Huế Là Duyên
(Lai Kinh Du Học Ký)
Lâm Khương Nhàn
2. Khởi Hành
(Lai Kinh Du Học Ký)
Lâm Khương Nhàn
2. Khởi Hành
Ngày lên đường “du học” kỳ ấy, tôi không
còn nhớ cụ thể (?!)… ai tiễn tôi, đi bằng xe lửa hay xe đò? Chỉ nhớ được rằng, trước lúc lên đường vài ba
hôm, tôi có đến chào bà con họ hàng ở Saigon, Bà Cô Tám ở Hòa Hưng xuýt xoa
khen gia đình tôi hiếu học, giỏi-giang, khen Ba tôi con đông mà nuôi con ăn học
đàng hoàng làm tôi cũng phổng-mũi tự hào. Bà Tám có dúi cho tôi một số tiền gọi là quà
cho cậu sinh viên xa nhà tiêu vặt. Bác Năm tôi, một nhà thầu xây dựng cho các
hảng Tây, trí thức và giàu có - tỏ ra rất “mê” những người chịu khó ăn học như
anh em nhà tôi nên Bác bảo ban tôi nhiều điều quý báu cùng một món quà bằng
tiền gọi là góp ít hành trang cho tôi lên đường “du học.” Bác cũng có người con trai bằng tuổi tôi, học
sinh ưu tú trường Petrus Ký, sau khi tốt nghiệp Tú Tài 2 hạng Bình, sang du học
và thành tài lập nghiệp ở nước ngoài cho tới bây giờ luôn. Còn chú Sáu Hiếu của tôi, người vốn rất
thương thích tôi dù những lần gặp gỡ rất ít oi. Hôm đến nhà chào chú – thật là cảm động, chú đã biết trước và chuẩn bị từ lúc nào rồi, mà
sau vài mẫu chuyện trao đổi tâm tình với nhau, chú Sáu thân thương trao tặng
cho tôi một phong bì lớn, màu vàng, giấy dầy… mà ruột cũng rất dầy và nặng nữa.
Những ngày ở Huế tôi vẫn còn trân trọng giữ gìn kỷ vật đó gồm: một tập giấy
viết thơ chuyên dùng thuở đó, có hoa lá cành và lằn kẻ sẳn – một cây bút máy
Waterman, một cây bút chì bấm. Kỷ vật
nầy theo bên tôi rất lâu và có giá trị vừa hữu dụng vừa tinh thần rất sâu… “Tài-vật”
của Bà và Bác thì tôi tiêu nhẵn chỉ vài ba tháng sau đó!
Và một hình ảnh nữa, hiển hiện thật rõ
ràng trong ký ức tôi: một thư sinh nho nhã giản dị, một chiếc xe đạp sườn ngang
và cái rương gỗ nặng chịch lên đường “viễn du” học tập. Đó là tôi hồi ấy. Tôi, cậu học trò mỏng-cơm-nhẹ-ký thì tất nhiên
phải nho nhã thư sinh rồi. Chiếc xe đạp là quà tặng của Cậu Năm tôi. Cậu vốn là đốc học thời Tây, thâm niên, và
rất được nhiều thế hệ học trò ở địa phương (quận Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre ) kính
mến. Chiếc xe đạp gắn liền với Cậu rất
nhiều năm tháng đi dạy học. Tôi chưa quên hiệu chiếc xe là Urago, có cái khóa cổ nằm âm khoảng
giữa ống cổ đứng trước. Cũng gần ổ khóa đó, nằm trên ống xiêng của khung sườn,
có gắn một tấm plaque đồng khắc tên cậu: “Thang Văn Hựu…” Còn cái rương gỗ cũng
thật đặc biệt. Ba tôi nhờ Chú Sáu Khai,
một họ hàng bên ngoại tổ tộc tôi, tay
nghề thợ mộc giỏi ở tận Trà Vinh đóng hộ trước đó hơn tháng. Chú Sáu Khai vai vế họ hàng là thế chứ chỉ lớn hơn tôi
đúng một con giáp mà thôi. Ngay từ thuở
đó (1962) cứ gặp nhau là chú cháu rủ nhau vi vu hóng mát, cà phê cà pháo rất
tâm đắc. Về sau nầy, khi tôi đi dạy học- và ngay cả những năm gần đây- chú cháu
kẻ hàng tám người hàng bảy – hễ gặp lại nhau nhất định phải khề khà vài ly bia
tâm tình sự thế. Ba tôi kể, hồi đó nhà
lầu gỗ của mình ở Trà Vinh, chú Sáu Khai được Ba “điều” về làm thợ cả, đứng coi
dựng nhà khi mà chú tuổi vừa hơn 20, mới ra hành nghề mộc.
Cho tới bây giờ, tôi chưa từng được thấy
cái rương gỗ nào được đóng thật tỉ mỉ, công phu và chắc chắn như thế. Kích thước hẳn là to đùng rồi. Gỗ loại gì không biết mà nặng chình chịch,
bào vuốt bóng lộn. Các góc cạnh kia mới đáng quan tâm, không đóng đinh mà khép
mọng bằng những móc răng hình thang kết nối với nhau khít khao vô cùng.
Trên chuyến hành trình vời-vợi-xa và đơn
độc lần nầy (không nhớ trên xe đò hay tàu hỏa nữa!) tôi vu vơ và hỗn độn… nhưng
nghe-như-trống-không vì tính vô tư và lạc quan vốn sẳn. Những lạ lẫm, những chợp-giấc-mơ-màng tiếp
nối kéo lùi thời gian và dần xa con đường thiên lý.
(Còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét