Thứ Sáu, 26 tháng 12, 2014

Khi Thằng Du Kích Trả Thù - Phần I - Thuyên Huy

                 Khi Thằng Du Kích Trả Thù
Viết tặng CTN, người đã làm quen với rừng lá cao su từ khi mới vào đời

1
     Đám công nhân cạo mủ, khoảng vài chục người, trai có gái có, sau khi đổ hết mấy thùng thiếc đầy mủ cao su mà họ đã trút, từ phần cây của mình vào bồn chứa lớn bằng xi măng, tụ năm tụ ba, ngồi rãi rác trên khoảng sân gạch cũ loang lỡ màu nâu đậm, bên cạnh căn đầu dãy nhà, do chủ đồn điền người Pháp xây lên cho công nhân ở từ những năm 50, 51, giờ bỏ trống gần hết, không còn mấy ai ở vì Cầu Khởi không là vùng an ninh cho lắm. Lính Nghĩa Quân xã ít khi vào đó, trừ những đêm quân du kích Việt cộng rình mò, lén về khu ấp Bông Trang hay Bàu Nâu quấy phá. Hơn tám giờ sáng, trời vừa có chút nắng rớt lưa thưa đâu đó, xuyên nhẹ qua lá úa đầu Thu nhưng cũng còn lờ mờ chưa thấy rõ.



     Làm nghề cạo mủ cao su tuy có đôi chút vất vả nhưng xem ra cũng thảnh thơi, thoải mái. Chỉ có điều phải thức dậy sớm, năm giờ là có mặt trong rừng, nơi phần cây của mình, để cạo từng cây một cho kịp giờ mủ chảy đầy chén đựng, gắn ngay cuối phía dưới đường rảnh cắt. Sau đó mang cái thùng thiếc, đặt ngay gốc cây đầu, rồi mặc sức mà nghỉ ngơi, ít nhất cũng hai tiếng đồng hồ, trước khi có kẻng kêu báo đến giờ trút mủ. Có người còn kịp đạp xe đạp về nhà ngoài chợ xã, mua bán cái này cái nọ. Mùi đất ẩm, bốc lên sau cơn mưa lớn đêm qua vẫn còn loanh quanh trong cái nắng vừa rực lên ở phía cuối con đường đất mịn, chạy về hướng ra quốc lộ. Tiếng mấy con dế cơm gáy vang rân, mang theo hơi lạnh của trời vừa mới sang mùa nghe rõ từng chập. Hai ba chị ngồi bệt xuống dưới chân cái hồ nước dùng rửa mủ, mở mớ cơm nguội bốc ra, lặng thinh ngó nhau ăn mà không nói tiếng nào. Xa xa đôi ba tiếng  súng vọng về từ miệt Khiêm Khanh Hố Bò lẻ loi lỗi nhịp.
    Từ ngoài phía đầu đường, Thầy tư Biên cởi Honda chạy trước, chiếc xe Lam ba bánh đường Trà Võ – Gò Dầu của anh năm Tất  chở lủ khủ đồ đạc theo sau. Bóng nắng rực lên lác đác từng mảnh nhỏ, đuổi không kịp bóng người bóng xe, thấy rõ dần trong màn sương đang lửng thửng tan, giữa rừng cây vừa mới bắt đầu thay lá. Đám công nhân gọi nhau ơi ới, đứng lố nhố nhìn, người nào người nấy miệng chào thầy tư lia lịa. Mấy ông cai thì lớn tiếng kêu réo, thúc giục dăm ba chị nào đó, còn lục đục tìm kiếm mấy ổ nấm Mối thơm phúc ở đằng xa. Thầy tư Biên dựng xe Honda ngay trước cửa nhà, rồi làm dấu cho anh năm Tất lái chiếc xe lam đậu dọc theo bên hông bồn chứa mủ. Mấy anh cai đứng xáp lại gần bên, thầy tư lấy tờ giấy ca rô trong túi áo ra đưa cho anh năm Tất, phụ họ kiểm lại số đồ xem có đủ thiếu gì không. Hôm nay là ngày công nhân cạo mủ của phần sở mà thầy tư Biên làm giám thị, nhận quà cũng như thường lệ.
    Mỗi năm, năm nào cũng vậy, hể cứ đến ngày đầu mà tụi học trò vào học lại, sau ba tháng hè, ve thôi kêu, Phượng ngừng nở, thì mấy thầy giám thị của các sở cao su mà mình chịu trách nhiệm, có bổn phận sắp xếp phân phát số đồ trợ cấp gồm có cặp vỏ xe đạp, một sợi dây sên, hai cái áo đi mưa, hai cái nón lá và năm thước vải may áo cho công nhân. Trong vùng này có hai sở, thầy tư Biên coi sở số 1, tính dọc theo đường quốc lộ, có ranh giới từ đầu ấp Bến Đình lên đến cuối ấp Bông Trang. Sở số 2 thì từ cuối ấp Bến Đình chạy xuống cuối ấp Bến Mương nơi có cái đồn Nghĩa Quân, ngó ra truông nứa rộng tới sông, do thầy bảy Quanh chịu trách nhiệm. Dân chúng ở đây, trên làng dưới ấp, ngoài thầy cô giáo của trường tiểu học ra, thì họ cũng gọi hai ông giám thị sở cao su, tiếng thầy vì là những người có ăn có học, làm với Pháp, nói tiếng Pháp, ngoài chợ trên đường, gặp nhau ai nấy đều tiếng một tiếng hai, thầy Tư thầy Bảy.
    Nắng trải rộng một khoảng sáng rực đầy sân gạch, trời bắt đầu có chút nóng. Thầy tư Biên lật cuốn sổ nhỏ, mà ông đặt nó trên bệ xi măng của bồn chứa nước từ nãy tới giờ, gọi từng người một, đi lại phía chiếc xe lam, nơi mấy người cai đang đứng, ký tên nhận phần của mình. Ai nấy cười nói huyên thuyên, thầy tư Biên cũng mĩm cười theo, vừa nhìn vừa đọc tên, những cái tên mà thực ra ông đã thuộc nằm lòng. Anh năm Tất xe lam móc gói thuốc điếu ra, đốt lửa hút, kiên nhẩn ngồi chờ. Không lâu thì mọi việc đã xong, anh vươn vai uể oải đứng dậy, thầy tư đi lại xe, coi lần chót rồi móc túi, chậm rãi đếm tiền trả. Xe nổ máy, anh năm gật đầu chào ông và mấy người cai còn loanh quanh ở đó rồi từ từ lái xe chạy đi.
     Cũng như mọi lần, trước khi đám công nhân ra về, thầy tư đứng lên thềm bực xi măng hỏi xem, họ đã nhận đủ mọi thứ chưa và có ai hỏi han gì không. Trắng, từ đầu tới giờ, đứng ở gốc cây cao su đầu hàng, cách sân dãy nhà một khoảng không hơn mươi thước, chỗ đó là chỗ bắt đầu phần hàng cây mà anh ta cạo, bước lại gần đám người, ngó lên chỗ thầy tư, to tiếng:
-Vậy là tui không có đồ như năm ngoái phải không?
Thầy tư  gật đầu vừa cười vừa trả lời:
-Ừ, thì điều kiện ai được lảnh vẫn như cũ, mầy ơi.
Mấy người cai, trong đó có người cai coi Trắng và đám công nhân còn đứng lố nhố ở đó cùng nói lớn:
-Thì cũng như cũ mà.
Trắng bước tới gần hơn chút nữa, đưa tay chỉ thầy tư hùng hỗ:
-Tui biết ông ăn chận ăn bớt của tụi tui mấy năm nay, tui không nói vì thấy ông già rồi, nhưng năm nay, lần này, tui không bỏ qua cho đâu.  Đ.M. Ông sẽ biết tay tui.
Thầy tư chưng hửng:
-Mầy nói tầm bậy gì vậy Trắng!
Trắng một lần nữa, nắm chặt bàn tay lại, dơ lên trời, lắc qua lắc lại, thụt lại sau rồi quay lưng bỏ đi về phía rừng :
-Tui nói như vậy đó, ông làm gì tui, ông coi chừng đó.
Thầy tư định nói gì thêm nhưng thôi, ông lắc đầu, bước xuống bệ xi măng, cất mớ giấy tờ và cuốn sổ nhỏ vào cái túi xách bằng da đen cũ bạc màu, đẩy chiếc xe Honda ra đường, chào đám công nhân rồi nổ máy chạy đi.
    Nghe Trắng nói vậy, ai nấy cũng sững sờ. Điều kiện để được nhận đồ thì sở cao su nào cũng giống nhau từ trước tới giờ, ai ai cũng biết. Công nhân nào, có nhà ở cách chỗ sở mình cạo mủ từ ba cây số trở lên thì được cấp phát những thứ trợ cấp đó. Tại chỗ này, trong khu nhà Pháp cất thì giờ chỉ còn khoảng mươi người ở, trong đó có Trắng. Nhóm này có vài người làm ở sở 2 của thầy Bảy Quanh, cho nên được cấp vì sở 2 cách đây khá xa, còn Trắng  chỉ cần bước ra khỏi cửa vài bước thì đã tới hàng cây của mình rồi. Trắng, năm nay khoảng 21 hay 22 tuổi gì đó, không biết rõ quê quán ở đâu, không vợ con cha mẹ, về Cầu Khởi xin làm công nhân cạo mủ ở sở thầy tư hơn ba năm trước đây. Tánh tình hơi cộc cằn, nóng nảy, nói cái gì cũng đệm theo tiếng chữi thề. Từng tuổi này, Trắng trốn quân dịch, làng xã biết nhưng không làm gì được, vì trên giấy tờ nó được hoản dịch vì lý do tàn tật. Theo đám công nhân kể lại, thì mỗi năm, trước ngày xuống trung tâm huấn luyện Quang Trung tái khám, Trắng dùng kim chích chấm mủ cây xương rồng đâm vào mắt, vài hôm, mắt nó chỉ còn thấy lờ mờ, cho nên Trắng được cho hoản dịch tiếp. Sau khi có giấy tờ về nhà, Trắng chịu cực nhá nhem vài ngày, mắt lại nhìn rõ như thường, công nhân cùng sở số 1 này ai cũng biết nhưng chẳng ai thắc mắc làm gì, vì thấy nó nghèo khổ đơn thân độc mã.
    Ngặt nổi một điều là Trắng làm việc rất cẩu thả, ẩu tả, không đúng cách thức mà nghề cạo mủ phải theo. Trắng đã từng phá hư không biết bao nhiêu cây cao su vì cạo đường rãnh cho mủ chảy ra lớn quá. Anh ta thường trút mủ sớm hơn giờ giấc ấn định, cho nên mủ dư chảy xuống đất, đóng cứng quanh gốc cây, ai cũng thấy rành rành . Có nhiều lần vì trút mủ sớm bỏ đi chơi cho nên số mủ không đủ thùng, Trắng bị bắt gặp lấy nước đổ pha thêm vào đó làm hư cả một bồn lớn. Thầy tư nhiều lần khuyên nhủ nó, nên làm việc cho đàng hoàng, cảnh cáo nó cũng nhiều lần nhưng Trắng không đếm xỉa gì, cứ tiếp tục. Thầy tư có lúc quyết định đuổi nó nhưng nghĩ lại thấy hoàn cảnh nghèo nàn, một thân một mình nên ông lại thôi. Mấy người cai bực nó lắm nhưng cũng như thầy tư, họ làm ngơ, chỉ rầy rà đôi chút khi nào giận quá.

    Hôm chợ phiên cuối năm ở xã, ngày công nhân cạo mủ lảnh lương và tiền thưởng, người ta thấy Trắng đi lên đi xuống trong đám đông người mua người bán, nói nói cười cười với hai ba đứa con gái nào đó. Qua Tết, chiến trận lớn dần, xã giờ có thêm lính Địa Phương Quân từ trên tỉnh xuống đóng và đã có nhiều lần hai bên đánh nhau tại ấp trên. Đêm nào cũng có tiếng súng, tiếng người chạy đi chạy lại và tiếng chó sủa lanh lảnh từ cuối ấp đến đầu làng. Ban đêm du kích Việt cộng thường xuyên đào đường, đấp mô, gài mìn ngoài quốc lộ, đường lên xuống Sài Gòn – Tây Ninh, xe đò xe hàng nối đuôi kẹt cứng tại khúc giữa Bến Mương, cầu Đá Hàng là chuyện thường xảy ra. Mấy gia đình công nhân sống ở dãy nhà do Pháp cất tại Cầu Khởi từ vài năm qua, đã dọn ra ngoài xã sau Tết không lâu, người ta không thấy Trắng đi theo. Trắng không còn làm nghề cạo mủ và nó đã bỏ Cầu Khởi đi từ ngày hôm đó.

(Còn tiếp)

Thuyên Huy


Không có nhận xét nào: