Chủ Nhật, 28 tháng 12, 2014

Huế Là Duyên (Lai Kinh Du Học Ký) - Phần I - Lâm Khương Nhàn

                 Huế Là... Duyên
                       (Lai Kinh Du Học Ký)
                       Lâm Khương Nhàn

1.    Trúng Tuyển
Tôi  gắn bó với Huế bằng nhiều thứ duyên lắm: hạnh ngộ, ăn ở, học hành… và linh tinh làm sao kể cho hết- chỉ trừ việc không có duyên-nợ-ba-sinh với môt o Huế mỹ miều mà thôi.
Khởi đầu cho cái duyên ấy là cột mốc năm 1962, khi tôi đang là một cậu thanh niên học trò. Vừa tốt nghiệp xong bậc trung học, tuổi cũng sắp gần 20, trẻ trung và ắp tràn những ước mơ cùng hoài bảo- tôi như muốn tung bay thật cao, thật xa cho thỏa chí tang-bồng-hồ-thỉ như cụ Nguyễn Công Trứ vẫn thường phủ dụ chúng tôi trong những áng thơ văn và những chuyện kể về trận mạc oai hùng của người. Nhưng rồi, thực tình mà nói – đến giờ tôi không còn nhớ rõ ràng lắm về tại sao tôi có được tấm phiếu báo danh để đi dự thi vào Viện Hán học Huế.  Ai thông tin cho tôi, ai cung cấp đơn từ, lo hồ sơ thi cử ra sao…, và nhất là phòng thi, trường thi thuở đó… tôi không hình dung nỗi.
Đọc chuyện kễ của các anh Minh, chị Ngọc-Sương, chị Hồng Phi, anh Đức (cùng K2) về chủ đề nầy – tôi mới chợt nhớ lại và tự lấy làm thắc mắc vô cùng.  Có vì cái tuổi ngoại-cổ-lai-hi nầy làm mình lú lẫn rồi đó chăng?! Không vậy đâu – tôi vẫn còn nhớ ra rằng điều-mơ-hồ nầy có rất nhiều lần thuở tuổi trung niên tráng kiện tôi vẫn bế tắc như hôm nay, có điều không dịp bày tỏ cùng ai mà  thôi.
Lâm Khương Nhàn, một cậu học trò tỉnh lẻ - cha chỉ là một công chức trung cấp ngành y mà thôi lấy đâu mà quyền lực, danh vị đủ sức chạy chọt, ô dù nầy nọ. Tiền tài thì chẳng phải hàng đại gia mà hòng mua-quan-bán-tước… Tội lỗi biết chừng nào- và thật ốt-dột quá đi thôi cho ý nghĩ sằng bậy nầy. Tôi sực tỉnh và nhớ ra rằng tôi đi thi vào Viện Hán Học Huế, vốn là nơi cửa Khổng sân Trình để tu rèn học thuật và đạo đức căn cơ thì làm gì có chuyện lem-nhem-bê-bối-hối-lộ-tham-nhũng như ngày nay rải khắp nơi nầy, chốn nọ.
Tôi chỉ loáng  thoáng vài chi tiết, đại khái cùng lượt thi đó ở Trà Vinh  mà tôi quen biết, có 2 người cùng dự thi với tôi –Hai người nầy lớn tuổi hơn tôi, cùng tốt nghiệp trung học trước tôi một năm.  Đó là Lâm Khương Ninh, anh ruột tôi – và bạn của anh là Tăng Sãi Nam.  Hai anh nầy rớt cả, tôi đậu! Anh Sãi-Nam gốc người Tàu, có biết chữ Hán, được cộng điểm môn nhiệm ý mà cũng rớt là sao? Tôi không hiểu.  Tôi họ Lâm, nhưng mà là Tào-lao, có biết nhứt-nhị gì đâu, cái-duyên-cái-số đó chăng?! Sãi Nam thì tôi biệt tin tức; còn anh LK Ninh của tôi sau đó đường đường là Kiến trúc sư tại Saigon vào cuối thập niên 60. Và tôi còn được biết, sau ngày 30-4-1975, anh là một trong hơn 200 vị trí thức miền Nam được nhà nước cách mạng ưu ái cho về sớm để tiếp-tục-phục-vụ-đất-nước sau thời gian “được” cải tạo hơn một tháng gì đó.
Cũng vào thời điểm năm 1962 nầy, cả gia đình Ba tôi chuyển hẳn về Saigon sinh sống.  Chúng tôi trú ngụ trong một ngôi nhà tạm tại đường Dương Bá Trạc bên kia cầu chữ Y, quận 8- Saigon. Tiếng là  sống ở thành phố đô hội bậc nhất miền Nam lúc bấy giờ, nhưng thực ra vùng ngoại vi Saigon thời ấy còn lơ thơ, hoang sơ đậm-nét-đồng-quê hơn khu nhà phố chợ ở Trà Vinh trước kia, mà anh em chúng tôi vẫn còn nghe bùi ngùi thổn thức bị-buộc phải dứt rời ra đi… cũng là lúc tôi cầm tờ giấy báo tin, chuẩn bị ra xứ Huế nhập học khóa 4 Viện Hán Học.
Mừng vui lẫn lộn. Thỏa chí nam nhi phần mình, mà phải rời xa tổ ấm gia đình thân thương nơi cùng cha, cùng mẹ, cùng anh chị em tôi suốt gần hai mươi năm ắp tràn kỷ niệm đắng-cay-ngọt-bùi.

 (Còn tiếp)


Không có nhận xét nào: