Thứ Ba, 9 tháng 12, 2014

Những Mảnh Đời Thua Thiệt 7: Chuyện Gia Đình Ở Trên Đồi (Lão Gànâ)

Những Mảnh Đời Thua Thiệt 7

Chuyện Gia Đình Ở Trên Đồi
(Chuyện kể của Lão Gàn)

Đang giữa ban trưa, đứng bóng. Trời nắng như đổ lửa. Qua khỏi đoạn đường quốc lộ lên Lào mà nhựa bốc lên hơi nóng hừng hực, chị Hiếu đạp xe vào lối mòn chạy giữa đồi, ngoằn ngoèo, gập ghềnh, có độ dốc lớn.  Những bụi cây gai hai bên xòe ngọn và cành ra chặn lối, quất vào ngực chị, bụng chị, mặt chị và chân chị.
Đã quá mệt, chị thả chiếc xe đạp cũ nằm nghiêng dựa vào thân cây bạch đàn đứng cô độc bên đường. Ngồi bệt xuống đất, cầm chiếc nón quạt phần phật cho ráo bớt mồ hôi, chị dướn người, thò tay vào chiếc giỏ đang cột ràng sau xe đạp, lôi bánh ít ram ra ăn để dịu bớt cơn đói đang cồn cào. 

Nơi chị ở còn cách đây hai quả đồi nữa; giữa hai đồi là một thung lũng nhỏ mà người ta gọi là trọt.
Nơi gia đình chị ở không phải là nhà, mà là lều. Túp lều gồm 12 cột gỗ bạch đàn chỉ to bằng cẳng chân, phân bố thành ba hàng – một hàng giữa, hai hàng hai bên - chống đỡ hai mái tranh, che một diện tích khoảng trên 20 m2. Vách tráp bằng tôn rách; cửa ra vào có 2 cái: một cái để ra vào lều và một cái hẹp hơn để ra vào bếp - nói là cửa nhưng chỉ là những khung tre tráp phên đan bằng nan tre trét thêm cứt trâu trộn đất. Nền đất nện, không bằng phẳng, sủi bụi bột nhiều do gà bươi, chó mèo cào.

Chị ở với bố mẹ chồng già và 2 cậu con trai.
Ông bố tương đối còn khỏe, dù tóc đã bạc nhiều, ít khi được chải, nằm sợi ngược sợi xuôi; da sẫm màu do nắng nhuộm vì ông ít mặc áo và quần dài. Việc của ông thường ngày là cuốc xới những khoảnh đất thịt pha cát xung quanh nhà để, tùy theo mùa, trồng cây lương thực, cây hoa màu dùng trong gia đình và, nếu dư, con dâu của ông – chị Hiếu - đem xuống chợ bán kiếm thêm tiền chi tiêu. Khổ nỗi là vùng đồi này kết cấu địa chất thế nào mà diện tích đất thịt pha cát quá ít trong khi đó diện tích đất sỏi đá lại nhiều. Tội nghiệp! Ông ăn uống không đủ no, vì thế lúc lao động, ông giải lao không biết bao nhiêu lần trong một buổi, vào nhà kiếm trong soong, trong nồi xem còn sót gì bỏ vào mồm cho đỡ thèm khát. 

Còn bà thì nằm liệt mấy năm rồi - liệt hai chi dưới. Hai chi trên cử động tốt, quờ quạng liên tục đuổi mấy con ruồi cứ bâu vào người bà – lũ ruồi bị quyến rủ bởi mùi tanh tao nơi bà vì không ai rảnh và chịu khó lo vệ sinh cho bà kỹ lưỡng.
Đầu óc bà còn minh mẫn, ai nói gì bà cũng nghe, cũng hiểu; thế nên bà mới khổ tâm ngoài khổ thân.
Do bộ phận tiêu hóa còn tốt, bà rất thèm ăn uống; hễ nghe tiếng động, bà cứ đoán chừng ai đem gì đến cho ăn, rồi nuốt nước miếng ừng ực, trông rất đáng thương!

Hai đứa con chị - đứa lớn 18 tuổi, đứa nhỏ 16 tuổi. Hai cháu không được học hành; nơi ở và trường học quá xa, đi lại khó khăn; hơn nữa, nếu chúng đi học, chị một mình xoay xở làm sao để nuôi sống năm miệng ăn trong gia đình.
Hai đứa giữ một đàn bò khoảng 20 con; bò không phải của gia đình mà của dân các vùng dưới xuôi nuôi mà không có đồng cỏ đem lên gởi.
Các vùng nông nghiệp ở đồng bằng đang thực thi chủ trương “dồn điền đổi thửa” để tạo những thửa ruộng có diện tích lớn. Người ta làm vậy để vừa phá bớt bờ vùng bờ thửa thêm đất gieo cấy, vừa dễ cơ giới hóa nông nghiệp; máy cày, máy gặt vào hoạt động, đỡ mất thời gian quay tới quay lui: Ngày xưa, mỗi đồng ruộng làng chia ra những tấm nhỏ vừa để công bằng trong việc quân cấp – phần ruộng của ai cũng có tấm tốt, tấm xấu, vừa dễ giữ nước, vừa dễ cày bừa bằng trâu bò, vừa có nguồn thức ăn cho trâu bò vì nhiều bờ ruộng thì nhiều cỏ mọc. Hiện nay, bờ đê, bờ mương, bờ vùng, bờ thửa đều bê-tông hóa hết; đồng ruộng trông sạch sẽ, đẹp mắt, nhưng không còn diện tích cho cỏ mọc. Nuôi trâu bò không đưa vào rú gởi, để lại ở nhà thì biết lấy gì cho ăn và biết cho ăn ở đâu.
Hai đứa con chị Hiếu giữ bò, muốn nhận tiền hay nhận lúa từ chủ bò đều được. Trước đây chưa lâu, hai cháu giữ thuê được nhiều bò, thu nhập khá, cơm gạo mắm muối của gia đình hàng ngày không có chi trở ngại.
Mấy năm gần đây, nhà nước có chính sách giao rừng cho cá nhân hay hộ quản lý - rừng chỗ nào cũng có chủ; nghe nói, có người được giao cả vài trăm héc-ta. Những chủ rừng thuê người trồng cây keo tai tượng, cây bạch đàn. Thế rồi trâu bò cấm không được lai vãng ở các khu rừng trồng; diện tích chăn nuôi thu hẹp. Rừng trồng, tuy có cây cao, lại thua kém rừng tự nhiên về mặt giữ nước. Rừng tự nhiên chỉ phủ bằng những cây tầm thấp như sim, mua, móc, muồng, vậy mà giữ được nguồn nước cả năm; mùa hạn hán, một số vũng nước dưới các trọt không bao giờ khô, người ta gọi đó là những “giếng tiên”; trâu bò hay người đi rừng có thể dùng nước đó làm nước sinh hoạt. Khi rừng phủ bằng những cây trồng tầm cao như thông, keo tai tượng, bạch đàn..., những cái “giếng tiên” ấy biến mất; vào mùa nắng nóng khô hạn, người và trâu bò đi xa, khát nước, không biết uống chỗ nào; người ta kháo với nhau những giống cây ấy hút hết nước trong thiên nhiên. Không biết phải vậy hay không!

Chị Hiếu đóng nhiều vai trong gia đình: chủ nhà, con dâu, người mẹ và cả người cha. Mọi việc đè lên vai chị. Chị lấy chồng đã 20 năm – hai mươi năm quá gian truân vất vả đối với một thiếu phụ.
Trước năm 1972, gia đình nhà chồng ở tại một làng quê sát bên một thị trấn. Trong gia phả, chồng chị thuộc đời thứ 15 trong một họ mà tổ tiên đã đổ nhiều mồ hôi nước mắt, có thể cả xương máu để lập làng. Chắc chắn 300, 400 năm trước, làng không phải là một vùng đất sẵn ruộng, sẵn nương, sẵn đường, sẵn hồ ao, mà là một vùng hoang vu đầy chướng khí, đầy rắn rít, thú dữ. Tổ tiên bỏ công bỏ sức lao động để tạo cơ nghiệp cho con cháu về lâu về dài. Rủi là đất nước cứ chiến tranh liên miên, mỗi lần chiến tranh là một lần tản cư rồi hồi cư. “Dù đá có trôi, làng vẫn không trôi”, người xưa nói vậy để nhấn mạnh tính trường tồn của làng xã.
Năm 1972 ấy, bom đạn rơi trên đầu trên cổ, gia đình nhà chồng chị phải xuôi Nam tỵ nạn. Bom đạn tạm ngưng, ai mô ở nấy để chờ tổng tuyển cử bầu ra một nhà nước thống nhất; trong lúc chờ đợi, nương nhà ở làng bị một người khác chiếm ở. Năm 1975, gia đình về, người chiếm dụng nương nhà không chịu trả, lấy cớ đất đai ở đâu cũng của nhà nước, nương nhà này được nhà nước cấp cho họ rồi thì là của họ.
Nương cha nhà ông không còn, bố mẹ chồng lại chán ngán cảnh làm ăn hợp tác hóa. Người lao động tập trung ngồi chờ nhau trước khi ra đồng và sau buổi làm, nghỉ sớm tập trung lại một lần nữa bình chấm công điểm; thời gian bận rộn nhiều mà thời gian thực sự lao động ít; trong lao động, người bống lếu, nhờ lý lịch, nhờ thành phần gia đình, được cử ra chỉ huy người rành việc.
Ông bà xin phân công vào tổ chăn nuôi, vào vùng đồi cách 7, 8 cây số để dung thân cho “khuất mắt”; lao động trong tổ chăn nuôi khỏi phải chịu cảnh tập trung chờ đợi, tập trung bình điểm; mỗi tháng hợp tác xã khoán cho một số điểm nhất định.
Là một bộ phận của hợp tác xã nông nghiệp, tổ chăn nuôi có nhiều nhóm: nhóm nuôi heo, nhóm nuôi vịt, nhóm nuôi trâu bò. Nhóm nuôi heo và nhóm nuôi vịt ở lại làng; nhóm nuôi trâu bò phải lên rừng. Số trâu bò này hóa giá từ các hộ cá thể; hộ nào cũng tự nguyện nhận hóa giá; không nhận thì làm sao chịu nổi tiếng bấc tiếng chì của cán bộ, của quần chúng trong các cuộc họp diễn ra hàng đêm.
Giữ trâu bò hợp tác xã khỏe hơn giữ trâu bò thuê. Đàn trâu bò mấy trăm con thả rong giữa rừng cả ngày lẫn đêm, chúng đẻ thêm bao nhiêu con không ai kiểm, có con nào bị trộm cũng không ai hay.

Lúc vào vùng rừng này, chồng chị còn nhỏ - nhỏ nhưng cũng phải phụ với bố khai hoang đất trồng sắn trồng khoai. Sống tự cung tự cấp như người rừng, gia đình lâm cảnh khó khăn - có thứ này thì thiếu thứ khác.
Đến tuổi trưởng thành, chồng chị mua chiếc xe đạp về thị trấn đi xe ôm; tuy vất vả, nghề xe ôm mang lại “đồng vô đồng ra”; cuối ngày, anh mua được chút thịt, chút cá đem về bồi dưỡng gia đình.
Chị gặp anh trên một cuốc xe tới bệnh viện thăm ông bác ốm đang nằm điều trị. Hôm ấy, chị ngồi sau porte-bagages, hai chân xuôi về một bên, anh hì hục đạp, thế ngồi của chị làm cho xe mất thăng bằng, anh phải vừa giữ thăng bằng vừa đạp, mệt lắm mà xe vẫn tiến chậm. Anh tiêu tốn thời giờ nhiều, sức lực nhiều trong cuốc xe ấy, bù lại, anh có cơ hội cùng chị chuyện trò và tìm hiểu nhau. Mấy tháng sau, chị trở thành vợ của anh.
Thế là chị theo chồng đến làm dâu một gia đình trên đồi. Công việc của chị hàng ngày là thu hoạch hoa lợi quanh nhà hay từ nương rẫy. Mỗi buổi sáng, chị ngồi lên xe đạp để anh chở về chợ và trưa anh đến chợ, đón chị trở về nhà.
Rồi nhà nước đề ra chính sách mở cửa. Xe máy cũ loại Honda 78 nhập vào thị trường Việt Nam nhiều; giới xe ôm thay xe đạp bằng xe máy.
Đi xe đạp không có khách mà sắm xe máy thì không đủ tiền, anh chuyển sang nghề tìm đào phế liệu chiến tranh. Vùng rừng quanh nơi gia đình anh ở chỗ nào cũng thấy có mảnh bom, mảnh pháo; một ngày kiếm vài chục cân sắt vụn chở trên xe đạp về bán ở các đại lý dưới thị trấn, đối với anh, không khó khăn gì. Thu nhập bằng nghề lượm phế liệu cũng tương đương với nghề đi xe đạp ôm.

Một buổi sáng nọ, cúp, xẻng lên vai, anh đi men dọc cái trọt về hướng Tây; sương còn đọng trên cây cỏ; ánh mặt trời chiếu xiên sau lưng; chim chóc lũ lượt bay vút ra xa hay lên cao khi thấy bóng anh đến gần. Trước mặt anh khoảng 10 mét, một chú rùa bằng 2 bàn tay ghép lại từ dưới mương nước bò lần vào bụi cây, anh chạy tới, cúi xuống, vạch gốc bụi cây, cố bắt chú rùa. Lạ thay! Chú rùa mới đó mà đã đi đâu mất! Anh nhìn sâu vào bụi. Một quả canon 155 ly vàng óng ánh. Anh mừng quýnh; nghe nói trong quả đạn này có một ít vàng hay bạc gì đó rất có giá, còn trọng lượng sắt thép chưa kể nữa. Anh kéo quả đạn ra khỏi bụi, vác về nhà.

Hôm ấy, vợ anh - chị Hiếu - xuống chợ, bán mấy bó sả thu hoạch từ chiều hôm trước. Bố anh cặm cụi làm cỏ cho đám “ớt mọi” ngoài vườn; mẹ anh ngồi loay hoay nấu nước trong bếp. Anh tìm cái đe – một đoạn ngắn sắt đường rây xe lửa, đặt ra giữa sân, kê gác cẩn thận quả đạn lên, dùng cái cưa sắt đẩy qua đẩy lại trên thân quả đạn. Oằm! Một tiếng nổ vang động cả vùng rừng, một đám khói dày cuộn lên nghi ngút, thân thể anh tan nát, từng bộ phận rách tươm, đen ngòm, một vũng máu lênh láng giữa sân.
Trong bếp, mẹ anh té ngửa xuống đất, khóc la kêu cứu; một mảnh đạn nhỏ đã bay vào bếp, ghim vào ngang cột sống thắt lưng, máu chảy thành dòng từ vết thương.
Anh đã chết ngay trong tai nạn. Mẹ anh được số người đi rừng gần đó, nghe tiếng nổ, chạy đến võng đi bệnh viện cấp cứu. Lành vết thương, bà liệt hai chi dưới từ ấy.

Chị Hiếu góa chồng khi đứa con đầu mới 3 tuổi, đứa con thứ hai một tuổi.
Bây giờ, bố chồng đã già, mẹ chồng cũng già, lại thêm, nằm liệt 15 năm nay rồi. Mỗi buổi sáng, chị thồ một cái giỏ đựng khi thì mớ cà, mớ ớt, khi thì trái bầu, trái bí ..., về chợ cách 7, 8 cây số. Sau khi bán hàng xong, lúc nào chị cũng mua quà bánh về cho bố mẹ chồng. Chị xem việc bồi dưỡng bố mẹ chồng như trách nhiệm vừa của mình vừa thay chồng.
Đường từ nhà về chợ xuôi dốc; trên chiếc xe đạp cũ đi lúc sáng sớm, trời mát, chị không cảm thấy khó khăn gì. Đường từ chợ lên nhà trèo dốc; những ngày im mát, chị còng lưng đạp, chiếc xe cũng về thấu.



Hôm nay, trời quá nắng nóng; gió Nam Lào từng luồng đùa ngược trước ngực chị. Mồ hôi ra nhiều, mệt lả, chị phải nghỉ giải lao nhiều lần.
Chị có mua 4 chiếc bánh ít ram, khi mua, chị định: về tới nhà, sẽ mời mệ 2 cái, ông 2 cái.
Nhưng ở chặng nghỉ thứ nhất, chị đã ăn bớt một cái, bụng nhẫm: sẽ chia lại: mệ hai, ông một, cũng được.
Ở chặng nghỉ thứ hai, chị ăn thêm một cái, tự nhủ: chừ thì mệ một, ông một, rứa là công bằng.
Ở chặng nghỉ thứ ba, chị ăn thêm một cái nữa, rồi lầm thầm trong miệng: ưu tiên mệ một vì bệnh, còn ông đừng.
Thế rồi ở chặng nghỉ thứ tư, cầm lòng không đậu, chị ăn luôn cái còn lại, trịnh trọng tuyên bố trong suy nghĩ, nghĩa là tự mình mình biết tự mình mình hay: ai thì ăn mà ai thì không, thôi mệ đừng, ông cũng đừng.
Không còn đói nữa, chị rườn mình, đạp một hơi, xe về đến nhà. Bốn cái bánh ít ram làm chị khát khô cuống họng, dựng chiếc xe đạp trong tư thế xiêu vẹo, chị chạy ngay vào bếp, rót một ca nước chè đầy, ực một nghỉn.
Từ ngoài vườn, nghe con dâu đi chợ về, ông bước nhanh vào, tới ngay lu nước, rửa tay, còn mệ đang nằm, trở mình, ngoái cổ nhìn theo bước chân con dâu.
Không nghe con dâu nói gì, thất vọng, ông ngồi vào giường bên
 mệ, cả ông lẫn mệ chép miệng nghe rõ từng tiếng ...
26/11/2014











2 nhận xét:

Hoa Pham nói...

Bây giờ ở nước ta đâu có thiếu những gia đình như thế nầy.Vì nhiều nguyên nhân họ đẫy tới tận cùng của xả hội nên tấm lòng thành chai sạn....

Hoa Pham nói...

Bây giờ ở nước ta đâu có thiếu những gia đình như thế nầy.Vì nhiều nguyên nhân họ đẫy tới tận cùng của xả hội nên tấm lòng thành chai sạn....