Thứ Hai, 15 tháng 12, 2014

Thay Lời Điếu Văn - Thanh Trần

Xin mời các đồng môn, đồng nghiệp, môn sinh... của anh Trần Mạnh Liệu đọc:     

                  Thay Lời Điếu Văn
     Thanh Trần (em trai của anh Trần Mạnh Liệu)

Tối chủ nhật qua điện thoại của chị Hòa. Tôi bàng hoàng được tin anh Liệu, người anh trưởng của tôi đã thật sự vĩnh viễn ra đi. Tôi tức tốc báo tin cho các con cháu anh ấy biết hung tin. Trong điện thoại tôi nghe tiếng nấc tiếng nghẹn trong sự xúc động tột cùng của Long – người con cả của anh. Trong cơn xúc động, tôi khuyên các cháu bình tĩnh để dành mọi thì giờ gấp rút tính chuyện về VN thọ tang. Thế là hết! Cháu Long vừa mới tốt nghiệp, có công việc và mong lần đầu có phép về VN thăm cha, còn tôi dự trù ra năm có phép năm 2015 sẽ về thăm anh một chuyến nhưng định mệnh đã an bài. Trong tôi, anh Liệu là thần tượng là cánh chim đầu đàn đã dìu dắt các anh em tôi trong quãng đời niên thiếu. Anh vừa thừa hưởng tính nghiêm nghị, thông minh của cha, vừa tính chất phát thật thà của mẹ tôi. Hồi nhỏ, những lúc dạy dỗ anh em chúng tôi, anh chưa bao giờ đánh, nhiều lắm là bắt quỳ gối. Là một nhà giáo nhưng theo các học trò Nguyễn Hoàng của anh cho biết anh quá hiền nên họ chỉ kính nể mà không sợ. Hồi còn học bậc trung học, hoài bão lớn nhất của anh là làm sao được đi du học nước ngoài để tới lúc thành tài về nước làm lớn, đi xe thật to chật cả đường phố Huế. Tôi vẫn tin là như vậy và vẫn cầu mong sự may mắn đến với anh. Lúc nhỏ tôi thấy anh nói tiếng Tây thông thạo với mẹ con cô đầm Pháp ở công viên mà nể quá nên tin rằng việc du học là trong tầm tay của anh thôi. Nhưng chuyện đời đâu có suôn sẻ, tôi thấy ba tôi cũng thất vọng nhiều trong việc du học của anh. Rốt cuốc anh trúng tuyển vào khóa 2 viện Hán học Huế để trở thành cụ đồ thế kỷ 20.  Không dừng chân ở đó, anh tiếp tục học lấy cử nhân văn chương rồi ghi danh cao học, đồng thời xin đi dạy học môn Việt văn. Trường học anh dạy đầu tiên là trung học Nguyễn Hoàng Quảng Trị. Sau đó vì tình hình chiến sự, anh xin đổi vô nam dạy trường Trung học Cần Đước Long An rồi sau 75 anh chuyển về trường Trung Học Hoàng Đạo – Thủ Đức và cuối cung là trường Trung học Nguyễn Hữu Cầu – Hóc Môn cho đến lúc hưu trí. Trong tất cả các anh chị em có lẽ tôi là người tiếp xúc gặp gỡ anh, có nhiều kỷ niệm vui buốn trong nhiều giai đoạn cuộc đời: từ ấu thơ, trưởng thành, đi lính nhập ngũ ở Sài Gòn rồi những ngày trước và sau biến cố 30/4 rồi thăm nuôi từ trong trại cải tạo và rồi những ngày gian khó trên vùng kinh tế mới Dầu Tiếng; cũng tại nơi dây, nhờ được báo mộng, từ Sài Gòn anh đã tức tốc lên Dầu Tiếng gặp tôi và nhờ sự gặp gỡ kì diệu này mà tôi đã thoát được trái mìn nổ ngay chỗ tôi dọn dẹp trước đó vài phút. 
 
Theo lời tâm sự của anh, vì mối tình đầu tan vỡ, những tưởng anh không tính chuyện lập gia đình nữa nhưng trong một chuyến thăm nuôi tôi ở trại cải tạo Trảng Táo, duyên kỳ ngộ, anh đã gặp chị cùng đi thăm nuôi một người em chung trại với tôi và hợp tình hợp ý đã đi đến hôn nhân. Hạnh phúc một giai đoạn khá dài cho đến khi cả nhà được đi định cư Hoa Kỳ. Sang Mỹ khi tuổi đã cao, vả lại anh đã từng bị điện giật thoát chết lúc ở VN nên rất khó xin việc làm và lấy bằng lái xe. Chính điều này là trở ngại chính, kèm với sự rủi ro trong cuộc sống luật lệ phức tạp ở Mỹ khiến bức bách anh phải quay về VN. Là con trưởng nhưng anh không sống cùng cha mẹ, nhưng may mắn cuối đời của hai ông bà đều được trưởng nam là anh đưa tiễn.
Anh là một nhà giáo sống thanh bần trong xã hội cũ cũng như xã hội mới. Vừa lao động trí óc vừa chân tay, với lối sống giản dị, hiếu khách luôn vui vẻ hòa nhã, anh đã để lại nhiều cảm tình trong giới giáo chức đồng nghiệp, các thế hệ học trò cũng như đồng hương, lối xóm láng giềng. Trước 1975, cùng với giáo sư Nguyễn Quang Tô, anh đã từng xuất bản sách giáo khoa Việt văn. Chính quyền cũ đã từng bổ nhiệm anh làm tổng thư ký và Phó chủ khảo vài kỳ thi Tú Tài ở Huế. Điều này nói lên sự tín nhiệm của các hội đồng thi cử ở Huế hồi đó. Anh đã sang tác nhiều bài văn, nhiều bài thơ mà thân phụ tôi cũng như nhiều bạn bè của anh rất tâm đắc.
Trân đường đời, về học vấn, về gia đình, anh đã có những mặt thành công nhất định. Nhưng về mặt xây dựng nhà cửa cơ ngơi thì anh hoàn toàn thất bại khi hai lần mua đất để xây nhà ở Sài Gòn, Thủ Đức đều bị lường gạt do bản chất thật thà dễ tin người. May mắn cho anh đã gặp được hiền thê đảm đang cùng anh lúc ở VN cũng như lúc ở Mỹ dù không có anh bên cạnh nhưng với bản lĩnh và nghị lực, chị đã chịu khó dạy dỗ con cái và dắt dìu gia đình đi đến ổn định. Điều quí nhất khi anh từ Mỹ trở về VN cũng đã được sự quan tâm ưu ái của anh chị em bên vợ nhưng anh chị Lam, anh Phách, anh Tuấn… đã hỗ trợ anh Liệu cũng như đã thăm viếng phúng điếu người thân gia đình chúng tôi khiến toàn thể gia đình anh chị em chúng tôi vô cùng cảm kích.
  
Trong lúc các cháu đều có công ăn việc làm, lần lượt thay nhau về thăm cũng như trợ cấp chu đáo cho anh. Tất cả con cái và chị cũng như các em và con cháu của anh ở đây đều dành tình thương cho anh. Đành rằng sinh ly tử biệt là chuyện thường tình. Ai rồi cũng 1 cõi đi về. Nhưng anh ra đi quá đột ngột khiến gia đình cũng như anh em bà con bị sốc. Đó là cả 1 sự mất mát lớn lao cho thân quyến
 
Tuổi 74 cũng không nói là trẻ nhưng cũng chưa hẵn là già cho một kiếp nhân sinh. Thôi anh hãy yên lòng thanh thản ra đi. Một cuộc đời khi vất vả khi nhàn hạ. Thân tứ đại trở về với tứ đại. Chỉ tiếc cho anh đang lúc nhàn nhã thì vội về với mẹ cha!!! Em rất đau long vì không thể về đưa anh lần cuối nhưng sẽ tìm cách về viếng anh lúc chung thất 49 ngày. Xin cám ơn bà con xa gần, bạn bè, láng giềng, quý thầy và sư cô hộ niệm cũng như ban tang lễ đã đến thăm viếng chia buồn và đưa tiễn anh của chúng tôi về nơi an nghỉ.
 
Nguyện cầu Phật Adida, chư vị Bồ Tát tiếp dẫn vong linh anh về nơi cảnh giới của Phật Adida, của tình thương bao la chan hòa.
 
Em thứ nam của anh,
 
Thanh Trần



Không có nhận xét nào: