên. Đâu thể được việc rồi mà không có lời cảm ơn.”

– “Cô có nói là con chú con bác nhưng không nói rõ ai con chú ai con bác?”

Tôi có hơi bất ngờ nhưng cố giữ thản nhiên:

– “Có gì khác đâu mà phải khai rành rọt con chú con bác!”

Tia mắt Võ Bằng từ soi mói sang ranh mãnh:

– “Với tôi không chỉ khác mà còn quan trọng nữa.”

Hưng bày vẽ chuyện bà con, đặt tôi vào thế phải nói láo, nhưng ghét giọng hách dịch của Võ Bằng, tôi nâng vai vế cho oai:

– “Ba tôi vai anh.”

– “Để tôi báo cho Phan Kim Đính biết,” giọng Bằng hóm hỉnh, “là từ nay nó không được mày tao với tôi mà phải gọi tôi bằng anh!”

Câu đùa của Võ Bằng như theo làn gió trưa hè tạt vào mặt tôi nóng bừng. Tôi vừa ngượng nghịu vừa xấu hổ thua trí. Tôi cố tìm câu đáp trả nhưng đầu óc rỗng không. Đành hỏi bâng quơ:

– “Tàu qua khỏi Banc de Britto chưa Đại Úy?”

– “Cô mà cũng biết Banc de Britto?” Võ Bằng trố mắt.

– “Hạm Trưởng nói, cái bãi cạn đó rất nguy hiểm cho tàu bè. Ông ấy cũng đề cập đến đảo Hòn Bà…”

– “Đề cập những gì về Hòn Bà?”

– “Ông bảo đó là nơi trốn sóng an toàn hơn Mũi Né.”

– “Còn gì nữa?”

– “Ông ấy còn kể chuyện Lầu Ông Hoàng và Hàn Mạc Tử.”

– “Tôi muốn hỏi Hạm Trưởng còn nói thêm gì về Hòn Bà?”

Tôi ngẫm nghĩ rồi trả lời:

– “Chỉ có thế!”

– “Hòn Bà mà Hạm Trưởng đề cập, thì tàu vừa qua khỏi. Chúng ta sắp đến Hòn Bà thứ hai.”

– “Hòn Bà thứ hai? Hai Hòn Bà gần nhau mà cùng tên, chuyện lạ!”

– “Có gì lạ! Mỗi đảo thờ một nữ thần mà! Đảo ngoài khơi Hàm Tân, có ngôi đền thờ nữ thần Thiên Y Ana, thánh Mẫu của người Chàm. Dân chài thường đến cúng vái để bắt được nhiều cá. Còn đảo cạnh mũi Nghinh Phong Vũng Tàu, có ngôi miếu thờ Thủy Long Thần Nữ, thường gọi là Bà Thủy. Bà là vị thần cai quản vùng sông nước, hộ trì ngư dân được biển lặn sóng êm. Ngoài đền và miếu vừa kể, còn có Dinh Bà ở Dương Đông Phú Quốc thờ Thủy Long Thánh Mẫu. Dân ở đảo rất tôn kính Bà, coi Bà là hóa thân của Bà Thủy, hộ trì dân được ấm no và ngư dân được nhiều cá tôm.

Tiếng Thiếu Úy Ấn vang lên đột ngột:

– “Thưa Hạm Phó có thương thuyền ngay trước mũi chiến hạm.”

Võ Bằng ngước nhìn rồi nói:

– “Thiếu Úy dự tính phản ứng thế nào?”

– “Thưa Hạm Phó, nó là tàu lớn nên có ưu tiên.”

– “Vậy thì làm sao?”

– “Thưa, mình phải nhường đường, lái chiến hạm qua bên phải.”

– “Đúng sách vở. Cho lệnh thi hành.”

Thiếu Úy Ấn ban các lệnh vận chuyển. Mũi tàu tạt dần qua phải. Một lúc anh cho lái lại hướng cũ. Bây giờ chiếc thương thuyền ngược chiều về bên mạn tả. Võ Bằng quay qua tôi, vừa cười vừa nói

– “Chuyện chúng mình đến đâu rồi?”

Anh chàng ăn nói láu cá làm tôi bực bội mà đành chịu. Tôi cau có:

– “Đến đâu tính sau. Ngay bây giờ cho tôi có nhận xét. Thì ra lái tàu cũng dễ như lái xe. Xe nhỏ nhường xe lớn. Luôn luôn giữ bên phải!”

– “Không dễ đâu. Nếu dễ thì chúng tôi đâu phải học đến hai năm. So với lái xe, cô chỉ cần học vài tuần là được bằng lái. Thử so sánh: Lái xe thì đường làm sẵn, đường ai nấy đi. Lái nối đuôi nhau hoặc cùng chiều hoặc ngược chiều. Lái tàu thì hải trình thênh thang, tự do ngang dọc. Lại bị sóng gió, dòng nước đưa đẩy. Vì vậy luật hải hành rắc rối hơn nhiều.  Phải nắm vững loại tàu nào ưu tiên hơn loại nào. Tàu đang trên gió hay dưới gió, đang xuôi dòng hay ngược dòng, Ai tránh trước, tránh sau. Muốn vượt qua mặt thì còi hiệu trao đổi thế nào… Đó là về ban ngày. Ban đêm càng rắc rối. Cỡ tàu lớn nhỏ, đi cùng chiều hay ngược chiều, đang neo hay đang chạy, tùy thuộc vào đèn treo và màu ánh đèn. May là bữa nay mình qua Vũng Tàu vào ban ngày chớ vào ban đêm, vốn đã về trễ sẽ còn trễ hơn. Luật buộc phải tập trung để nhận hay trả hoa tiêu cho các thương thuyền đi hoặc về Nam Vang và Sài Gòn. Khi đông quá, họ neo tùm lum!”

Sợ chiến hạm phải neo đợi không biết đến bao giờ, tôi hỏi:

– “Tàu chiến chắc không cần hoa tiêu?”

– “Không và Có. Không cho chiến hạm bản địa và có cho chiến hạm ngoại quốc. Tuy nhiên, hoa tiêu cho chiến hạm ngoại quốc không cần phải là hoa tiêu chuyên nghiệp mà chỉ cần là Hạm Trưởng bản địa đương nhiệm. Ông Hạm Trưởng của chiến hạm này đã bị ‘tạp dịch’ hoa tiêu hai lần trong kỳ nghỉ bến lần trước.”

– “Quá rối rắm!” Tôi thở dài, lắc đầu. “Xin trở lại với Bà Thủy. Bà là ai thì biết rồi: Thủy Long Thần Nữ. Nhưng sự tích ra sao?

– “Theo thuyết ngũ hành, vạn vật gồm các yếu tố Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ. Các yếu tố này tương sinh tương khắc để vạn vật tồn tại và phát triển. Cổ nhân thần tượng hóa các yếu tố này như những thần nữ cai quản từng lãnh vực:  Kim khí (Kim Tinh Thần Nữ), Núi rừng: Bà Chúa Thượng Ngàn. Sông biển: Bà Thủy. Củi lửa: Bà Hỏa. Đất đai: Thổ Thần. Dân gian gọi chung năm bà là Ngũ Hành Nương Nương. Rất nhiều miếu thờ Ngũ Hành Nương Nương ở các tỉnh miền Nam, đặc biệt ở các tỉnh duyên hải, sông ngòi và các nơi hay có hỏa hoạn.”

Các đền thờ, miếu thờ thì giống nhau nhưng nơi nào thuận tiện đi lại thì đông người, ngược lại thì vắng vẻ. Thí dụ như đảo Hòn Bà ở Hàm Tân vì cách xa bờ nên ít người đến cúng kiếng; còn Vũng Tàu thì dính vào đất liền bằng một bãi cạn, khi thủy triều xuống có thể đi bộ ra đảo, nên đông nườm nượp.”

– “Nhắc đến thủy triều, tôi là dân làng nên thấy rõ thủy triều rất ảnh hưởng đến đời sống dân quê. Đối với chiến hạm nó có ảnh hưởng gì không?”

– “Ảnh hưởng quá đi chứ! Rõ ràng ảnh hưởng lớn nhất là mối đe dọa tàu bè bị mắc cạn, bị đá ngầm. Tuy nhiên, thủy triều cũng ban cho lợi thế nếu biết khai thác. Cô giỏi sử địa, thử luận cổ suy kim. Hãy nhớ xem các trận đánh nào tổ tiên chúng ta đại thắng quân Tàu nhờ vào thủy triều?”

Câu hỏi trúng tủ, tôi đáp ngay:

– “Có hai trận. Một vào năm 938 do Ngô Quyền và một vào năm 1288 do Trần Hưng Đạo. Cả hai trận đại thắng đều nhờ vào thủy triều trên sông Bạch Đằng.”

– “Thủy triều đối với chiến thuyền hay chiến hạm đều quan trọng như nhau. Chúng tôi tuần tiễu hoặc tham chiến trong sông hay ven biển đều quan tâm đến thủy triều. Gặp khi nước ròng, không để ý, bị mắc cạn là chết đứng như Từ Hải!”

– “Vậy thì làm sao thoát ra? Chẳng lẽ nằm đó làm mồi ngon cho địch?”

Tôi ngạc nhiên khi nghe tiếng ‘địch’ thoát ra từ chính miệng mình. Tôi đang đứng ở chiến tuyến nào mà gọi phe ta là địch? Giọng của Bằng êm ái, thân tình:

– “Câu hỏi gợi tôi nhớ một kỷ niêm thời mới ra trường. Trong chuyến công tác tuần duyên bảo vệ lãnh hải Vũng Tàu chúng ta đang tới, tiêu lệnh của Hạm Trưởng là chạy lên hướng Bắc 4 tiếng rồi chạy xuôi Nam 3 tiếng. Nhằm mùa gió đông bắc, biển động mạnh mà tàu thì nhỏ, nên đi phiên là cả một cực hình. Tàu chạy ngược sóng 3 tiếng, ói mửa cũng cả mười lần, quá mệt mỏi, tôi cho tàu quay đầu chạy xuôi sóng. Sau một tiếng khỏe khoắn, tôi bàn giao cho phiên kế tiếp. Mưa xối xả nên không thể định vị, tôi cho vị trí phỏng định. Tôi về phòng, lên giường là thiếp ngay. Đang ngủ say sưa thì bị đánh thức, nói Hạm Trưởng cần gặp tôi trên đài chỉ huy. Ông hỏi tôi:

– “Anh có theo đúng tiêu lệnh của tôi?”

Biết có chuyện, tôi thành thật:

– “Thưa, vì sóng to quá, không chịu nổi, tôi chạy lên 3 tiếng thì quay đầu chạy xuôi sóng!”

– “Khi đi tuần trên một trục nào đó, phải tăng thêm thời gian nếu bị gió ngược và giảm khi chạy xuôi. Anh chạy ngược mới 3 tiếng mà cho chạy xuôi thì tàu mắc cạn là phải rồi! Với cái lỗi hải nghiệp quá hiển nhiên, tôi đinh ninh là sẽ bị phạt nặng, nhưng Hạm Trưởng chỉ nghiêm khắc cảnh cáo.”

Võ Bằng lặng thinh nhìn những lượn sóng tạt vào hông tàu như còn thấm thía kỷ niệm đau thương. Tôi chợt nhớ anh chàng sắp lên làm Hạm Trưởng, liền hỏi:

– “Nếu là Hạm Trưởng, Đại Úy xử sự thế nào?

– “Tôi sẽ trả lời khi làm Hạm Trưởng. Còn bây giờ ta đổi đề tài cho đỡ khô khan.”

– “Chưa được! Đại Úy để tàu mắc cạn nhưng chưa nói làm sao ra khỏi chỗ cạn?”

– “Rất may là lúc đó nước đang lớn nên 10 phút sau là lùi ra được. Nếu không thì phải chờ trọn chu kỳ thủy triều, nghĩa là hết ròng tới lớn là 12 tiếng.”

– “Chu kỳ thủy triều là 12 tiếng? Đại Úy dựa vào đâu mà có con số đó?”

– “Từ thời trung học cô đã biết rồi.” Võ Bằng ngạc nhiên.

– “Học mà không được hành như Đại Úy nên nhớ sao nổi!” Tôi cười.

– “Nhưng ít nhất cô hẳn còn nhớ các con số quen thuộc này. Không kể số lẻ, Quả đất tự quay quanh trục là 24 giờ, quay quanh Mặt trời 365 ngày. Mặt trăng quay quanh Quả đất là 29 ngày. Cả ba thiên thể này đều có lực hấp dẫn riêng. Chính lực các hấp dẫn đã giữ Quả Đất quay quanh Mặt Trời và Mặt Trăng quay quanh Quả Đất.”

– “Tôi còn nhớ cũng chính lực hấp dẫn sinh ra thủy triều nhưng hấp dẫn thế nào và vì sao có hai lần thủy triều lên xuống trong ngày thì chưa thông!”

– “Chuyện thủy triều lên xuống cũng rắc rối như tình yêu, càng tìm hiểu càng rối mù. Vì vậy, tôi chỉ gợi ý vài điểm. Hiện tượng thủy triều là do sức hút của Mặt Trăng, Mặt Trời và lực ly tâm của Quả Đất. Mặt Trời là định tinh đứng yên. Quả Đất quay quanh Mặt Trời một năm mới giáp vòng, coi như đứng yên. Mặt Trăng quay quanh Quả Đất một tháng mới giáp vòng cũng coi như đứng yên. Chỉ còn một yếu tố chuyển động là Quả Đất tự quay quanh trục giáp vòng 24 giờ. Tức là tại một thời điểm và địa điểm nào đó, nước trên Quả Đất bị lực hút của cả hai Mặt Trời và Mặt Trăng. Khi cả ba thẳng hàng sức hút mạnh tối đa, ta có thủy triều cao. Khi Mặt Trăng quay quanh Quả Đất đến ngày thứ 7 hay 14, góc của Mặt Trăng so với Mặt Trời là 90°, hai lực triệt tiêu, thủy triều thấp.”

Võ Bằng ngưng nói nhìn tôi. Tôi gật đầu. Anh chàng tiếp:

– “Đây là lý do trong một ngày có hai lần thủy triều lên, hai lần xuống. Khi nước chuyển động do lực hút ở mặt này của Quả Đất thì mặt kia do lực ly tâm, cũng chuyển động tương tự. Nói khác đi, tại một địa điểm, chỉ cần 12 tiếng để tái lập mực nước cũ thay vì phải cần đến 24 tiếng, tức hai lần lên xuống trong ngày.”

– “Nhưng mực nước lớn ròng của ngày hôm sau không cùng thời điểm ngày hôm trước.” Tôi thắc mắc.

– “Đúng, vì chu kỳ Mặt Trăng quay quanh Quả Đất là 29 ngày, lớn hơn 28 ngày của 4 tuần trăng, do đó thời điểm nước lớn ròng vào ngày hôm sau sẽ muộn 50 phút.”

– “Nhưng nếu không biết giờ nước lớn hôm qua thì làm sao biết hôm nay?”

– “Mỗi năm, chiến hạm nào cũng được cấp một quyển sách, gọi là ‘Bảng Thủy Triều’ trong đó người ta tính toán sẵn từng giờ từng phút chiều sâu của biển ở từng nơi trên thế giới…”

Tôi còn đang bán tính bán nghi với nhóm từ ‘từng giờ từng phút’ thì Võ Bằng lại tiếp:

– “Nói tới thủy triều, tôi nhớ đến câu hỏi của cô mà tôi bí hôm qua. Thủy triều đã giúp tôi thấy ‘vì sao ban đêm bầu trời đen tối’!”

Tôi muốn nói với Võ Bằng là Hạm Trưởng đã giải thích nhưng thấy bất tiện nên đành im lặng. Anh chàng tiếp:

– “Hiện tượng tuần trăng cho thấy bầu trời đen tối không phải vì Mặt Trời lặn mà vì Mặt Trời trả lại bóng tối vĩnh hằng của vũ trụ. Chúng ta biết khi Mặt Trời lặn, không có nghĩa toàn thể bầu trời của Quả Đất đều tối. Bầu trời tối ở nước này nhưng bầu trời vẫn sáng ở nước kia. Khi Mặt Trời lặn, Mặt Trăng nhận ánh sáng của Mặt Trời phản chiếu vào vũ trụ đen tối. Mặt Trăng gần Quả Đất, nhưng vì nhận ánh sáng chỉ một nửa bề mặt cố định nên tùy vị trí trong Thái Dương Hệ mà phản chiếu ánh sáng mờ hay tỏ. Các vì sao thì cách quá xa nên chỉ đủ sức cho ánh sáng lấp lánh. Trả nợ câu bị bí rồi đó.”

– “Đã rõ. Rất cám ơn!”

– “Để tôi thử so sánh khác biệt giữa thủy triều và sáng trăng cho vui. Với thủy triều, bất kể Mặt Trăng nằm giữa hay ngoài trục thẳng Mặt Trời Quả Đất, ta có thủy triều cực đại. Với sáng trăng, khi Mặt Trăng nằm giữa ta có đêm 30. Còn nằm ngoài, ta có trăng rằm. Điều đáng nhớ: Đêm 30 hay trăng rằm đều sinh thủy triều cực đại. Còn mực nước cao thấp trong ngày hoặc đêm mờ, đêm tỏ là do trăng non, trăng lưỡi liềm, trăng thượng tuần, trăng rằm, trăng hạ tuần, trăng khuyết.”

– “Còn ‘trăng tàn trên hè phố’ thì sao?” Tôi cười đùa.

– “Thì thôi mình chia tay…” Võ Bằng ngậm ngùi.

Tôi cũng thấy ngậm ngùi. Đúng là vài giờ nữa không bao giờ còn gặp lại nhau!

Tiếng Võ Bằng đột ngột thầm thì:

– “Cô có biết hai câu thơ này của ai không?

Đưa người, ta đưa người qua biển,

Lòng ta hòa tiếng sóng bập bùng…”

Võ Bằng tài thật, lúc nào cũng sẵn sàng tuôn ra thi ca để đánh động lòng người. Nếu chuyến đi kéo dài thêm vài ngày, chắc khó mà không xao xuyến. Nhưng hai câu thơ của ai mà nghe quen quen. Tôi bật cười:

– “Thơ của Đại Úy. Đại Úy nhại thơ Thâm Tâm:

Đưa người ta không đưa qua sông,

Sao có tiếng sóng ở trong lòng…”

– “Cô nhạy bén thật. Đáng phục! Rất đáng phục! Phải hôn Phượng?”

Tôi giật mình. Võ Bằng cố tình bắt chước từ ngữ ‘phải hôn’ của tôi nhưng không phát âm như ở thể nghi vấn mà là mệnh lệnh cách. Tôi sửa tư thế, sẵn sàng đưa tay chống đỡ. Nhưng anh chàng chỉ cười, nụ cười Burt Lancaster rất dễ thương. Tự dưng tôi không kềm được câu hỏi:

– “Theo tôi vừa được biết thì Đại Úy đã đưa tới ba người qua biển. Tiếng sóng nào còn bập bùng mạnh nhất?”

Bằng trầm ngâm rồi mỉm cười hỏi lại:

– “Nghe cách cô Phượng đặt câu hỏi, xem ra tình yêu của cô vẫn đang… bập bùng?”

– “Đại Úy trả lời trước đi!”

– “Tôi gom cả ba bập bùng cũ mang tặng người qua biển thứ tư.”

Nghe như có gì chua xót trong tôi. Chua xót vì tôi là người thứ tư hay vì tôi không xứng đáng để nhận? Cho dù tôi không cho bom nổ, cả đời vẫn mang tiếng là tên khủng bố.

– “Đến lượt cô trả lời.”

Tôi nhắm mắt, nghĩ câu đáp. Gió hâm hấp và nắng rát da. Tôi còn yêu Hưng hay đã hết? Rõ ràng là nếu còn thì cũng trên đà tan tác. Còn yêu Võ Bằng, có thể tình yêu đang chớm nở cùng với tiếng nổ của quả bom. Thử nghĩ tôi bị vạch mặt là kẻ khủng bố, liệu Hạm Trưởng có trừ khử con ác quỷ bằng cách ra lệnh ném tôi xuống biển. Võ nghệ của tôi hoàn toàn vô dụng trước bể cả mênh mông. Và rồi những con cá mập bu quanh. Từng cú ngoạm banh da xé thịt. Thân xác tôi cuối cùng chỉ còn là bộ xương như bộ xương của con kình ngư trong Ngư Ông và Biển Cả. Tôi rùng mình nghĩ mình thật dại đi nghe lời Hưng. Cứ tưởng tượng hai năm tới tôi vừa là nhà giáo vừa làm vợ Hưng. Vào lớp thì khuyên tuổi trẻ thật thà, về nhà thì nhận toàn lời dối trá. Lại còn tiếp tục dối mẹ dối cha rằng Hưng là người thành đạt, hiền lương. Tôi không thể là Phan Kim Phượng của Hưng, càng không thể làm nghề giết mướn cho lũ người gian trá.

Võ Bằng vẫn nhìn tôi, kiên nhẫn chờ câu trả lời. Tôi nói:

– “Tôi đang chiêm nghiệm xem có phải đang như Đại Úy là gom những rung động của tình đầu để chuyển sang người đưa tôi qua biển lần đầu.”

Không rõ Võ Bằng có nghe trọn vẹn lời tôi không khi anh chàng đột ngột nói to:

– “Hạm Phó nhận quyền chỉ huy.”

Võ Bằng nghiêng người ra ngoài, quan sát qua ống dòm. Có ba thương thuyền chạy ngược chiều và một từ mạn tả theo hướng cắt ngang mũi chiến hạm, đâm thẳng vào ba thương thuyền. Cả bốn đều cùng cỡ và lớn hơn chiến hạm. Theo đúng sách vở, chiến hạm nhỏ nhất phải nhường lối nhưng Võ Bằng vẫn thản nhiên quan sát. Một lúc, khi chiếc thương thuyền cắt ngang mũi đổi hướng chạy cùng chiều, anh chàng mới ban lệnh cho tàu chếch sang phải, nhường đường.

Mắt tôi chợt dán vào tên Mỹ đang ngồi trên một trụ sắt bên mạn hữu. Cặp kiếng đen bất động trước trang sách phơi trọn nắng chiều gay gắt. Tôi bâng khuâng liệu hắn có đang tìm hiểu lý do tôi có mặt trên tàu như hắn nói? Và Thiếu Úy An Ninh có đang theo dõi tôi? Nỗi lo lại tràn về.  Tôi tự trấn an là cho tới lúc này tôi chưa thấy ai có cử chỉ hay lời nói bất thường. Bản thân vẫn tự do đi lại, vẫn được ưu ái đối xử. Có tật nên giật mình chăng?

Đến lúc này, tôi thấy rõ rằng việc cho bom nổ hay không, không còn quan trọng nữa. Nơi đặt bom đã chọn, chỉ còn cân nhắc và quyết định. Vấn đề sinh tử từ phút này là tôi sẽ làm gì cho 4 tiếng nữa qua mau và an lành rời tàu. Ngủ chăng? Ngủ là cách tiêu thụ thời gian nhanh nhất. Tôi lại đang buồn ngủ híp mắt. Nhưng nếu ngủ thì đi ngược lý do xin quá giang, hành động hết sức hớ hênh. Chỉ 4 tiếng nữa về nhà mặc sức mà ngủ. Tôi nhướng mắt nhìn bầu trời xanh. Màu xanh là màu hy vọng. Tôi hy vọng gì đây? Liệu còn hy vọng sẽ được khen thưởng và được thành hôn với Hưng sau khi bom nổ?

Phía xa bên mạn hữu lờ mờ một tháp trắng trên đỉnh núi. Tôi hỏi:

– “Cái tháp trắng kia là tháp gì, Đại Úy?”

– “Cái tháp đó mà cô không biết thì hẳn cô chưa biết Vũng Tàu?”

– “Có định đi vài lần nhưng đều lỡ dịp!”

– “Đó là hải đăng Vũng Tàu do Pháp xây dựng từ giữa thế kỷ 19.”

– “Nhờ đi chuyến này, tôi biết được bốn ngọn hải đăng là Phương Mai, Cù Lao Xanh, Kê Gà, Vũng Tàu. Thực sự Việt Nam có bao nhiêu hải đăng và tất cả đều do Pháp xây dựng?”

– “Miền Bắc có bao giờ đến đâu mà biết. Riêng ở miền Nam thì chỉ nhớ các hải đăng tôi đã có dịp ‘nhờ cậy’ là 4 hải đăng cô vừa nêu, hải đăng Sơn Trà ở Đà Nẵng, Pattle ở Hoàng Sa, Hòn Lớn Nha Trang, Cù Lao Ré Quảng Ngãi, Đại Lãnh Phú Yên, Bảy Cạnh Côn Sơn; Hòn Khoai Cà Mau… Tất cả đều do Pháp xây dựng.”

– “Đại Úy nói ‘nhờ cậy’ là ý gì?”

– “Ý của tôi liên quan đến mục đích thiết kế hải đăng: giúp tàu bè định hướng, đánh dấu bờ biển, bãi cạn, dẫn lối an toàn vào hải cảng.”

– “Tôi thấy Hạm Trưởng và Đại Úy nhớ bao nhiêu thứ thậm chí cả chi tiết. Thật đáng phục!”

– “Nếu còn dịp gặp lại cô, còn nhiều chuyện… đáng phục hơn nữa. Cô mới nghe sự tích của vài đảo. Còn bao nhiêu chuyện về các quần đảo, như Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, Nam Du, Thổ Chu, Ba Lụa, Hải Tặc. Mỗi quần đảo có sự tích riêng, câu chuyện thú vị riêng…”

– “Nghe hấp dẫn quá, tôi rất hy vọng có dịp nghe…”

– “Tạm thời nghe chuyện khó tin nhưng có thật. Cô có tin là trên đỉnh núi của hải đăng Vũng Tàu có một đơn vị Hải Quân hoạt đông?”

– “Hải Quân hoạt động trên núi?”

– “Lạ quá phải hôn? Không chỉ trên một núi mà khá nhiều, có đến cả chục. Như có một toán trên núi Trà Cú tàu vừa đi qua, một trên núi Chóp Chài ở Tuy Hòa, một trên núi Sơn Trà ở Đà Nẵng…”

– “Hải Quân hoạt động gì trên núi?”

– “Bí mật quân sự. Tôi chỉ có thể nói tên các đơn vị này: Toán kiểm báo!”

– “Kiểm báo gì trên núi?”

– “Đại khái có nhiệm vụ như toán thám báo của Bộ Binh nhưng phương thức hoạt động khác biệt. Do hoạt động mang hiện tượng bất thường mà các toán này bị trêu chọc. Thực tế Hải Quân có hai Bộ Tư Lệnh Đặc Nhiệm. Một là Bộ Tư Lệnh Hải Quân Hành Quân Sông đảm trách hành quân trong sông và một là Bộ Tư Lệnh Hải Quân Hành Quân Biển, đảm trách ngoài biển. Chúng tôi bịa ra một Bộ Tư Lệnh đặc nhiệm thứ ba trách nhiệm giám sát hoạt động của các toán kiểm báo này: Bộ Tư Lệnh Hải Quân/Hành Quân Núi.”

Tôi bụm miệng cười. Cái anh chàng Võ Bằng này đáo để thật! Nhưng nghĩ cho cùng bị trêu ghẹo cũng phải thôi: Hải Quân mà hoạt động trên núi!

– “Nhân nói đến các Bộ Tư Lệnh, tại Vũng Tàu có một Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng, phối hợp hoạt động với Quân Đoàn 3 Quân Khu 3. Có thể nói đây là Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng mạnh nhất trong năm Bộ Tư Lệnh Vùng. Khu vực trách nhiệm rộng lớn, không chỉ gồm duyên hải, sông ngòi thuộc Quân Khu 3 và còn ôm đồm cả chín cửa sông Cửu Long thuộc Quân Khu 4.”

Tiếng còi đổi phiên vang lên. Đồng hồ chỉ đúng 15:45. Võ Bằng nói lớn:

– “Thiếu Úy Ấn xác định vị trí chiến hạm, chuẩn bị bàn giao.”

Ấn ‘đáp nhận’ rồi loay hoay đo đạc. Võ Bằng quay sang tôi:

– “Lát nữa, bàn giao xong, chúng ta xuống sân mũi xem một thương thuyền đồ sộ bị phi pháo từ thời đệ nhị thế chiến, đến nay trên 20 năm vẫn còn phơi xác. Rồi nhân đó tôi sẽ nói về hải tiêu. Biết về hải đăng thì cũng nên biết về hải tiêu.”

Tôi hết muốn biết gì thêm. Điều tôi đang muốn nhất là rời khỏi tàu. Tôi hỏi:

– “Còn bao lâu nữa tới Sài Gòn, Đại Úy?”

– “Bốn tiếng, nếu không có gì trở ngại.”

Lại ‘nếu không có gì trở ngại’! Tôi thầm khấn nguyện: ‘Lạy Trời, xin đừng có gì trở ngại!’

(Còn tiếp)









Không có nhận xét nào: