Thứ Bảy, 6 tháng 12, 2014

Bến Nước Quê Tôi - Hoàng Đằng

Bến Nước Quê Tôi
Hoàng Đằng




Đa số các làng quê Việt Nam đều được lập gần một con sông. Người xưa làm như thế bởi vì đất đai những vùng gần sông do phù sa bồi lợp nên phì nhiêu, thích hợp với các loại cây trồng, việc mưu sinh bằng nông nghiệp dễ dàng. Gần sông, cư dân tận dụng được nguồn nước trong sinh hoạt và dẫn thủy nhập điền. Gần sông, việc người đi lại, hàng hóa vận chuyển thuận tiện; ngày xưa, đất rộng, người thưa, vùng hoang vu còn nhiều, đường bộ khó khai phá và nguy hiểm – nguy hiểm do thú dữ và nguy hiểm do cướp bóc.

Làng quê nào cũng có ba cảnh quan tiêu biểu. Đó là ngôi đình, cây đa, và bến nước.
Làng tôi cũng thế, nằm bên bờ Nam con sông Hiếu. Con sông có cái tên mang nội hàm đạo lý, tình cảm, ơn nghĩa. Trước năm 1306, sông Hiếu là biên giới giữa Đại Việt và Champa. Công Chúa Huyền Trân (1287 – 1340) vâng mệnh cha là Thái Thượng Hoàng Trần Nhân Tông, anh là vua Trần Anh Tông vượt sông vào lấy vua Champa là Chế Mân đổi lấy Châu Ô, châu Lý; con sông mang tên Hiếu Giang để ghi nhận tấm lòng của Công Chúa.

Làng ở ven sông thì phải có bến nước. Bến nước nguyên là những địa điểm ở bờ sông để lên xuống. Người ta đi nhiều lần thành một lối mòn.
Làng tôi có 2 bến nước: một bến trên làng, một bến dưới làng.
Bến trên làng ở gần lò rèn, nên được gọi là bến Lò Rèn. Lò rèn được Tổ Tiên cho bố trí ở gần sông để, nếu hỏa hoạn xảy ra, sẵn nước mà chữa lửa. Lò rèn đặt gần bến nước cũng còn có một lợi điểm nữa: khách đi lại đường sông muốn rèn dụng cụ có thể ghé thuyền vào đặt hàng.
Bến dưới làng nằm trước đình làng, nên được gọi là bến Đình. Ở đình, mỗi năm có hai lễ tế cầu “nhân an vật lợi” lớn: lễ Khai Hạ vào ngày 07 tháng Giêng Âm lịch và lễ Hội Đồng vào ngày 15/7/Âm lịch. Lễ vật, trước dâng cúng Thần Linh sau để dân làng hỉ lạc, có bò, heo, xôi ... Việc tể sanh và nấu nướng cần có bến để sử dụng nước.
Bến Lò Rèn ít người dùng hơn bến Đình, vì độ thoải ít, vực thẳm sâu, nguy hiểm, dễ gây chết đuối.

Từ xa xưa cho đến những năm đầu thập kỷ 1950, cả hai bến nước chỉ bằng đất mòn tự nhiên theo vết chân.
Khoảng năm 1956 hay 1957, dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa ở miền Nam, hai bến được cấp kinh phí đúc bê-tông, phân từng cấp rộng để dễ lên xuống. Cấp cuối cùng sát mép nước; người ta có thể ngồi thoải mái giặt quần áo, rửa rau, chà bắp ...
Ngoài nghề nông, phụ nữ làng tôi có nghề phụ là nấu bắp hầm và xôi bắp đem mời thị dân Đông Hà bữa điểm tâm, đổi lại đồng tiền chi tiêu mắm muối; bắp hột giống trắng, dẻo – gọi là bắp nếp - nấu chín với vôi, đựng trong rổ, nhúng xuống nước, chà xát cho vỏ tróc rồi đem về chế biến thành sản phẩm: bắp hầm hay xôi bắp.  Bắp là món ăn dễ tiêu, tốt cho sức khỏe, điểm tâm món bắp lại rẻ; thảo nào những gánh xôi bắp hay bắp hầm chưa trưa đã hết!




Bến nước còn là bãi tắm. Tắm sông thoải mái hơn tắm biển. Nước sông ngọt hoặc lợ không xót mắt như nước mặn của biển. Sông không có sóng to; tắm sông không bị sóng lớn dồi như tắm biển. Người tắm cứ lần bước ra xa, chân giẫm lên cát mịn, hai cánh tay dang ra, khua đẩy nước; cảm giác khoan khoái dâng tràn trong cơ thể.
 Dân làng tôi có người mỗi ngày tắm đến hai ba lần và nhờ tắm sông nhiều, ai cũng biết bơi lội.
Cảnh tắm sông trông rất hoang dại; từ nhà ra sông, đàn ông ở trần, chỉ cần mang cái quần cụt, xuống bến, cởi vắt quần cụt lên bụi dứa, lùm cây; những người biết e thẹn xòe hai bàn tay ra, bụm trọn “bộ đồ nghề” để che mắt những phụ nữ đang có mặt kế cận, thủng thẳng lội vào nước cho đến lúc chìm mình trong nước, hai tay mới buông ra; những người hoặc “lì” hoặc thích đùa thì vừa nhún nhẩy bước vừa hể hả cười, “đồ nghề” vắt qua vắt về, đập thình thịch vào hai bên háng. Mấy o kế cận giả bộ che mắt, ngoảnh mặt.
Bọn trẻ, mỗi lần tắm, thường chia phe đấu khoát nước. Nước tung tóe đập vào mặt, vào mắt; phe nào không chịu nổi thì đầu hàng. Trước đây, người ta cứ tưởng khoát nước chỉ là trò chơi của con trẻ. Nào ngờ vào những tháng 5, 6, 7 năm 2014, nhà cầm quyền Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD 981 trái phép vào vùng lãnh hải đặc quyền kinh tế Việt Nam, tàu Kiểm Ngư và tàu Cảnh Sát Biển Việt Nam ra thi hành nhiệm vụ phản đối; nhà cầm quyền Trung Quốc đã đưa tàu lớn dùng vòi rồng mạnh phun nước cản trở tàu Việt Nam. Nhìn cảnh ấy, tôi mới ngộ ra rằng té ra nhà cầm quyền Trung Quốc đã đánh cắp sáng kiến trò chơi của trẻ làng tôi để dùng vào việc giành biển!!!

Bến nước còn là nơi đàn trâu về “mẹp” (nằm ngâm mình) nghỉ ngơi, ợ và nhai lại cỏ đã đưa vào bao tử cho nhẹ bụng để khi về chuồng ngon giấc ngủ ban đêm.
Bến nước với bầy trẻ vừa tắm vừa đùa giỡn cùng đàn trâu “mẹp,”  đầu trồi, miệng nhai, thỉnh thoảng đuôi ngoắt lên khỏi nước, đập “sộp soạp” đuổi ruồi nhặng tạo thành một bức cảnh đẹp mà nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo đã đưa vào bản nhạc KHÚC HÁT SÔNG QUÊ: “...Cùng một bến sông con trâu đằm, sóng vỗ
Bầy trẻ thơ tắm mát giữa thượng nguồn.
Một dòng xanh trong trẻ mãi tới vô cùng
.”

Bây giờ, bến nước làng tôi không còn nữa. Sông đã bị ô nhiễm nặng; nước sông không còn dùng được; không ai xuống bến làm gì. Bến đúc bê-tông qua thời gian cũng đã gãy vỡ.
Lớp trẻ làng tôi hiện thời ít đứa biết bơi. Ở thành phố Đông Hà, bể bơi có đó; nhưng muốn dùng phải nộp lệ phí, phải sắm áo quần bơi, phải có phương tiện đi lại... Khó quá đối với một vùng nghèo - quê không ra quê, phố không ra phố - như làng tôi mà người ta đặt cho cái tên “Làng Giữa Phố” nghe khá khôi hài.
Đôi khi, tôi còn nghĩ dại. Nước sông không dùng được vì ô nhiễm, giếng đào không còn vì bị lấn, lấp dành tí đất dựng nhà. Nếu như nước máy, vì một lý do gì đó, ngưng cung cấp một thời gian dài thì miềng mần răng đây hè!

Hoàng Đằng
06/11/2014












Không có nhận xét nào: