Câu Chuyện Con Ngỗng Cô Đơn
Truyện ngắn đào anh dũng
Tạp chí Văn Hữu, số 25, mùa Hạ 2014.
Trời đã nhá nhem tối, ông rửa đống chén bát, bà đứng bên phụ lau khô, bỏ vào tủ. Mắt ông lơ đãng ngó qua cửa sổ nhà bếp, nhìn đám rau cải của ông bà hàng xóm sau nhà, mới đó mà chúng đã xanh um, nào cà chua, nào hành tây, nào xa-lách... Ông bỗng thấy một cô hay chú ngỗng đang đứng lang thang bên đám xa-lách, quay sang hỏi bà:
“Lạ kìa, sao lại có một con ngỗng đứng một mình giờ này?”
Bà nhướng mắt, nhìn theo hướng tay của ông, trả lời:
“Loài ngỗng đi đâu cũng có cặp, có đôi, thương nhau suốt đời. Tui chắc con kia đã bị xe đụng chết rồi!”
Xuân đã về mấy tuần nay, đàn ngỗng di cư đã trở lại hồ nước trong công viên gần xóm, nghênh ngang băng qua đường, bất chấp xe cộ qua lại, làm nghẽn lưu thông. Người dân xứ này yêu thú vật, ngừng xe, nhường đường cho rùa, ngỗng, vịt, sóc, thỏ, gà tây... Vậy mà đã xảy ra vài tai nạn. Ông thầm nghĩ, nếu ở bên nhà thì chúng đã vào bụng thiên hạ từ khuya rồi, có đâu mà ...
“Thấy đó! Ngỗng là gia súc mà chúng nó chung tình như vậy, còn mấy ông thì... Bởi vậy, tui nói không có về Việt Nam một mình!”
Dòng suy nghĩ của ông bị câu nói hơi gắt ấy ngắt đứt đoạn. Ông cười thầm, không lạ gì những câu “răn đe” thời này của quý bà vì đã có vài xì-căn-đan “trâu già gặm cỏ non” trong cộng đồng người Việt ở địa phương này rồi. Ông vội lảng sang chuyện khác, chuyện này cứ phải nghe hoài, chán chết!
Chiều hôm sau, cũng đang lúc rửa chén bát, ông thấy con ngỗng vẫn ở chỗ cũ nên hỏi bà:
“Sao lạ quá, con ngỗng vẫn đứng đó!”
Bà cười, trả lời:
“Hồi sáng tui cũng thấy vậy nên hỏi bà Rosie rồi. Bả nói đó là con ngỗng cao-su bả mua để dọa mấy con sóc, con thỏ không dám phá đám rau cải đó mà...”
“Vậy mà bà giấu kín, không nói cho tui biết.”
Bà nguýt ông một cái, dài như cái đuôi con sóc đang tung tăng trên hàng rào.
“Để đó cho ông thấy mà nhớ đó chứ!”
Mắt nhìn con ngỗng cao-su, ông giả lơ, ngẫm nghĩ, đời này có biết bao trường hợp “thấy vậy chứ không phải vậy.” Cỏ non đầy đồng, “trâu già” nào mà không thèm chảy nước miếng. Nhưng trâu đang mê muội, làm sao trâu biết đó là cỏ gai, cỏ mật hay cỏ đắng? Chúng cũng có thể là cỏ cao-su, loại cỏ người ta dùng lót sân đá banh. Nghĩ đến đó, ông không kềm được nụ cười, nhớ đến câu nói của ai đó, “Hạnh phúc ở trong tầm tay ta.” Rồi ông nhìn bà, chợt nhận ra đời mình khá may mắn. Ông bỏ cái chén xuống, không màng đến tay mình đang ướt sũng, ông bóp nhẹ vào mông bà một cái để làm hòa, làm bà giật mình, nhảy thót, la lên:
“Quỷ nè! Cái tay ướt mem, làm dơ quần người ta rồi!”
Nhưng ông không ngừng lại, choàng tay ôm vai, kéo bà vào lòng. Bà ngả vào vai ông, nũng nịu nói:
“Dữ hôn! Lâu lắm mới có tình tứ một chút đó nhen!”
đào anh dũng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét