Thứ Năm, 25 tháng 12, 2014

Văn Tế Viện Hán Học - Hoàng Đằng

Văn Tế Viện Hán Học Huế                    
                                                               Hoàng Đằng

Hỡi ôi!
Rét mướt trời Đông – Tái tê gió buốt.
Mùa Giáng Sinh đến giữa đất trời - Tết Dương Lịch rộn trong tâm thức (1).
Nhớ thời trai tráng, chốn Thuận Hóa bút nghiên, dạ cứ bồi hồi – Nghĩ thuở học trò, đất Sài Gòn đơn thư (2),  lòng luôn bứt rứt.
  
 (Khai giảng niên khóa 1960-1961 tại Di Luân Đường)                                                                            

Nhớ xưa,
Đất Cố Đô – Viện Hán Học.
Mùa đông 59 mở trường – Mùa hè 65 đóng lớp.
Tổng thống Ngô Đình Diệm, vì lưu luyến với vốn xưa, sắc lệnh  duyệt ký để mở trường – Bộ trưởng Nguyễn Văn Trường, do thực dụng theo ý riêng, nghị định giải tán cho xong việc.
Viện lập ra: mong giảng huấn luân thường – Chuyện đem dạy: ước duy trì đạo đức.
Nơi thi tuyển chọn: mở ra hai (3)– Chỗ học tập trung: gom về một.
Di Luân Đường: nhà cổ vẻ nghiêm – Nội Vụ Phủ: cây cao bóng rợp.
Khốn nỗi! Phải di dời đổi chỗ chửa bao lâu – May thay! Sớm ổn định  tạo nề trong mấy chốc.


(Khai giảng niên khóa 1961-1962 tại Nội Vụ Phủ)                                                                               
    
Đẹp biết bao! Lầu Viễn Đệ: sinh viên tấp nập, sáng tới, chiều về – Khó hiểu lắm! Dòng Phủ Cam: thủy sắc trớ trêu, mưa trong, nắng đục.


                           (Lầu Viễn Đệ)

Khen người khéo dựng bảng sơ đồ - Phục kẻ rành lên khung tổ chức.
Nọ nhóm nghiên cứu đông y – Này ban sưu tầm dịch thuật.
Nắm quản lý do thầy Nguyện (4) rồi thầy Điền (4) – Xếp học hành bởi thầy Hương (5) tiếp thầy Dật (5).
Khăn đóng áo dài, ngồi xích lô đến lớp, các cụ khoa bảng tiếng tăm – Com-lê cà-vạt, trưng giáo án giảng bài, những thầy cấp bằng xuất sắc.
Lớp này giảng Bắc sử, Thi kinh – Lớp kia bình Trung Dung, Đại học.
Khóa trước dành hai năm: chuyên cần quan thoại ê a (6) – Khóa sau để cả buổi: phân tích cổ văn rành mạch.

Nhờ thế, nên:
Hè 64, tốt nghiệp vài mươi – Hè 65 ra trường mấy chục.
Vốn tiếng Pháp: viết thạo, đọc thông – Tài tiếng Anh: nói rành, hiểu tốt.
Ai cũng Tống Phú biết qua – Thảy đều Đường Thi làm được.
Hiếu hỉ đối trướng thuộc loại uyên thâm – Xướng họa thơ văn cũng hàng lỗi lạc.
Giáo dục vào nghề, không sư phạm vẫn dạy tốt học trò (7) – Quản lý giao quyền, chẳng chuyên môn cũng làm tròn sổ sách (8).
Những tưởng: cứ thế mà đào tạo thanh niên nên người giỏi. kẻ tài – Đâu ngờ: tự dưng lại đoạn khóa sinh viên để sông trôi, chợ lạc.

Bây giờ, môn sinh:
Đủ đất sinh nhai - Khắp trời phiêu dạt.
Đốt hương lòng tưởng niệm anh linh – Viết văn tế thiết trần nghi thức.
Vái xin chư thánh với lòng thành – Cầu mong liệt hiền trong tình thật.
Tuy nương dâu biển cả, vẫn luôn phò đạo lý vững bền – Dù vật đổi sao dời, cứ mãi hộ giang sơn thống nhất.
Chốn dương gian, chúc sức khỏe: Thầy còn – Nơi âm giới, cầu thảnh thơi: Thầy mất.
Đồng môn ơi! Đất Mỹ trời Âu – Thân bằng hỡi! Miền Nam miền Bắc.
Cuộc chiến tranh: nhiều kẻ phải điêu linh – Lòng thành khẩn: liệt hồn mong siêu thoát.
Oái oăm thay! Tháng năm qua, tai họa rập rình – Kỳ diệu nhỉ! May mắn gặp, số phần sống sót.
Vậy nên: từ muôn nơi, đốt dậy nén tâm hương – Thế thì: dành một phút, tưởng về Viện Hán Học.
Cẩn cáo

Hoàng Đằng(khóa II - 1960 – 1965)
 09/9/2014
--------------------------------------------------------------------------------
(1)             Ngày thi tuyển khóa I  là ngày 25/12/1959.
(2)             Phái đoàn đại diện sinh viên viện Hán Học do Lý Văn Nghiên làm Trưởng đoàn đi đòi quyền lợi ở bộ Văn Hóa Giáo Dục tại Sài Gòn hè 1965.
(3)             Từ năm 1960, thi tuyển sinh ở 2 nơi: Sài Gòn và Huế.
(4)             Thầy Võ Như Nguyện làm Chủ Sự 1959 – 1964; thầy Trần Điền làm Q. Giám Đốc 1964 – 1965.
(5)             Thầy Phan Văn Dật làm Giám Học 1959 – 1964; thầy Phạm Ngọc Hương làm Giám Học 1964 – 1965.
(6)             Chỉ học quan thoại ở 2 năm cuối: năm IV và năm V
(7)             Hầu hết số sinh viên tốt nghiệp đều được bổ dụng giáo sư trung học chính ngạch từ năm học 1966 – 1967.
(8)             Một số sinh viên tốt nghiệp, sau vài năm đứng lớp, được đề bạt làm giám học, hiệu trưởng hoặc giữ chân lãnh đạo ở một số sở Học Chánh cấp tỉnh.


 Địa điểm thứ nhất của Viện Hán Học: 
              Di Luân Đường
   
   Địa điểm thứ hai của Viện Hán Học: 
               Nội Vụ Phủ


 Cơ sở thứ ba của Viện Hán Học:                                                                                                        
 Phủ Viễn Đệ                                                                                                                

















Không có nhận xét nào: