Thứ Năm, 23 tháng 3, 2023

Đời Thủy Thủ II (Vũ Thất) - Chương 16: Vịnh Gành Rái

          Đời Thủy Thủ II - Vũ Thất

                

           Chương 16: Vịnh Gành Rái


Chủ Nhật 6/8/1967 16:00 G

Từ Đài Chỉ Huy xuống boong chính, chúng tôi đứng vào khoảng trống giữa hai trụ sắt nơi chiều hôm kia đặt chiếc thang bắc lên cầu tàu. Chiếc thang đang được gắn lên vách và hai sợi dây an toàn đã được chăng ngang hai trụ. Chiều nay, dây an toàn được tháo ra, chiếc thang được hạ xuống, và từ đó tôi rời tàu.

Tôi liếc nhìn Võ Bằng. Anh chàng nhởn nhơ nói:

– “Bây giờ mời cô nhìn vào bờ. Đó là Bãi Sau. Hãy ghi nhớ vì sớm muộn cô sẽ có dịp đến.”

Bọt sóng ôm dọc bờ biển dài hàng chục cây số. Một dãy nhà toàn màu trắng gần mé biển lẫn vào bãi cát ngà rộng chen lẫn từng đám rong rêu. Sâu hơn là rừng cây. Xa hơn là các ngọn núi cuối dãy Trường Sơn phơi mình trong nắng chiều. 

– “Bãi Sau hoang sơ quá. Còn Bãi Trước là bãi nào?”

– “Đừng nóng! Qua mấy chục chiếc ghe đánh cá rồi sẽ tới!”

Không có ghe nào ngoài khơi, tất cả neo rải rác dọc theo phần biển giữa chiến hạm và bờ. Có lẽ vùng này nhiều cá chăng? Tôi chợt nghĩ nếu chiến hạm mua cá của họ, chắc giá phải rẻ hơn nhiều. Tôi hỏi:

– “Đại Úy, có khi nào chiến hạm mua cá ở các ghe đánh cá?”

– “Ít khi, dù ghe đánh cá rất mừng. Họ không lấy tiền. Họ đổi lấy dầu bởi vì họ biết chúng tôi rất hào sảng. Thì ‘dân vận’ vậy mà!”

– “Sao không ‘dân vận’ nhiều nhiều, ăn cho đã miệng!”

– “Có hai lý do tôi chắc cô thừa biết. Một là cái gì ăn hoài thì cũng ngán. Hai là nhà bếp phản đối vì làm cá cực nhọc.”

Tên Mỹ ngẩng lên nhìn chúng tôi, nói to:

– “Xin chào quý vị. Quý vị mạnh giỏi.”

Võ Bằng nói “Hello”. Tôi sốt sắng:

– “Cám ơn Đại úy Ward. Xin chào.”

Qua lối ứng xử lịch sự, thần sắc vui tươi, ăn nói thật thà đã là những yếu tố xóa dần ác cảm trong tôi. Giờ đây tôi thích thú ngắm hắn. Chiếc quần kaki màu nghệ, áo thun màu lam, mái tóc vàng, mắt kính đen, quyển sách trắng cùng với mũi tàu nhấp nhô trên nền biển xanh. Đúng là một bức tượng đa sắc không giống con giáp nào.  Tôi hỏi Võ Bằng:

– “Rõ ràng, chiến hạm đâu có cần Đại Úy Rick. Chỉ thấy hắn đọc sách, chơi bài!”

– “Rất đúng, nhưng có khi lại rất cần. Như khi hành quân hỗn hợp, cần phối hợp truyền tin. Như vừa rồi chiến hạm bị hư hỏng bất thường, hắn đã gọi các tàu Mỹ cập cầu Cam Ranh hỏi xin cơ phận thay thế. Nếu không có hắn, chiến hạm phải chạy một giò, chưa chắc sáng mai đã tới.”

– “Một giò? Một giò là sao?”

– “Chiến hạm có hai dàn máy quay hai chân vịt. Khi một máy bị hư, chúng tôi gọi đùa là chạy một giò.”

– “Tôi thực sự thích thú với lối đùa của Hải Quân. Nào là phi hành gia, nào là ‘hành quân núi’, ‘chạy một giò’. Rồi còn gì nữa?”

– “Phải có gì khơi gợi mới nhớ ra được. Hẹn dịp khác.”

– “Một chuyến công tác là lâu bao nhiêu ngày, Đại Úy?” Tôi thử gợi ý.

– “Không lâu lắm! Thường là hai tới ba tháng.”

– “Ba tháng mà không lâu hẳn công tác hấp dẫn?”

– “Rất hấp dẫn, cứ nước lớn trôi lên, nước ròng trôi xuống! Hay xác thực hơn là theo kiểu ‘Muốn người ta người ta không muốn. Xách chiếc tàu chạy xuống chạy lên.’”

Tôi bụm miệng ngăn tiếng cười, thích chí hỏi thêm:

– “Tối ngày cứ xách tàu lên xuống… như vậy sao?”

– “Đôi khi kèm theo tập dượt các nhiệm sở tác chiến, vớt người, phòng tai…”

– “Phòng tai?”

– “Là phòng ngừa tai nạn như cứu thủy, cứu hỏa, trợt té. Lại đôi khi cho nhiệm sở săn tàu ngầm.”

– “Có tàu ngầm thật à, Đại Úy?” Tôi thật thà hỏi.

– “Có thật hay không thì tìm thấy mới biết. Cho đến nay săn hoài mà không thấy!”

– “Nếu thấy thì sao?”

– “Thì tiêu diệt.” Võ Bằng cười. “Dường như tôi có chỉ cô xem dàn thả thủy lôi sau lái? Săn tàu ngầm cũng gay go lắm. Phải dùng sonar để đo khoảng cách, tính hướng đi và vận tốc tàu ngầm, từ đó tính hướng lái và vận tốc tàu mình sao cho tàu mình ngay trên tàu địch. Đó là lúc cho thả thủy lôi. Nhưng trước khi thả, phải nhanh chóng đo độ sâu tàu địch để chỉnh độ sâu phát nổ của thủy lôi. Dĩ nhiên mình cũng phải áp dụng mọi phương thức an toàn để tránh ngư lôi của địch.”

– “Chà! Gay go thật.” Tôi kêu lên.

– “Thật ra việc thao dượt các nhiệm sở chỉ trong giờ làm việc. Còn ngoài ra, mọi người tự do…”

– “Với người thích học hỏi, thích đọc sách, thì chắc chắn họ tự trang bị thêm nhiều kiến thức?”

Bằng khẽ lắc đầu:

– “Với điều kiện biển êm! Nhưng rất không may là biển thường… không êm. Biển êm như hôm nay là bất thường, phải coi như là cô mang may mắn đến cho thủy thủ đoàn.”

Tôi mang may mắn đến cho thủy thủ đoàn ư? Tôi nghe nghèn ngẹn, xót xa. Nếu Võ Bằng biết tôi không là một thiên thần mang đến may mắn mà lại là một tử thần mang đến chết chóc? Anh chàng nhởn nhơ nói:

– “Bây giờ cô hãy nhìn cái mỏm nhọn phía trước. Đó là mũi Nghinh Phong, bên ngoài là đảo Hòn Bà 2, ở đỉnh có ngôi miếu ngói đỏ tường trắng là nơi thờ Bà Thủy.”

Do bận cơm trưa, tôi tiếc đã bỏ lỡ dịp ngắm đảo Hòn Bà ngoài khơi Hàm Tân nên giờ không thể so sánh. Hòn đảo ngay trước mặt thấp, tròn trịa. Cây xanh mọc đậm phía bờ nhưng phía biển chỉ sườn dốc cằn cỗi. Giọng Võ Bằng thúc hối:

– “Hãy để ý phần lái của một chiếc thương thuyền như đang dính vào mũi Nghinh Phong.”

Từ phần lái, chiếc thương thuyền to lớn chầm chậm hiện nguyên hình với mũi tàu trườn lên bãi cát. Dù thân tàu đã bị rỉ sét nhưng vẫn còn cho thấy lớp sơn xanh và lườn màu gạch. Tàu có ba cột trụ cao. Trụ cao trước mũi đang treo lá cờ vàng ba sọc đỏ. Cột giữa tiếp nối đài chỉ huy với ống khói đen, hình trụ. Tôi hỏi:

– “Chiếc tàu bị cạn mà vẫn phải treo cờ! Luật đòi hỏi hả Đại Úy?”

– “Tôi nghĩ thế. Theo tài liệu tôi được đọc, chiếc London Maru này của Nhật, dài 137 thước, rộng 17 thước, là thương thuyền thuộc loại lớn nhất thời Đệ Nhị Thế Chiến. Ngày 22 tháng 4 năm 1944, London Maru cùng với 4 chiếc khác neo cách mũi Nghinh Phong 2 hải lý, bị 7 chiếc oanh tạc cơ Hoa Kỳ oanh kích. Kết quả 3 chiếc chìm, một chiếc chạy thoát, chiếc London Maru bị hư hại và bị trôi giạt vào bờ. Tổng cộng trên 100 thủy thủ đoàn thiệt mạng.”

– “Thì ra chúng ta vừa đi qua ba xác tàu và 100 xác người! Vừa rờn rợn vừa buồn buồn!”

Tôi nói mà lòng chùng xuống. Con số 100 thiệt mạng tương đương con số thủy thủ đoàn của chiến hạm này. Ngẫm nghĩ, tôi không hiểu nổi tôi. Biết xót thương cho thủy thủ nước ngoài mà lại dửng dưng hạ sát người cùng dòng máu?

– “Bây giờ cô nhìn chiếc phao xanh có hình tháp kia. Chiếc phao đang rung rinh theo nhịp sóng. Đó là phao báo hiệu thủy đạo bên tay phải của nó là vùng nguy hiểm, chỉ hải hành vùng bên tay trái. Ban đêm các phao này báo hiệu bằng đèn cùng màu xanh. Nhìn vào bãi biển đông người, đó là Bãi Trước.”

Bãi Trước ngắn ngủn, xô bồ hàng quán. Tôi thích Bãi Sau gần với thiên nhiên hơn. Nếu có dịp đi Vũng Tàu, tôi sẽ chọn Bãi Sau. Tôi quét tầm nhìn từ mũi Nghinh Phong dần về phía trái. Một vùng biển rộng lớn hình cánh cung có đường biên từ ngọn hải đăng qua phố thị đến rừng cây, từ đó nhạt dần. Hình ảnh trong đầu chỉ còn ngọn hải đăng được nền trời và nắng chiều tô điểm khối trụ màu trắng thêm trang trọng, kỳ vĩ. Võ Bằng lại lên tiếng như thấy hình ảnh hải đăng trong đầu tôi:

– “Tôi mê ngọn hải đăng này lắm. Mê không phải vì nó đẹp, nó kỳ vĩ mà vì mỗi khi thấy nó, tôi biết mình sẽ mệt hay khỏe!”

Đó là kiểu nói của Võ Bằng và tôi chịu nhịn:

– “Tôi không hiểu.”

– “Nó là ngọn hải đăng đầu tiên mà cũng là ngọn hải đăng cuối cùng ghi dấu một chuyến đi về!”

– “Lại càng không hiểu!”

– “Khi ra biển, nó là hải đăng đầu tiên và biết mình sắp mệt suốt ba tháng dài. Khi về sông, nó là hải đăng cuối cùng báo hiệu sắp hưởng 15 ngày không sóng gió.”

Thì ra là vậy và đúng như vậy. Thật lắm chuyện vẽ vời. Chàng ta lại tiếp:

– “Vì là ngọn hải đăng đặc biệt nên tôi tò mò tìm hiểu địa điểm dựng lên nó. Đó là ngọn Núi Nhỏ, còn có tên núi Tao Phùng. Sự tích là có nàng công chúa con vua Thủy Tề hóa thành cá vàng lội rong chơi. Một chàng chài lưới bắt được, thấy cá quá đẹp bèn đem về khoét núi làm hồ nuôi cá. Một hôm thấy mất cá mà người đẹp hiện ra kể rõ sự tình. Hai người nên duyên chồng vợ. Nhưng vua Thủy Tề không tha thứ, bắt về thủy cung, năm năm mới cho gặp một lần. Người đời thương cảm đặt tên là núi Tao Phùng.”

– “’Tao Phùng’, cái tên nghe thật ý nghĩa. Nhưng về hình phạt thì nặng quá. Ngọc Hoàng chỉ phạt Ngưu Lang Chức Nữ mỗi năm gặp một lần trong khi vua Thủy tề phạt tới năm năm!” Tôi xót xa!

– “Mức độ hình phạt phản ảnh cuộc sống của hai vì vua. Đúng là… một trời một vực! Ngọc Hoàng thì sống ở Thiên Phủ, hàng chục tiên nữ hầu hạ, hàng trăm thiên binh thiên tướng canh phòng trong khi vua Thủy Tề thì ở Thủy Cung, ngày đêm… lắc lư con tàu đi! Vua có cuộc sống phây phả thì dĩ nhiên ít khe khắt…”

Lối lý luận của Võ Bằng nghe tức cười nhưng không phải là không có lý. Tôi hỏi tiếp:

– “Còn tên Vũng Tàu, có sự tích gì không?”

– “Không. Nhưng có nhiều tên gọi, tùy thời. Khi thuộc xứ Chân Lạp, có tên là Chân Bồ; thời Pháp thuộc, mang tên Cape Saint-Jacques, gọi tắt Ô Cấp. Tây về nước, ta gọi Vũng Tàu. Cũng như mũi Nghinh Phong, thời xưa gọi là mũi Thùy Vân, thời Tây goi là mũi Au Vent, ‘người mình’ gọi theo phiên âm Ô Quắn.”

– “Và khu vực nhiều thương thuyền đang neo gọi là vịnh Vũng Tàu?”

– “Không, người ta gọi là vịnh Gành Rái.” Bằng mỉm cười.

– “Vì sao có tên Gành Rái?”

– “Câu hỏi gợi tôi nhớ một bài khảo cứu về Vũng Tàu, đề cập Núi Lớn Núi Nhỏ có tên chung là núi Gành Rái do nhiều rái cá tụ tập ở đó. Và tên đó được đặt cho vịnh này.” Võ Bằng cười tủm tỉm. “Bây giờ, đến lượt tôi hỏi: Có một địa danh cô từng đến viếng có âm giông giống Gành Rái, địa danh đó tên gì?”

Tôi ngẫm nghĩ một lúc rồi reo lên:

– “Ghềnh Ráng. Nơi an nghỉ của Hàn Mạc Tử! Âm thì giông giống mà địa hình thì hai thái cực. Một nơi thì bờ đá cheo leo, một nơi thì bờ đất sình lầy. Một nơi đìu hiu heo hút, một nơi đông đúc tàu bè.”

Tôi lướt mắt qua các trụ cột thương thuyền trong vịnh Gành Rái. Đúng với luật quốc tế, cờ vàng lộng lẫy tung bay cùng nhiều loại cờ khác màu tôi quên hết ý nghĩa. Hẳn là không thể thiếu cờ ‘cần hoa tiêu’ hoặc ‘đã có hoa tiêu’. Ngoài khu thương thuyền đến tận cuối vịnh là vô số ghe và hàng đáy cá. Rừng cờ vàng phất phới cả hai nơi.

– “Nước vịnh Gành Rái cũng không trong xanh như ở Ghềnh Ráng.” Võ Bằng tiếp. “Phù sa từ các sông Lòng Tào, Thị Vải, sông Dinh cùng đổ ra vịnh vừa làm đục nước vừa phải cho nạo vét thường xuyên. Cũng vì cạn nên các hải tiêu đủ hình dạng, đủ sắc màu được thiết trí để chắc chắn các thương thuyền theo đúng thủy đạo, chuyển hướng kịp thời, tránh các chướng ngại vật… Vào ban đêm, đèn phao bật sáng theo màu tương tự.”

Tôi nhìn các hải tiêu đặt tùm lum và kêu lên:

– “Như là một mê cung. Nhìn là hết thấy đường đi!”

Võ Bằng cười, chỉ tay hướng dọc theo bãi Trước:

– “Ở cửa sông Dinh có một hải cảng rất lớn, thương thuyền muốn đến đó phải qua mê cung. Vào sâu hơn là Căn cứ Hải Quân Cát Lở, nơi đặt Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng. Nhắc tới sông Dinh, tôi chợt thấy thêm một trùng hợp lạ lùng. Như chúng ta biết, ở tỉnh Bình Tuy có Hòn Bà và ở Phước Tuy có Hòn Bà. Bình Tuy có sông Dinh, Phước Tuy có sông Dinh. Sông Dinh Bình Tuy chảy ra biển gần Hòn Bà 1. Sông Dinh Phước Tuy chảy ra biển gần Hòn Bà 2.”

Tôi thích thú được biết về sự ‘tương đồng’ của hai con sông Dinh này và phân vân không biết có gì lạ giữa bốn con sông cùng mang tên Dinh ở các tỉnh Nghệ An, Quảng Bình, Khánh Hòa, Ninh Thuận? Học tính tò mò của Võ Bằng, thế nào tôi cũng cố tìm hiểu vì sao có sự trùng tên nhiều như vậy!  

– “Bây giờ cô Phượng hãy nhìn các phao này giản dị hơn.” Võ Bằng chỉ một phao có hình chóp nón xa phía trước, bên phải mũi tàu. “Đó là loại phao dẫn đường vào cửa sông. Có hai màu. Màu xanh được đánh số lẻ và màu đỏ đánh số chẵn. Tàu thuyền vào ra theo nguyên tắc: Khi vào thì đi bên trái của phao màu xanh. Khi trở ra đi bên phải. Có những cửa sông, vì lý do nào đó người ta không dùng phao màu xanh mà lại dùng phao màu đỏ, đánh theo số chẵn 2, 4, 6… Trường hợp này theo nguyên tắc ngược lại. Nghĩa là khi vào thì đi bên phải. Khi trở ra, đi bên trái! Lại có trường hợp thấy phao xanh đỏ được đặt cả hai bên theo kiểu ‘hàng phao thắp nến lên hai hàng’, thì hiểu là thủy đạo chật hẹp, tàu thuyền chỉ đi ở giữa và cẩn thận tránh nhau.”

– “Rắc rối quá Đại Úy ơi!”  Tôi cười.

– “Tôi cũng biết vậy, nhưng cô bảo cô muốn đi biển một chuyến cho biết nên tôi… ba hoa một chút vậy mà. Nếu cô đã chán nghe chuyện biển, thì đổi sang chuyện tình yêu.” Võ Bằng nói dứt là hát: “Chuyện tình yêu đôi ta ngày ấy tuyệt như mơ. Chuyện tình yêu đôi ta ngày ấy đẹp như thơ. Mình làm quen nhau trên đường ‘biển’ khuya. Mình cho nhau yêu thương rồi xót xa. Rồi chia ly rồi đến phôi pha…”

Võ Bằng say sưa hát. Tôi hốt hoảng kêu lên:

– “Xin Đại Úy nói tiếp chuyện về biển.”

– “Đồng ý. Nhưng chúng ta đang từ biển tiến vào sông nên đã đến lúc bỏ biển để nói về sông. Mà nói đến dòng sông bất an này tôi không thể không nhớ tới dòng sông an bình…”

Võ Bằng bỏ lửng. Tôi sốt ruột: 

– “Dòng sông an bình ở đâu?”

– “Cô đạo gì?”

Dù đã quen với lối nói vòng vo của Võ Bằng, tôi vẫn đổ quạu:

– “Đạo có dính dáng gì tới sông?”

– “Thì cô trả lời đi.”

– “Ba mẹ tôi thờ Phật nhưng tôi không là Phật tử.”

– “Vậy thì cô càng nên đọc ‘Câu Chuyện Dòng Sông’. Tựa gốc là Siddhartha, dịch giả Phùng Khánh. Nếu cô còn nhớ đến tôi thì cô nên tìm đoc. Và khi đọc, hãy nhớ đến tôi.”

Tôi mắng thầm ‘người gì đâu mà nhiều chuyện’ nhưng đáp bằng giọng nhẹ nhàng:

– “Tôi sẽ đọc sau. Bây giờ tôi chỉ muốn biết câu chuyện Lòng Tào.”

– “Nói về sông Lòng Tào, là nói về đánh đấm. Điều này gợi tôi nên báo với cô về tiếng còi ‘nhiệm sở tác chiến’. Cô đã quen với tiếng còi đổi phiên hải hành. Tiếng còi nhiệm sở tác chiến khác hẳn. Nó không ‘tích te’ mà ‘tích tích”. Âm thanh cặp đôi đó nổi lên dồn dập, liên tục, mục đích là hối thúc toàn thể thủy thủ đoàn nhanh chóng vào vị trí tác chiến.”

– “Chiến hạm đang về nghỉ bến mà! Còn tác chiến gì nữa?”  Tôi lo lắng hỏi. 

– “Chính đoạn đường chót này mới thường xảy ra tác chiến. Để tôi nói có đầu có đuôi cho cô chuẩn bị tư tưởng.”

– “Gì mà ghê vậy?” Tôi cố nén hồi hộp.

– “Về Sài Gòn, có hai ngả đi. Một là vào cửa Soài Rạp đi sông Soài Rạp. Hai là vào cửa Cần Giờ đi sông Lòng Tào. Cả hai sông hội tụ vào sông Nhà Bè. Từ Sông Nhà Bè tiếp tục tiến thêm 10 cây số sẽ đến câu hò nổi tiếng: ‘Nhà Bè nước chảy chia hai. Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về. Sông Soài Rạp dài 40 cây số, rộng nhưng dễ mắc cạn. Sông Lòng Tào dài gấp đôi, hẹp mà sâu. Do đó, dù phải mất thêm thì giờ, hầu hết thương thuyền chọn sông Lòng Tào. Riêng với chiến hạm thì không trở ngại với cả hai, tùy hoạt động vùng nào. Nếu hoạt động vùng ven biển miền Trung thì chọn Lòng Tào. Còn hoạt động ở Phú Quốc, miền Tây thì dùng sông Soài Rạp.”

Võ Bằng ngưng nói, móc túi gắn điếu thuốc lên môi rồi móc túi còn lại lấy bật lửa. Hiệu Zippo tốt thật, gió khá mạnh mà chỉ quẹt một lần là bắt lửa. Anh chàng hít vài hơi rồi cẩn thận xoay người nhả khói theo chiều gió. Tuy vậy, mùi thơm vẫn thoang thoảng ngọt ngào. Tôi nhẹ hít đầy phổi. Hương thơm đến đâu, thần kinh rung động nhẹ nhàng và thấy khỏe khoắn hơn. Một cái gì thúc giục tôi đặt câu hỏi:

– “Mấy ngày nay không thấy Đại Úy hút thuốc.”

– “Thường thì các người đẹp không ưa ai hút thuốc.”

Tôi nghĩ đến Hưng và đáp:

– “Chỉ đúng với người nào hút loại thuốc khét lẹt. Còn với Hạm Trưởng và Đại Úy, mùi thuốc thơm rất ư là dễ chịu. Tôi cũng thấy dường như mùi thuốc của Đại Úy khác với mùi thuốc của Hạm Trưởng.”

– “Đúng, ông ấy hút thuốc Mỹ Pall Mall, còn tôi thì Capstan Việt Nam. Năm ngoái qua Mỹ tôi cũng hút Pall Mall và có mua dự trữ khi về nước. Ba tháng sau, hết sạch Pall Mall, tôi đành đổi Capstan ít tiền hơn. Có điều không ngờ việc chọn hiệu thuốc lại ứng cho hoàn cảnh hôm nay. Có thể sau khi cô rời tàu, tôi đổi sang Lucky với hy vọng gặp may mắn hơn.”

– “Đại Úy nói ‘Không ngờ việc chọn hiệu thuốc lại ứng cho hoàn cảnh hôm nay’ là sao?

– “Chữ Capstan là viết tắt của câu ‘Cho Anh Phát Súng Tim Anh Nát!’ Tôi nghĩ cô muốn nói với tôi câu đó.

– “Đại Úy gieo tiếng oán cho tôi.”

Tôi vừa nói vừa cười nhưng nụ cười tắt ngay. Có thể Võ Bằng không chỉ nát tim mà nát toàn thân thể! Tôi xuýt xoa lắc đầu hỏi tiếp:

– “Còn chữ Lucky thì sao?”

– “Tôi nói rồi, có nghĩa là may mắn.” Võ Bằng cười.

Sợ Võ Bằng được dịp lung lay tình cảm, tôi vội nói:

– “Bây giờ xin trở lại sông Lòng Tào.”

– “Đây là con sông huyết mạch, sinh tử cho kinh tế lẫn quân sự. Dó đó địch dốc sức làm nghẽn tắc với quân số 1000 người trong đó có ít nhất có hai đội đặc công thủy. Có ba địa điểm dễ bị tấn công. Kể theo hướng tiến của chiến hạm, tại khúc sông cách Nhà Bè 45 cây số, là một ngã tư, nơi hội tụ các sông Lòng Tào, Đồng Tranh, sông Dừa, và Ngã Bảy, do đó địch có thể phục kích từ nhiều hướng. Tại khúc sông cách Nhà Bè 20 cây số, nơi đó có góc quẹo gắt hình chữ V, tàu dễ bị leo lên bờ, dễ đụng nhau, nên thường giảm tốc độ. Tại khúc sông cách Nhà Bè 10 cây số có một dải san hô dài vài cây số dọc theo bờ bên hữu hạm, do đó tàu chạy sát tả hạm trở thành mục tiêu ngon lành cho địch.”

Võ Bằng rít vài hơi thuốc rồi lại tiếp:

– “Để đối phó và bảo vệ hai thủy trình, Đặc Khu Rừng Sát được thành lập với đủ binh chủng Bộ Binh, Không Quân, Hải Quân. Riêng Hải Quân, có hai giang đoàn tác chiến, một giang đoàn trục lôi và một toán 10 Người Nhái. Và do địa thế đặc thù của Đặc Khu, gồm toàn đảo và chi chít sông ngòi, Đặc Khu Trưởng là một Sĩ quan Hải Quân cao cấp.”

Võ Bằng lại hít thuốc như bù hai ngày qua nhịn thèm.  Tôi mỉm cười khích lệ:

– “Xem ra kỳ phùng địch thủ gặp nhau.”

– “Kỳ phùng địch thủ?” Võ Bằng gằn giọng. “So sánh như vậy là xây cá nại! Một bên đường đường chính chính, một bên đánh lén đánh lút. Do đó có khi ta bị nhiều cú bất ngờ. Tuy nhiên, nhờ hoạt động lùng và diệt hữu hiệu của toán Người Nhái và bộ binh cũng như phản ứng nhanh chóng, mạnh mẽ của các trực thăng võ trang, các giang đỉnh hộ tống và trục lôi, nên chỉ vài trường hợp là tàu bị thủy lôi chìm.”

Võ Bằng lại rít thuốc trước khi tiếp tục:

– “Địch thường tung ra ba đòn là phục kích, đánh mìn, và đặt thủy lôi. Phục kích ở các khúc sông hẹp, đánh mìn ở các khúc quanh, và đặt thủy lôi bất cứ nơi nào trên thủy trình. Năm ngoái cũng tháng này, thương thuyền Baton Rouge Victory bị thủy lôi chìm, chịu thiệt hại nặng về vật chất và 7 thủy thủ chết. Một tuần sau đó, một tàu rà thủy lôi bị mìn nổ, 2 chết.  Một tháng sau, thêm một thương thuyền khác bị mìn chìm. Nhiều thương thuyền khác cũng bị đánh mìn nhưng thiệt hại nhẹ. Đồng thời với việc đánh mìn, riêng từ đầu năm nay, nhiều thương thuyền bị phục kích ở ba khúc sông nguy hiểm kể trên. Ngoại trừ thương thuyền đến từ Panama có 6 thủy thủ tử thương, tất cả thương thuyền còn lại chỉ thiệt hại không đáng kể.

Võ Bằng lại rít khói rồi búng mẩu thuốc lá ra khơi. Anh chàng quay nhìn tôi, giọng cợt đùa:

– “Vì thế nên hôm nay và chỉ hôm nay thôi, khi tàu đã vào sông Lòng Tào, nhiệm vụ của cô là… nằm ngủ.  Ở trên boong thì chết vì phục kích. Ở phòng ngủ thì chết vì thủy lôi. Phục kích thì thường xuyên. Thủy lôi thì chỉ năm khi mười họa. Do đó chỉ có nằm ngủ là khó chết nhất.”

Tôi nghe mà rợn người. Nếu chiến hạm bị phục kích hoặc bị giật mìn hoặc trúng thủy lôi thì còn gì là tôi nữa! Các tin tức này đều có đăng báo. Chắc chắn là Hưng đã biết. Nhưng biết mà tại sao vẫn đưa tôi vào chỗ chết? Và chết do chính ‘phe mình’!”.

(Còn tiếp)







Không có nhận xét nào: