Thứ Tư, 31 tháng 12, 2014

* Ghi Dấu Thời Gian - Như Phương

Tổng Kết Hội Ngộ Cựu Môn Sinh Viện Hán Học Huế- Phóng viên Đành Hanh

Huế Mùa Mưa Bay - Ngu uyên


mưa Huế                        
Huế Mùa Mưa Bay                                                    
   
Mưa bay qua cầu Tràng Tiền                                                           Mưa ngừng bên cầu Gia Hội                                                            
Mưa lang thang trong Đại Nội                                                         Mưa im nhìn chợ Đông Ba                                                                   
Cả ngày mưa cứ bay mãi                                                        
     Mưa xuyên hết mọi phố phường                             
     Mưa rơi trên nón du khách
     Như thì thầm: Hãy dừng lại…

mưa Huế4

     Nhìn, tâm sự rồi hẳn đi…
     Khách chưa kịp nói những gì…
     Gió đã đuổi mưa bay mất
     Nên Huế buồn hơn mọi khi…!

DSCN5386
                                                            
                20/12/2014    Ngu uyên

* Thơ Xướng - Họa: Xướng: Bài Thơ Cuối Năm (Mailoc) & Các bài họa của MXThanh


     Bài Thơ Cuối Năm 
 
Chỉ còn mấy khắc sắp tàn năm,
Áo ấm co ro chỉ muốn nằm.
Thiệp Tết chậm rì lười biếng gởi,
E-mail nhanh chóng sẵn sàng thăm.
Mùa Đông đất khách lòng rười rượi,
Quê cũ bạn nghèo cảnh tối tăm.
Biết viết gì đây giờ thắm thoát,
Song ngoài gió tuyết rét căm căm!
                 Mailoc
    Chiều cuối năm Cali 12-31-14

TẾT TÂY QUA RỒI

Nghỉ lễ hai tuần cũng hết năm,
Bắt đầu đến lớp chẳng ai nằm.
Học sinh đưa đón như thường lệ,
Bạn hữu chờ nhau để hỏi thăm.
Thiên hạ văn minh khoa kỹ thuật,
Quê nghèo sản xuất nhỏ cây tăm
Đầu Xuân hy vọng nhiều mơ ước,
Gió rét ngòai hiên thấy lạnh căm!

Mai Xuân Thanh kính họa
Ngày 01 tháng 01 năm 2015

Hẹn Nhau Ở Một Chỗ Thiên Thu - Thuyên Huy

                   


Hẹn Nhau Ở Một Chỗ Thiên Thu
Để nhớ Nguyễn Thanh Nhã và Lê Thị Hòa Xuân, người đã không còn phải lao xao với sóng đời nghiệt ngã.

Buổi sáng
Ở bên này đầu sông
Mưa lất phất như sương dọc theo bờ lau sậy
Con chim ăn đêm về xoải cánh lạnh mềm rung rẫy
Đậu rã rời
Trên nóc giáo đường nghèo mái đã ngã màu rêu
Tượng Chúa đứng một mình giữa cô tịch quạnh hiu
Ngọn cây già trước sân
Không còn gì để thay lá
Đầu Thu cũng sầu như cuối Hạ
Đâu đó mù mờ
Đôi ba người lặng lẽ quỳ đọc khúc Kinh quen
Sóng ngoài sông mệt mỏi chờ con nước lên
Bất chợt quanh đây trời nổi gió
Dưới chân tượng Chúa khẳng khiu
Người con gái từ nãy giờ ngồi im đó
Tóc chẻ sợi rối bời
Để mặc mưa tội tình trên đôi vai gầy ướt từng mỗi giọt sương
Con đường đất mòn đến bờ
Đám hoa dại không còn nữa chút hương
Trong cái lặng im của đất trời có tiếng khóc
Tay mân mê xấp thơ tình
Và cuốn nhật ký khô màu Phượng tím bầm
Viết từ ngày đầu chung học
Từ buổi trộm nhìn mà không biết nói làm sao
Giờ còn gì ngoài những nỗi đau
Chưa trọn nửa đời đã đem cuộc tình chôn vội
Chờ gì đây để chất chồng buồn tủi
Đời ngắn dài gì rồi cũng một lần đi
Nước mắt khô dần lẻ bạn cuối bờ mi
Xin Chúa xót thương ban cho người hạnh phúc


Mưa bỗng dưng như trút
Người con gái thẩn thờ trong sương mù giăng đục
Từng bước chân trần buông người xuống dòng nước giữa sông
Sóng nhấp nhô theo con nước mênh mông
Đưa xác người và những lá thư tình trôi đi xa theo chiều ra biển
Người con gái bỏ đời không chờ ai tiễn
Cuốn nhật ký úa màu nương theo bờ lau sậy ngược dòng nước
Về hướng cuối  sông.

Cũng buổi sáng
Ở bên kia cuối sông
Bến cũ  không ai người đón đợi
Con đò xưa cũng chẳng có người đi
Sóng giữa dòng tan tác cõi u mê
Cái quán nhỏ ven bờ ngọn đèn đêm chưa tắt
Mưa cuối sông tím ngắt
Người con trai ngồi gục đầu ở một góc âm u
Giận gì ai sương vẫn cứ mịt mù
Mỏi mắt nhìn ra sông
Miệng thì thầm hình như cố đọc bài cầu nguyện
Chút dư lệ không chờ cũng đến
Khóc lần này rồi sẽ không còn khóc lần sau
Tưởng như là hạnh phúc lúc bỏ nhau
Chỉ là những lạnh lùng của tháng ngày hờ chăn gối
Người con trai đọc lá thư tình lần cuối
Giữa nhạt nhòa của buổi sáng chưa kịp mặt trời lên
Phía ngoài kia đường
Đôi ba người lại qua chập chờn như những bóng ma đêm
Đâu đó bên này sông
Giáo đường nghèo vẫn chưa có hồi chuông đổ
Từng bước chậm đi về hướng bờ nước lỡ
Ép lá thư gọn nếp lên ngực áo mĩm cười
Sóng chập chùng sóng vội vã ra khơi
Người con trai buông theo con sông mênh mông dòng nước lớn
Xuôi đi xa
Về một nơi không còn nữa giận hờn
Trời đất vô tình mưa từng chập mưa tuôn
Cuốn nhật ký úa màu lặng lẽ bên xác người trôi theo chiều ra biển
Cũng lần đi không chờ ai tiễn
Vĩnh biệt đời
Hẹn nhau ở một chỗ thiên thu

Thuyên Huy






Huế Là Duyên (Lai Kinh Du Học Ký) Phần 4. (Lâm K Nhàn)

             Huế Là Duyên
               (Lai Kinh Du Học Ký)
               Lâm Khương Nhàn

4. Đường Ra Miền Trung

Hai ngày nghỉ ngơi, thăm thú, vui chơi thỏa thích, tôi và Dũng chào tạm biệt anh chị Đạo, chào thành phố Nha Trang xinh đẹp, tiếp tục cuộc hành trình.
Hồi đó thì vô tư, có nghĩ ngợi sâu xa gì, giờ tuổi 72 ngẫm lại: những lần hội ngộ và chia tay như thế trong một đời con người khó mà lường lắm- đâu là tạm biệt, đâu là vĩnh biệt. Đã 52 năm rồi kể từ ngày chia tay ấy, biền biệt có lần nào tôi được tái ngộ cùng anh chị Đạo đâu.  Kể cả về sau nầy nữa, tuổi già chồng chất, sức khỏe càng yếu kém - vật đỗi sao dời… nghĩ rằng cuộc tương phùng cũng vời xa theo:

Triệu thôn hạnh đỏ hàng năm,
Mười lăm mùa ấy mấy lần ngắm hoa.
Khó thay tuổi bảy mươi ba,
Chốn xưa quay lại biệt hoa một lần!

(LK Nhàn phỏng dịch bài Triệu-thôn-hồng-hạnh của Bạch Cư Dị * có dịch thoát-lệch ý câu thứ 4-chữ biệt- cho phù hợp bài viết).

Tiếp nối hành trình là Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam rồi Huế. Tôi biết như vậy theo bản đồ. Nhưng mà, kể từ bấy giờ tôi cảm thấy thư thái ấm cúng và vui thích biết dường nào vì tôi không còn là khách lữ hành đơn độc nữa. Bên tôi có Dũng không chỉ là bạn mà còn là người anh em, người thân ruột thịt vậy.  Bấy giờ tôi đã biết Dũng tuổi Ất Dậu (1945) nhỏ hơn tôi. Cách xưng hô cũng hình thành tự nhiên không biết từ lúc nào: Dũng và Anh Nhàn.
Dũng cũng đương nhiên trở thành hướng dẫn viên du lịch cho tôi- vì Dũng bảo đây là lần thứ hai mình vào Nam ra Huế.  Qua ô cửa xe đò, Dũng chỉ trỏ, giải thích cho tôi biết thêm rất nhiều địa danh, thắng tích. Các thức ăn lạ lẫm suốt dọc đường về Trung, Dũng giới thiệu rành rọt rồi hai anh em cùng trải-nghiệm-ẩm-thực. Bỗng chốc đôi bạn trẻ vui nhộn, vô tư. Dũng kiêm luôn phiên dịch cho tôi hiểu những từ đặc sệt hoặc “khó nghe” (nghe khó) của các o, các mệ quê rặc, thúng gánh bán bám theo các trạm dừng của xe. Thật đúng quá học-Thầy-không-tầy-học-bạn. Bên tôi lúc nầy là bạn Dũng, là ông Thầy thiết thực, gần gũi và thân ái nhất!
Tôi bắt đầu phân biệt giọng nói đặc trưng từng tỉnh thành miền Trung từ đó, nhờ Dũng- chàng trai xứ Huế có giọng Huế chính thống mà tôi mô tả là truyền cảm, hòa quyện, thân thiện, cuốn hút người nghe…
Không còn nữa, những giấc ngủ gà gật, chập chờn đến với tôi. Từ khi có Dũng, tôi thật an tâm thoải mái như có người thân bên cạnh, cùng để mắt lo toan cho nhau.  Lúc thức thì chuyện trò rôm rả, khi ngủ thì cứ vô tư thả chìm vào mộng đẹp.
Quang cảnh các tỉnh thành miền Trung ven quốc lộ xe khách đi qua, có hơi khang-khác chút ít. Phố phường, thị trấn nhà gạch, mái ngói, tường xây… thỉnh thoảng mới có vài căn phố lầu tọa lạc ngay chính trung tâm phố chợ. Đó cũng vốn là hình ảnh quen thuộc tôi vẫn thường thấy ở nhiều tỉnh thành  miền Nam. Cái phân biệt rõ nhất là cảnh quang vùng quê.  Nhiều cánh đồng cát trắng, gió và nắng nóng hùa nhau hắt vào làm rát bỏng da mặt (thời đó xe đò mở các ô cửa cho thông thoáng  chứ có máy lạnh và kín mít như ngày nay đâu). Những dãy núi trùng điệp kéo dài lê thê luôn bám đuổi theo xe đò, lâu thật lâu và gần như bất tận (Trường Sơn mà!) Vùng quê miền Trung khác hẳn vời vùng quê Miền Nam.  Ven các tỉnh lộ Miền Nam xe cộ đi qua: trời trong xanh, đồng lúa xanh ngát ngút tận chân trời. Không thì cũng là vườn cây trái xum xuê trĩu quả bên những con mương nước, mát cây mà cũng mát mắt người nhìn. Con mương nước cũng thường xuyên và giống như cái-đặc-thù-dãy-Trường-Sơn của miền Trung, luôn hiện diện theo ven lộ, người dân phải gác cây làm cầu để vào nhà.
Và nữa, dòng sông, con lạch, con suối Trung và Nam  cũng làm tôi chú ý lắm.  Miền Trung mùa khô sông suối cũng khô theo, trơ mặt đáy (do thường hơi nông); mùa mưa thì cuồng xiết, hung hản chết người?! Ngược lại, sông nước Miền Nam luôn ấp đầy, hiền hòa.
Đà Nẳng đây rồi. Tôi biết thủ phủ nầy với cái tên Touranne, một thành phố có lẽ là sầm uất nhất miền Trung (về mặt kinh tế, thương mại) từ thời Tây mà sử sách còn ghi lại. Bây giờ (1962) cũng thế- và cho đến hôm nay (2014) cũng như vậy.  Đường phố khang trang, rộng lớn. Cột điện, biển báo giao thông, bảng hiệu quảng cáo đủ màu sắc xanh đỏ ngập đầy đó đây. Xe cộ dập dìu, nhất là những tòa cao ốc sừng-sựng nhiều hơn… Tất cả tạo nên một hình ảnh phố thị bề thế, có kém chăng chút ít so với Hòn Ngọc Viễn Đông (Saigon), chứ Trà Vinh quê tôi làm sao bì kịp.
Dũng báo cho tôi biết sắp lên đèo Hải Vân rồi đó.  Vùng đồng bằng Miền Nam quê tôi, chẳng có núi non làm gì có đèo. Trên tuyến đường đi vừa trãi qua, vài ba đèo (đèo Cả, đèo…) đã làm tôi choáng ngộp với độ cao và hãi sợ với các khúc cua uốn lượn cùng các mép ven đường đèo mong manh rẩy đầy nguy hiểm. Dũng bảo- “nhằm nhò gì, lát nữa đây anh Nhàn thưởng thức đèo Hải Vân mới cực kỳ… khiếp!”



Khiếp thật. Vài mệ lớn tuổi úp mặt trên thành ghế xe, cố vờ ngủ để quên, để vờ không biết xe đang lên đèo Hải Vân; nhưng thực ra họ không dám nhìn con đường đèo quanh co theo sườn núi, càng lên cao, càng hun hút thẳm sâu khi trông xuống các vực suối, khe, rừng, đá… lổm chổm nhô lên nhọn hoắc, khác nào một rừng hung khí gươm đao cắm ngược, dốc mũi sắc lẻm chực ghim vào mắt kẻ nhìn!
Đến một khoảng khá cao, xe đò dừng lại. Đây là bãi dừng cho tất cả chuyến xe của hai đầu đường đèo (từ Huế vào và từ Đà Nẳng ra) được Ban Điều Hành hướng dẫn cùng lúc cho lên… và dừng đợi chờ lệnh cùng đỗ xuống. Thời gian chờ đợi khoảng chừng nửa tiếng đồng hồ.  Khách xuống xe tha hồ thưởng lạm cảnh trí hùng vĩ của thiên nhiên. Bao la là mây trời và trùng điệp là núi non. Ở độ cao nầy rất lạnh. Mây bay lững lờ khắp nơi nơi. Có những đám mây thân thiện áp sát và vờn cả qua thân con người. Hơi thở từ hai mũi và miệng cũng thành hơi sương cùng hòa với mây lành… thật ngộ, lạ làm sao! Dân miền đồng bằng sông Cửu Long như tôi có khi nào thấy, biết được điều lạ lùng nầy, nếu không một lần được đặt chân đến đây.


                              (Hải Vân Quan)

Khách có thể vào trong quán thưởng thức tách trà hoặc ly café nóng, nhâm nhi với miếng kẹo mè xững ngọt thanh mà béo ngậy. Không thì xơi chén bánh bèo Huế, sệt bột, mặn mà ruốc tôm với nước mắm thơm lừng, ấm cay mà nghe đậm tình xứ Huế để… làm quen.
Góc kia sân đổ, anh lính trẻ một mình, quân phục tinh tươm cho ngày về phép… thả hồn lơ mơ theo khói thuốc và mây trời lãng đãng, mơ cuộc trùng phùng với một người con gái Huế cũng đang đợi chờ…

(Còn tiếp)






Tình Huyền Thoại & Anh Là (thơ Công Chúa Nhỏ)

        Tình Huyền Thoại 
           Công Chúa Nhỏ
                   ***   
Trời gom mây bay, dập dờn ngủ sắc
Mây nào của em?  Mây nào của anh?
Gió nở đưa xa mây trắng sao đành!
Còn lại đây mây đen… mưa rớt hột…
*
Trăng không Sao, anh sống đời cô độc
Sao thiếu Trăng , em lơ lửng sông Ngân
Trăng rụng xuống hồ, đỉnh núi sao băng
Vũ trụ lắc lư, trăng sao cùng khóc…
*
Sông không cạn bởi nước nguồn luôn chảy
Đất không cằn nhờ sông rạch hồ ao
Cội rể mọc nhanh, mầm nẩy lên  cao
Cây cối tốt tươi, chan hòa nắng ấm…
*
Biển chỉ đẹp khi biển còn có sóng
Đời còn vui khi nóng bỏng con tim
Bão táp phong ba xóa hết ưu phiền
Mình yêu mãi trãm năm tình huyền thoại...

                   Saigon 15/12/2014
                          ccn
****************************************
ANH LÀ   thơ công chúa nhỏ
       ***
Anh là biển cả rộng mênh mông
Bao bọc con tim mạch máu hồng
Nuôi dưỡng tình em thành bất diệt
Đỏ đen luân chuyển tạo thành dòng…
*
Anh là đồi núi đứng vây quanh
Biển rộng sông dài, được mãi xanh
Bão qua mau, sóng thần tan biến
Vượt Đại dương tình mộng vẫn lành…
*
Anh là ánh sáng vầng Thái Dương
Cho hoa mừng đón giọt tinh sương
Thạch thảo rung rinh chào nắng mới
 Đưa em qua bão biển tình trường…
*
Anh là gió của bốn phương trời
Gom mây bàng bạc khắp muôn nơi
Tạo mưa rơi xuống đồng hiu quạnh
Tưới mát hồn em đang chơi vơi…
*
Anh là lẽ sống của đời em…


          Saigon 4/12/2014

                   ccn








Thứ Ba, 30 tháng 12, 2014

Bạn và Tôi, Những Cuộc Họp Mặt - Nguyễn Bá Yên


BẠN VÀ TÔI _ NHỮNG CUỘC HỌP MẶT

(Nghĩ về cuộc họp mặt sắp tới của các đồng môn VHH. tại Cố Đô Huế Tháng 12/2014)
Nhìn lại những bước đi đã qua của các anh, các chị, của bạn, và tôi _ những bước đi có lúc cảm thấy như chầm chậm, cũng có khi thật nhanh, nhanh như chưa bao giờ nhanh đến thế!... Mới đó mà tất cả chúng ta đã ở tuổi U 80!
Nghĩ về năm xưa, khi những bước chân chúng ta tập tễnh vào đời sau khóa học Viện Hán Học năm năm đằng đẵng trong những khuôn viên trường học khác nhau, tuy có phần khiêm tốn, nhỏ gọn nhưng vẫn mãi để lại nét đẹp cổ kính của ngôi trường xưa, nơi anh chị em mình cùng học, cùng chơi, và cùng trải qua từng giai đoạn của khóa học, vui cũng có mà buồn bã lo âu cũng nhiều, vui vì đã hoàn thành khóa học và đủ khả năng tập từng bước vào đời, buồn lo là bởi chưa biết con đường sự nghiệp tương lai phía trước của mỗi chúng ta sẽ như thế nào?!… Thế rồi tiến trình phát triển sự nghiệp giáo dục của mỗi người trong chúng ta cứ diễn ra theo sự phân công của xã hội, và biến thiên theo sự lên xuống của thời cuộc: có người may mắn gặp được thuận lợi trong sự nghiệp như mong đợi, có người phải vất vả kiếm sống từng ngày, có người có cơ hội được làm nhà giáo chân chính trong thời gian dài, cũng có người, vì cuộc sống, bất đắc dĩ phải chuyển sang làm ngành nghề khác, v.v…
Giờ thì tất cả bạn bè nam nữ chúng mình đều đang ở độ tuổi cổ lai hy” cả rồi _ cái tuổi thường được con cháu vinh danh đối với bậc bề trên đáng kính là “Ông, Bà của Miền Nam và Ôn, Mệ của Miền Trung truyền thống…”, thi thoảng cũng quay ngược suy nghĩ về một thời đã qua để vui, để buồn trong những khoảnh khắc “ôn lại sự đời”, suy ngẫm về những thành công, thất bại của cuộc sống nổi trôi bồng bềnh theo thế sự… 
Có điều gần như luôn thường trực trong bộ nhớ của mỗi chúng ta: đó là hình ảnh các bạn bè đồng môn thân thương ở các địa phương, ít thì năm ba người, nhiều có khi lên tới mươi, mười lăm người, cứ lâu lâu lại tìm cơ hội, cố gọi nhau lại, tụ tập ở đâu đó trong nước – Huế, Sài Gòn, Mỹ Tho, Bình Dương… để tìm vui và nhắc lại chuyện quá khứ; nhóm các bạn ở bên phương trời Tây cũng luôn “tình nghĩa” như thế: thỉnh thoảng khi có cơ hội cũng cố gặp mặt nhau trong đôi ba tiếng đồng hồ tại nhà bạn Hồng Phi (Khóa II) hoặc nhà của một bạn học nào đó, dầu có phải nhọc nhằn lái xe trên một quảng đường xa, rất xa mới đến được điểm hẹn!... chỉ mong được gặp lại bạn học cũ, chào hỏi và cười nói với nhau đôi điều thôi cũng thấy “vui”, giống như cái vui “Còn gặp nhau đây ta cứ vui” của nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương của Huế vậy!
Những cuộc gặp mặt như thế thật đáng trân trọng và khó quên. Có những cuộc gặp không cần phải hẹn trước, nhưng vẫn thường hay xảy ra và rất tình cờ, chỉ sau một cú điện thoại thông báo điểm hẹn, thể hiện đậm nét tinh thần tôn trọng tình bạn và tình người. Cũng những gương mặt đó khi gặp lại, không lạ lẫm gì, có khác chăng là những đường nét thời gian hiện rõ trên khuôn mặt mỗi người, cùng với những sợi tóc trắng lơ thơ hoặc bạc thếch, dáng đi thì còng xuống, cơ thể tay chân đôi lúc cũng nhứt mỏi sáng tối… – thói thường của người già ấy mà”!. Dầu vậy, họ vẫn gắng sức để gặp lại nhau – mừng quá!
Trong quảng đầu đời của quá khứ thời sinh viên, cũng không ít những cặp đôi đồng môn, hoặc vừa mới kết thân với nhau hoặc đã thật sự đi vào quỹ đạo của tình yêu đôi lứa, nhưng do hoàn cảnh đẩy đưa nên chưa đạt đến độ hoàn hảo chín mùi để hình thành một tổ ấm, nhưng vẫn còn luyến lưu khi gặp lại, tạo nguồn cảm hứng cho những bài thơ tình ra đời – mà chỉ có hai người mới biết và hiểu về ý nghĩa của nó… Ở những con người đã nhăn nhúm tuổi đời như chúng ta, cơ thể sa sút, tình yêu riêng tư đang dần dần giảm đi sự mặn nồng, để rồi chuyển hướng sang tình nghĩa… mà có dịp hoài niệm về tình yêu thời học trò từ rất xa trong quá khứ đôi khi lại là một niềm vui; duy chỉ có những cuộc hội ngội hiếm hoi như thế này mới có dịp khơi gợi lại “tình xưa nghĩa cũ” đó để thấy tâm hồn mình trẻ lại!
 Mùa Noel này, Huế gọi chúng tôi về giữa lúc tiết trời chắc vẫn còn se lạnh, ắt hẳn sẽ khiến mọi người nhớ lại mùa Noel xưa lúc nửa đêm nơi cố đô, khi mà mấy cặp đôi và bằng hữu trong chúng ta đang tận hưởng hạnh phúc với cái ấm của tình yêu đầu đời, đan xen giữa tình bạn tươi trẻ!...
Rất hoan nghênh ý tưởng của các anh Phan Thuận An, Lý Văn Nghiên, Khánh Tiếu, và v.v... qua thơ mời anh chị em đồng môn từ khắp nơi về tham dự cuộc họp mặt tại Huế sau Lễ Noel nầy (26/12/2014). Rất cảm động vì Ban Tổ chức đã không quản ngại về những tốn kém vật chất và công sức tuổi già của các anh, các bạn trong nổ lực tổ chức cuộc họp mặt đầy ý nghĩa này, để cho mấy đồng môn tụi mình có dịp “vui chơi với nhau giữa bạn & tôi” một lần nữa cho thỏa thích.
Họp mặt lần nầy tại Huế, ai cũng nghiễm nhiên coi đây như là một trong những cuộc gặp mặt hiếm hoi, mà cũng có thể là lần cuối, khi tuổi đời mỗi người đang dần cạn. Lúc nầy đây mà được nghe lại những tiếng xưng hô mầy mầy tao tao với nhau thật giãn dị, lại cảm thấy rất gần gũi, thân thương làm sao!
Xem ra lúc nầy sức khỏe đông đảo an em bạn bè đồng môn sống ở ở Huế cũng như ở những nơi xa Huế đều vẫn còn khỏe, có thể hưởng ứng lời mời tham dự họp mặt và thực hiện ước nguyện “về thăm lại trường xưa chốn cũ nơi Cố Đô” một lần nữa.
Mong rằng mọi sự đều như ý nguyện.
Cần Thơ, 24/9/2014
Nguyễn Bá Yên (Khóa II/VHH Huế)

* Huế Là Duyên (Lai Kinh Du Học Ký) - Phần 3 (Lâm K Nhàn)

               Huế Là Duyên
             (Lai Kinh Du Học Ký)
             Lâm Khương Nhàn

3. Duyên Hạnh Ngộ: Người Bạn Tốt

Một cách thật tự nhiên, DUYÊN HUẾ đến với tôi đây rồi. Người bạn Huế đầu tiên tôi quen biết:  Hoàng Trọng Dũng. Dũng cũng là hành khách trên chuyến xe về miền Trung nầy. Dũng ngồi cạnh tôi tự bao giờ rồi, mà có thể vì tâm trạng nghe-như-trống-không nên tôi chẳng màng chú ý đó chăng… Đến sau vài câu hỏi xã giao rất thân tình và dễ thương của Dũng tôi mới bắt đầu quan tâm và thấy hào hứng trong câu chuyện làm quen.


                     (Dũng - Nhàn tắm biển Nha Trang 1962)

Dũng trạc tuổi tôi, dáng vóc cũng hao hao như tôi.  Có phải chăng nét học trò thanh lịch của Dũng gây ấn tượng thân quen và thật dễ hòa hợp. Rồi tôi biết được vài điều về Dũng: người học trò xứ Huế “chính hiệu con-nai-vàng.” Dũng đang là học sinh trường Quốc Học, nhà ở Long Thọ, làng Nguyệt Biều… Dịp nghỉ hè, vào Nam thăm các anh chị có gia đình lập nghiệp trong-ấy, giờ trở lại kinh kỳ tiếp chuyện nấu-sử-xôi-kinh …
Thế là chúng tôi quen nhau từ đó – và thân nhau tự lúc nào không hay biết, mà Dũng rất tự  nhiên rủ tôi dừng cuộc hành trình, ở lại Nha Trang chơi vài hôm. Dũng bảo, ở đó có gia đình anh chị Đạo của Dũng, mà trên chuyến đi chưa kịp ghé thăm.  Đồng ý thôi.

Viết đến đây tôi chợt suy đoán chắc rằng chuyến đi ngày ấy chắc là chuyến xe đò, mới dừng đỗ, đi ở một cách thật thoải mái như vậy. Tôi từ từ nhớ ra thêm rằng, xe đò đi miền Trung, nhất là lộ trình thiên lý SG-Huế thuở ấy có 2 hảng xe lớn uy tín là Phi-Long và Tiến-Lực.
Ngày đó, mù tịt thông tin. Tôi chỉ biết Huế qua bài học địa lý. Tôi hăm hở lên đường. Lần đầu đi xa ra tận miền Trung với tấm bản đồ trong cuốn địa lý lớp…, gấp dấu cho dễ mở, chứ nào dám xé, tôi cẩn thận để riêng trong túi xách tay cùng với  đồ dùng linh tinh cần thiết, luôn kè bên mình, còn quần áo và sách vở khác cho vào rương gổ, khoá kỹ… đưa lên mui xe đò. Chứ có như ngày nay (2012), nhận thư mời họp mặt cựu SVVHH ở Mỹ Tho, ngay lập tức tôi lên mạng, truy cập biết hết từng đoạn đường sẽ đi đến, ăn nghỉ nhà hàng, khách sạn nào…
 Thú vị thật, lần đầu tiên tôi biết được Nha Trang. Quả như Dũng kể trước đó, anh chị Đạo coi tôi như Dũng, như em út trong nhà. Các cháu, con của anh chị thân quen đùa giởn ngay với chú Nhàn y  như là chú Dũng của chúng. Cơm nước, chổ nghỉ ngơi anh chị lo rất chu đáo, chỉ vẽ cho Dũng đưa tôi đi chơi nơi nầy chốn nọ. Nhờ thế tôi mới biết nào là chợ Đầm, nào là biển Nha Trang... Tôi  đi tắm biển với Dũng, đùa giởn, tinh nghịch rất tự nhiên như hai bạn học rất thân nhau từ rất lâu rồi vậy. Đố ai biết được rằng đôi bạn trẻ nầy trước đây hơn một ngày thôi, còn là hai người thật xa lạ- kẻ xứ Huế, người Trà Vinh! Bãi biển Nha Trang tuyệt vời. Cát trắng muốt, nước biển trong xanh lô xô nhẹ, tràn từng con sóng nhỏ hiền hòa. Bỗng tôi chợt so sánh với biển Ba Động Trà Vinh quê tôi.  Tôi yêu biển Ba Động bằng trái tim thiên vị của người con quê nhà, chứ thực tình mà kể, biển Ba Động cát đen sì-sì, nước thường trào dâng những cột sóng cao hung dữ - vì thế mà có tên Ba Động chăng?
Ngẫm cũng lạ, cũng chỉ là một người khách, em mình mới vừa quen biết  trên chuyến xe đò, thế mà anh chị Đạo không hề nghi ngại nọ kia, vui vẻ chấp nhận lưu trú, cơm nước trong nhà… chắc chỉ có ngày-ấy mới có được như thế mà thôi, ngày nay tình người hổn độn vô lường, e khó có chuyện-như-như-thế. DUYÊN HẠNH NGỘ đó chăng?

(Còn tiếp)